Nhận xét về Tuyển Tập I “Tin Và Sống”.

Nhận xét về Tuyển Tập I  “Tin Và Sống”.

Ghi nhận của : Đoàn Thanh Liêm

 

Tôi đã nhận được một số cuốn “Tin Và Sống” – Tuyển tập I, được phát hành vào đầu tháng 10/2010.

Sau khi đọc qua, tôi có một số nhận xét sơ khởi như sau :

1/ Về hình thức trình bày và ấn loát.

Tương đối sách được in ấn đẹp đẽ, nhưng khổ chữ nhỏ mà chừa lề ít quá, và lối đóng gáy sách coi bộ không được chắc chắn. Nếu so sánh với các sách do Tủ sách “Tiếng Quê Hương” và của Nhà xuất bản “Người Việt” mà đem in ấn tại Đài Loan với bìa cứng và khổ chữ 12, fons chữ sắc nét hơn, thì TVS rõ ràng là thua kém, không hấp dẫn bằng. Điển hình như cuốn “Hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc” (2 tập) do nhà xuất bản Người Việt vừa mới cho phổ biến 10/2010 và cuốn “Viêt nam trong Chiến tranh Tư hữu” của Cựu Thẩm phán Nguyễn Cao Quyền do Tiếng Quê Hương vừa cho trình làng 10/2010.

 Tôi không biết giá cả in ấn TVS kỳ này ra sao, nhưng tôi có dò hỏi nơi hai nhà xuất bản nói trên, thì họ cho biết là bình quân giá thành mỗi cuốn 4-500 trang chỉ vào cỡ 4.00$. Xin tùy anh chị em trong Ban phụ trách quyết định về việc này, sau khi đã tham khảo về giá cả tại các cơ sở in ấn khác nhau.

2/ Về nội dung.

Tuyển tập gồm rất nhiều bài do các tác giả khác nhau đóng góp. Về số lượng, đó là ưu điểm. Nhưng ban chủ biên hầu như để y nguyên các bài viết, mà không có sự biên tập (editing) sửa chữa hay bổ túc, nên cuốn sách không có được một bố cục chặt chẽ theo một chủ đề rõ nét, khiến người đọc khó theo dõi. Đúng ra trước mỗi đề mục, thì nên có một bài giới thiệu tóm lược một vài ý chính trong các bài được gom trong mục ấy, cụ thể như  trong 3 mục : Trung tâm Phục Sinh, Câu Lạc Bộ Phục Hưng, Tu Viện Mai Khôi, thì ít nhất phải có 1-2 trang giới thiệu tổng quát về các bài trong mỗi mục.

Còn riêng mục “Xã Hội Dân Sự” của tôi, thì lại có nhiều bài không trực tiếp bàn về XHDS, nên thiếu tính cách nhất quán của một chủ đề.

Tóm tắt lại, cuốn tuyển tập đầu tiên này đã là một cố gắng đáng kể của nhóm Tin Và Sống, mà vừa mới quy tụ lại với nhau qua các cuộc trao đổi trên internet, nên chưa có sự thông hiệp ăn ý chặt chẽ với nhau như trường hợp các hội đoàn bình thường vốn có nhiều cơ hội gặp gỡ, thảo luận trực tiếp và thường xuyên với nhau trong một thời gian lâu dài.

Như vậy, cuốn sách vẫn có giá trị đối với các thành viên và thân hữu, nhiều hơn là đối với công chúng vốn xa lạ với các sinh hoạt của hai nhóm “Phục Sinh” và “Phục Hưng” của anh chị em chúng ta. Do đó, tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải trao đổi thảo luận thêm, để rút kinh nghiệm về việc xuất bản các tuyển tập tiếp theo nhằm phổ biến rộng rãi trong công chúng, nhất là cho giới trẻ trong đại gia đình công giáo Việt nam ở trong cũng như ngoài nước./

 

California, tháng Mười 2010

Đoàn Thanh Liêm