Những Điểm Cơ Bản Về - Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

(Trích Bản tin Ultreya Giáo Phận Orange, tháng 5 năm 2010)

Thật rất khó khăn để nói về những điểm cơ bản của Học thuyết Xã hội Công giáo trong mấy trang giấy. Chúng tôi cố gắng ghi lại làm 3 bài, mỗi bài gói ghém 4 chương sách. Trong bài này sẽ đề cập tới: nền nhân bản, sứ mạng của Giáo hội, con người và nhân quyền, và các nguyên tắc của HTXHCG.

PHẦN I

Chương I: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại

1. Thiên Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ và dựng nên con người. Đức Giêsu Kitô hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Ngài nối lại mối tương quan giữa Thiên Chúa với loài người và muôn vật. Ngài mạc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lời nói và việc làm, bằng cái chết và sự sống lại để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

2. Giáo hội tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo như một đoàn dân lữ hành, dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô. Giáo hội cống hiến học thuyết xã hội cho những người bạn đồng hành với mình, là mọi người hôm nay. Khi khám phá ra mình được Thiên Chúa yêu thương, người ta mới hiểu được phẩm giá siêu việt của mình, Tình yêu Kitô giáo sẽ đưa chúng ta tới chỗ tố cáo, đề nghị và dấn thân vào những dự án văn hoá và xã hội; tình yêu này thúc đẩy sự hoạt động tích cực để tất cả những ai thành thật coi trọng ích lợi của con người đều muốn góp phần.

Chương II: Sứ Mạng của Giáo hội và Học thuyết Xã hội

1. Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Với giáo huấn xã hội, Giáo hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội.

2. Học thuyết xã hội của Giáo hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”, và học thuyết ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Học thuyết xã hội của Giáo hội ban đầu không được dự tính là một hệ thống quy củ, nhưng được thành hình theo dòng thời gian, qua nhiều lần can thiệp của Huấn Quyền trước các vấn đề xã hội. Bởi đó, học thuyết xã hội của Giáo hội mang bản chất thần học, chính xác là thần học luân lý, “vì đó là học thuyết nhằm hướng dẫn cách cư xử của con người”.

3. Học thuyết xã hội của Giáo hội đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống Giáo hội. Đức tin và lý trí diễn tả hai con đường nhận thức khác nhau của học thuyết xã hội Công giáo: đó là mạc khải và bản tính con người. Học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ tận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể chúng xuất phát từ nguồn gốc nào, và học thuyết này mang chiều hướng liên ngành rất quan trọng. Trên hết, phải kể đến sự đóng góp rất thiết yếu của triết học. Sự đóng góp này được thể hiện qua việc học thuyết xã hội của Giáo hội thường hay lấy bản tính con người làm nguồn gốc và dùng lý trí làm con đường nhận thức của chính đức tin. Nhờ biết cởi mở với các ngành kiến thức khác một cách chăm chú và bền bỉ mà học thuyết xã hội Công giáo mới càng thêm đáng tin, cụ thể và thích đáng. Bao lâu còn là một phần trong giáo huấn luân lý của Giáo hội, bấy lâu học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ có cùng phẩm giá và thẩm quyền như giáo huấn luân lý của Giáo hội.

4. Chủ thể đầu tiên tiếp nhận học thuyết xã hội của Giáo hội chính là cộng đồng Giáo hội với tất cả mọi thành viên, vì ai ai cũng có những trách nhiệm xã hội cần phải chu toàn. Học thuyết xã hội này cũng hàm chứa những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội, tức là những bổn phận chính trị, kinh tế và hành chính “ những bổn phận mang bản chất trần thế “. Học thuyết xã hội Công giáo luôn được ánh sáng ngàn đời của Tin Mừng hướng dẫn và luôn quan tâm tới sự tiến hoá của xã hội, nên nó có đặc điểm là vừa liên tục vừa đổi mới. Học thuyết xã hội của Giáo hội được giới thiệu như một “địa chỉ làm việc”, tại đó công việc vẫn đang tiến hành, chân lý ngàn đời vẫn đang thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ ra những con đường dẫn tới công lý và hoà bình.

5. Để trả lời cho vấn nạn xã hội nghiêm trọng đầu tiên, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ban hành Thông điệp xã hội đầu tiên là “Rerum Novarum”(Tân Sự). Thông điệp này trở thành văn kiện thôi thúc các Kitô hữu hoạt động trong lĩnh vực xã hội và trở thành điểm tham chiếu cho các Kitô hữu khi hoạt động.

Chương III: Con Người và Nhân Quyền

1. Con người có hai đặc điểm khác nhau: là hữu thể vật chất có liên quan với thế giới này qua thân xác mình, và là hữu thể thiêng liêng, mở ra với siêu việt. Giáo hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo. Thật vậy, toàn bộ học thuyết xã hội Công giáo chẳng qua chỉ là sự triển khai nguyên tắc: con người có phẩm giá bất khả xâm phạm. Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người.

2. Cảnh tượng tuyệt vời mô tả con người được Chúa tạo dựng không thể tách rời khỏi sự xuất hiện bi đát của tội nguyên tổ (original sin). Khi lần tới tận gốc các chia rẽ của cá nhân và xã hội, đang xúc phạm tới giá trị và phẩm chất của con người ở những mức độ khác nhau, chúng ta luôn thấy có một vết thương nằm trong nơi sâu xa nhất của con người. Mầu nhiệm tội được cấu thành bởi một vết thương hai mặt, mà tội nhân bộc lộ nơi mình, cũng như thể hiện ra trong quan hệ với người thân cận. Ngoài ra, có một số tội do chính đối tượng của chúng là những hành vi trực tiếp xúc phạm đến người thân cận. Những tội đó đặc biệt được gọi là tội xã hội (social sin). Giáo lý về tội nguyên tổ, cho biết tội mang tính phổ quát, có nền tảng rất quan trọng. Tuy nhiên, không được tách rời giáo lý về sự phổ quát của tội với ý thức về sự phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

3. Một xã hội công bằng chỉ trở thành hiện thực khi được xây dựng trên việc tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Con người là mục tiêu tối hậu của xã hội; xã hội được tổ chức là nhắm tới con người. Không thể lấy con người làm phương tiện để thực hiện các dự án kinh tế, xã hội hay chính trị, những dự án do một chính quyền nào đó áp đặt. Tự do không phải là một điều gì ngược với sự lệ thuộc vào Thiên Chúa của con người, trong tư cách là một thụ tạo. Muốn thực hành đúng đắn sự tự do cá nhân, con người cần có những điều kiện đặc biệt liên quan đến trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hoá. Tự do tôn giáo là một phần tất yếu của phẩm giá con người.

4. Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người. Nguồn gốc sau cùng của các quyền con người không phải ở trong ý muốn thuần tuý của con người, trong thực thể quốc gia hay chính quyền, nhưng là ở trong chính con người và trong chính Tạo Hoá. Quyền đầu tiên được nêu ra trong danh sách này là quyền được sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách bình thường. Phạm vi nhân quyền được mở rộng ra để bao gồm cả quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia. Tiếc thay, có một khoảng cách giữa “chữ viết” và “tinh thần” của nhân quyền.

Chương IV: Các Nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo

1. Những nguyên tắc trường tồn của học thuyết xã hội Công giáo chính là trọng tâm của giáo huấn xã hội Công giáo. Đó là những nguyên tắc: phẩm giá con người, đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của học thuyết xã hội Công giáo, đó là: công ích (common good), bổ trợ (subsidiarity)[1] , và liên đới (solidarity). Những nguyên tắc này diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin,

2. Nguyên tắc công ích: mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích. Ba yếu tố căn bản của công ích là: phải tôn trọng con người, phải đạt đến sự an lạc của xã hội, và phải kiến tạo hòa bình. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi “chung”. Bởi đó, công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tuỳ theo khả năng của mỗi người. Để bảo đảm công ích, chính phủ mỗi nước có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý.

3. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của học thuyết xã hội Công giáo. Dựa trên nguyên tắc này, mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) “ tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển “ các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Nhờ nguyên tắc bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia (participation), được thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân “trong tư cách cá nhân hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện “ góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên.

4. Sự liên đới[2] làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn. Những mối quan hệ mới mẻ về sự lệ thuộc nhau, giữa các cá nhân và các dân tộc, mới là những hình thức liên đới trong thực tế; cần phải được biến thành những quan hệ nhằm tạo ra sự liên đới đích thực trên bình diện đạo đức xã hội. Nguyên tắc liên đới đòi hỏi con người hôm nay phải ngày càng nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên.

5. Công Bằng Xã Hội là một đòi hỏi khẩn thiết. Để đạt mục tiêu, cần phải cải tổ đời sống kinh tế, xã hội và mọi người phải đổi mới tâm thức và thái độ của mình. Không kể những nguyên tắc phải dùng để hướng dẫn việc xây dựng một xã hội cho xứng với con người, học thuyết xã hội Công giáo còn nêu ra các giá trị căn bản là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương.

Tóm lại, Học thuyết Xã hội Công giáo lấy Thánh Kinh làm chỉ nam, lấy Con Người làm cứu cánh; nguyên tắc hành động là công ích, bổ trợ, tham gia và liên đới, và căn bản đời sống dựa trên sự thật, tự do và công lý.

Kỳ tới: Các chủ đề Gia Đình, Lao Động, Kinh Tế và Chính Trị.


[1] Còn gọi là hỗ trợ hay phụ túc

[2]
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.