Mùa Chay Giữa Rừng



Chúng tôi tập làm phó tế bất đắc dĩ giữa rừng... cùng nhau dâng lễ và "bẻ bánh" …

Hơn 30 năm trước, chính xác là gần 35 năm, ngày 1-6-75, chúng tôi – cấp úy – được "mời" đi trình diện học tập 10 ngày. Tôi khăn gói lên đường chở theo bà xã trên chiếc xe đạp mini từ Thủ Đức lên Chợ Lớn đường dài 20 cây số để trình diện tại Trường tiểu học Nguyễn Lâm. Buổi chiều hôm ấy trời âm u lạ. Tôi xách túi ba lô trong đó đựng ít thức ăn, một chiếc áo len, một chiếc võng vải dù, vài bộ quần áo lót … bước vội thật lẹ vào sân trường trình diện. Tôi chẳng dám ngoái cổ nhìn lại người vợ trẻ mới hai mươi sáu xuân xanh chắc đang thẫn thờ nhìn tôi bước vào trường học. Chỉ có 10 ngày thôi mà em! Anh sẽ về trồng rau, nuôi cá, và nếu được thì xin đi dạy lại … làm cái nghề gõ đầu trẻ vô thưởng vô phạt đó mà em!!! Ráng ở nhà trông chừng hai con còn bé dại.

Chúng tôi được xếp vào ngủ chung trong một lớp học. Chuyện ăn bờ nằm bụi đã quen của cuộc sống quân ngũ cũng như sinh hoạt thanh niên đối với tôi thì nằm ngủ trong một lớp học như vầy còn phong lưu chán, chẳng có gì là gian khổ. Đêm hôm đầu tiên xa nhà để "đi học tập 10 ngày" sau lớp đàn anh cấp tá "đi một tháng" trình diện tại trường Chu Văn An, đám sĩ quan cấp úy chúng tôi chẳng ai nói với ai coi bộ mừng thầm trong bụng. "Chỉ có 10 ngày thôi mà!" Đêm hôm đó chúng tôi bị đánh thức lúc 12 giờ, lùa lên một chiếc xe nhà binh; A! không phải, hình như là một chiếc molotova thì phải. Chiếc xe bỏ bạt bít bùng rời thành phố. Hai vệ binh trẻ măng ôm hai khẩu AK ngổi gác cuối xe. Hỏi đi đâu vậy? Trả lời, "Không biết!"

Hừng sáng, chuyến xe dừng bánh sau nhiều giờ nhồi lên, nhồi xuống, lặn hụp giữa một cánh rừng âm u hằn dấu vết xe bò quanh co khúc khuỷu giữa rừng le (những bụi tre nhỏ) rậm rạp chen lẫn những trảng cỏ tranh và rừng cây dầu cao vút thẳng tắp. Bọn tôi được thả xuống giữa rừng. Phần lớn chẳng biết đó là đâu. Có tiếng nói: Tây Ninh, Lộc Ninh, Mỏ Vẹt, Cam-pu-chia, … Tôi tìm một chỗ có hai thân cây nhỏ để giăng võng ngả lưng không quên trùm chiếc poncho lên trên để khỏi ướt sũng sương đêm hoặc mưa gió bất tử.

… Mười ngày trôi qua.

Một tháng trôi qua.

Ba tháng trôi qua.

Chúng tôi chặt cây làm nhà, đào giếng, nhưng chưa ai được trồng rau, trồng đậu. "Đã bảo ba tháng rồi về mà! Trồng cái gì hả?"

Tiếng con tắc kè mỗi ngày, mỗi buổi chiều đâu đó vang lên đều đặn như nhắc nhở chúng tôi một thứ âm thanh quen thuộc: "Tắc kè!". Nhưng bọn tôi thì lại nghe như lời nhắn gửi:

"Tết về!"

"Sắp về!"

"Chắc về!"

Nhìn cây rừng thay lá. Nhìn những cành hoa mai rừng len lỏi giữa hàng vạn thứ cây cỏ với cánh hoa vàng to hơn cánh hoa mai thành phố, bọn tôi biết tết đã về và mùa xuân đã đến.

Tiếng tắc kè vẫn vang vang:

"Tết về!"

"Hết về!"

"Chết về!"

Ai oán và bi thảm. Nhưng cuộc sống vẫn trôi đi. Cây rừng vẫn có năm cho trái xoài rừng, trái bứa, trái gùi bám dây leo cao vút, có năm chẳng cho trái nào. Đặc biệt là quả lười ươi mà trời sinh mỗi trái nằm dưới một chiếc lá xanh như chiếc dù để sương đêm và mưa rừng không làm trái nở tung toe toét. Thật diệu kỳ thiên nhiên. Lần đầu tiên ai thấy cũng trầm trồ kỳ công của tạo hoá. Rồi chúng tôi cũng làm quen với những trảng tranh điểm lốm đóm những bông hoa hồng-đản-sâm đỏ chót, cánh hoa như hoa lan đất, nở cô đơn đỏ rực suốt một tháng giữa lớp cỏ tranh vật vờ trước gió. Củ hồng- đản-sâm y chang như củ cà rốt, màu vàng cam, to cỡ ngón tay cái và dài khoảng 15 phân. Chà, chà! Đây là một loại sâm quý. Mấy anh bạn người Hoa là những người đầu tiên biết đào thứ củ sâm này, phơi khô làm thuốc. Rồi khám phá những "cụ" hà thủ ô mà gốc sần sùi to bằng cổ tay, cổ chân, hoặc những dây thục linh vàng choé thơm lừng. Rừng sâm nhị hồng mọc la liệt như những bụi ngò gai dưới đất. Nhổ lên lấy rễ về phơi khô, tán ra pha nước uống, đâu có khác gì Gingsen Đại Hàn. Những cây mật nhân cao vút cành lá vươn lên đối nhau như nhưng cành rau ngót. Có điều lá mật nhân mặt trên xanh, mặt dưới hơi phơn phớt trắng. Củ mật nhân, không đúng, rễ mật nhân mới đúng, màu vàng thơm phức, thẳng tắp, không có rễ con. Mấy bạn dược sĩ đào lên đem về trại xắt nhỏ, nấu làm cao trừ bệnh ghẻ lở, thứ bệnh mà anh em chúng tôi mười người thì chín người mắc phải vì ăn uống thiếu dinh dưỡng. Tôi còn nhớ võ sĩ Judo vô địch thiếu niên Á Châu Nguyễn Xuân Kháng, cùng một khối với bọn tôi, bị gán cho tội "tập võ để oánh cách mạng". Anh không chịu được khẩu phần cải tạo bữa nào cũng đầy cá mối khô, nên mình mẩy mọc mụn trông như ai đó dán lên người anh một lớp hạt đậu nành. Xoè hai bàn tay như đang vốc một nắm đậu tương vàng khè. Nhớ anh Trương Quang Ngọc, thủ môn đội tuyển bóng đá quốc gia cao lêu khêu cũng làm thủ môn cho đội banh cải tạo, chiều chiều tập trung chia phe đá bóng bên ven rừng!

Đêm đêm thỉnh thoảng lại nghe tiếng hét của những người không quen nằm võng bị tê, trước là chân, sau là nửa người, rồi rớt bịch xuống đất. Rồi chúng tôi được viết thư, được chuẩn bị thăm nuôi. Biết chút ít về tin nhà. Biết chút ít về những đổi thay của gia đình, của thành phố, của người thân. Nhiều người chẳng muốn gia đình lên rừng thăm nuôi, vừa xa xôi trở ngại, vừa khiến gia đình lo lắng biết có đủ ăn không mà còn lo gánh gồng lên rừng nuôi cải tạo. Tôi cũng vậy chẳng muốn người nhà nheo nhóc lếch thếch bồng bế nhau trèo non lội suối lên rừng. Ấy thế mà cuối cùng ai cũng có người thân lên trại thăm nuôi.

Trong mớ hành trang gạo lức muối mè, thịt chà bông, lạp xưởng, hành tỏi, có những thứ chuẩn bị cho mùa Chay, mùa Phục sinh đầu tiên trong rừng. Vài gia đình mang theo "Bánh thánh", của ăn phần linh hồn. Bấm đốt ngón tay để tính ngày tính tháng. Buổi chiều hẹn nhau hai ba anh em ra hố bom B 52 tắm, nhưng ngồi bên bờ đọc kinh, nhớ gì làm nấy cứ như mỗi người là một "phó tế" chính hiệu. Cũng lâm râm cầu nguyện ... "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian ..." lập đi lập lại. Bánh Thánh được bẻ ra thật nhỏ. Phần còn lại gói vào khăn tay cất để dành ngày mai đi rừng ... dâng lễ và rước Mình Thánh tiếp.

Buổi tối lo phân công vào rừng công tác ngày mai, hẹn mấy anh em cùng chọn "lấy mây" hay vào rừng chặt tre cho ban đan hoặc cùng hẹn nhau vào nhóm "cải thiện" (hái) rau càng cua cho nhà bếp để có dịp cùng đi với nhau. Có khi hẹn nhau cùng đi tìm xich xe tăng về cho lò rèn làm dao, làm rựa, làm rìu, hoặc những thứ nhỏ hơn như dao cạo râu, kim may áo hay tìm nhôm làm lược, làm kẹp tóc cho "bu nó" ở nhà. Rau càng cua mọc dưới những lùm tre trong rừng cao hơn đầu gối. Chỉ quơ vài nắm là chặt bao cát. Đem về nộp nhà bếp hoặc sài riêng. Hai ba đứa vừa đi vừa "dâng lễ". Cũng đọc kinh Cáo mình, cũng Vinh danh. Rồi ai nhớ ít câu Phúc Âm nào thì đọc câu đó. Cũng may trong đám bạn tôi ai cũng là "đạo dòng", có ít anh dân Hố Nai, Xóm Mới nên kinh hạt thuộc ro ro!!! Rồi lại đóng vai "thày cả" hay "thày phó tế" đọc Kinh Truyền Phép thay cha và cùng hiệp lễ ... giữa rừng.

Đâu đó tiếng chim cú nghe tiếng chân người nên bay vút. Tiếng gà rừng xào xạc tháo chạy. "Bánh Thánh" lại được bẻ ra thật nhỏ. Dấu giếm y như sợ người Do Thái bắt gặp biết được việc "bẻ bánh" ngày nào trong Cựu Ước.

Lòng thanh thản. Chấp nhận cuộc sống lao động giữa rừng. Nhiều khi thinh lặng để lòng mình thanh thoát. Cuộc sống sao mỏng manh, nay còn mai mất. Giã từ những xa hoa, phù phiếm, những hằn học, tranh chấp. Mới hôm qua đây còn lo tranh giành nhau, hôm nay giữa cõi rừng mênh mông , bỗng thấy mình bé nhỏ. Cuộc sống thế đấy, trôi qua dù muốn hay không. Nhà cửa, xe cộ mà làm chi. Có lẽ chỉ còn lại tình người giữa thiên nhiên bao la , trời và đất. Mỏng manh thay cuộc đời. Nhớ lại những bon chen tranh chấp nhau từng tiếng nói trong cuộc sống ở thành thị mà thấy sao phù du quá. Âu cũng là giây phút hay hay của một giai đoạn trong 60 năm cuộc đời để biết sám hối, chọn cuộc sống nhẹ nhàng, bớt bon chen, giành giật, nhớ đến những người bạn mới quen gặp nạn giữa rừng mà sẵn sàng chia sẻ chiếc bánh thăm nuôi, chút muối mè, hay thịt con thỏ rừng mới bẫy được hoặc vài củ cải trắng mới trồng. Đôi khi chia nhau miếng cháy mà mấy "anh nuôi" cải tạo chia phần cho để nhâm nhi cho thơm bộ râu lâu ngày không cạo. Tình anh em thật thắm thiết.

Tiếng tắc kè vẫn vang vang mỗi trưa hè, nhưng lần này hơi khác: "Tốt về!" Bao giờ thì tốt đây. Quản giáo bảo "tốt về". Rồi bạn tôi bị thanh lọc. Có những anh vác chăn chiếu đi đâu biệt tích. Nghe nói ra Bắc. Có những anh sang trại khác. Có những anh từ trại khác tới. Có những anh sáng ra thấy mất biệt. A! Trốn trại rồi. Mấy anh ở Trảng Bom xuống mang theo ván ép, dây điện thoại để làm đàn ghi-ta. Từ đó bọn tôi có cái "dzụ" chiều chiều tụ tập đàn hát nghêu ngao.

Rồi trại kế bên nghe nói có anh Lương Tô, dạy học chung trường, ngã bệnh qua đời, xác vùi nông bên mé rừng. Trại khác có anh bị xử bắn vì bị gán cho tội "gián điệp", tiết lộ tin tức qua những lá thư nhà bằng cách dùng hóa chất trong củ hành để viết thư!!! Sự thật ra sao thì không ai dám nói.

Năm thứ ba, lai rai có người được cho về. Rồi chúng tôi cải tạo được học bài "Trung Quốc là người láng giềng xấu". Rồi Pol Pot tràn qua. Đang đêm chúng tôi được lệnh khăn gói lên xe. Kẻ về Hàm Tân, người xuống Hố Bò, người về Suối Máu. Bỏ lại phía sau giữa cánh rừng những lán trại, giếng nước, vườn rau lang lén trồng trong rừng để "cải thiện" cùng với tiếng tắc kè não nuột, đứt quãng: Tết về, Hết về, Chắc về, hoặc bi quan hơn: Hết về, Chết về... Rồi mỗi đứa mỗi nơi.

Hơn ba mươi năm sau lác đác chỗ này chỗ nọ còn nghe nói, còn gặp lại vài anh em học tập trên rừng Kà Tum năm ấy. Có điều những anh em cùng nhau "bẻ bánh" thì lại biệt vô âm tín. Từ anh đồ tể chuyên mổ heo gốc Phố Lai (Hố Nai) đến anh thợ rèn Xóm Mới hoặc anh công binh xây lò nướng bánh mì trong trại, ... chẳng còn mấy người. Nguyễn Trung Cang, người nhạc sĩ phòng trà chuyên hát cho giới trẻ ít năm vừa qua cũng đã về thế giới bên kia sau những năm được "tạm tha" trở về thành phố ca hát với thanh niên bụi đời Bình Triệu, Phú Văn. Trần Ngọc Trung, tay đờn ghita bài gì cũng biết. Anh chàng luật sư, thư ký toà án quân sự Cần Thơ này có cái tài bắt chước và kể chuyện. Anh có thể chơi bất cứ bản nhạc nào, từ đoạn nhạc mở đầu của VOA, BBC đến những bản vọng cổ rất mùi. Nghe bản nhạc nào vài nốt là anh biết ngay tên bản nhạc đó. Chiều chiều anh em quây quần quanh đống lửa nghe Ngọc Trung kể chuyện Cô Gái Đồ Long, Thần Điêu Đại Hiệp như nghe một cuốn phim lời thoại hấp dần. Hai ông bác sĩ cùng tên Hiếu: Một Hiếu Voi, mập mạp, sĩ quan quân y Thủy Quân Lục Chiến và một Hiếu Mù vì đôi mắt kiếng dầy cộm. Bác sĩ Hiếu Voi sau về làm ở Bệnh Viện Nhi Đồng 2. Còn bác sĩ Hiếu Mù, dân Thủ Đức, một cựu đoàn viên JEC, thân cao lêu khêu lúc nào cũng mang đôi guốc mộc, thì biệt vô âm tín. Nhớ anh Nguyễn Ngọc Phúc (anh em gọi là Phúc cao) cao lêu khêu. Anh vào rừng tìm được một mắt xích xe tăng và nhờ lò rèn trong trại đúc cho một chiếc rựa. Chiếc rựa bén tuyệt vời vì xích xe tăng toàn làm bằng thép thứ thiệt. Sáng nào anh cũng dắt chiếc rựa tòng teng ở ngang hông rồi vào rừng đốn cây theo chỉ tiêu "trên giao". Hình bóng anh cao lêu khêu, đội chiếc nón tự làm lấy rộng vành như một cao bồi chính hiệu. Bây giờ cũng chẳng biết ở nơi mô. Nhớ anh "gì gì ...Tuyên" giáo sư Anh văn. Anh có việc làm rất sớm: đó là dạy tiếng Anh cho mấy quản giáo. Trong khi anh em đi rừng thì anh ở nhà ngồi với "xếp" trong những căn chòi nhỏ ấm cúng mái tranh, vách sậy để tập "gút mọt ling!" (Good morning) cho quan lớn. Mấy anh dân Hà Lam Linh này đọc hoài không được chữ en-nờ nên coi bộ thày giáo Tuyên cũng hơi mệt. Bây giờ thì anh Tuyên đang ở bên Mỹ. Nghe nói anh là một mục sư nổi tiếng. Trong đám quản giáo có những anh fanatic thứ thiệt, như anh Lừng, nhưng anh chàng này không ở lâu. Cũng có những anh quản giáo đầy tình người như trung uý Đích. "Tớ thì chả thích gì cả! Một cút rượu và một miếng thịt cầy ... là xong!" Đời là thế. Nhưng nhớ nhất là anh Thiềng. Anh hay tâm sự, "Mấy anh về còn có gia đình, nhà cửa, công việc ... còn chúng tôi ... bàn tay trắng." Một hôm anh khoe mới mua được chiếc áo sơ-mi trắng. Anh hãnh diện coi như một thứ gì vô cùng quý giá. Có đêm mùa mưa, anh lội xuống trại kêu anh em cải tạo cuốn mùng mền đi theo anh. Ai cũng tưởng lần này là ra đi không về nên lo sốt vó. Nhưng anh rủ anh em vào rừng chặn mấy dòng suối bắt cá rô. Cá rô không biết từ đâu tràn về nhiều vô kể. Anh em dùng mùng bắt cá. Sáng ra anh cho mấy người ra xóm người thượng Kà Tum mua hành ngò tiêu tỏi về nhậu cá rô chiên. Tuyệt! Tuyệt! Nhờ mấy quản giáo chịu chơi này mà tiểu đoàn 2 tụi tôi không "khổ" như tiểu đoàn 3 kế cận. Bên đó phải cắt tóc ngắn, cấm nói chuyện với nhau. Áo có thêu tên. Và làm gì được ăn khoai lang nướng, ca hát nhạc vàng bên ánh lửa hồng bập bùng như bọn tôi mỗi chiều tối. Vậy đó, ai cũng có số cả!

Nhưng lời sám hối Mùa Chay giữa rừng của mấy anh em như vẫn còn vang vang đâu đó. Thật sự chúng ta đi tìm cái gì cho cuộc sống phù vân, tạm bợ này? Chức tước, địa vị, tiền bạc, vợ đẹp, con khôn hay tình nghĩa con người.

Mới ngày hôm qua đây, ngày 22-2-2010, tin trên mạng cho biết nhiều trường học do nhà thờ tổ chức (church-run school) thuộc một trong những bang nhìều dân Thiên Chúa Giáo nhất ở bắc Ấn Độ, Bang Meghalaya, đã quảng cáo hình Chúa Giêsu cầm lon bia và tay phải cầm điếu thuốc khói trắng bay lững lờ. Hình được in trong cuốn sách giáo khoa dạy cho trẻ em trong trường. Dĩ nhiên vị Tổng Giám Mục Shillong, Đức Cha Dominic Jala đã phải lên tiếng về việc này. Được biết ở đất nước mà Đạo Hindu là quốc giáo này có 2,3% người theo Thiên Chúa Giáo. Về quá khứ, khi toà Tháp Đôi Twin Tower ở New York bị khủng bố, rồi chiến tranh tràn qua Iraq (2003), rồi Jihad, rồi Thánh Chiến, đánh bom tự sát khắp nơi, có người đã hỏi "Có Chúa hay không? Và "Chúa có buồn không?" Sao con người tự do dữ vậy?

Còn nữa, Mùa Chay khởi đi từ trong các nhà thờ, nhưng từ những nơi các nhà thờ đó cuộc sống đạo đúng lời Chúa dạy đã có hay chưa và nếu có thì đạt được mức nào hay vẫn còn tham sân si tràn ngập ngay chốn "cửa nhà chung" giữa những người con Chúa? Phải sám hối đến bao giờ? 40 ngày hay 40 ngàn ngày!