Thanh Thiếu Niên Và Công Tác Xã Hội



Bài 1 – Việc trợ giúp nạn nhân Bão lụt ở Miền Trung năm 1964.

Năm 1964 vào tháng 10 và 11, có trận bão lụt rất lớn tại một số tỉnh Miền Trung, đặc biệt Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam là các nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Đáp ứng lời kêu cứu của các bạn hữu là nạn nhân từ các địa phương bị lụt, giới thanh niên, sinh viên, học sinh tại Saigon đã hợp tác chung với nhau nhằm ra tay tiếp cứu những bà con nạn nhân của trận bão lụt dữ dội này. Anh chị em lập ngay ra một tổ chức lấy tên là "Ủy ban Phối hợp Cứu trợ Bão lụt Miền Trung" và chia nhau đảm trách các công việc tùy theo khả năng chuyên môn của mình. Đây đúng là sự phối hợp của nhiều đoàn thể, tổ chức của giới thanh niên, sinh viên và học sinh các trường Đại học cũng như Trung học, với tổng số người tham dự lên đến hàng vạn người.

Bắt đầu là do sáng kiến của Tổng Nha Thanh niên do Ông Nguyễn Đình Tú làm Tổng Giám Đốc. Ông Tú kêu gọi các đoàn thể đến Nha Thanh niên để bàn thảo cách thức hỗ trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bão lụt. Và kết quả là Ủy ban Phối hợp đã được thành lập với sự tham gia tích cực của hầu hết các tổ chức tư nhân như Hội Thanh niên Thiện chí, Hội Hướng Đạo, ngành Nam cũng như ngành Nữ, Đoàn Sinh viên Phật tử, Đoàn Sinh viên Công giáo, Đoàn Thanh niên Chí nguyện, Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội, Đoàn Thanh niên Ích thiện, Tổng hội Sinh viên, Ban Chấp hành Đoàn sinh viên và học sinh các trường v.v… Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự quy tụ đông đảo của các tổ chức tư nhân của giới trẻ ở thủ đô Saigon, nhằm đóng góp vào công tác xã hội nhân đạo cấp bách tại một số tỉnh xa xôi ở miền Trung. Các bạn trẻ đã có dịp phát huy sáng kiến về mặt tổ chức sinh hoạt nội bộ, và phân công cho nhau đi quyên đậu sự đóng góp của bà con từ khắp các ngõ ngách của thành phố. Các nhà thờ, các chùa, các trường học đều mở rộng cửa cho đoàn cứu trợ mượn làm kho chứa gạo, quần áo, vật dụng và thực phẩm do đồng bào đích thân mang đến tặng cho Ủy ban Cứu trợ. Để tránh sự lạm dụng, Ủy ban không trực tiếp đứng ra nhận tiền bạc của bà con có nhã ý hiến tặng. Nhờ sự thận trọng đó, mà anh chị em thanh niên sinh viên, học sinh tránh được sự dị nghị, thắc mắc của một số người vốn có tính đa nghi đối với những cuộc lạc quyên công cộng.

Hồi đó ở Saigon, chưa có đài truyền hình. Cho nên sự vận động công chúng tham gia cứu trợ, thì hoàn toàn phải nhờ vào đài phát thanh và các báo chí, cũng như cơ quan thông tin địa phương của chánh quyền cấp thành phố, cấp quận xuống đến tận cấp phường khóm. Trên phương diện cấp bộ, thì Bộ Xã hội là cơ quan tập trung các tin tức về tình hình biến chuyển từng ngày, từng giờ tại các địa phương. Và trên nữa, thì có một cơ quan cấp liên bộ để phối hợp các hoạt động cứu trợ cho toàn thể các khu vực bị lâm vào cảnh cô lập, rất khó tiếp tế, bởi lẽ đường xá giao thông bị úng ngập không sao di chuyển dễ dàng được. Cho nên Ủy ban Cứu trợ của giới thanh niên phải làm việc ăn ý với các cấp chánh quyền ở địa phương, cũng như ở trung ương, thì mới có thể hoạt động có hiệu quả được.

Những phái viên của Ủy ban Phối hợp Cứu trợ được cử đến các tỉnh bị lụt, thì thường được sự cộng tác rất chặt chẽ và thân tình của các đoàn thể thanh niên cũng như của những cơ quan chánh quyền tại địa phương. Đặc biệt anh em chúng tôi lại được sự tiếp sức của các sinh viên Mỹ thuộc Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS = International Voluntary Service) vốn đã từng làm việc trong ngành giáo dục và canh nông tại địa phương từ lâu, nên họ đã giúp chúng tôi hết sức hiệu quả, bằng cách liên hệ với các giới chức người Mỹ để cung cấp phương tiện chuyên chở người, và đặc biệt là phẩm vật cứu trợ đến tận tay các nạn nhân bị kẹt tại các vùng bị cô lập lâu ngày, vì đường xá bị hư hỏng, xe bình thường khó mà di chuyển đến được.

Kết quả là trong 3-4 tháng cùng chung nhau hoạt động trong Ủy ban Phối hợp Cứu trợ này, anh chị em thanh niên chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều về các phương diện "đối nhân xử thế" đối với đồng bào tại các địa phương hẻo lánh, "về sự giao tế "với các cấp chánh quyền trung ương cũng như địa phương, và nhất là được "chứng kiến tận mắt nỗi khó khăn vất vả" của người nông dân tại các tỉnh miền Trung, vốn xưa nay là vùng đất khô cằn, mà "đất cày lên sỏi đá". Thế hệ chúng tôi lúc đó mới ở vào lứa tuổi 20-30, lòng còn đày nhiệt huyết, mà có dịp được sát cánh với nhiều bậc cha bác, các vị huynh trưởng ở Saigon, cũng như ở các địa phương nhằm cứu trợ những nạn nhân rất đông đảo ở các vùng quê bị bão lụt tàn phá, thì mở rộng được nhãn quan để hiểu biết xã hội đất nước và dân tộc của mình hơn trước đây chỉ có ru rú ở một nơi tiện nghi an toàn của thành phố thủ đô. Và chúng tôi cũng đón nhận được những tình cảm thân thương, chân tình và bền chặt của đồng bào các giới, đặc biệt là của bà con từ các miền quê hẻo lánh.

Rõ ràng là qua "chiến dịch cứu lụt" này, anh chị em chúng tôi đã trưởng thành, chin chắn, chững chạc hẳn ra. Và rút kinh nghiệm từ giai đoạn hoạt động xã hội nhân đạo thực tiễn này, vào đầu năm 1965, bọn chúng tôi lại dấn thân vào một số chương trình hoạt động có quy mô còn lớn hơn công việc cứu lụt này rất nhiều. Đó là "Chương Trình Công Tác Hè 1965" và "Chương Trình Phát Triển Quận 8 Saigon" cũng khởi sự từ năm 1965, mà người viết sẽ xin được trình bày chi tiết cặn kẽ hơn trong các bài sau./

Bài 2 – Chương Trình Công Tác Hè 1965

(Summer Youth Program 1965)

Phấn khởi với sự thành công của công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung vào cuối năm 1964, các anh chị em trong thành phần lãnh đạo chiến dịch này đã bàn thảo với nhau là cần phải mở rộng thêm khuôn khổ sinh hoạt và phục vụ xã hội của giới trẻ, đặc biệt là các sinh viên và học sinh còn đang theo học tại các trường ở khắp miền Nam. Vào năm 1965, thì đã có ít nhất 4 trường Đại học, đó là ĐH Saigon, ĐH Huế, ĐH Đalat và ĐH Vạn Hạnh và một số trường Cao Đẳng Kỹ thuật. Về bậc trung học, thì có đến vài ba trăm trường trung học công lập, cũng như tư thục. Và tổng số sinh viên và học sinh trung học trên toàn quốc cũng phải lên tới hàng mấy trăm ngàn người. Đó là một quân số rất lớn, mà các huynh trưởng này nhắm để tổ chức cho giới trẻ học đường có điều kiện gặp gỡ, vui chơi và hợp tác với nhau trong một tinh thần lành mạnh và xây dựng, trong ý hướng góp phần cải thiện môi trường xã hội về mặt vật chất, cũng như về mặt tinh thần, trong giới hạn khả năng hạn hẹp của mình. Việc làm như thế này, trên nguyên tắc, thì luôn được sự khuyến khích và hỗ trợ của các Bộ Giáo Dục, Bộ Xã Hội, và nhất là của Bộ Thanh niên.

Đó là đại cương sự suy nghĩ tính toán của những anh chị em cùng đứng ra thiết lập một chương trình hành động cụ thể, dành riêng cho giới thanh niên, sinh viên và học sinh tại miền Nam Việt nam. Và danh xưng chính thức của chương trình này đã trở thành : "Chương Trình Công Tác Hè 1965". Những huynh trưởng khởi xướng chương trình này đều đã ở vào lớp tuổi trưởng thành từ 21 đến 30 tuổi, phần đông đã tốt nghiệp đại học và đi dậy học. Họ cũng đã từng hoạt động lâu năm trong các đoàn thể như Hướng Đạo, Thanh niên Thiện chí, Sinh viên Phật tử, Sinh viên Công giáo v.v… Do đó mà họ rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức sinh hoạt cho giới trẻ như đi cắm trại, đi thăm các cô nhi viện, đi làm công tác thiện nguyện như sửa sang trường lớp tại miền ngoại ô hay miền quê, tham gia giúp đồng bào khai thong các khu phố bị lầy lội, ngập lụt v.v… Vì thế mà họ rất tự tin về nội dung các công tác sẽ đề ra cho Chương trình hè này, mà thường có sức lôi cuốn giới trẻ tham gia, nhằm mục đích phục vụ công ích cho đồng bào ở các vùng nông thôn hay ngoại ô nghèo túng.

Điểm thuận lợi khác nữa, đó là những người sang lập Chương trình này lại được sự hợp tác và hỗ trợ hết mình của tổ chức IVS (Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế). Vì IVS gồm các đoàn viên thiện nguyện còn trẻ, mới tốt nghiệp đại học, và đã từng hoạt động tại một số tỉnh ở miền Nam từ 5-7 năm trước, nên họ rất gần gũi gắn bó với giới sinh viên và thanh niên Việt nam. Sụ tham gia của IVS lại càng quan trọng, vì chính IVS đã vận động để cơ quan Viện trợ Mỹ cấp ngân khoản điều hành lên đến 25 triệu $ VN cho Chương trình. Cho nên có thể nói Chương trình Hè 1965 này là một thứ Dự án hơp tác (joint project) giữa IVS và Ban Điều Hành của chương trình.

Vì tính cách độc đáo mới lạ của cái "joint project" này, nên các Bộ bảo trợ lúc ban đầu tỏ ý e ngại, không dám quyết đáp trong việc chấp thuận cho phép Chương trình tiến hành hoạt động trên toàn quốc. Nhưng may, mà anh chị em lại biết đích thân xin được gặp và trình bày vấn đề với chính Vị Phó Thủ tướng đặc trách về Kế hoạch lúc đó là Luật sư Trần Văn Tuyên, thì cuối cùng mọi việc về phương diện hành chánh pháp lý đối với cơ quan nhà nước mới được giải quyết êm thắm tốt đẹp. Lý do Luật sư Tuyên dễ dàng chấp thuận Dự án này, đó là khi xưa vào hồi còn trẻ ở thập niên 1930, ông đã là một huynh trưởng trong Phong trào hướng đạo mới được thành lập ở Việt nam, cho nên ông nhận ra ngay tức khắc sự quan trọng và ích lợi của Chương trình Hè này. Và từ đó chính vị Phó Thủ tướng Chánh phủ đã ký giấp phép chấp thuận cho Chương trình này được phép hoạt động, và chỉ thị cho các Bộ liên hệ như Bộ Giáo dục, Bộ Thanh niên và Bộ Xã hội phải tích cực giúp đõ giới thanh niên trong các hoạt động lành mạnh và hữu ích như thế này.

Kết cục là trong mấy tháng hoạt động, Chương trình Hè 1965 đã gây được bàu không khí sinh hoạt rất là phấn khởi, náo nhiệt cho giới trẻ ở Saigon cũng như ở các tỉnh địa phương miền Trung, miền Nam cũng như tại Cao nguyên. Thường các bạn trẻ tổ chức gặp gỡ nhau qua các hình thức trại công tác kéo dài cỡ vài ba ngày, để cùng sinh sống chung với nhau, trao đổi kinh nghiệm công tác và sinh hoạt theo nhóm và đoàn thể ở địa phương, kèm theo các màn văn nghệ ca hát, đóng kịch. Và nhất là cùng nhau hoàn thành một công tác có ích lợi thiết thực cho cộng đồng địa phương, điển hình như tu bổ đường hẻm, khai thông cống thoát nước, sửa cầu bắc qua kinh rạch, sửa sang lớp học, làm nhà vệ sinh cho các học sinh ở địa phương v.v…Những trại công tác và sinh hoạt như vậy tạo cơ hội cho giới trẻ gặp gỡ vui chơi thân thiện với nhau, đồng thời cũng nâng cao tinh thần phục vụ xã hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần vào việc cải thiện môi trường sinh sống của bà con lối xóm, về vật chất cũng như tinh thần. Nói chung, thì những việc làm nhỏ bé, khiêm tốn, mà thiết thục như thế dễ gây được thiện cảm của bà con, cô bác ở các vùng nông thôn, cũng như tại khu vực ngoại ô thành phố.

Đáng kể nhất trong loại trại công tác này trong khuôn khổ của Chương trình Hè 1965 là một trại rất quy mô lấy tên là :"Công trường Thanh niên Tự do" (Liberty Youth Camp) được tổ chức vào tháng 10 năm 1965, tại xã Thạnh Lộc Thôn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Mục đích chính yếu của công trường này là xây dựng 200 căn nhà cho đồng bào tỵ nạn phải di tản từ vùng mất an ninh về khu ven biên Saigon-Gia định. Các trại sinh là đại diện của nhiều tỉnh tề tựu lại, cùng sinh hoạt và làm việc chung với nhau trong gần 2 tuần lễ, để thực hiện một " công trình đại quy mô này". Ban tổ chức còn có sáng kiến mời thêm được mấy sinh viên quốc tế có mặt ở Saigon lúc đó đến tham dự nữa.Tổng số trại sinh lên đến trên 200 người, có thể coi đây là một công tác tiêu biểu nhất trong bảng thành tích của chương trình vậy.

Với một số thành tựu như vậy, nên sau khi Chương trình Hè 1965 kết thúc vào cuối năm, thì kể từ năm 1966, Bộ Giáo Dục đã thiết lập một chương trình khác tương tự, lấy tên là " Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường", mà thường được viết tắt là CPS. Lúc đầu, CPS hoạt động cũng khá quy mô và lôi cuốn được sự tham gia hăng say của nhiều anh chị em học sinh, sinh viên trong một thởi gian mấy tháng. Nhưng về sau vì do Bộ Giáo dục trực tiếp quản lý và chỉ đạo quá chặt chẽ, gần như theo quy chế của một cơ quan hành chánh, không cho phép các huynh trưởng điều khiển chương trình được tự do phát huy sáng kiến của mình, nên nó đã không thể phát triển thoải mái, tự nhiên như là ở Chương trình Hè 1965, hay như tại Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon, mà sẽ được trình bày trong một bài sau./

Bài 3 – Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon

Khác với Chương trình Công tác Hè 1965, Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon đặt trọng tâm vào công việc phát triển cộng đồng tại một quận ven biên của thành phố Saigon, lúc đó quận này chỉ có dân số cỡ 150,000 người. Những anh em chủ trương thiết lập chương trình này, thì phần đông cũng đã từng tham gia với công tác cứu trợ bão lụt miền Trung vào cuối năm 1964, cũng như ít nhiều tham gia cộng tác với Chương trình Hè trong mấy tháng đầu năm 1965. Cho nên tuy đây là ba loại công tác khác nhau, nhưng cũng đều do giới thanh niên đứng ra khởi xướng và đảm trách, nên có thể nói được rằng cả ba chương trình hoạt động này đều là sự biểu lộ của tinh thần dấn thân nhập cuộc của giới thanh thiếu niên tại miền Nam Việt nam, hồi giữa thập niên 1960, với những công việc cụ thể, thiết thực nhằm phục vụ tầng lớp đồng bào kém may mắn nhất trong xã hội thời ấy. Anh chị em đều có một mẫu số chung, tức là đem hết tâm sức và khả năng hiểu biết của mình vào việc thực hiện được những việc có ích lợi rõ rệt cho quần chúng nhân dân, mà hiện đang phải sống trong những điều kiện rất khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt vật chất, cũng như tinh thần.

Trong khoảng tháng 5 và 6 năm 1965, một số chừng trên 15 anh em đã hội họp bàn thảo với nhau để lập ra một dự án công tác (project) nhằm phát động công cuộc phát triển tại một quận kém mở mang nhất tại Saigon, đó là quận 8 tọa lạc phía bên kia cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, giáp ranh với quận Cần Giuộc, Long An. Sau vài tháng miệt mài tìm hiểu tình hình tại chỗ và nghiên cứu soạn thảo, anh em đã hoàn thành được một bản dự án mệnh danh là " Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon " và đệ trình lên văn phòng Thủ tướng Chánh phủ lúc đó do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu, để xin duyệt xét và chấp thuận cho anh em được quyền cùng chung nhau thực hiện chương trình này.

Sau khi cứu xét, văn phòng Thủ tướng đã chấp thuận trên nguyên tắc mấy đề nghị ghi trong dự án, đại cương như sau :

1/ Chấp thuận cho hai người trong anh em là Hồ Ngọc Nhuận và Mai Như Mạnh giữ chức vụ Quận trưởng và Phụ tá Quận trưởng Quận 8.

2/ Cấp phát 10 triệu đồng VN để làm Quỹ Điều hành của Chương trình.

3/ Đặt Chương trình Phát triển Quận 8 dưới sự bảo trợ và kiểm soát của Đô trưởng Saigon (lúc đó là Bác sĩ Văn Văn Của) và Bộ trưởng Thanh niên (lúc đó là Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng).

Như vậy là chỉ có hai người trong Nhóm anh em trong Ban Điều hành Chương trình là viên chức cùa nhà nước mà thôi. Còn tất cả các anh chị em khác, thì đều là những thiện nguyện viên, không hề có giữ chức vụ gì trong guồng máy chánh quyền địa phương cả. Và sau một vài phiên họp với Tòa Đô chính và Bộ Thanh niên là hai cơ quan bảo trợ, để bàn thảo về các chi tiết thi hành dự án, thì anh chị em bắt đầu khởi sự kéo nhau xuống làm việc ở Quận 8, vào giữa tháng 8 năm 1965.

Phải thành thật mà nói, anh chị em chúng tôi đều có lòng hăng say, có thiện chí muốn phục vụ đồng bào, nhưng tất cả đều còn quá trẻ, mới ở vào lứa tuổi 20-30, làm gì có kinh nghiệm nào trong loại việc vận động quần chúng địa phương tham gia vào công việc cải tiến dân sinh. Vì thế, phải mất một thời gian dò dẫm, thăm hỏi các vị thân hào nhân sĩ, các vị tôn trưởng, các vị tu sĩ của các tôn giáo và nhất là các thầy cô giáo trong các phường khóm, thì lần hồi chúng tôi mới nắm bắt được cái phương thức sinh hoạt và làm việc với bà con trong cộng đồng địa phương. Nhờ thái độ khiêm tốn nhã nhặn trong cách giao tiếp với các vị tôn trưởng tại địa phương như thế, nên chúng tôi đã nhận được nhiều sự góp ý chân tình và thiết thực về tất cả những gì cần phải làm, cần phải chuẩn bị để có thể lôi cuốn, thuyết phục được người dân tích cực và phấn khởi tham gia vào các việc có ích lợi cho tập thể cộng đồng. Bắt đầu bằng những công tác đơn giản, nhỏ bé như sửa chữa đường hẻm, khai thông ngập úng, đặt đường cống thoát nước, tu sửa cầu tiêu công cộng v.v…Rồi lần lần tiến lên mời gọi bà con tham gia vào những công tác có quy mô lớn lao và phức tạp hơn, điển hình như chỉnh trang gia cư tại những khu ổ chuột, xây cất thêm trường lớp cho các học sinh có chỗ học vào các giớ mát mẻ, thay vì phải học vào ca buổi trưa nóng bức, bắc cầu qua các kinh rạch để bà con đi lại cho thuận tiện và an toàn v.v…Các dự án cải tiến nhỏ bé, đơn giản như vậy mà được bà con cùng góp công, góp vật liệu để cùng chung nhau thực hiện cho thành công tốt đẹp, thì có tác dụng tinh thần và tâm lý rất tốt, tạo thêm sự quen biết gắn bó, liên đới thân thương với nhau giữa các thành viên trong khu xóm, cũng như giữa bà con với cán bộ thiện nguyện chúng tôi. Và một khi đã có được sự tin tưởng của quần chúng địa phương như vậy, thì sự vận động cho những dự án tiếp theo sẽ dễ dàng êm xuôi hơn. Rồi qua năm 1966, thì chương trình đã mở rộng thêm sang các quận 6 và 7 nữa, với tổng số dân trong cả 3 quận là 500,000 người.

Nói cho ngắn gọn lại, qua thời gian cộng tác mật thiết với bà con ở các khóm hẻm rải rác trong quận, anh chị em chúng tôi đã học tập được vai trò "làm chất men, chất súc tác", được hòa vào với môi trường của quần chúng nhân dân địa phương và đã phát huy tác dụng là khơi động được sự hăng hái, phấn khởi nhiệt tình của số đông quần chúng, trong việc hưởng ứng tham gia tích cực vào công cuộc phát triển xã hội văn hóa tại địa phương của chính họ. Đây chính là cái quá trình "gây ý thức, gây men và vận động quần chúng " (mass conscientisation/fermentation/mobilization) mà các nhà nghiên cứu xã hội học hay nói tới. Và quần chúng tại hạ tầng cơ sở lần hồi đã cảm nhận ra được các nhu câu cần phải cải thiện môi trường sinh hoạt tại địa phương của mình (felt needs), để rồi từ đó ra tay dấn thân nhập cuộc vào công trình xây dựng và phát triển của địa phương, nơi mình và gia đình sinh sống cư ngụ.

Trong 6 năm hoạt động tại cả 3 quận 6,7 và 8, chương trình đã cùng với đồng bào thực hiện được hàng trăm công trình cải tiến ngõ hẻm, và đặc biệt hoàn thành được việc chỉnh trang gia cư tại trên 20 khu trong khắp 3 quận, với tổng số căn nhà được xây cất mới lên đế 8,000 đơn vị gia cư. Sở dĩ số nhà phải chỉnh trang tái thiết lên cao như vãy, là vì do các vụ tấn công hồi Tết Mậu thân năm 1968, khu vực 3 quận này bị thiệt hại rất nặng nề

Ngoài ra cũng cần phải kể đến 2 công trình phát triển có ảnh hưởng lâu dài nhất, đó là chương trình đã xây dựng được hai trường trung học cộng đồng ờ quận 6 và quận 8, mà tổng số học sinh vào năm 1974-75 lên đến trên 3,000 em. Các em học sinh lớp đầu tiên nhập học năm 1966 ở trung học quận 8 (nay là trường Lương Văn Can) lúc đó cỡ 13-14 tuổi, thì nay đã ở vào tuổi 57-58, đã có cả cháu nội, cháu ngoại rồi. Và hiện vẫn còn nhiều thành phần trong số các em đó vẫn tiếp nối được cái tinh thần " tự nguyện dấn thân vào công cuộc phát triển tại địa phương", mà lớp cha ông của các em đã từng tham gia và truyền lại cho thế hệ các em bây giờ. Đó mới chính là cái thành quả bền vững nhất, đáng ghi nhớ nhất của chương trình phát triển cộng đồng mà đã khởi sự tại 3 quận 6,7,8 cách nay đã trên 45 năm rồi vậy.

Tóm lược về "Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội"

Trong ba bài trên đây, chúng tôi đã trình bày đại cương sơ lược về ba chương trình công tác xã hội do giới thanh thiếu niên tại miền Nam Việt nam thực hiện hồi giữa thập niên 1960. Đó là " Ủy ban Phối hợp Cứu trợ Bão lụt miền Trung năm 1964", "Chương trình Công tác Hè 1965" và "Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon". Tất cả ba chương trình đều phát xuất từ tinh thần hy sinh tự nguyện của giới trẻ để tham gia đóng góp vào những công việc xã hội cụ thể, thiết thực, nhằm phục vụ đòng bào gặp cảnh khó khăn ngặt nghèo, cũng như tạo cơ hội cho giới thanh thiếu niên được gặp gỡ thân thiên gắn bó với nhau, trong khi cùng nhau theo đuổi công tác xã hội, phục vụ đồng bào.

Đó chính là các anh em đã bắt đầu "có ý thức về xã hội" (social awareness), rồi lôi cuốn rủ rê nhau cùng tích cực tham gia những chương trình phục vụ đồng bào và phát triển xã hội tại các địa phương. Thực hiện các chương trình xã hội cụ thể, thực tiễn như thế đó, chính là các anh em đã đóng vai trò "làm đối tác" (counterpart) của Xã hội Dân sự để cùng chung với Nhà nước trong việc phục vụ quần chúng nhân dân tại hạ tầng cơ sở vậy./

California, Tháng Ba 2010

Đoàn Thanh Liêm