Một Người Vô Tín Ngưỡng Bênh Vực Tôn Giáo



Cách nay chưa lâu tôi được đọc một bài trên Internet về một tác giả vô thần lên tiếng bênh vực tôn giáo. Nội dung bản tin gây ít nhiều ngạc nhiên và kích thích tính tò mò của người đọc. Quả thực bản tin rất thú vị không chỉ vì cái vẻ hơi ngược đời của nó nhưng nhất là vì, đối với tôi, lập luận của tác giả không thiên vị và rất thuyết phục.

I- BỐI CẢNH

Lễ Giáng sinh đến; ý tưởng về một Thiên Chúa sống giữa loài người để mang tới hạnh phúc cho con người nhưng đã bị con người chối bỏ, thậm chí thù ghét và bách hại - ý tưởng đó làm tôi liên tưởng tới bản tin trên và thúc dục tôi viết bài giới thiệu mà bạn đang đọc đây.

Bài tường thuật được đặt trong khung cảnh những cuộc tranh luận khá sôi nổi trong những năm gần đây, giữa những người bênh vực tôn giáo và những kẻ thù nghịch, và có vẻ như phe chống đối thắng thế. Mở đầu là lời khẳng định (xem ra mạnh miệng) của nhà vô thần Richard Dawkins rằng Giáo Hội công giáo là một trong những sức mạnh lớn nhất gây ra sự ác (cái xấu, sự dữ) trên thế giới. (Có lẽ ông này đã học theo Nietzsche [Nít-sơ] -một tác giả người Đức nổi tiếng thế kỷ XIX; cách thức ông ta lên án Kitô giáo rất giống với Nietzsche, nghĩa là hằn học, bất chấp mọi lý lẽ và mọi thực tế lịch sử, như đoạn tôi trích sau đây từ Nietzsche cho thấy: “Tôi kết án Kitô giáo, chống lại giáo hội Kitô giáo, tôi đưa ra lời buộc tội kinh khủng nhất thốt ra từ miệng người buộc tội. Tôi coi giáo hội đó là sự đồi trụy tệ hại nhất trong các sự đồi truỵ nghĩ ra được. Giáo hội Kitô giáo làm hư hỏng mọi sự, nó biến mọi giá trị thành phi-giá trị, mọi sự thật thành gian dối, mọi tính ngay thẳng thành hèn hạ đê tiện …”).

Một nhà báo Úc, Catherine Deveny, cũng được nêu lên trong bài tường thuật như một trường hợp thù nghịch tiêu biểu. Bà ta nói (còn mạnh miệng và xúc phạm hơn Dawkins): “Thiên Chúa bị rối loạn nhân cách về tính tự yêu mình” (như nhân vật huyền thoại Narcisse); ngài bị dằn vật bởi “những cảm giác về sự vĩ đại” và bởi “một sự ám ảnh về những thành công hoang tưởng”, đồng thời ngài “thiếu hẳn lòng đồng cảm” và “xử sự một cách ngạo mạn” (Ôi, nếu Catherine Deveny chỉ nghĩ một chút thôi tới Chúa Hài Đồng trong máng cỏ hay Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, bà ta sẽ chẳng dám “nói bừa” như vậy!).

Chính cuộc tấn công của các nhà vô thần kiểu trên đã gây nên một cuộc phản công với nhiều cuốn sách bênh vực Thiên Chúa và các tôn giáo có tổ chức. Một sự xoay chiều lý thú trong cuộc tranh luận này đến từ một cuốn sách vừa mới xuất bản bởi một tác giả không tin Thiên Chúa nhưng lại bảo vệ tôn giáo, đó là Bruce Sheiman.

II- LỢI ÍCH CỦA TÔN GIÁO

Trong tác phẩm “Một Người Vô Thần Bênh Vực Tôn Giáo: Tại Sao Nhân Loại Hạnh Phúc Nhờ Có Tôn Giáo Hơn Là Không Có Tôn Giáo”, tác giả Sheiman mở ra một cách nhìn mới trong cuộc tranh cãi giữa người có tín ngưỡng và người vô thần.

1- Tôn giáo và Hạnh phúc con người

Theo ông, vấn đề Thiên Chúa không thể được giải quyết thoả đáng cho cả hai phe, nhưng điều ông muốn làm là xem xét giá trị của chính tôn giáo. Ông không tìm cách chứng minh có Thiên Chúa, nhưng bảo vệ tôn giáo như một cơ chế văn hoá.

Về quan điểm riêng của mình, Sheiman giải thích rằng ông không không phải là một người có đức tin song ông cũng không “lớn tiếng” bác bỏ Thiên Chúa; ông tự coi mình như một kẻ có ước vọng làm một người hữu thần (an inspiring theist) bởi vì “tôn giáo mang lại một lợi ích gồm nhiều mặt tâm lý, cảm xúc, đạo đức cộng đồng, hiện sinh, và ngay cả sức khoẻ thể lý mà không một cơ chế nào có thể bắt chước được.

Trong phần Nhập đề của cuốn sách, ông viết: cách thuyết phục nhất để bác bỏ vấn đề vô thần không phải là dùng những luận cứ chứng minh sự hiện hũu của Thiên Chúa, nhưng là chứng minh sự đóng góp liên tục của tôn giáo.

“Những tội ác của tôn giáo có thể sử dụng làm một thứ lịch sử khiêu khích, song những việc tốt hàng ngày của hằng tỷ người [có đức tin] là lịch sử đích thực của tôn giáo, nó đi đôi với sự tăng trưởng và sự thịnh vượng của nhân loại”, Sheiman khẳng định.

Một lợi ích mà tôn giáo mang lại là cho đời sống chúng ta một ý nghĩa. Con người sống để làm gì? Chúng ta ý thức rằng chúng ta sống trong một thế giới đầy quyền lực và tiềm năng, nhưng khác với loài vật chỉ sống trong một mối quan hệ vị lợi với thế giới, con người biết rằng thế giới này hiện hữu độc lập với chúng ta. Trong thế giới hiện đại, nhiều khi khoa học đã thay thế tôn giáo để giải thích thế giới và vũ trụ. Nhưng Sheiman cho thấy rằng chúng ta có thể chấp nhận điều khoa học nói về cách thức vũ trụ vận hành , nhưng giải thích đó không cho ta biết vũ trụ có ý nghĩa gì đối với cuộc sống chúng ta. Đối với cuộc sống thì câu giải thích khoa học không quan trọng bằng câu giải thích về ý nghĩa, vốn không thuộc mục đích và khả năng của khoa học.

2- Tôn giáo và Luân lý

Luân lý là một khía cạnh quan trọng khác của tôn giáo. Hiển nhiên là người ta có thể đạo dức mà không theo tôn giáo nào, nhưng cũng hiển nhiên là tôn giáo cổ vũ điều thiện, làm cho người ta nên tốt. Thực tế cho thấy con người biểu lộ hành vi đạo đức vượt xa điều mà một xã hội đòi hỏi nơi các thành viên. Không thể giải thích sự kiện đó nếu chỉ dựa trên sự cố kết xã hội. Sheiman trưng dẫn những nghiên cứu chứng minh hoạt động tôn giáo liên kết với một sự tương tác xã hội lớn hơn. Tôn giáo làm nên cộng đồng như thế nào thì nó cũng cổ vũ luân lý đạo đức nhu vậy. Nó cổ vũ cho luân lý bằng cách chủ trương rằng hành động luân lý là con đường đưa tới kết hiệp với Thiên Chúa.

Mọi tôn giáo (chân chính) đều tin vào tính thiện nơi Thượng Đế và nơi con người ta. Sheiman cho rằng các nhà vô thần thường thiếu hiểu biết về nền đạo đức tôn giáo. Đó không phải đơn giản chỉ là một hệ thống thưởng công hay phạt tội mà thôi. Ông viết: “Những kẻ hoài nghi nhất nhìn thấy trong tôn giáo một sự vâng lời tối mặt đối với uy quyền đạo đức và một hệ thống giám sát áp bức đối với hành vi con người.”

Đành rằng một số người tôn giáo có khuynh hướng độc đoán, nhưng điều đó cũng có thể thấy nơi nhiều người ngoài tôn giáo. Đối với đa số người có đức tin, Thiên Chúa là một người cha yêu thương, và là nền tảng tinh thần mà con người hướng tới. Quan niệm Kitô giáo về “con người-hình ảnh của Thiên Chúa” là một đóng góp đặc biệt của tôn giáo cho xã hội, mà Sheiman nhấn mạnh. Vì con người được coi là tham dự vào bản tính thần linh như thế nên họ phải được tôn trọng như là con cái của Thiên Chúa.

Quan niệm đó đưa tới vô số những hành vi hy sinh và thương xót hằng ngày. Quả thực, nghiên cứu xã hội học cho thấy rằng người có tôn giáo tỏ ra biết quan tâm và có lòng trắc ẩn đối với tha nhân hơn những người khác và chi nhiều tiền hơn cho việc từ thiện. Điều này không riêng cho một tôn giáo nào, Sheiman nói thêm.

Tôn giáo cũng cung cấp một nền tảng vững chắc hơn cho hành vi luân lý nhờ gắn liền với những giá trị tuyệt đối. Tác giả ghi nhận: không có tôn giáo, người ta vẫn có một đời sống luân lý, nhưng khi các quy tắc đạo đức là do con người đề ra thì chúng có thể sai lầm và thiếu vững chắc, chúng có thể chỉ là những ý kiến cá nhân, thậm chí là một toan tính cho lợi ích riêng tư. Điều này đưa Sheiman đến chỗ lý luận rằng trí khôn con người nhắm tới một cái gì khác hơn là một chân lý tương đối. Trong tư cách là người, chúng ta nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân đầu tiên (đệ nhất) , và nếu các mệnh lệnh luân lý không lệ thuộc vào Thiên Chúa, chúng không thể là tuyệt đối và mãi mãi vẫn là tương đối. Khoa học tự bản thân nó không thể đưa tới luân lý đạo đức. Sheiman viết: “Phải trái, tốt xấu không phát sinh từ khoa vật lý học hay sinh vật học được (…) Như thế, tôn giáo xét về mặt văn hoá và cơ chế, trở thành nguồn quan trọng nhất làm phát sinh những nguyên tắc luân lý, chính bởi vì người ta cảm nhận rằng nó ở bên trên sự tùy tiện của con người”.

3- Tôn giáo và Tiến bộ

Trong một chương khác của cuốn sách, Sheiman cho thấy tôn giáo đứng đàng sau tiến bộ của thế giới Tây phương trong những lãnh vực như dân chủ và tự do, khoa học và công nghệ.

Theo tác giả, qua dòng lịch sử, nếu như chúng ta đã phát triển thành một nền văn hoá, điều đó là nhờ tôn giáo ít nhất là một phần nào. Tuy sự kiện này không miễn tội cho các nhà lãnh đạo tôn giáo về những hành động phá hoại của họ, nhưng nó vẫn đưa ta tới kết luận rằng nhìn tổng thể, tôn giáo đã có một tác động tích cực bao trùm nhiều mặt.

Một số người lại rút ra một kết luận khác là: chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đi xa hơn trong tiến trình của mình mà không có tôn giáo. Sheiman cho rằng điều này không thuyết phục bởi lẽ các sử gia không thể nhận ra một sức mạnh văn hoá nào khác trong quá khứ đủ mạnh mẽ như tôn giáo để có khả năng mang theo nền văn minh nhân loại.

Ông cũng phê bình cách đọc lịch sử mang tính chọn lọc của một vài nhà vô thần, họ chỉ mau mắn gán cho tôn giáo những khía cạnh tiêu cực nhất của lịch sử, nhưng hiếm khi họ chịu nhìn nhận món nợ mà nên văn minh mắc đối với tôn giáo (như Nietzsche mà tôi đã nhắc tới trong phần đầu).

Một người có đức tin có thể trả lời cho tác giả rằng niềm tin của họ vào Thiên Chúa không tùy thuộc vào một thứ tính toán hơn thiệt nào của lịch sử hay của đời sống cá nhân mình. Tuy nhiên, vào một thời mà nhiều nhà vô thần chê bai các giáo hội và đức tin, coi đó là những thứ hoàn toàn phi lý (totally irrational) và tiêu cực, thì cuốn sách của Sheiman có công dụng như một phương thuốc đối lại một sự tấn công hời hợt và phi lý như thế chống niềm tin tôn giáo.

(26-12-2009)