Nguời Nghèo Và Số Sót



Một số đông tín hữu Việt Nam trong hoàn cảnh này cũng muốn tìm nơi chắc chắn để nương tưa và tin tưởng, mà xem ra như không tìm thấy hay không còn mấy tin để tìm nữa. Vatican thì quá xa, lại xem ra không hiểu rõ tình hìnhViệt Nam, và được báo cáo theo một định hướng có chủ trương. Cơ quan truyền thông chính thức của công giáo là trang Web của Hội Đồng Giám mục thì không đem lại cho người đọc và nghe tính khách quan và khả tín.

Người nghèo và "số sót" là hai đề tài được nói đến cách đặc biệt trong sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a. Họ là những người nghèo không có quyền uy, sống khiêm nhường và rất mực trung thành với Đức Chúa cũng như hết lòng tin tưởng vào Người. Họ cũng là "sô sót" trong đám những người còn tin vào Đức Chúa, sau khi bị lưu đầy ở Ba-bi-lon trở về Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng họ được cứu thoát.

Nguời nghèo, đối tuợng phục vụ và đồng hành của Giáo hội

Nguời nghèo, đối tuợng phục vụ và đồng hành của Giáo hội

"Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở

Những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa

Hãy tìm kiếm Người, hãy tìm sự công chính". (Xp 2,3)

"Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi

Một dân nghèo hèn và bé nhỏ

Chúng sẽ tìm nơi trú ẩn nơi danh Đức Chúa". (Xp 3,12)

Người nghèo thì ở đâu và bao giờ cũng có. Thường nghèo là khổ vì thiếu ăn thiếu mặc và thiếu đủ thứ. Nhưng Chúa Giê-su lại thương những người này. Người ra đời vì họ và nhất là cho họ. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Chúa không thương những người khác, mà chỉ có ý nói Chúa ưu ái người nghèo, và coi họ là những người có phúc, như lời người dạy trong mối phúc thật thứ nhất :

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

Vì Nước Trời là của họ". (Mt 5,3)

"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó

Vì Nước Thiên Chúa là của anh em". (Lc 6,20b)

Chúa dạy như thế, nhưng thực ra nghèo vẫn thấy khổ và chẳng mấy ai thích nghèo, trừ những người thấm nhuần tinh thần của Chúa và hiểu được nghĩa lý của cái nghèo như thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-di.

Một bên là những người có tâm hồn nghèo, còn một bên là những người nghèo thật sự, như hai câu Tin Mừng trích dẫn ở trên.. Có tâm hồn nghèo khó là giữ lòng cho cho khỏi dính bén vào của cải một cách quá đáng, và giải gỡ mình cho khỏi ham hố vật chất đến quên cả luân thường đạo lý. Còn nghèo khó là không có hay có ít của cải vật chất, phải sống trong tình trạng bấp bênh, không có bảo đảm cho tương lai mà không than van kêu trách, nhưng vẫn tin vào sự quan phòng của Chúa. Nghèo khó ở đây không phải là túng đói khổ cực, vì Chúa không muốn cho người ta rơi vào tình cảnh này nên mới dạy cầu nguyện hàng ngày trong Kinh Lạy Cha : "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày", nghĩa là xin cho có những điều kiện tôi thiểu, để sống cho xứng với phẩm giá con người.

Trên đây là nói về cái nghèo theo Tin Mừng, còn tiếp theo là cái nghèo trong Cựu Ước đã được nói lướt qua ở đầu bài và cũng được đề ra để đối chiếu với hoàn cảnh của nhiều anh chị em đồng đạo trong hiện tình Giáo hội ở Việt Nam.

Người nghèo được nói đến trong sách Xô-phô-ni-a là a-na-vim (anawim). A-na-vim là người nghèo không có nơi nương tựa nào khác ngoài Đức Chúa. Những người này nhìn trước nhìn sau, trông lên trông xuống không thấy ai cả. Cuối cùng, nhìn lên trời xanh thì chỉ thấy Đức Chúa bằng con mắt đức tin, rồi đặt hết lòng tin cậy nơi Người.

Ngôn sứ Ma-la-khi và nhất là ngôn sứ Xô-phô-ni-a nói đến loại người này trong hai sách của các ông. Hoàn cảnh xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ khiến các ông không thể ngồi yên. Các ông đã lên tiếng cho thấy tình trạng giai cấp tư tế lãnh đạo dân và sự xôn xao bối rối của lòng dân. Người ta có thể thấy một sư tương đồng nào đó giữa hoàn cảnh thời ấy với hoàn cảnh hiện nay trong Giáo hội Việt Nam. Dân Híp-ri xưa tìm nơi nương tựa, nhưng không tìm được ở đâu cả, chỉ còn tìm đựợc ở nơi Đức Chúa.

Một số đông tín hữu Việt Nam trong hoàn cảnh này cũng muốn tìm nơi chắc chắn để nương tưa và tin tưởng, mà xem ra như không tìm thấy hay không còn mấy tin để tìm nữa. Vatican thì quá xa, lại xem ra không hiểu rõ tình hìnhViệt Nam, và được báo cáo theo một định hướng có chủ trương. Cơ quan truyền thông chính thức của công giáo là trang Web của Hội Đồng Giám mục thì không đem lại cho người đọc và nghe tính khách quan và khả tín.

Vì vậy, lúc này là lúc hơn khi nào hết, những người tin Chúa ở Viêt Nam và hải ngoại cần xích lại gần nhau hơn nữa, kết hợp chặt chẽ với nhau trong lời cầu nguyện, xin Chúa cho Toà Thánh hiểu rõ và đúng về tình hình Giáo hội tại Việt Nam, không để cho mình bị lèo lái, và xin cho các vị có trách nhiệm gìn giữ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của tín hữu ở Việt Nam, đóng đúng vai trò của mình là những thày dạy đức tin và những người chỉ đường đúng lối.

Vậy mọi tín hữu trong nước cũng như ngoài nước, thiết tưởng nên cùng nhau tha thiết cầu xin Thiên Chúa là Đấng đã hứa :

"Kẻ gắn bó cùng Ta, sẽ được ơn giải thoát,

người nhận biết danh Ta, sẽ được sức phù trì ;

khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,

lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên.

Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự

Cho sống lâu tuổi thọ dư đầy". (Tv 90, 14-16)

Nay là lúc ngặt nghèo. Mọi người tin Chúa, nào cùng nhìn lên rặng núi .

"Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi

Ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao,

Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa

Là Đấng dựng nên cả đất trời". (Tv 120,1)

L.m An-rê Đỗ xuân Quế O.P