Tin Và Sống



Hiệp dâng Thánh Lễ Chúa nhật Phục Sinh, chúng ta được nghe Tin Mừng Đức Kitô theo Thánh Gioan chương 20 (1:9): « Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: ‘Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu? Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chổi dậy từ cõi chết. »

Thánh sử Gioan đã viết lại thực trạng ‘đã thấy và đã tin’ để chúng ta tin đúng như Kinh Thánh và chính Đức Kitô đã nhiều lần tiên báo. Thật vậy, nếu Chúa Giêsu không sống lại thì chúng ta không được cứu chuộc và đã không có đạo Công giáo.

I. TIN.

Chúng ta là thành phần của Nhân Loại, tức Con Người, được Thiên Chúa tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:27). Nhờ thế, chúng ta được hưởng một đặc ân từ Ngài: sự Tự Do.

Tổ tiên chúng ta, ông Ađam và bà Êvà được Thiên Chúa cư xử thân mật và thông chia hạnh phúc Thiên Đàng, có quyền làm chủ vạn vật. Lạm dụng những Hồng ân cao quý đó, tổ tiên chúng ta tưởng như có thể vượt quyền lệ thuộc Thiên Chúa khi đòi bình đẳng với Ngài. Chụp ngay cơ hội, ma quỷ, với hình con rắn gợi ý: ‘Chẳng chết chóc gì đâu. Thật vậy, Thiên Chúa biết: ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết cả tốt xấu’. Họ đã ăn, trái lệnh Chúa và mất nghĩa với Đấng đã tạo nên mình. (xem Sáng Thế Ký).

Đức Chúa Trời vừa là Cha phép tắc vô cùng vừa là Đấng thật công bình đã sai Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, cũng là Chúa chúng ta... xuống thế, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác... và, trong kẻ chết mà Sống Lại để Cứu Chuộc chúng ta (xem Kinh Tin Kính). Đức Kitô đã Cứu Chuộc Nhân Loại từ năm 33 và luôn chờ sự tự do cộng tác của chúng ta để sự Cứu Chuộc có thể hoàn thành nơi mỗi người trong chúng ta.

1. Thiên Chúa muốn đến gặp gỡ và tỏ mình cho con người.

Suốt cuộc sống trưởng thành của mình, chúng ta bận rộn với việc học hành, rồi phải làm việc hay do không biết, chúng ta đã chưa nhận biết Thiên Chúa. Vã lại, làm thế nào mà nhận biết Thiên Chúa vốn là ‘Thiên Chúa ẩn mình’ (Is 45,15), "ngự trong ánh sáng siêu phàm. Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy" (1 Tm 6,16), nếu chính Thiên Chúa không đoái thương tỏ mình ra và ban mình cho con người? Nhưng, Thiên Chúa thì, trái lại, biết và yêu thương chúng ta. Vì yêu thương, Thiên Chúa tự ý đến với con người, gần gũi họ và ngỏ lời với họ, để họ có thể gặp gỡ, nhận biết và yêu mến Người, trở nên con cái Thiên Chúa mà được sống đời đời. ‘Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha. Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô’ (Ga 17,3). Như vậy, mặc khải là hành động yêu thương của Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, để con người tự ý đón nhận và hiệp thông với Thiên Chúa, mà được cứu độ.

Trẻ em sinh trong các gia đình Công giáo được cha mẹ xin Linh mục ban Bí tích Rửa Tội để sớm hưởng Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô.

2. Trở thành Kitô-hữu là một lựa chọn hoàn toàn tự do: BẠN MUỐN GÌ?

Vài bằng chứng sau đây cho biết Chúa gọi chúng ta bằng chính danh chúng ta. Đức Kitô muốn ngỏ lời với một người tự do và muốn chúng ta trả lời trực tiếp với Ngài.

- Chúa Giêsu hỏi người mù Bartimée ở Giêricô: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10, 51).

- Tại Ghi-bân, Sa-lo-môn nằm mộng thấy Gia-vê hiển linh. Thiên Chúa phán rằng, "Ngươi ước nguyện điều gì, cứ xin ta sẽ ban cho ngươi." (1 Rois 3, 5).

- Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin" (Mt 9, 28).

- Đức Giêsu thấy anh ấy nằm đấy và biết anh đã sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" (Gn 5, 6).

- Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh làm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? (Gn 1, 38).

3. Tìm CHỌN

Câu hỏi "Bạn muốn gì?" luôn luôn bao hàm một sự lựa chọn kỷ càng. Việc hỏi "Có tin không?" có thể tiếp theo sự trả lời 'Tôi từ chối.'

Lời tuyên xưng Đức Tin khi chịu phép Rửa Tội khởi đầu bằng sự từ chối tội lỗi.

Trên con đường tôi (người dự tòng) tiến tới Bí tích Rửa Tội, tôi đã tìm thấy gì và tôi đã chọn đó như là kho tàng trong đời sống của tôi? Những điều gì tôi phải từ bỏ? Có phải đó là lý do đã dẫn tới đến các điều tôi chấp nhận hay từ bỏ?

Trong đêm Thứ Bảy Vọng Phục Sinh, tín hữu Công giáo lặp lại lời tuyên hứa Phép Rửa tội, Linh mục, với quyền Đức Kitô, hỏi mọi người:

Linh mục: Anh chị em có từ bỏ ma quỉ không ?

Mọi người: Thưa con từ bỏ.

Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi việc của ma quỉ không ?

Mọi người: Thưa con từ bỏ.

Linh mục: Anh chị em có từ bỏ mọi sự sang trọng của ma quỉ không ?

Mọi người: Thưa con từ bỏ.

Và, tiếp đó, mọi người tái xác nhận Đức Tin của mình.

4. Đáp lời Thiên Chúa: CON TIN.

Tổ tiên nhân loại đã kiêu ngạo: muốn bằng Thiên Chúa. Tội đó đã truyền cho các con cháu Adam-Evà. Nhưng Thiên Chúa thương yêu nhân loại vì Con Người mang hình ảnh như Chúa. Nên Thiên Chúa đã sai Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại.

a. Đức Tin.

Trong đoạn Tin Mừng Đức Kitô được Thánh Matthêu diễn tả nơi chương 9, câu 28. Vì có Đức Tin, nên hai người mù ấy tiến lại gần Đức Giêsu, Chúa hỏi họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin". Cũng như mọi Bí tích, Bí tích Rửa tội là Bí tích Đức Tin.

b. Khi nào và trong hoàn cảnh nào tôi (người dự tòng) trả lời Chúa: con tin.

Thiên Chúa không ngừng chỉ dạy, tỏ ra cho con người biết Ngài và tiếp tục nói với nhân loại qua mọi thời đại. Lời Thiên Chúa sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Vậy tôi phải làm gì để có thể đón nhận biết Thiên Chúa? Để nghe tiếng Thiên Chúa, tôi cần có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa. "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Mt 11, 25-26). "Phận nữ tỵ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới" (Lc 1,48).

Ngay khi biết Thiên Chúa, đã tìm học hỏi về Ngài và những gì về Ngài mà gần và dễ nhất là đến nhà thờ. Tại đây, tôi bắt đầu dự Thánh Lễ, làm quen với các người khác, trong đó có Cha Sở. Sau nhiều lần nghe giảng, tôi được hiểu Chúa nhiều hơn, trí tôi bắt đầu suy nghĩ về Đức Kitô và, hình như, con tim tôi bắt đầu để ý Người bị đóng trên Thánh giá, u sầu thãm và đáng thương. Dần dần, tôi thấy nhà thờ không còn xa lạ với tôi nữa. Ông Cha cũng thế. Một hôm, sau Thánh Lễ, tôi xin gặp Ông để xin được Rửa tội. Cha bảo phải học Đạo. Tôi đồng ý. Sau đó, Cha Sở giới thiệu một người hướng dẫn Giáo lý cho tôi. Việc tìm hiểu Thiên Chúa và Hội Thánh của Người bắt đầu...

Về hoàn cảnh mà các người dự tòng kể thì chúng ta thấy rằng mỗi người là một hoàn cảnh khác biệt. Từ những trường hợp đầy mơ mộng như gặp Chúa qua tình yêu lứa đôi và quyết định theo Chúa. Những người dự tòng khác thì do nhớ lại những gì mình đã được học trong Giáo lý, dạy tại các trường Công giáo. Nhiều dự tòng đã tìm dến Thiên Chúa qua các Tôn giáo khác. Vài người đã, vì trước sự qua đời hay gặp tai nạn của một thân nhân yêu quý, đã kêu gào sự nâng đở của Đấng Cứu chuộc, v.v..

Hướng về Quê Hương Việt-Nam sau ngày 30.04.1975, từ vực sâu của các trại tù cải tạo đau khổ sau, nơi con người hành hạ đồng loại, Thiên Chúa vẫn hiện diện giữa những người tù tập thể, không có bản án thì làm sao có thời hạn, các Tuyên úy và giáo dân đã hoạt động Tông đồ: cánh đồng Truyền giáo mở rộng. Hạt giống Đức Tin, được tưới bởi máu đào Tử Đạo Việt-Nam, đã lớn lên nơi nhiều ngàn người dự tòng. Họ đã theo Đức Kitô và đã được nhập vào hàng ngũ Dân Chúa qua Bí tích Rửa Tội.

Cách đây 35 năm, nhiều năm tháng sau ngày ‘quốc tang’ đó, hàng triệu người Việt khác lênh đênh trên biển cả, hãi hùng chống lại phong ba, bão tố, vận dụng sinh lực sắp tàn để chống lại hải tặc cường bạo, đã kêu ‘Chúa ơi’ và tin cậy nhờ nơi sức phù hộ của Ngài. Đến bờ bến Tự do, họ đã cảm tạ Thiên Chúa, học hỏi về Ngài và, nhờ Phép Rửa Tội, đã gia nhập Gia Đình Đức Kitô.

Đọc mạng vietcatholic.net ngày 01.04.2010, chúng tôi lưu ý bài: ‘Chuyện nguyên Bí Thư Đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Chúa’ tại địa chỉ:

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=78626, Anh JB. Nguyễn Hữu Vinh viết lại những điều ông ‘Già Làng Cứ A Ký’ đã kể chuyện theo, giữ, truyền và sống đạo của đương sự:

« Sinh trong gia đình ông vốn có truyền thống làm "quan" ở bản này, bố là trưởng bản thời Pháp. Lúc cướp chính quyền, ông tiếp làm trưởng bản rồi trưởng công an xã từ năm 1958 và chủ tịch xã rồi bí thư đảng ủy xã đến những năm 1990 mới nghỉ.

Lúc đó, người dân H’Mông sống nghèo đói và lạc hậu vì hãi nhiều con ma luôn ám ảnh. Thấy vậy, quyết đi tìm một con đường khác nhằm giúp đỡ mình và đồng bào mình thoát ra khỏi những hủ tục này. Qua đài Chân Lý Á Châu, ông nghe nói về Thiên Chúa rồi tìm hiểu và TIN. Năm 1991, ông quyết định vượt ra khỏi khu vực Mường La sang tận Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để học đạo. Khi Linh mục dạy đạo qua đời, Cha cho ông các ảnh tượng và tràng hạt mang về nhà và ông nói với gia đình: ‘Tao đã tìm được Chúa, bây giờ tao theo Chúa thôi chứ không theo con ma nữa. Tao không thể theo con ma, nếu không có ai theo thì một mình tao theo Chúa vậy thôi’.

Từ đó, ông sống theo đức Tin của mình, rồi cả ba gia đình anh em ông cùng theo đạo. Cuộc sống của họ vui hơn, có niềm tin vững chắc và nhất là không còn sợ con ma nữa. Ốm đau ông biết dùng thuốc chữa mà không phải cúng con ma... Ông nghe lời Cha, cho con cái theo học cái chữ... cuộc sống gia đình ông thay đổi hẳn lên » ...

5. Tự do giao ước với Thiên Chúa: Nhận Bí tích RỬA TỘI.

a. Đời sống mới. Danh từ Rửa Tội (hay Thánh Tẩy) bắt nguồn từ nghi thức chính yếu là việc cử hành Bí tích này: người dự tòng được đổ nước trên đầu, nói lên ý nghĩa được mai táng với Đức Giêsu trong cái chết, để được sống lại với Người, trở thành "thọ tạo mới" (2Cr 5,17; G1 6,5). Người tân tòng sống đời sống mới trong Đức Kitô, được đón nhận Mình và Máu Đức Kitô.

Gia nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô. Họ tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Trở thành phần tử của Hội Thánh, người Kitô hữu liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô và với anh em. Họ được quyền lãnh nhận các Bí tích sự sống, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh trợ giúp thiêng liêng. Đồng thời họ có bổn phận xây dựng Hội Thánh bằng tình hiệp thông và phục vụ nhau, vâng lời các vị lãnh đạo, tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa (x. GH 17; TG 7,23).

Rửa Tội là gia nhập Gia đình Công giáo, là Giáo hội đang sống ở trần gian. Ở đó, cuộc Sống Đạo không phải lúc nào cũng dễõ dàng, kể cả các Tông đồụ, Giáo sĩ hay Giáo dân. Chúng ta cần phải học hỏi Giáo lý, tìm đọc Phúc Aâm và cầu nguyện thêm. Giáo hội đang chiến đấu trầụn gian, nhờ thông công với Giáo hội khải hoàn, chúng ta nhận được sự cầu bào của các Thánh trước Thiên Chúa.

b. Giao hứa. Người dự tòng sẽ giao ước với Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành. Bí tích Rửa Tội là giao ước hoàn toàn tự do với Thiên Chúa, không phải trong một ngày, một tháng hay là một năm mà là trọn cuộc đời.

Hãy làm chứng nhân sự giao ước qua thời gian, sẳn sàng kháng cự mọi khó khăn gặp những khó khăn trên đường đời. Chúa trung thành luôn đồng hành với chúng ta.

Tóm lược. Sau khi Thiên Chúa dụng Con Nguời gống hình ảnh Ngài, tổ tiên chúng ta, Ađam và Evà, đã phạm tội không vâng lời Ngài. Vì thương chúng ta và muốn chúng ta trở về vị trí Con Thiên Chúa, Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu cứu chuộc Nhân Loại bằng chịu chết trên Cây Thánh Giá và đã Sống Lại. Tuy nhiên, sự cứu chuộc của Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta bằng cách tự do nhận lãnh bí tích Rửa Tội để được sạch tội Tổ tông và tội mình làm.

Từ đó, chúng ta gia nhập Hội thánh Công giáo, nơi đó chúng ta sẽ SỐNG ĐẠO.

II. SỐNG

Khi chúng ta nhận lãnh bí tích Rửa Tội, mọi người trong chúng ta đều ước ao sống đạo và quyết tâm sao cho được lên Thiên đàng. Để giúp chúng ta đạt được điều đó, Thiên Chúa mời chúng ta sống Nên Thánh bằng vác Thánh Giá theo chân Đức Kitô, tức hoàn thành bổn phận của mình trong hoàn cảnh mình sống.

1. Sống nơi trần thế.

Rất ít Kitô hữu, ngay sau khi nhận bí tích Rửa Tội, trong tình trạng đầy Ơn nghĩa Chúa, có diễm phúc được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Đại đa số chúng ta tiếp tục con đường lữ thứ trần gian. Để giúp đỡ, Thiên Chúa đã thiết lập các phương cách mà chúng ta có tự do tìm kiếm để dùng cho mình:

A. Các Bí tích (bảy) do chính Chúa Giêsu đã lập cho chúng ta, nhất là Thánh Thể để đón nhận Đức Kitô hầu nuôi duỡng phần hồn chúng ta và Thống Hối (hay Giải Tội) để chúng ta hòa giải với Thiên Chúa khi phạm tội. Thêm vào đó, còn có các Á bí tích do Giáo Hội thiết lập giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích hoặc chúng nối dài hiệu quả của Bí tích.

B. Thánh Kinh:

Các nghị phụ tham dự Công Đồng Vaticanô II đã dành chương cuối của Hiến Chế về Mặc Khải để nói về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội và đời sống của từng Kitô hữu.

Công Đồng muốn Lời Chúa được trao gửi đến mọi Kitô hữu thuộc mọi thời đại, mọi ngôn ngữ. Đây là một điều mới mẻ, vì từ nhiều thế kỷ trước, người ta có khuynh hướng không khuyến khích việc dùng Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ, và muốn dành riêng cuốn Kinh Thánh cho những nhà thần học.

Dùng một hình ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, Công Đồng khẳng định việc dân Chúa được dưỡng nuôi bằng bánh ban sự sống từ trên bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô. Như thế, Lời Chúa thật là lương thực hàng ngày cho Kitô hữu, song song với việc họ được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Thánh Thể.

Người tín hữu Chúa Giêsu được khuyến khích đọc Lời Chúa thường xuyên. Khi nghe đọc Lời Chúa trong phụng vụ thì Đức Kitô ‘hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội’. Vậy khi Giáo Hội đọc Kinh Thánh, thì lúc đó Thiên Chúa nói với Dân Người và Đức Kitô loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội.

Tuy nhiên, Công Đồng còn khuyến khích tín hữu đọc Kinh Thánh một cách riêng tư. Đây là một hướng mới của lòng đạo đức Kitô giáo. Việc đọc Kinh Thánh có một vị trí trổi vượt trong số các việc đạo đức.

Thánh Kinh gồm:

- Cựu Ước giúp Ki-tô hữu cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Người, những tư tưởng khôn ngoan về đời sống chúng ta, những kho tàng kinh nghiệm tuyệt diệu, và sau cùng, ẩn chứa mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta.

- Tân Ước được khởi đầu với bốn sách Phúc Âm (còn gọi là sách Tin Mừng) viết bởi các Thánh sử Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Đây là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta. Các sách này là những chứng từ thành văn của các Tông Đồ hay của những vị đã sống bên các Tông Đồ ghi chép lại do ơn linh hứng của Thánh Thần. Nó có lịch sử tính nhưng lại không phải là một bài phóng sự hay tường thuật tại chỗ những gì đang xảy ra.

Trong Thánh Lễ, cùng với vị Giáo sĩ công bố Tin Mừng Đức Kitô, chúng ta đứng và làm dấu Thánh giá 3 lần: trên trán (xin Chúa mở trí khôn để hiểu nhớ Lời Chúa), trên môi miệng (xin Chúa cho biết loan truyền Lời Chúa) và trên ngực trái, nơi trái tim (xin Chúa cho biết yêu Lời Chúa).

Kế tiếp là sách Công Vụ Tông Đồ kể lại thời gian khởi đầu của Giáo Hội và công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

Rồi đến 21 lá thư, đa số của Thánh Phaolô, số còn lại của các vị Tông Đồ khác, được gửi đến cho những cá nhân hay các Giáo đoàn, phát xuất từ những hoàn cảnh cụ thể, nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể như cũng cố niềm tin, khích lệ trong cơn bách hại, xác định những điểm giáo lý, uốn nắn những lệch lạc, ngăn ngừa những sai lầm...

Sách cuối cùng trong bộ Tân Ước là sách Khải Huyền.

Thiên Chúa là Đấng linh hướng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thực vậy, dù Đức Ki-tô thiết lập giao ước mới bằng máu Người (x. Lc 22,20; 1Cr 11,25) nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Tin Mừng, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2Cr 3,14-16). Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước.

C. Sách Giáo Lý Công giáo.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, theo yêu cầu Khoá họp bất thường Thượng Hội đồng Giám mục kỷ niệm 20 ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II, đã được công bố năm 1992 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Tháng 10.2002, các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế về Giáo lý đã ước mong Giáo hội phổ biến một bản Toát yếu sách giáo lý. Tháng 02.2003, Đức Gioan Phaolô II đã quyết định bắt đầu thực hiện và ủy thác việc soạn thảo cho một Uỷ ban Hồng y, do Đức Hồng Y Giuse Ratzinger làm chủ tịch. Bản Toát yếu đã hoàn thành và được Đức Thánh Cha Biển Đức 16 ban hành ngày 28.06.2005. Khi ký ban hành, Đức Thánh Cha nói:

« Với sự tin tưởng, tôi trao bản Toát yếu này trước tiên cho toàn Hội thánh và đặc biệt cho từng người Kitô hữu, để vào thiên niên kỷ thứ ba này, mỗi người nhờ vào bản Toát yếu, có được một sức bật mới trong cố gắng Phúc Âm hoá và giáo dục Ðức Tin. Đây phải là đặc điểm của tất cả các cộng đoàn trong Hội thánh và của tất cả những ai tin vào Đức Kitô, bất luận tuổi tác hay thuộc quốc gia nào.

Nhờ tính chất ngắn gọn, trong sáng và đầy đủ, bản Toát yếu này cũng nhắm đến mọi người, đang sống trong một thế giới phân tán và có quá nhiều sứ điệp, khao khát biết được con Đường Sự sống, Chân lý, đã được Thiên Chúa trao phó cho Hội thánh của Con mình. »

2. Sống đạo trong cộng đoàn.

Chúng ta cũng cần sống đạo đồng hành với cộng đoàn để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống Đức Tin, chia sẽ những khó khăn, nâng đở nhau trên đường đời.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh ơn gọi của giáo xứ là biểu hiện sự gần gũi của Giáo hội.

« Giáo xứ như Giáo hội, tự mình sống giữa con cái nam nữ của mình. »

« Nếu Giáo xứ xen vào giữa những căn nhà của tha nhân, giáo xứ sống và tác động trong lòng xã hội loài người và liên đới thâm sâu với các ước vọng và thảm kịch của nó... Giáo xứ phải là căn nhà mở rộng đón tiếp mọi người, hay như Đức Gioan XXIII thường nói là ‘giếng nước của thôn xóm’ để mọi người đến giải khát. » (Ơn gọi và Sứ mệnh của người giáo dân, số 26 và 27).

Việc sống đạo nhiều khi đúng là một cuộc vác Thánh Giá theo chân Chúa Giêsu như chính chúng ta đã gặp phải. Xin mời trở lại trường hợp ‘Chuyện nguyên Bí Thư Đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Chúa’.

« Cách giữ đạo của ông và anh em ông đã được mọi người trong bản nhìn nhận: giữ đạo đã làm cho họ sống tốt hơn, con số các gia đình theo đạo ngày càng tăng lên. Rồi cả xóm vì họ thấy theo đạo thì sinh hoạt vui vẻ, tính cộng đồng cao, yêu thương nhau hơn, nhất là không còn phải thờ con ma... Từ những hoàn cảnh, lòng tin đơn sơ như vậy, Thiên Chúa đã đến với họ và họ đáp lại lời mời gọi bằng tất cả tấm lòng, không cần bất cứ sự lý luận uyên bác, không cần thứ gì cao siêu. Với mấy bản xung quanh, con số người theo đạo đã là 700 người.

Sau khi họ hết khổ vì con ma, công an cộng sản bắt đầu mang thập giá cho họ. Mỗi lần cán bộ, công an về thì nó "xử lý", nó phạt bằng bắt của tao con chó, con lợn. Hết chó, lợn thì nó "xử lý" bằng tiền, từ năm chục đến một trăm nghìn, mỗi tháng nó về ba bốn lần, đã mất hết mấy triệu đồng... Lý do "xử lý"?

Cán bộ Ủy ban nhân dân xã nói: "Đi theo đạo Giêsu thì phải đứng giang tay như Giêsu cả ngày, không được bỏ xuống". Độc hơn, khi nhiều người dân theo đạo, chính quyền ra tay bằng nhiều biện pháp mạnh, nhẹ có cả. Bắt đầu là ngăn cấm, khuyên giải... nhưng với người dân tộc thiểu số, khi họ đã tin, thì khó mà bóc gỡ được niềm tin trong họ.

Năm 2002, chính quyền bắt tập trung các gia đình theo đạo lên trụ sở ủy ban rồi cho người tháo tất cả bàn thờ của các gia đình tập trung đốt hết và tất cả được lệnh phải về làm ma, cúng ma như cũ. "Nhưng đốt bàn thờ này, thì tao làm lại bàn thờ khác – cụ nói – bà con vẫn không bỏ đạo". Như vậy, từ đó, bà con không được hưởng các chính sách ưu đãi vùng 3 là vùng sâu vùng xa theo chính sách hỗ trợ của nhà nước vì theo đạo Giêsu là không có ông bà, không có gia đình bố me, tức không làm ma như hủ tục cũ, nên không được trợ cấp như những người có cúng con ma." » ...

3. Sống đạo nơi xã hội.

Người tín hữu Đức Kitô không giữ Đạo cho mình mà có bổn phận giúp người thân cận biết Đạo Thánh Chúa theo Phúc âm Thánh Maccô (6: 7-9): « Người Đức Giêsu) gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. »

(Trong đó, cây gậy tượng trưng cho Đức Tin và mặc hai áo tức theo hai chủ. Vị nguyên Bí Thư Đảng ủy, chủ tịch xã đi tìm Chúa nói trên đã thực thi như: ông có một Đức Tin vào Đức Kitô mà thôi, chứ không theo vừa Chúa vừa ma.)

Trong thế hệ chúng ta hiện nay, việc giới thiệu Chúa cho đồng bào bằng những lời giảng hay không đủ mà cần phải kèm với đôi ba hành động đi kèm.

Ngày 08.12.2008, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn Mạng chính của Dòng Chúa Cứu Thế, người cộng sản Hà nội đã định phiên xử tám giáo dân vô tội phải ra tòa phải diễn ra tại Uỷ ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa.

Lần đầu tiên một cuộc diễn hành ‘long trọng’ trên đường phố thủ đô mà công an võ trang hùng hậu không đàn áp và bắt bớ.

Giáo sĩ và giáo dân Thái Hà đã biết ‘ca tụng vinh quang Thiên Chúa và đã đặt niềm hy vọng nơi Đức Kitô’. Các bị cáo vô tội đã hiên ngang ra tòa với đầy lòng tin tưởng nơi Chúa giúp mình can đảm và tự do nói Sự Thật: Thừa nhận có đập bức tường của kẻ khác xây trên đất Giáo xứ Thái Hà và quả quyết mình vô tội.

Các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã tổ chức một cách thật trật tự, kỷ luật và vui vẽ khiến nhà cầm quyền phải thận trọng, e dè. Các biểu ngữ viết bằng tay trên giấy cứng ‘mẹ tôi vô tội’, ‘chồng tôi vô tội’, ‘chúng tôi yêu mến anh chị em’, ‘phúc thay anh em khi vì danh Thầy mà bị người ta bắt bớ, xét xử’, ‘chúng tôi đồng trách nhiệm’, ‘chớ gì anh chị em được xét xử công bằng’, v.v..: ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng thật thuyết phục. Các mục tử trong chiếc áo dòng đen luôn bên cạnh giáo dân trong bất cứ trạng huống nào. Họ rất bình tĩnh và tự tin như chuyện vui bên lề... đường như Cha Lê Quang Uy thuật: buổi trưa, Cha mệt quá, ngồi trên thảm cỏ nhắm mắt thiếp vào giấc ngủ, mấy giáo dân tinh nghịch lén đặt một tấm biểu ngữ trước mặt tôi rồi chụp hình, biểu ngữ ấy ghi hàng chữ to... ‘Vợ Tôi Vô Tội’ !

Tiền nhân người Việt đã chúng ta dạy: ‘Đoàn kết gây nên Sức mạnh’!. Ðiều đó dứt khoát không thể sai trong mọi trường hợp.

Sau phần cáo trạng dối láo trơ trẽn đến mức khôi hài, các giáo dân đã trả lời rất thẳng thắn:

Thẩm phán hỏi: ‘Mục đích đến Thái Hà cầu nguyện để làm gì? Chị Nhi nói: ‘Chúng em đánh nhau không biết đánh nhau, chửi không biết chửi, chúng em chỉ biết cầu nguyện để đòi công bằng cho Giáo hội’. Ông Kiện nói: ‘Cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho các cấp chính quyền sáng suốt giải quyết trả lại đất cho nhà thờ. Cầu nguyện để chính quyền giải quyết cho dễ chứ để mọc lên mấy cái biệt thự thì khó giải quyết!’. Anh Hùng nói: ‘Mục đích ra cầu nguyện là để chính quyền giải quyết trả lại đất cho nhà thờ’. Toà hỏi anh thêm: ‘Đất đã là đất nhà thờ sao còn phải đòi?’- Anh trả lời: ‘Vì người ta lấn chiếm nên phải đòi’. Các giáo dân khác cũng trả lời tương tự như vậy.

Thẩm phán hỏi: ‘Ai giao nhiệm vụ cho bị cáo? Do đâu mà bị cáo lại đến cầu nguyện? Có phải Giáo xứ Thái Hà kêu gọi không?’ Các giáo dân đều nói không ai giao nhiệm vụ, không ai kêu gọi mà do chính mình tự nguyện tham gia. Chị Nhi còn nói: ‘Do tâm linh và tâm nguyện’, ‘Do ti vi đài báo đưa tin và tôi muốn đến để tìm hiểu sự thật. Người công giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu và bảo vệ danh dự và tài sản của Giáo Hội’.

Thẩm phán hỏi: ‘Đập tường để làm gì và bị cáo có nhận thức hành vi bị cáo đập bức tường không phải của mình là sai không?’ Các giáo dân đều trả lời là ‘đập tường để mở lối vào cầu nguyện trong khu đất’, ‘đập tường không sai’. Anh Hải nói: ‘Mở lối đi là đúng. Cháu biết đấy là đất nhà thờ cho nên không vi phạm pháp luật’. Ông Năng nói: ‘Tôi không có gì đáng ân hận khi đập tường. Tôi biết bức tường ấy và tôi xây 500 nghìn đồng còn được bức tường đẹp hơn’. Bà Hợi nói: ‘Đập tường thì tôi có đập nhưng vi phạm pháp luật thì không’. Toà hỏi: ‘Nhưng đập tường của người khác xây dựng mà lại bảo không sai thì là sao?!’ Bà trả lời: ‘Nếu tôi xây bức tường trên đất của người ta mà người ta đập phá đi thì tôi cũng chẳng làm gì được!"

Thật đúng như lời đáp Thánh vịnh 97 trong Thánh Lễ hôm đó: « Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. »

Những chứng nhân sống đạo Kitô hữu này làm nhiều đồng bào bên lương lưu ý về sự trật tự và hân hoan hát ‘Kinh Hòa bình’ nghiêm trang trong y phục lễ hội đi hầu cái ‘tòa án nhân dân’. Trong số những người đó có Chị Tạ phong Tần, cựu đảng viên đảng cộng sản, cựu Đại úy công an cơ quan điều tra Bạc liêu, hiện diện tại phiên tòa với tư cách trợ tá luật sư biện hộ tám giáo dân Thái Hà, đã nhận bí tích Rửa Tội tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn ngày 16.06.2009.

4. Tham gia công tác bác ái.

Trước ngày 30.04.1975, tại Việt-Nam Cộng hòa, dù trong tình trạng chiến tranh, giới nghiêm liên miên, thanh niên và sinh viên chúng ta đã được họp thành các hiệp hội, các hội đoàn Công giáo tiến hành (Phong trào Công giáo Đại học Việt-Nam, Hiệp hội Thánh Mẫu Sinh viên Việt-Nam, những Đoàn Sinh viên Công giáo các Phân khoa...) vừa để giúp nhau sống đạo trong môi trường học hành chuyên môn của mình vừa để cùng nhau làm công tác xã hội.

Hiệp-hội Thánh Mẫu Sinh viên rất chú trọng những hoạt động xã hội và, có thể nói nhờ đó, Hiệp-hội đã thu hút rất nhiều bạn hữu gia nhập, hăng say hoạt động để xoa dịu phần nào những đau khổ của đồng loại:

- Tổ chức Cây Sinh nhật, Cây Mùa Xuân cho trẻ em nghèo và các cô nhi.

- Điều hành Chẩn y viện và tham gia các chiến dịch vệ sinh, y tế...

- Và mọi công tác xã hội khác tùy theo phương tiện mà Hiệp-hội thu hoạch được.

Ngân sách hàng năm của Hiệp-hội Thánh Mẫu Sinh viên lên đến gần 2 triệu đồng (để so sánh, tô phở lúc đó từ 10 đến 12 đồng), phần lớn do thu từ buổi chiếu phim tại Các buổi chiếu phim luôn được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Đức cha Angelos Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam (vị đại diện Ðức Thánh Cha, người Cha thân mến của sinh viên Công giáo Việt-Nam lúc đó), Đức cha Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng Giám mục Giáo phận Sài-gòn (vị Mục tử thương kính của chúng ta) và Luật sư Nguyễn văn Huyền, Chủ tịch Thượng nghị viện (người Anh đầy kinh nghiệm về Công giáo tiến hành). Mỗi Vị ký Sổ Vàng và ‘lì xì’ 10.000 đồng.

Tuy nhiên, trong Thông điệp ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ ngày 25.01.2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có nhắc chúng ta: « Hoạt động bác ái Kitô giáo cần phải độc lập đối với mọi đảng phái và ý thức hệ. Chương trình của Kitô hữu, giống như của người Samaritanô nhân hậu hay của Chúa Giêsu, là ‘một tấm lòng biết nhìn thấy’. Tấm lòng ấy biết nhìn thấy nơi mà người ta cần đến tình yêu và sẵn sàng đáp ứng. Ngoài ra, hoạt động bác ái Kitô giáo không được trở thành một phương tiện cho cái mà ngày nay người ta gọi là ‘dụ dỗ vào đạo’. Không phải dùng tình yêu để đạt đến một mục đích nào đó, nhưng cũng không có nghĩa là hoạt động bác ái phải gạt Thiên Chúa ra ngoài. Người Kitô hữu nên biết lúc nào thuận tiện để nói về Chúa và hãy để Tình yêu lên tiếng mà thôi. »

Hà Minh Thảo