Chuyện Vui Buồn Nhân Chuyến Thăm Mỹ



Nhờ hai tuần Easter Break, tôi có dịp sang Mỹ, trước là thăm ông cụ - 94 tuổi – đang nằm tại Alta Gardens Aged Care, Anaheim kế bên Disney Land, sau là gặp lại các bạn bè cao niên, các huynh trưởng trường Sinh Ngữ, các anh em đồng trang lứa trong nhiều lãnh vực trước kia khi còn ở Việt Nam. Tôi đã gặp Anh chị Dương Minh Kính, Anh chị Trần Khánh Liễm, Anh chị Mai và Kim Qui (em ruột Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng), các anh chị em TSC, nhà báo Vũ Ánh, Nhà văn Quyên Di, tức Nguyễn Văn Chúc (TSC Nguyễn Bá Tòng), người đại diện giới văn sĩ công giáo tại Roma ... những anh chị em với rất nhiều kỷ niệm. Rất tiếc không lên San Jose và Oakland để thăm Anh Đỗ Hữu Nghiêm (mặc dù có điện thoại hỏi thăm) và rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, kể cả con đỡ đầu trên San Francisco.

Chuyện anh chị Dương Minh Kính và Đức Cha Hoàng Văn Đạt

Tôi đến Cali chiều thứ sáu và ngay trưa thứ bảy, 27-3, anh chị Dương Minh Kính đã lái xe 90 dặm hẹn anh em TSC -Thanh Sinh Công- tại quán Vân, Westminster với một số anh chị em TSC khác trong đó có anh Trần Ngọc Vạn (dược sĩ), anh chị Vương hữu Lễ (Tổng thư ký TSC trước 1975), anh Nguyễn Văn Phú (TSC Huế). Sở dĩ anh Kính phải vội vã gặp anh em là vì ngày chủ nhật anh phải lên đường đi Washington DC để dự buổi gặp mặt tất cả cựu học sinh và giáo sư trường Chu Văn An mà hiện nay anh là hiệu trưởng duy nhất còn sống. Có lẽ đã gần 40 năm mới gặp lại các anh chị vì tôi phải nhập ngũ năm 1971. Anh Kinh là người đã dẫn dắt tôi và Anh Phạm Văn Phúc (TVS) vào TSC năm 1961 tại Mỹ Tho. Năm đó trong nghi thức tuyên hứa tại nhà thờ Mỹ Tho chỉ có hai đứa tôi thôi. Lúc đó anh Kính dậy tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm tại Mỹ Tho, những chuyến công tác tại Ty Công An tỉnh thăm những người bị giam giữ để chia sẻ tình người và để họ hiểu vẫn có những người trẻ nghĩ đến họ. Chúng tôi nói chuyện về những học trò được anh Kính "cứu thoát" khỏi tù tội tại Cái Lậy vì ban đêm bị du kích bắt tập trung tuyên truyền, ban ngày bị "quốc gia" kết tội "theo VC". Lúc đó anh Kính làm hiệu trưởng trường Cái Lậy, nơi anh đã vận động biến ngôi trường xã ấp thành ngôi trường cấp II và III để các em học sinh khỏi phải khăn gói về Mỹ Tho học đệ nhị cấp. Chúng tôi nhắc lại những chuyến anh chị em TSC đi thăm Sầm Giang, quê hương cụ Phan Hiến Đạo và các vị như Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, nhà văn Trường Sơn... Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm lần đi họp Đại Hội TSC Á Châu lần thứ nhất tại Singapore năm 1967 với Cha Đỗ Long Bộ, Cha Đỗ Xuấn Quế, Anh Kính, Anh Chu Bá Cao và tôi. Tôi cũng gửi lời nhắn hỏi thăm anh Kính của anh Đỗ Hữu Nghiêm bắc Cali. Nhưng đặc biệt, trong những câu chuyện năm xưa, Anh Kính nhắc đến một câu chuyện hơi mới.

Một hôm anh nhận được một cú điện thoại của Đức Cha Hoàng Văn Đạt. Đức Cha chào anh, "Thưa thày!" Anh Kính ngạc nhiên và nói, "Con không dám. Sao ĐC lại gọi con là thày?" Đức Cha Đạt kể lại năm học đệ nhất ban triết tại trường Chu Văn An. Một hôm anh Kính (lúc đó là hiệu trưởng) ghé thăm lớp học và nói với các học trò, "Các anh rất hãnh diện vì được học với một vị giáo sư triết đáng kính đó là thày Huỳnh!" Đức Cha Đạt nhắc lại lời đó với anh Kính. Dĩ nhiên anh Kính rất cảm kích và ngưỡng mộ trí nhớ rất dai của Đức Cha và nghĩa tình với thày cũ. Chuyện xảy ra (hình như) lúc Đức Cha ghé thăm nước Mỹ trên đường đi Ad Limina tại Rome năm 2009.

Nhân câu chuyện của anh Dương Minh Kính về Đức Cha Hoàng Văn Đạt tôi liên tưởng đến bao nhiêu biến cố - và dĩ nhiên bao nhiêu bài vở trên mạng – mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải gánh chịu. Những bài vở đó đôi khi đến từ các chức sắc của giáo hội (các linh mục) cũng như đến từ những giáo dân đang sống trong những nước tự do với những lời lẽ mà mới đây Cha Chủ nhiệm Báo Dân Chúa Úc Châu phải gọi đó là những lời lẽ "ăn thua đủ" với HĐGM, các Đức Cha, Đức Hồng Y. Điều mà Đức Cha Nguyễn Chí Linh đã nói "Họ còn dùng những từ ngữ thằng này, thằng nọ ..." Cái giá phải trả cho hai chữ "tự do" là như thế.

Xin miễn phê bình nhưng chỉ xin kể lại việc làm của Hãng tin Reuter. Sau vụ tấn công vào toà tháp đôi Twin Tower tại New York, hãng tin Reuter đã khuyên các thông tín viên của mình không được gọi Bin Laden bằng tên trống không mà nên dùng chữ Mr. phía trước (Mr. Bin Laden) trên các bản tin của mình. Đó phải chăng là điều đáng suy nghĩ.

Nhiều người tự hào là "có học, có trí thức" nhưng lời ăn tiếng nói, bài viết của họ khiến cho hai từ "trí thức" hình như ít nhiều không còn đầy đủ ý nghĩa.

Câu chuyện của nhà báo Vũ Ánh

Những ngày ở Cali, tôi gặp một đồng nghiệp trong làng báo chí cùng làm cho hãng thông tấn TBS của Nhật với tôi trước 75: Anh Vũ Ánh. Vũ Ánh là người vừa viết bài "Đêm Noel trong xà lim số 6" về Cha Nguyễn Văn Vàng, Dòng Chúa Cứu Thế, người đã ở tù chung với Vũ Ánh và đã chết trong tù. Trước kia anh Vũ Ánh làm cho báo Người Việt sau chuyển sang làm cho tờ Việt Herald, trụ sở cách Người Việt vài chục bước. Gặp lại sau 35 năm, anh em kể cho nhau nghe chuyện bạn bè, người còn, người mất, những câu chuyện thương tâm của những người lương thiện ở lại, những năm tù tội. Rồi câu chuyện chuyển sang việc chống đối Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn vì những ngày cuối tháng ba vừa qua, Cali đang chuẩn bị Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa trong đó ban tổ chức dự tính mời Đức Hồng Y sang chủ toạ. Vũ Ánh là một Phật Tử chính hiệu. Anh nói, "Tôi đã phỏng vấn Đức Hồng Y hai lần khi Ngài ghé Cali trước kia. Tôi hiểu tâm tư của Ngài." Và Vũ Ánh nói tiếp, "Tôi có hỏi vị linh mục trẻ (anh nói tên) đang cầm đầu cuộc chống đối sự có mặt của Đức Hồng Y tại Cali, "Cha có gặp gỡ và có tiếp xúc với Đức HY chưa?" Vị linh mục trẻ trả lời, "Chưa!" Vũ Ánh trả lời, "Vậy thì cha làm sao hiều được ĐHY, và không có lý do gì để chống đối Ngài như vậy!" Mấy ngày sau trên các báo ở Quận Cam Orange County và phố Bolsa vẫn linh mục trẻ đó ký tên hô hào tẩy chay cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Vụ việc sau đó xảy ra như thế nào bàn dân thiên hạ đều đã biết rõ.

Tôi không viết những dòng này để ca tụng Đức Hồng Y mặc dù bảy năm làm việc bên cạnh Ngài và bên cạnh Hội Đồng Giám Mục trong văn phòng Thư Ký HĐGM, hai lần là trưởng đoàn và là đại diện HĐGM đi dự Hội Nghị Gia đình Thế Giới tại Roma (2000) và Manila (2003), tôi có đủ chứng liệu để ca tụng các Ngài. Tôi cũng không viết để ca ngợi Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, người mà tôi hai lần tháp tùng Ngài dự hội nghị thế giới tại Manila 2003 (4th WMF) và Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu lần thứ nhất (AMC-I) tại Thái Lan 2006 với chức vụ thư ký cho Ngài.Tôi cũng không kể câu chuyện Anh Dương Minh Kính và Đức Cha Hoàng Văn Đạt để ca ngợi Đức Cha, người mà tôi đã từng biết và làm việc với Ngài lúc Ngài còn là cha sở giáo xứ Thiên Thần tại Ngã Ba Cát Lái những năm tôi vừa học tập trở về sau 1978 và đang bị đuổi khỏi thành phố. Đức Cha Đạt là một thành viên của HĐGM và HĐGM là những con người đáng kính như thế đó.

Đôi dòng thay lời kết

Nguyễn Chính Kết, một trong những người bạn tôi quen biết và làm việc chung, nhiều lần cùng họp hành chung với nhóm Phao lồ Nguyễn Văn Bình tại 43 Nguyễn Thông, quận 3 (trước kia là Cư xá Sinh viên Phục Hưng mà Giám Đốc đến ngày 30/04/1975 là Cha Phạm Long Tiên) hay tại Toà Tổng Giám Mục hoặc Tu Viện Dòng Đa Minh (Gò Vấp) do Cha Nguyễn Thái Hợp tổ chức, vẫn bị chụp mũ là "người của CS" khi anh trốn từ VN qua Cambodge và sang Mỹ. Nếu người vợ trẻ và hai con của anh biết được chuyện đó thì chắc gì chị vui cho được.

Người Pháp sau hơn một thế kỷ đô hộ nước ta đã nhận xét: Ba người Nhật hợp lại với nhau trở thành một người Nhật. Còn ba người Việt Nam ...

Giáo sư Phạm thị Tự, Tiến sĩ xã hội, giáo sư Đại Học Văn Khoa Sàigòn trao cho tôi một bản nhận định của người Mỹ về người Việt Nam: Cần cù chịu khó giỏi giang, nhưng chuyện đoàn kết với nhau sao xa vời quá.

Vâng, biết đến bao giờ !!! ... "Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng!" ..."Con gà, ve rượu nuốt người lao đao!" Câu chuyện chính danh của người quân tử đâu có dễ dàng đạt được.

Nói như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, "Bao giờ 99 con chiên (không đi lạc) biết cùng nhau đi tìm MỘT con chiên lạc!"

Cám ơn các bạn đã cố gắng đọc đến những dòng cuối này.

Trần Bá Nguyệt, Melbourne, 5-2010.

Hình 1: AC Dương Minh Kinh và các bạn TSC.

Hình 2 & 3 : Anh Chi Mai & Kim Qui

Hình 4: Quyên Di.

Hình 5. Vũ Ánh