Nói đến thịt thỏ, cần phân biệt 2 loại thịt thỏ nhà hay rabbit (lapin, theo tiếng Pháp) và thịt thỏ rừng hay hare (lièvre). Tuy thỏ nhà và thỏ rừng đều thuộc họ động vật Leporidae nhưng chúng có những đặc tinh sinh học khác nhau và thịt của 2 loài cũng có những điểm khác biệt như thịt thỏ nhà màu nhạt hơn, vị cũng nhẹ trong khi đó thịt thỏ rừng màu xậm và vị đậm hơn, khi đun nấu 2 loại thịt cũng được chế biến khác nhau..
Sự phân biệt giữa rabbit và hare cũng có những 'lẫn lộn' giữa cách gọi của người Mỹ và người Âu châu : Các loài Cottontail rabbit (Sylvilagus floradinus) và Marsh hare (S. aquaticus) đều được người Âu châu cho là rabbit, trái lại Jack rabbit (Lepus californicus) thì lại được xem là hare tại bên kia bờ Đại dương..
Tuy gọi rabbit là thỏ nhà, nhưng trên thực tế, thỏ nhà bao gồm 2 loài : thỏ nuôi tại nông trại và thỏ sống tại môi trường hoang dã..
Trong văn hóa và văn chương, thỏ được dùng làm nhiều biểu tượng đáng chú ý như :
Thỏ được Văn hóa Tây phương dùng làm biểu tượng cho sự phì nhiêu hay sự tái sinh và được xem là hình ảnh của Mùa Xuân, của Múa Phục sinh trong Thiên Chúa giáo.
Thỏ được tượng trưng cho sự Ngây thơ, trong trắng..
Trong lịch Trung Hoa, thỏ chiếm 1 trong 12 địa chi, nhưng thỏ được đổi thành mèo trong lịch Việt ( năm Mão)..
Theo truyền thuyết Nhật, thỏ sống trên mặt Trăng, nơi chúng làm món 'mochi' (bánh nếp..nhân kem lạnh)..dựa theo hình ảnh các vết đen trên mặt trăng trông như một chú thỏ đang giã gạo..
Một số nền văn hóa, xem thỏ dưới hình ảnh các vị Thần như người Aztec tin là có một Thiên đình (Centzon Totochtin) với 400 vị Thần thỏ do Thần Ometotchtli hay thỏ hai mình đứng đầu biểu tượng cho phì nhiêu, vui chơi và ..ăn nhậu. Thổ dân Ojibwe tại Mỹ cho rằng Thần thỏ Nanabozho có vai trò quan trọng trong việc tạo ra trái đất..
Khu vực sinh sống của thỏ nhà, cho đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, được giới hạn tại các quốc gia trong vùng phía Tây Địa trung hải, khi người La mã bắt đầu du nhập thỏ vào Ý để làm thực phẩm. Sách vở đã ghi lại là thỏ được vổ béo tại những trại nuôi gọi là leporaria và sau đó dùng chồn (ferret) để bắt thỏ.
Đa số các tác giả nghiên cứu về ẩm thực đồng ý về lý thuyết cho rằng người Normans đã mang thỏ đến nuớc Anh và Ái nhĩ lan. Sự hiện diện của thỏ tại các đảo quốc này đã được ghi nhận từ cuối thế kỷ 12. Thỏ đã được nuôi thả trong những sân lát gạch và có rào nhằm mục đìch bắt chúng phải sinh sống trên mặt đất, người nuôi dễ bắt ..thỏ con. Trong thời Trung Cổ, món ăn từ thỏ mới sinh hay trong bào thai, gọi là laurices, được Giáo hội Công giáo không xếp vào 'thịt', nên giáo dân được phép ăn trong những ngày thứ 6 (ăn chay và kiêng thịt).. Thỏ cũng được nuôi trong các trại, để chúng có thể đào hang, sinh hoạt tự do, nhưng dễ bị sổng chuồng và thoát ra sống nơi hoang dã.
Cho đến cuối thế kỷ 14, thỏ vẫn là một món ăn 'sang trọng ' và đắt tiền. Phương pháp nấu nướng thịt thỏ trong thời Trung cổ tại Âu châu là nướng thỏ nguyên con, ăn với nước sốt gừng..hay ướp thịt với gia vị, nấu nước sốt sệt gọi là civey hay gravey..để sau đó trở thành món ăn nổi tiếng của Pháp : civet lapin.
Trong thời cận đại, các nhà thủy thủ khi đi lại trên các đại dương thường có thói quen đem theo thỏ trên tàu và thả thỏ trên các đảo nơi họ ghé qua để sẽ có thịt mỗi khi trở lại..và thói quen này đã giúp đưa thỏ đến khắp nơi trên thế giới.
Vài đặc tính sinh học :
Thỏ nhà là một động vật có vú thuộc họ Leporidae trong bộ sinh vật Lagomorpha. Họ Leporidae có 7 loài động vật đượ gọi chung là thỏ trong đó co những loài như thỏ Âu châu (Oryctolagus cuniculus), thỏ đuôi mịn=cottontail (loài Sylvilagus với 13 chủng) , thỏ Amami (Pentalagus fusnessi) một loài thỏ đang trong nguy cơ bị tuyệt chủng tại Nhật.. Thỏ nhà phân bố tại nhiều nơi trên thế giới, từ những vùng đồng cỏ, rừng thưa hay rậm đến cả sa mạc và đất lầy. Hơn phân nửa tổng dân số thỏ sống tại vùng Bắc Mỹ, chúng có mặt tại Âu châu, Ấn độ, Sumatra , Nhật và một số vùng tại Phi châu. Thỏ Âu châu đã được đưa đến khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam . Con số thỏ trên thế giới tăng rất nhanh trong thế kỷ 20, lên đến trên 100 triệu con vào thập niên 50, để trở thành một loài thú phá hoại mùa màng, nhất là tại Úc (bệnh myxomatosis đã được gây vào thỏ rồi thả chúng vào nhiều nơi tại Úc trong mục đích gây dịch bệnh để diệt bớt các thỏ khác)
Thỏ nhà trước đây được xếp chung vào nhóm gậm nhấm (như chuột, sóc..) vì chúng có các răng cửa dùng vào việc nhai, ngoại hình và hoạt động như các thú vật gậm nhấm..
Hiện nay có trên 50 giòng thỏ nhà đã được thuần hóa và nuôi làm thỏ công nghiệp lấy lông hay thịt. và làm thú 'cảnh' (pet), trong đó những giòng (breed) cung cấp thịt nổi tiếng nhất gồm : NewZealand (9- 12 lbs ), Palomino (mắt nâu, 9- 10 lbs ), British Giant (+ 12lbs), Flemish Giant (+ 18 lbs ), American Chinchilla (được đưa ừ Pháp vào USA năm 1919, 9- 12 lbs ), Spanish Geant (có thể lớn bằng 1 chiên con, + 15 lbs )..
Thỏ có thân hình thon dài chừng 20 cm , đầu to, bụng to, lưng cong và tròn với đôi đùi sau khá thuôn và mạnh. Chúng có đôi tai to và dài có thể hơn 10 cm , có khả năng cảm xúc rất cao có thể xoay mọi hướng. Mắt to , ở vị tri cao nơi đầu và vùng quan sát của thị giác có thể quay gần 360 độ. Đuôi thỏ ngắn. Thỏ có bộ lông dầy, dài và rất mịn, màu sắc thay đổi tùy giống từ trắng tuyền đến nâu nhạt, xám và đốm. Chân cũng phủ lông (khác với chuột). Mũi hếch, thỏ có khả năng điều khiển sự đóng và mở của lỗ mũi nhờ có những bắp thịt ở phần trên của hốc mũi.
Hệ thống tiêu hóa của thỏ cũng rất đặc biệt : Thỏ có phần ruột cùng (cecum) rất lớn, to gấp 10 lần bao tử. Ruột cùng và ruột già chiếm đến 405 hệ tiêu hóa và các hoạt động tiêu hóa thức ăn xẩy ra tại đây.Thỏ thải 2 loại phân : một dạng cứng đóng thành cục và một dạng phân sệt, mềm màu đen ra ban đêm , phân này gọi là cecotrope chứa nhiều khoáng chất và vitamins, chất đạm..để sau đó chúng..ăn lại trong ngày. Phương thức này giúp chúng lấy lại được các dưỡng chất cần thiết để nuôi cơ thể.
Thỏ nhà cân nặng từ 1 đến 5 kg , có thể sống trung bình hơn 1 năm trong hoang dã nhưng khi được nuôi, chúng có thể sống đến 10 năm
Thỏ nhà sống thành bầy, trong những hang đào dưới mặt đất, chúng thích chọn những vùng đất có cỏ, đòi và đào hang nơi những triền nghiêng, khô và thoát nước. Chúng cũng sinh hoạt tại các nơi thoáng rộng nên các kẻ thù như chồn cáo, chim săn thịt rất dễ tìm thấy..Khi sinh hoạt, một thỏ trong bầy được 'chỉ định' để làm 'linh canh' và khi cảm thấy nguy cơ, thỏ canh sẽ dậm chân báo động để cả bầy chui xuống hang..Khi bị đuổi bắt, thỏ nhà có thể chạy nhanh đến 35 miles/giờ (nhanh hơn cả mèo).
Thỏ ăn mọi loại rau cỏ, kể cả cây non, vỏ cây, và các loại ngũ cốc Thỏ có thể mang thai ngay khi đạt 6 tháng tuổi, sanh mỗi năm từ 20 đến 40 thỏ con, mỗi lứa từ 3-7 thỏ con trong thời gian khoảng 5 tuần từ tháng Giêng đến cuối Hè..
Tại Việt Nam , thỏ nhà đã được du nhập từ Âu châu vào khoảng thế kỷ 18 và được nuôi trên toàn quốc. Thỏ thích ứng với các điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam và các cách nuôi dinh dưỡng kém Các giống được nuôi phổ biến nhất là giống New Zealand và giống NewZealand cải thiện nhập từ Hungary (1978).. là những giống thỏ thịt được xem là có giá trị kinh tế cao. Thỏ NewZealand lông trắng tuyền, mắt đỏ hồng, khi trưởng thành nặng 4- 5 kg , đẻ nhiều : mỗi năm 5-6 lứa, mỗi lứa trung bình 6 con. Theo các dự án chăn nuôi công nghiệp, Việt Nam dự trù sẽ nuôi đến trên 1.5 triệu thỏ và cung cấp cho Công ty Nippon Zoki Nhật.Việt Nam cũng thử nuôi thỏ Angora để lấy lông nhưng không thành công
Thịt thỏ nhà :
Việc sử dụng thịt thỏ làm thực phẩm tương đối được chấp nhận dể dàng tại khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Hoa Kỳ và một số quốc gia có những người nuôi thỏ như một thú-thân thương (pet) giống như chó, mèo..Tuy nhiên ăn thịt thỏ không bị 'giới hạn' như ăn thịt chó. Tại Anh, thịt thỏ được bầy bán tại các chợ và cửa hàng thịt, thỏ bị giết và treo nguyên con cạnh thịt các thú hoang khác như trĩ, sóc, nhím. Tại Úc, tuy thịt vẫn được bày bán nhưng hiện thỏ đang là một thú gây hại, cần tiêu diệt bớt..
Tại Âu châu, Pháp có lẽ là quốc gia có món thịt thỏ nổi tiếng nhất thế giới : Món thỏ nấu rượu chát (Civet lapin).
Tại Pháp, việc nuôi thỏ để làm thực phẩm đã được phát triển từ thế kỷ 17 và giống thỏ Cottontail rabbit (Sylvilagus floridanus) đã được du nhập từ Bắc Mỹ để giúp đáp ứng cho nhu cầu thịt thỏ. Thỏ lớn có thể cân đến 10 kg , nhưng trên thị trường thỏ bị hạ thịt trung bình nặng 1.2 đến 1.5 kg , thịt rất mềm. Thò Angevin được xem là hương vị đặc biệt do được nuôi bằng các thức ăn chọn lọc nhưng hiện rất khó kiếm..Thịt thỏ trên thị trường (theo tiêu chuẩn của USDA) được phân hạng tương tự như thịt gà :
Fryers là tên dành cho thịt thỏ hạ thịt tuổi dưới 12 tuần, nặng ít nhất là 700 gram và không quá 2 kg . Thịt rất mềm mầu hồng nhạt.
Thịt thỏ, tuổi trên 12 tuần nhưng dưới 6 tháng sẽ là Roaster thường nặng trên 2 kg . thịt chắc hơn màu đận và dai hơn, có kèm mỡ màu kem nhạt.
Thịt thỏ trên 6 tháng là Stewer.
Lòng thỏ thường là gan và tim.
Thịt thỏ thường được ươp vơi mù tạt, nấu với mận (prune) như tại Pháp và Bỉ. Nói chung các món ăn từ thịt thỏ, có thể nấu như các món thịt gà và thay đổi tùy vùng, tùy dân tộc như nấu với thịt jambon, rượu chát hay rượu brandy, thêm tỏi (như tại Tây ban nha, Bồ đào nha). Tại Nam Mỹ, thịt thỏ có thể nấu với hạt tiêu, nước dừa ( Columbia ) hay với sốt đậu phọng ( Chile )
Món Brawn của Anh có thể xem như một loại giò..thủ làm bằng xương đầu của heo, trừu và cũng làm bằng thịt thỏ, đông lại do chất gelatin từ thịt.. Món ăn nguội này còn được gọi là 'head cheese' tại Mỹ hay fromage de tête tại Pháp.
Civet , ngày nay, là tên gọi chung cho các món thịt nấu vơi rượu chát, có thêm hành củ, nấm và làm đặc sệt bằng máu của thú, thường là thỏ
Giá trị dinh dưỡng của thịt thỏ nhà
Thịt thỏ nhà= Rabbit meat, Viande de lapin, Kaninchenfleisch
100 gram phần ăn được chứa :
- Calories 152
- Chất đạm 20.8 g
- Chất béo 7.62 g
- Cholesterol 83 mg
- Khoáng chất tổng cộng 1.08 g
- Sodium 47 mg
- Potassium 350 mg
- Calcium 13 mg
- Magnesium 23 mg
- Sắt 2.7 mg
- Manganese 38 mcg
- Đồng 150 mcg
- Kẽm 1.7 mg
- Phosphorus 210 mg
- Selenium 10 mcg
- Vitamins :
- A (Retinol) 300 nanogram
- B1 110 mcg
- B2 66 mcg
- Nicotinamide 9.6 mg
- B6 300 mcg
(Theo Food Composition and Nutrition Tables của MedPharm Scientific Publishers 7th Edition)
Theo Prevention Magazine's Nutrition Advisor, các số liệu trên có một số khác biệt và được bổ túc thêm như :
Thành phần chất béo trong 100 gram thịt :
- Chất béo tổng cộng 5.94 g
- bão hòa 1.76 g
- chưa bão hòa mono 1.61 g
- chưa bão hòa poly 1.10 g
- Vitamin B2 : 6.05 mcg
Ngoài ra có thể ghi thêm vài con số từ Geigy Scientific Tables : 100 gram thịt thỏ có 4 mcg Folic acid tự do; 0.8 mg Pantothenic acid; 0.1 mg alpha-tocopherol. .
Xét chung về phương diện dinh dưỡng, thịt thỏ nhà có thể được xếp vào loại thịt 'trắng', ít mỡ, nạc hơn thịt heo, gà và bò, đặc biệt là chứa nhiền vitamin B12, rất cần thiết cho người thiếu máu và bồi bổ hệ thần kinh. Lượng sắt , dưới dạng heme dễ hấp thu và các vitamin nhóm B tương đối cao giúp thịt trờ thành thích hợp với người cao niên và phụ nữ sau khi sanh. Tuy nhiên người bệnh gout cần ghi nhận là thịt chứa 132 mg/100 g purines.
Thò trong Đông-Nam dược :
Dược học cổ truyền Việt Nam dùng một số bộ phận của thỏ nhà hay Gia thố làm thuốc trị bệnh, thường là thịt và xương.
Thịt thỏ nhà được xem là có vị ngọt, tính mát, có các tác dụng 'bổ trung, ích khí', 'hoạt huyết' và giải độc. Xương thỏ được xem là có vị ngọt/chua, tính bình có các tác dụng 'trấn tĩnh, khu phong' và giải độc đinh sang..
Thịt thỏ , ăn hay hầm nhừ ra nước, bồi bổ trị được tiêu khát, nóng bao tử gây ói mửa và tiểu ra máu. Xương thỏ hầm cũng trị tiêu khát, choáng váng, cũng có thể ngâm rượu; sao vàng tán thành bột rắc vào vết mụt nhọt.
Tuệ tĩnh, trong ' Nam dược thần hiệu' ghi : Thỏ nhục=Thịt thỏ vị cay, tính bình, không độc, điều trung ích khí, hòa tỳ vị, giải độc, trị đau tê.
Hải thượng Lãn ông, trong 'Lĩnh nam Bản thảo' :
' Thỏ nhục gọi tên là thịt thỏ
Cay, bình, không độc hay bồi bổ
Điều trung, ích khí vị tỳ hòa
Tê dại các độc đều trừ bỏ..'
Khoa trị liệu bằng dinh dưỡng của Trung Hoa ghi nhận thỏ đã được nuôi và dùng làm thực phẩm từ lâu đời tại Trung Hoa.
Thịt thỏ được xem là có vị ngọt, tính mát và tác động vào các Kinh-Mạch thuộc Tỳ và Vị, với các tính chất bổ Tỳ, ích Khí được dùng trong các trường hợp suy Tỳ-Vị với các triệu chứng ăn không ngon miệng, mệt mỏi, khát.. Thịt thỏ được hầm chung với táo tàu, khoai mài, hoàng kỳ và rễ qua lâu..
Ghi chú:
Ngoài thịt , thỏ còn cung cấp da và lông dùng trong kỹ nghệ may mặc làm áo, khăn quàng. Thỏ loài Angora có lông dài và mịn có thể cắt như lông trừu. Phân thỏ được xếp vào loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng; nước tiểu của thỏ chứa lượng nitrogen cao, rất tốt cho các cây chanh. Sữa thỏ chứa nhiều chất đạm và dễ tiêu được xem là có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Thỏ đã và đang được dùng làm thú vật trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu về hoạt tính và độc tính của nhiều hóa chất trong kỹ nghệ dược phẩm và mỹ phẩm..Thuốc ngoài và mỹ phẩm thử nghiệm thường được bôi trên da thỏ đã cạo lông để thử các phản ứng loại dị ứng..
Từ khoảng thập niên 20, thỏ đã được dùng trong các thử nghiệm xác định sự mang thai nơi phụ nữ : trong nước tiểu phụ nữ có thai sẽ có kích thích tố hCG, và khi chích nước tiểu này vào thỏ, buồng trứng của thỏ sẽ thay đổi, và sự xem xét buồng trứng thõ có thể kết luận được việc cấn thai..Các thử nghiệm này đã trở thành lỗi thới với các tiến bộ của nghành thử nghiệm miễn nhiễm.
Tài liệu sử dụng :
The Oxford Companion to Food (Alan Davidson)
Prevention Magazine's Nutrition Advisor.
USDA Fact Sheets : Rabbit from Farm to Table.
Từ điển Động vật & Khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam (Võ văn Chi)