Hát Xẩm Chợ Đồng Xuân

Mời nghe: người HÀ NỘI hát.... xẩm.

Hát xẩm chợ Đồng Xuân

Xin mở link dưới nghe 1 bài :

http://www.youtube. com/watch? v=7AU6Vtv_ EJA

Hát xẩm chợ đêm Đồng Xuân níu kéo giới trẻ Hà Thành

Thứ năm, 20 Tháng 8 2009 00:00

Sau những biến cố của lịch sử, hát xẩm trong tiềm thức người Hà Nội dường như dần đi vào quên lãng giữa những bộn bề của cuộc sống. Nhưng giờ đây, xẩm không chỉ trở lại bởi dăm ba câu hát bên đường mà nó đã thực sự trở thành bộ môn nghệ thuật với niềm đam mê không dứt của những người đã trót một lần nghe xẩm.

Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Âm nhạc Việt Nam là một trong những cái nôi đào tạo hát xẩm hiện nay và đã thu hút được số đông học viên theo học, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đến từ khắp mọi miền.

Một lớp học hát xẩm đặc biệt được khai giảng do Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Âm nhạc Việt Nam tổ chức đã thu hút được mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ học hát xẩm có thể vì thú vui, vì thích nhưng điều quan trọng hơn cả là họ đã ý thức được việc lưu giữ dòng nhạc kén người nghe này để không bị mai một.

Chị Nguyễn Thị Hà, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “ Lúc đầu em không thích nghe hát xẩm nhưng khi đến đây vài lần được các anh chị của Trung tâm dạy cho vài làn điệu. Thế rồi, em mê hát xẩm từ lúc nào không biết”.

Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Âm nhạc Việt Nam cho biết: “Sau khi hát xẩm được khôi phục và biểu diễn vào mỗi tối thứ 7 ở chợ đêm Đồng Xuân, đã có rất nhiều người đến Trung tâm xin theo học và chiếm phần lớn là các bạn trẻ”.

Những ngày đầu mở lớp, cả Trung tâm vừa mừng vừa lo. Mừng vì đông người theo học nhưng lại lo không biết họ có theo được đến cũng hay không. Nếu được đào tạo tốt và thêm một chút đam mê thì đây sẽ là những hạt giống nối tiếp thế hệ đi trước gìn giữ một loại hình âm nhạc độc đáo. Nhưng lại lo không biết học viên có thể “bám trụ” được với lớp bao lâu.

NSƯT Văn Ty cho biết: “Trung tâm mở lớp học hát xẩm miễn phí nhằm thu hút mọi người đến với xẩm, cũng chỉ duy nhất với mục đích lưu truyền lại nó”.

Tuy lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí nhưng cả thầy và trò đều rất nghiêm túc, do phần lớn số lượng học viên đều đang đi học, đi làm nên thời gian học chủ yếu thầy phải phụ thuộc vào trò.

Những học viên lớn tuổi đến Trung tâm như để tìm lại một chút gì đó ngày xưa của Hà Nội, cô Đinh Thị Hiền, ở Khu đô thị mới Linh Đàm cho hay: “ Từ nhà lên lớp học hơi xa, nhưng đến đây được học xẩm, cũng thấy đỡ buồn nên con cháu cũng ủng hộ cho lên học”.

Còn bác Hồ Thị Thủy, ở mãi tận Từ Liêm những cũng lặn lội đi xe bus sang lớp học: “ Lớp học miễn phí nhưng chất lượng, tôi đang định rủ mấy bà hàng xóm cùng đi học cho vui”.

Không chỉ các cô bác lớn tuổi mà có những em nhỏ như Nguyễn Ngọc Anh, 10 tuổi quê ở Thái Bình nhân dịp nghỉ hè lên nhà bác chơi, được đi chợ đêm nghe hát xẩm cũng nằng nặc đòi bác cho đến học hát.

Nguyễn Hồng Đăng là con gái nghệ nhân xẩm Nguyễn Văn Gia cũng quyết học xẩm chỉ đơn giản để “ thay đổi định kiến là xướng ca vô loài”.

Xẩm có 8 điệu nhưng trước hết học viên sẽ được làm quen với các điệu dễ như xẩm tàu điện rồi đến các điệu khó hơn như huê tình, xẩm thập ân..Để hát được xẩm không chỉ đòi hỏi năng khiếu mà còn cần đến sự khổ luyện của người học, phải nắm được ý tứ của bài hát.

Hát xẩm phải luyến láy, tập trung cao độ nghe nhạc đệm cho chính xác. Xẩm khó ở chỗ khi mới chỉ nghe thì thấy rất dễ bởi vì ca từ mộc mạc đơn sơ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó bản năng vô hồn, chỉ khi hát mới có thể hiểu được cái tinh tế của các nghệ nhân nên xẩm phải có những nốt tô đệm để nhấn, bộc lộ đựoc tình cảm trong từng câu chữ của mỗi bài hát.

“Chúng tôi không thu tiền học phí ở lớp hát xẩm, nhưng cũng không có thù lao. Lớp học do các nghệ sỹ trong Trung tâm đứng lớp truyền dạy cho học viên một cách bài bản nhất, và phải bằng chính niềm say mê với xẩm mới có thể giúp chúng tôi mới làm được điều này”. Nghệ sĩ Thao Giang cho biết.

Sau một thời gian đào tạo, học viên nào đáp ứng được nhu cầu và có chất giọng tốt sẽ được biểu diễn cùng với các nghệ sỹ ở chợ đêm hay các chương trình mà Trung tâm tham gia.

Tiếng lành đồn xa, các trường học trên địa bàn thành phố cũng gửi đến Trung tâm những bạn trẻ có khả năng ca hát để thành lập nhóm hát xẩm. Trung tâm cũng đặt ra các tiêu chí để tuyển chọn và đào tạo số học viên từ các trường học, các nhà văn hóa của các quận huyện, yếu tố đầu tiên là niềm đam mê với xẩm sau đó Trung tâm sẽ đào tạo những kĩ năng khác để các bạn thực sự là những truyền nhân cho những bạn trẻ khác.

Trường đại học FPT là một trong số ít các trường đại học đã thành lập được CLB hát xẩm và có những hoạt động thường xuyên thu hút được thêm nhiều bạn trẻ tham gia. Đây là thành công bước đầu của Trung tâm cũng như là cánh cửa mở ra niềm hy vọng mới cho sự trở lại của xẩm.

Theo NHN