Tình Yêu Giáo Hội Trong Thời Khủng Hoảng



Dưới đây là bài Huấn Đức cho các chủng sinh

tại Đại Chủng Viện Xuân Lộc ngày 05.05.2010

TÌNH YÊU GIÁO HỘI TRONG THỜI KHỦNG HOẢNG

Đôi dòng suy nghĩ nhân vụ các linh mục bị tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em

Lm. Giuse Đinh Đức Đạo

Trong mấy năm vừa qua, nhất là trong những tháng cuối này, qua việc một số linh mục phạm tội xách nhiễu tình dục các em bé vị thành niên, Giáo Hội của Chúa, đặc biệt Đức Thánh Cha bị chửi bới, bị xỉ nhục, như thể Giáo Hội là một đoàn thể xấu xa, gớm ghiếc; như thể các linh mục, tất cả chỉ là phường giả dối, một đoàn ngũ nguy hiểm cho giới trẻ; như thể Đức Thánh Cha và các giám mục là những người bao che những kẻ phạm pháp để giữ thể diện… Nói tóm lại, các phương tiện truyền thông, nhất là những hãng thông tấn và nhật báo lớn như BBC, New York Times…, đã đồng loạt đưa ra những thông tin, như những đợt sóng tấn công liên tục có chiến thuật vẽ ra một hình ảnh rất tiêu cực về Giáo Hội.

Trong hoàn cảnh này, nhiều con cái của Giáo Hội đâm ra nao núng và ngờ vực về Giáo Hội, có khi về chính Đức Tin của mình; người khác thì mang mặc cảm tội lỗi không dám nhận mình và không dám tỏ mình ra là người công giáo, là linh mục tu sĩ; người khác nữa thì vào hùa để chỉ trích và kết án Giáo Hội nói chung, các chủ chăn nói riêng. Một bản tin mới đây nói là có một số giáo dân người Đức muốn rút tên khỏi Giáo Hội.

Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Giáo Hội, đặc biệt cho Đức Thánh Cha trong hoàn cảnh khó khăn này. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của những lỡ lầm trầm trọng do các linh mục gây ra trong vấn đề lạm dụng tình dục.

Cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cũng cần suy tư để tìm lấy ánh sáng của Tin Mừng, chiếu soi cho đời sống Đức Tin, cho hành trình dấn thân trong ơn gọi linh mục và cho thái độ mục vụ của chúng ta.

Dưới đây là một số tâm tình và thái độ của Đức Tin chúng ta cần phải có.

1. Tôn trọng sự thật và hiệp thông trong tâm tình thống hối

Lạm dụng tình dục trẻ em vị thành niên là một tội ác. Ai phạm lỗi nặng nề này, cần phải ăn năn hối cải và đền trả cân xứng. Điều này đã được ĐHY Cláudio Hummes, Bộ Trưởng Bộ Giáo Sĩ nói trong thư gửi các Linh Mục về Ngày Bế Mạc Năm Linh Mục và chính Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng đã khẳng định trong lá thư gửi giáo hội tại Ái Nhĩ Lan. Theo Giáo Luật thì linh mục phạm tội này "phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ, nếu trường hợp đòi hỏi điều đó." (điều 1395, § 2).

Dĩ nhiên, những người phạm lỗi nặng nề này phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội và cả trước tòa án của xã hội, nhất là vì những hành động đó không những đã gây thương tổn cho các nạn nhân, mà còn làm nhục nhã cho tất cả Giáo Hội của Chúa. Nhưng đối với chúng ta, các tín hữu của Chúa và là con cái của Giáo Hội, chúng ta phải có thái độ thế nào?

Mặc dù những lỗi lầm nặng nề của những linh mục can án đã làm tổn thương danh dự cho tất cả Giáo Hội và đã là cái cớ để nhiều người đánh phá Giáo Hội, trong tinh thần của ơn cứu độ và trong tình hiệp thông của con cái Giáo Hội, không phần tử nào của Giáo Hội được nhìn các linh mục đã yếu đuối vấp phạm trong tư thế của một người ngoài cuộc, nhất là càng không được có thái độ của một quan tòa đứng kết án, nhưng phải có thái độ tôn trọng công bằng và có tâm tình liên đới của một người anh em, của một phần tử thuộc về cùng một Giáo Hội.

Tinh thần tôn trọng công bằng và tình liên đới huynh đệ đòi buộc trước tiên tinh thần khách quan để tìm hiểu sự thật. Kẻ bị cáo chưa chắc đã là người có tội, nhất là trong thế giới hôm nay, đầy dẫy những vụ vu vạ, cáo gian trong cuộc sống thường ngày và qua những phương tiện truyền thông, như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet… Trong lịch sử đau thương của những vụ tố cáo các linh mục về lạm dụng tình dục trẻ em, đã có nhiều vị bị vu vạ vì người ta thù ghét, vì người ta muốn tống tiền. Những vụ lớn và điển hình là ĐHY Joseph Bernardin, Tổng Giám Mục Chicago, ĐHY Roger M. Mahoney, Tổng Giám Mục Los Angeles, ĐHY George Spell, Tổng Giám Mục Sydney và còn biết bao nhiêu linh mục khác. Các ngài bị tố cáo, bị bêu xấu, nhưng cuối cùng thì các tòa án đã tuyên bố các ngài vô tội. Vì vậy, không được vào hùa với đám đông mà kết án khi chưa kiểm chứng bản tin một cách cẩn thận.

Khi đã kiểm chứng cẩn thận, nếu thấy một phần tử của Giáo Hội bị oan, phải biết cảm thông nỗi đau khổ và bênh đỡ. Biết bao linh mục bị vu vạ cáo gian; trong thời gian bị kiện thì bạn bè xa lánh, người đời khinh bỉ. Khi được trắng án thì rơi vào quên lãng, không ai nhớ tới, không một lời cảm thông và an ủi, cho dù các ngài đã bị thân tàn, danh bại.

Nếu linh mục bị tố cáo có tội, người tín hữu có tinh thần Đức Tin và có lòng thương yêu Giáo Hội không thể đứng như kẻ ngoài cuộc mà chỉ trích và khinh miệt, nhưng phải biết lãnh phần trách nhiệm trong tình liên đới và nếu cần, cộng tác để đền trả các thiệt hại do sự yếu đuối của các phần tử của Giáo Hội gây ra, vì đây là Giáo Hội của tôi và đó là anh em của tôi. Đó không phải là người ngoài cuộc, nhưng là anh em trong nhà. Trước pháp luật của các quốc gia, các phần tử của Giáo Hội không phải chịu trách nhiệm về những lỡ lầm trầm trọng của những linh mục yếu đuối, nhưng tình yêu Giáo Hội thúc đẩy mọi tín hữu phải có tình liên đới với các ngài, có khác chi những anh chị em trong cùng một gia đình. Khi một người trong gia đình phạm luật, các anh chị em trong gia đình không có trách nhiệm trước pháp luật, nhưng tình liên đới của anh chị em cùng một gia đình thúc đẩy tất cả cộng tác theo sức lực và khả năng của mình để giúp người anh em phạm luật đền trả những thiệt hại. Đó là tâm tình của thánh Phaolô khi ngài viết cho giáo đoàn Côlôsê: "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24).

Ngày nay nhiều người nói mình là kitô hữu, nhưng không lấy Chúa Kitô làm mẫu gương để noi theo, mà chạy theo thói tục người đời, hùa theo những người chỉ chú tâm tìm những sơ hở để tố cáo, để kết án. Người ta cứ tưởng làm như vậy là trưởng thành, là công bằng, là yêu mến Giáo Hội. Người ta không còn khả năng phân biệt ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận, cần phải có để thăng tiến với việc nói hành, nói xấu và việc vu vạ cáo gian, làm bại hoại thanh danh của người khác và gây thêm chia rẽ, thù hằn, làm nản lòng những người thành tâm thiện chí. Để phân biệt được sự khác biệt, cần phải có tinh thần khiêm nhượng và thành thực với chính mình để nhận diện những tình cảm, những ý nghĩ thầm kín trong lòng mình và gọi chúng với chính tên của chúng. Nhiều lý do nói ra để biện minh thì hay lắm, nhưng lý do thực trong bụng thì có thể chỉ là ghen tị hay tham vọng, lợi lộc.

2. Chứng nhân của sự lương thiện và của Niềm Vui Ơn Cứu Độ

Trong cuộc khủng hoảng về vấn đề một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, có một sự kiện rất đáng được chú ý và đòi hỏi một suy tư.

Có nhiều linh mục, nếu không muốn nói là đa số các linh mục bị tố cáo đã lạm dụng tình dục với trẻ em là những người đang sống và phục vụ rất gương mẫu, rất hăng say và trung thành. Bỗng nhiên các ngài bị tố cáo và kết án là đã lạm dụng tình dục trẻ em, làm cho những người quen biết và các giáo dân bàng hoàng; có khi đâm ngờ vực tất cả. Có một điều đặc biệt là hầu hết các ngài bị tố cáo về một việc đã vấp phạm hai ba chục năm trước đây và thường chỉ là đôi ba lần. Điều này có nghĩa gì?

Điều này có nghĩa là những linh mục đó đã có những lỡ lầm nghiêm trọng trong quá khứ, nhưng nhờ ơn Chúa, đã ăn năn hối cải và đã cải thiện đời sống. Các con cái Chúa trong Giáo Hội không ai sinh ra là thánh, nhưng sinh ra cũng là những tội nhân như mọi người. Khác một điều là con cái Chúa đã đón nhận lời mời gọi của Chúa, tin tưởng vào sức mạnh của ơn thánh Chúa và cố gắng sửa mình. Sứ điệp đầu tiên của Chúa khi bắt đầu cuộc đời công khai là lời mời gọi ăn năn và cải thiện đời sống: "Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần. Anh em hãy ăn năn, cải thiện đời sống và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15). Con cái Chúa cũng có nhiều lỡ lầm và tội lỗi, nhưng chấp nhận lời mời gọi, lời thách đố của Chúa để thay đổi cuộc sống. Do đó, con cái Chúa không phải là thánh, nhưng là những tội nhân đang trên đường nên thánh, khiêm nhượng nhìn nhận mình tội lỗi và cố gắng thay đổi cuộc đời.

Vi vậy, chứng tá đầu tiên Giáo Hội có thể dâng tặng cho thế giới là chứng tá của những tội nhân thành tâm thống hối, ăn năn hối cải và được hưởng niềm vui của ơn cúu độ. Giáo Hội không rao giảng chính mình, không rao giảng sự thánh thiện của mình, nhưng phải rao giảng Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ, rao giảng rằng ơn cứu độ của Chúa Kitô ban sức sống, đem lại niềm vui, ơn an bình. Vì vậy, Giáo Hội không sợ nhìn nhận những lỗi lầm của mình, vì chính trong khi nhìn nhận lỗi lầm của mình và cố gắng hối cải là lúc Giáo Hội có thể cao rao tình thương cứu độ của Chúa Kitô. Chỉ những kẻ giả hình mới cho là mình vẹn toàn và che lấp tội lỗi của mình: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối" (1Ga 1,8-9).

Cao trào tố cáo các linh mục làm phơi bày ra tâm địa độc ác và hết sức giả hình của nhiều người đang xử dụng các phương tiện truyền thông. Nhiều tờ báo lớn trên thế giới vội vàng đăng tải bất cứ tin nào về tội lạm dụng tính dục có liên quan đến các linh mục, làm như thể rất quan tâm đến trẻ em, nhưng không đăng tải và bình luận về việc bên Hòa Lan có cả một đảng chính trị đòi cho làm tình với trẻ em từ 10 tuổi; ngoài ra cũng không hề nói đến tội ác phá thai, hay nhiều khi còn phò phá thai nữa. Sách Tin Mừng Thánh Gioan kể là khi các các luật sĩ và phái Pharisiêu dẫn đến Chúa một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và hỏi Chúa nghĩ gì về luật Môisen cho ném đá đến chết người đàn bà này thì Chúa trả lời: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi" (Ga 8,1-11). Nếu Chúa có trở lại trên thế gian hôm nay và Chúa cũng hỏi câu đó, chắc có rất nhiều người, nhất là những người đang đánh phá Giáo Hội sẽ không làm như nhóm luật sĩ và Pharisiêu trong đoạn sách thánh Gioan nói ở trên, nhưng họ sẽ đi lượm đá ném người đàn bà cho chết mới hả hê.

Các linh mục đã vấp phạm lỗi lầm nặng nề vì sự yếu đuối và dòn mỏng của bản tính loài người, nhưng khiêm nhượng nhìn nhận lỗi lầm, can đảm chấp nhận trách nhiệm và ăn năn thống hối, cải thiện đời sống đang là những chứng tá quí giá của ơn cứu độ của Chúa. Đứng trước một xã hội giả trá và độc ác như hiện nay, các ngài là một thách đố và cũng là một sứ điệp tràn trề hy vọng, mời gọi thế giới hãy khiêm nhượng nhìn nhận tội lỗi của mình và ăn năn hối cải để được hưởng niềm vui ơn cứu độ của Chúa Giêsu như chính các ngài đang được hưởng.

Không những các ngài không cần mặc cảm với ai mà còn có thể hiên ngang, cho dù thế giới có kết án và khinh miệt các ngài, vì các ngài đã được Chúa tha thứ và cuộc đời của các ngài chở theo lời mời gọi của Chúa Kitô cho tất cả thế giới: "Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn, cải thiện đời sống và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Do đó, các ngài là niềm vui và là niềm hãnh diện cho chúng ta vì "các Thiên Thần của Chúa vui mừng thấy chỉ một kẻ có tội ăn năn hối cải" (Lc 15,10).

3. Hãy hãnh diện về Giáo Hội

Các phương tiện truyền thông đại chúng đang cố tình vẽ ra hình ảnh Giáo Hội như một tổ chức xấu xa tội lỗi, trong đó, các linh mục, các tu sĩ và những giáo dân nhân viên mục vụ là những thành phần nguy hiểm cho giới trẻ. Những tin tức dồn dập về việc các linh mục, tu sĩ bị tố cáo tạo ra một ấn tượng gây hoang mang trong lòng các tín hữu. Nhiều người sống trong tâm trạng ngao ngán và hoài nghi về các chủ chăn của mình và về ngay cả Giáo Hội.

Nhưng hình ảnh mà các phương tiện truyền thông vẽ ra về Giáo Hội là hết sức sai lạc và bất công. Theo thống kê thì số các linh mục có liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em chỉ chiếm 0,03% tổng số các linh mục, có nghĩa là trong 10.000 linh mục có 3 linh mục lỡ lầm. Ngoài ra, nhiều bài khảo cứu về tâm bệnh cho thấy tội lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra ở mọi môi trường, như học đường, tổ chức nhân đạo, các tôn giáo và ngay cả trong gia đình. So sánh với các tổ chức đạo đời khác, môi trường Giáo Hội Công Giáo vẫn là môi trường lành mạnh nhất và đáng tin cậy nhất.

Nhìn Giáo Hội với con mắt khách quan, chúng ta phải hãnh diện về Giáo Hội và về hàng linh mục của Giáo Hội. Theo thống kê đã nói ở trên, tuyệt đại đa số các linh mục đang trung thành và hạnh phúc phục vụ Chúa trong đời sống linh mục của mình. Hơn nữa, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 20 thế kỷ của Giáo Hội và hiện nay, biết bao nhiêu linh mục đã và đang phục vụ một cách trung thành và hạnh phúc trong ơn gọi linh mục cho dù gặp phải những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhất là trong bối cảnh của công việc truyền giáo. Lược lại lịch sử của Giáo Hội, đã có biết bao nhiêu linh mục trổi vượt, làm lan tỏa hương thơm thánh thiện và đem lại bao nhiêu ơn ích không riêng gì cho Giáo Hội mà cho cả xã hội. Chỉ cần kể qua ít tên tuổi quen thuộc, chẳng hạn, thánh Phanxicô Saviê, thánh Gioan Bosco, thánh Gioan Vianey, cha Đamien, tông đồ người hủi, và trong thời đại của chúng ta, có ba khuôn mặt thánh thiện vĩ đại là Tôi tớ Chúa Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta và cha thánh Piô. Tại Việt Nam chúng ta thì có những tên tuổi lừng danh như cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, cha thánh Philipphê Phan Văn Minh… Tìm đâu ra được một tổ chức hay một đoàn thể, kể cả đoàn thể tôn giáo có đông đảo số người thánh thiện và hy sinh quên mình phục vụ tha nhân như Giáo Hội Công Giáo và các vị thánh thiện đó thuộc đủ mọi thành phần: giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Vì vậy, chúng ta phải hãnh diện về Giáo Hội Công Giáo của chúng ta, cả trong quá khứ và ngay chính hiện tại của Giáo Hội.

4. Hãy vui mừng vì được chịu khổ vì Danh Chúa và cầu nguyện cho những kẻ bách hại Giáo Hội

Một hiện tượng nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ là những cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa ra những tin tức hồ đồ và mâu thuẫn về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em và cố tình tìm hết cách để kéo Đức Thánh Cha vào. Đây không phải là thông tin, nhưng là một cuộc đánh phá có tính toán và chiến thuật. Người ta lợi dụng một mẩu tin rồi cắt xén, chế biến và chắp nối các sự kiện để làm ra một bản tin mới nhằm lèo lái dư luận, để hạ uy tín Giáo Hội nói chung và Đức Thánh Cha nói riêng. Người ta nói năng, viết lách một cách vô lễ đối với Giáo Hội và với Đức Thánh Cha.

Như chúng ta đã nói trên đây, số linh mục bị tố cáo đã lạm dụng tình dục trẻ em chỉ chiếm 0,03% và đa số đó là những sự kiện đã xảy ra hai ba chục năm trước đây. Ngoài ra, đây là một vấn đề rộng lớn của thế giới, cũng xảy ra ở mọi tầng lớp và tổ chức, kể cả môi trường gia đình và các tôn giáo khác không phải là Công Giáo, nhưng các phương tiện truyền thông chỉ chĩa mũi giùi vào Giáo Hội Công Giáo, gây ra một cảm tưởng như thể chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới có vấn đề này và như thể tất cả các linh mục đều có vấn đề. Mới đây, nhà đạo diễn phim ảnh Polanski bị kết án về tội xách nhiễu tình dục trẻ em thì các nhà trí thức gồm nhiều triết gia, tài tử và các nhà đạo diễn phim ảnh đồng loạt lên tiếng ủng hộ Polanski, cho là vô nghĩa việc kết tội một nhà đạo diễn tài giỏi, một nghệ sĩ, một người đã đạt giải thưởng Oscar, trong khi các linh mục bị kết án, cả khi một linh mục bị kết án bất công rồi được trắng án, thì không những họ không lên tiếng bênh vực, mà còn phụ họa thêm để chế diễu tất cả hàng linh mục.

Đây không phải chỉ là sự bất công trầm trọng, mà còn phải nói là một sự bất lương trí thức. Khi Mahatma Gandhi được hỏi: "Trong đời của ngài, điều gì làm ngài sợ hãi nhất?" thì ngài trả lời: "Tôi sợ nhất tâm hồn độc ác của giới trí thức". Nếu Mahatma Gandhi trở lại thế giới hôm nay, bên cạnh tính từ "độc ác", chắc ngài còn phải thêm tính từ "bất lương" và câu trả lời sẽ là: "Tôi sợ nhất hạng trí thức độc ác và bất lương".

Thực ra, cuộc tấn công vào Giáo Hội hôm nay chỉ là sự nối dài của những cuộc tấn công vào chính Chúa Giêsu mà các cơ quan văn hóa và truyền thông đã dàn dựng từ mấy thập niên gần đây. Người ta bắt đầu bằng những phim diễu cợt Đức Mẹ Đồng Trinh, rồi những phim chế diễu Chúa Giêsu, trong đó có phim rất phạm thượng The last temptation of Christ, của nhà đạo diễn Martin Scorsese; tiếp theo là những phong trào đòi gỡ Thánh Giá khỏi các trường học; cấm làm hang đá ở các nơi công cộng, hay cho làm hang đá mà không được để tượng Chúa Hài Đồng, v.v. Các Thiệp Giáng Sinh thì người ta thay thế những lời chúc "Merry Christmas" bằng lời chúc "Season’s greeting" và "Holiday Greetings"…

Tấn công Chúa không xong, người ta tấn công các môn đệ Chúa, nhất là các chủ chăn để một khi mất chủ chăn, đàn chiên sẽ tan tác. Điều này làm chúng ta nhớ lại lời Chúa đã nói trong Tin Mừng: "Nếu thế gian ghét bỏ các con, các con hãy nhớ là trước các con, họ đã ghét bỏ Thầy" (Ga 15,18), và mối phúc thứ tám trong Bát Phúc: "Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước các con cũng bị người ta bách hại như thế." (Mt 5,11-12). Phải nói, đây là thời gian hạnh phúc của Giáo Hội nếu chúng ta, các môn đệ của Chúa, biết sống theo tinh thần của Chúa, bình an và sung sướng vì được chịu khổ, chịu nhục vì Danh Chúa, như các thánh Tông Đồ khi xưa.

Noi theo tinh thần của Chúa, chúng ta còn phải cầu nguyện và chúc phúc cho những người bách hại Giáo Hội hiện nay. Chính Chúa đã dạy các môn đệ của Chúa: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính." (Mt 5,44-45); "Thầy nói với các con là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và cầu nguyện cho kẻ vu khống các con." (Lc 6,27-28).

Tình yêu của Chúa còn dẫn chúng ta đi thêm một bước nữa. Đó là đón nhận và thánh hóa đau khổ để cứu vớt chính những người đã gây ra đau khổ cho mình. Sách ngôn sứ Isaia nói về Người Tôi Tớ Đức Yahvê, hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế như sau: "Người đã bị đâm thâu vì tội ác của chúng ta, bị nghiền nát vì sự ác độc của chúng ta. Hình phạt đem lại ơn cứu độ cho chúng ta đã đổ xuống trên đầu Người; vì những vết thương Ngài hứng chịu, chúng ta được chữa lành. Chúng ta lạc lõng như đàn chiên, mỗi người một ngả. Thiên Chúa đã đổ lên đầu Ngài sự ác độc của tất cả chúng ta." (Is 53,5-6). Noi gương Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, chúng ta cần biết chịu khổ để cứu chuộc những người đang tấn công và bách hại Giáo Hội. Đó cũng là những người Chúa Kitô muốn cứu chuộc qua cuộc khổ nạn với cái chế nhục nhã trên Thánh Giá. Đó cũng là những người anh chị em của chúng ta trong cùng một gia đình của Thiên Chúa. Họ cũng cần phải được cứu vớt.

Kết luận

Hoàn cảnh khó khăn hiện nay là một thách đố cho các môn đệ Chúa biết canh tân cuộc sống, có khả năng biến những khó khăn hiện tại thành dịp may của ơn thánh và thành cơ hội mới để loan báo cho thế giới niềm vui của ơn cứu độ của Chúa và mời gọi thế giới hãy khiêm nhượng nhìn nhận tội lỗi và ăn năn hối cải để xứng đáng được hưởng niềm vui của Chúa. Trong chiều hướng đó, cần có 3 tâm tình và hành động:

1. Tin tưởng vào Giáo Hội của Chúa

Trong thời gian nhiều quyền lực đánh phá Giáo Hội và tìm cách gây hoang mang, cần phải xác nhận lại niềm tin vào Giáo Hội và lời hứa của Chúa cho Giáo Hội của Người: "Con là Phêrô và trên tảng đá này, Cha sẽ xây Giáo Hội của Cha và cho dù cửa hỏa ngục có dấy lên cũng không làm lung lay được" (Mt 16,18). Lòng tin của chúng ta dựa vào lịch sử ngàn đời của Giáo Hội, nhưng nhất là tựa dựa vào lời của Chúa đã nói với thánh Phêrô. Chính Chúa là Đấng bênh đỡ Giáo Hội của Người. "Nếu Chúa bênh đỡ ta, ai có thể chống lại ta được?" (Rm 8,31). Tin tưởng, yêu mến Giáo Hội và cùng cảm thông với Giáo Hội.

Vào thời Đức Thánh Cha Piô X, Giáo Hội cũng trải qua bao cơn sóng gió, các Đức Hồng Y an ủi Đức Thánh Cha: "Xin Đức Thánh Cha đừng lo lắng. Con thuyền Giáo Hội sẽ không lay chuyển vì Chúa Giêsu đã hứa là cho dù quyền năng của hỏa ngục có dấy lên cũng không làm gì được". Đức Thánh Cha trả lời: "Tôi không sợ cho con thuyền Giáo Hội, nhưng tôi lo lắng là con cái ở trong thuyền nhảy ra ngoài và chết đuối".

2. Hiệp lực làm gia tăng sự thiện

Cần phải nỗ lực khơi lên niềm hy vọng, tình thương yêu và những dấu chỉ của sự thiện. Xem ra, các thế lực sự dữ đang dấy lên, không những để đánh phá Giáo Hội, nhưng còn mê hoặc tất cả nhân loại.

Mặc dù nhiều người đang xử dụng các phương tiện truyền thông để truyền đạt kiến thức và gây tình thân ái giữa các cá nhân và các dân tộc, nhưng cũng không thể phủ nhận được sự kiện là có nhiều người khác đang lạm dụng báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, video, internet để gây hoang mang, nghi kỵ, chia rẽ, thu ghét và để phơi bày các hình ảnh tục tĩu, các truyện dâm ô kích thích nhục dục. Chúng ta không thể thờ ơ, hay chỉ lo bảo vệ Giáo Hội, nhưng phải nỗ lực đóng góp để khơi lên trong xã hội một bầu khí mới của thương yêu, của tha thứ, của tôn trọng phẩm giá con người. Trong khi bao nhiêu thế lực đang phổ biến sự dữ tràn lan khắp nơi, chúng ta cần phải hiệp lực để làm gia tăng sự thiện: lòng thương người, lòng bao dung, lòng ngay thẳng, tình yêu tha thứ, tôn trọng sự thật, tín trung trong lời nói, v.v.

3. Canh tân cuộc sống

Những thái độ khác nhau nhiều khi có tính cách chống đối và phỉ báng Giáo Hội, trong chiều sâu diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa. Đức Thanh Cha Phaolô VI, trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi diễn tả khát vọng này như sau: "Thế giới hôm nay, mặc dù có vô số dấu hiệu khước từ Thiên Chúa, thực ra đang tìm kiếm Thiên Chúa trên những nẻo đường chúng ta không ngờ và đang đau đớn cần Chúa. Thế giới van nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói cho thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và với Ngài họ có một mối giây liên hệ thân tình như thể họ đã nhìn thấy Đấng Vô Hình" (EN 76).

Vì vậy, những hoàn cảnh thế giới hôm nay là lời van xin các tín hữu, như cá nhân và như cộng đoàn, canh tân đời sống để làm lan tỏa sự thánh thiện của Chúa ra khắp thế giới. Gặp được tín hữu của Chúa, người ta sẽ nhận ra hương thơm của Chúa. Vào một cộng đoàn công giáo, người ta sẽ thấy những dấu hiệu yêu thương, kính trọng lẫn nhau và kính trọng mọi người. Trong cộng đoàn sẽ không còn tiếng nói hành, nói xấu ai, nhưng chỉ thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa, của tha thứ, của thương yêu và hiệp nhất, phát xuất từ kinh nghiệm đã được Chúa yêu thương và tha thứ.

Hành trình canh tân đời sống của các cộng đoàn tín hữu làm tăng thêm sự thánh thiện sẽ được thực hiện vì có các linh mục là những vị hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm. Đây cũng chính là mục đích của Năm Linh Mục Đức Thánh Cha Bênêdicto XVI đáng kính mến đã cho cử hành trong Giáo Hội.