Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học

Các Đoàn Thể Sinh Viên Sàigòn (1954-1975): Những Bài Viết Chi Tiết Về

MỘT VÀI Ý KIẾN VỀ TẬP THỂ SINH VIÊN CÔNG GIÁO SINH HOẠT TẠI TRUNG TÂM PHỤC SINH CỦA CÁC CHA DÒNG ĐA MINH CHI LYON , GIAI ĐOẠN 1954 - 1975.

____________________________________________________________________

Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học

Kính gửi ông ĐỖ HỮU NGHIÊM, nhà văn.

Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Đing Đông Phương, cựu chủ tịch Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam (J.U.C. V.N.) các niên khoá 1968-1969, 1969-1970, 1972-1973.Tôi đến sinh hoạt tại Trung Tâm Phục Sinh từ niên khoá 1967-1968 đến niên khoá 1972-1973.Như vậy tôi là đàn em của ông, nên xin phép cho tôi được dùng đại danh từ “anh” với ông cho bớt phần xa lạ.

Thưa anh.

Trước hết, phải thành thực mà nói rằng tôi rất cảm phục anh khi đã để tâm trí,thì giờ ghi lại một đề tài quan trọng, tế nhị,nhưng đã đi vào lịch sử.Nhưng đề tài này lại liên hệ đến một tập thể sinh viên Công Giáo, có thể nói đây là những thành phần ưu tú của Giáo Hôi và xã hội Việt nam, trong một giai đoạn lịch sử đầy náo động, cam go, thử thách.Các cha dòng Đa Minh chi Lyon còn lại rất ít và Chi Dòng Đa Minh Lyon cũng không còn.

Nhưng tập thể sinh viên này khá đông đảo, thời gian hoạt động kéo dài trên hai thập kỷ, và đã để lại những bài học cho hậu thế, ít là trong giới sinh viên, và một phần nào giới Tuyên Úy sinh viên, tức các linh mục dòng, triều trong Giáo Hội Công Giáo.

Bởi vậy, để bài viết được đầy đủ hơn và có thêm một vài nhận định về một vài nhân vật, một vài bài học, tôi xin mạn phép được góp ‎ý ‎ với anh về đề tài này.Nếu được xin anh vui lòng đọc và coi đây như là tiếng nói của Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam, một tập thể sinh viên Công giáo hoạt động song song với Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo tại Trung Tâm Phục Sinh trong cùng thời gian, nhưng trong bài viết của anh có nhiều điểm phản ánh chưa được đúng.

Tôi xin được đề cập đến mấy điểm sau đây :

I- Sự hình thành và hoạt động của Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam. (JUC VN)

II- Ảnh hưởng của chính trị vào sinh hoạt sinh viên, cách riêng trên sinh viên Công giáo. (Trường hợp SV. Nguyễn Văn Ngọc và SV. N.P.H..)

III- Thử nhận định sơ lược về các cha Tuyên Úy Sinh viên trong Chi Dòng Đa Minh Lyon.

IV- Thử rút ra một bài học về sinh hoạt Sinh Viên Công Giáo tại Trung Tâm Phục Sinh, giai đoạn 1954- 1975.

***

I.- SỰ HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO THANH NIÊN CÔNG GIÁO ĐẠI HỌC VIỆT NAM.(J.U.C. VN)

Sở dĩ phải đặt vấn đề này ra là vì tôi nhận thấy anh Đỗ Hữu Nghiêm cũng như các vị khác tuy sinh hoạt ở Trung Tâm Phục Sinh lâu năm nhưng chưa biết rõ về Phong Trào J.U.C. Bởi vậy xin được nêu lên mấy điểm về Phong Trào này.

Sự thành lập Phong Trào J.U.C. VN.

Sau thế chiến II, mọi tầng lớp xã hội Âu châu đều bị xáo trộn, các luồng tư tưởng mới của triết học ,chẳng hạn thuyết Hiện sinh, thuyết Duy vật, chủ nghĩa Cộng sản, len lỏi vào xã hội gây nên nhiều sự xung đột .Vì vậy đã xuất hiện một số các phong trào trong các sinh hoạt Công giáo, như Cursillo, Thanh Niên Lao Động Công Giáo (J.O.C.- Thanh Lao Công) Trong giới học đường cũng dần dần xuất hiện phong trào Thanh Niên Sinh Viên Công Giáo (J.E.C. Thanh Sinh Công). Phong Trào Thanh Lao Công đã xuất hiện tại Hà Nội trước năm 1954,không rõ năm, và hoạt động mạnh.Sau hiệp địng Geneve, nhóm Thanh Lao Công Hà Nội di cư vào Sài gòn và đã tạo ra khu định cư Phú Thọ mà ngày nay là Giáo xứ Thăng Long.Những nhân vật chủ chốt của Thanh Lao Công Hà nội còn lại là các ông Nguyễn Đình Đầu, Trần Hữu Quảng…Phong trào Thanh Sinh Công xuất hiện tại Việt Nam từ năm nào thì không rõ, nhưng sau khi các cha Đa Minh chi Lyon thành lập khu cư xá sinh viên Phục Hưng,nguyện đường Mai Khôi, thì các sinh viên Công Giáo đã tới sinh hoạt.Lúc đầu chưa có Thanh Sinh Công. Khoảng từ 1957, các sinh viên lớp đầu khi đó là các ông Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, sau khi đi Thụy Sĩ về đã lấy tài liệu J.E.C.I. đem ra áp dụng tại Việt Nam và hình thành nhóm J.E.C.U. tức là Thanh Sinh Công Đại Học. Cả hai người đều không phải là Công giáo, nhưng là các sinh viên xuất thân từ trường đạo Taberd. Tất nhiên những người tham gia sinh hoạt J.E.C.U. đầu tiên là bạn bè và đàn em của hai ông Nhuận, Minh, cũng xuất thân từ các trường đạo Taberd, Couvent des Oiseaux, Saint Paul, v.v. Họ đã mời cha Pineau Bình làm Tuyên Úy.Dư luận cho rắng cha Pineau Bình vì không nói được tiếng Việt nên tập họp các học sinh trường Tây lại để có chỗ hoạt động là không đúng.

Hoạt động của Phong Trào J.U.C. V.N.

1/ Tổ chức. Từ khởi đầu, JECU đã có các Equipes hoạt động tại các phân khoa của Đại Học Saigon. Mỗi Equipe có 3 loại đoàn viên : bắt đầu là cảm tình viên , phải do một đoàn viên chính thức giới thiệu.Sau một thời gian hoạt động thì cảm tình viên được Equipe công nhận là đoàn viên. Cấp thứ ba là chiến sĩ, là các đoàn viên chính thức được tuyên hứa trong một Thánh lễ có cha Tuyên Úy chủ trì.Các đoàn viên chiến sĩ họp lại thành Cộng Đồng Chiến Hữu, có sinh hoạt hàng tháng và quyết định mọi sinh hoạt của Phong Trào.

2/ Hoạt động .Cả ba loại đoàn viên của JECU đều sinh hoạt thường kỳ hàng tháng trong các Equipes. Phương pháp hoạt động dựa trên ba nguyên tắc : Voir-Juger-Agir hay Xem-Xét-Làm. Các đoàn viên đi vào môi trường sinh viên, để ‎ ý xem , quan sát những hiện tượng xẩy ra xung quanh, ghi nhớ lấy để đến phiên họp hàng tháng đưa ra trình bầy trước Equipe của mình, để từ đó các bạn trong cùng nhóm sẽ đưa ra những phán đoán, đánh giá những hiện tượng đó để rồi đưa ra những phương án hành động. Các đoàn viên chiến sĩ thường ở trong các ban Điều Hành của Equipe ở Phân khoa, sẽ đến họp ở Cộng Đồng Chiến Hữu, do Chủ Tịch Ban Chấp Hành triệu tập hàng tháng hoặc trước những sinh hoạt đặc biệt.Mục đích hoạt động của JECU là lành mạnh hoá môi trường sinh viên bằng những nguyên tắc phát xuất từ Phúc Âm.

Hàng tuần, các đoàn viên JECU đều tham dự thánh lễ chiều thứ năm do cha Tuyên Úy cử hành.Sau Thánh lễ, nếu không có phiên họp nào thì anh em thường gặp nhau ở phía cuối bên ngoài nhà nguyện, có khi có mặt cha tuyên úy, để chuyện trò, trao đổi tin tức, hoặc kéo nhau đi ăn phở, bò 7 món ở Ánh Hồng,Phú Nhuận,v.v.

Ngoài thánh lễ hàng tuần chiều thứ năm thì các sinh hoạt như họp Equipe, họp Ban Điều Hành, Ban Chấp Hành v.v. thường diễn ra vào chủ nhật.

Hàng năm JECU có các sinh họạt như tổ chức mừng lễ Giáng sinh, Tĩnh tâm mùa Phục sinh, tổ chức Trại Hè, thường là vào tháng 10, năm thì ở Đà lạt, năm thì ở Vũng Tầu hoặc một nơi nào đó, tổ chức mừng lễ bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội 8-12.,tổ chức các buổi cứu trợ, khám bệnh phát thuốc, thăm cô nhi viện v.v. JECU có xuất bản thường kỳ tờ báo DẤN THÂN, in roneo.Tại trụ sở có sẵn máy đánh chữ và máy in roneo,bởi vậy các công đoạn của việc in báo,viết bài, phổ biến đều do anh em sinh viên phân công nhau làm.Năm 1969, tờ Dấn Thân của JUC đã được in offset với số lượng trên 500 số, phổ biến rộng rãi trong môi trường sinh viên. Nhằm mục đích hướng dẫn cho các học sinh tốt nghiệp trung học có cái nhìn tổng quát về các trường đại học , các phân khoa đại học, hàng năm JUC có xuất bản cuốn cẩm nang ĐÂY ĐẠI HỌC, phổ biến trong giới học sinh.Trong các niên khoá 1968-1969, 1969-1970,khi tôi làm chủ tịch JUC, chúng tôi có tổ chức các lớp luyện thi đại học cho các học sinh muốn thi vào các phân khoa có thi tuyển như Y,Nha, Dược, Nông Lâm Súc, Sư phạm, Kỹ thuật Phú Thọ, v.v, học phí hạ. Sau khoá học có tổ chức một buổi thuyết trình giới thiệu các phân khoa đại học tại Sài Gòn về cách thi, chương trình học, những khó khăn và thuận lợi khi học các phân klhoa này cho các học sinh mới đậu tú tài 2 .Các thuyết trình viên là các sinh viên đã theo học tại các phân khoa này hiện đang hoạt động tại Phong trào JUC.Số học sinh tham dự khá đông,khoảng 300 học sinh.Tiền thu được tại lớp luyện thi được dành cho chi phí tổ chức trại hè.

Ngoài các ông Hồ Ngọc Nhuận,giáo sư, Hồ Văn Minh, bác sĩ, là các chủ tịch lúc ban đầu, kế tiếp là những ai thì tôi không được biết. Hình như anh Trần Ngọc Báu cũng đã sinh hoạt JECU lú ‎c đầu, cùng với dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, mà sau này các anh thành lập phong trào Du Ca những năm trước 1975.Các ông Nhuận và Minh sau khi ra trường đã hình thành tổ chức xây nhà cho dân nghèo ở quận 8, trở thành Dân Biểu thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam.

Bác sĩ Đinh Hà có lẽ là chủ tịch JECU niên khoá 1964-1965, và anh đã đi dự Đại hội JECI (Jeunesse Etudiants Catholique Internationale) năm 1965.

Anh Trần Thanh Quang, Sư phạm, là chủ tịch JECU niên khoá 1965-1966, có đi dự Đai hội JECI năm 1968. Kể từ khi anh Trần Thanh Quang làm chủ tịch, JECU được đổi tên thành Thanh Niên Công Giáo Đại Học Việt Nam (Jeunesse Universitaire Catholique du Viet Nam – J.U.C. VN) nạp đơn xin giấy phép hoạt động tại Bộ Thanh Niên (do anh Nguyễn Văn Tới thực hiện), hàng năm có làm dự án hoạt động nộp tại Tổng Nha Thanh Niên để xin trợ cấp.Có lẽ vì Phong Trào Thanh Sinh Công (Trung Học) do cha Bộ phụ trách cũng có tên trong danh sách hoạt động tại Tổng Nha Thanh Niên nên JECU đổi ra Thanh Niên Công Giáo Đại Học (J.U.C.) để khỏi bị trùng hợp.Chính anh Trần Thanh Quang là người có công hoàn chỉnh nội qui của JUC, đổi tên từ Equipe ra Phân Đoàn, đổi các tên gốc tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Sau đây là danh sách các chủ tịch JUC từ 1966-67 đến 1974-75.

Nguyễn Văn Tới (Khoa Học) 1966-1967

Nguyễn Thanh Liêm (Y khoa) 1967-1968 Tết Mậu Thân, anh Liêm bị tử nạn do rocket bắn trúng nhà anh khi không quân tấn công quân Việt Cộng lẫn trong nhà dân ở khu gần sân bay Tân sơn nhất.

Sau khi Nguyễn Thanh Liêm qua đời, đáng lẽ phải triệu tập phiên họp Cộng Đồng Chiến Hữu để bầu tân chủ tịch thì nhóm anh Thông, Phó Chủ Tịch Nội Vụ, thuộc Phân Đoàn Y Khoa cùng với Nguyễn Thanh Liêm, gốc là Equipe Terminale (Đệ Nhất) từ Taberd, đã âm thầm họp riêng, không thông báo cho các Phân đoàn khác biết.Khi đó, tôi, Đinh Đông Phương, cùng với một số anh em phân đoàn Dược như Nguyễn Văn Minh, Tạ Văn Bẩy (Cư xá Phục Hưng), Phạm Minh Tâm (Văn Khoa) đề nghi với Cha Tuyên Úy là cha Thiện Cẩm, mời Phân Đoàn Y khoa tới họp để giải quyết vấn đề. Trong phiên họp, nhóm của Thông không chấp nhận ‎ý ‎ kiến cha Tuyên Úy và xin rút lui khỏi Phong Trào.Do đó, Cộng Đồng Chiến Hữu đã triệu tập phiên họp đặc biệt để bầu lại Ban Chấp Hành.Kết quả là tôi được anh em tín nhiệm bầu vào chức chủ tịch, có Phạm Văn Phúc (cx Phục Hưng) làm Tổng Thư K ‎ý.

Đinh Đông Phương (Văn khoa) 1968-1969

Nt 1969-1970

Nguyễn Xuân Thế (Nha khoa) 1970-1971

Nguyen Duc Thẩm (Dược khoa) 1971-1972

Lê Viết Toà (Luật Khoa) 1972-.Lê Viết Toà bỏ không hoạt động ,sau khi đi dự Đại Hội JECI tại Singapore về.

Đinh Đông Phương (Văn khoa) 1972-1973

Ngưyễn Thanh Hùng (Dược Khoa) 1973-1974

Nguyễn Văn Hùng (Sư phạm) 1974-1975

Sau này cha Đỗ Xuân Quế thường nói tôi là người Việt Nam hoá JUC, vì từ khi tôi làm chủ tịch thì không còn các sinh viên gốc trường Tây nữa.Thực ra thì vẫn còn nhưng ít hơn trước.

Theo nội qui của JUC, nhiệm kỳ của chủ tịch là một năm, được tái cử một lần mà thôi.Trường hợp tôi trở lại làm chủ tịch năm thứ ba là vì một nguyên do đặc biệt, khi có sự can thiệp của chính trị vào sinh hoạt sinh viên Công Giáo, và tôi xin trình bầy ở phần sau.

3/ Tương quan JUC và Liên Đoàn SVCG. Trung tâm Phục Sinh là một nửa của khu vực nhà dòng Đa Minh chi Lyon.Lối chính vào Trung Tâm là cổng 229 Hiền Vương. Qua cổng là đến khu biệt thự cổ có từ thời Pháp thuộc.Khu biệt thự có tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có hai cửa ra vào, tức là chia làm hai căn riêng biệt. Cửa bên trái là lối vào khu sinh hoạt của Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo; cửa bên phải là lối vào khu sinh hoạt của Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học, JUC VN.Phía mặt sau của biệt thự cũng có cửa ra vào và một sân rộng nối liền với khu nhà Dòng.Trên lầu có bốn phòng là phòng làm việc của các cha Nguyễn Huy Lịch, Hoàng Quốc Trương, Huỳnh Đắc Ánh, Mai Văn Hùng. Bên phải của khu biệt thự là một căn nhà chạy dài cũng có một tầng trệt và một tầng lầu do cha Long Tiên xây sau năm 1970, tầng trệt có phòng họp lớn chạy dài gần hết căn nhà dành làm chỗ sinh hoạt cho Tổng Đoàn Hiệp Sinh (tức Hiệp Hội Thánh Mẫu Học Sinh- Sinh Viên do cha Long Tiên thành lập) Sát phòng họp này là một phòng dành cho cha Thiện Cẩm làm việc và nghỉ đêm tại đây. Trên lầu của khu nhà này có bốn phòng .Có lẽ là từ năm 1972 hay 1973, các căn phòng của tầng trệt ngôi biệt thự được lấy lại,các văn phòng làm việc của JUC và Liên Đoàn SVCG phải dọn lên các phòng nhỏ trên lầu của khu nhà mới,cùng với Văn phòng của Tổng Đoàn Hiệp Sinh. Tại căn phòng trụ sở cũ của JUC, năm 1968, Đức Khâm Sứ Toà Thánh Angelo Palmas đã đến thăm JUC, khi đó tôi đang làm chủ tịch, một cuộc đón tiếp long trọng đã diễn ra, có mặt các cha Thiện Cẩm, Tuyên úy JUC, và cha Long Tiên, Tuyên Úy Liên Đoàn SVCG và Hiệp Sinh. Sau đó Đức Khâm Sứ sang nhà nguyện Mai Khôi cử hành thánh lễ, trong buổi lễ Đức Khâm Sứ đã ngồi chủ toạ và chứng kiến nghi thức tuyên hứa của 12 sinh viên thuộc Phong Trào JUC.Trong buổi đón tiếp này, Phạm Minh Tâm đã dẫn một đội Hướng Đạo Sinh đến làm hàng rào danh dự. Cổng lớn vào Trung Tâm Phục Sinh chỉ mở vào các ngày chủ nhật hoặc các lễ đặc biệt, còn bình thường các anh em sinh viên đến sinh hoạt thường đi cổng 44 Tú Xương, hoặc sau này có cổng ở đường Nguyễn Thông.

Vì Liên Đoàn SVCG và Phong Trào JUC có trụ sở sinh hoạt riêng biệt như vậy nên từ 1965 trở về trước thì không rõ, còn từ 1966 về sau, khi tôi đến sinh hoạt ở Phong Trào JUC thì hai bên vẫn hoạt động riêng biệt, không có sự lệ thuộc nào cả. Trong nội quy của JUC cũng không nhắc gì đến liên lạc phụ thuộc nào giữa JUC và Liên Đoàn.Tuy nhiên anh em sinh viên thuộc hai đoàn thể vẫn qua lại thăm hỏi và có nhiều sinh hoạt chung với nhau. Chẳng hạn khi Liên Đoàn tổ chức trại hè thì có anh em bên JUC tham dự, và khi JUC tổ chức trại hè thì anh em bên Liên Đoàn cũng có người tham dự.Khi JUC tổ chức các buổi tiếp tân thì thường có mời đại diện của Liên Đoàn và ngược lại,thỉnh thoảng Liên Đoàn cũng mời JUC. Các chị Vũ Bạch Kim, Nguyễn Thị Minh Ngọc là người của Phân Đoàn Văn Khoa JUC sang hoạt động bên Liên Đoàn.Anh Trần Quang Hưng là người của Phân Đoàn Luật JUC sang hoạt động bên Liên Đoàn, v.v. Như vậy, anh Nguyễn Phi Hoàng nói là JUC lập các Phân Đoàn để cạnh tranh với Liên Đoàn là không đúng.Anh Hoàng cũng nói là JUC có nhiệm vụ cung cấp chiến sĩ cho các Đoàn của Liên Đoàn.Điều này hoàn toàn sai.Phong trào JUC làm Công Giáo Tiến Hành chuyên biệt trong môi trường sinh viên, gồm có các thành phần chọn lọc. (elite).Bởi vì các đoàn viên JUC phải trải qua 3 giai đoạn thử thách : cảm tình viên; đoàn viên; chiến sĩ . Các thành phần chọn lọc này là để tung vào môi trường, tức các Phân khoa Đại Học. Chẳng hạn môi trường Luật Khoa có khoảng 10.000 s.v. (thời gian trước 1975) Khoa Học có khoảng 8.000 s.v., Văn Khoa có khoảng 5.000 s.v. Môi trường của JUC không thể chỉ là Liên Đoàn SVCG có khoảng trên 100 s.v. Số đoàn viên của JUC cũng trên 100 s.v.Sau này JUC có chi nhánh hoạt động tại Viện Đại Học Đà Lạt, do Vũ Tiến Bộ làm chủ tịch.JECI là Văn Phòng Quốc Tế trung ương của JUC tại Paris đã có từ lâu, trước khi có MIEC cũa Liên Đoàn. Trên thế giới nhiều nước có tổ chức JECU và JUC, không phải chỉ có JEC hoạt động ở Trung học .JECI thường xuyên liên lạc với JUC bằng thư từ và các tài liệu nghiên cứu l ‎ý ‎ thuyết.Năm 1970, một đại diện JECI vùng Đông Nam Á từ Singapore đã tới thăm JUC VN.Trong hai thập niên sinh hoạt tại trung tâm Phục Sinh, JUC luôn luôn có cha Tuyên Úy riêng. Sau cha Pineau Bình là cha Đỗ Xuân Quế, sau cha Quế là cha Thiện Cẩm, không bao giờ có chung một Tuyên Úy với Liên Đoàn SVCG. Điều đó chứng tỏ các cha Đa Minh Lyon không muốn sáp nhập JUC vào Liên Đoàn như có một số người cứ cho là như vậy.

II.- ẢNH HƯỞNG CỦA CHÍNH TRỊ VÀO SINH HOẠT SINH VIÊN, CÁCH RIÊNG TRÊN SINH VIÊN CÔNG GIÁO.

Giới trẻ đại học là đối tượng mà các thế lực chính trị luôn chú tâm và muốn nắm lấy để chi phối các hoạt động của giới này.Giới sinh viên công giáo cũng là một phần của tập thể sinh viên. Nên tất nhiên cũng được cả hai phía Quốc gia và Cộng sản chú ‎ý‎ tới.Bên Quốc gia thì có Tổng Nha Thanh Niên theo rõi và giúp đỡ về tài chánh cho các đoàn thể được phép hoạt động. Phía Cộng sản cũng có nhiều tay chân hoạt động trong giới học sinh trung học và sinh viên đại học.Khoảng từ 1966 trở đi, Cộng sản có chiến dịch gọi là “Bắt trẻ đồng xanh” để lôi cuốn các học sinh, sinh viên, các trường trung học, đại học, ở Saigon và các tỉnh đi vào mật khu để được huấn luyện nhồi sọ và tổ chức rồi quay về hoạt động tại các trường học cũ.Các trường trung học tư thục như Nguyễn Bá Tòng và Kiến Thiết ở trung tâm Saigon có nhiều học sinh đi vào bưng nhiều nhất.Trong giới học sinh sinh viên Công giáo thì Cộng sản có các nhân vật đã được móc nối trước như các Linh Mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ … các nhà hoạt động Công giáo lâu đời như các ông Nguyễn Đình Đầu, Trần Hữu Quảng… Xin kể ra đây hai trường hợp điển hình, tiêu biểu cho giới sinh viên Công Giáo đi theo chính trị.

1/ Trường hợp Sinh viên Nguyễn Văn Ngọc. Anh có biệt danh là Ngọc Méo vì có tật nơi miệng .. Tôi thấy hình như anh quan tâm đến sinh hoạt sinh viên hơn là lo học.Khi tôi đến sinh hoạt tại Phong Trào JUC thì tôi đã học xong chương trình cử nhân giáo khoa Triết Tây và bắt đầu làm tiểu luận cao học, còn anh Ngọc học Khoa học nhưng học đến đâu thì tôi không biết, vì anh làm Tổng thơ k‎ý bên Liên Đoàn.Năm 1968 tôi làm chủ tịch JUC thì Ngọc thường tiếp xúc với tôi, khi thì ở trụ sở JUC, khi thì ở trụ sở Liên Đoàn hoặc ở nhà nguyện Mai Khôi, sau các buổi lễ chiều thứ năm của JUC. Có lẽ khi đó Ngọc chưa trực tiếp tham gia hoạt động Cộng sản.Những người ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tả phái của Ngọc là ông Nguyễn Đình Đầu và anh vợ hay anh rể của ông Đầu là ông Trần Hữu Quảng, giáo sư sử địa tại trường Trung học Tư Thục Nguyển Bá Tòng.Cả hai ông đều là các đoàn viên kỳ cựu và lãnh đạo Phong Trào Thanh Lao Công từ Hà Nội trước năm 1954.Ông Trần Hữu Quảng có lẽ đã thiên Cộng hay hoạt động Cộng sản từ trước năm 1954, khi ông làm việc tại mỏ than Hòn Gay.Phong trào Thanh Lao Công vì tiếp xúc nhiều với giới công nhân nên dễ bị các l‎ý thuyết và cán bộ Cộng sản lôi cuốn.Vì l‎‎ý thuyết Cộng sản nói nhiều về điều thiện (nhưng làm điều ác).Đức Giáo Hoàn Gioan Phaolô II từng nói là l‎ý‎ thuyết Cộng sản nói không khác gì đường lối của Giáo Hội Chúa Kitô. Năm 1970, khi đó tôi đang là hiệu trưởng trung học tư thục cấp 3 Đông Phương, Nguyễn Văn Ngọc mời tôi đến họp tại nhà ông Trần Hữu Quảng gần Toà Tổng Giám Mục Saigon.Trong buổi họp có mặt nhiều sinh viên Công giáo kỳ cựu, chẳng hạn anh Trần Ngọc Báu, và các anh em nhóm Báo Sống Đạo trước 1963 mà ông Nguyễn Đình Đầu là chủ nhiệm.Ông Đầu đề nghị ra một tờ báo mới, có chủ trương như báo Sống Đạo trước đây, tức là nêu lên những vấn đề chưa tốt trong đời sống đạo của giáo dân, của xã hội để lành mạnh hoá môi trường.Lúc đầu nhóm đề nghị anh Trần Ngọc Báu làm chủ nhiệm để đứng tên xin giấy phép xuất bản. Anh Báu có nhận nhưng sau lại từ chối vì l‎ý‎ do gì đó.Bởi vậy Nguyễn Văn Ngọc và các ông Đầu, Quảng, đề nghị tôi đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tôi thực tình chỉ vì thiện chí, thấy rằng chủ trương của tờ báo mới này không có gì trái với lẽ thường của hoạt động vì lợi ích chung. Tờ báo lấy tên là Tuần Báo DẬY, theo tên của bài hát” Dậy mà đi” của nhóm sinh viên tranh đấu, của phong trào Du ca, mà chúng tôi vẫn thường hát.Sau khi tôi xin được giấy phép, Nguyễn Văn Ngọc cùng với nhóm Thanh Lao Công Vườn Xoài hoàn toàn chủ động trong việc viết,in,phát hành, hoàn toàn không hỏi ‎ý kiến của tôi.Nội dung sặc mùi đấu tranh khuynh tả Tiền in báo là của báo Sống Đạo còn lại, báo in ở nhà in Xây Dựng của cha Lãm ở Chí hoà, báo ra số nào bị tịch thu số đó.Tôi nhận được giấy mời ra toà đều đều.Phải nói thêm là những cây viết chính của báo Dậy phần lớn là trong nhóm Thanh Lao Công Vườn Xoài, nhóm này gồm các cựu chủng sinh thuộc Tiểu chủng viện của dòng Phan Xi Cô ở Tăng nhân phú, Thủ Đức. Vì Tăng nhân phú là một mật khu Cộng sản, nên cán bộ tuyên truyền Cộng sản đã lôi cuốn nguyên một tiểu chủng viện bỏ học để đi theo Cộng sản.Nổi bật nhất là Đoàn Khắc Xuyên (không phải Trần Khắc Xuyên), Phạm Văn Phổ, Phạm Văn Phố, hai anh em có bố là Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên và một số nữa mà tôi không nhớ tên. Báo ra được 7 số thì tôi từ chức chủ nhiệm, gửi trả lại giấy phép cho Tổng Nha Cảnh Sát, vì cảm thấy mình bị lợi dụng.Nguyễn Văn Ngọc thường tổ chức nhiều buổi họp mặt, khi thì ở trụ sở Thanh Lao Công đường Lê Văn Duyệt, sau này là trụ sở Báo Công Giáo Và Dân Tộc của cha Trương Bá Cần, khi thì ở Thủ Đức, tại một nhà Dòng nữ, có mặt Giáo sư Nguyễn Văn Trung, khi thì ở Vũng Tầu, thành phần tham dự đa số là nhóm Thanh Lao Công Vườn Xoài…Gọi là Thanh Lao Công Vườn Xoài vì Phong trào Thanh Lao Công do Linh mục Trương Bá Cần làm tuyên úy, có trụ sở tại khu vực giáo xứ Vườn Xoài đường Trương Minh Giảng, khi linh mục cấp tiến Trần. v.Thọ làm chính xứ.Nhiều lần Nguyễn Văn Ngọc gợi ‎ý mời tôi tham gia với anh vào đường dây hoạt động Cộng sản nhưng tôi từ chối, vì biết là theo Cộng Sản thì phải từ bỏ danh hiệu Công Giáo của mình.Khoảng năm 1972, Nguyễn Văn Ngọc đi vào bưng để được huấn luyện, khi về Saigon hoạt động được mang bí danh là Mười Chanh.Và chắc là anh đã là đảng viên Cộng Sản, để được tiến nhanh trên đường hoạt động chính trị.Một đôi lần tôi đã tự hỏi không biết Nguyễn Văn Ngọc có phải thuộc gia đình Công Giáo hay không, vì mấy lần đến nhà anh tôi thấy trong nhà chỉ có duy nhất tấm hình ông bố của anh đã qua đời, còn ngoài ra không thấy ảnh tượng Đạo gì cả.Anh có tham dự các buổi lễ tại nhà nguyện Mai Khôi, nhưng không thấy anh rước lễ bao giờ.

2/Trường hợp Sinh viên N.P.H. Cũng giống như trường hợp của Ngọc Méo, N.P.H. hoạt động chính tri trong giới sinh viên, nhưng là phía Quốc Gia. Anh ở Cư xá Phục Hưng, sinh hoạt bên Liên Đoàn SVCG, đồng thời làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát, và có lẽ là có tham gia Đảng Đại Việt. Khoảng năm 1970, tôi không nhớ rõ, JUC tổ chức Trại Hè Đà Lạt. Tôi là chủ tịch JUC nên N.P.H. nhờ tôi can thiệp để cho một cô con một sĩ quan cao cấp, có thể là cấp trên của anh, tham dự Trại Hè. Tôi từ chối vì quyền quyết định là của Cộng Đồng Chiến Hữu, danh sách đã làm xong, việc mua vé máy bay đã được gửi danh sách đi rồi.. Nếu tôi nhận lời thì phải họp chung lại, mất nhiều thì giờ…. Năm 1973 tôi được đề cử đi họp JECI tại Hoà Lan. Giấy phép xuất cảnh phải do các Bộ Thanh Niên, Quốc Phòng, Nội Vụ quyết định.Tôi nhận được giấy phép của cả ba Bộ, nhưng gặp trở ngại tại Tổng Nha Cảnh Sát. Cuối cùng tôi không thể đi được, mặc dù đã lấy vé máy bay do JECI phân phối. Niên khoá 1972-73, Lê Viết Toà, Luật khoa, làm chủ tịch JUC, là sinh viên trọ học Cư xá Phục Hưng. Do ảnh hưởng N.P.H. nên sau khi đắc cử đã bỏ không hoạt động, khiến cho hoạt động của JUC bị tê liệt, có thể đi đến tan vỡ.Chính vì thế, một số chiến sĩ JUC như tôi, Nguyễn Xuân Thế, Nguyễn Đức Thẩm, Phạm Văn Phúc, Mai Quang Đàm …mặc dù đã ra trường cũng phải ngồi lại bàn bạc rồi tổ chức phiên họp bầu cử Ban Chấp Hành mới.Anh em đã đề cử tôi làm chủ tịch một nhiệm kỳ nữa để củng cố cho JUC. Trong ban Chấp hành năm đó có N.T.M , sinh viên Luật, ở cư xá Phục Hưng, làm Tổng Thư K ‎ý, và cũng do ảnh hưởng N.P.H. nên Minh không làm việc, không họp Ban Chấp Hành lần nào, cố ‎ý ‎ làm khó cho hoạt động của JUC.

III- THỬ NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ CÁC CHA TUYÊN ÚY SINH VIÊN THUỘC CHI DÒNG ĐA MINH LYON.

Ở Việt Nam trước năm 1975 có hai chi nhánh của các Tỉnh Dòng Đa Minh, một thuộc tỉnh dòng Manila Phi luật Tân, một thuộc tỉnh dòng Lyon, Pháp.Tỉnh Dòng Manila có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 17.Tỉnh Dòng Lyon chỉ mới có mặt tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Trong thế kỷ 20, chi nhánh Tỉnh Dòng Manila đặt trụ sở tại Giáo Phận Bùi Chu rồi chuyển về Hải Dương và sau cùng về núi Rousselet gần thị xã Bắc Ninh; chi nhánh Tỉnh Dòng Lyon đặt trụ sở tại Hà Nội, nhưng phụ trách việc trông coi Giáo Phận Lạng Sơn.Trong thời gian trông coi Giáo Phận Lạng Sơn, các cha Dòng Đa Minh chi Lyon thường bị Cộng Sản Việt Nam giết hại, khoảng 7 hay 8 cha.Vì có trụ sở tại Hà Nội nên các cha dòng Đa Minh chi Lyon quan tâm đến việc săn sóc đời sống tâm linh cho các sinh viên Đại học Hà Nội.Khi di chuyển vào Saigon, Chi Dòng Đa- Minh Lyon vẫn duy trì việc phụ trách tuyên úy cho giới sinh viên.Không phải các cha trong Tu Viện Mai Khôi trước năm 1975 đều là tuyên úy cho các đoàn thể sinh viên Công Giáo, mà chỉ có một số các cha.Đó là các cha Nguyễn Huy Lịch, Phạm Long Tiên, làm Tuyên Úy cho Liên Đoàn, các cha Pineau Bình, Đỗ Xuân Quế, Trần Minh Cẩm tức Thiện Cẩm, làm Tuyên Úy cho Phong Trào JECU, JUC. Xin mạn phép đưa ra một vài nhận xét về hoạt động của các cha với tính cách là Tuyên Úy sinh viên.

1/ Cha Nguyễn Huy Lịch. Cha Lịch là người gốc Hà Nội, du học tại Pháp, là em của Giáo sư Nguyễn Huy Bảo dậy Đại Học Văn Khoa Saigon. Do từ gốc gác gia đình nên cha có lối cư xử rất nhã nhặn, lịch thiệp, hiểu tâm l ‎ý sinh viên nên rất được các sinh viên kính nể.Cha có lối nói, cách giảng rất dí dỏm, khiến những chỉ trích phê bình của cha cũng trở nên nhẹ nhàng và đôi lúc khiến sinh viên bật cười.Tuy nhiên đối với các sinh viên cả nam lẫn nữ cha luôn giữ một khoảng cách, không bao giờ thân mật quá .Sau năm 1975, do ảnh hưởng của ông Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Văn Ngọc, cha có vẻ ngả sang phía chính quyền Công sản.Có lẽ cũng do ảnh hưởng từ cha Lịch và ông Đầu mà Đức cha Bình có thái độ mềm dẻo với Nhà Nước Cộng Sản khiến Tổng Giáo Phận và Giáo Tỉnh Saigòn có nhiều linh mục có chân trong Ủy Ban Đoàn Kết nhất trong nước, trong khi các Giáo Tỉnh khác có ít hoặc không có.Thực ra cha Nguyễn Huy Lịch không tin theo Công sản như một số cha khác, thái độ thân thiện với Cộng sản chỉ là một cách thế đối xử của một con người thức thời, biết rằng mình không thể làm khác đi được trong hoàn cảnh chung của xã hội.Gặp thời thế thế thời phải thế !Tuy nhiên, thái độ của cha như vậy khiến cho nhiều người không tiếp xúc với cha nữa, và điều này làm cho cha buồn lòng không ít. Về cuối đời, do bệnh tiểu đường nặng khiến cha bị hoại tử và phải cắt bỏ bàn chân.Nhưng cha vẫn cử hành thánh lễ và đi giảng tại nhiều nơi .

2/ Cha Phạm Long Tiên. Nếu cha Nguyễn Huy Lịch là “bon papa” về tinh thần thì cha Phạm Long Tiên là “bon papa” về vật chất đối với sinh viên. Cha Phạm Long Tiên khi thay cha Lịch làm Tuyên Úy cho Liên Đoàn SVCG thì cha cũng đang là giám đốc câu lạc bộ Phục Hưng.Về sau cha còn sáng lập và đồng thời làm Tuyên Úy cho Tổng Đoàn Hiệp Sinh.Bởi vậy ngoài những lúc bận đi đâu xa, còn thì thường xuyên ở văn phòng làm việc của cha luôn có các sinh viên nam, nữ đến tiếp xúc . Cha Long Tiên thuộc loại linh mục “ chịu chơi”, nghĩa là ngài sẵn sàng đi với sinh viên nào mời ngài đi đến các địa điểm trình diễn ca nhạc, phim ảnh, kịc nghệ, v.v. Ngoài việc làm Tuyên Úy, cha Long Tiên còn có công xây dựng khu nhà bên đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu sau 1975), xây khu cư xá Phục Hưng mới ở mặt đường Nguyễn Thông.Tiếc rằng khu cư xá mới chưa kịp xử dụng thì Cộng sản đã chiếm mất Về cuối đời, cha Long Tiên đã đi chữa bệnh tại miền Nam nước Pháp , một nhà dòng Đa Minh , và qua đời tại đó.

3/ Cha Pineau Bình. Khi tôi đến sinh hoạt tại Trung tâm Phục Sinh thì cha Pineau đã nghỉ làm Tuyên Úy cho JECU để cha Đỗ Xuân Quế thay thế.Vì vậy tôi chưa có dịp tiếp xúc với ngài.Nghe nói là cha Pineau rất được các sinh viên trong Phong trào JECU ngưỡng mộ.

4/ Cha Đỗ Xuân Quế. Tôi gặp cha Quế lần đầu tiên trong trại Hè cũa JUC năm 1966 tại Đà Lạt,khi tôi phụ trách thuyết trình một đề tài về môi trường Đại học Văn khoa Saigon .Nhưng hết năm 1967 thì cha Quế nghỉ làm Tuyên Úy JUC để nhường cho cha Thiện Cẩm thay thế.Theo tôi thấy thì cha Đỗ Xuân Quế ít hiểu tâm l ‎ý ‎ sinh viên , cha hơi quá chú trọng nguyên tắc (reglo) nên đôi khi không được lòng sinh viên, những người trẻ tuổi thường cho rằng người khác phải tôn trọng ‎‎ý kiến của mình, dù là cha Tuyên Úy, và đôi khi những ‎ý‎ kiến ấy chưa đúng với đường hướng Phúc Âm.Vì vậy cha không làm Tuyên Úy để đi sang lãnh vực báo chí, phụ trách nguyệt san Nhà Chúa trong nhiều năm.Sau 1975, cha phụ trách giáo xứ Vườn Chuối, nguyên là một họ nhỏ của giáo xứ Huyện Sĩ, rồi làm bề trên nhà dòng Đa Minh chi Lyon, trước khi nhập vào tỉnh dòng Việt Nam.Có thể nói cha Quế là con người cứng rắn, giữ vững lập trường, không chao đảo, nghiêng ngả như các cha Lịch hay Thiện Cẩm. Nói rằng cha Quế phải chịu sự che chở của cái dù Thiện Cẩm là không đúng . Nếu quả thực có cái dù thì đó là cả trường phái tả khuynh, từ Đức cha Bình đến cha Lịch, ông Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Ngọc, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh v.v…Mà thực ra cha Quế không làm chính trị , nên không có gì phải sợ.

5/ Cha Thiện Cẩm. Cha làm Tuyên Úy cho Phong trào JUC từ năm 1968 đến 1975.Ngoài ra cha Cẩm còn làm Tuyên Úy cho Đoàn Nữ Sinh Công Giáo Gia Long, bao gồm các học sinh năm cuối (đệ Nhất) của Trường Nữ Trung Học Gia Long.Các nữ học sinh tự động họp thành đoàn rồi xin cha Cẩm làm Tuyên Úy.Các em học sinh này khi hết trung học thì có một số gia nhập JUC .Trong số này có Thanh Vân sau làm bà xã của cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Cha Cẩm xuất thân từ dòng Đồng Công, sau đổi sang dòng Đa Minh Lyon, được cử đi du học tại Pháp và tốt nghiệp tiến sĩ Triết học Phật Giáo.Khi làm Tuyên Úy JUC, cha Cẩm đồng thời dậy tại Đại học Đà Lạt, có sáng tác nhạc đạo dùng trong nhà thờ.Thời kỳ trước 1975, cha Cẩm là vị tuyên úy trẻ trung, năng động, luôn đi sát mọi sinh họat sinh viên của JUC. Về sau (hình như là năm 2002)cha Cẩm dã vận dộng để lấy lại cư xá Phục Hưng đã bị chinh quyền Cộng sản xử dụng sau 1975.

Ngoài ra còn có cha Hoàng Đắc Ánh, em họ Đức cha Huỳnh Đông Các, Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn, làm Giám Đốc Cư Xá sinh viên tại Cần thơ, đồng thời là Tuyên Úy Sinh Viên Công Giáo Đại Học Cần Thơ. Nhưng vì ít tiếp xúc nên tôi cũng không biết nhiều về cha Ánh.

Tóm lại, Dòng Đa Minh chi Lyon có chủ trương giúp đỡ giới sinh viên, đặc biệt là sinh viên Công Giáo nhiều nhất. Ngoài Câu lạc bộ Phục Hưng và Trung Tâm Phục Sinh của Dòng Đa Minh chi Lyon thì còn có các dòng khác quy tụ sinh viên Công Giáo như Dòng Lasan (Taberd), Dòng Tên, đường Yên Đổ, nhưng Trung Tâm Phục Sinh có lẽ là lớn nhất. Các cha Đa Minh để tâm hướng dẫn hoạt động đoàn thể của sinh viên Công Giáo, dành khu biệt thự tốt nhất cho sinh viên làm chỗ hoạt động, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, bàn luận với sinh viên về đường hướng hoạt động. Các cha đều là những người đồng hành với sinh viên trên chặng đường đại học, hướng dẫn họ đi đúng đường hướng Phúc Âm, chuẩn bị vào đời cho những con người sẽ có trọng trách trong xã hội sau này.Quả thực là chi dòng Đa Minh Lyon đã sống ơn gọi hướng dẫn giới trẻ Công giáo trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của lịch sử Việt Nam Cộng Hoà.

IV.-THỬ RÚT RA MỘT BÀI HỌC VỀ SINH HOẠT SINH VIÊN CÔNG GIÁO TẠI TRUNG TÂM PHỤC SINH, GIAI ĐOẠN 1954-1975.

Lịch sử là sự tái diễn không ngừng của hoạt động xã hội con người. Từ những hoạt động thành công hay thất bại của người đi trước sẽ để lại những bài học cho các thế hệ kế tiếp.Trong phạm vi của giới sinh viên Công Giáo, giới hạn trong Trung Tâm Phục Sinh của Chi Dòng Đa Minh Lyon, thời gian hai thập niên hậu bán thế kỷ 20, tuy là rất nhỏ bé nhưng cũng có thể rút ra một bài học nào đó cho các thế hệ sinh viên Công Giáo sau này.

Tất nhiên là mỗi người đều có những nhận định, đánh giá hoàn cảnh, tùy theo cảm nghiệm của mình trước mỗi hoàn cảnh cuộc đời. Do đó những nhận định của tôi cũng chỉ có một giới hạn, một giá trị mang tính cách cá nhân mà thôi.

Tôi xin tạm đưa ra hai ‎ý‎ kiến về sinh hoạt đoàn thể sinh viên Công Giáo nên có như sau :

1/ Đã là sinh hoạt sinh viên Công Giáo thì chỉ nên giữ tính cách thuần túy tôn giáo.Đời sinh viên chỉ là một phần của cuộc đời mỗi con người.Quãng đời đó mang nhiều dấu vết và kỷ niệm cho mỗi người khi đi vào sinh hoạt xã hội sau này.Đời sinh viên là quãng đời còn đầy ắp nét sinh động, l ‎ý ‎tưởng, sự phong phú của cá nhân khi chưa bị những ô trọc của thề tục lôi cuốn. Do đó, đời sinh viên nên chỉ là một quãng đời cần được rèn luyện, được thử thách, chưa phải là lúc thực hiện những tham vọng của đời người. Theo kinh nghiệm của tôi, khi sinh hoạt tại Trung Tâm Phục Sinh, Phong Trào JUC mang nhiều nét l ‎ý ‎ tưởng Kitô hoá môi trường.Riêng cá nhân tôi,tuy làm chủ tịch nhiều năm nhất, nhưng so với các sinh viên khác thì tôi hầu như thất bại. Các sinh viên khi giữ chức chủ tịch JUC thì thường đạt được những ước vọng thường tình : được xuất ngoại đi họp sinh viên quốc tế; lấy được vợ trong cùng đoàn thể. Tôi không đạt được những điểm này.Nhưng điều đó không làm tôi thất vọng hay buồn chán.Bởi vì tôi đã đạt được một điều mà các chủ tịch JUC khác không đạt đạt được. Đó là trong 3 năm tôi làm chủ tịch JUC, đã có 3 sinh viên không Công Giáo tự nguyện tòng giáo không phải vì l‎ý‎ do hôn nhân. Đó là các anh Lê Văn Tới, sinh viên Y khoa; Nguyễn Quốc Thái, sinh viên Nông Lâm Súc; chị Lê Thị Huề, sinh viên Sư Phạm..Tuy tôi chỉ là người gặt hái kết quả do các Sư huynh và các Sơ đã vun trồng từ trước khi các anh chị này theo học tại Taberd hay Saint Paul.Tuy nhiên, đây cũng là những kết quả truyền giáo của JUC nói chung.

2/ Không nên đem chính trị vào môi trường sinh viên Công Giáo. Tất nhiên mỗi người sinh viên đều chịu ảnh hưởng tác động của xã hội dưới hình thức chính trị.Nhưng khi hoạt động trong đoàn thể mang danh Công Giáo, người sinh viên không nên đem những ảnh hưởng đó ra để tác động lên bạn bè như một cách thế lôi cuốn đồng minh, đồng chí (camarades) của phe phái mình,hay là thử nghiệm những thủ đoạn chính trị của mình. Trong khi tôn giáo mang tính chất nhân từ, yêu thương, tha thứ, hướng thượng thì chính trị mang tính chất ác độc, hận thù, cố chấp, thủ đoạn, lừa dối… Do đó, người thanh niên trong trắng không nên vướng vào những hành động chính trị khi chưa rời ghế nhà trường.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi về tập thể sinh viên Công Giáo sinh hoạt tại Trung Tâm Phục Sinh của các Cha dòng Đa Minh chi Lyon từ 1954 đến 1975. Có thể là rất hời hợt, nông cạn, nhưng tôi cũng mong sẽ đóng góp được một cái gì đó cho các thề hệ đàn em mai sau.

Seattle, April 22, 2006.

Đinh Đông Phương

Hội Thanh Niên Thiên Chí Sàigòn

Những ngày đầu sinh họat với Chị Thân.

Đòan Thanh Liêm.

(Bài viết nhân dịp Lễ Giỗ Đầu Chị Phạm Thị Thân, Tháng 7/2008).

Năm 1956-58, tôi là một sinh viên luật khoa lưu trú tại Câu Lạc Bộ Phục Hưng, số 43 Đường Nguyễn Thông Sàigòn. Anh Bùi Minh Đức học y khoa rủ tôi tham gia sinh hoạt với nhóm sinh viên tự nguyện gọi là “Work Camp” (Trại Công Tác). Vào năm 1957, thì chưa có tổ chức quy mô thành một hôị đòan như Hội Thanh Niên Thiện Chí Công Tác và Nghị Luận (Voluntary Youth Associaton – VYA) chỉ ra đời vào đầu thập niên 1960 sau này. Có thể nói lúc đó chừng vài chục anh chị em chúng tôi mới chỉ tập tễnh thăm dò, thử nghiệm một lề lối sinh hoạt thanh niên vẫn còn lạ lẫm ở Việt nam.

Khởi đầu vào năm 1957 với một số cuộc du ngọan tập thể và vài ba trại công tác ngắn hạn, anh chị em đã bắt đầu làm quen với nhau trong một số buổi họp bạn tại nhà cuả mấy bạn người Việt hay cuả một hai người Mỹ. Vì lúc đó Hội chưa chính thức thành lập, nói gì đến trụ sở với ban liên lạc, tổ chức này nọ. Chị Phạm Thị Thân lúc đó là một sinh viên Nha khoa và đã là một trong những người tiên phong trong việc quy tụ, gom góp anh chị em sinh viên chúng tôi lại vớí nhau để cùng theo đuổi việc tổ chức sinh họat tập thể tự nguyện, mà vui chơi lành mạnh cho giới thanh niên thời đó.

Tôi vẫn còn nhớ cái buổi gặp gỡ đầu tiên cuả tôi với mấy người bạn tại nhà một viên chức người Mỹ ở đường Phan Thanh Giản gần với Câu Lạc Bộ Phục Hưng vào hồi đầu năm học 1957-58. Chúng tôi chỉ có chừng 10 sinh viên Việt nam cùng gặp gỡ, trao đổi với 3-4 người Mỹ trong cái phòng khách cuả gia chủ. Tất cả đều nói bằng tiếng Anh, mà riêng tôi lúc đó thì lại chưa quen với lôí phát biểu có thể gọi là lưu loát cuả một vài bạn cùng tham dự buổi sinh hoạt bữa đó. Và tôi chỉ có nghe người khác nói, chứ không có phát biểu ý kiến gí hết.

Bữa đó, tôi ghi nhận lối phát biểu chân thành, đơn sơ mộc mạc cuả Chị Thân. Chị tường trình về chuyến đi tham dự Trại Công Tác và Nghị Luận cuả thanh niên sinh viên quốc tế vừa được tổ chức tại Hongkong vào mùa hè vừa qua. Chị nói rất thật thà là vì tiếng Anh cuả chị còn hạn chế, nên Chị cũng chưa thâu lượm được nhiều kết quả từ cuộc gặp gỡ quốc tế này.

Tôi vẫn còn nhớ mấy ngươì có mặt trong buổi họp mặt bữa đó, ngoài chị Thân còn có chị Hà Thị Phấn học ngành Dược, anh Trịnh Đình Thiện học Quốc Gia Hành Chánh, anh Nguyễn Cao Thăng cũng học Luật như tôi và dĩ nhiên là có anh Bùi Minh Đức chính là người lôi kéo tôi tham gia vào lọai sinh họat như thế này. Nhớ lại cái thời son trẻ ở vào lứa tuổi đôi mươi thuở đó mà đã cách nay đến năm mươi năm, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, đắng cay hoan lạc giữa các bạn đồng trang lứa đã có mối duyên thân tình với nhau từ cái thời còn đi học ở Saigon vào cuối thập niên 50 thanh bình êm ả cuả miền Nam Việt nam lúc ấy. Mà nay, thì bao nhiêu bạn đã ra đi hay đã phiêu bạt ở phương trời xa lạ nào. Biết có dịp nào gặp gỡ quy tụ lại với nhau để mà hàn huyên tâm sự, cùng nhau ôn lại về những “ngày xưa thân ái ấy” nữa nhỉ?

Phải nói là chị Thân mới là người cốt cán, luôn luôn kiên trì bền bỉ trong sự nghiệp gây dựng phong trào sinh hoạt thanh niên thiện chí ở miền Nam suốt gần hai chục năm cho đến 1975.Vào tuổi đôi mươi lúc đó, chị đã là một cấp “Trưởng cuả Nữ Hướng Đạo VN”, nên chị đã đem lại cho lớp sinh viên chúng tôi cái nhiệt tâm và sinh khí rất là cần thiết, hữu hiệu vào những năm tháng khởi đầu cuả phong trào sinh hoạt “Công Tác và Nghị Luận” này.Cái kinh nghiệm sinh hoạt Hướng Đạo cuả chị còn được bồi bổ thêm, nhờ vào phương thức “Sinh Hoạt Trại Công Tác” (Work Camp) mà đang nở rộ tại các nước Âu Mỹ sau khi thế chiến 2 kết thúc. Chị Thân là một trong mấy anh chị đầu tiên đã tiếp thu đựơc kỹ thuật và phương thức “Work Camp” này và đã truyền đạt lại cho chúng tôi từ mấy năm trước khi “Hội Thanh Niên Thiện Chí “đựơc chính thức thành lập vaò năm 1960-61.

Riêng bản thân mình, thì sau khi tốt nghiệp trường Luật năm 1958, tôi phaỉ đi làm, đi du học tu nghiệp tại Mỹ, rôì sau đó phải nhập ngũ và còn bận rộn chuyện gia đình, nên tôi ít có dịp tiếp tục sinh hoạt thanh niên thiện chí với các bạn. Tuy vâỵ, tôi vẫn theo dõi sự phát triển cuả phong trào sinh hoạt thanh niên ở miền Nam thời kỳ trước 1975 và mong mỏi rằng sẽ có ngày những trang sử cuả phong traò sinh hoạt thanh niên đó sẽ được viết ra với tinh thần khách quan khoa học và với lòng triù mến yêu chuộng sự thật cuả lớp người đã có công khai phá, vun đắp như chị Thân từ cuối thập niên 50 ở Việt nam.

Trong dịp kỷ niệm Lễ Giỗ Đâù cuả Chị Thân vào Trung tuần Tháng Bảy năm 2008 này, tôi xin đựơc ghi vắn tắt lại chút ít kỷ niệm về những ngày đầu tiên sinh hoạt thanh niên thiện chí cùng với Chị cách nay đã 50 năm và thầm đốt nén hương lòng lên để tưởng nhớ đến Chị với tất cả sự trìu mến thiết tha cuả một người bạn đồng trang lứa với Chị. Tuy Chị đã xa lìa cõi tạm nơi thế gian này, nhưng cái nhân cách cao qúy, cái tấm lòng hy sinh tận tụy cuả Chị đối với phong trào sinh hoạt cuả giới thanh niên Việt nam từ trên nửa thế kỷ nay, thì vẫn còn mãi mãi tỏa sáng trong tâm khảm anh chị em chúng tôi.

Houston, ngày 10 tháng Bảy năm 2008

Đoàn Thanh Liêm

Oakland, CA 11/7/2008.6

của sinh viên học sinh Sài Gòn

Sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm (1-11-1963), bọn tay sai phản động đấu đá nhau để giành địa vị thống trị. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân đã bùng lên ở Sài Gòn sau những năm nghẹt thở.

Sinh viên thành phố lúc ấy chỉ hơn một vạn, còn học sinh khoảng hai trăm ngàn. Tổng hội sinh viên hồi đó hoạt động mờ nhạt do Lê Hữu Bôi và Nguyễn Trọng Nho, những tên Quốc dân đảng chống cộng khống chế. Chưa có tổ chức đại diện của học sinh. Chỉ mới có một chi bộ Đảng ở Đại học khoa học.

Võ Ngọc An (Hai Hồ) lúc đó 19 tuổi, học đệ nhất (lớp 12) được Ban cán sự học sinh, sinh viên chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, gây dựng tổ chức công khai. Anh Lê Minh Châu (Ba Cảnh), người chỉ đạo trực tiếp của anh An giao nhiệm vụ: lập cho được một tổ chức có tư cách pháp nhân và phải có trụ sở để quy tụ lực lượng.

Anh An tổ chức một cuộc họp hơn trăm đại biểu học sinh của 48 trường công, tư thục ở chùa Bồ Đề và đề nghị lập một tổ chức đại diện học sinh với khẩu hiệu "Đoàn kết - Học tập - Vui sống". Mọi người tán thành và về từng trường cố gắng lập các ban đại diện để từ đó có tổ chức liên kết chung của học sinh.

Qua học sinh Nguyễn Tấn Á, An vận động học sinh trường Cao Thắng tham gia hoạt động và biến nơi đây thành điểm hẹn để bàn bạc công việc. Ban vận động học sinh đoàn ra đời và nêu mục tiêu hoạt động có tổ chức chính thức và trụ sở được hợp thức hóa.

Sáng 26-11-1963, các đại biểu học sinh kéo đến Bộ Giáo dục, nhưng Bộ trưởng Phạm Hoàng Hộ lại đẩy nhiệm vụ sang Hội đồng quân nhân cách mạng. Các đại biểu đến gõ cửa Hội đồng và đại tá Phạm Xuân Chiểu ra tiếp. Sau khi nghe đoàn nêu yêu cầu xin lập hội và cấp trụ sở, "Nếu không, chúng em hơn 200.000 người sẽ còn biểu tình, bãi khóa", Chiểu gật gù đồng ý, gọi điện cho Tổng hội sinh viên của Bôi để chia nửa trụ sở số 4 Duy Tân cho học sinh và dặn chiều hôm sau đến nhận. Học sinh nhanh nhẹn hò nhau dọn dẹp kết hoa, dàn chữ, "ăn mừng" trụ sở của mình.

Một tuần sau đó ban đại diện học sinh các trường công tư được bầu đồng loạt. Tổ chức học sinh đoàn liên kết các ban đại diện chính thức ra mắt với cương lĩnh, cờ hiệu trước đông đảo quần chúng tại số 4 Duy Tân. Dư luận học sinh quần chúng đang còn xôn xao về việc tìm được tung tích của nữ sinh Quách Thị Trang, 15 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành ngày 25-8-1963. Không khí sôi sục căm thù báo trước những cơn bão tố.

Chủ tịch tổ chức Học sinh đoàn lúc đó là Chu Cự Hải đã sớm bị bọn tướng tá ngụy mua chuộc, còn lực lượng của ta đang cố gắng làm chủ cấp trường.

Năm 1964, một tổ chức mới ra đời là Hội đồng chỉ đạo học sinh, sinh viên, bao gồm các trưởng ban đại diện các trường. Người của ta là đại diện trường Péttrus Ký và Cao Thắng, hai đầu tàu đặc biệt trong phong trào học sinh.

Giữa tháng 10, ta vận động các ban đại diện đến họp ở trường Cao Thắng, thành lập một tổ chức mới là Tổng đoàn học sinh và bầu anh Nguyễn Chơn Trung (Tư Lý), trưởng ban đại diện trường Péttrus Ký làm chủ tịch.

Tổng đoàn ra mắt chính thức ở số 4 Duy Tân trong một cuộc hội thảo nhân phát động cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Một bọn tay chân của Bôi, Nho tự xưng là đại diện Tổng đoàn học sinh hô hào biểu tình chống Trần Văn Hương nhưng bị vạch mặt là "Tổng đoàn giả hiệu".

Trần Văn Hương đàn áp các cuộc biểu tình và cho bắt nhiều học sinh, sinh viên. Ngày 24-11-1964, phái đoàn đại diện Tổng đoàn đến gặp Quốc trưởng và Thượng hội đồng nhưng bị đe dọa và thách thức. Lập tức bãi khóa chiếm trường đã bùng nổ ở rất nhiều nơi và xô xát với cảnh sát đến đàn áp. Địch cho bủa lưới bắt những người lãnh đạo Tổng đoàn học sinh, chuẩn bị phiên tòa quân sự xét xử, nhưng trước cuộc bãi khóa lan rộng, chúng đành phải thả những người bị bắt vào ngày 13-1-1965. Một buổi họp mặt khải hoàn gồm các Uủy ban tranh đấu của các trường diễn ra ở số 4 Duy Tân trong khói lựu đạn cay do một tên tay sai giấu mặt tung lên diễn đàn.

Cuộc đấu tranh giành lấy Tổng hội sinh viên cũng diễn ra quyết liệt và lâu dài, Ban chấp hành Tổng hội được bầu ra từ Hội đồng đại diện sinh viên được cử từ các trường. Vậy muốn giành được Tổng hội, phải nắm lấy ban đại diện các trường.

Gần ba năm hoạt động, Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đã gây dựng được nhiều cơ sở. Trong 14 trường lúc đó, đã "lồng khung" được vào các ban đại diện trường Khoa học, Sư phạm, Văn khoa, Nông lâm súc, Y khoa... Mặt khác, bằng việc tổ chức các nhóm báo chí, văn nghệ, công tác xã hội, ta đã thu hút lực lượng và khơi dậy nhiều phong trào ở một số trường.

Trước tình hình cách mạng sôi sục ở miền Nam, quần chúng sinh viên nôn nóng muốn tỏ thái độ chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhưng Tổng hội sinh viên lại bị Tô Lai Chánh thao túng. Chánh là chủ tịch nhiệm kỳ 65-66, học sinh trường Luật nhưng sớm có phong cách thư lại với dáng vẻ Tây lai bị địch mua chuộc. Bọn Bôi, Nho trước đây và Chánh lúc đó tìm cách ru ngủ sinh viên bằng các hoạt động văn nghệ, cắm trại, lớp học miễn phí, v.v. và cuối cùng lộ mặt phản động với đề nghị thành lập Mặt trận Đoàn kết quốc gia chống cộng, nhưng chẳng ai hưởng ứng.

Sáng 24-5-1966, sau khi hội thảo, sinh viên Y khoa kéo về trụ sở số 4 Duy Tân bao vây và chất vấn Tô Lai Chánh. Hắn lúng túng trước yêu cầu phát động ủng hộ cuộc đấu tranh ở miền Trung, chống đàn áp, gây nội chiến... song vì quá sợ hãi, Chánh tung cửa sổ chạy ra ngoài, trốn biệt về Cần Thơ, coi như bị phế truất.

Hội đồng đại diện sinh viên 14 phân khoa, cao đẳng tạm thời cử người xử lý thường vụ. Cuộc vận động đầu cử ban chấp hành mới được khẩn trương tiến hành. Từ Y khoa bùng lên phong trào đòi "tự trị đại học". Ta nhanh chóng nắm phong trào này và dùng số 4 Duy Tân làm trụ sở của phong trào. Hồ Hữu Nhựt, chủ tịch phong trào, từ đó mau chóng tổ chức lực lượng sinh viên các trường.

Ngày 30-4-1967, tại số 4 Duy Tân diễn ra cuộc bầu cử lịch sử giữa hai liên danh là Hồ Hữu Nhựt và Lê Hồng Khanh, kết quả là anh Nhựt đã trở thành chủ tịch Tổng hội với 2/3 số phiếu, làm thất bại mọi thủ đoạn mua phiếu tráo trở của bọn phản động.

Ban chấp hành mới ra mắt ngày 14-5-1967, biến trụ sở số 4 Duy Tân thành nơi hội thảo, hội nghị, họp báo, triển lãm, v.v rất sôi nổi. Bộ Giáo dục phản ứng bằng cách cúp tài trợ, cho trụ sở, nhưng ta kiên quyết đòi, buộc chúng phải nhả, nhưng chúng chỉ tài trợ một lần thôi! Nhờ sự đóng góp của ban đại diện các trường và sự ủng hộ của các "mạnh thường quân", trụ sở lại đàng hoàng hơn với các trang thiết bị mới.

Từ đó, phong trào sinh viên được phát động khá mạnh, có sự lãnh đạo đúng đắn. Hoạt động báo chí với Đại hội báo chí sinh viên, có hiến chương, tuyên ngôn và tổ chức Hiệp hội báo chí sinh viên đột phá vào trận địa thông tin đại chúng.

Tháng 9-1967, bùng lên cuộc đấu tranh rầm rộ của sinh viên chống trò bầu cử tổng thống và chống kết quả bầu cử gian lận.

Phong trào sinh viên được tập hợp rộng rãi hơn với Đại hội sinh viên liên viện kỳ 1 (các viện đại học Sài Gòn, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh), tại số 4 Duy Tân, họp ngày 27-9-1967 trong vòng vây của cảnh sát, ra tuyên bố đòi hủy bỏ kết quả bầu cử và Mỹ không được cab thiệp vào nội bộ Việt Nam. Sau đó những người dự đại hội cùng lực lượng sinh viên phá vòng vây cảnh sát tiến xuống trụ sở Hạ nghị viện đốt thùng phiếu tượng trưng, họp báo và ra tuyên cáo. Kế đó, đại hội kỳ II và III tiếp tục cuộc đấu tranh và tổ chức biểu tình. Cảnh sát bắt đi hơn 30 người. Chúng xông vào số 4 Duy Tân bắt trọn chủ tọa đoàn 17 người trong đó có chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Hồ Hữu Nhựt, bắt 55 thanh niên thuộc các ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Cần Thơ, Vạn Hạnh đi lính vì đã họp chống lại chúng.

Tổng hội phải có ngay ban chấp hành tiếp nối. Nguyễn Đăng Trừng, một sinh viên làm báo giỏi, được cử làm chủ tịch, Trần Thị Ngọc Hảo, nguyên thủ quỹ Đoàn văn nghệ sinh viên, làm phó chủ tịch. Sau khi bị địch truy nã gắt gao, anh Trừng phải ra khu giải phóng và chị Hảo gánh vác nhiệm vụ quyền chủ tịch Tổng hội.

Trong Tết Mậu Thân 1968, Tổng hội sinh viên tổ chức cứu trợ đồng bào bị nạn ở trụ sở và các trường đại học.

Chị Hảo lúc ấy đang độ đôi mươi, học Dược năm cuối nhưng vẫn xông xáo nhiệt tình với trách nhiệm nặng nề của mình: vừa giải quyết công việc của Tổng hội, vừa chăm sóc đồng bào ở các khu cứu trợ dưới con mắt cú vọ của cảnh sát, lính kín.

Thình lình ngày 7-8-1968, cảnh sát bao vây trụ sở số 4 Duy Tân, vu cáo có vũ khí Việt cộng trong đó và tuyên bố xóa trụ sở. Tổng hội sinh viên mở họp báo, nhưng bọn cảnh sát đã rượt đuổi cả chủ tịch Tổng hội lẫn các nhà báo, biến thành một cuộc "họp báo chạy".

Mất trụ sở, Tổng hội mượn trụ sở sinh viên Sư phạm và khoa học để làm việc và sau đó dời về Trường Nông lâm súc.

Ngày 5-2-1969, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố đặt ngoài vòng pháp luật những người đòi hòa bình, trung lập và truy bắt những người công khai lãnh đạo phong trào. Chị Hảo phải rút vào bí mật và Tổng hội tạm thời chưa có ban chấp hành. Cơ sở Thành đoàn vận động anh Nguyễn Văn Quỳ, Chủ tịch ban đại diện Nông lâm súc, nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội đồng đại diện sinh viên. Sức mạnh của phong trào sau đó đã biến toàn thể ngôi trường Nông lâm súc thành trụ sở Tổng hội, cùng với các Trường Dược, Văn Khoa thành khu "Tam giác sắt" của phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn những năm sau đó.

Sau một thời gian tranh thủ vận động tích cực, cuộc bầu cử ban chấp hành nhiệm kỳ 1969-1970 của Tổng hội được tiến hành và lễ ra mắt được tổ chức ngày 2-8-1969 tại giảng đường chính Trường Nông lâm súc. Hơn 300 sinh viên và "quan khách" được mời đến dự lễ. Ông Trần Văn Tấn, phó viện trưởng Viện đại học Sài Gòn, ký giấy chứng nhận Tổng hội sinh viên.

Trong ban chấp hành gồm 7 người, Thành đoàn có 4: Chủ tịch Nguyễn Văn Quỳ (Nông lâm súc), phó chủ tịch nội vụ Huỳnh Văn Mẫm (phó chủ tịch ban đại diện Y khoa), phó tổng thư ký Nguyễn Hoàng Trúc (Nông Lâm Súc) và thủ quỹ Nguyễn Thị Yến (Văn khoa). Khi anh Quỳ tốt nghiệp ra trường, anh Huỳnh Tấn Mẫm được cử làm quyền chủ tịch.

Ban chấp hành mới lãnh đạo sinh viên chống quân sự hóa học đường, tổ chức những đêm "đốt giường chiếu" và ca hát ầm ĩ ở quân trường.

Đến Noel 1969, tại Nông Lâm Súc tổ chức đêm văn nghệ "hát cho đồng bào tôi nghe", có triển lãm tranh dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước và căm thù giặc.

Hoảng sợ trước phong trào, tháng 3-1970, chính quyền cho bắt Huỳnh Tấn Mẫm và 38 sinh viên chủ chốt của các trường. Ngày 10-3-1970, học sinh Cao Thắng tổ chức cuộc bãi khóa đầu tiên của phong trào năm 1970 với khẩu hiệu: "Chống thu học phí trường công", "chống tăng giá giấy" và ngưng "đòi làm sáng tỏ vụ bắt bớ sinh viên, học sinh". Giao tranh dữ dội bằng sắt thép, bom xăng diễn ra giữa học sinh Cao Thắng và cảnh sát dã chiến kéo dài đến trưa. báo chí Sài Gòn đều đưa tin trang nhất.

Một cao trào mới chống đàn áp sinh viên nổ ra. Cuộc bãi khóa của 33.00 sinh viên trong ba ngày, kể từ 23.3.1970 cùng với sự ra đời của Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn tuyên bố tiếp tục nhiệm vụ của Ban chấp hành Tổng hội. Tiếp đó, các đại hội sinh viên đã được tổ chức, khi thì ở Nông lâm súc, có khi ở ngay Công trường Lam Sơn, trước cửa Hạ viện và đều bị cảnh sát bao vây đàn áp.

Các cuộc đấu tranh liên tiếp diễn ta: họp báo, công bố tổng bãi khóa vô hạn định và toàn diện, sẵn sàng tuyệt thực và tự thiêu với khẩu hiệu "Chống đàn áp vô cớ sinh viên, học sinh"; đòi trình diện những sinh viên bị tra tấn dã man trước công chúng, đã tạo một dư luận quần chúng rộng rãi chống Mỹ - Thiệu đàn áp sinh viên.

Trong cao trào đó, để tập hợp lực lượng học sinh trung học, tháng 4-1970, Ban đại diện 24 trường trung học Sài Gòn đã họp tại Đại học Văn khoa để thành lập Tổng đoàn học sinh Sài Gòn và đề cử Ban chấp hành lâm thời do Lê Văn Nuôi (đại diện học sinh Cao Thắng) làm chủ tịch. Lễ ra măởt chính thức được tổ chức vào tháng 5-1970 trong một đại hội gần 1000 đại biểu học sinh các trường, diễn ra ngay trên đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng, trước cổng trường Cao Thắng trong vòng vây kẽm gai và khói đạn cay mịt mù của cảnh sát dã chiến.

Ngày 15-7-1970, Đại hội sinh viên toàn miền Nam khai mạc với con số kỷ lục về đại biểu tham dự: 5.000 người, biểu dương sức mạnh của cả sinh viên và học sinh .

Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn đã phát biểu tại đại hội: "Chúng em đến đây không chỉ với tư cách hỗ trợ các anh chị sinh viên mà là một lực lượng tích cực trực tiếp tranh đấu. Mặc dù học sinh chúng em đi tranh đấu, khó khăn hơn các anh chị sinh viên nhiều, vì chưa vào đời, cha mẹ hay ngăn cản. Nhưng nếu như tuổi trẻ chúng ta, ai cũng dừng lại trước giọt nước mắt của mẹ mình, thì đất nước biết bao giờ được độc lập, tự do".

Ngày 13-6-1970, do áp lực của phong trào, Mỹ - Thiệu phải thả Huỳnh Tấn Mẫm và đồng đội, đồng thời giao biệt thự số 207 Hồng Bàng làm trụ sở Tổng đội.

Tại đây, Tổng đội văn phòng làm việc, tiếp khách, cũng là nơi hội họp, tập văn nghệ, tập vẽ v.v... Tồn tại được một năm, đến cuối tháng 9-1971, mượn cớ sinh viên Lê Khắc Sinh Nhựt (chủ tịch ban đại diện sinh viên Luật khoa, nơi có nhiều sĩ quan cảnh sát theo học), bị giết, vào giữa đêm cảnh sát bao vây trụ sở lùng bắt ban chấp hành Tổng đội. Huỳnh Tấn Mẫm và Phan Công Trinh phải nhảy qua cửa sổ, nhờ một bà mẹ người Hoa giúp đỡ giấu trong lu, sau đó cho áo mặc để trốn thoát.

Tổng hội phải dời trụ sở sang Đại học Vạn Hạnh, rồi qua trung tâm Thích Quảng Đức (294 Công Lý).

Có một câu chuyện kỳ lạ, nhưng có thật. Đó là việc Nguyễn Cao Kỳ cho Tổng hội sinh viên mượn một ngôi nhà trong dinh Quốc khách của hắn làm trụ sở. Lợi dụng mâu thuẫn Thiệu với Kỳ, một phái đoàn của Tổng hội sinh viên do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch, được Kỳ tiếp tại nhà riêng ở trại Phi Long - Tân Sơn Nhất. Một yêu cầu thăm dò được nêu ra với Kỳ là: hủy bỏ học quân sự hoặc hoãn học ở quân trường trong thời gian sinh viên ôn thi. Kỳ tỏ vẻ niềm nở và chấp nhận sẽ cho hoãn học quân sự trong kỳ thi. Sinh viên liền tiến công tới: Đề nghị Kỳ cấp cho Tổng hội một trụ sở vì lực lượng cảnh sát của Thiệu vừa qua đã tịch thu trụ sở rồi. Giờ đây, muốn chống Thiệu, phải có cơ ngơi tập hợp. Mong muốn của Kỳ là lợi dụng lực lượng của sinh viên, học sinh để chống Thiệu, do đó, Kỳ đồng ý cho mượn ngôi nhà trong dinh Quốc khách của Phó tổng thống làm trụ sở Tổng hội.

Sau đó, khi ngồi trên máy bay trực thăng chứng kiến lực lượng sinh viên đấu tranh chống đàn áp của cảnh sát, Kỳ thuận giao ngôi nhà đó, kể cả những phương tiện văn phòng, xe cộ, lựu đạn MK3 dùng cho huấn luyện. Bằng món quà này, Kỳ định tranh thủ sinh viên, học sinh để thêm lực lượng lật đổ Thiệu, còn ta lại lợi dụng khai thác mâu thuẫn của kẻ thù, làm rối loạn nội bộ cơ quan đầu não địch.

Dù chỉ dời trụ sở về đây có bốn tuần, nhưng Tổng hội sinh viên đã tận dụng vị trí thuận lợi này làm nơi chỉ đạo tiếp những cuộc biểu tình, đấu tranh làm rung chuyển dư luận.

("Chung một bóng cờ" NXB Chính trị quốc gia)

http://www.hochiminhcity.gov.vn/left/gioi_thieu/lich_su_van_hoa/lich_su/tp_chung_nhan_cua_dong_chay_ls/khang_chien_chong_my/sinhvien.htm?left_menu=1

Oakland, CA 2/11/2008.X

(Bài này do anh Đỗ Hữu Nghiêm thu thập từ bên ngòai, không liên hệ đến những ghi nhận của các anh chị Sinh Viên Công Giáo trong tập thể Phục Sinh- Phục Hưng, chi dòng Đa Minh - Lyon)

Phỏng vấn LM Anrê Đỗ Xuân Quế, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập tu viện Mai Khôi tại Sài Gòn

VietCatholic News (20 Jan 2006 01:16)

Linh mục Anrê Đỗ Xuân Quế trả lời phỏng vấn nhân dịp 50 năm thành lập tu viện Mai Khôi

Chắc hẳn qúy vị độc giả VietCatholic quá quen thuộc với những bài viết chỉ dẫn quan trọng về Phụng vụ và Thánh nhạc, và cộng thêm những bài thơ mà LM Anrê Đỗ Xuân Quế đã sáng tác để ca tụng tình yêu Thiên Chúa và những cảm nghiệm huyền nhiệm về cuộc đời, và đã trở thành một mục đăng thường xuyên trên các bản tin hằng ngày của Thông tấn xã Công Giáo Việt Nam. Hôm 19/01/2006 vừa qua, VietCatholic đã có cuộc trao đổi nhân dịp tu viện Mai Khôi, nơi Cha Quế đã gắn bó gần hết đời mình vào đời tu, mừng kỷ niệm 50 thành lập tại Sài Gòn. Qua cuộc nói truyện này chúng ta được hiểu thêm về những thăng trầm và đoạn đường đã qua của tu viện này.

Quốc Ngọc: Xin Cha cho độc giả VietCatholic biết đôi nét về tu viện Mai Khôi trong 50 năm qua? linh mục

Cha Quế: Ban đầu tu viện Mai Khôi chỉ là mấy phòng trong doanh trại Hạ sĩ quan Không quân Pháp về nước nhường lại. Nhà lợp mái tôn xi-măng. Ba lm Đỗ Minh Vọng (Michel Alexis Cras), Vinh Sơn Nguyễn Huy Lịch và Đỗ Minh Bình (Marie-Bernard Pineau) ở đất thánh Cầu Kho dọn về đây ngày 07/10/1955, vừa làm nơi cho sinh viên và các linh mục ở. Sinh viên ở phía ngoài, các lm ở phía trong, không có tường rào ngăn cách gì cả. Bên ngoài là Câu lạc bộ cũng gọi là cư xá Phục Hưng. Câu lạc bộ này có từ năm 1940 ở Hà-nội, nay người sáng lập ra nó là lm Đỗ Minh Vọng vào Nam nên cũng đưa nó vào theo. Ngày 19/01/1956, nơi các linh mục ở được gọi là tu xá, đơn vị nhỏ ít người dưới cấp tu viện. Mãi đến ngày 11/02/1969, tu xá mới được nâng lên hàng tu viện, vì lúc bấy giờ có đủ túc số như Hiến pháp ấn định, nghĩa là phải có 6 tu sĩ được bổ nhiệm và ở thường xuyên tại đây, 5 người có quyền bỏ phiếu và tối thiểu 4 người là linh mục. Từ 1965 trở đi, các linh mục Việt Nam đứng đầu tu viện thay vì các lm người Pháp, tuy các linh mục này vẫn ở trong tu viện. Vì thế từ 1966-67 cho đến 1975 vẫn có các linh mục người Pháp như Arbogaste Haag và Henri Lorry ở đây. Năm 1963, lm Phạm Long Tiên. Năm 1965, lm Trần Hiền Lương, lm Đỗ xuân Quế. Năm 1967, lm Thiện Cẩm. Năm 1972, lm Mai Văn Hùng, lm Nguyễn Văn Hòa về nước. Với đội ngũ này, các linh mục chia nhau coi sóc cư xá, làm tuyên úy sinh viên, giảng dạy tại hai trường Đại học Sài-gòn và Đà-lạt, chủng viện Vĩnh Long, giảng tĩnh tâm, tổ chức các khóa hội thảo diễn thuyết, điều khiển hai tạp chí Nhà Chúa và Tri Thức. Biến cố là các cuộc ra đi của lm Đỗ Minh Vọng 1962, Thiên Phong Bửu Dưỡng 1987, Trần Hiền Lương 1992, Phạm Long Tiên 1994, Mai Văn Hùng 1995, Đỗ Minh Lộ 2000, Nguyễn Huy Lịch 2000. Hai cột mốc chính là: 1965 tu viện được trao quyền vào tay linh mục Việt Nam và 1975 không còn linh mục ngoại quốc nào trong tu viện.

Quốc Ngọc: Còn về chuyến thăm tu viện của Mẹ Têrêsa Calcuta?

Cha Quế: Thực ra, Mẹ Têrêsa không thăm tu viện mà chỉ dự lễ một vài lần vào buổi chiều tại nhà thờ cũ Mâi Khôi, khoảng 1995 (?) khi Mẹ đến thăm các chị em của Mẹ tạm trú ở 38 Tú Xương với hy vọng mong manh có thể lập nhà được ở Việt Nam. Có mấy người bổn đạo chụp hình. Người ta cũng chụp cha Trần Phúc Nhân chung với Mẹ và cả cha Nguyễn Huy Lịch ngồi trên xe lăn nữa.

Ảnh chụp với cha Jean-Pierre Lintanf (Cựu Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Lyon)

Quốc Ngọc: Đôi nét về cá nhân Cha, là một tu sĩ Đa Minh, trong hành trình 50 năm đó?

Cha Quế: Tôi có viết một bài đề là "Lần đầu đến với Mai Khôi", trong đó tôi nói đến bước đầu vào dòng Đa Minh của tôi. Tôi phải mất hai năm lui tới với dòng, rồi ngày 15/5/1956 mới được chính thức nhận để cho đi Pháp vào nhà tập của tỉnh Dòng Lyon lúc ấy ở Angers. Tôi xuống tầu Flaminia của Ý do Pháp thuê để đưa những người lính cuối cùng trong đoàn quân viễn chinh Pháp về nước, vào một buổi chiều mưa tầm tã ngày 02/7/1956. Tôi ở nhà tập Angers một năm, về học viện Eveux gần Lyon 6 năm, rồi lên Paris học thêm 2 năm. Đến ngày 29/4/1965, về lại Mai Khôi làm việc cho đến ngày nay. Trừ một năm tu nghiệp ở Paris 1971-72, gần một năm coi sóc cư xá Phục hưng Cần thơ 1974. Một năm lên xuống Đà-lạt (1975-1976) dạy tại Đại Chủng viện Minh Hòa và Giáo Hoàng Học Viện. Ngoài ra, tôi còn dạy ở Đại Chủng viện Vĩnh Long, Long Xuyên, Xuân Bích Huế và hiện nay tại Lớp Bồi dưỡng Thần học Phao-lô Nguyễn văn Bình và Trung tâm học vấn Đa Minh Gò-vấp. Từ 1972 đến nay, tôi làm việc trong Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ mỗi tuần lề hai ngày.

Quốc Ngọc: Thưa Cha, cha đã từng giữ những trách vụ nào tại tu viện Mai Khôi và hiện nay?

Cha Quế: Tôi làm Tu viện trưởng hai khóa 1982-1985 và 1993-1996. Bề trên Phụ Tỉnh 1993-1999. Hai khóa làm Phó Tu viện trưởng 1999-2002, 2002-2005. Và hiện nay là Phó Tu viện trưởng lưu nhiệm.

Quốc Ngọc: Xin Cha cho biết sự khác nhau giữa: Bề trên Phụ Tỉnh, Bề trên Nhà, Tu viện trưởng, rồi Giám Tỉnh tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo VN v.v…?

Cha Quế: Thường mỗi Tỉnh Dòng đều có các Phụ Tỉnh, như Tỉnh Việt Nam có Phụ Tỉnh bên Canada. Phụ Tỉnh là Bề Trên khu vực thuộc Phụ Tỉnh nhưng vẫn liên lạc và trực thuộc Bề Trên Tỉnh, cũng như trước đây Mai Khôi là Phụ Tỉnh thuộc Tỉnh Lyon. Mai Khôi có những quyền hạn được ghi trong qui chế của Phụ Tỉnh, còn ngoài ra vẫn liên lạc và trực thuộc Lyon trong những vấn đề lớn và quan trọng. Bề Trên nhà quyền hạn hẹp hơn, chỉ thu gọn lại trong một nhà do Hiến Pháp Dòng qui định, lại phải tùy thuộc vào Tu viện trưởng vì nhà nào cũng phải trực thuộc một tu viện, như hiện nay nhà Cần Thơ phải tùy thuộc tu viện Mai Khôi. Tu viện trưởng là bề trên tu viện có từ 6 tu sĩ trở lên trong đó ít nhất phải có 4 linh mục như nói ở trên. Tu viện là đơn vị chính của Tỉnh Dòng. Một Tỉnh Dòng gồm có nhiều tu viện. Giám Tỉnh là Bề Trên cao cấp có quyền hạn trên các tu viện trong Tỉnh Dòng. Các Tu viện trưởng đều phải tùy thuộc Cha Bề Trên Giám Tỉnh do các luật lệ được ban hành và ấn định trong Hiến Pháp Dòng.

Quốc Ngọc: Cha có thể cho chúng con biết về ý nghĩa của việc hợp nhất tu viện Mai Khội và tỉnh dòng Đa Minh VN năm 1999?

Cha Quế: Hợp quần tạo nên sức mạnh. Phụ tỉnh Mai Khôi ít người, ít phương tiện. Nay Bề Trên Cả, bề Trên Giám Tỉnh Lyon, rồi Paris đề nghị và khuyên mời Mai Khôi nên hợp nhất với các Cha Dòng Đa Minh tại nhà thờ Ba Chuông cho mạnh mẽ và bền chặt hơn. Sau mấy năm suy nghĩ, cân nhắc bàn bạc giữa đôi bên, cuối cùng đôi bên bỏ phiếu chấp thuận đi tới hợp nhất ngày 22.5.1999.

Quốc Ngọc: Cha có cho rằng cần có một kế hoạch phát triển toàn diện Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình (cư xá Phục Hưng cũ) sao cho xứng với ý nghĩa lịch sử của trung tâm? Thực tế hiện nay còn rất chệch choạc: cơ sở vật chất, thiếu định hướng, cũng như chưa tận dụng tốt ưu thế mặt bằng khá lý tưởng của trung tâm?

Cha Quế: Tất nhiên là có. Trong một buổi họp mới đây, tu viện đã đề cập đến vấn đề này và sẽ có một ngày bàn bạc thảo luận chung để đưa ra một kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh và tình thế. Nếu có chuệch choạch thì chẳng qua cũng vì còn thiếu người thích đáng và hoàn cảnh chưa thuận lợi cho một cuộc bố trí tương đối hoàn chỉnh. Có lẽ phải đợi một thời gian khi có người được chuẩn bị thích hợp để làm công việc này.

Quốc Ngọc: Theo Cha, trước những nhu cầu của người Công giáo Việt Nam tại đây thì có nên có một học viện Thần học hay không, thưa Cha?

Cha Quế: Rất nên. Chính vì vậy Trung Tâm Học Vấn Đa Minh (Gò Vấp) đang chuẩn bị dần để tiến tới giai đoạn đó. Hiện Trung tâm đã sáp nhập vào Trường đại học Thánh Tôma (Manila, Philipine) và thứ Bảy 21/01/2006 sẽ phát bằng thần học lần đầu tiên do một giáo sư ở Manila sang cấp...

Quốc Ngọc: 50 năm, một dịp để dừng lại ca khen, tạ ơn chúc tụng Chuá, và tiếp tục dấn bước. Theo Cha con đường nào là thích hợp nhất cho tu viện trong hành trình… 50 năm tới?

Cha Quế: Ngay từ đầu Mai Khôi được lập ra để giúp sinh viên cả vật chất lẫn tinh thần. Các tu sĩ linh mục trong tu viện này được chuẩn bị và nhắc nhở để làm việc cho giới sinh viên và trí thức. Đường hướng của Mai Khôi là như vậy và ý của các bề Trên tiền nhiệm cũng là như thế. Mai Khôi phải cố giữ cho được sắc thái này. Đó phải là nét riêng của Mai Khôi. Bởi vì từ đầu Mai Khôi đã được lập ra theo hướng đó.

Quốc Ngọc: Người nghèo trong xã hội chúng ta đang sống có vị trí nào trong linh đạo phục vụ anh em của tu viện? thưa cha

Cha Quế: Tuy hướng về sinh viên và các sinh hoạt trí thức nhưng không phải vì thế mà Mai Khôi lơ là với những người nghèo. Bằng chứng là hiện nay tu viện có những tu sĩ đồng hành với những người mắc bệnh Sida, ít may mắn, có hoàn cảnh đặc biệt mà tượng trưng là phòng khám miễn phí, tủ thuốc cho người nghèo và những người nhiễm HIV cũng như các cuộc đi thăm viếng trọng điểm những người cai nghiện ở Bình Phước. Những người thiên về nghiên cứu, viết lách trong tu viện chắc chắn sẽ không có thời giờ và cơ hội tiếp cận cách thiết thực với người nghèo như một số người thiên về hoạt động xã hội. Nhưng theo linh đạo phục vụ thì hẳn là người nghèo phải ở trong tâm thức những người nói trên bằng cách này hay cách khác.

Quốc Ngọc: Là tu sĩ dòng “Anh Em Giảng Thuyết”, Cha đã từng suy nghĩ thế nào về câu nói của ĐTC Gioan Phaolô II: “Thế giới ngày nay cần những chứng nhân hơn là những nhà thuyết giảng.”?

Cha Quế: Tôi nghĩ rằng “Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”. Lối giảng hay hơn cả là giảng bằng đời sống và lời cầu nguyện. Ngày xưa, mỗi lần giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris, cha Lacordaire đã phải cầu nguyện và đánh tội.

Quốc Ngọc: Câu hỏi cuối cùng, “trót cả tâm tình” Cha có đôi lời với các bạn trẻ, mà hiện cũng như Cha 50 năm trước “ra bến tàu vào một chiều mưa tầm tã... mà lòng vẫn chưa yên, vẫn còn thấp thỏm trước tương lai mịt mờ”, với ơn gọi Đa Minh?

Cha Quế: Dâng mình cho Chúa đúng là một ơn gọi. Phải cảm thấy Chúa gọi mới đi tu được. Rồi lại phải chiến đấu và từ bỏ nữa. Sự đời bây giờ có nhiều cái quyến rũ người trẻ lắm. Phải tìm thấy ở ơn gọi một sức mạnh, một sự thúc đẩy nâng cao cuộc đời mình lên. Và làm cho mình thấy đời tu là một cảnh đời có giá trị và mang lại hạnh phúc cho mình nhờ sự dấn thân và từ bỏ dưới sức hấp dẫn của ơn Chúa.

Quốc Ngọc: Xin chân thành cảm ơn cha. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tu viện và năm mới Bính Tuất, thay mặt Ban Biên tập cùng qúy độc giả VietCatholic, xin gửi đến cha lời chúc sức khoẻ và ơn lành của Chúa, Đức Mẹ Mai Khôi & thánh Tổ phụ dòng.

Cha Quế: Xin cảm ơn anh!

Quốc Ngọc

Nghiêm thu thập .