Thẩm Định Việc Truyền Giáo Thời Kỳ Bảo Trợ, 1533-1659 (Mừng Năm Thánh 2010, Xem Lịch Sử Truyền Giáo Việt Nam)



Bài 5: THẨM ĐỊNH VIỆC TRUYỀN GIÁO THỜI KỲ BẢO TRỢ, 1533-1659

Lời mở

Đáp lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta vừa cử hành lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, ngày 24/11/2009. Theo tinh thần của Nội Quy Năm Thánh, qua bài 4, chúng ta vừa nhìn lại quãng đường lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Chúng ta đã khởi đầu nhìn lại đoạn đường thứ nhất, đoạn đường dài 126 năm của thời kỳ Bảo Hộ (1533-1659).

Ba sự kiện khách quan nổi bật trong thời kỳ này, thế kỷ XVI và XVII, đã sừng sững hiện ra trước mắt mọi người: 1. Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam loan báo Tin Mừng. Bốn địa điểm đã được đón nhận Tin Mừng; 2. Thế kỷ XVII, Công giáo hội nhập vào xã hội việt nam và thành lập nhiều cộng đoàn đầu tiên; 3. Thế kỷ XVII, Công giáo đã khai sinh ra chữ quốc ngữ cho văn học việt nam.

Hội Đồng Giám Mục lại nhắn nhủ thêm: « Nhìn lại lịch sử cùng với những thẩm định về đời sống Giáo Hội nhằm rút ra những bài học lịch sử cho việc thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay » (Nội Quy).

Qua ba dữ kiện lịch sử vừa nhìn lại trên đây, phải thẩm định thế nào về đời sống Giáo Hội của Thời Kỳ Bảo Trợ ? Nhiều thẩm định có thể được đưa ra, nhưng thẩm định nào cũng phải nhìn nhận rằng « khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội địa phương, chúng ta phải cất cao lời cảm tạ: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1) (Diễn Văn khai mạcNăm Thánh 2010, tại Sở Kiện, ngày 24/11/2009, của Đúc Cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch HĐGMVN).

Đặc biệt cho Thời Kỳ Bảo Trợ, thời kỳ mà lần đầu tiên Tin Mừng đã đến với người Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, vì, như một phép lạ, người Việt Nam đã đón nhận Tin Mừng một cách chân tình. Từ không có ai, đến có vài ba người, rồi dăm bảy người, rồi vài ba chục, dăm bảy chục. Như hạt giống nẩy mầm, cần thời gian để nẩy mầm, nhưng khi đã nẩy, thì mầm lớn mau. Từ năm 1533 đến năm 1615, Nhiều giáo sĩ, thuộc nhiều dòng khác nhau, triều, Đa Minh, Phan Xi Cô, đã đến truyền giáo ở Việt Nam. Nhưng, giống như hạt giống vừa gieo xuống, chưa mọc thành cây. Từ năm 1615 đến năm 1659, trong khoảng thời gian 45 năm truyền giáo, các cha Dòng Tên đã thâu nhận một kết quả ngoài sức tưởng tượng: 100.000 người đã được đức tin. Vì đâu mà có két quả này ? Dĩ nhiên, trước nhất đó là nhờ Ơn Chúa. Nhưng một phần cũng nhờ sự làm việc cần cù, thông minh và phương pháp khôn khéo.

Đọc lại lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, nhất là những ký sự hành trình truyền giáo của các giáo sĩ dòng Tên trong thời Bảo trợ (1533-1659), hai phản ứng, cũng là hai tâm tình và nhận xét dầu tiên, tự nhiên xuất hiện trong tâm tư chúng ta. Đó là, về việc truyền giáo, các cha Dòng Tên đã là những giáo sĩ truyền giáo trách nhiệm. Về sống đạo, các cộng đoàn công giáo tiên khởi lúc đó sống trong một Giáo Hội có hiệp nhất và yêu thương.

A. Giáo sĩ truyền giáo trách nhiệm

Theo phương pháp quản trị chất lượng ISO 9000, tám nguyên tắc căn bản để thành công trong việc quản trị đã được xác định. Trong 8 nguyên tắc này, 4 nguyên tắc liên hệ đến 4 tác nhân. Đó là: về khách hàng, làm việc gì cũng phải hướng đến họ; về người cung ứng, phải nghĩ đến lợi nhuận của họ; còn người làm chủ thì phải có trách nhiệm; người cộng tác thì phải nhiệt tình. Làm chủ trách nhiệm, hiểu theo cả hai nghĩa đọc xuôi và đọc ngược: làm chủ có trách nhiệm, dám cam kết, dám dấn thân, dám làm, dám tiêu dùng tài lực; và vừa có nghĩa là trách nhiệm làm chủ, là người xướng xuất, chỉ đường, trông coi, kiểm soát, tổ chức, khuyến khích, sửa bảo, thăng thượng, cải tiến, làm gì cũng hướng đến « khách hàng ». Các giáo sĩ Dòng Tên đến truyền giáo ở Việt Nam trong thời Bảo Trợ, nói theo ISO 9000, quả thật đã là những giáo sĩ truyền giáo trách nhiệm, luôn luôn nghĩ đến việc truyền giáo cho lương dân.

Các nguyên tắc quản trị chất lượng ISO 9000 hiện đang được áp dụng trên khắp hoàn cầu, trong đó có các cơ quan và xí nghiệp Việt Nam. Thực ra, những nguyên tắc này đã được Tôn Tử nghĩ đến ngay từ thế kỷ thứ -VI, trước giáng sinh. Trở lại vấn đề các giáo sĩ truyền giáo trách nhiệm, nếu lấy khung phương pháp của Tôn Tử, ta sẽ ngỡ ngàng tự hỏi không biết các thừa sai truyền giáo đầu tiên ở Việt Nam, nhất là các cha Dòng Tên, đã có đọc qua « Tôn Tử Binh Pháp » chưa, mà sao áp dụng hay vậy ? Cả 6 nguyên tắc quản trị căn bản của Tôn Tử, đều đã được các ngài áp dụng một cách tuyệt hảo.

A1. Lập chính đạo

Chính đạo là đường ngay ngõ chính, thuận với lẽ trời, đúng với sự thật, hợp với công lý, thuận với lòng người. Để biết việc truyền giáo do các giáo sĩ dòng Tên thực hiện có hợp với chính đạo hay không, ta phải biết các ngài rao truyền điều gì ? Trong sách giáo lý « Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chiụ phép rứa tội, ma /beào đạo thánh đức Chúa blời » in năm 1651, cha Đắc Lộ đã ghi rõ những điều ngài và các đồng bạn đã rao giảng trong một khóa trình 8 ngày, một kiệt tác, mà hẳn thật các nhà truyền giáo hiện đại cũng nên đọc lại.

Khởi đầu cắt nghĩa về Đạo Thánh Đức Chúa Trời, chẳng phải là đạo nước nọ nước kia, nhưng là đạo thánh và trước và trọng hơn mọi nước thiên hạ. Ngày thứ hai giảng về Đức Chúa Trời là ai, Đức Chúa trời ở đâu, bởi đâu mà có Đức Chúa trời. Ngày thứ ba giảng về việc Đức Chúa Trời tạo dựng trời đất muôn loài trong 6 ngày. Ngày thứ tư giảng về lịch sử loài người, con cháu Adong, sinh ra nhiều đạo, với nhiều lầm lạc. Song le đạo chính, là đạo thờ phượng một Đức Chúa Trời, thì nhận một Chúa Cả làm nên mọi sự, thật là cội rễ đầu. Và xưng linh hồn ta là tính thiêng liêng hằng sống vậy, chẳng hay chết; Đó là điều chẳng những đã do Đức Chúa Trời truyền cho, mà lại vì có lẽ trong ta dạy vậy. Ngày thứ năm, giảng về Một Đức Chúa Trời Ba ngôi. Ngày thứ sáu giảng về thầy thuốc cả. Ngày thứ bảy giảng về con chiên lành và chó sói dữ. Ngày thứ tám giảng về mười bậc thang (điều răn) lên thiên đàng. (Giáo sĩ Đắc Lộ; Phép giảng tám ngày;

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=87)

Những điều mà các giáo sĩ truyền giáo giảng dậy chẳng những là những điều mà các ngài đã chân tình cảm nhận, mà còn được lương tri xác nhận và thuận với lòng người. Dấu chứng hợp với lòng người rõ nhất là việc lương dân xin trở lại đạo. Cha Đắc Lộ đã kể lại cuộc ngài gặp gỡ lần đầu tiên người Đàng Ngoài ở Thanh Hóa, ngày 19/03/1627, một cách đơn sơ nhưng qua đó, rõ rệt người ta thấy được chính đạo trong công việc của ngài: « Mãi tới sáng ngày lễ thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là cửa thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thày bảo hộ và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi.

Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem những hàng hóa mới lạ vào. Tôi làm thông ngôn cho tất cả đoàn thể, tôi đáp đây là một chiếc tàu người Bồ, những người khắp vùng Đông phương đều khá biết về giá trị võ khí và hàng hóa tinh xảo từ lâu vẫn đem tới xứ này và nhân dịp này họ tới bán cho người Đàng Ngoài một hạt trai quý mà không đắt để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại, người ta đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người Ấn Độ và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu.

Khi nghe nói về điều mà họ thường gọi là đạo theo ngôn ngữ các nho sĩ và Đàng theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là đường lối thì họ tò mò muốn tôi cho biết đạo thật và đàng thật mà chúng tôi định rao giảng. Sau đó tôi lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật, tôi quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa Trời đất, vì không tìm được trong ngôn ngữ họ một tên riêng để chỉ Thượng đế, vì họ thường gọi là Phật hay Bụt với nghĩa nơi họ là một thần. Nhưng biết việc tôn thờ vị này không được trọng dụng nơi những người quyền quí và các nho gia trong nước, nên tôi tưởng không nên dùng danh hiệu ấy để xưng Thiên Chúa, nhưng tôi dùng danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ đã xưng khi giảng cho người thành Atênê đã dựng bàn thờ kính Thiên Chúa vô danh, Thiên Chúa mà theo như ngài, đã nói với họ: các người thờ mà chẳng biết, đó là Đức Chúa trời đất. Thế là dưới danh hiệu đầy uy nghi trong tâm trí lương dân, ngay ban đầu tôi rao giảng đạo thật trước hết và chính yếu nhất là thi hành nghĩa vụ chính đáng của ta đối với đức Chúa trời đất theo cách thức Người mạc khải cho ta. Giảng cho họ như thế, tôi tin là họ có đủ khả năng hiểu và hai người trong đám thính giả đã động lòng, sau mấy ngày được dạy dỗ đầy đủ hơn về những niềm tin của chúng ta và đã chịu phép rửa tội cùng cả gia đình. Người thứ nhất chúng tôi gọi là Giuse để dâng kính bạn thánh Đức Trinh Nữ mà ngày lễ Người là ngày chúng tôi cập bến, còn người thứ hai là Inhaxu vị tổ phụ dòng chúng tôi.

(Đắc Lộ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Q2, Ch.3

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=111&ict=434)

A2, A3. Lượng thiên thời, Định địa lợi,

Lượng thiên thời và định địa lợi là xem môi trường địa dư, lịch sử và xã hội, nhìn địa hình, thế đất, lòng người; quan sát văn hóa, đặc biệt là văn hóa làng xã và gia đình Việt Nam, ghi nhận những chi tiết của đời sống cụ thể hàng ngày. Một số tài liệu tiêu biểu nói lên ý chí muốn lượng định thiên thời địa lợi và sự hiểu biết của các giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên về địa lý, lịch sử và văn hóa, đời sống Việt Nam: Gaspar Luis, S.J.: Tường Trình về Đàng Trong, 1621; Giuliano Baldinotti, S.J.: Tường Trình về Đàng Ngoài, 1626. A. Francisco Cardim, S.J.: Tường Trình về Đàng Ngoài, 1595-1659. Gioan Maracci, S.J.: Tường Trình về Đàng Ngoài, Đàng Trong, Cao-Miên và Lào, 1649. Đắc Lộ: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, 1650, Đắc Lộ: Hành trình và truyền giáo, 1951, Đắc Lộ: Phép giảng tám ngày, 1651…

(Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=77&ict=619).

Sự hiểu biết về thiên thời địa lợi này đã được đem ra áp dụng ngay cả vào việc dậy giáo lý. Trong « Phép giảng tám ngày », cha Đắc Lộ đã nhắc đến quan niêm « sinh quí, tử qui », đến tam giáo ở Việt Nam.

Cho biết sự ấy tỏ tường, thì phải nhớ lời đất Annam này nói liên: “Sống thì gửi, chết thì về” (nói chữ: sinh là kí dã, tử là quy dã). Song le thì phải hay đời sau có hai quê: một là quê lành, hai là quê dữ; quê trên, quê dưới, thiên đàng, địa ngục. Vì chưng trên trời thì có thiên đàng: ai đến được trên ấy thì chịu 3 hằng hằng vui vẻ vậy. (Giáo sĩ Đắc Lộ, Phép giảng tám ngày, Ngày thứ nhất. Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=87)

Lộn lạo tiếng nói đoạn, thì mới ra nước Đại minh, mà Annam thì chịu đạo bởi nước ấy. Khi lộn lạo tiếng nói đoạn, mà Đại minh phải mất tiếng nói trong đạo thật, mà lại chẳng còn có kính truyền đạo thật, thì phải phân ra nhiều đạo vạy. Như thể kẻ lạc đàng thật, thì lạc đi nhiều đàng, mà những đàng vạy. Song le Đại minh vốn thì có phân ra ba đàng cả, những vạy chẳng kể nhiều đàng tiểu mọn khác, cũng vạy vậy. Đàng thứ nhất là đàng về kẻ hãy chữ, gọi là đạo Nho. Đàng thứ hai là đàng kẻ thờ quỷ, ma làm việc dối, gọi là đạo Đạo. Đàng thứ ba là đàng kẻ thờ bụt, gọi là đạo Bụt.( Ibid. ngày thứ bốn)

Ngài cũng nhiều lần nhắc đến văn hóa gia đình việt nam: Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; đấng giữa là vua chúa trị nước; đấng trên là Đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở.

Vì chúng ta có cha mẹ, thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ; song le linh hồn ta chẳng phải bởi cha mẹ mà ra đâu. Ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm. Có khi thì mẹ cất của miệng mình mà cho con ăn; cũn có khi mẹ ăn miếng đắng mà miếng ngon để dành cho con ăn. Lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con thì lo việc nuôi nấng. Vì vậy có khi thì cha thức sớm chẳng ngủ, mà làm nghề nọ nghề kia, chạy xuôi chạy ngược, kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng. (Ibid, ngày thứ nhất)

Ay vậy mà lời răn thứ bốn trong kinh Đức Chúa trời, gọi là răn thứ nhất trong Lời hứa, thì dạy ta thảo kính cha mẹ cho nên. Mà hễ là kẻ bề trên, cũng gọi là cha mẹ. Lại sự thảo kính thì hằng có bốn phần, là yêu mến, kính dái, chịu luỵ, giúp cho mọi sự. Yêu mến là chớt ghét, chớ muốn sự dữ cho người, lại ước mọi sự lành cho, mà cầu vậy cùng Đức Chúa trời. Kính dái là ở khiêm nhường cùng, mà chớ mất lòng người, dầu mình làm, dầu miệng nói. Chịu luỵ là vâng phép người mọi việc khíên ta phải lẽ, huống lọ khi khiến ta sự về ích cho ta lành đời đời. Mà giúp cho mọi sự người có dùng thể nào, thì phải giúp, nhất là khi đã già cả, hay là phải đau nặng. Ví bằng người còn thiếu sự về linh hồn cho lành, (như thể khi cha mẹ chưa biết Đức Chúa trời, hay là có lạc đàng về cho được lành đời đời), khi ấy càng phải giúp hết sức, càng việc về linh hồn cho lành thì trong hờn việc về xác. (Ibid, ngày thứ tám, sđt)

A4. Tạo nhân hòa,

Nội dung những điều các giáo sĩ truyền giáo rao giảng cho dân chúng Việt Nam là những điều hợp với lương tâm, hợp với lễ phải. Đó là điều chúng ta vừa xem ở số A1 trên đây, khi nói về chính đạo. Ở đây, khi nói về nhân hòa, ta có ý nói về hoàn cảnh chung quanh, về những người có trách nhiệm trong quốc gia và trong xã hội. Trong tất cả thời kỳ truyền giáo bảo trợ, chúng ta lưu ý rằng các giáo sĩ, lúc khởi đầu, các giáo sĩ luôn luôn được các vua chúa kính trọng và mến phục. Và trong các quan lại, nhân vật hoàng gia, nho sĩ, trí thức, thậm chí cả những bậc tu trì phật giáo, có nhiều người đã chấp nhận, thuân theo và gia nhập đạo Công Giáo. Ta có thể bảo rằng các giáo sĩ truyền giáo luôn quan tâm đến việc tạo nhân hòa. Sau đó, vì những lý do khác nhau, các vị có thể bị ghen tương, bị hiểu lầm, bị ganh tỵ. Nhiều vị, vì vậy đã bị cấm giảng đạo, bị trục xuất.

Ngay từ khi mới tới Cửa Bạng Thanh Hoá, Cha Đắc Lộ đã được dẫn đến gặp chúa Trịnh Tráng. Ngài viết: « Người ta dẫn chúng tôi tới phủ chúa, lúc đó chỉ nghĩ tới chiến tranh. Chúa cầm đầu một đạo quân lớn gồm có một trăm hai mươi ngàn người và bốn trăm thuyền chiến. Người Bồ đến lạy chúa và dâng phẩm vật. Tôi cũng đi với họ. Ngoài những phẩm vật khác, tôi dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cộc hành quân chống chúa Đàng Trong. Chúa truyền cho chúng tôi đợi chúa trong tỉnh thành này, nơi chúa để lại hết các hành trang và cung phi. Chúa cũng cho một toán binh hộ vệ chúng tôi.

Trong hai tháng trời, chúng tôi được thong dong thu lúa đầy kho Thiên Chúa, rửa tội cho hai trăm người. Thật là được mùa dư dật. Khi chúa bại trận nặng nề trở về thì chúng tôi ra mắt. Lúc này trí óc thảnh thơi, chúa tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Tôi dâng chúa một cuốn sách về toán học, bì nạm chữ vàng, in bằng chữ hán. Nhân dịp tôi cũng cắt nghĩa cho chúa biết sự xoay vần trời đất cùng các tinh tú, từ đó tôi đề cập tới Đức Chúa Trời. Chúa để ý nghe suốt hai tiếng đồng hồ, ấy là đã mệt nhọc vì đường trường. Chúa tỏ ra hài lòng được nghe nói về đạo thánh của ta, chúa cũng mời tôi năng lui tới phủ chúa. Bài giảng thứ nhất này không vô ích, có một quan sang trọng, sau khi nghe, đã thấy được ơn Thiên Chúa và đến xin chịu phép rửa tội.

Tôi được hân hạnh chúa vời tới thuyền chúa nhiều lần và còn mời tôi ngồi bàn tiệc với chúa, theo kiểu dân xứ này, mỗi người một bàn riêng. Chúa để tôi ngồi cạnh chúa và có nhã ý cho tôi dùng những món thịt ngon nhất tốt nhất mà chúa có. Tôi phải vận động để được ở lại trong đất nước này, khi tàu người Bồ lên buồm trẩy đi. Tôi liền kiếm khắp nơi một người bạn nói dùm cho tôi một tiếng. Nhưng ai cũng chối từ, chỉ có Thiên Chúa nói cho tôi và cho tôi thành công không ai dự phần vào.

Chúa với tôi vào thuyền để chỉ dẫn cho chúa biết đồng hồ dùng vào việc gì và đồng hồ cát sử dụng thế nào, hai phẩm vật tôi đã dâng. Sau khi bái chào chúa, tôi lên dây đồng hồ và cho đánh giờ, và đồng thời tôi lất đồng hồ cát, cho chúa biết, khi tất cả cát rơi xuống đáy thì đồng hồ lại đánh giờ. Chúa thấy rất lạ và hỏi xem tôi có nói thật hay không. Tôi liền ngồi xa chiếc đồng hồ, vì sợ chúa tưởng tôi xờ mó vào đồng hồ. Tôi cũng bắt đầu giảng về nguyệt thực nhật thực, trong khi chờ đợi. Chúa vẫn đăm đăm vào đồng hồ cát và khi cát đã rơi xuống đáy thì chúa cầm trong tay nói: hỏng rồi, đồng hồ của khanh không đánh. Chúa vừa nói thì đồng hồ liền đánh giờ như tôi đã báo trước. Chúa lấy làm thích thú và chúa bảo tôi nếu tôi muôn ở đây hai năm với chúa, chúa vui lòng tiếp tôi nhiều lần nữa.

(A de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, chương 8, sđd

http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=85&ib=136&ict=319)

A5, A6. Dụng tướng tài và đặt pháp minh

Trong công việc truyền giáo, các giáo sĩ truyền giáo thông minh, dấn thân và chuyên nghiệp là chính yếu. Nhưng các ngài đã ngay từ những lúc đầu nghĩ đến việc đào tạo các giáo dân ưu tú Việt Nam và tuyển chọn họ làm những phụ tá và cán bộ dắc lực. Cùng với các giáo sĩ truyền giáo, các giáo dân ưu tú này, gọi là các thầy giảng, đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc rao giảng tin mừng và trong những kết quả tốt đẹp đạt được. Các thấy giảng có sứ mệnh truyền giáo trong gia đình họ, trong làng xã họ, và xa hơn nữa trong những nơi mà các giáo sĩ gởi họ tới. Các thầy giảng cũng là một trong yếu tố tổ chức quan trong trong hệ thống Nhà Đức Chúa Trời của những địa điểm truyền giáo mà các giáo sĩ đã đặt ra để làm vững giáo xứ, tạo ra một linh tông, khích lệ việc đào tạo giáo sĩ bản địa. Về các thầy kẻ giảng này, cha Đắc Lộ tỏ ra rất ưu ái và thán phục. Ngài viết: « Giáo dân vẫn rất sốt sắng như mấy năm về trước. Vì thế tôi không nói gì riêng ở đây, nhưng tôi không thể không nói tới ơn Chúa ban cho tôi và đồng thời kích động mười người trai trẻ hợp tác với tôi trong việc giảng đức tin cho dân xứ này. Tất cả đều ở nhiều tỉnh khác nhau mà tới, nhưng họ chỉ có một tâm hồn thuộc về Chúa và hoàn toàn tận tuỵ ở Giáo hội. Trong số đó có ba người Chúa dành cho phúc tử đạo: Anrê từ tỉnh Phú Yên tới tìm tôi, Inhaxu con nhà sang trọng, vì là quan tòa, thông minh, rất thông thạo chữ Hán, nhất là rất nhân đức, một vị thánh đích thực, gốc ở tỉnh miền bắc, sau khi chịu phép rửa tội thì không muốn rời tôi, và thực ra tôi được gặp Inhaxu thì không lấy gì làm sung sướng hơn.

Người thứ ba là Vincentê, từ lâu nài xin tôi cho vào số những người khác. Thân phụ anh là một giáo dân đạo cũ ở tỉnh Quảng Ngãi, ông đã đem đến trình tôi, mặc dầu anh là cột trụ nâng đỡ gia đình và cây gậy của tuổi già.

Còn bảy người khác thì cũng tương tự như ba người trên. Tất cả chúng tôi cùng nhau đi khắp các tỉnh, các làng các xã ở Đàng Trong. Thiên Chúa phù hộ ban ơn giúp đỡ chúng tôi và số giáo dân trong một thời gian ngắn đã thêm được hơn một ngàn. (Ibid, ch 21)

Cũng trong tài liệu « Hành trình và truyền giáo », trong hai chương sau, chương 23, cha Đắc Lộ viết tiếp về các thấy giảng: « Sau khi ở gần hai năm và đi thăm hết cả tỉnh Đàng Trong, không ra mắt công khai, chỉ hoạt động ban đêm thì tôi được tin người Bồ, trong khi tôi đi vắng, đã tới cửa Đà Nẵng, để rồi từ đó trẩy về Macao. Trước khi họ khởi hành, tôi đã tới gặp họ và tất cả đều muốn cho tôi cùng về với họ. Họ sợ chúa cả giận. Theo họ thì chúa vui lòng để tôi ở lại ba tháng sau, như thế tôi giúp giáo dân hơn là cứ phải lẩn tránh.

Tôi đồng ý và trước khi ra đi, tôi nghĩ nên gắn bó mười thầy giảng bằng một lời tuyên thệ cũng như tôi đã làm ở Đàng Ngoài khi tôi rời bỏ họ. Chúng tôi chọn ngày lễ đấng thánh tổ phụ Inhaxu để cử hành nghi lễ. Cả mười đầy tớ Chúa công khai đến nhà thờ, có mặt toàn thể giáo dân. Họ cầm nến trắng trong tay, phục trước bàn thờ, rồi thề sẽ phụng sự Giáo hội, không lập gia đình và vâng lời các cha dòng đến giảng ở đất nước này hoặc những vị thay thế các ngài.

Họ đọc lời thề rất sốt sắng và cảm động tới rớt nước mắt, làm cho tất cả cử tọa đều phấn khởi. Còn tôi, đứng gần bàn thờ, tôi vui mừng quá đỗi, khi thấy những người lành thánh hy sinh tận hiến cho Chúa một cách rất thành thực, tâm trí tôi ngợi khen Chúa và mắt tôi tuôn trào dòng châu lệ. Sau đó tôi ra lệnh cho họ phải theo khi tôi vắng mặt. Tôi đặt Inhaxu là bề trên và ai cũng bằng lòng vì là người lớn tuổi hơn cả, có khả năng hơn cả và thực ra cũng rất nhân đức như các anh em đồng sự.

Tôi chia họ thành hai toán, toán thứ nhất đi thăm các tỉnh phía bắc cho tới Đàng Ngoài, Inhaxu là toán trưởng và đem theo Anrê, toán thứ hai thì đi các tỉnh phía nam cho tới biên giới Chàm.

Thế là tôi trở về Macao vào tháng 9 năm 1643 còn họ trung thành làm tròn nhiệm vụ tôi uỷ thác cho. Thoạt đầu tất cả mười người đều cùng nhau ở lại một tháng trong nhà chúng tôi ở Đà Nẵng mà vì lương dân đã phá bình địa nên phải dựng lại. Trong khi đó, có mấy người ngã bệnh, có Anrê trong số đó, người rất nhiệt tâm nhưng sức yếu. Inhaxu là bề trên nhưng lại làm đầy tờ hầu hạ tất cả, đêm ngày săn sóc, không quản khó nhọc và không ngại việc hèn việc mọn để chữa chạy cho các tôi tớ tốt lành của thầy độc nhất là Chúa Kitô.

Khi khỏi bệnh, họ chia tay đi các nơi như tôi đã chỉ định. Năm người trẩy về phía nam và làm việc rất đắc lực, trong ba tháng đã rửa tội được hai trăm chín mươi ba người lương dân. Họ thấy không nên hoãn việc này để chờ tôi về. Họ còn chuẩn bị nhiều người khác để cho chính tay tôi làm. Việc này có tiếng vang lớn trong tỉnh Phú Yên, làm cho lương dân áy náy đến thưa với quan trấn thủ mới về trị nhậm và rất ghét giáo dân.

Ông ta liền cho đi lùng bắt hết các thầy giảng mới để trừng phạt. Họ cũng không còn nể bà Mađalêna, có họ với chúa, vợ quan trấn thủ cũ, chúa đã chuyển đi nơi khác 66. Bọn lính xấc láo ập vào nhà, lục soát các phòng để tìm các thầy giảng, nhưng may mà các thầy không ở trong thành này. Các thầy chỉ buồn vì đã bỏ lỡ dịp chịu khổ vì đức tin, các thầy thích được chết vì đạo hơn là giảng. Bà Mađalêna không buồn phiền vì chịu xỉ nhục đó, nếu vào trường hợp khác thì bà rất bực bội.

Trong dịp này có hai bà tỏ lòng kiên trung đặc biệt, một là bà Angela, bà đã khổ sở vì thấy mẹ chồng tên là Monica đã cho hạ một nhà nguyện vì sợ quan tòa tới phá. Do đó bà đã chết vì đau đớn. Bà không muốn sống sau tội ác tày đình do một giáo dân phạm, mẹ chồng bà vậy.

Người thứ hai là một bà quả phụ, bà cũng có một nhà nguyện. Kẻ địch muốn phá để đẹp lòng quan trên. Nhưng bà can đảm chống cự, lúc cương lúc nhu vì nhiệt thành tôn vinh Chúa. Cuối cùng nhà nguyện được an toàn cho dù ma quỷ điên cuồng và lương dân ác ý.

Trong khi được nhiều thành quả ở phía nam thì Inhaxu với bốn đồng sự cũng không kém thành công ở phía bắc. Trong có ít ngày mà đã rửa tội được ba trăm ba. Họ không ăn không ngồi rồi. Trước hết họ đến tỉnh chúa ở là Thuận Hóa. Ở đây được mùa rất tốt đẹp, do sự chuẩn bị của ba giáo dân can tràng. Ba người này đã lìa khỏi nhà, bỏ nơi sinh quán để tránh đám lương dân tức giận và hành hung.

Trước đây gần hai năm, khi đi qua xã Kẽ Đại, trong ba ngày tôi đã rửa tội được ba trăm người do các thầy giảng dạy dỗ trước. Lương dân căm tức vì thần giả trá của họ bị bại trận lớn. Chúng nhất định báo thù giáo dân. Trước hết chúng hành hạ thầy Augustino là người đã giảng dạy. Chúng trói thầy và để ở giữa chợ suốt một ngày, để phơi nắng buổi trưa, nhưng đầy tớ trung thành của Chúa đã thấy ánh sáng và một sức nóng bên trong mạnh hơn sức nóng thiêu đốt bên ngoài.

Còn một người tên là Phaolô, một người được kính nể trong xã này, nhưng vì thấy đức tin bị xâm phạm nên không muốn ở lại. Ông bán hết tài sản và dẫn con tên là Philipphê, cả hai rất sùng đạo, đi kiếm ăn nơi khác, nơi người ta không làm hại sự đạo. Ông chọn kinh đô chúa ở để có thể lẩn tránh trong đám quần chúng và đồng thời, có thể thu hoạch được nhiều thành quả hơn. Ông mở trường dạy học, ông một bên và con ông một bên, vì cả hai đều rất thông chữ Hán. Chỉ trong ít lâu ông đạt được ý nguyện, sửa soạn cho mấy người theo đạo và giao cho các thầy giảng làm phép rửa.

Hài lòng về can đảm của hai đầy tớ Chúa, Phaolô và Philipphê, Thiên Chúa muốn thưởng công cho vật chất ở đời này. Một hôm đi qua phố, tình cờ chúa gặp Phaolô mà chúa đã biết và mến chuộng từ xưa. Chúa hỏi thăm rất ân cần và giao cho chức quan tòa lúc này chưa có ai đảm nhận. Phaolô bỡ ngỡ vì cơ hội may mắn. Ông nhận thấy mình vì Thiên Chúa mà bỏ hết của cải nơi sinh quán nên Thiên Chúa đền bù cho tất cả những gì đã mất. Ơn huệ vật chất lớn lao này làm cho ông càng can đảm để giúp việc thiêng liêng và vật chất cho hết các giáo dân. Ông càng sốt sắng hơn trước và có thể nói đây là một Phaolô đích thực trong thành phố lớn này.

Còn về phần Inhaxu với toán binh tinh nhuệ hằng kiện toàn công trình mà ba giáo dân kia đã đặc biệt khởi sự. Thầy rửa tội, giảng và lấy lời đạo đức củng cố tinh thần giáo dân. Sau đó tới quê quán nơi sinh trưởng tên là Hemcun. Thầy thành thực muốn chinh phục đồng liêu, nhưng đúng như chân lý Chúa đã nói, thầy không khuyên nhủ được ai trở lại đạo. Người đồng hạng xưa kia vẫn quý chuộng thầy thì nay lại cho thầy là kẻ cuồng tín. Công việc không tiến triển, ngoài hai người thầy thương mến nhất, là mẹ và bà nội nay đã bát tuần. Thầy rửa tội cho cả hai. Rồi khi thấy sắp đến thời lúc tôi hứa trở lại, thì thầy rút lui về nơi tôi căn dặn để đón tôi: đó là cửa biển Hội An. Ở đây, tất cả đã gặp nhau, đem theo bao nhiêu của đã cướp được từ tay ma quỷ. (Ibid. ch. 23)

B. Giáo hữu sống đạo trong hiệp nhất và yêu thương

Giáo sĩ truyền giáo trách nhiệm đã đem lại kết quả gì cho giáo hội ? Vì có trách nhiệm, các giáo sĩ đã biết giảng giáo lý Đạo Đức Chúa Trời bằng tiếng việt và theo lẽ phải, hợp với lòng người. Các ngài đã biết đặt ra chính đạo. Đặt được chính đạo, trên một đường đi ngay thẳng, các giáo sĩ lại biết dựa vào những nền tảng văn hóa việt nam về gia đình, quốc gia, để chuyển trao Tin Mừng một cách dễ hiểu và dễ tiếp nhận. Các ngài đã biết dựa vào thiên thời và tựa vào địa lợi. Thêm vào đó, các giáo sĩ còn biết chinh phục các quyền lực trong quốc gia xã hội, tránh chống đối và cấm cản, thù nghịch, dệt được những liên hệ thuận lợi. Các ngài đã biết tạo ra nhân hòa. Từ đó, có chính đạo, có môi trường thuận lợi, việc thành công chỉ còn tùy thuộc vào sức mạnh nội bộ, dựa trên nhân tài, cán bộ giỏi và tổ chức qui củ, thưởng phạt phân minh. Các giáo sĩ đã làm được điều dó. Các ngài đã biết dụng tướng tài, là thâu nhận các thầy giảng và tổ chức cộng đoàn theo khuôn mãu nhà Đức Chúa Trời và linh tộc.

Kết quả của việc truyền giáo trách nhiệm mà các giáo sĩ Dòng Tên đã mang lại cho Giáo Hội Việt Nam trong buổi thành lập này là: 1- số giáo hữu tăng rất nhiều; 2- các giáo hữu sống đạo trong hiệp nhất và yêu thương.

B1. Số giáo hữu tăng rất nhiều

Chỉ nhìn công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài, ta dã thấy số lương dân Việt Nam đón nhận Tin Mừng một cách hồ hởi. Ngay ngày đầu tiên đến Cửa Bạng, Thanh Hóa, 19/03/1627, cha Đắc Lộ đã chinh phục được hai người rất thông minh và gia đình họ: « Thế là ngày 12 tháng 3 năm 1627, tôi rời Macao và sau tám ngày trên biển với một cơn bão lớn tưởng nguy tới tính mạng, chúng tôi may mắn cập bến cửa Bạng ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 19 tháng 3, lễ thánh Giuse, Đấng tôi nhận là quan thầy trong công trình lớn lao này. Chúng tôi liền đặt tên cho cửa biển này và từ đó gọi là cửa thánh Giuse.

Tàu chúng tôi chưa vào tới bờ thì đã thấy rất đông người tụ tập để xem hàng hóa trong tàu. Tôi liền bắt đầu giở hàng hóa của tôi ra và cho họ biết tôi có một thứ hàng quý hơn và rẻ hơn tất cả những hàng khác, tôi sẽ biếu không nếu ai muốn, đó là đạo thật, đường thật ban hạnh phúc. Tôi giảng giải một bài ngắn, bởi vì đạo trong ngôn ngữ của họ có nghĩa là đàng, đường. Chúa cho trong mẻ thứ nhất này, ngay trước khi đặt chân lên đất, có hai người rất thông minh sa lưới và nhất quyết xin chịu phép rửa tội. Tôi đã rửa tội cho họ sau đó ít lâu cùng tất cả gia đình…..

Trong hai tháng trời, chúng tôi được thong dong thu lúa đầy kho Thiên Chúa, rửa tội cho hai trăm người. (Ibid, ch. 8)

Mấy tháng sau, khi lên kinh đô Kẻ Chợ, kết quả cứ tiếp tục tăng trưởng: « Khi chúng tôi tới kinh đô Đàng Ngoài tên là Kẻ Chợ, một kinh thành rất lớn và rất đẹp, phố phường rộng rãi, dân cư đông đúc, lũy thành dài tới hơn sáu dặm, tức thì chúa dựng cho chúng tôi một nhà ở và một nhà thờ xinh đẹp. Thế là tiếng đồn đi khắp nước và người ta tuốn đến rất đông, đến nỗi tôi phải giảng mỗi ngày ít ra bốn lần và nhiều khi sáu lần.

Nhìn thấy kết quả, tôi khó lòng tin cho nổi. Một bà em gái của chúa và mười người họ hàng gần đã được rửa tội, có mấy tướng lãnh nổi tiếng cũng xin theo đạo và nhiều binh sĩ nữa. Năm thứ nhất, số người chịu phép rửa tội là một ngàn hai trăm người, năm sau, hai người và năm thứ ba ba ngàn năm trăm.

Không gì làm tôi bỡ ngỡ nữa, tôi thấy dễ dàng chinh phục các vị sư sãi (…) tôi đã rửa tội được hai trăm, những người này rất đắc lực giúp tôi chinh phục kẻ khác. Một trong số này đã dẫn đến tôi năm trăm người xưa kia dạy điều dối trá, nay họ giảng chân lý đức tin và từ đó chính họ là những thầy giảng nhiệt thành nhất của chúng tôi.

Họ rất hài lòng khi tôi trình bày đạo ta hợp với lẽ phải và nhất là họ phục mười điều răn Chúa, cho rằng không có gì hợp lý hơn và đáng được công bố bởi đấng thượng đế muôn dân muôn nước. Phương pháp tôi dùng là luận về linh hồn bất tử và sự sống đời sau, từ đó chứng minh về tính Thiên Chúa, về quan phòng của Người và dần dần mới đề cập tới mầu nhiệm khó hơn. Theo kinh nghiệm chúng tôi thấy, cách giảng dạy lương dân như thế rất có ích: tôi đã cắt nghĩa dài hơn trong cuốn Phép giảng tám ngày trong đó tôi cố trình bày hết các chân lý căn bản phải giảng dạy lương dân. (Ibid, ch. 9)

Và những năm tiếp theo, kết quả truyền giáo vẫn một mức tăng trưởng không ngừng. Cha Antonio Francisco Cardim đã ghi nhận như sau: Do những việc xảy ra và những phép lạ khác mà ruộng nho Thiên Chúa sinh sôi nảy nở đến nỗi trong nước này, năm 1631 đã rửa tội được 5.727 người, năm 1633 có 9.797, năm 1634 có 9.874, năm 1635 có 8.176, năm 1636 được 7.121, năm 1637 được 9.707, năm 1638 được 9.076, năm 1639 được 12.234, năm 1640 được 10.070 và năm 1641 tất cả những người đã chịu phép rửa thì lên tới con số 108.000. Thêm vào đó, trong những năm này đã được 235 nhà thờ trong nhiều nơi. Thật là những kết quả lớn lao, nếu xét ra chỉ có một số thợ rất ít được sai tới để gặt hái. (Antonio Francisco Cardim, Tường trình về Đàng Ngoài (a)

http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=77&ict=624)

B2. Giáo hữu trong hiệp nhất và yêu thương sống đạo

Số giáo hữu tăng nhiều. Đó là một kết quả tốt, đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng hơn là các giáo hữu tân tòng sống đức tin một cách rất sốt sắng đạo đức. Cha Đắc Lộ rất cảm kích về cuộc sống hiệp thông và yêu thương, bác ái này của giáo dân. Ngài coi đó như một phép lạ Chúa ban: Đời sống trong sạch và lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng ở giáo đoàn này còn là chứng cứ rõ ràng có tay Chúa hơn là các phép lạ. Tôi nói thật, không gì làm cho tôi xúc động bằng thấy trong đất nước này có bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu thiên thần và ơn phép rửa đã tạo nên nơi mọi người một tinh thần đã phát sinh nơi các tông đồ và các vị tử đạo thời Giáo hội sơ khai.

Họ có một đức tin vững chắc đến nỗi không ai có thể nhổ ra khỏi lòng họ được. Có một bà còn trẻ tên là Darie đã thà chết chẳng thà theo ý một vị quan muốn làm mất danh giá bà. Bà sẵn sàng chết để khỏi bị ô uế mất ơn phép rửa.

Một giáo dân khác tên là Phanchicô làm việc khiêng cáng cho người em của chúa, theo phong tục những kẻ cả trong nước. Ông này đành chịu chết hơn là bỏ việc bác ái thường làm ngoài giờ hầu hạ chủ. Ông nhiệt tâm đi chôn xác những giáo dân nghèo và việc bác ái này đã đưa ông tới cái chết và cái chết là phần thưởng lớn nhất ông mong mỏi.

Vì quý trọng đức tin mà họ rất chuộng các nghi lễ rất nhỏ có hệ đến đức tin. Họ coi các cha giảng đức tin như các thiên thần và hân hạnh được vâng lời trong hết mọi việc rất nhỏ mọn. Không bao giờ tôi giơ thánh giá lên mà không thấy họ sụt sùi chảy nước mắt. Cứ mười lăm ngày, họ lại đến xưng tội hoặc xem lễ. Mặc dầu xa nhà thờ chừng từ năm sáu dặm đàng, họ không bao giờ quên những ngày lễ. Họ tới vào ngày áp lễ để rồi trở về ngày hôm sau, sau các nghi lễ, nghĩa là rất muộn. Họ ở nhà thờ từ sáng sớm cho tới chiều tà. Họ thường quỳ, rất mực khiêm tốn. Thấy họ tôi không cầm được nước mắt.

Mỗi người đeo hai ảnh thánh giá, một ở cổ và một ở cổ tay. Họ nói ảnh thứ nhất làm thuẫn, ảnh thứ hai làm gươm đao. Không bao giờ họ đi hoạt động mà không đem theo một bàn thờ nhỏ, gấp lại khi tới nhà trọ. Mỗi sáng họ không bao giờ quên nguyện ngắm một nửa giờ. Đa số suy niệm về mầu nhiệm đạo thánh và họ được hưởng những êm ái Chúa ban cho những linh hồn trong sạch.

Họ rất quý trọng nước phép, cứ năm sáu ngày họ lại đến lấy, họ đeo một lọ ở cẳng tay có dân buộc. Họ cho bệnh nhân uống với những thành quả lạ lùng. Mỗi chủ nhật, tôi buộc lòng phải làm phép với năm vại lớn, để thỏa mãn lòng sốt sắng của họ.

Tôi rất phấn khởi thấy họ thận trọng dọn mình xưng tội và rước lễ. Họ có lòng quý mến và trọng kính các bí tích một ngàn lần hơn tôi. Ngày hôm trước, bao giờ họ cũng giữ chay và đánh tội. Nếu tôi không ngăn cản thì họ sẽ rước lễ nhiều lần chứ không phải chỉ một tuần một lần. Họ xưng tội mà khóc lóc như thể họ phạm tội tày đình và thực ra tôi có thể nói, thường thường khi ngồi tòa, tôi khó thấy gì là tội để làm phép giải, không phải ở một số ít mà thường là cả một làng một xã. Tôi cũng nhận thấy không phải là họ không biết, nhưng vì họ kính sợ Chúa. (Hành tr ình và truy ền gi áo, ch. 10)

Qua cuộc sống đạo đức này, một bản sắc văn hóa công giáo việt nam đang được bắt đầu vẽ ra, trình bày chu kỳ năm sống đạo theo phụng vụ, khởi đầu từ Mùa Chay đón mừng Lễ Giáng Sinh. Cha Đắc Lộ đã mô tả bức tranh ấy như sau: « Chúng tôi đã mừng lễ Giáng sinh hết sức long trọng, nghĩa là chúng tôi bắt đầu rửa tội công khai mấy kẻ tân tòng, được tái sinh trong Chúa Kitô vào chính ngày Người giáng sinh. Hơn nữa, trong đêm Noen giáo dân tân tòng sốt sắng và hoan hỉ hát các bài ca sinh nhật và những bài ca tôn giáo khác. Mà vì ban đêm, không cho phép phái nữ vào nhà thờ theo thuần phong mỹ tục xứ này, nên mới tảng sáng, họ đã dậy sớm và đến nhà thờ rất đông. Chúng tôi trình bày ảnh Đức Giêsu hài đồng cho họ bái thờ và hôn kính, mọi người đều tỏ ra xúc động và cảm mến không sao tả được.

Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này: để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở quyển 1, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây thánh giá: họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiện đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng. Chúa cũng nhận thấy khi vào ngày đầu năm ngài đi qua phố, trong đám rước long trọng đã kể ở trên; thấy thánh giá cắm cao chót vót thì ngài nói: đây là biểu hiện của giáo dân. Trong ba ngày đầu, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau. Ngày mồng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ (muôn loài), kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng hai, nhận biết ơn cứu chuộc, cao cả khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng ba, khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Đức Kitô. Và không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng.

Sau đó ít ngày là lễ đức Trinh Nữ Dâng mình vào Đền thánh. Chúng tôi long trọng làm phép nến. Mỗi giáo dân tân tòng đều cầm nến sáng bước vào nhà thờ. Họ làm rất vui vẻ và với những tâm tình sốt sắng. Rồi họ được đem nến về nhà dùng trong trường hợp có người chết để ghi nhớ lại. Họ rất sung sướng. Lương nhân thường sợ không muốn nhắc đến cái chết và không ai dám đọc tên đó ra trước một người quyền quí, vì thế để khỏi làm phật ý, họ phải nói trại đi hoặc nói quanh. Còn giáo dân, ngay cả những người cao sang, họ không còn ngại nghe nói tới cái tên thướng làm cho người khác không bằng lòng, họ còn lợi dụng để bọc cách dọn mình chết lành. Họ tin nến làm phép này giúp họ trong giai đoạn tối hậu và nguy hiểm của đời sống, để xua đuổi tướng lãnh tôi tăm và địch thù của ơn cứu rỗi.

Tới mùa chay thánh, trong giáo hội Kitô giáo người ta giữ chay rất sốt sắng, còn đối với người Đàng Ngoài thì không khó khăn gì. Chúng tôi biết lương dân giữ chay rất ngặt để tôn sùng tà thần, họ không những kiêng thịt và trứng, lại kiêng cả sữa là thứ không thông dùng ở xứ này, kiêng cả hết các thứ cá, và không phải trong một hay hai tháng mà suốt đời, đến nỗi họ điên dại mê tín tin rằng họ phạm một trọng tội nếu giết một con vật nào hay bất cứ một con chim nào, vì không phân biệt giữa tội giết một người với giết một con gà. Dẫu biết Giáo hội không bắt giữ chay nghiêm khắc như thế song tất cả những người Giáo hội không chuẩn cho, đều giữ rất sốt sắng trong suốt mùa chay. Vào đầu mùa Vọng thì tôi cho họ biết là cũng nhiều người nhiệt tình ăn chay trong mùa này cho tới lễ Sinh Nhật. Vì thế cũng không ít giáo dân nồng nàn giữ chay.

Theo tục lệ trong Giáo hội, vào cuối mùa chay, chúng tôi làm phép lá. Mà bởi vì trong khắp nước Annam không có cây ôliu, chỉ có rất nhiều cây dừa xanh tốt, nên chúng tôi sử dụng lá dừa trong nghi lễ. Không những có rất nhiều giáo dân mà cả lương dân cũng đến dự nghi lễ làm phép lá. Cả nhà thờ, cả ở ngoài cũng không đủ chứa, mặc dầu có sân rất rộng, thành thử có ít người phải ra ngoài. Giáo dâns ốt sắng giữ lá phép và đem về nhà dùng để xua đuổi tà ma và quỉ ám. Trong thời gian thánh này, mọi người đều xưng tội rất sốt sắng, nhưng tất cả không được rước lễ vì thiếu bánh thánh, tất cả bánh chúng tôi lưu trữ đều bị hỏa tai đem đi hết. Không sao nói hết tâm tình thương mến và khóc lóc khi họ đến thờ lạy ảnh thánh giá ngày thứ sáu tuần thánh, nghi lễ này làm cho họ rất động lòng sốt sắng và xót thương.

Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong tuần thành vì chúng tôi có ít người giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không hiểu biết sách (latinh). Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết Chúa Cứu thế chịu, người lân cận cũng đến nghe. Vì thế phải khuyên họ kiềm chế để làm cho lương dân không còn cớ phán đoán sai lầm về lòng đạo đức của họ, chính lương dân làm gì có những tâm tình đó. (L ịch s ử V ư ơng qu ốc Đàng Ngoài, s Đd, ch. 22)

LỜI KẾT

Thời kỳ Bảo Hộ cách nay đã 350 năm. Nhưng khi xem lại lịch sử truyền giáo đã được thực hiện trong thời này, người đọc không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy ở đó những công trình vĩ đại đã được các nhà truyền giáo thực hiện.

Sự vĩ đại bên ngoài là số giáo hữu tăng thêm nhiều, thì ai cũng nhận thấy. Rất nhiều tài liệu đã đề cập đên.

Sụ vĩ đại về phương pháp làm việc và quản trị truyền giáo, thì khó thấy hơn, nhưng một số nhà nghiên cứu đã nhận ra. Trong « Lịch Sử truyền giáo ở Việt Nam », linh mục Nguyễn Hồng đã xác nhận rằng: « Nhìn lại hoạt động truyền giáo của các thừa sai dòng Tên trong 50 năm ở xứ Nam (1615-1665) và 37 năm ở xứ Bắc (1626-1663) chúng ta thấy gì? Chúng ta phải công nhận các ngài thực là những người có công đầu trong lịch sử khai nguyên công giáo Việt Nam, những người xây dựng nền móng một giáo hội, nếu so sánh với các giáo hội miền Đông Á lúc đó, như Xiêm, Lào, Cao Miên, Trung Hoa, không kể Nhật Bản đang bị bách hại và đang đi đến chỗ tắt thở, có thể gọi là một giáo hội thịnh vượng nhất miền Đông Á, theo lối gọi của cha Đắc Lộ ». Sau đó, phân tích về « Những lý do thành công », cha Nguyễn Hồng đã nêu ra ba lý do, trong đó, « Lý do chính đưa đến thành công, đó là tinh thần và phương pháp truyền giáo của các cha, mà trong đó, những cha như Đắc Lộ, Majorica, De Pina và Buzomi là những vị tiêu biểu ». (L.M Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Q. I, Sài Gòn, Nxb Hiện Tại, 1959, tr. 263-281).

Sụ vĩ đại trong cách sống đạo và truyền đạo của những giáo dân tiên khởi thời Bảo Hộ, đây quả thật là một « hồng ân » Chúa ban, mà ta phải cất cao lời cảm tạ. Các Giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chắc chắn đã nhận ra điều này, khi các ngài nhắn nhủ giáo dân « Nhìn lại hành trình lịch sử ấy, chúng ta khám phá ra mầu nhiệm Giáo Hội, mầu nhiệm của hạt cải thật bé nhỏ (x. Lc 13,18-19) khi gieo xuống lòng đất, nhưng nhờ đâm rễ sâu trong đức tin nên đã không ngừng lớn lên trong hi vọng và trở thành cây to, phủ bóng mát tình yêu cho hằng triệu con người, trở thành một trong những Giáo hội có số tín hữu đông đảo nhất tại Á Châu. Mầu nhiệm ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng cho ta món quà vô giá là Đức Giêsu Kitô, Con chí ái của Ngài, và đã dùng sức mạnh Thần Khí Ngài, thúc đẩy những bước chân thừa sai ra đi gieo vãi hạt giống Tin Mừng trên quê hương chúng ta. Vì thế, khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội địa phương, chúng ta phải cất cao lời cảm tạ: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). (Dc Nguyên Văn Nhơn, Diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010).

Cách sống đạo và truyền đạo của các giáo dân Việt Nam tiên khởi phải chăng đã là nguồn hứng để Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn trở về nguồn, để « nhìn tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội đang đổi thay của những thập niên đầu thiên niên kỷ III, nhằm vận động cộng đồng Dân Chúa một lòng quyết tâm đáp trả tình thương của Chúa, và làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam theo hình mẫu mà Công đồng Vatican II 1965 đã phác hoạ như sau:

Giáo Hội hiệp thông: đào sâu mối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, củng cố sự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương, hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau cũng như với Giáo Hội toàn cầu;

Giáo Hội tham gia: mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham dự vào mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, mỗi thành phần theo đặc sủng của mình;

Giáo Hội vì loài người: quyền bính và sứ vụ của Giáo Hội là quyền và trách nhiệm yêu thương và phục vụ cho sự sống của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.

Paris, ngày 17 tháng 12 năm 2010

Trần Văn Cảnh