Anh Phải Ráng Mà Sống, Để Còn…



Hồi 50-60 năm trước, học sinh bậc trung học ở nước ta thì đều được học cách phân tích về một bài văn cuả các tác giả nổi danh, cụ thể như cuả các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn thời kỳ năm 1930-40. Một trong các bài văn hay được đưa ra cho học sinh bình giải là cái chuyện ngắn cuả nhà văn Khái Hưng có tiêu đề chỉ gồm có ba chữ, đó là : “Anh Phải Sống”. Câu chuyện thật cảm động, thương tâm, tường thuật cái cảnh hai vợ chồng một gia đình nghèo phải dùng ghe đi vớt củi trôi trên khúc sông Hồng gần thành phố Hanoi. Thì một hôm trời bất thần làm dông bão dữ dội, khiến con thuyền cuả họ bị lật chìm, và hai vợ chồng bị lặn ngụp dưới dòng nước đang xối xả chảy xiết. Người chồng phải gắng hết sức kéo theo người vợ để cùng vượt thoát bơi vào phía bờ sông. Nhưng người vợ nhận thấy tuyệt vọng nếu cứ bám vào chồng, thì cả hai người sẽ bị nhận chìm và chết đuối dưới lòng sông, nên đã tự mình buông tay khỏi người chồng, để anh có thể tự cưú thoát riêng cho một mình được.Và trước khi rời khỏi tay chồng, người vợ đã dặn rằng : “Anh phải sống để còn lo chăm sóc cho mấy đứa con cuả hai người...”Tác giả có ý đề cao sự hy sinh cuả người mẹ, vì thương lũ con mà quên cả mạng sống riêng cuả mình. Câu chuyện thương tâm này được nhà văn mô tả thật khéo léo, đã đánh động lương tâm lớp người trẻ ở tuổi teen age 14-15 chúng tôi thời đó.

Mấy năm sau, khi theo đuổi việc học ở Đại học, thì chúng tôi ở miền Nam Việt nam vào thập niên 1950-60 được tiếp cận với báo chí sách vở từ Âu Mỹ, nhờ vậy mà tầm nhìn được mở rộng thêm lên. Cụ thể, tôi rất tâm đắc với câu định nghĩa tính yêu của nhà văn Antoine de Saint- Exupéry của Pháp. Ông nhà văn mà cũng là một phi công này đã viết lên câu văn bất hủ như sau : “Yêu nhau không phải là chỉ nhìn ngắm nhau, mà là cùng với nhau nhìn chung về một hướng “ ( nguyên văn tiếng Pháp : ‘ Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre, mais c’est regarder ensemble dans une même direction ). Ý tưởng này cũng phù hợp với tâm tình của đôi vợ chồng trong câu chuyện “Anh phải sống” vừa lược ghi trên đây. Cả hai vợ chồng này cùng “ nhìn về một hướng, đó là cùng chăm sóc cho lũ con là sản phẩm tình yêu của hai người”. Chính nhờ sự chung nhau hy sinh, lam lũ khó nhọc cho lũ con như vậy, mà tình yêu của hai vợ chồng mỗi ngày thêm bền chặt, keo sơn gắn bó với nhau tăng lên mãi mãi. Và lời trăn trối dặn dò của người vợ, trước khi buông tay chồng, thì rõ rệt là một biểu lộ cao cả, đẹp tuyệt vời của tình yêu thương trong gia đình này.

Nhưng, như đã ghi trên tiêu đề của bài này, người viết nhằm trình bày về gợi ý của anh bạn thân thiết từ trong nước, nhân được tin tôi bị bệnh heart attack (nhồi máu cơ tim) hồi cuối năm 2008 gần đây. Trong e-mail, anh bạn viết nguyên văn như sau :” Anh phải ráng mà sống, để còn chứng kiến “ la chute de l’empire rouge” (sự xụp đổ của đế quốc đỏ). Tức là ngụ ý nói chế độ cộng sản sắp sửa tàn lụi, xụp đổ ở quê hương Việt nam chúng ta. Câu nói này khiến tôi nhớ lại tiêu đề của cuốn sách rất nổi tiếng của nhà nghiên cứu sử học người Anh Edward Gibbon xuất bản năm 1776, cùng năm với cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, nhan đề : “The Decline and Fall of the Roman Empire = Sự suy đồi và xụp đổ của Đế quốc La mã. “Cuốn sách này đã gây một chấn động lớn trong giới văn học suốt hai thế kỷ 18 và 19 tại Âu Mỹ. Đến nỗi mà nhà vua Louis XVIII, trở về nắm lại quyền hành tại nước Pháp sau khi Napoléon thua trận Waterlo năm 1815, thì nhà vua với sự tự hào nói rằng : Trong thời gian lưu vong tại Anh quốc, ông đã bỏ hết tâm trí và thời gian để chuyển dịch cuốn sách này từ nguyên bản tiếng Anh sang tiếng Pháp.

Trên thực tế ngày nay, thì gần như tòan bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo từ thập niên 1920, thì đã xụp đổ tan tành kể từ năm 1989, bắt đầu ở Đông Âu, rồi sau ở chính Liên Xô mà trước đây, người cộng sản vẫn ca tụng là “thành trì của chủ nghĩa cộng sản”. Tức là lịch sử thế giới có thể ghi rõ nét như sau : “đế quốc đỏ của cộng sản đã bắt đầu xụp đổ từ 20 năm nay, kể từ 1989”. Chỉ còn rơi rớt lại 4 quốc gia là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba thì trên danh nghĩa còn theo chế độ cộng sản độc tài tòan trị, mà thực chất thì đã biến chất, đã đổi màu quá rõ rệt rồi.

Riêng tại Việt nam, thì sau khi chiến thắng tại miền Nam năm 1975, thì lãnh tụ hàng đầu là Lê Duẫn đã huênh hoang tuyên bố rằng “ Ba dòng thác cách mạng đã tòan thắng trên tòan thế giới, mà Việt nam là một biểu hiện sáng ngới của cuộc chiến thắng vang dội lịch sử đó...” Lãnh đạo thì nói vậy, chứ giới trí thức chuyên gia ở ngòai miền Bắc thì lại nói ngược lại, vì họ hiểu biết cặn kẽ về tình hình nội bộ của cả khối cộng sản. Cụ thể như trường hợp của một vị tiến sĩ khoa học được theo học nhiều năm tại Liên Xô, và sau này làm việc tại Phân Viện Khoa Học phía Nam chung với Tiến sĩ Hồ Sĩ Thỏang, thì anh ấy tâm sự rất thành thực với tôi lúc đó đang giúp anh học thêm về tiếng Anh. Anh bạn nói “ Ở Hanoi, vào đầu năm 1973 khi ký xong Hiệp định Paris, thì lãnh tụ bảo chúng tôi là tương lai sẽ thật tươi sáng huy hòang, vì chiến tranh đã chấm dứt. Thế nhưng sau đó 2 năm, tức là vào đầu năm 1975, thì tình hình cũng vẫn bế tắc, khó khăn, khiến giới trí thức chúng tôi lại thêm bi quan hơn trước. Đùng một cái, với sự xụp đổ của miền Nam, thì giới lãnh đạo lại vẽ ra cho chúng tôi một chân trời mới mẻ, đầy triển vọng lạc quan, tốt đẹp thế này, thế nọ. Mà rồi, như anh thấy đấy, cái hào quang chiến thắng này cũng sẽ chẳng làm sao giúp cho nước ta xây dựng, phát triển được một xã hội thịnh vượng, phú cường đâu . Nếu mà vẫn còn giữ lại cái chế độ chuyên chế, lạc hậu như hiện nay...”

Một anh bạn khác là kỹ sư Tấn, sau mấy năm đi tù cải tạo về thì gặp được nhiều bà con, bạn bè gốc ở Huế, mà đi tập kết về lại miền Nam. Vào năm 1979-80, ngay sau khi xảy ra cuộc chiến tranh với Trung cộng và Khmer Đỏ, thì anh Tấn kể lại với tôi, đại khái như sau : “ Mấy bà con thân tình của tôi thì tâm sự rằng : Vào thời kỳ 1950-70, chúng tôi ở miền Bắc, thì cứ nghĩ là suốt cuộc đời mình cũng sẽ không thể thấy được có sự thay đổi chuyển biến trong chế độ cộng sản đâu. Thế nhưng, kể từ ngày xảy ra chiến tranh với Trung quốc và với Cambodia vốn đều là cộng sản với nhau cả, thì chúng ta có quyền tin tưởng rằng ngay trong thế hệ của chúng mình, chế độ cộng sản này cũng sẽ tàn lụi, xụp đổ đi mà thôi. Điều này là khẳng định, giúp ta có quyền lạc quan, phấn khởi trước tương lai tốt đẹp cho thế hệ con cháu chúng mình đấy...”

Và rồi sự việc cứ liên tục dồn dập xảy ra, như ta đã thấy, việc quân đội Liên Xô bị sa lầy ở Afganistan, chế độ cộng sản Việt nam bị cả thế giới lên án vì xua quân chiếm đóng Cambodia, sự mâu thuẫn chia rẽ trầm trọng giữa hai đàn anh Liên Xô và Trung quốc v.v.., đã khiến cho thế giới cộng sản nứt rạn và đưa đến sự xụp đổ không thể nào cứu vãn được nữa kể từ 1989 ở Đông Âu, rồi đến chính Liên Xô bị giải thể tan rã năm 1991. Và để bám víu vào quyền hành, cộng sản Hanoi đã phải nuốt nhục đi năn nỉ xuống nước với “kẻ thù là bá quyền nước lớn phương bắc” tại Bắc kinh, để cầu mong sự bảo bọc che chở cuả bậc đàn anh, mà vẫn còn xưng mình là theo chủ nghĩa cộng sản. Đây là nguyên do chính yếu tại sao Hanoi đã phải nhượng đất, nhượng biển cho Trung quốc, chịu để mất Hòang Sa, Trừơng Sa về tay kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc. Rõ rệt là giới lãnh đạo cộng sản ở Hanoi đã và đang thực hiện cái chính sách “Thà mất nước, chứ không thà mất đảng”, miễn sao họ vẫn giữ được đặc quyền, đặc lợi cho bè lũ “mafia đỏ” cuả mình mà thôi. Vết nhơ “bán nước cầu vinh” này cuả đảng cộng sản liệu có bao giờ tảy xóa gột rửa đi hết được?!

Còn về đối nội, thì họ đã thẳng tay trù dập mọi sự khiếu nại, chống đối cuả cả triệu người dân oan bị mất nhà, mất đất, cuả những người tranh đấu bất bạo động cho dân chủ, nhân quyền, bắt bỏ tù những người đòi công bằng xã hội, đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội v.v..., như Linh mục Nguyễn văn Lý, Luật sư Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài v.v...Việc đàn áp tàn bạo này đã bị tòan thế giới lên án, và đòi hỏi chính quyền Hanoi phải thực thi những cam kết về tôn trọng nhân quyền, về tự do dân chủ, khi tham gia hội nhập với thế giới văn minh hiện đại.

Mặt khác, tình trạng tham nhũng, thối nát trong hàng ngũ cán bộ cấp cao đã bị phơi bày rõ rệt trên công luận thế giới; cụ thể như vụ ăn hôí lộ PMU, PCI lên đến nhiều triệu dollar, khiến đưa đến việc chính phủ Nhật bản phải cắt viện trợ ODA. Việc buôn lậu sừng tê giác cuả nhân viên ngoại giao trong sứ quán ở Phi châu, vụ nhân viên Vietnam Airlines gom góp chuyên chở đồ hàng ăn cắp tại Nhật ..., khiến cho công luận tại nước này coi nhân viên Việt nam là “thứ giòi bọ”. Thật là một sự điếm nhục cho cả một dân tộc vốn tự hào là có trên 4000 năm văn hiến!

Cái thảm trạng trên đất nước ta như thế, xét cho cùng, thì chỉ có một nguyên nhân chính yếu, sâu xa nhất, đó là do sự tham lam quyền bính, sự giả hình dối trá cuả giới lãnh đạo thượng tầng cuả đảng cộng sản mà ra cả. Đây rõ rệt là tình trạng “ Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, từ cấp trung ương là Bộ chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cuả đảng cộng sản, xuống cho đến cấp tỉnh, cấp huyện, tới tận cấp xã thôn hẻo lánh. Tất cả đều lừa gạt, dối trá mà lại kênh kiệu hách dịch, cửa quyền đối với tầng lớp người dân thấp cổ bé miệng, thân cô thế cô. Cho nên, ta phải dứt khóat đồng thuận với lập trường cuả Boris Eltsin, vị Cưụ Tổng Thống nước Nga là : “Chế độ cộng sản không thể sửa đổi được, mà chỉ còn có mỗi một cách, đó là phải thay thế nó đi mà thôi”. Không thể nào mà dân tộc Việt nam chúng ta cứ còn dung dưỡng mãi cái khối ung thư tai quái này, nó đã tàn phá cơ thể đất nước và dân tộc ta liên tục ròng rã suốt từ mấy thế hệ nay. Và đã đến lúc, lớp người thế hệ chúng ta phải nhất loạt đứng lên để mà cùng nhau “Đập tan tành cái nỗi ô nhục đó đi”, đúng như lời kêu gọi cuả văn hào Voltaire nước Pháp cách nay đã trên 250 năm : “Écrasez cet infâme!”

Tôi vốn là người lạc quan, bình tĩnh. Tôi thật lòng tin tưởng rằng : “Nhất định là Nhân nghiã sẽ thắng hung tàn” và “ Tình thương rồi sẽ xóa thù hận”. Và như vậy, tôi luôn luôn tâm nguyện rằng : Sẽ cố gắng hết sức mình để cùng góp phần vào công cuộc “Xây dựng Xã hội Dân sự “ nhằm tạo được cái thế “Đối trọng” (Counterbalance),bắt buộc được Nhà nước chuyên chế toàn trị, phi nhân mà người cộng sản đã du nhập từ nước ngoài vào nước ta từ bấy lâu nay, thì nhất quyết là chế độ tàn bạo ác nhân, ác đức đó phải nhường bước cho một chế độ nhân bản và nhân áí theo đúng với truyền thống tốt đẹp ngàn đời cuả cha ông chúng ta đã để lại cho thế hệ ngày nay.

Và sau cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn anh bạn thân thiết ở Saigon về lời khích lệ đã ghi ở trên : “ Anh phải ráng mà sống, để còn chứng kiến sự xụp đổ cuả đế quốc đỏ”.

Nhất định là chẳng bao lâu nữa, thế hệ chúng ta sẽ được chứng kiến cái sự tiêu vong triệt hạ hết cái lòng hận thù, cái thể chế bạo lực, cái sự lừa lọc dối trá, mà vốn đã từng gây ra bao nhiêu tang thương, đổ vỡ trong nội bộ đại gia đình dân tộc Việt nam chúng ta từ trên 60 năm qua. Và thay vào đó, chúng ta sẽ cùng với nhau ra tay vun đắp cho được một đất nước, mà mọi người đều thương yêu quý trọng bảo bọc lẫn nhau, bao dung tha thứ cho những sơ suất, lỗi lầm do sự yếu đuối sa ngã cuả mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc, vốn đều cùng chung một nguồn gốc là “Con Hồng Cháu Lạc” tất cả.

Đó là cách thức tốt đẹp và phải chăng nhất, để chúng ta có thể đền ơn đáp nghiã đối với dân tộc đã từng cưu mang, nuôi nấng chăm sóc tận tình chu đáo cho mỗi con người chúng ta, từ lúc khởi sự chào đời cho đến tận ngày hôm nay.

Và đây cũng là cách thức chúng ta biểu lộ tấm lòng yêu thương lẫn nhau, vì cùng với nhau chúng ta nhằm về một phương hướng chung, đó là chăm lo cho hạnh phúc cuả đồng bào, đặc biệt là cho những thành phần kém may mắn nhất (the most underpriviledged) trong cộng đồng dân tộc. Như hồi xưa cách nay đã 40 năm, chúng ta đã cùng say sưa ca hát với nhau :

“Người con gái Việt nam da vàng... Yêu quê hương, nên yêu người yếu kém”.

Đây chính là lúc chúng ta có điều kiện bày tỏ tấm lòng yêu thương quý mến dân tộc mình bằng hành động cụ thể, mà lại rất ư là thiết thực vậy đó./

California, Đầu năm 2009

Đòan Thanh Liêm