Chuyện Xưa Chuyện Nay



Lời mở đầu : Người viết đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi, nên cũng đã trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ biến động rối ren cuả đất nước. Trong khi chờ đợi viết xong một cuốn Hồi ký ghi lại đày đủ các chi tiết cuả cuộc sống bản thân mình đã trải qua, tác giả muốn trình bày ngắn gọn trong một loạt bài về một số chuyện xưa đã xảy ra 50-60 năm trước, mà lại có liên hệ đến chuyện ngày nay hiện đang xảy ra vào đầu thế kỷ XXI bây giờ. Mỗi bài trong loạt bài này sẽ rất ngắn, cỡ trên dưới 1,000 chữ, cốt ý để cho bạn đọc coi xong trong khoảng 5-7 phút mà thôi. Tác giả xin cố gắng tuần tự cống hiến đến quý bạn đọc bài viết cho “ mỗi tuần một câu chuyện” nhé. Xin cảm ơn trước sự chú ý theo dõi cuả mỗi bạn đọc.

Bài 1 .- Tiếp chuyện với Anh Huỳnh Văn Lang.

Anh Huỳnh Văn Lang cùng tuổi với các anh Doãn Quốc Sỹ, Phó Bá Long v.v... đều là những bậc đàn anh hơn tuổi tôi đến cả một con giáp, và các anh mỗi người mỗi vẻ, đều có một sự nghiệp đóng góp đáng kể cho đất nước. Vừa mới đây vào giữa tháng 12 năm 2009, tình cờ tôi gặp anh Lang giưã lúc cả hai chúng tôi cùng đứng đợi xe bus tại thành phố Westminster, và chúng tôi lại có dịp tâm sự với nhau.

Để bắt đầu, tôi xin kể lại chuyện xưa đã trên 50 năm tại Saigon, rồi sẽ nói tiếp về chuyện ngày nay trên đất Mỹ. Sau khi từ Hanoi di cư vào miền Nam năm 1954, thì tôi theo học trường Luật ở Saigon. Tôi vẫn còn nhớ vào cuối năm đó, tôi được một người bạn rủ đi tham dự một phiên họp tại trường Tiểu học Tôn Thọ Tường, đường Trần Hưng Đạo, đối diện với rạp hát Đại Nam, để bàn về việc thành lập Trường Bách Khoa Bình Dân. Đó là do sáng kiến cuả mấy anh chị mới đi du học ở Mỹ về, như Nguyễn Thái, Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu v.v... Sau này vào năm 1957, thì lại anh Huỳnh Văn Lang và một số anh chị khác đứng ra chủ trương xuất bản tạp chí Bách Khoa. Nên có thể nói anh Lang là một trong những người đã có những đóng góp rất cụ thể, hữu hiệu về văn hoá giáo dục tại miền Nam Việt nam dưới chế độ Công hoà.

Và trong hơn 10 năm gần đây, anh Lang đã viết rất nhiều cuốn sách mô tả các kinh nghiệm hoạt động cuả mình tại Việt nam về nhiều lãnh vực, kể cả về những thú vui đi săn thú rừng, đánh bãy chim, tổ chức những buổi “đá gà” v.v... Đặc biệt là mấy cuốn anh viết về chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà mà anh cộng tác thân mật trong vai trò làm giám đốc Viện Hối Đoái và nhất là sinh hoạt trong tổ chức cuả Đảng Cần Lao trước năm 1963, thì được nhiều độc giả chú ý theo dõi. Anh Lang cũng viết về những “điều tai nghe mắt thấy” trong mấy chuyến anh về thăm viếng quê nhà ở Việt nam mấy năm gần đây nưã.

Cách nay vài năm, tôi đã có dịp đến thăm anh Lang tại nhà anh ở thành phố New Canaan thuộc tiểu bang Connecticut, cách New York chừng 2 giờ đi bằng xe lưả. Căn nhà anh ỏ rất yên tịnh, có khá nhiều cây bao quanh một khu đồi với độ dốc thoai thoải dài cả trăm thước. Tôi ở chơi với anh vài ngày, đến khi về, thì được anh sai người con dâu chở ra ga xe lưả. Nói chuyện với cháu, mới biết đó là ái nữ cuả anh chị Bưủ Tập cũng lại là chỗ tôi quen biết và quý mến rất nhiều ở miền Nam California. Thế mới biết là : “Thế giới này cũng nhỏ bé thôi” (It's a small world).

Câu chuyện mà anh Lang vừa mới nói với tôi, đó là : Anh rất “chán với mấy ông cha cố ở Việt nam hiện nay! Vì rõ ràng là hàng giáo phẩm (hierarchy) cuả Giáo hội Công giáo đã luôn im tiếng, bất động trước những bất công xã hội, trước sự đàn áp đày đoạ cuả nhà cầm quyền Hanoi đối với các tín đồ, tu sĩ như trong các vụ Thái Hà, Tam Toà gần đây. Anh nói “Im lặng trước sự ác, đó là “đồng loã” vậy đó! Nhưng về mặt tích cực cuả Đạo Công giáo, anh nêu ra 3 điểm mà anh rất tâm đắc. Đó là :

* Thứ nhất : Đề cao tình bác ái, yêu thương chăm sóc cho người nghèo khó, tật nguyền. *Thứ hai : Đề cao giá trị lao động như “Gương lao động làm thợ mộc” cuả Thánh Joseph là cha nuôi Chúa Jesus.

*Thứ ba : Đề cao giá trị người Phụ nữ thông qua Đức Maria là Mẹ chuá Jesus.

Tiếc rằng giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Việt nam đã không tích cực noi theo cái đường hướng nhân bản tiến bộ như thế trong truyền thống cuả Giáo hội từ xưa do Chúa Jesus để lại!

Điều anh Lang nói trên đây về Giáo hội Công giáo làm cho tôi nhớ lại câu nói cuả Chị Luật sư Nguyễn Thị Vui năm xưa ở Saigon. Vào hồi năm 1966-67, chị Vui có nói với tôi như sau : “Tôi là người theo Đạo Phật trong gia đình từ xưa. Nhưng chúng tôi “ có Kính Phật, mà không Thỉnh Tăng”, tức là chúng tôi đi theo đường lối tu luyện cuả Đức Phật, nhưng không nhất thiết là cứ phải tùng phục tuân theo các tăng sĩ trong các chuyện chính trị xã hội như hiện nay....” Có thể là vào các năm 1966-67 đày những biến động xáo trộn đó, nhiều tín đồ Phật giáo ở miền Nam không đồng ý với việc “Đem Bàn thờ Phật ra đường” để phản đối chánh phủ do Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo, nên chị Vui mới phát biểu như thế chăng.

Anh Lang là người theo đạo Công giáo mà du học ở Mỹ. Còn chị Vui là một Phật tử lại du học ở Pháp. Tôi thấy cả hai người đều có tinh thần phê phán rất khách quan, vô tư mà người Pháp gọi là “esprit critique”. Họ không ngại nói lên các nhận định cuả mình trước các vấn đề hệ trọng cuả đất nước. Rõ ràng là họ xác tín cái chủ trương “Phải tách biệt Tôn giáo ra khỏi Nhà nước” (Separation of Church and State), đó là một sự tiến bộ cuả nền văn minh hiện nay trên thế giới vào đầu thế kỷ XXI này. Điều này cũng phải áp dụng cho đất nước Việt nam chúng ta, cụ thể là phải giải thoát khỏi cái” tệ nạn giáo điều Marxist-Leninist” mà người cộng sản đã du nhập vào nước ta từ trên nưả thế kỷ qua và đã gây ra bao nhiêu chết chóc đau thương và hận thù cho dân tộc bất hạnh chúng ta. Nói cho rõ hơn : Dân tộc, đất nước Việt nam không còn muốn bị đảng cộng sản áp đặt mãi cho cái danh hiệu là “ Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã” (Socialist Republic) nưã vậy./

Sau khi theo học với thầy Đặng Vũ Tiển ở làng Hành thiện năm 1950-51, thì tôi được nhận vào học lớp Đệ Tam tại trường Hồ Ngọc Cẩn niên khóa 1951-52. Đây là trường trung học công lập đầu tiên tại khu vực 6 huyện về phía đông nam tỉnh Nam Định với dân số khoảng trên 600,000 người. Đó là các huyện Xuân trường, Giao thủy, Hải hậu, Nam trực, Trực ninh và Nghĩa hưng.

Thầy Hiệu trưởng là Linh mục Trần Đức Huynh mới chừng ngoài 30 tưổi. Ông được các học sinh biết ơn và quý mến vì đã có công rất lớn trong việc vận động kiên trì nơi giới lãnh đạo về giáo dục tại Hanoi, để trường trung học này được thành lập với các lớp bậc Đệ nhất cấp từ Đệ thất đến bậc Đệ nhị cấp cho tới lớp Đệ nhị để thi bằng Tú tài phần một. Lớp Đệ tam của chúng tôi năm đó gồm trên 50 học sinh từ các vùng lân cận, kể cả một số bạn mãi từ bên tỉnh Thái bình cũng qua theo học nữa.

Thầy Trần Mộng Chu dậy môn Pháp văn và Việt văn. Thầy Tạ văn Bằng dậy môn Anh văn và Sử Địa. Thầy Nguyễn Hữu Quyến dậy Toán. Thầy Đặng Vũ Tiển dậy Lý Hóa. Thầy Nguyễn Hữu Mưu dậy Vạn vật. Đến nay, thì cả vị Hiệu trưởng và các giáo sư này đều đã xa lìa cõi thế này, nhóm cựu học sinh chúng tôi xin được đốt nén hương lòng để bày tỏ nỗi niềm biết ơn và quý mến đối với tất cả quý vị là những người đã tận tâm góp phần khai sang cho lớp hậu sinh đã gần 60 năm trước tại miền thôn quê xứ Bắc.

Vào năm 1952, lúc kết thúc năm học, thì chiến tranh đã mỗi ngày thêm lan rộng tại khu vực miền Bùi chu, nên mẹ tôi phải cho tôi ra Hanoi học tiếp lên lớp Đệ nhị tại trường Chu Văn An, để chuẩn bị thi bằng Tú tài phần một vào kỳ hè năm 1953. Vì thế, tôi chỉ được theo học có một năm duy nhất tại trường Hồ Ngọc Cẩn này ở quê nhà mình. Tuy vậy, tôi lại giữ được nhiều kỷ niệm sâu đậm với các bạn đồng môn, cũng như với khung cảnh của ngôi trường thân thương này. Và kể từ năm 1996, khi tôi đến định cư tại miền Nam California, thì đã được gặp lại Cha Hiệu trưởng Trần Đức Huynh đã gần 80 tuổi, cùng vài chục đồng môn của trường Hồ Ngọc Cẩn năm xưa, hồi trước năm 1954 ở Trung Linh Bùi chu. Tôi sẽ viết chi tiết về các bạn đồng môn này trong phần cuối của bài này.

Để tránh cho các bạn ở xa, ngoài khu vực điạ phương khỏi có sự lẫn lộn về một số điạ danh và nhân vật xung quanh ngôi trường này, tôi xin ghi ra một số nét chính yếu như sau :

1/ Thứ nhất là có một ngôi làng tên là làng Bùi chu thuộc huyện Xuân trường, tỉnh Nam Định, cũng như là làng Hành thiện vậy. Nhưng đã từ vài ba trăm năm trước, thì giáo hội công giáo đã tổ chức thành một số giáo phận lấy tên là Bùi chu, Phát diệm … Đó chỉ là sự phân chia khu vực trong phạm vi tôn giáo. Cũng như bên Phật giáo, thì chia thành miền Quảng Đức, miền Khánh Anh, miền Khuông Việt …, khác biệt với danh xưng cuả khu vực điạ lý thông thường. Giáo phận Bùi chu nằm trong điạ hạt 6 huyện phiá đông nam tỉnh Nam Định như đã ghi ở trên và có đến khoảng 400,000 giáo dân vào thời năm 1950, tức là một giáo phận có số giáo dân cao nhất so với các giáo phận khác trên toàn quốc.Đại đa số giáo dân làm nghề nông trong vùng châu thổ sông Hồng, ven bờ biển vịnh Bắc việt.

2/ Thứ hai là từ năm 1950 đến năm 1954, vì lý do chiến tranh mà chánh quyền quốc gia mới cho tách biệt 6 huyện nói trên ra khỏi tỉnh Nam Định để thành lập ra một tỉnh mới đặt tên là tỉnh Bùi Chu với tổ chức các cơ quan hành chánh như hệt các tỉnh khác thuộc chánh quyền do Quốc Trưởng Baỏ Đại điều hành. Điạ lý cuả tỉnh này lại trùng hợp với điạ lý cuả giáo phận Bùi chu. Do vậy mà dễ có sự lẫn lộn. Khác với bên giáo phân Phát diệm, thì vẫn thuộc phạm vi tỉnh Ninh Bình như hồi trước năm 1945.

3/ Sở dĩ trường trung học lấy tên là Hồ Ngọc Cẩn, đó là điạ phương muốn vinh danh một nhân vật văn hoá đã rất có công trong việc mở mang về mặt văn hoá giáo dục tại miền quê heỏ lánh này. Đó là vị Giám mục Hồ Ngọc cẩn cuả giáo phân Bùi Chu vừa mất năm 1948 giữa thời Việt minh còn nắm quyền ở điạ phương. Giám mục Hồ ngọc Cẩn xuất thân từ xứ Huế, là người rất thông thái đã sáng tác nhiều cuốn sách để phổ biến giáo dục, cũng như mở thêm nhiều trường học tại vùng quê này từ trước năm 1945. Cụ thể là trường “Thánh gia” do mấy Sư huynh điều khiển, toạ lạc ở xã Trung Linh gần với xã Bùi chu là nơi có trụ sở Toà giám mục Bùi Chu. Vì thế, mà từ năm 1950 đến năm 1954, trường Hồ ngọc Cẩn được gọi là “Hồ Ngọc Cẩn – Trung Linh Bùi chu” để phân biệt với giai đoạn trường di cư vào Saigon từ 1954 đến 1975.

Về tổng số học sinh theo học tại trường Hồ Ngọc Cẩn giai đoạn 1950-54, thì có thể kể đến con số cả ngàn người. Và đã có khá nhiều học sinh sau này đã thành danh trên nhiều phương diện. Xin kể ra một số tên tuổi tiêu biểu. Vềy y khoa, thì có các bác sĩ Ngô Đình Thuấn, Nguyễn Văn Quý, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Đức Liên, Đinh Văn Chức, Trần Mạnh Tòng, Lê Minh Tiến, Trần Đình Bách, Trần Văn Cảo … Có hai giáo sư đã từng làm Hiệu trưởng trung học như Nguyễn Đức Tuyên, Nguyễn Phi Hùng. Các kỹ sư, kiến trúc sư như Bùi Đức Hợp, Bùi Ngọc Hồ. Nhà văn, nhà báo như Trần Phong Vũ, Trần Đình Ngọc, Trần Tuấn Nhậm. Nhà biên khảo Vũ Lục Thuỷ, Minh Võ. Về quân sự có Tướng Vũ Văn Giai, Trần Quốc Lịch, Đại Tá Chu Văn Hồ, Phạm Thanh Can, Lê Văn Trang. Về giới dân cử có Nghị sĩ Trần Tấn Toan, Dân biểu Nguyễn Minh Đăng, Phạm Chí Linh. Các giáo sư nổi danh như Trần Văn Điền, Hoàng Sĩ Quý, Thiện Cẩm, Lê Thanh Quế, Võ Giáo Huấn. Giám mục Mai Thanh Lương hiện ở Orange County, Giám mục Nguyễn Thanh Hoan hiện ở Phan Thiết cũng đã từng theo học tại đây. Các tiến sĩ triết học hiện ở Pháp như Đỗ Mạnh Tri, Đinh Vĩnh Phúc cũng là cưụ học sinh cuả trường này. Các luật sư như Phạm Quang Tịnh, Đoàn Thanh Liêm, Đinh Thành Châu … Danh sách này chỉ có tính cách tiêu biểu thôi, vì tác giả không thể liệt kê cho đày đủ hết được, vì sẽ quá dài khiến làm mất thời giờ cuả các bạn đọc.

Để kết thúc bài viết đã dài này, tôi chỉ xin ghi nhận có một điều rất tâm đắc cuả mình. Đó là ngôi trường công lập Hồ Ngọc Cẩn và tư thục Nguyễn Trường Tộ tại xã Trung Linh, Bùi chu trong giai đoạn 1950-54 đã cung ứng cho hàng ngàn học sinh miền nông thôn quê hương chúng tôi một cơ hội học tập rất là thuận tiện, tốt đẹp, mặc dầu đang ở giữa thời chiến tranh khói lưả tàn khốc. Nhờ vậy mà cả một thế hệ học sinh chúng tôi đã tiếp thu được một nền giáo dục căn bản vững chãi, cả về phương diện trí tuệ cũng như về đạo đức tinh thần, để sau này lúc trưởng thành ở miền Nam anh chị em chúng tôi đã có thể sánh vai sát cánh với các bạn từ các điạ phương khác trong cả nước trong công cuộc phục vụ nền cộng hoà non trẻ cuả đất nước. Và thay mặt cho các bạn đồng môn tại hai trường này, tôi xin một lần nưã bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các vị tiền bối đã có công thành lập, điều hành và giảng dậy tại các ngôi trường thân yêu này. Đặc biệt, tôi xin nêu tên mấy vị điển hình nhất. Đó là Linh mục Trần Đức Huân quản lý cuả giáo phận Bùi chu, Linh mục Trần Đức Huynh hiệu trưởng tiên khởi cuả trung học Hồ ngọc Cẩn, Linh mục Trần Văn Phán hiệu trưởng tư thục Nguyễn Trường Tộ, và Linh mục Phạm Châu Diên trưởng ty tiểu học tỉnh Bùi chu. Các vị đều đã khuất núi, nhưng cái sự nghiệp giáo dục cuả quý vị để lại cho thế hệ chúng tôi tại miền quê vào cái thời niên thiếu gian lao vất vả đó, thì không bao giờ chúng tôi lại có thể lãng quên được./

California, đầu năm 2010

Đoàn Thanh Liêm