Thành Thị Phải Tiếp Ứng Nông Thôn



Kể từ đầu thập niên 1950, dân cư tại các thành phố cuả nước ta đã không ngừng tăng gia. Một phần lớn đó là vì lý do chiến tranh, người dân từ các vùng nông thôn mất an ninh đã kéo về các thành phố. Và sau khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1975, thì quá trình đô thị hoá này lại càng tăng cao hơn theo vơí nhịp độ phát triển nhanh trong lãnh vực kỹ nghệ và dịch vụ, đặc biệt tại các đô thị lớn, khiến thu hút thêm nhiều nhân công hơn.

Kết cục là hiện nay dân cư taị các thành phố đã chiếm đến 30% dân số toàn quốc, và cứ theo đà phát triẻn này, thì chỉ trong vòng một thế hệ nưã, tức là vào khoảng năm 2030, thì dân số ở thành thị có thể lên tới 50% trên tổng dân số lúc đó cỡ trên 100 triệu người.

Như ta đã biết, taị các thành phố người dân được thụ hưởng các tiện nghi về đời sống như trợ cấp về gia cư, về điện nước, về chuyên chở công cộng v.v…Họ cũng được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, con cái được đi học ở các trường dậy tốt hơn. Và rõ rệt thành phố là "đất cuả cơ hội" (land of opportunities), giúp tạo cho người dân có được nhiều dịp may để thăng tiến về mọi phương diện nghề nghiệp cũng như sinh hoạt thường ngày, cho bản thân và nhất là cho lớp con, lớp cháu cuả mỗi gia đình. Và còn hơn thế nữa, người dân thành phố lại còn được sống trong khung cảnh tương đối tự do, thoải mái, ít bị ai chèn ép, rình rập hay bị đè nén áp bức quá mức, như thường xảy ra tại thôn quê hẻo lánh.

Người dân thành thị mà được những thuận lơị như vậy, đó là nhờ một phần lớn ở chính cái tiềm năng kỹ thuật do trình độ dân trí cao và cũng nhờ sinh sống kế cận với chính quyền trung ương, như dân gian thường nói là "gần mặt trời", nên dễ đòi hỏi nhà nước phải chăm sóc đến các nhu cầu sinh hoạt căn bản cuả tập thể hơn. Nói gọn lại, thì dân ở đô thị có nhiều "thế lực để mà thương lượng yêu sách" (bargaining power) đối với nhà nước, hơn là nông dân sống rải rác ở miền quê. Và do đó, nhiều khi do chính sách mị dân, nhà nước lại "xử ép nông dân, bắt hạ giá nông phẩm" để chiều lòng số đông dân đô thị, cho họ được hưởng giá lương thực thật là rẻ. Rõ rệt là "nước chảy chỗ trũng", người dân thành phố tương đối bao giờ cũng được thụ hưởng nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn là người miền quê. Và đó là lý do dân miền quê tìm mọi cách để được chuyển ra thành phố, hầu có thêm cơ hội thăng tiến bản thân, và nhất là cho thế hệ con cháu sau này.

Đây là hiện tượng khá phổ biến tại nhiều nước, nhất là tại Châu Mỹ La tinh, chứ không phải là trường hợp cá biệt ở riêng nước ta đâu. Chỉ khác một điều là ở nước ta, với chính sách quản lý hộ khẩu rất là khe khắt, người dân từ thôn quê mà muốn chuyển ra thành phố, thì phải trần ai dùng đủ mọi đòn phép mánh lới, kể cả đến hối lộ mới có thể thành công được. Vì thế mà hiện nay số người cư ngụ "bất hợp pháp, vì không có hộ khẩu

thường trú" riêng ở Saigon mà thôi, thì đã lên đến con số cả triệu nhân mạng rồi.Việc quản lý trị an như vậy lại càng khó khăn, và tạo cơ hội cho cán bộ ngành công an tha hồ mà nhũng lạm, làm tình làm tội đối với người dân quê "thấp cổ bé miệng". Cái tình trạng phức tạp đen tối này hiện đang là mối quan tâm lo lắng cho nhiều người, như đã được phản ánh trong dư luận, cũng như trên truyền thông báo chí. Nhưng ta sẽ đề cập chi tiết về cái vấn nạn này trong một dịp khác.

Trong bài này, ta bàn đến trách nhiệm của lớp người được ưu đãi ở thành phố đối với đa số bà con kém may mắn hơn ở nông thôn. Trách nhiệm này rất lớn, dựa trên tinh thần đạo lý và tình liên đới xã hội (social solidarity). Ta sẽ tìm hiểu cách thức thể hiện sự liên đới naỳ trong phạm vi sinh hoạt cuả xã hội dân sự, chứ không dựa trên một lập trường chính trị nào cả. Có thể xem xét vấn đề trên hai khía cạnh như sau :

Thứ nhất là : Yểm trợ công cuộc đòi hỏi công bằng xã hội.

Thứ hai là : Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng xã hội dân sự.

I – Đòi hỏi công bằng xã hội cuả nông dân

Từ rất nhiều năm nay, dân oan taị các điạ phương đã lũ lượt kéo nhau về Hanoi, Saigon để khiếu nại về chuyện ruộng đất, nhà cưả bị cán bộ nhà nước tịch thu hay chỉ được bồi thường rất ít, không tương xứng với giá cả thực tế trên thị trường. Nhiều gia đình đã khiếu kiện ròng rã hàng chục năm, mà vẫn chưa hề được giải quyết thoả đáng. Đây là một vấn đề thật là nan giải và là một trong những nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu oan ức, chồng chất thêm mãi năm này qua năm khác.

Tình cảnh cuả lớp dân oan này sống vất vưởng trên các viả hè, quanh năm đội mưa, tránh nắng, chật vật lam lũ trước những cơ quan nhà nước, trông thật xót xa, mủi lòng. Những nạn nhân này, lúc đầu còn được bà con thành phố cưu mang giúp đỡ cách này cách khác. Nhưng lòng trắc ẩn con người cũng chỉ có thể đến một giới hạn nào đó, chứ không thể kéo dài mãi mãi được.

Cho nên đã có một số người vì lòng hào hiệp đứng ra tìm cách giúp đỡ các nạn nhân bằng cách làm hộ giấy tờ, hồ sơ khiếu kiện v.v…Nhưng họ lại bị cơ quan an ninh theo dõi, hạch sách, cấm cản đủ điều. Có trường hợp còn bị bắt giữ và đưa ra toà án để bị phạt về tội "xúi giục phá rối trị an", "lợi dụng quyền tự do dân chủ để gây xáo trộn xã hội" v.v…

Nhưng xét cho cùng, trọng tâm của vấn đề dân oan này nằm ở tại chỗ "chính quyền cộng sản đã bãi bỏ quyền tư hữu về đất đai của người dân"; cho nên từ đó mà phát sinh ra bao nhiêu xáo trộn, bất công và bất ổn cho con người và cho tòan thể xã hội. Vì thế mà khi tái lập lại thể chế dân chủ tại Đông Âu, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, thì tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả tại nước Nga, đều lập lại chế độ "quyền tư hữu về đất đai" cho người công dân. Ở nước ta, mới đây Hội Đồng Giám mục Công giáo Việt nam đã công khai lên tiếng kêu gọi phải "lập lại quyền tư hữu về đất đai", dựa trên cơ sở Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Đ.17), nhằm chấm dứt tệ nạn bất công đối với giới nông dân. Đây rõ rệt là "tiếng nói lương tâm" của giới lãnh đạo tinh thần trước vấn đề gai góc, nhức nhối hiện nay của xã hội chúng ta.

Ấy thế mà đã hai tháng trôi qua, chưa thấy một tổ chức nào của giới trí thức, kể cả giới luật gia đưa ra một đề nghị cụ thể, tích cực nào để giải quyết vấn đề cực kỳ bức xúc này. Thiết nghĩ, đã đến lúc lớp sĩ phu trí thức là tinh hoa của đất nước phải đóng góp vào việc giải quyết dứt khoát những đòi hỏi về công bằng xã hội của hàng triệu nông dân, mà từ bao lâu nay đã bị nhà nước cộng sản tịch thu hết cả ruộng đất, vườn tược, kể cả tài sản "hương hỏa" linh thiêng của mỗi gia tộc.Đây là điểm mấu chốt, sinh tử của người nông dân vốn chỉ có nguồn vốn liếng duy nhất là ruộng đất, vườn tược; chứ họ nào đâu có một thứ tài sản nào khác như cổ phần trong các công ty xí nghiệp như người dân ở thành phố …

Có thể nói đây là một vấn đề quan trọng hàng đầu của đất nước, mà phải cần đến sự "phản biện" thật sự nghiêm túc của lớp người có trí tuệ và thực sự có tấm lòng với dân, với nước. Có làm như vậy, giới sĩ phu trí thức cùng vơí giới lãnh đạo tinh thần mới làm tròn trách nhiệm cuả mình là "đứng ra làm Đối trọng đối với Nhà nước", để can gián , sửa chữa những sai lầm quá mức cuả chính quyền. Đây chính là một cơ hội để người thành phố bày tỏ tình "Liên đới anh em ruột thịt" (fraternal solidarity) đối với bà con ở nông thôn bằng hành động cụ thể, thiết thực, chứ không phải bằng lời nói suông.

II - Kinh nghiệm xây dựng xã hội dân sự.

Như ta đã biết, nói chung người dân thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển xã hội dân sự trên điạ bàn sinh sống và hoạt động cuả mình. Mà ngoài chức năng làm "Đối tác với Nhà nườc" trong việc caỉ thiện môi trường vật chất cũng như tinh thần tại điạ phương, XHDS còn phaỉ làm "Đối trọng" để buộc được Nhà nước phải giữ vững được" kỷ cương phép nước", chứ không thể làm bậy, làm càn được.

Trước hết là chính tại các thành phố, đặc biệt là Hanoi và Saigon phải đi tiên phong trong phong trào xây dựng XHDS, bằng cách tự mình dành lại cái quyền tự quyết xây dựng các tổ chức phi chính phủ (non-governmental organisations), các nhóm nhỏ (small groups) làm cốt lõi cho sinh hoạt XHDS. Đảng cộng sản không thể giữ độc quyền "một mình một chợ" để mà tự tung tự tác, không cho bất kỳ một tổ chức văn hoá xã hội hay tôn giáo nào khác được quyền "tham gia sinh hoạt trong khu vực XHDS là khu vực biệt lập đối với khu vực nhà nước". Đây chính là sự "thách đố" (challenge) mà tập thể người dân thành phố với thành phần tinh hoa, ưu tú nhất cuả dân tộc, phải xác định vị thế cuả "người làm chủ sinh mệnh cuả chính mình", chứ không thể khoanh tay buông xuôi, để mặc cho đảng cộng sản muốn làm gì thì làm như từ bao nhiêu năm tháng nay được.

Trên thực tế, với tinh thần năng động sáng tạo quen thuộc, giới sĩ phu trí thức tại các đô thị cuả nước ta chắc chắn là sẽ khai mở ra được một lối thoát cho dân tộc theo kịp vơí trào lưu dân chủ khai phóng và nhân bản cuả thế giới hiện đại trong thế kỷ XXI này.Khuynh hướng tiến bộ hiện nay trên thế giới là phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào quá trình cải thiện nền nếp sinh hoạt cuả cộng đồng xã hội, mà họ là một thành viên cũng bình đẳng như người khác. Có được như vậy, thì mới là một "nền dân chủ tham gia" (participatory democracy). Tức là nhà nước không được quyền bao biện, dẹp bỏ vai trò chủ động cuả quần chúng nhân dân, mà được hành xử thông qua các tổ chức tự phát thuộc khu vực XHDS.

Đã đến lúc phải tiến hành việc "tách rờì XHDS ra khỏi Nhà nước" (separation of the Civil Society and the State), y hệt như việc "tách rời tôn giáo ra khỏi Nhà nước" đã thành hiện thực từ mấy thế kỷ nay ở những nước văn minh tiền tiến. Ngày nay, ý thức về dân chủ, về quyền dân tộc tự quyết đã thật là phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới rồi. Vì thế tại nước ta, không còn bất cứ một lý do nào mà có thể biện minh cho tình trạng "đảng cộng sản vẫn khư khư, ngoan cố nắm giữ độc quyền trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và cả về mặt tư tưởng và tâm linh nữa". Tức là đã đến lúc chế độ độc tài toàn trị "phải cáo chung" rồi. Sự việc này xảy ra mau hay chậm, đó là do trách nhiệm cuả giới sĩ phu trí thức là tinh hoa ưu tú cuả dân tộc vậy.

Nói cho gọn lại, thì quá trình xây dựng và phát triển XHDS được khởi sự từ môi trường đô thị trước đã, rồi mới lần lần lan rộng đến các vùng nông thôn. Theo kiểu "vết dầu loang", để rồi quyền làm chủ cuả quần chúng nhân dân sẽ được xác lập ở cả thành thị lẫn nông thôn. Viễn tượng đó là điều trong tầm tay với cuả tất cả chúng ta trong thế kỷ XXI này, chứ không phải là thứ mơ ước viển vông nữa đâu.

Trong chiều hướng đó, một số hành động cụ thể vừa đây cuả giới truyền thông báo chí, mà điển hình là ban biên tập cuả tờ báo Đại Đoàn Kết cuả Mặt Trận Tổ Quốc đã dũng cảm và trung thực trình bày quan điểm riêng biệt cuả mình, khiến bị thay thế toàn bộ ban biên tập. Lại còn trường hợp cuả Luật sư đoàn thành phố Saigon cũng đã công khai đối đầu với Bộ Tư pháp về sự áp đặt một vị cưụ chánh án vốn có thành tích không tốt lên làm chủ tịch Liên đoàn Luật sư toàn quốc.Hai sự việc điển hình cụ thể này là một báo hiệu phấn khởi, đáng mừng cho sự trỗi dậy cuả lớp sĩ phu trí thức nhằm phục hồi thế chủ động cuả quần chúng nhân dân trong sinh hoạt bình thường cuả khu vực xã hội dân sự. Qua đó, ta có quyền hy vọng rằng phong trào quần chúng đòi dân chủ và nhân quyền sẽ mỗi ngày thêm khởi sắc và lan rộng khắp các lãnh vực trên mọi miền cuả đất nước vậy./

California, Muà Thu Mậu Tý 2008

Đoàn Thanh Liêm