Chàng Trai Mỹ Mê Hát Xẩm

Giữa quán cà phê ven hồ, Andrew Talle - chàng trai người Mỹ ngân nga những bài thơ Chân quê, Lỡ bước sang ngang... của Nguyễn Bính bằng thứ tiếng Việt rất sõi. Đôi mắt và khuôn mặt anh cũng đầy cảm xúc như thể mối tình trái ngang trong thơ Nguyễn Bính là của chính mình.

Anh bảo đã phải lòng thơ Nguyễn Bính từ thời gian làm luận văn thạc sĩ về ngâm thơ Việt Nam. Qua tiếng ngâm, thơ Nguyễn Bính càng hay, càng đẹp và càng gần gũi, dù bài nào cũng chất chứa tâm tư của một người "nhà quê"

Học tiếng Việt để nghiên cứu thơ ca

Trong Festival nghệ thuật đường phố diễn ra ở Hà Nội cuối tháng 10/2009, không ít người dân "mắt tròn mắt dẹt" khi thấy một "ông Tây" mắt xanh, tóc vàng, mũi lõ mặc áo the khăn xếp trong gian lều ca trù và hát xẩm. Anh có thể nói hàng giờ về âm nhạc Việt Nam bằng tiếng Việt, với đầy vẻ hào hứng. Đó là Andrew Talle.

Chàng trai Mỹ Andrew Talle.

Andrew Talle bắt đầu tình yêu với tiếng Việt từ tiếng ngâm thơ của những người phụ nữ gốc Việt tại bang Chicago, nơi anh sinh sống. Năm 1992 - 1993, Andrew Talle quyết định tìm thầy dạy tiếng trong cộng đồng hơn 15.000 người Việt ở Chicago và học rất nhanh thứ ngôn ngữ "phong ba bão táp" này.

Giỏi tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc với người Việt Nam tại Mỹ, Andrew lang thang khắp nơi, gặp gỡ nhiều người, nghe họ ngâm thơ và ghi âm. Anh nghiền ngẫm, phân tích sâu mối quan hệ giữa thanh điệu tiếng Việt với các nốt nhạc và quá trình chuyển hóa bài thơ thành nhạc. Càng nghe, càng tìm hiểu, anh càng thấm nét văn hóa này, dù khi đó chưa từng tới Việt Nam. Công trình luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học về đề tài nói trên của anh được đánh giá cao tại Đại học Northwestern.

Năm 1997, Andrew xin được học bổng Blackemore Foundation của Mỹ sang Việt Nam học tiếng tại Đại học Huế và sau là Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng trong thời gian đó, anh gặp được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và học về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Nghe xẩm một lần mê ngay

Trong 11 tháng ở Việt Nam, Andrew tranh thủ thời giờ rong ruổi khắp ba miền, đi điền dã các lễ hội. Anh đặc biệt thích lễ hội Chử Đồng Tử. Anh ghi âm và quay phim về nhạc tài tử cải lương Nam Bộ, gặp các nghệ sĩ Bảy Bá, Văn Giỏi, Ba Tu, Thanh Hải, nhóm tài tử quận 8, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài, Kim Sinh... Andrew nói anh rất thích nghe tân cổ giao duyên vì "trong đó có hai nền âm nhạc giao hòa, vừa có tranh, nhị, bầu, sáo, vừa có hát theo kiểu hiện đại, rất thú vị".

Andrew thích tiếng đàn khi nức nở, mùi mẫn, khi phóng khoáng, lả lướt của danh cầm Văn Giỏi. Không những thế, theo Andrew, nghệ sĩ đàn cải lương khiếm thị này trò chuyện rất có duyên. Ông chỉ gọi anh là "Riu", vì "cái tên "Tây" Andrew Talle khó nhớ, khó phát âm quá, cứ gọi tắt như vậy cho tiện". Thỉnh thoảng ông Văn Giỏi vẫn nhắc, không biết giờ này thằng Riu đã có người yêu hay vợ con chưa.

Trong nhiều loại hình cổ nhạc Việt Nam, Andrew yêu thích nhất hát xẩm, dù anh chủ yếu nghe qua băng đĩa và mới một lần được tận tai nghe nghệ nhân Hà Thị Cầu hát. Anh nhận xét: "Nhịp điệu hát xẩm vừa đơn giản, vừa bình dân, nhưng chứa đựng nhiều triết lý cũng như kỹ thuật cao siêu". Hơn nữa, xẩm là một trong những loại hình âm nhạc của quần chúng, điều Andrew đặc biệt quan tâm trong quá trình nghiên cứu. "Nghe xẩm một lần là tôi "mê" ngay, không thể lý giải nổi vì sao, nhất là trước những ca khúc như Xẩm thập ân, Trống quân, Ngược đời...", anh nói.

Một buổi biểu diễn hát xẩm của các nghệ nhân.

Andrew đang viết một cuốn sách về âm nhạc thời Johann Sebastian Bach, trong đó, anh chú trọng âm nhạc ngoài đường, ngoài cửa sổ hơn là của nhạc sĩ trứ danh. Anh còn lần tìm những hồ sơ trong các nhà tù xem tù nhân hát nội dung gì, dùng nhạc cụ gì, hát bao lâu... Qua nghiên cứu, anh thấy rằng, thời đó, dân chúng thích hát rong hơn nhạc của Bach.

Andrew cho biết, sắp tới, anh sẽ dành thời gian nghiên cứu về hát xẩm. Do tài liệu về bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam không có nhiều, anh sẽ tới các bảo tàng lớn ở Pháp để tìm những tài liệu gốc, với hình ảnh, âm thanh, các nghiên cứu, tư liệu, nhật ký, thậm chí là hồ sơ nhà tù... để hiểu kỹ loại hình âm nhạc độc đáo này.