Cha Thuận sau khi chịu chức Linh mục
Ngày 16.09.2009, chúng ta kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 7 để tưởng niệm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN. Năm nay, Lễ Giỗ trùng hợp với Năm Linh mục đã được Đức Thánh Biển Đức XVI khai mạc, từ ngày 19.06.2009 đến 19.06.2010, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày qua đời của Thánh Gioan Vianney, Cha sở xứ Ars. Đồng thời, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giáo Hội địa phương cũng nêu cao những tấm gương linh mục trong đất nước của mình. Do đó, chúng ta cùng hướng về Gương Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, vị Mục Tử Việt-Nam được mở hồ sơ phong Chân Phước sau 5 năm Chúa gọi về Nhà Cha.
Cha là một gương sáng Linh mục mà nhiều người Việt thuộc thế hệ cận đại đã có dịp nói chuyện với Cha, nghe lời Cha giảng dạy… Vượt biên giới Tổ Quốc, Cha còn được kính mến bởi nhiều triệu Kitô-hữu từ Á châu đến các quốc gia Mỹ châu. Sách ‘Chứng nhân Hy Vọng’ (dịch ra 12 thứ tiếng) đã mang lại niềm Hy vọng trong đời sống linh mục cho bao nhiêu cha ở Mỹ châu La-tinh. Khi Cha giảng cho hơn 50000 thanh niên tại sân vận động Mexico. Họ hô lớn tiếng khi Cha bước lên diễn đàn: "Francisco, amigo de los Mexicanos" (Phanxicô là bạn thân của các người Mexicô)…
[Trong bài nầy, chúng tôi xin được phép gọi Đức Hồng Y là Cha để ghi nhớ cách xưng hô dịu hiền mà Đức cha (Đức Hồng Y) đã xưng Cha với những giáo dân có diễm phúc nói chuyện với Cha.]
I. DÒNG DÕI TỬ ĐẠO VÀ YÊU NƯỚC.
Trong thời gian tù đầy: viết sách làm thơ
A. Gia đình bên ngoại của Cha đã bị thiêu sống khi đang kinh nguyện trong một đêm mùa thu năm 1885, tại làng Đại Phong. Nhóm người bắt đạo đã phóng hỏa bằng những ngọn đuốc tới tận nóc nhà tường tre. Cha mẹ đưa các trẻ em qua cửa sổ thì họ thẩy các trẻ trở vào cho chết cháy. Tuy nhiên, một số em, nhờ bóng tối đêm và khói, đã thoát chết. Trong đó, có ‘Dì Liên’, 10 tuổi, thoát chết, nhưng phải bỏ chạy về sống hẳn tại Phủ Cam. Một người khác là mẹ ông Ngô đình Khả cũng sống sót và phải chạy đến sống tại một làng khác… Có điều may là khi đó, ông ngoại của Cha là ông Khả đang học ở Chủng viện Penang (Mã-lai).
Phải đợi đến vài tháng sau, hung tin gần hết gia đình bị tàn sát mới tới Chủng viện Penang, các giáo sư của ông Khả mới đề nghị ông nên trở về nước và cưới vợ để giữ tên dòng họ. Chấp nhận đề nghị trên, ông đã trở lại Việt-Nam để phụng dưỡng mẹ đang không phương tiện để sinh sống.
Vào làm việc tại Triều đình, một thời gian sau, ông được vua Thành Thái ban cho ông tước Phù Đạo Đại Thần, cố vấn cho Vua các vấn đề về Pháp văn và Triết Tây phương… Ông đã chống đối mạnh mẽ người Pháp đô hộ khi họ buộc Vua phải thoái ngôi. Cuối cùng, ông từ quan và về làm ruộng với các con trai. Cô Hiệp (mẹ tương lai của Cha) đã cùng mẹ vất vả đem cơm và nước trà cho thân phụ và các anh em trai. Trong hoàn cảnh cơ cực đó, không ai trong gia đình buông lời than trách trước một quyết định ái quốc. Họ vẫn nuôi ý chí ‘làm quan’, sau những kinh nghiệm lao động tay chân và thiếu thốn.
B. Ông cố bên nội của Cha, Nguyễn văn Danh, đã sống cực khổ trong thời kỳ bắt đạo dưới thời vua Tự Ðức, năm 1860, bị cưỡng bách phải đi làm nô lệ.
Con ông, Nguyễn văn Vọng, 14 tuổi, khi hay tin cha sắp chết đói, hằng ngày phải thức dậy sớm, nấu cơm nước và mang cho cha xa khoảng 12 dậm, đi và về, trong ba năm.
Khi được trở về, ông Danh đã hãnh diện khi thấy các con không chối đạo và được mẹ dạy kính Chúa và yêu người. Ông rất mãn nguyện vì Vọng, đứa con vô cùng can đảm.
Khi trưởng thành, anh Vọng cưới chị Tống thị Tài, liên hệ gia đình gần với Thánh Phaolô Tống viết Bường, sĩ quan triều đình Minh Mạng, tử đạo ngày 23.10.1833. Đôi vợ chồng trẻ về sống tại Phủ Cam và được Linh mục Joseph Eugène Allys giao cho sứ vụ truyền giáo đặc biệt : không phải rao giảng, chỉ sống đạo, bằng đời sống chứng nhân Kitô hữu để người khác nhìn vào đó mà trở lại đạo Công giáo. Xong việc truyền đạo tại một làng, anh chị Vọng đi sang làng khác trong một vùng cách Huế 14 cây số về hướng Nam. Ông Vọng, ông nội tương lai của Cha, đã thi hành sứ vụ trong 15 năm. Ông vẫn muốn tiếp tục, nhưng Linh mục Allys muốn ông trở lại sống tại Phủ Cam với gia đình.
Linh mục Allys cho ông mượn tiền thành lập nông trại và ông trở nên giàu có. Ông đã dùng gia sản để giúp xây trường Bình Linh (Pellerin) cho các Sư huynh dòng Lasan và trường Thánh nữ Jeanne d’Arc cho các Nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Cả hai dều được khánh thành năm 1904 tại Huế.
Bấy nhiêu gương sáng tiền nhân để lại, Cha quyết tâm trở thành Linh mục Công giáo, đồng dạng với Chúa Giêsu… Nhưng Đức Kitô phán : « Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. » (Gioan 15, 16).
Việc ‘chính Thầy đã chọn anh em’ có thực hiện nơi Cha Thuận hay không ? Chúng ta có thể ôn lại tiến trình Thiên Chúa đã đào tạo Cha qua các Thánh Chức Linh mục, Đức cha và Đức hồng y.
II. DƯỚI MÁI CHỦNG VIỆN
A. Tiểu chủng viện An Ninh.
Cuối tháng 08.1940, lúc 12 tuổi, Cha nhập Tiểu chủng viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị) để chuẩn bị niên khóa 1940-1941.
Bây giờ, Cha bắt đầu tìm kiếm những ‘gương Linh mục’ mới, sau Đức cha Phêrô Ngô đình Thục, cậu của Cha, chung quanh Cha : Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Bề trên Chủng viện ; Jean-Marie Cressonnier, M.E.P, sinh ra trong gia đình giàu, nhưng sống nghèo khó, đã bị cán binh cộng sản bắn chết khi mang Mình Thánh Chúa cho người bệnh năm 1968 ; Giuse Maria Nguyễn văn Thích, giáo sư chủng viện, thi sĩ và họa sĩ. Cha cũng đã đọc sách hạnh các Thánh : Phanxicô Xaviê (bổn mạng), Gioan Vianney, Têrêxa thành Lisieux…
Nhờ có bằng tiểu học (certificat d’étude primaire) và trí nhớ, nhất là sinh ngữ và la tinh, Cha đã rút ngắn học trình từ tám còn sáu năm.
B. Đại chủng viện Phú Xuân.
Sau khi được bổ nhiệm Hồng Y đến Úc thăm Mẹ
Tại đây, Cha đã đọc cuộc đời Linh mục José Ramon Manual Pro Juarez, dòng Tên người Mexico, bị bắt bởi mật vụ Cộng sản Mexico, bị hành quyết vì đạo, không bản án, với anh của Linh mục tháng 11.1927. Cha nhận đây là một gương Linh mục cho Cha.
Trong 3 năm đầu (từ 1947), Cha ước nguyện sẽ thi hành sứ nhiệm Linh mục Giáo phận (hay triều), noi gương Curé d’Ars. Nhưng, sau đó, đôi lúc, Cha nghĩ mình có thể trở Linh mục Dòng như :
1. Dòng Tên, hiện diện tại Việt-Nam lần đầu năm 1615 với Linh mục Alexandre de Rhodes và rời Việt-Nam năm 1774. Cha đã học nhiều ‘Spiritual Excercises’ về đời sống Thánh Ignatius thành Loyola và chính Thánh Phanxicô Xaviê hay Linh mục Pro Juarez đều thuộc Dòng Tên. Nhưng, khi đó, muốn theo Dòng Tên thì phải sang tu học tại Phi-luật-tân vì Dòng Tên chỉ trở lại Việt-Nam năm 1957.
2. Cha cũng nghĩ đến Dòng Biển Đức vì tu viện Biển Đức cũng vừa xây dựng trên đồi Thiên An năm 1940, ngoại ô Huế. Cha chiêm ngưỡng gương thánh thiện của Dom Romain, đã sống hơn nữa đời tại Việt-Nam để trợ giúp người Việt và Dom Benoit Nguyễn văn Thái, Linh mục Biển Đức người Việt đầu tiên.
Cuối cùng, Cha quyết định ở lại Đại chủng viện Phú Xuân để học thần học dưới sự hướng dẫn của Linh mục Simon Hòa Nguyễn văn Hiền, Bề trên Chủng viện, sau trở thành Giám mục hiệu tòa Saigon (1955) và Giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Đà lạt (1960).
III. THÁNH CHỨC LINH MỤC.
Ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Cha nhận Bí tích Truyền Chức Linh mục bởi tay Đức cha Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Giám mục hiệu tòa Huế.
A. Cha được cử làm Phó xứ Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình), một giáo xứ quan trọng của Giáo phận, phụ giúp Cha Đôminicô Hoàng Văn Tâm để phục vụ giáo dân. Cha Sở đã dành nhiều thời giờ để hướng dẫn Cha về sứ vụ mục tử, tình hình giáo xứ… Nhưng, một tháng sau, Cha Sở thấy sức khỏe Cha yếu dần mà Cha vẫn cố gắng, cho đến khi Cha ho ra máu. Bác sĩ khám thấy Cha có triệu chứng bệnh lao có thể do học và làm việc nhiều tại Đại Chủng viện. Cha được đưa về Huế vì Bệnh viện Đồng Hới không có phương tiện. Bệnh viện Huế lại đề nghị đưa vào Sàigòn vì cần phải giải phẩu khó.
Khi không đọc kinh, cầu nguyện hay nói chuyện với song thân, Cha nghe đài phát thanh truyền đi những tin chiến sự ngày càng bi đát, nhất là tại Điện Biên Phủ. Cha lo ngại.
Tháng 12.1953, Cha được phi cơ chở vào Sàigòn, nhập Bệnh viện Saint Paul, các bác sĩ cho rằng phải cắt bỏ phần phổi bên tay mặt. Nghe tin đó, Cha Richard, ở Huế, giới thiệu Cha vào điều trị tại Bệnh viện Quân đội Pháp Grall tháng 04.1954. Các bác sĩ Pháp nói với Cha họ có phương tiện để giải phẩu, nhưng Cha không thể hồi phục như trước. Cha cám ơn ‘tin tốt’ đó và tiếp tục cầu nguyện và chờ xe đưa vào phòng mổ… Một trong các bác sĩ đề nghị chụp x-ray phổi trước khi gây mê.
Sau khi chụp x-ray, Cha được đưa trở về phòng chờ lâu. Hai bác sĩ bàn tán nhiều trước phòng Cha nằm. Cuối cùng một bác sĩ vào báo cho Cha :
- Khỏi phải giải phẩu.
- Thế thì bệnh lao đã lây sang phổi kia ? Cha hỏi.
- Không. Khỏi giải phẩu vì chúng tôi không còn thấy dấu bệnh lao ở cả hai phổi. Tôi không biết sự việc xảy ra như thế nào.
Vị bác sĩ nhìn Cha và không biết giải thích làm sao sự khỏi bệnh này. Các bác sĩ nhìn nhau trong khi Cha nói :
- Phép lạ.
- Tôi cũng cho là như vậy. Phổi Cha tốt cả hai, Cha không cần mổ. Cha có thể về chiều nay, nếu muốn.
Nói xong, ông bước ra ngoài và trở lại nói thêm :
- Bây giờ, Cha khỏe mạnh, và tôi không thể giải thích tại sao. Có thể, Cha sẽ sống để thấy nhiều người trong chúng tôi chết !
Phần Cha, Cha không ngớt tán tụng Thiên Chúa và cám ơn Mẹ Maria.
Bốn ngày sau, Cha trở về đến Huế thì hay tin Điện biên phủ thất thủ. Khi gặp Đức cha Urrutia, Người bảo Cha nên nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Sau đó, Cha được cử đến làm Cha Phó cho Cha Richard Barbon (Triết) tại Giáo xứ Phanxicô Xavie ở Huế với nhiệm vụ chuyển Giáo xứ này của người Pháp sang cho người Việt. Quân đội và công chức Pháp phải rút khỏi và trả độc lập cho Quốc gia Việt-Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Ngô đình Diệm.
Ðồng thời, Cha còn được cử kiêm nhiệm Tuyên úy Trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên.
C. Du học tại Rôma.
Năm 1956, Cha được gởi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbania. Ngày 15.08.1957, Cha hành hương Lộ Đức như Cha viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’ :
« Lúc còn là một linh mục du học ở Rôma, tháng 08 năm 1957, tôi đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ. Quỳ trước hang đá, nhìn lên tượng Mẹ, tôi nghe như Đức Mẹ nói với tôi như đã nói với thánh nữ Bernadette:
- Benadette, Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách.
Tôi run sợ, nhưng tôi chấp nhận và phó thác trong tay Mẹ. Tôi tiếp tục học hành thi cử, và trở về Việt Nam, làm giáo sư, Giám đốc tiểu chủng viện Hoan-Thiện, Tổng đại diện, Giám mục Giáo phận Nha Trang năm 1967. Cám ơn Chúa , công việc mục vụ của tôi nói được là thành công.
Tôi trở lại Lộ Đức nhiều lần và nhiều lần tôi tự hỏi: ‘Có lẽ lời Đức Mẹ đã nói với thánh Bernadette không phải Mẹ cũng nhắc lại với tôi?’ Thánh giá bổn phận của tôi không đến nỗi quá nặng, dù sao tôi sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa.
Năm 1957, Cha tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật với luận án : ‘Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo’.
3. Tổng đại diện, Bề trên Chủng viện.
Từ Rôma về Giáo phận Huế, Đức cha Urrutia đã báo với Cha rằng Người gởi Cha đi Rôma không phải không chủ đích. Giáo hội Việt-Nam sẽ cần nhiều Mục tử (người Việt) mới, và Cha sẽ là một trong những Vị đó. Đừng khiêm nhượng… Cha phải chuẩn bị để lãnh đạo. Do đó, Cha cần phải hành động, cầu nguyện… và cộng tác với Giám mục của mình. Đức cha nói tiếp với Cha là, trong bước đầu, Cha sẽ dạy tại Tiểu Chủng viện Phú Xuân trong một thời gian. Tiếp đến, ai biết ? Trong tương lai, có thể tiên đoán Cha sẽ trở thành Bề trên nơi đó.
Cha đến dạy tại Tiểu Chủng viện khi Linh mục An-rê Nguyễn văn Thích đang là Bề trên. Cha rất kính và thích làm việc với Linh mục Thích. Linh mục Bề trên kể cho Cha những điều đã xảy ra tại đây.
Đầu niên khóa 1962 – 1963, khi Tiểu Chủng viện Hoan Thiện – Huế hình thành, Cha đã nhận nhiệm vụ Giám đốc. Là Giám đốc nhưng Cha luôn thăm hỏi, tươi cười với các chú, thông cảm cho sai sót tuổi trẻ. Cha không to tiếng hay quở trách ai bao giờ, đến nỗi Linh mục quản lý thốt lên: ‘Cha Bề trên hiền quá, chẳng có chú nào sợ…’. Sự thật, Cha chủ trương giáo dục đặt nền tảng trên yêu thương và gương sáng chứ không dùng lề luật để trừng phạt.
Một cựu chủng sinh Tiểu Chủng viện Hoan Thiện đã kể cho đài BBC (Anh quốc):
"Trước đây, sau khi có việc 'hô điểm" cuối mỗi kỳ họp các cha, và sau khi vào gặp cha bề trên để nghe ‘tin dữ’, chú nào bị ‘đuổi’ ra khỏi chủng viện thì thấy đời mình như ‘cùi hủi’ rồi, một sự thất bại ê chề trong cuộc đời, cha mẹ sẽ buồn, bạn bè e ngại đứng xa xa mà nhìn, làm như phút chốc mình trở thành kẻ ‘tội lỗi’.
Từ ngày cha Thuận làm bề trên, cựu chủng sinh như được cha thương riêng, có lúc làm cho kẻ ở lại phải nêu thành câu hỏi, ngài hay nói câu tiếng Pháp vào dịp này, đi tu "c'est une chance" mà ra đời "c'est une autre chance".
Bề trên Nguyễn Văn Thuận đã đồng hành với giáo huấn Vaticanô II để đưa kitô giáo vào trong cuộc sống con người, theo lối giáo dục mới, mời gọi những linh mục tương lai nên thực thi mục vụ trong tinh thần dấn thân phục vụ làm đầy tớ, ưu tiên cho những người nghèo.
Năm 1966, một năm trước khi nhận chức giám mục, có lần ngài nói với lớp chúng tôi ‘Cha có dự án xây rộng thêm bên ngoài nhà khách các chú để mở một xưởng nghề, các chú mình tương lai phải học một nghề nghiệp để sinh sống, vì xã hội đang biến đổi, giáo hội cần linh mục có lối sống khác hơn phong cách sống xưa nay’.
Có lúc tôi hỏi về ý nghĩa kiến trúc chủng viện Hoan Thiện và đặc biệt về nhà nguyện tròn và có hồ nước chung quanh, ngài giải thích rằng nhà thờ là nơi gặp gỡ Chúa, và gặp gỡ người anh em, nhưng không phải gặp gỡ ào ào theo kiểu thế gian, những lối xây cất chùa chiền trong văn hóa của dân tộc mình nhắc mình nhớ là phải ‘bước qua bên kia bờ’ để có thể cầu nguyện.
Hè năm 1967, tôi dự định xuất tu, ngài kêu riêng và nhắn nhủ "tu cũng tốt mà về cũng là một ơn gọi riêng, nhưng con nhớ điều này trong đời mình: điều tệ hại trong cuộc đời không phải phạm tội, nhưng là mất đi ý thức tội lỗi".
Thêm vào chức vụ Giám đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, Hội đồng Linh mục đã bầu Cha làm Tổng đại diện Tổng giáo phận Huế vào năm 1964. Khi đó, Cha được 36 tuổi.
[Xin nhắc: đây là thời gian mà hằng triệu người Việt, trong đó có Cha, thương nhớ Tổng Thống Ngô đình Diệm cùng hai em Ngô đình Nhu và Ngô đình Cẩn bị thảm sát bởi các tướng lãnh nhận tiền thuê của nhóm chánh khách Mỹ. Tiếp theo, các phản tướng này đã thanh toán nhau làm tiêu hao nhân lực quốc gia.]
IV. TRÁCH VỤ ĐỨC CHA
Ngày 13.04.1967, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi, thay thế Đức Cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, nhân lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Cha đã được thụ phong Đức Cha bởi Đức Tổng Giám mục Cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt-Nam, Lào và Campuchia, chủ phong với hai Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn kim Điền và Gioan Baotixita Urrutia (Thi) phụ phong. Thánh Lễ tấn phong đã được cử hành trang nghiêm tại khuôn viên Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, Cha đã chọn khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ của Công Đồng Vatican II. Ngày 10.07.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ Giám mục Giáo phận Nha Trang.
A. Khẩu hiệu của Đức Cha.
Phương châm của Cha không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của Cha đối với Mẹ Giáo hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của Cha. Cha luôn có niềm vui và hy vọng trong mọi chuyện xảy ra đến Cha, nhưng cũng vì Cha muốn nói lên rằng: Cha thấy giáo huấn của Vatican II chứng tỏ Giáo hội đang trên đường tiến về một sự Đoàn Kết tối hậu, đó chính là vui mừng và hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Noi gương Đức Kitô, Cha sống niềm hy vọng trong mọi hoàn cảnh. Khi làm Giám mục ở Nha Trang với những thành công rực rỡ. Khi đến Sài Gòn không được làm việc gì. Những ngày cô đơn đen tối trong trại cải tạo. Những lúc mệt mỏi vì chiến đấu với cơn bệnh hiểm nghèo. Khi vinh quang lên đến tuyệt đỉnh. Khi bị hiểu lầm vu oan. Không lúc nào Cha đánh mất niềm hy vọng.
Noi gương Đức Kitô, Cha đi gieo niềm hy vọng khắp nơi. Đi đến đâu Cha gieo niềm hy vọng đến đó. Gặp ai Cha truyền niềm hy vọng cho người ấy. Chứa chan niềm hy vọng nên Cha luôn tỏa ra niềm vui, niềm lạc quan yêu đời và làm cho bầu khí chung quanh Cha luôn vui tươi đáng mến. Trong phòng biệt giam, Cha vẫn nghĩ ra chuyện vui. Trên giường bệnh, Cha vẫn kể chuyện vui cho mọi người cười thỏa thích. Không hoàn cảnh nào có thể ngăn cản Cha tung gieo niềm hy vọng.
Noi gương Đức Kitô, Cha đem niềm hy vọng đến cho mọi người. Cha dễ dàng đón nhận người thân cũng như người xa lạ. Cha sẵn sàng cộng tác với người đồng ý cũng như những người bất đồng ý kiến. Cha yêu thương bạn hữu cũng như những người thù ghét Cha. Cha làm cho những bạn tù và cả cai tù cũng có cảm tình. Tất cả những ai sống gần Cha đều được cảm hóa. Vì ở bên Cha, mọi người thấy phẩm giá mình được tôn trọng, khả năng con người được phát huy.
(Trích bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ngày 16.09.2005)
B. Huy hiệu của Đức Cha
Huy hiệu của Cha có nền màu xanh dương với Ngôi Sao Biển (Stella Maris), biểu tượng Đức Trinh Nữ Maria, dẫn đường cho những con thuyền trong chuyến du hành từ đời này cho đến vĩnh cửu. Nổi bật trên màu xanh là ba ngọn núi biểu tượng của đại dương và lục địa (aqua et arida). Ba ngọn núi còn là biểu trưng cho ba miền Quê Hương: Bắc, Trung, và Nam. Ba ngọn núi và biển cả cũng còn là Nha Trang Việt-Nam nằm dài bên Đại Tây Dương. Trong thời cổ đại aqua et arida nghĩa là vũ trụ toàn cầu; như thế cụm từ nói lên rằng Việt-Nam không là một nước cô lập nhưng là một phần của thế giới.
Mười khúc tre tượng trưng 10 điều răn. Tre là một biểu tượng Á châu cho người quân tử hay siêu nhân. Tre gợi nhớ tới huy hiệu của Tổng Thống Ngô đình Diệm, khẩu hiệu của Tổng Thống là ‘Tiết Trực Tâm Hư’. Tre tượng trưng cho sự công chính, trong sạch và chân thành. Lõi của đốt tre thì rỗng như trái tim của một người không chất chứa sự ích kỷ, tham vọng, hay tham lam.
Sự hài hòa giữa nền (với những biểu tượng lấy từ thời cổ Roma và của Giáo Hội Thế giới) và khung của huy hiệu tượng trưng cho văn hóa Á Châu và những gía trị của gia đình Cha với phương châm đã tóm kết những giảng huấn của Cha và cái nhìn của Cha về thế giới, Giáo Hội, đất nước Việt Nam, gia đình, và chính Cha.
C. Chiến dịch Tình Thương.
Như các Giám mục khác, Cha đã chú trọng đào tạo nhân sự như tổ chức Tiểu chủng viện Sao Biển, Chủng viện Lâm Bích (Lambert de la Motte) dành cho ơn gọi trưởng thành… Thiết lập Hội đồng Giáo dân từ cấp Giáo xứ lên Giáo hạt đến Giáo phận và công bố ‘Qui chế Giáo dân’. Hình thành và phát triển Trung tâm Văn hóa Chàm năm 1968 tại Phan rang.
Cha đã phổ biến các Thư luân: Tỉnh thức và Cầu nguyện (19.03.1968), Vững Mạnh trong Đức Tin? Tiến lên trong An bình’ (1969), Công lý và Hòa bình (01.01.1970),
Thưa Cha, đây có phải là sự quan phòng của Thiên Chúa để chuẩn bị cho Cha, vị Mục tử Việt-Nam, trong chức vụ Phó Chủ tịch (24.11.1994) rồi Chủ tịch (24.06.1998) Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình ?
Vượt ranh giới Giáo phận và biên cương Tổ Quốc, Cha đã thuyết trình đề tài ‘Các
Vấn đề Chánh trị tại Á châu và những Giải pháp liên hệ’ trước Hội nghị Giám mục Á châu họp tại Manila (Phi luật tân), ngày 24.11.1970.
Trong thời gian ngắn, gần 8 năm giữ sứ vụ Mục tử Giáo phận Nha Trang, Cha còn cho luân lưu thêm ba Thư khác: Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta (1971), Kỷ niệm 300 năm (1971), Năm Thánh Canh tân và Hòa giải (1973).
Tuy nhiên, công tác đáng ghi nhớ của Cha là:
Ngày 15.07.1971, Đức Thánh Cha Phaolô VI thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm (Cor Unum) với mục đích chính là phối hợp các cơ quan bác ái Công giáo qua các dự án giúp đỡ và phát triển về phương diện nhân bản của Công giáo trên toàn cầu. Sau đó, Cor Unum tham gia trợ giúp Việt-Nam qua một tổ chức được hình thành bởi Hội đồng Giám mục Việt-Nam và Giám mục các quốc gia mang tên là Hợp tác để Tái thiết Việt-Nam (Cooperation for the Reconstruction of Viêtnam (COREV).
Các Giám mục Việt-Nam trao trách nhiệm điều hành cho Cha vì Cha là Chủ tịch Ủy ban Phát triển Hội đồng Giám mục. Đây là một trọng trách nặng nề khiến Cha khó có thể cai quản hữu hiệu Giáo phận, nhưng các Giám mục đã an tâm khi nhớ một người trong gia đình Cha đã hoàn thành mỹ mãn việc bình định cho một triệu người di cư từ Bắc và Nam trong thập niên 1950: Tổng Thống Ngô đình Diệm.
Trụ sở COREV đặt tại Sài Gòn, nên Cha phải thường xuyên đi lại giữa nơi này và Nha Trang. Về tài chánh, dù các Giám mục trao toàn quyền cho Cha, nhưng Cha không bao giờ quyết định mà không hội ý với các Giám mục khác. Cha không ngớt liên lạc, giải trình với các giám đốc Misereor và Caritas Đức, Secours Catholique Pháp, Catholic Relief Services Hoa kỳ, Secours International Bỉ quốc… về các dự án xây nhà, cất trường học… Chúng ta đừng quên Cha nói thạo các tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha, Hoa và La tinh. Người ta thẩm lượng việc Cha làm có thể so sánh với việc làm của năm người bình thường.
Khi gặp khó khăn, Cha nhìn lên trời và xin Cậu Diệm giúp đỡ. COREV càng thành công thì người Cộng sản càng coi Cha là người đáng sợ.
V. LINH MỤC LÀ ĐỨC KITÔ THỨ HAI.
Cha bắt chước Chúa Giêsu:
A. Cầu Nguyện.
Trước khi đi rao giảng Tin Mừng, khi chọn các Tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều. Người cũng đã mời gọi các Tông đồ cùng cầu nguyện với Người trong giờ phút sắp trút hơi thở cuối cùng.
Ngày 19.05.1968 (năm có các cuộc tấn công và tàn sát đồng bào của người cộng sản), Cha đã viết Thư Luân Lưu đầu tiên ‘Tỉnh thức và Cầu nguyện’ như Chúa Giêsu bảo: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện" (Mt.26,41). Tình trạng Việt-Nam hiện nay còn bao lần lâm nguy trầm trọng hơn 1968 vì tự do, dân chủ, dù có bị hạn chế chiến tranh có lan tràn vào thủ đô hay các thành phố, nhưng vẫn còn. Khi đó, làm gì có chuyện biểu ngữ trong Thánh Lễ tấn phong một Đức cha, thì làm sao có sự xuất hiện những biểu ngữ đề cập đến những Giám mục khác…
Cha có nhắc: "Giáo hội, mà chúng ta là chi thể, chưa bao giờ vang hiển và uy thế như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ phải đương đầu với một cuộc chiến thiêng liêng kinh khủng như hiện nay ? Chúa cần sự cộng tác của chúng ta, chúng ta cần Ơn Chúa, vì ‘không có Người, chúng ta không làm gì được’. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện.
Chúa muốn cho ta thấy lời cầu nguyện qua trọng chừng nào và lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh điều ấy:
- Hội Thánh sinh ra bởi lời cầu nguyện,
- Hội Thánh thắng thù địch bằng lời cầu nguyện,
- Hội Thánh sống nhờ lời cầu nguyện.
Cha còn chỉ dạy: "Con nắm một bí quyết: Cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện có Chúa ở giữa các con (x. Mt 18, 20). Cha tha thiết khuyên con ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu! Trên quãng đường cha đi, cha đã thấy lời thánh Têrêxa Avila ứng nghiệm: ‘Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục.’"
Trong quyển ‘CẦU NGUYỆN’, sách cuối cùng của mình, Cha dạy:
- Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con.
- Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới hoạt động.
Tuy nhiên, không phải lúc nào, chúng ta cũng có thể cầu nguyện được như Cha nhắc:
"Ở tù về, tôi được nhiều người chất vấn: ‘Cha sướng thật, trong tù Cha đã có nhiều thời giờ để cầu nguyện!’ Không phải đơn giản như các bạn nghĩ đâu! Chúa đã cho tôi có dịp hiểu rõ sự yếu đuối thể lý và tinh thần của tôi. Thời giờ trong tù trôi qua chậm rãi, đặc biệt trường hợp của những ai bị biệt giam. Bạn hãy tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng thinh lặng. .. thấy lâu dài cách kinh khủng. Khi thinh lặng ấy kéo dài từng năm, thì nó trở thành đời đời. .. Ông bà ta thường bảo: ‘Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, nghĩa là, một ngày trong tù dài bằng ngàn thu tự do’."
B. Đức Vâng Lời.
Ngày 24.04.1975, Cha được Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị.
Thưa Cha, Cha quyết định đi vào Sàigòn, noi gương Đức Kitô đã phải đi Giêrusalem, dù Cha có thể tiên đoán những gì mình sẽ phải gặp tại đó như Cha viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’ :
« Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Đức Phaolô VI bổ nhiệm…
Đêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Đức Thánh Cha.
Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… »
Từ ngày 08.05.1975, nhóm 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu đã gởi một kiến nghị đến Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo hội tại Việt-Nam.
Trong phiên họp ngày 27.06.1975, tại Dinh Độc lập, kéo dài từ 15 đến 19 giờ, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công giáo yêu nước’. Đối với Chính quyền Cộng sản, sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn vào ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Đế Quốc. Để trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Đức Thánh Cha. Cha cũng bác bỏ lời cáo gian có âm mưu nói trên.
Chiều 15.08.1975, Ủy Ban Quân Quản mở cuộc họp tại Nhà hát Thành phố để cáo buộc ‘sau lưng’ Cha. Khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ được mời buộc nghe. Ủy Ban muốn ngừa tránh mọi phản ứng của người dân đối với vụ bắt Cha.
Trước đó, Đức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Độc Lập lúc 14 giờ. Tại đó, Đức cha Bình bị đưa vào một căn phòng khác với Cha. Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu.
Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Cha thực sự bị bỏ rơi. Cha đã bị giam giữ nhiều nơi khác nhau, trong đó, có 9 năm bị biệt giam, cho đến ngày 23.11.1988, Cha được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội.
HÀNH TRÌNH HY VỌNG PHÚ
…
Từ Nha phận, vâng lời : nhận bài sai Tòa Thánh,
Đến Sài thành, tân nhiệm: Tổng Giám Mục kế quyền.
Ba mươi tháng tư - cơ trời vận nước.
Một chín bảy lăm – ngừng cuộc đao binh.
Thay cờ đổi chủ,
Quốc pháp gia hình.
Năm đinh mão chính ngày Mông Triệu!
Tiết trời thu đến khắc nộp mình?
Không bản án thế gian, mà cùm gông ngục thất?
Chẳng văn bài cáo trạng, sao xiềng xích xà lim?
Không bị gậy hành trang, không áo xống!
Chẳng bạc tiền lương thực, chẳng thông tin.
Nơi lao lý rực tràn ân cứu độ.
Chốn đọa đày cháy bỏng lửa thần linh.
Một giọt nước hòa chung ba giọt rượu!
Hai bàn tay dâng tiến lễ hy sinh.
...
(Trích thơ Bùi Nghiệp)
C. Linh mục nuôi Dân Chúa bằng Mình Thánh Đức Kitô.
Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, Thiên Chúa trao cho Linh mục đặc ân « xin Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô, Chúa chúng tôi… Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn : vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống : vì này là Chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. » và Linh mục vâng lời Thầy Chí Thánh dạy « Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. »
Chúa Quan phòng đã hướng dẫn Cha chọn thâm cứu và viết luận án Tiến sĩ về ‘Tuyên úy Quân đội’ và đã từng là Tuyên úy Lao xá Thừa Thiên, Cha có những kinh nghiệm để trở thành Tuyên úy trại giam các tù nhân không bản án. Cha thấu biết mọi người Công giáo cần Mình Đức Kitô để sống trong những ngày đen tối như Cha kể :
« Trong Thánh Thể, chúng tôi loan truyền sự chết của Chúa Giêsu và tuyên xưng sự sống lại của Ngài. Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên Thánh giá: Ngài không giảng dạy, thăm viếng, chữa lành bệnh tật; Ngài hoàn toàn bất động. Đối với con mắt loài người, cuộc đời Chúa Giêsu là vô ích, là thất bại. Nhưng đối với đôi mắt Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Ngài đã đổ máu mình để cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối với Đức Chúa Cha và các linh hồn. Ngài đã cho tất cả, yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng và nói lên tiếng ‘hoàn tất’ (Ga 19, 30). »
Nhưng làm sao để Thánh Thể hiện diện trong nhà tù?
Cha đã kể cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và các Giáo sĩ và nhân viên Giáo Triều Rôma nhân dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 :
« … Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết hết niềm vui lớn lao của tôi : mỗi ngày, với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là nhà thờ chính tòa của tôi ! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi : ‘thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết, nhưng luôn được sống trong Chúa Giêsu’, như Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói.
Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay và đóng đinh mình vào thập giá với Chúa Giêsu và cùng Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài với máu của tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi !
Tuy nhiên cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới hầm tàu thủy chở tôi ra miền Bắc, ban đêm tôi ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ là túi cói đựng đồ, dâng lễ thánh Phanxicô quan thầy của tôi và cho các bạn chịu lễ. Lúc ở trại Vĩnh Quang, tôi phải dâng lễ trong góc cửa ban sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại, tôi dâng lễ ban đêm, vì chúng tôi được chia thành từng đội 50 người, ngủ chung trên một láng gỗ, mỗi người được 50 cm, đầu đụng nhau, chân quay ra ngoài. Chúng tôi đã thu xếp để năm anh em Công giáo nằm quanh tôi. Đến 9 giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi ngươi phải nằm trong mùng muỗi cá nhân : tôi ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Tôi đưa tay dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho anh em chịu lễ. Chúng tôi nhặt lấy giấy nylon bọc bao thuốc hút để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế Chúa Giêsu luôn ở giữa chúng tôi. Chúng tôi tin một sức mạnh : Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống. « Ta đã đến là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào » (Ga 10,10). Như manna nuôi dân Do Thái đi đường về Đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy vọng (Ga 6, 53).
Mỗi tuần, sáng thứ sáu có buổi học tập, tất cả 250 anh em phải tham dự. Đến lúc xả hơi, các bạn Công giáo thừa dịp đó mang các túi nylon đựng Mình Thánh đến chia cho bốn đội kia, mỗi người thay nhau mang trong túi áo một ngày…
Những người tù biết có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Ngài thêm can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh. Sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi họ cách lạ lùng. Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều anh em không Công giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thánh tẩy trong trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa Giêsu. Đêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ không phải do sức loài người. »
VI. TÔI PHẢI CHỌN CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI VIỆC CỦA CHÚA.
Khi còn trẻ tuổi và sức khỏe dồi dào, Cha chẳng những thành công nơi giáo phận Nha Trang mà còn đứng đầu một tổ chức bác ái có thế lực là Cơ quan Hợp tác Tái thiết Việt-Nam. Nhưng đêm 01.12.1975, cùng với 1500 bạn tù đói, mệt, chán nản, bị còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu ‘Hải Phòng’ đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Đảo, mùa đông 1976-77 lạnh rét 2°C. Cha thuật lại :
« Nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi. Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1700 km?
Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: "Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!"
Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi "một sự bình an mà thế gian không cho được".
Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con "Hãy theo Thầy" hay "Hãy theo việc nọ, người kia?" Để đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.
Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua ba lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi hai lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: "Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Đức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!" Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!
Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác. »
VII. SỐNG PHÚT HIỆN TẠI.
Chiều tối ngày 15.08.1975, trên đường dài 450 km, xe công an chở Cha về nơi quản thúc. Tâm tình lẫn lộn trong đầu óc Cha như Cha đã viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’:
« Lúc đó, tôi lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng... nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù. Tôi nhớ lời Đức Cha John Walsh, một Giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: "Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi". Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do. Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: "Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương".
Đây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: "Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!"
Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: "Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú "sốc" giày vò tan nát quả tim tôi.
Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
Một đêm, một tia sáng đến với tôi: "Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?"
Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: "Quang! con về nói má con mua cho ông mấy "bloc" lịch cũ, ông cần dùng". Chiều tối, chú bé mang lại mấy "bloc" lịch cũ. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết "Sứ điệp từ ngục tù" cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt. Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, "ông An" (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa. Đấy là đầu đuôi sách "Đường Hy Vọng", sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.
Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị "chuyển trại" và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình "nghìn lẻ một đêm". Ngày 8-12-1975, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Đức Mẹ cho tôi viết xong "Đường Hy Vọng" và trao trong tay Đức Mẹ gìn giữ, đó là của Đức Mẹ, nhờ ơn của Đức Mẹ, xin Đức Mẹ tiếp tục lo liệu. Đoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.
Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, "Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II", cuốn thứ ba, "Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng".
Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.
Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: "Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn"...Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: "Chính các con hãy cho họ ăn đi" (Lc 9, 1). Trên Thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng" (Lc 23, 42-43). Trong tiếng "hôm nay" của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.
Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: "Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện". Tôi đã nghe Đức Cha Helder Camara nói: "Cả cuộc đời là học yêu thương". Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: "Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc".
Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là "đẹp nhất" của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa...
Tôi đã viết trong sách Đường Hy Vọng: "Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ĐHV 997).
… Lạy Chúa, con không đợi chờ,
con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.
Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,
"một giao ước mới,
một giao ước vĩnh cửu".
Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Alleluia! Alleluia! Alleluia!
Cây Vông, Nha Trang, nơi tôi bị quản thúc
16.08.1975, hôm sau lễ Đức Mẹ Lên Trời.
VIII. NGƯỜI TÙ KHÔNG BẢN ÁN.
Thuật lại việc ra khỏi nhà tù của mình, Đức Cha đã viết trong ‘NĂM CHIẾC BÁNH VÀ HAI CON CÁ’ như sau:
« Một hôm trời mưa, tôi đang thổi cơm trưa, tôi nghe điện thoại của chiến sĩ trực reo. ‘Biết đâu có tin gì cho tôi? Đúng rồi, bữa nay là lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11 mà!’
Năm phút sau, anh chiến sĩ trực đến:
- Ông Thuận ơi, ông ăn chưa?
- Chưa ạ, tôi đang thổi cơm đây.
- Ăn xong, ăn mặc sạch sẽ, đi gặp lãnh đạo.
- Lãnh đạo là vị nào vậy?
- Tôi không biết, tôi chỉ được báo thế. Chúc ông may mắn.
Tôi đã được đưa đến nhà khách chính phủ, bên hồ Ha-le, và tôi đã gặp ông Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ (Bộ công an). Sau lời chào hỏi xã giao, ông Bộ trưởng đã hỏi:
- Ông có nguyện vọng gì không?
- Thưa có, tôi muốn được tự do.
- Bao giờ?
- Hôm nay.
Ông Bộ trưởng có vẻ ngạc nhiên, thường tình phải có thời gian cho cơ quan nhà nước xếp đặt... Nhưng hôm nay là lễ Đức Mẹ nên tôi tin chắc và xin như vậy. Để đánh tan bầu khí lúng túng và ngạc nhiên ấy, tôi nói:
- Thưa ông Bộ trưởng, tôi ở tù lâu lắm, suốt ba đời Giáo hoàng: Phaolô VI, Gioan Phaolô I, và Gioan Phaolô II. Về phía xã hội chủ nghĩa thì tôi đã ở tù bốn đời Tổng Bí thư Liên Xô: Brezhnev, Andropov, Chernenko, và Gorbachev.
Ông Bộ trưởng bật cười và nói:
- Đúng! đúng!
Ông quay qua bảo người bí thư:
- Hãy liệu đáp ứng nguyện vọng của ông.
Trong lòng tôi vui mừng tạ ơn Đức Mẹ Maria, vì không những được tự do mà còn được cả dấu chỉ. Chắc Mẹ tha tội tôi cả gan thách đố Mẹ. »
IX. MỤC TỬ VIỆT-NAM LÀM VIỆC TẠI GIÁO TRIỀU.
Năm 1989, các Giám mục Việt-Nam hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Đại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn vì Hà Nội không đủ phương tiện.
Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào gặp Cha tại bệnh viện và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào, kể cả Chủ tịch các Ủy ban hay Tiểu ban. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng.
Trong khi Hội đồng Giám mục nhóm Đại hội, Cha phải chịu giải phẫu, chẳng những không thành công mà còn bị nhiễm độc. Cha không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.
Nhờ sự can thiệp của Medical Community of Saint Egidio tại Rôma, Cha được phép sang chữa trị tại Ý. Cuộc giải phẫu thành công và sau vài tuần tịnh dưỡng, Cha đã trở lại Quê Nhà. Về đến phi trường, hộ chiếu của Cha bị tịch thu để Cha không thể đi lại, dù trong nước và Cha bị canh chừng cẩn mật… vì, lúc đó, chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu lần lượt tan râ.
Đầu năm 1991, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng viết thư xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha vào Sứ nhiệm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà nội với quyền kế vị. Giáo quyền Vatican thăm dò đề nghị này với thẩm quyền Việt-Nam. Họ nổi giận tức thì.
Cha được mời đến Bộ Nội vụ gặp Đại tá Nguyễn hồng Lam, đứng đầu cơ quan phản gián và phụ trách tôn giáo vụ. Ông này vừa cáo buộc Cha ‘chơi trò’ với chánh phủ vừa nói rằng Vatican không thể bổ nhiệm Cha mà không hỏi ý họ trước. Ông nổi xung nói: « Bây giờ, những người lãnh đạo ở Rôma đã đi xa. Bao nhiêu năm qua, cả họ và ông (Đức cha Thuận) đã biết chúng tôi không chấp nhận ông là Tổng Giám mục TP.Hồ chí Minh. Giờ đây, thật bất ngờ, khi Vatiacn muốn ông trở thành Tổng Giám mục tương lai của Hà nội. Đây là một mưu đồ lớn hơn kế hoạch được đề ra bởi Vatican và đế quốc vào năm 1975.»
Cha đã im lặng nghe và, sau đó, nhẹ nhàng trả lời: « Đó là một sự hiểu lầm, Tòa Thánh không ‘chỉ đạo’, đó không phải là một sự ‘bổ nhiệm’ tôi. Các Giám mục Việt-Nam đề nghị Tòa Thánh chọn tôi trở thành Tổng Giám mục phó Hà nội. Các Vị này đã làm như vậy vì muốn xây dựng một tương lai lâu dài (cho Giáo hội Việt-Nam). Các Vị biết tôi không được cho phép giữ một chức vụ lãnh đạo nào trong hiện tại, nên ‘chỉ định tôi lãnh nhận một chức vụ trong tương lai’. Tòa Thánh hiểu sự khôn ngan này và, do đó, Tòa Thánh yêu cầu chính phủ Việt-Nam chấp thuận đề nghị này.»
« Ông luôn luôn nói với một vọng dịu dàng ». Ông Lam trả lời, « nhưng ông không ngừng gây cho chúng tôi những vấn đề. Hiện giờ, chúng tôi có những chuyện phải giải quyết gấp. »
Ông quay lưng đi và, khi đối diện lại với Cha, bổng nhiên, ông đổi ý: « Sao ông không đi thăm song thân? » Ông Lam tử tế nói « và ở lại với ông bà một thời gian và trở lại khi mọi sự yên lặng lại. »
- Tôi đã đi thăm cha mẹ tôi rồi. Cha đáp.
Nhưng ông lại đề nghị :
- Như vậy, sao ông không đi Rôma trong một thời gian?
Câu chuyện được chấm dứt khi Cha nói:
- Được rồi. Tôi sẽ suy nghĩ đến việc đó.
(Tóm dịch theo ‘THE MIRACLE OF HOPE’)
Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt-Nam và chánh phủ Việt-Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương.
Sau nhiều lần Tòa Thánh thương nghị với Việt-Nam để Cha về lại Quê Hương, nhưng không kết quả. Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.11.1994, Cha chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài-Gòn. Quyết định như vậy, Cha phó thác mình cho Chúa Quan Phòng để phục vụ tại Giáo Triều Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Cha : « Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ. »
Cha đã học hỏi những vấn đề của thế giới phức tạp về chính trị và công bằng xã hội từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Những vấn đề về nhân quyền, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, các quốc gia đang phát triển và những hậu quả tiếp diễn do sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Cha rất thích những cuộc tiếp xúc với các Giám mục đến từ các quốc gia khắp Năm Châu.
Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.
Vài tháng sau, ngày 18.11.1998, Cha kêu gọi sự xóa giảm nợ cho các quốc gia Trung Mỹ châu bị tàn phá bởi cơn bão xoáy (cyclone) Mitch. Sau đó, Cha gởi lời cám ơn những quốc gia giảm nợ theo lời Cha yêu cầu và, đồng thời, Cha cũng nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia Trung Mỹ trách nhiệm của họ khi vay nợ ngoại quốc.
Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Đức Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Đức Giáo Hoàng cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng ít nhất 12 thứ tiếng.
Ngày 19.03.2000, Lễ Thánh Giuse, ngày bế mạc cuộc tĩnh tâm cũng là ngày mà Giám mục kế vị Cha tại Giáo phận Nha Trang, Đức cha Nguyễn văn Hòa, khánh thành một nhà thờ mới tại Cây Vong, nơi Cha bị tù trong giai đoạn đầu tiên.
Ngày 21.01.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.
X. SỰ HÌNH THÀNH ‘TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO’
Đáp ứng nguyện vọng của các Đức Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.
Khi đó, Cha đang là Phó Chủ tịch Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình và, từ ngày 24.06.1998, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm Cha giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Cha viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’.
Như vậy, vị Mục Tử Việt-Nam đã chịu nhiều bất công (13 năm tù không bản án, công dân mang hộ chiếu Việt-Nam bị cấm trở về Quê hương) nay giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Công Lý và Hoà Bình. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Cha đã ký ban hành ‘SƯU TẬP NHỮNG BẢN VĂN CỦA HUẤN QUYỀN VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.
Cha tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Nhưng tình trạng sức khỏe Cha không cho phép như Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’:
« Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.
XI. CHÚA GỌI CHA RA KHỎI THẾ GIAN.
Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Cha đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: « Một vị Thánh vừa qua đời. »
Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ Castel Gandolfo đã trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Cha với Giáo Triều và 172 phái đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh đã tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.
Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời :
« Trong 13 năm ngục tù, ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tữ đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa.
Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.
Con người Đức Hồng Y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Đức Tin, cho đến độ tử đạo. Đức Hồng Y nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, ... tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Bí quyết của Đức Hồng Y là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ được Đức Hồng Y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.
Trung thành cho tới chết, Ngài giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Ngài nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi hy lễ tối cao của Ngài tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.
Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Đức Hồng Y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Đức Hồng Y quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: ‘Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người’. Đây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Đức Hồng Y. »
và Đức Thánh Cha đã kết luận:
« Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Đấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen! »
XII. ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC
Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Cha, chủ sự lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Cha tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng.
Tham gia sáng kiến mở án phong Chân Phước cho Đức Hồng Y, ngoài Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Matthêu tưởng niệm Cha, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Cha, cũng như cộng đoàn Công giáo Việt-Nam ở Rôma.
Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mời bà luật sư Silvia Monica Correale làm thỉnh nguyện viên Án phong Chân phước cho Cha.
Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói :
« Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã tiến hành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người?
Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Ngài để quảng bá học thuyết xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á Châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.
Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy Vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận của Ngài;
Hy Vọng giúp Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xảy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.
Tin về bệnh ung thư, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng Y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Đức Hồng Y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao.
Đức Hồng Y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xấy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Người gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm. »
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
« Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố HY là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. »
XIII. KHEN THƯỞNG VÀ VINH DANH
A.- Lúc 18 giờ ngày 09.06.1999 tại Tòa Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, ở Roma, ông Đại sứ Pháp, đã nhân danh Tổng thống Cộng hòa Pháp, trao tặng Huy Chương ‘Commandeur de l’Ordre National du Mérite’ (Huân chương Quốc gia cho Người có Công Trạng, Đệ Tam Đẳng) cho Cha.
Trước khi trao tặng Huy chương, Ông Đại sứ nói đến công trạng của Cha đối với Nước Pháp và cách riêng với Giáo hội Pháp. Ông cũng nhắc đến những năm Cha bị giam tù và những tác phẫm rất hấp dẫn và bổ ích, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, do Cha viết trong những năm dài của cuộc thử thách. Trong đáp từ, Cha cám ơn Tổng thống, Dân tộc và Giáo hội Pháp về cử chỉ tốt đẹp này. Rồi Cha nhắc lại những mối giây liên kết từ lâu đời của gia đình mình và của chính Cha với nền văn hóa Pháp, với các nhà truyền giáo Pháp và với Giáo hội Pháp, nhất là trong những năm vừa qua, nhờ vào những hoạt động tại nhiều nơi, tại nhiều đoàn thể và nhờ vào tình nghĩa thiết với nhiều vị Linh mục và Giám mục tại Pháp và tại Rôma.
B.- Năm 2000, Cha được trao tặng hai giải thưởng hòa bình: Giải Man For Peace (Người Vì Hòa Bình) và giải thứ hai là Artefice della Pace (Người Kiến Tạo Hòa Bình) .
C.- Sáng ngày 15.09.2009, tổ chức ‘San Matteo’ mở cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chi Tòa thánh để tuyên bố kết quả giải thưởng Nguyễn Văn Thuận lần thứ hai và các giải thưởng Đoàn kết và Phát triển Nguyễn Văn Thuận. Giải này được tưởng thưởng cho những người xuất chúng trong sự nghiệp đề cao và bảo vệ nhân quyền.
Tham dự cuộc họp báo có Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, và Đức ông Marco Frisina, Giám đốc ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma đồng thời là tác giả ca khúc vinh danh cố Hồng y Thuận nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng), trích từ các kinh Cha đã biên soạn.
Trong buổi lễ trao giải vào ngày 16.09.2009 tại Palazzo Colonna ở Roma, Giải Nguyễn Văn Thuận năm 2009 được trao cho Đại Công tước (Grand Duke, tương đương Quốc trưởng) Henri de Nassau của Luxembourg vì những nỗ lực của ông trong việc bảo vệ quyền sống và quyền tự do tôn giáo. Mùa thu 2008, ông lên tiếng cho biết ông sẽ từ chối ký ban hành Dự luật Trợ Tử, khiến Quốc hội Luxembourg phải tu chính Hiến pháp để Dự luật trở thành Luật được áp dụng hợp hiến.
Các giải Đoàn kết và Phát triển, mỗi giải trị giá 15000 euro, được trao cho 4 dự án hoạt động nhân đạo nhằm tài trợ các hoạt động cho nhân quyền và xã hội:
1- Trung tâm Phát triển Khả năng cho Người Khiếm thị tại Pakkred, Thái lan, do Lm Carlo Velardo dòng Don Bosco điều hành.
2- Dự án ALAS của Tổ chức "Caminos de Libertad" thuộc tổng giáo phận Bogota nước Colombia, để xây dựng một trung tâm quốc gia dành cho công tác mục vụ trong các trại giam.
3- Tổ chức Bất vụ lợi "Cooperazione Missionaria e Sviluppo" do Đức ông Andrea Vece điều hành tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Salemo, nước Ý.
4- "ROCHER L'oasis des cites", một hiệp hội chuyên về các dự án giáo dục và xã hội để phục vụ cư dân những vùng ngoại ô gặp ‘khó khăn’ cạnh các đô thị ở Pháp.
Ngày 17.09.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp Đại Công tước Henri de Nassau và đại diện 4 tổ chức nhận giải thưởng tại Castel Gandolfo. Đức ông Marco Frisina và ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma trình diễn ca khúc vinh danh Cha nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng).
C.- Ngoài ra, một tổ chức khác mang tên Viện Quan sát Quốc tế Văn Thuận www.vanthuanobservatory.org có nhiệm vụ phổ biến các văn kiện, tổ chức hội thảo các vấn đề liên quan đến Giáo huấn xã hội Công giáo.
XIV. LỜI NGƯỜI ĐI TRƯỚC.
Sau khi trở thành Hồng Y, Cha đã đi Sydney để gặp Bà Cố. Một người đã hỏi Bà, trước sự hiện diện của Cha, là Bà có hãnh diện về sự thăng chức Hồng Y của con mình. Bà trả lời: « Tôi luôn hãnh diện về con tôi. Là Hồng Y, hay Tổng Giám mục, hay một Linh mục ý nghĩa gần như nhau miễn sao Cha luôn phụng sự Thiên Chúa một cách xứng đáng nhất. Được tham gia Hồng Y Đoàn để làm sáng danh Thiên Chúa. Lúc đó, dĩ nhiên, tôi rất hạnh phúc. »
Mạng lưới VietCatholic News ngày 14.07.2009 có đăng ‘10 ĐIỀU RĂN CỦA LINH MỤC’ do Cha viết:
1. Những gì tôi sống trong tư cách là một Linh Mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.
2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.
3. Những gì tôi với anh em Linh Mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.
4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.
5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình.
6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.
7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình, cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.
8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.
9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo phận và Giáo hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.
10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.
Hà-Minh Thảo