Ngày xưa Tần Thủy Hoàng muốn được trường sinh bất tử, nghe nói ngoài khơi xa có một hòn đảo tiên có thể cầu dược cải lão hoàn đồng, ông ta đã cho một đội quân dong thuyền tìm kiếm. Chiếc thuyền ấy một đi không trở lại, nên cũng chẳng ai biết được hòn đảo ấy có thật hay không, nhưng nơi Tần Thủy Hoàng cho quân xuất hành ra khơi giờ được gọi là thành phố Tần Hoàng Đảo (Qinhuangdao) .
Xe hơi ba bánh
Trên đường về khách sạn gần bãi biển Bắc Đới Hà (Beidaihe), ấn tượng đầu tiên của tôi là những chiếc xe hơi kì quặc chỉ có ba bánh di chuyển khắp mọi đường phố. Bãi biển này cũng là nơi người Bắc Kinh thường chọn để nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần. Đến đây, họ có thể nằm ườn trên bãi cát dài phẳng lặng, chơi những trò chơi cảm giác mạnh ở công viên nước bên bờ biển, hay thuê chiếc xe đạp đôi dạo lòng vòng ngắm quả táo to đùng đặt ở giữa quảng trường.
Quả táo giữa quảng trường
Xe đạp nước tại bãi biển Bắc Đới Hà
Nhưng mục đích chính của tôi không phải là tắm biển mà là leo một trong những đoạn đẹp nhất của Vạn Lý Trường Thành. Người Trung Quốc có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, mà theo tôi thì đến Trường Thành mà chưa đi đến đoạn Trường Thành Giác Sơn (Jiaoshan) ở Tần Hoàng Đảo thì mới chỉ là “một nửa hảo hán”. Trên đường đi, tôi ghé qua công viên Ngũ Phật. Tên gọi được đặt như vậy bởi công viên đang đầu tư điêu khắc năm bức tượng Phật to tại năm quả núi bên trong. Khi tôi đến, những bức tượng này vẫn còn đang thi công dang dở, dự kiến đến khi được hoàn thành chúng sẽ cao khoảng 99m.
Một bức tượng Phật trên núi
Giá vé để đi cáp treo từ ngọn núi này sang ngọn núi khác để nhìn các hòn đá lạ mắt khá đắt, 150 tệ (khoảng 400 ngàn). Nhưng bù lại công viên có động Mặt Trời Treo (Xuanyangdong) – một hang động núi lửa được hình thành từ kỉ Jura. Trong hang không hề có ánh sáng đèn, du khách phải mò mẫm trong khoảng không gian đen đặc để leo ra ngoài, và ánh sáng le lói cuối con đường ra đó được ví như là mặt trời treo lơ lửng trên hang đá. Tôi tiếc là mình không đến đây vào ngày 5 tháng 5 âm lịch để kiểm chứng điều làm cho hang động này hấp hẫn: vào ngày ấy, mặt trời và mặt trăng được nhìn thấy qua hai cái lỗ ở trong hang, trong khi kì lạ thay, nếu đứng ở ngoài hang thì không thể tìm thấy hai cái lỗ này.
Cáp treo qua núi
Dò dẫm đường trong hang Mặt Trời Treo
Từ công viên Ngũ Phật có lối dẫn đi sang Trường Thành, đoạn Giác Sơn. Hầu hết các khách mới đến thăm Trường Thành lần đầu đều chọn Bát Đạt Lĩnh (Badaling), nơi có độ dốc vừa phải và gần với Bắc Kinh hơn những đoạn Trường Thành khác. Thế nên Bát Đạt Lĩnh lúc nào cũng đông nghẹt người, chụp hình chỉ thấy toàn đầu với đầu.
Trường thành Giác Sơn
Đoạn Trường Thành Giác Sơn ở Tần Hoàng Đảo này đem lại cảm giác hoàn toàn khác. Không có cảnh xô bồ, chen lấn, chỉ có cái hùng vĩ đến kinh ngạc và cái thơ mộng đến ngỡ ngàng. Tôi leo lên đài quan sát, nhòm qua lỗ châu mai trên bức tường và thử hình dung từ đây những khẩu súng đã được khai hỏa thế nào.
Trường thành nhìn qua lỗ châu mai
Trường Thành Giác Sơn dẫn thẳng đến Sơn Hải Quan (Shanhaiguan) – được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất quan”, một trong những di tích văn hóa quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Đây chính là điểm mốc khởi đầu của Vạn Lý Trường Thành với tên gọi Lão Long Đầu. Có đứng ở đây - một bên biển, một bên Trường Thành - mới thấy cái mênh mông to lớn của thiên nhiên và sự kì diệu phi thường của bàn tay con người.
Sơn Hải quan, phía trên là dòng chữ "Thiên hạ đệ nhất quan"
Đối với người Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Đối với du khách nước ngoài, đó là điểm nhất định phải ghé thăm một lần. Trong nhiều thập niên, Vạn Lý Trường Thành vẫn được xem là công trình duy nhất trên trái đất có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Tuy điều này là không chính xác, nhưng dù sao thì Tần Thủy Hoàng thất bại trong giấc mộng trường sinh nhưng Vạn Lý Trường Thành của ông thì bất tử.
Thanh Nga