Tôi nhớ đã từ lâu lắm rồi, mỗi lần xuân đến, tôi thường nghe bài hát Xuân có câu: "Đón xuân này, tôi nhớ Xuân xưa" qủa thật câu hát đó đến bây giờ,tôi thấy vẫn còn đúng!.
Cuối tuần rồi (30,31/1/2010), nghe Radio từ các đài VN thông báo, các chợ hoa tết đã đồng loạt mở cửa ở nhiều nơi Mấy năm trước chợ hoa tết chỉ có ở trước khu Phước Lộc Thọ, nhưng nay chợ Hoa Tết được mở ở nhiều nơi trong khu vực Litlle Sàigòn. .Nhanh thật mới đó mà người Việt tị nạn ở Mỹ đã 35 năm (1975-2010). Khu Little Sàigòn cũng phát triển khá nhanh, năm 1993 chúng ta chỉ có một đài phát thanh tiếng Việt, nhưng nay có lẽ ta đã có cả hằng chục đài. Báo Việt ngữ cũng vậy, lúc đầu chỉ có một tờ, nhưng bây giờ có lẽ đã hơn chục tờ; chúng ta có hẳn một khu "phố báo chí" ở đường Moran, gồm tòa soạn của nhiều tờ báo lớn như: Viễn Đông, Việt Herald, Việt Báo, Người Việt, Phụ Nữ Gia Đình…Chợ Việt Nam cũng phát triển nhanh không kém, lấn át chợ Mỹ,chợ Đại Hàn..ở khu vực này.
Thời tiết cuối tuần này lại đang rất lý tưởng, trời nắng ấm, mây trong xanh dù đang là mùa Đông,chỉ gần cuối ngày, trời mới bắt đầu se lạnh!.Để hòa mình vào bầu không khí đón Xuân của mọi người, tôi bèn rủ ông xã làm một cuộc du Xuân ngắm hoa, xem mọi người Việt Nam ở đây chuẩn bị đón Xuân như thế nào?
Chúng tôi trực chỉ địa điểm quen thuộc nhất hằng năm là khu Phước Lộc Thọ,khu này thường rất đông đúc vào cuối tuần, hay các dịp lễ vì người Việt ở xa thường về đây chơi , thậm chí có nhiều người nhớ quê hương muốn về thăm, nhưng ngại xa xôi cách trở, lại nhiều tốn kém, nên họ đã chọn về thăm Little Sàigòn, vì nó là một thứ "Sàigòn ở ngoài Việt Nam" một Việt Nam thu nhỏ. Vì ở đây không thiếu bất cứ thứ gì của VN. Nghe nói thành phố Westminster đang có chương trình biến Little Sàigòn thành khu du lịch và có bản đồ du lịch cho du khách Ở đây việc tìm chỗ đậu xe hơi khó khăn, nhưng may quá cuối cùng, chúng tôi cũng tìm đươc một chỗ gần đường Moran, bên hông Phước Lộc Thọ.. Nơi đây mới mọc lên một khu cư xá khang trang, tiện nghi cho quý vị cao niên, nhưng túi tiền cũng phải rủng rĩnh mới được, vì nghe nói mỗi căn hộ khoảng,400.000 tới 500.000 đô
Mọi người đi ngắm cảnh và mua hoa khá đông, nhưng cũng chưa tấp nập lắm! Nhiều loại hoa được trưng bày, nhiều nhất là Thủy Tiên. Loại này ngày xưa chỉ có những người nào có "tay nghề" biết tỉa Thủy Tiên, mới dám chơi, còn dân thường, ít khi dám đụng đến! Tỉa Thủy Tiên là thú chơi phong lưư của những nhà giàu có đất Bắc. Họ tỉa gọt khéo léo thế nào để Thủy tiên nở đúng vào sáng mồng một tết thì là đại phước, báo hiệu một năm mới thật nhiều may mắn! Thật là một thú chơi văn hóa, thanh tao, vào dịp tết, tuy "Nghề chơi cũng lắm công phu!" Hiện nay hình như việc tỉa Thủy Tiên đã được làm sống lại ở Lilltle Saigon, cũ Thúy Tiên và hoa Thủy Tiên có mặt khắp nơi, gía lại rẻ, nên có nhiều người tham gia để nhớ lại dư hương tết ngày xưa:
"Những người muôn năm cũ,
hồn ở đâu bây giờ?
Năm nay tôi thấy nhiều chậu hoa Đào đỏ, nhưng trông chưa bắt mắt, nên cũng không được chiếu cố nhiều Những gian hàng trưng bày các loại hoa Lan luôn đươc nhiều người chiếu cố, vì đẹp và dùng được lâu. Ngoài ra có nhiều gian hàng hoa Cúcvà nhiều loại hoa khác mà tôi không rõ tên, nhưng loại nào cũng đẹp!. Đúng là "Mỗi hoa mỗi vẻ mười phân vẹn mười". Có những loại hoa được trồng trong những khúc cây mỹ thuật,nhưng giá khá đắt từ 50 tới hơn 100 đô. Các chậu hoa Đào màu hồng đậm có lác đác. Riêng hoa Mai vàng thì thấy rất ít. Không biết từ lúc nào, tôi luôn mang ấn tượng Tết phải có hoa Mai vàng rực rở thì mới gọi là Tết!.; có lẽ vì sinh trưởng ở miền nam, nên Mai dối với tôi là một hình ảnh thân quen, không thể thiếu đươc, mỗi độ xuân về. Tôi yêu thích hoa Mai, một phần có thể vì hoa Mai còn là hình ảnh trên huy hiệu ngày xưa tôi luôn mang trên áo dài trắng mỗi ngày khi đi học ở trường Nữ trung học Gia Long. Gần khu nhà tôi ở Sàigòn, đặc biệt có một căn nhà nhỏ ở đường Bà Hạt, có cây Mai già (có lẽ phải trên 50 năm tuổi), mỗi năm tết đến, nó nở rộ vàng rực cả một góc khu phố. Thật là một cây Mai dẹp, quý hiếm!.Khi di Mỹ, tôi mơ ước sẽ đi làm để dành tiền về mua căn nhà nhỏ đó, chỉ với mục đích giữ lại cây Mai qúy đó, vì chung quanh nó người ta đã lần lần đập phá những căn nhà cũ để xây lên những căn phố lầu kiên cố. Tiếc thay tôi chưa kịp thực hiện ước mơ của mình thì căn nhà đã bị chủ mới đập phá và cây Mai đã bị chặt bỏ để xây lên một căn nhà lầu hiện đại. Thật tiếc và xót xa cho cây Mai qúy vô cùng!.
Mỗi lần được về VN vào dịp gần tết, tôi rất thích thú khi được đi thăm Hội Hoa Xuân ỏ vườn Tao Đàn , được nhìn ngắm lại những cây Mai nở rực rở một màu vàng thắm, những cây Mai bônsai uốn hình đủ kiểu với những hoa Mai 5 cánh khoe sắc thắm mỹ miều, tượng trưng cho nét đẹp của mùa Xuân. Bên cạnh đó là cả "rừng" hoa Đào khoe sắc hồng thắm, cùng không biết bao nhiêu là "kỳ hoa dị thảo" của các nghệ nhân từ khắp các miền đất nước mang về triển lãm, đặc biệt là việc dùng trái cây và hoa qủa để kết thành hình Rồng bay, Phượng múa rất công phu
Trước kia nhà tôi ở Sàigòn cũng có một cây Mai trước sân, cứ khoảng 2 tuần trước tết, tôi phải lo lặt hết tất cả các lá. Nhìn cây Mai trơ trụi, khẳng khiu trông thật thương, nhưng chỉ độ vài hôm sau,những lá non bé tí bắt đầu nhú ra khắp nơi , những chiếc lá non màu xanh cốm trông thật đáng yêu làm sao! Nó tượng trưng cho sự đâm lộc, nẩy chồi bắt đầu cuộc sống mới. hình ảnh này khiến tôi liên tưởng phải chi con người mỗi năm khi đón năm mới đến cũng rũ bỏ được những lo buồn tân toan của năm cũ sắp qua! Và lòng mình lại đâm chồi, nảy lộc để đón nhận những gì vui tươi, mới mẽ của một năm mới sắp đến, thì thật là vui biết mấy! Lúc đó có lẽ tấm lòng con người sẽ "trẻ mãi không gìa" vì luôn luôn được đổi mới mỗi năm. Thân xác chúng ta có thể gìa, nhưng tâm hồn ta luôn tươi mới, như vậy cũng đủ cho ta có một cuộc sống hạnh phúc trên trần gian này!
Mấy hôm trước tết, hoa bắt đầu đơm nụ, kết hoa rồi nở hoa. Sáng mồng một tết, ra sân nhìn hoa vàng nở rực trên cành, lòng tôi cũng thấy vui lây, như mùa xuân mới của hoa tươi, của thiên nhiên đất trời đang ngấm vào lòng mình!
Đang ngẩn ngơ trôi hồn về qúa khứ, với những kỷ niệm đẹp về hoa Xuân, bỗng nhiên tiếng pháo nổ ròn rã vang lên, làm tôi giật mình trở về hiện tại!. Nhìn quanh, tôi tìm xem tiếng pháo nổ phát xuất từ đâu? Cuối cùng tôi phát hiện, thì ra đó là pháo điện của một gian hàng bán pháo. Pháo nổ đì đùng như pháo thật, nhưng nó chỉ là pháo điện, hình thức bên ngoài nó như dây pháo thật! có lẽ người ta đã sáng kiến ra loại pháo này để vừa đáp ứng nhu cầu nghe pháo nổ ngày tết của mọi người, lại vừa đảm bảo an toàn không sợ ai bị phỏng, hay thương tích và sau đó lại không phải quét rác! Thật là tam tứ luỡng tiện, nhưng không biết sao tôi vẫn thích nghe tiếng pháo thật!. tôi hỏi thăm thì được biết giá 50 dồng một dây! Ở gian hàng này cũng bán rất nhiều pháo tép, cho trẻ con đập nổ choi cho vui. Đối với tôi ngày tết mà không có tiếng pháo nổ thì nó như thiếu cái hồn của ngày tết
Tôi nhớ năm 1993, tôi về thăm VN vào dịp Tết, từ 23 tháng chạp,đưa ông Táo về trời, tôi đã nghe pháo nổ rộn rã gần xa liên miên không dứt, dù đi đâu, hay ở bất cứ nơi nào. Chỉ nghe tiếng pháo nổ không thôi, tôi cũng đủ cảm thấy lòng rộn ràng chờ Tết đến (May thay đây là năm cuối cùng VN còn cho đốt pháo tết).Đến đêm giao Thừa, ôi thôi khỏi nói, không hiểu người ta có chia phiên nhau không, mà pháo cứ nổ liên tục,ròn rả từ chập tối cho đến cao điểm là phút Giao Thừa, pháo nổ liên miên ròn rả cho tới sáng mồng một tết. Qủa là không khí rộn ràng này chỉ có ở quê hương mới có mà thôi,vì nhà nhà đều đón tết, nhà nhà đều đốt pháo. Ở Mỹ và các nước khác dù giàu có , văn minh đến đâu, cũng không bao giờ tìm đươc không khí linh thiêng rộn ràng đón tết khắp nơi như ở quê hương.
Trước đây khi còn ở Sàigòn, năm nào ông xã tôi cũng mua pháo về kết thành dây dài 5,7 mét, mỗi phong pháo lại kèm thêm vài viên pháo đại. Sợi dây pháo được buộc vào một cây sào dài gác từ lan can trên lầu dài xuống tới đất. Giao Thừa đốt một dây, sáng mồng một tết trước khi xuất hành đốt một dây. Nghe pháo nổ dù phải bịt hai tai, rồi ôm chó con lại cho nó khỏi sợ, nhưng nghe pháo nổ ròn rã thật "đã" lổ tai , như vậy mới đúng là không khí Tết!. Ngoài ra còn một hình ảnh đẹp khác, đó là xác pháo hồng ngập đầy sân, đỏ đầy các lối đi nhỏ trong xóm. Sáng mồng một tết đi đến đâu cũng đều bước trên những con đường nhỏ ngập đầy xác pháo hồng đỏ thắm tươi
Nhiều người về VN ăn tết cũng chỉ vì mê nghe tiếng pháo ròn rã ngày tết. Bây giờ thì ngược lại vì VN cấm đốt pháo nên có người ở VN muốn qua Mỹ ăn tết để được nghe đốt pháo, tuy không đốt nhiều và liên tục, nhưng đi hội chợ Tết, hoặc chợ Hoa thỉnh thoảng vẫn được nghe tiếng pháo nổ ròn rã cho đở nhớ tiếng pháo tết năm xưa. Ngoài ra lại còn được xem diễn hành Tết cũng rất thú vị! rồi tham dự hội chợ Tết do Tổng hội sinh viên miền Nam Cali đứng ra tổ chức hằng năm, với cuộc thi Hoa Hậu thời trang…Đó là những nét sinh hoạt văn hóa mới nhân dịp tết của người Việt hải ngoại ở khu Lillte Sàigòn.
Có lẽ vì còn đến 2 tuần nữa mới đến tết, nên không khí mua sắm có vẽ còn thong thả. Mọi người chờ đến gần tết, may ra có thêm nhiều hoa đẹp hơn, giá hời hơn chăng?.Mới đây đọc báo VĐ, phóng sự ảnh, tôi được nhìn ngắm những hình ảnh các Thuyền Hoa ra chợ tết ở các tỉnh miền Tây, các xuồng ghe chở đầy các loại hoa từ các làng hoa nổi tiếng đổ xô từ trong vườn ra các chợ. Những hình ảnh Thuyền Hoa (đúng nghĩa), chở đầy các loại hoa tươi với đủ sắc màu góp phần tô điểm sắc xuân khắp sông nước miền Nam, thật đẹp và sống động làm sao! Cũng liên quan dến chợ hoa Tết, tuần trước nghe tin từ radio cho biết ở Hà Nội bây giờ có những "xe hoa’ tết di động (không phải là"gánh hành hoa" như ngày xưa mà là "xe hoa" thật!). Người bán hoa dùng xe đạp, đóng khung phía trước và sau rồi thồ hoa với đủ các loại hoa đầy màu sắc chất đầy trên xe. Họ di chuyển từ nơi này qua nơi khác để bán hoa cho khách dễ dàng. Đúng là những sáng kiến hay và độc đáo góp phần làm phong phú các loại hình "chợ Hoa Tết Việt Nam".
Lang thang hết khu bán hoa trước khu PLT, tôi men theo một lối nhỏ sang khu bên cạnh, thấy người ta bu đông nghẹt một chỗ, tôi không hiểu chuyện gì xảy ra? Hay là có gì bán sale đặc biệt ở đây?.Tới gần hỏi thăm, thì ra đó là sòng "bầu cua cá cọp", người ta đang bu lại, hăng hái sát phạt nhau. Có vài sòng bầu cua cá cọp ở đây, nhưng sòng này có vẻ xôm tụ nhất. Qủa là máu mê cờ bạc của dân VN khá cao, dù đã qua đến Mỹ.Trước đây, khi còn ở quê nhà, mỗi lần tết đến,tôi chỉ thích chơi bài Tam cúc, vì nó có vẽ "đấu trí" nhiều hơn là tính chất ăn thua, bài bạc. Món giải trí đầu năm này đã dần dần bị mai một theo thời gian, ngay cả ở VN. Bây giờ có lẽ chỉ có "bầu cua cá cọp" và bài cào là còn thịnh hành
Ở khu bên đây cũng có mấy người bán những cành hoa Đào, bó lại từng bó to, nhỏ. Nghe người bán dặn người mua đem về bỏ vô bình nước, tới tết thế nào hoa cũng nở nhiều và đẹp! Có vài người ngồi bán lẻ ở lề phố, có vẽ nghèo khổ, họ bán rau qủa và trái cây, có 2 ông ôm 2 thùng pháo nhỏ ngồi ở góc, mời khách qua lại ghé mua dùm, nhưng coi bộ cũng ế ẩm, tôi mua dùm một phong pháo (10 đô) để dành tết đốt cho có không khí tết. Nghe ông than bây giờ kinh tế khó khăn, buôn bán làm ăn, ế ẩm, cực khổ lắm!. Như vậy mới biết ở đâu cũng có những người giàu, và những kẻ khốn cùng, dù là ở Mỹ, chứ nhiều người, đặc biệt là người ở VN cứ tưởng nước Mỹ là thiên đường, ai ở Mỹ cũng kiếm tiền dễ dàng, hầu bao lúc nào cũng rũng rỉnh là lầm to!
Trời đã về chiều, và khá lạnh, ở Mỹ chúng ta đón tết vào mùa Đông nên khí hậu lạnh lẻo, không ám áp mùa xuân, như ở Việt Nam. Ở Nam Cali khí hậu còn đỡ, chứ mấy tiểu bang miền Bắc thì tuyết trắng phủ ngập trời. Sau khi mua một chậu đồng tiền, và một chậu hoa nhỏ, chúng tôi ra về, đâu đây vang vang lời bài hát "Ly ruợu mừng" thân quen, mỗi độ xuân về của nhạc sĩ Phạm đình Chương như một lời cầu chúc gửi đến mọi người:
" ..Nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai,
Nước non thanh bình, sáng trời tự do
Muôn nhà hạnh phúc chan hòa.."