Khủng Hoảng Khu Vực Ðồng Euro



I. Khủng hoảng ngân sách từ Hy lạp.

Các số liệu thống kê Hy lạp cho thấy quốc gia này có bách phân khiếm hụt ngân sách lên đến 12,70%, năm 2009, và 9,40% tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010.

Khu vực Euro gồm 16 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu (Bỉ, Hòa-lan, Pháp, Ý-đại-lợi, Đức, Lục-xâm-bảo, Ái-nhỉ-lan, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Áo-quốc, Phần-lan, Hy-lạp, Slovénie, Chypre (phần Hy-lạp), Malte, Cộng-hòa Tiệp (01.01.2009). Hy Lạp (357.547 triệu mỹ kim, năm 2008) chỉ chiếm khoảng 3% của tổng sản lượng nội địa khu vực đồng euro.

Trước khi gia nhập ngày 01.01.2001, Chính phủ Hy-lạp đã cam kết tuân theo các điều kiện qui định trong Hiệp ước Maastricht để tham gia khu vực đồng Euro:

- Lạm phát không vượt quá 1,5 điểm trên tỉ xuất thấp nhất của 3 quốc gia thành viên;

- Khiếm hụt tài chánh công phải dưới 3% TSLNĐ;

- Công nợ phải thấp hơn 60% TSLNĐ;

- Lãi xuất dài hạn không cao 2% hơn lãi xuất trung bình áp dụng tại 3 quốc gia thành viên thấp nhất;

- Phải tham gia hệ thống tiền tệ Âu châu ít nhất là 2 năm.

Ngày 12 và 13.09.2003 các tổng trưởng kinh tài trong khu Euro đã họp tại Streta (Ý) để thảo luận về tình trạng Tài chính công của các quốc gia thành viên, nhất là Pháp và Đức, hai quốc gia đã đòi các nước khác phải cam kết tuân giữ các điều kiện cần phải có để gia nhập Đồng tiền duy nhất Âu châu trong văn kiện mang tên 'Pacte de stabilté et de croissance' (Thỏa ước ổn định và tăng trưởng, Stability and Growth Pact, tiếng Anh).

Ngày 04.10.2009, Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Trong tháng 10 này, các số liệu cho tài chính công cho thấy mức thâm hụt ngân sách 12% và công nợ đến 113,4% TSLQN, năm 2009. Đây là một bất ngờ đối với tân chánh phủ vì họ chờ một sự thâm hụt ngân sách chỉ 6% TSLNĐ. Do đó, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra "toàn diện" để giải thích sự khác biệt này.

Tuy nhiên, sự bất ngờ này có thật không khi người ta tin rằng thâm hụt ngân sách Hy lạp trung bình từ 1991 đến 2007 là 6,8% TSLNĐ, chứ không là 3% để gia nhập Euro, đồng tiền chung Âu châu. Ngay đến bây giờ, các con số này vẫn còn giả!

Ngày 07.12.2009, Cơ quan đánh giá (rating agency, tiếng Anh và agence de notation, tiếng Pháp) Standard và Poor's đặt các tín dụng Hy lạp dưới sự giám sát của họ, với một nhìn tiêu cực. Hôm sau, Cơ quan đánh giá Pháp Fitch xếp hạng càng thấp hơn các khoản nợ này từ A- còn BBB+. Tại Athens, thị trường chứng khoán giảm 6% so với hôm trước.

Ngày 16.12.2009, Standard & Poor's đánh giá hạ xuống, ngang với Fitch vì tình hình tài chính Hy lạp xấu đi. Ngày 17.12, vài ngàn công nhân xuống đường theo lời kêu gọi của ngiệp đoàn theo Đảng Cộng sản để chống kế hoạch khắc khổ của Chính phủ.

Ngày 24.12.2009, Quốc hội đã thông qua bởi một đa số lớn ngân sách năm 2010, bằng một giảm thâm hụt còn 9,1% TSLNĐ vào năm 2010.

Ngày 06 đến 08.01.2010, các chuyên gia từ Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu (Eropean Central Bank, tiếng Anh và Banque centrale européenne, tiếng Pháp) để kiểm tra tài chính công Hy lạp. Ngày 13.01.2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo lời yêu cầu của Hy lạp, nghiên cứu những khả năng hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng lại nền tài chính của mình.

Ngày 14.01.2010, Chính phủ công bố kế hoạch khắc khổ của Hy lạp, mà mục tiêu là củng cố tài chính thông qua việc giảm chi tiêu công cộng tới 47,7% TSLNĐ năm 2013, so với 52% trong năm 2009.

Ngày 15.01.2010, Chính phủ Hy lạp nạp chương trình khắc khổ (austerity program, tiếng Anh và programme d'austérité, tiếng Pháp) cho Ủy ban Âu châu. Trong đó, để giảm thâm hụt ngân sách 4% TSLNĐ năm 2010, công chức sẽ bị cắt 25% tiền lương, ngưng tuyển nhân viên, bãi bỏ các ưu đãi về thuế. Ngày 19.01.2010, Tổng trưởng Tài chính Hy lạp George Papaconstantinou trình bày với các đồng nghiệp Âu châu các biện pháp để giảm thâm hụt nước ông.

Ngày 25.01.2010, Bộ Tài chính Hy lạp phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm đã đạt được thành công lớn, với năm lần cao hơn dự kiến, thu được 25 tỷ euro. Ngày 27.01, một bài báo Financial Times nói rằng Hy lạp ước muốn Trung Quốc muốn mua 25 tỷ euro trái phiếu, nhưng chánh phủ Hy lạp từ đính chánh.

Ngày 28.01.2010, năng suất các trái phiếu Hy lạp tăng cao tới mực chưa từng thấy từ ngày nước này gia nhập khu vực Euro là 7,15%. Tại Diễn đàn Davos (Thụy sĩ) vừa qua, Thủ tướng Hy lạp Georges Papandréou lên án những cuộc tấn công so với euro. Một vài quốc gia (Hy lạp, Tây ban nha, với thâm hụt ngân sách 11,40% TSLNĐ, và Bồ đào nha, 9,30% TSLNĐ…) được xem như là những nước yếu kém và đang bị nhắm vào để đánh phá.

Ngày 03.02.2010, Ủy ban Âu châu chấp thuận kế hoạch tiết kiệm ngân sách của Hy lạp, đồng thời đặt Hy lạp dưới sự giám sát và mở một cuộc điều tra những vi phạm vì số liệu thống kê không đáng tin cậy.

Ngày 05.02.2010, đồng euro đã giảm đến mức thấp nhất trong hơn tám tháng qua: chỉ cần 1,3586 mỹ kim để mua 1 euro, bởi những tấn công đầu cơ, trước những lo ngại về sự vững mạnh của khu vực Euro. Ngoài ra, kinh tế thế giới cho thấy có những dấu hiệu bất trắc. Kinh tế Hoa kỳ có số thất nghiệp cao, lại bị bội chi quá nặng. Kinh tế Nhật bản chưa ra khỏi suy trầm. Bất trắc nhất là ở Âu châu vì khủng hoảng Hy lạp có thể lan ra cả khu vực Euro và gây hậu quả cho toàn Liên hiệp Âu Châu. Do đó, các thị trường chứng khoán thế giới đều tuột giá nặng (Paris, chỉ số CAC40 sụt 3,40%, Athène 3,73% so với hôm trước…).

Ngày 09.02.2010, Chính phủ Hy lạp đề xuất trì hoãn do hai năm tuổi trung bình về hưu ở tuổi 63. Hôm sau, ngày 10.02, một ngày đình công của các công chức Hy lạp chống lại các biện pháp trong chương trình khắc khổ của chính quyền xã hội.

II. Nguyên nhân khủng hoảng.

A. Nước Hy lạp

1. Trách nhiệm người dân.

Nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo. Lý do là vì không một ai chịu trả thuế… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng Thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp… Những người vẫn xuống đường biểu tình không có vẻ sẵn sàng chấp nhận làm những cố gắng để cứu Hy lạp ra khỏi tình trạng phá sản. Trong khi đó, trách nhiệm của Nhà nước lâu nay đã che giấu thực trạng kinh tế Hy lạp đối với các thành viên khác trong Liên Hiệp Âu châu bằng đưa ra những con số thống kê hàng năm không phù hợp với thực tế về nền kinh tế Hy lạp.

2. Trách nhiệm của nạn đầu cơ.

Năm 2008, chánh phủ các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu đã chi ra những món tiền khổng lồ, tương đương với 25% TSLNĐ, theo ước tính Ngân hàng Trung ương Âu châu, để giúp các ngân hàng mang nợ, thì giờ đây chính các ngân hàng này lại tấn công các quốc gia đang bị gánh nặng công nợ bằng cách đầu cơ trên những khó khăn của chính quyền để thanh toán nợ. Những nhà đầu cơ đó là một ngân hàng đầu tư và các quỹ đầu cơ (hedge funds).

B. Các quốc gia khác.

1. Khó khăn về Tài chính

Năm 2008, Âu châu phạm đã sai lầm cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính sang phần đất họ từ Hoa kỳ trong khi, thực chất, tích lũy từ đã lâu trong cơ chế kinh tế Âu châu. Nền kinh tế tại đây cũng có hệ thống tài chính ngân hàng với bong bóng đầu tư về địa ốc, có nạn tín dụng thứ cấp đầy rủi ro.

Để giúp thổi phòng bong bóng đầu tư về địa ốc, các ngân hàng cấp phát tín dụng với lãi suất rẻ để phát triển những quốc gia vừa thoái khỏi thãm họa cộng sản ở Đông Âu (Lỗ–ma-ni, Hung-gia-lợi,…) bằng đồng euro mạnh nhờ vào Mark nước Đức.

Sau khi vào khu vực Euro, nhiều quốc gia yếu kém đã bắt chước Đức bảo trợ các tín dụng, nay các ngân hàng vỡ nợ và bị phá sản, như Ái nhĩ lan (Ireland, năm 2009), Hy lạp (Greece, hiện nay), có thể kể đến Bồ đào nha (Portugal), Tây ban nha (Spain) và Ý đại lợi (Italia). Một sự trùng hợp, trong các bài kinh tế Anh ngữ, chử đầu bằng tiếng Anh của bốn quốc gia này ghép lại thành chữ’ PIGS có nghĩa là ‘những con heo’.

Hiện nay, người ta nói đến hiện tượng domino khi lo ngại những khó khăn kinh tế và tài chính nầy có thể sang các nước khác như Pháp và Bỉ.

2. Khó khăn do chi về xã hội.

Các nước Âu châu có tinh thần ‘xã hội chủ nghĩa’ [Vì tinh thần xã hội chủ nghĩa thật sự, họ đã mở rộng cửa đón người Việt tị nạn và chia sẻ ‘bánh mì’ cùng áo mặc trong nhiều thập niên. Cám ơn.] vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. Các khoản chi xã hội ấy đã tạo ra những chi lớn cho công chi quốc gia (Pháp chi tới 17,5%, Ý đến 17,7% TSLNĐ mỗi nước).

Để điền khuyết vào khiếm hụt ngân sách thì Chánh phủ phải đi vay và càng vay nhiều thì càng phải trả lãi suất càng cao vì khả năng hoàn trái càng giảm.

III. Vấn đề đặt ra: Phải hành động để cứu Hy lạp hay không ?

Đây là cuộc trắc nghiệm đầu tiên về sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên khối Euro, sau khi ra đời cách đây hơn 11 năm (ngày 01.01.1999. Phải cứu Hy lạp đang bên bờ phá sản khi do chính lỗi của người dân và chính quyền nước họ? Hai khuynh hướng:

a. Không vì ‘không thể thưởng cho học trò lười, nếu không sẽ chẳng còn kỷ luật nữa.’

b. Kinh nghiệm cho thấy: năm 2008, khi ngân hàng Mỹ Lehman Brothers lâm vào tình trạng phá sản, Chính phủ Hoa kỳ không tiếp cứu ? Sự phá sản của ngạn hàng này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và kế hoạch đối phó với khủng hoảng đã tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra để cứu vớt ngay từ đầu. Do đó, cần cứu Hy lạp hôm nay để tránh chi tiêu nhiều hơn ngày mai.

IV. Cứu giúp thế nào ?

1. Song phương hỗ trợ.

Về mặt kỹ thuật, các quốc gia của Liên minh Âu châu phải tôn trọng Điều 123 của Hiệp ước Lisbon, theo nguyên tắc, cấm một quốc gia thành viên trợ giúp một nước khác.

Vì thế, người ta đã phải nghĩ đến các giải pháp khác:

a.- Những khoản vay song phương. Các quốc gia liên quan chủ yếu như Pháp và Đức được lưu ý. Hiệp ước Lisbon cấm các Ngân hàng Trung ương âu châu cho các quốc gia thành viên vay tiền, nhưng các quốc gia thành viên vẫn có thể hỗ trợ tài chính cho các đối tác khác trong khu vực Euro, cá nhân hay tập thể.

- Chấp thuận khoản tín dụng chờ (standby facility, tiếng Anh và lignes de crédit hay crédit en lignes, tiếng Pháp) như áp dụng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một quốc gia thuận mở một khoản tín dụng cho các nước đang gặp khó khăn, với những điều kiện nghiêm ngặt để rút ra.

- Bảo đảm vay nợ. Các quốc gia thành viên bảo đảm để Hy lạp vay nợ hay hức sẽ mua trái phiếu Hy lạp phát hành.

- Sự can thiệp của Ngân hàng Đầu tư Âu châu. Ngân hàng này có thể vay trên thị trường tài chính để tài trợ các dự án nhằm hiện đại hoá nền kinh tế.

b- Trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo khu vực Euro phản đối.

Trong quá khứ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã từng yểm trợ tài chính cho Lỗ–ma-ni, Hung-gia-lợi và Lát-via, nhưng cả ba nước vừa kể không nằm trong khu vực Euro. Hy lạp, một quốc gia thành viên khu vực Euro phải nhờ cậy đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là một mối nhục nhã cho cả khu vực.

V. Hành động cuối cùng.

Ngày 11.02.2010, giới kinh tài toàn cầu, nói chung, và tại các quốc gia thành viên khu vực Euro, nói riêng đều hướng chờ quyết định của Hội đồng Âu châu (lãnh đạo, Tổng thống và Thủ tướng, 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Âu châu) lần đầu tiên họp dưới sự điều khiển của Chủ tịch Herman Van Rompuy(1) tại Bruxelles (Vương quốc Bỉ).

[Chủ tịch Herman Van Rompuy(1) có nhiệm kỳ 2,5 năm chủ tọa các phiên họp Hội đồng Âu châu khi họp ngoài Tây ban nha. Nếu Hội đồng Âu châu họp tại Tây ban nha, Chủ tịch luân phiên 6 tháng José Luis Rodriguez Zapatero sẽ chủ tọa trong sáu tháng đầu năm 2010.]

Kết quả phiên họp thượng đỉnh chỉ là một tuyên bố chính trị, xác định quyết tâm giúp đỡ Hy lạp của Liên hiệp Âu châu:

- Hy lạp luôn có chỗ đứng trong Liên hiệp Âu châu và không bao giờ bị Liên hiệp bỏ rơi;

- Thủ tướng Hy lạp không ngừng đưa ra những cam kết đầy thiện chí, chấp nhận chế độ bảo hộ của Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu và chấp thuận để Ủy ban Âu châu xem xét hàng tháng việc thực hiện chương trình khắc khổ.

Đây như là một thông điệp chính trị mạnh mẽ của Liên hiệp Âu châu nói lên quyết tâm trợ giúp Hy lạp và, đồng thời để làm nản chỉ giới đầu cơ tài chính, đã liên tục tấn công đồng Euro từ một tuần qua.

Tuy nhiên, khi Euro mất giá, trong giới hạn hợp lý, so với mỹ kim thì hàng hóa và dịch vụ xuất cảng của các quốc gia khu Euro dễ cạnh tranh hơn. Nếu việc xuất cảng triến triển tốt, thì hy vọng phục hồi kinh tế khu vực Euro sớm trở thành sự thật.

Ngày 18.02.2010, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa kỳ tăng lãi suất chiết khấu 0,25%, từ 0,50% lên 0,75% vì kinh tế nước này đã tăng trong hai quý liên tiếp khiến thẩm quyền bắt đầu tính đến khả năng giới hạn tín dụng. Mức lãi suất chỉ đạo, từ cuối 2008 đến nay, vẫn được duy trì với mức giao động từ 0 đến 0,25%. Tuy nhiên, hành động đó của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa kỳ đã làm đồng euro rơi xuống mức một euro chỉ đổi lấy 1,34 mỹ kim, mức thấp nhất kể từ 9 tháng qua.

Hà Minh Thảo