Những Người Mỹ Phản Chiến Mà Tôi Quen Biết

3/ Jackie Chagnon, chuyên gia quốc tế về Lào.

Jackie Chagnon sinh trưởng tại tiểu bang Connecticut thuộc miền New England, gốc gác tổ tiên là người công giáo di dân từ bên Pháp. Chị thuộc lứa tuổi “boomer” như Tổng thống Bush và Clinton, tức là sinh sau thời đệ nhị thế chiến. Là người rất năng nổ tháo vát, Jackie được học bổng để theo học tại đại học nổi danh là George Washington University (GWU) tại thủ đô nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học tại đây vào năm 1968, chị qua Việt nam làm việc cho cơ quan Cứu trợ công giáo Mỹ (Catholic Relief Service = CRS). Được ít lâu, thì Jackie chuyển sang làm việc thiện nguyện với Đòan Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS) và đến cuối năm 1970 thì trở về Mỹ để học lên bậc cao học.

Trong thời gian từ 1971 trở đi, thì Jackie tham gia rất tích cực với phong trào phản chiến đang lên cao trong giới sinh viên tại các trường đại học lớn ở Mỹ, cũng như trong giới cưụ quân nhân từ chiến trường Việt nam trở về, mà điển hình là John Kerry hiện đang là một nghị sĩ đại diện tiểu bang Massachusetts. Cùng với Don Luce, Jackie đã cho xuất bản một tập thơ có nhan đề : “We Promise One Another : Poems from An Asian War” (Chúng ta đoan hưá với nhau : Các bài thơ từ một cuốc chiến tranh ở Á châu). Tập thơ này được phổ biến rất rộng rãi trong các nhóm phản chiến khắp nơi trên đất Mỹ, do tổ chức “Indochina Mobile Education Project” xuất bản vào cuối năm 1971. Jackie còn đi theo một đoàn di chuyển trên một cái xe lưu động để tổ chức các buổi diễn thuyết và triển lãm tại nhiều tiểu bang, nhằm gây ý thức sâu rộng trong quần chúng để vận động làm áp lục buộc chánh phủ Mỹ phải mau sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt nam.

Những chi tiết hoạt động cuả Jackie cũng như cuả Don Luce trong thời kỳ này, tôi chỉ biết lơ mơ đại khái như vậy, chứ không thể biết rành rẽ được. Lý do là vì hồi đó tôi rất bận rộn với chuyện chăm sóc gia đình với các cháu còn nhỏ dại, mà cũng lại phải lo chuyện làm ăn để nuôi cả gia đình nưã chứ. Tôi chỉ biết qua báo chí về các cuộc biểu tình thật rầm rộ ở Mỹ, cũng như những chuyện giật gân như vụ Watergate khiến cho chánh quyền cuả Tổng thống Nixon phải thất điên bát đảo trong việc đối phó với áp lực cuả công luận, cuả báo chí cũng như cuả Quốc hội Mỹ. Và rút cục chuyện đổ bể từ vụ Watergate đã đưa Richard Nixon đến quyết định phải từ chức khỏi cương vị Tổng thống trong một hoàn cảnh hết sức là nhục nhã, thê thảm vào giưã năm 1974.

Trở lại với chuyện cuả Jackie Chagnon, thì vào đầu năm 1974 chị trở qua Saigon cùng với một chị bạn khác tên là Jayne Werner. Gặp lại tôi, Jackie cho biết là chị cùng với Jayne vưà mới tham gia một phái đoàn thân hữu từ Mỹ đi viếng thăm Hanoi, và khi trở về thì hai người ghé qua Lào, để đổi máy bay vào Saigon. Jackie nhờ tôi dẫn đi thăm mấy người bạn chị quen biết mấy năm trước đây khi làm việc với IVS ở Saigon. Chị cũng nhờ tôi dẫn đi thăm trụ sở cũ cuả IVS trong khu chăn nuôi Tân nơn nhất, gần với Ngã tư Bảy Hiền. Trụ sở này đã được trao trả lại từ năm 1971 khi IVS chấm dứt hợp đồng công tác ở Việt nam. Jackie rất thích thú được thấy lại “ mái nhà xưa”, nơi mà chị cùng các bạn IVS đã từng sinh sống và làm việc hồi những năm 1968-70. Chị cũng chụp một số ảnh để làm kỷ niệm cho các bạn IVS mà hiện nay đã phân tán khắp nơi trên nước Mỹ.

Còn riêng với Jayne Werner, thì chị nhờ tôi dẫn đi nhiều nơi để tìm kiếm tài liệu cho việc soạn luận án để thi lấy bằng tiến sĩ về sử học tại đại học Columbia ở New York. Chủ đề nghiên cưú cuả chị là : “ Bước đầu cuả sự thành lập đạo Cao Đài ở miền Nam Việt nam”. Jayne nói rằng đã lục lọi khắp các thư viện ở Mỹ cũng như ở Pháp, mà vẫn không có được các chi tiết cần thiết cho việc nghiên cứu. Cho nên chị phải đến tận Việt nam để mà truy tìm ra các tài liệu này. Tôi đã phải giới thiệu cho chị đến gặp luật sư Trần văn Tuyên cũng như với nhiều chức sắc khác cuả đạo Cao Đài, để cho chị có thể trực tiếp phỏng vấn quý vị đã từng sinh hoạt lâu năm trong đạo. Và đặc biệt, tôi đã đến gặp cụ Đỗ Văn Rỡ lúc đó giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, người mới được bổ nhiệm thay thế cụ Mai Thọ Truyền đã từ trần vào năm 1973. Cụ Rỡ đã chỉ thị cho Nha Văn khố để mở kho Lưu trữ cho chị Jayne lục tìm tài liệu từ hồi năm 1921-25 dưới thới Pháp thuộc, liên hệ đến việc các nhân vật sáng lập đạo Cao Đài xin chánh quyền thời đó cho phép mở các buổi lễ “Cầu Cơ xin các bậc Tiên Thánh giáng bút” chỉ dẫn cho người thỉnh nguyện. Việc này may mắn làm sao lại đã giúp cho Jayne tìm được các tài liệu chị đang cần đến, hầu giúp hoàn thành công trình nghiên cứu quan trọng cuả chị. Lúc từ giã tôi trước khi trở về Mỹ, Jayne đã cảm ơn tôi rối rít và hẹn sẽ có dịp gặp lại tôi để “trả ơn lại cho tôi” về sự giúp đỡ này. Chị nói nguyên văn như sau : “ I do hope to be able to return your favor some day...” Ấy thế mà suốt từ mấy chục năm nay, tôi đã chẳng có dịp nào gặp lại chị nữa. Thôi thì cứ để tuỳ duyên mà thôi.

Lại trở về với Jackie Chagnon, thì tôi đã tới thăm viếng gia đình chị tại nông trại ở Missouri 2 lần trong năm 2000 và 2008 mới đây. Jackie và chồng tên là Roger Rumpf có một cháu gái tên là Miranda hiện đang học đại học. Anh chị có một nông trại rộng đến trên 20 acres tại thành phố Warrenburg, kề sát với bình nguyên Ozark. Roger bị đau nặng mấy năm nay, nên mọi chuyện gia đình đều do Jackie cáng đáng hết. Thành ra Jackie phải di chuyển thường xuyên giưã Mỹ và Á châu, vì Jackie vẫn còn phải phụ trách công việc ở Lào, Thái Lan, Philippines và cả Indonesia. Đó là công việc Jackie đã theo đuổi từ trên 30 năm nay, sau khi chiến tranh Việt nam kết thúc năm 1975. Jackie tâm sự với tôi : “Anh có biết không, bây giờ tôi là một thứ điạ chủ chính hiệu rồi. Tôi hiện có 3 căn nhà ở Connecticut là quê hương bản quán cuả tôi, ở Missouri này là quê hương cuả ông xã Roger, còn ở Vientiane là nơi tôi làm việc suốt từ hơn 30 năm nay.”

Làm việc trong môi trường quốc tế rộng lớn, nên Jackie rất thông thạo việc phân tích tình hình và đề ra giải pháp thích hợp với hoàn cảnh thay đổi mau lẹ. Tôi được đọc những phúc trình do Jackie soạn thảo và thật cảm phục cái lề lối giải quyết công việc cuả chị. Jackie nói : Các dự án về xây dựng phát triển, cũng như các việc cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân thiên tai bão lụt hay nạn nhân chiến tranh, thì đã có nhiều tổ chức khác cáng đáng được rồi. Còn tổ chức Quaker cuả chúng tôi, thì phải tập trung vào công cuộc xây dựng hoà bình, dàn xếp các mối tranh chấp (settlement of conflict), hàn gắn những đổ vỡ hận thù giữa các nhóm đối nghịch trong xã hội. Đây là loại công việc rất khó khăn phức tạp, nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, tinh tế và tinh thần hy sinh cao độ. Vì phải làm sao cho các bên đối nghịch có được sự tin tưởng đối với người trung gian hoà giải, thì mới mong có thể thuyết phục cho mỗi phiá chấp nhận một sự thoả hiệp nào đó, hầu chuyển hoá được sự tranh chấp. Tôi thật sự cảm kích trước sự miệt mài cuả Jackie trong suốt mấy chục năm làm việc ở Á châu, đặc biệt là ở Lào. Mà nay, chị cũng đang chuẩn bị để sắp sưả về hưu nưã, vì tuổi tác cũng đã lớn rồi, mà lại còn phải chăm lo đặc biệt cho Roger đau bệnh đã nhiều năm nay.

Lúc nào chuyện trò với Jackie, tôi cũng cảm thấy như được tiếp sức thêm với niềm lạc quan phấn khởi, vì sự quan tâm sâu sắc cuả chị đối với nhân quần xã hội. Tôi rất nhớ đến quan điểm cuả chị khi chúng tôi nói chuyện về Đại hội Olympic năm 2008 tại Bắc kinh. Khi thấy mấy người chê bai cái lề lối làm việc cứng rắn cuả Trung quốc nhằm ngăn chặn những cuộc biểu tình phản kháng, thì Jackie nói : “Các bạn phải thông cảm với nỗi nhục nhằn cuả cả nước Trung Hoa do các cường quốc phương Tây gây ra. Nay có cơ hội, thì người Trung quốc muốn tìm cách nêu cao danh dự cuả dân tộc mình. Bởi vậy mà ta cũng phải thông cảm cho cái mối quan tâm đến sĩ diện cuả giống nòi cuả họ chứ !”

Tôi trông đợi sẽ có dịp gặp gỡ trao đổi với Jackie Chagnon nhiều hơn nưã.