Linh Mục Inoue là một người Nhật Bản, tốt nghiệp tại Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sau khi về nước, cha được chỉ định giảng dạy tại Viện Đại Học Eichi, Amagasaki, Tổng Giáo Phận Osaka nơi cha đã sinh trưởng. Cha Inoue vẫn nói rằng ngài thích diễn tả về vẻ đẹp của Giáo Hội Công Giáo hơn là nói về các tôn giáo khác: "Tôi tin nhiều người sẽ nhận được giáo huấn của Chúa Kitô nếu họ được nghe trình bày về nét đẹp của Giáo Hội Công Giáo hơn là phê bình về các tôn giáo khác họ đang theo." Cũng chính vì nét đẹp của giáo huấn Chúa Kitô mà cha Inoue đã trở thành người Công Giáo.
Dưới đây là lời bộc bạch của cha Inoue...
Vào ngày lãnh chức Linh Mục, khi ban Phép Lành đầu tiên cho mọi người, tôi cũng đã trao cho mỗi người một ảnh Đức Mẹ có in hàng chữ được trích ra từ Thánh Vịnh: "Tôi lấy gì đền đáp Chúa vì những Ơn Ngài đã ban cho tôi?" Câu Thánh Vịnh này diễn tả thật đúng tâm trạng của tôi trong ngày trọng đại tôi được chọn làm Linh Mục.
Câu Thánh Vịnh này cũng đã in sâu trong tâm trí tôi từ ngày tôi được nhận vào Giáo Hội và trải qua bao nhiêu năm, tôi hằng suy tưởng, lập đi lập lại. Tôi cảm thấy đúng như lời Thánh Gioan Tông Đồ: "Không phải tôi yêu Chúa, nhưng vì chính Chúa yêu tôi trước." Thật vậy, ngay khi còn là một người ngoại đạo, chập chững những bước chân trong tối tăm, không hề nghe biết Chúa, tôi đã có linh cảm rằng Chúa yêu tôi, và quan phòng cho tôi một chương trình phục vụ quanh bàn tiệc Ngài. ( Tv 88, 1 )
Tôi sinh trưởng tại Osaka, Nhật Bản ngày 24 tháng 1 năm 1935. Gia đình tôi là một gia đình theo truyền thống Phật Giáo lâu đời. Khi còn nhỏ, tôi đi từng ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhận thức về thế giới chung quanh tôi. Nhìn ông bà, cha mẹ tôi thành khẩn ngồi trước bàn thờ mỗi ngày, đầu cúi thấp trong dáng điệu cầu nguyện. Tôi hiện diện và làm chứng cho những nụ cười sung sướng, hạnh phúc diễn tả trên những khuôn mặt người thân sau một ngày làm lụng vất vả.
Là một thương gia, cha tôi hầu như phải vắng mặt cả ngày. Vì vậy, mỗi buổi chiều, ngay khi nghe tiếng cha tôi về đến là anh em chúng tôi đã nhao lên: "Ba về ! Ba về!" và chạy ào vào lòng ba tôi hỏi rối rít: "Ba đã về, ba đã về! Ba có gì cho chúng con không?"
Nhưng hạnh phúc, sung sướng ấy trong êm ấm của gia đình tôi đã bị chiến tranh cướp mất. Thật khó lòng quên được những đêm dài đen tối chúng tôi phải chui rúc dưới hầm trú ẩn trong khi bom đạn chiến tranh cày phá thành phố tan tành. Cha tôi lúc nào cũng chân trong chân ngoài sẵn sàng tiếp cứu cả nhà nếu bị trúng bom. Mẹ tôi thì thầm tụng kinh niệm Phật, tay ôm chặt đứa em gái của tôi trong căn hầm bé nhỏ. Đã có những gia đình đem gửi con cái đi một nơi khác để tìm sự an toàn. Thật là khủng khiếp. Một hôm nọ, một quả bom rơi ngay trước cửa nhà tôi, nhưng may mắn nó không nổ và vì thế cả gia đình tôi thoát chết.
Khi chiến tranh kết thúc, thành phố Osaka hoàn toàn bị tiêu hủy, chỉ còn sót lại những hoang tàn đổ nát. Không diễn tả nổi những khó khăn và vất vả cha mẹ tôi đã vượt qua để nuôi dạy chúng tôi trong thời gian đó. Một trong những sự khó khăn đó là làm sao tìm được một trường trung học cho tôi theo học. Hầu hết các trường học đã bị tàn phá do bom đạn chiến tranh, phải mất nhiều năm nữa các trường trung học của chính phủ mới có thể hoạt động lại được. Chúng tôi buộc phải tìm đến các trường tư thục, những trường này một phần đã được sửa lại do tư nhân và sẵn sàng hoạt động.
Một buổi tối cha tôi trở về sau một ngày lang thang tìm trường học cho tôi. Cha tôi nói: "Mất mấy giờ đồng hồ đi bộ trong thành phố, ba đã đến ba trường học. Trường thứ ba có lẽ được nhất, nhưng là một trường tư thục của đạo Công Giáo, người thư ký tiếp đón có vẻ ân cần, thân thiện". Lúc đó làm sao ba tôi hiểu được rằng chính Thiên Chúa đã dẫn ông tới trường học này để cuối cùng quyết định gửi tôi theo học tại đây.
Đó là một trường học do các Sư Huynh Dòng Maria thành lập và điều hành. Một nửa ngôi nhà trường đã bị sập vì bom đạn nhưng đang được sửa chữa. Cha tôi nói thêm: "Dù đó là một trường học của đạo Công Giáo, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại đó là nơi duy nhất con có thể theo học được."
Ngày 17 tháng 3 năm 1947 là ngày thi tuyển học sinh nhập trường. Đi bên cạnh cha tôi đến trường, trong trí tôi bao nhiêu ý tưởng hỗn độn. Khi vị giám khảo xuất hiện hướng dẫn các thí sinh vào phòng thi, cha tôi nói nhỏ vào tai tôi: "Con phải tự tin, Con sẽ thi đậu!"
Kết quả của kỳ thi tuyển được gửi tới nhà trong những ngày sau đó. Mẹ tôi và tôi hân hoan khi nhìn thấy tên tôi trong danh sách của 200 học sinh được tuyển lựa từ 500 thí sinh dự thi. Tôi hãnh diện đón nhận lời chúc mừng của cha mẹ, anh em, bạn bè và những thày cô cũ. Thế là tôi nhập học Trường Trung Học Công Giáo Mei Sei.
Tại đây, một đời sống mới bắt đầu, lớp tôi được hướng dẫn do Sư Huynh Kosugi. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi đã nhận thấy Sư Huynh Kosugi là một người khác thường, từ nơi ông thoát ra một sự khiêm tốn chân thành. Tôi cảm thấy yên tâm khi sống bên cạnh ông. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng tôi đã phán đoán đúng.
Ngay sau khi ghi danh nhập học, Sư Huynh Maeda dẫn chúng tôi vào Nhà Nguyện. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi đến thăm Nhà của Chúa. Tôi thán phục vẻ đẹp đơn sơ của bàn thờ, tôi tán tụng vẻ yêu kiều của bức tượng Đức Trinh Nữ Maria, tôi chiêm ngưỡng những bức tranh màu ghép trên kiếng cửa sổ. Quang cảnh này nhắc nhở mọi ngừơi rằng họ đang hiện diện tại một nơi trang nghiêm thánh thiện.
Sư Huynh hướng dẫn giảng giải cho chúng tôi về Nhà Nguyện. Sư Huynh nói: "Trên bàn thờ có Thiên Chúa ngự..." Tôi muốn lên tiếng hỏi Sư Huynh: "Nếu Thiên Chúa ngự ở đó sao chúng ta không trông thấy?" Nhưng tôi lại nghĩ thêm: "Có lẽ khi nói rằng Thiên Chúa ngự nơi đó nghĩa là Thiên Chúa ngự đó một cách thiêng liêng vô hình." Lần đầu tiên trong đời, người ta cho tôi biết Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa và Chúa Giêsu được sinh ra do Đức Mẹ Maria.
Trong thời khóa biểu của chương trình học, tôi thấy có vài môn học lạ, đó là môn Giáo Lý. Tôi tò mò muốn biết môn học đó dạy về vấn đề gì.
Sư Huynh Satowaki vào lớp với một cuốn tiểu thuyết trên tay. Sư Huynh bảo rằng sẽ đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện và sau khi chấm dứt, Sư Huynh hỏi chúng tôi nghĩ sao về câu chuyện đó. Với tôi đó là một câu chuyện thật lý thú. Cho mãi đến nay, tôi vẫn có thể kể lại một cách rành mạch. Câu chuyện như thế này:
Một người kỵ binh Âu Châu phải đối diện với một hoàn cảnh đau khổ ghê gớm: Anh ta chứng kiến cái chết của cha mình. Sau đó bị tịch thu hết tài sản, bị đuổi ra khỏi nhà, bị bắt đi tù. Anh trốn được. Trên đường đi trốn, anh gặp một Tu Sĩ, anh kể cho vị Tu Sĩ nghe những sự việc đã xảy ra cho anh và gia đình. Vị Tu Sĩ thương cảm, chia buồn và an ủi anh nhưng không thuyết phục được anh từ bỏ ý định trả thù.
Câu chuyện kể tới đó thì chuông tan học reo, Sư Huynh bảo các học sinh khi về nhà viết lại cảm tưởng của mình sau khi nghe về câu chuyện. Câu chuyện làm tôi suy nghĩ thật nhiều: Tôi sẽ làm gì, nếu tôi là người kỵ binh ấy, cuối cùng, tôi quyết định viết: "Người kỵ binh ấy nên can đảm chấp nhận cái chết của cha mình và lên đường trả thù". Thật ra, đây chính là truyền thống của dân tộc Nhật Bản, còn gọi là Samurai. Tôi nghĩ rằng bài làm của tôi sẽ được điểm cao.
Vào buổi học Giáo Lý kế đó, thay vì thất vọng, tôi ngạc nhiên về kết quả của bài làm đã được chấm dưới một nhãn quan mới. Tôi được cho biết rằng tha thứ là một hành động thánh thiện của nhân đức. Tôi được biết rằng Công Giáo là một tôn giáo của tha thứ và việc Chúa Giêsu chết trên Thập giá là để tha thứ tội lỗi nhân loại.
Rồi Sư Huynh Satowaki đọc đoạn Kinh Thánh: "Phúc cho những ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no thỏa. Phúc cho những ai thương xót vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai tạo hòa thuận vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì họ sẽ được nước trời làm gia nghiệp. Phúc cho các ngươi khi người ta ghen ghét, bách hại các ngươi vì Danh Ta, hãy vui mừng vì phần thưởng các ngươi sẽ trọng đại ở trên trời." ( Mt 5, 1 – 12 )
Lời Chúa trong Phúc Âm thu hút tôi. Giáo huấn của Chúa Giêsu quá cao đẹp! Thật cao cả và giá trị, một giáo huấn khác biệt với các giáo huấn của các tôn giáo tôi đã biết. Tôi ước ao được học hỏi nhiều hơn. Tôi biết ơn Chúa đã tràn đầy tâm hồn tôi, thúc đẩy tôi đi tìm chân lý.
Tôi đến tham dự Thánh Lễ trong Nhà Nguyện. Trong Thánh Lễ, Sư Huynh Kosugi hướng dẫn mọi người cầu nguyện. Tôi không hiểu tiếng La-tinh, nhưng điều này không quan trọng vì tôi đã từng tham dự những buổi cầu nguyện theo nghi thức Phật Giáo mà cũng không hiểu gì cả. Trong một buổi cầu nguyện theo Phật Giáo, bầu không khí buồn tẻ như có người chết. Trong khi Thánh Lễ ở đây có vẻ sống động và có ý nghĩa hơn.
Tôi gặp những người đi dự Lễ, nam có, nữ có họ cầu nguyện thật sốt sắng và khi ra về, niềm hân hoan vui sướng hiển hiện trên khuôn mặt họ. Chính tôi cũng có được tâm trạng hân hoan vui sướng như họ và mãi mười năm sau, khi em gái tôi tham dự Thánh Lễ lần đầu tiên em cũng có những xúc cảm tương tự. Em tôi nói: "Những người già cả đi chùa, trong khi những người trẻ đi Nhà Thờ".
Sư Huynh Kosugi cho tôi một tấm thiệp, một mặt có in Kinh Lạy Cha. Một Chúa Nhật nọ sau Thánh Lễ, Sư Huynh hướng dẫn chúng tôi vào một phòng học, giảng giải cho chúng tôi ý nghĩa của từng câu, từng chữ một trong lời cầu nguyện. Tôi thích được cầu nguyện như thế và khi ở nhà, tôi vẫn lớn tiếng cầu nguyện, sau khi cầu nguyện xong, tôi cảm thấy thật thoải mái. Tôi khám phá ra sự khác biệt quan trọng giữa Kinh Lạy Cha và những lời cầu nguyện vô nghĩa của những người ngoại giáo.
Kinh Lạy Cha bắt đầu với sự chúc tụng, ca ngợi Chúa Cha trên Trời. Ai đã có thể đặt ra một lời kinh nguyện khuyến khích nhân loại tôn thờ Chúa trong một lời kinh đơn giản như thế? Như một đứa trẻ, tôi cầu nguyện và thích thú cầu nguyện, nhưng chưa bao giờ tôi đã có thể cầu nguyện được như vậy vì chưa ai dạy tôi cả.
Lúc đó, hình như có một tiếng nói phát lên trong trí tôi, kêu gọi tôi trở thành người Công Giáo. Tuy nhiên khi nhận thức được điều đó, tôi ngập ngừng e ngại. Tôi không muốn rời xa nguồn tôn giáo tôi đã và đang theo trong bao nhiêu năm.
Một ngày nọ, tôi đánh bạo lên tiếng xin ba má tôi cho phép tôi theo đạo Công Giáo, trước khi tôi dứt lời, tôi đã nghe thấy một tiếng "Không" thoát ra từ miệng ba má tôi: "Chúng ta có tôn giáo của chúng ta, tại sao con lại phải theo một tôn giáo ngoại quốc?"
Đó là quan niệm của gia đình tôi. Tổ tiên chúng tôi đã được về thiên đàng như những Phật Tử tốt lành và bổn phận của chúng tôi là phải làm đẹp lòng hương hồn của tổ tiên bằng sự hiện diện chung quanh bàn thờ gia đình. Tôn kính ông bà cha mẹ không phải là giáo huấn của Phật Giáo, nhưng đó là phong tục, nghi lễ cổ truyền của dân tộc Nhật Bản cũng như các dân tộc ở Á châu. Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu rõ, đối với tổ tiên ông bà, người Công Giáo biểu lộ lòng hiếu thảo, kính nhớ hơn là tôn thờ.
Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của tôn giáo Công Giáo, nhưng tôi không muốn phản bội tinh thần gia đình. Tôi phải chờ đợi và trong suốt năm năm trời sau đó, tôi sống trong một tình trạng tinh thần bất ổn lang thang hết Nhà Thờ này đến Nhà Chùa kia.
Một buổi sáng Chúa Nhật, tôi và một vài người bạn nữa đến thăm Sư Huynh Satowaki. Tôi muốn chiều lòng cả Giáo Hội Công Giáo và cả gia đình tôi nữa. Tôi hỏi Sư Huynh: "Thưa Sư Huynh, con có thể nào vừa là người Công Giáo, đồng thời con vẫn thờ cúng tổ tiên nơi bàn thờ gia đình được không?"
Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đối với tôi lúc đó, vấn đề thật là quan trọng. Sư Huynh Satowaki giải thích cho tôi rằng: sẽ có những xung khắc trong tâm tư và đời sống nếu sống như thế, nhất là khi chúng ta đã biết là chỉ có một Thiên Chúa thật mà thôi. Tôi cũng cho Sư Huynh biết những khó khăn tôi sẽ phải chịu đựng khi chia tay Phật Giáo và gia nhập Công Giáo.
Cuối cùng Sư Huynh khuyên tôi nên chờ đợi và cứ tiếp tục tham dự Thánh Lễ các Chúa Nhật. Cũng may mắn là ba má tôi không cấm cản điều này vì ba má tôi nghĩ rằng dù đến trường vào Chúa Nhật tôi vẫn có thể học hỏi được nhiều điều. Hơn nữa, khi đã phải đóng học phí thì tôi càng đến trường được nhiều càng tốt, đóng học phí đỡ tiếc hơn. Nhất là ba má tôi tin rằng sống bên cạnh các Thày Dòng dù sao tôi cũng khó trở nên hư đốn.
Mùa Thu năm 1947, nhà trường tổ chức một buổi chiếu phim. Cuốn phim được chiếu nói về 26 vị Tử Đạo Nhật Bản. Chuyện phim sống động đề cập về cuộc bách đạo đẫm máu người Công Giáo đã phải trải qua thời Hideyoshi. Hai mươi sáu tín hữu Công Giáo bị bắt tại Tokyo lúc đó còn là kinh đô của Nhật Bản. Hình phạt bị cắt hai tai được sử dụng để răn đe những kẻ nào còn có ý định theo đạo Công Giáo.
Trước khi bị xử tử trên ngọn đồi Nagasaki, họ cho gọi một em thiếu niên trong số những người sẽ bị xử tử và hỏi em: "Nếu em chịu bỏ đạo, ta sẽ trao cho em tước hiệu Hiệp Sĩ Samurai, em muốn vậy không?" Bằng một giọng thật can đảm và dũng cảm em trả lời: "Tôi muốn chết hơn là phạm tội từ chối Đức Tin và mất linh hồn."
Cuốn phim làm tôi suy nghĩ nhiều. Nếu người Công Giáo dám chết cho Đức Tin của họ, chắc chắn khi còn sống, họ phải có một ơn nghĩa đặc biệt nào đó. Họ chết một cách can trường và hãnh diện vì lý tưởng. Chắc chắn tôn giáo của họ phải có một sức sống. Ngay như những nhà truyền giáo, họ đã rời bỏ quốc gia Tây Ban Nha xa xôi để đến đây cùng chịu chết với những người họ đã rửa tội. Tại sao họ rời bỏ quê hương họ nơi họ có thể lập gia đình và sống một đời sống hạnh phúc?
Những nhà truyền giáo trong cuốn phim khiến tôi nhớ tới hai Sư Huynh người Pháp tại trường học. Cả hai Sư Huynh này đã từ bỏ nước Pháp để đến Nhật Bản, với một ước vọng được chết tại đây. Qua thời gian tôi biết về hai Sư Huynh này khá nhiều: Sư Huynh Billman dạy Anh văn và Sư Huynh Deiber dạy Pháp văn. Tôi vẫn thường thấy hai Sư Huynh cầu nguyện sốt sắng trong Nhà Nguyện, rất có thể lúc đó họ cầu nguyện cho chính tôi.
Tháng 4 năm 1948, nhà trường có một Sư Huynh Hiệu Trưởng mới, Sư Huynh Hisamatsu. Ông chính là người tạo nên trong tôi nhiều ảnh hưởng tốt. Điều thật lạ lùng là trong một thời gian thật ngắn, Sư Huynh Hisamatsu biết tên của tất cả các học sinh trong trường. Ông không trực tiếp dạy học lớp nào cả, nhưng ông lợi dụng mọi cơ hội để nói chuyện với từng học sinh một. Mỗi buổi sáng, Sư Huynh đều đứng tại cổng đón các học sinh vào trường. Trong giờ giải trí, Sư Huynh cùng đi bách bộ với học sinh.
Tôi nghĩ Sư Huynh để ý đến tôi một cách đặc biệt hơn các học sinh khác, nhưng sau này tôi mới hiểu rằng các học sinh khác đều có cảm tưởng như thế vì cách đối xử của Sư Huynh. Qua Sư Huynh, tôi cảm nhận được hình ảnh của Chúa Kitô, nhất là lúc ông nói: "Một điều răn mới ta truyền cho các con, đó là các con hãy thương yêu nhau, như ta yêu mến các con, các con cũng hãy yêu mến nhau. Qua tình yêu này, mọi người sẽ nhận ra các con là môn đệ ta, đó là các con hãy yêu thương nhau."
Điều làm cho tôi cảm phục nhất từ các Sư Huynh là đời sống thanh khiết. Với lối sống này, họ hiến dâng đời họ cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Họ không làm chủ bất cứ một loại của cải trần gian nào, thế mà họ lại là những người sung sướng nhất đời. (Ảnh chụp lấy từ Google, cha Inoue đứng hàng sau, áo đen cổ trắng và tóc bạc)
Tôi cũng có quen biết nhiều người Phật Tử tốt lành, nhưng chưa thấy có ai thật sự dâng hiến tất cả đời sống để phục vụ giới trẻ trong lãnh vực giáo dục như các Sư Huynh Công Giáo. Một điều thật lạ lùng xảy ra trong tôi: Tôi là một người ngoại đạo nhưng lại ước ao đi tu để sống theo gương các Tu Sĩ Công Giáo.
Mùa Xuân năm 1949, Tổng Giáo Phận Osaka tổ chức lễ mừng kỷ niệm 400 năm ngày Thánh Phanxico Xavier đặt chân đến đất Nhật. Tôi tham dự Thánh Lễ tại Hí Trường Nishinomiya và thật sự xúc động khi thấy người hiện diện mừng lễ quá đông.
Ngày hôm sau, tại Nhà Thờ Chính Tòa, người ta cho đặt bàn tay phải của Thánh Phanxicô Xavier cho mọi người đến kính viếng và tôi đã đến xem tận mắt. Thật là lạ lùng, sau 400 năm, bàn tay của Vị Thánh vẫn còn tươi tắn, sinh động như bàn tay của một người đang sống. Tôi xúc động quá, vì không thể có một cách cắt nghĩa nào khác hơn, nên phải chấp nhận đó là một phép lạ.
Càng hiểu sâu rộng hơn về giáo thuyết Kitô giáo, tôi càng cảm thấy tin vào nguồn sống thiêng liêng của Giáo Hội. Trong Phật Giáo người ta đi tìm sự thánh thiện. Trong Công Giáo, Thiên Chúa mặc khải chân lý cho con ngừơi. Trong Phật Giáo người ta đi tìm chân lý không ngừng nghỉ. Trong Công Giáo, trái lại, chân lý thánh thiện đã được sửa soạn sẵn, con người chỉ việc đón nhận qua Đức Tin.
Giáo huấn Phật Giáo bao gồm những điều về con người, về đạo đức và về sự đau khổ thế tục con người phải gánh chịu, tất cả những điều này được tóm gọn trong những tập quán đặc biệt nơi Công Giáo. Phật Giáo không nói gì về Thiên Chúa mà chỉ nói về sự giải thoát linh hồn, khuyến khích con người xóa bỏ chính mình để đạt đến sự hòa hợp của linh hồn với vũ trụ, nhưng cứu cánh này gần như bất khả đạt cho mọi người. Trong Công Giáo trái lại, mục đích của đời sống rất rõ ràng đó là sống để biết Chúa, sống để yêu Chúa, cuối cùng sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta những cách thế để đạt được cứu cánh này: Qua Giáo Hội và qua các Bí Tích.
Càng tìm hiểu thêm về Giáo Lý, tôi càng khâm phục hơn về chân lý thánh thiện đã được mạc khải. Tin và theo cả hai Giáo Hội không những không thể được mà còn có thể có những xung đột phi lý nữa. Tôi tự nhủ: Sớm hay muộn, tôi cũng phải chọn một thôi.
Tôi khó lòng quên được những điều cha Nakayama đã nói trong lớp Giáo Lý: "Nếu bạn bỏ ra 10 phút mỗi ngày để suy tưởng về Thiên Chúa, bạn là một người hạnh phúc! Bạn có thể nói rằng tôi không có 10 phút để suy tưởng đến Chúa không? Cố lên bạn ạ! Nếu không có 10 phút, 5 phút cũng được, bạn cũng vẫn là người hạnh phúc. Và nếu bạn không có năm phút, tại sao bạn không bỏ ra một phút thôi để suy tưởng về Thiên Chúa. Với một phút để suy tưởng về Thiên Chúa trong một ngày, bạn vẫn là người hạnh phúc.”
Những điều này in đậm trong trí tôi, nó cứ chờn vờn trôi nổi như sóng đùa trên bãi cát. Tôi tự hỏi ông này là người thế nào mà có thể thốt ra được những lời lẽ như thế? Tôi biết rằng ông là một Linh Mục Công Giáo, là Chúa Kitô thứ hai. Tôi chắc chắn cha Nakayama không phải chỉ bỏ ra năm hay mười phút trong một ngày để suy tưởng tới Chúa mà có khi hằng giờ hay hơn thế nữa.
Tôi và một vài người bạn nữa rất hoan hỉ khi cha Nakayama cho biết rằng Hội Đồng Giám Mục họp tại Tokyo tuyên bố rằng việc cúng giỗ ông bà cha mẹ và có một bàn thờ trong gia đình để kính nhớ tổ tiên hay những người đã qua đời không đi ngược lại với Đức Tin Công Giáo, vì đó là truyền thống dân tộc và là dấu hiệu bề ngoài để tỏ lòng thảo hiếu, kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Những người Phật Tử cũng tin thiên đàng và địa ngục, nhưng đối với họ, địa ngục không phải là nơi bị lưu đày vĩnh viễn mà chỉ là nơi tạm thời bị giam giữ tùy theo tội lỗi đã phạm và sau đó do lòng thương xót của Đức Phật họ sẽ được lên thiên đàng. Điều này dễ được chấp nhận hơn là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo khi cho rằng địa ngục là nơi bị lưu đày vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi tôi tìm hiểu về những phương thức các Phật Tử thực hiện để được lên thiên đàng, tôi thất vọng: Nếu tất cả mọi người trước hay sau đều được lên thiên đàng thì mình cũng chẳng phải tuân giữ các luật lệ, các giới răn làm gì, chỉ cần giao phó đời mình cho Đức Phật, Ngài sẽ lo tất cả.
Mùa Thu năm 1950, tôi có dịp xem một cuốn phim, cuốn phim này đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm về sự sống và sự chết. Cuốn phim mang tên "Gác chuông Nhà Thờ Nagasaki", chuyện phim kể về đời sống của bác sĩ Nagai, người bị nhiễm phóng xạ nguyên tử. Bác sĩ Nagai tìm thấy xác chết của người vợ yêu dấu trong tay còn cầm xâu tràng hạt, ông hốt hoảng đi tìm các con lúc đó đang được họ hàng bà con chăm sóc. (Ảnh bác sĩ Takashi Nagai ở Nagazaki )
Một buổi chiều nọ, ông tìm đến nơi, vào nhà, những đứa con nhảy mừng ôm lấy cha, câu hỏi đầu tiên của chúng là: "Ba ơi! Mẹ đâu?" Vị bác sĩ chậm rãi hướng mắt lên trời, đưa cao xâu tràng hạt ông đã gỡ ra từ tay người vợ quá cố, trả lời: "Mẹ các con giờ đang ở trên thiên đàng!" Và tất cả đều khóc...
Tôi không quên nổi hình ảnh của bác sĩ Nagai và lời nói chắc chắn của ông rằng vợ ông đang ở trên thiên đàng. Tại sao ông không hoảng hốt trước cái chết của vợ, tại sao ông chấp nhận cái chết của vợ một cách bình tĩnh như thế? Tôi lập tức nhìn thấy họ đã dựa vào một sức mạnh để chấp nhận đời sống ngay cả trong những hoàn cảnh đau khổ.
Trên chuyến xe lửa về nhà chiều hôm đó, tôi đi đến một quyết định dứt khoát sau khi đã suy nghĩ nhiều tháng trời. Nước mắt tôi tràn ra khi tôi nghĩ tới bác sĩ Nagai, một người có Đức Tin mạnh mẽ. Cũng giống như tôi, ông là một người ngoại đạo, nhưng sau đó do ảnh hưởng của người vợ thân yêu, ông đã gia nhập Giáo Hội.
Ngày này sang ngày khác tôi vào Nhà Nguyện cầu xin Chúa giúp ba má tôi chấp thuận cho tôi vào Đạo. Tôi đã chờ đợi 5 năm rồi. Tôi không thắc mắc gì cả, đối với tôi chỉ có một Giáo Hội thật duy nhất thôi.
Một hôm nọ, tôi liều mình xin phép ba má tôi một lần nữa. Tôi nói rằng, nếu ba má không cho phép, tôi sẽ đợi đến năm tôi 21 tuổi và khi đó tôi không cần xin phép nữa. Ba má tôi ngạc nhiên về sự quyết chí của tôi và cuối cùng cho phép tôi. Nghĩ đến khi tôi được nhận vào Giáo Hội, tôi vui sướng không cùng.
Cuối cùng, ngày trọng đại trong đời tôi đã đến, đó là ngày 8 tháng 12 năm 1951, ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cha Hisamatsu rửa tội cho tôi trong Nhà Nguyện. Tôi thầm thì tạ ơn Chúa vì những ơn Ngài đã ban cho tôi, tôi sung sướng khi các Sư Huynh và các bạn đến chúc mừng.
Một năm sau đó, mẹ tôi được rửa tội trên giường bệnh trước khi qua đời. Bảy năm sau, ông nội tôi cũng được nhận vào Giáo Hội trước khi mất. Mỗi ngày khi dâng Thánh Lễ, tôi đều nhớ tới mọi người trong gia đình...
Lm. LUKE H.INOUE lấy từ www.xuanha.net
Trong những lời chia sẻ của cha Inoue có đề cập đến một cuốn phim liên quan đến bác sĩ Takashi Nagai, một bác sĩ Công Giáo. Chúng tôi xin đăng thêm trích đoạn một lá thư của bác sĩ kể về tai họa bom nguyên tử ở Nagazaki, Nhật Bản. Bác sĩ là giáo sư Đại Học Y Khoa Nagazaki. Do hậu quả phóng xạ tàn khốc của trái bom nguyên tử nổ tại đây năm 1945, ông đã chết sau đó vào năm 1951 lúc vừa tròn 43 tuổi.
LÁ THƯ NAGAZAKI
“...Ngay sau khi quả bom nổ, phản xạ tự nhiên của những người vẫn còn có khả năng di chuyển là: hoặc vẫn ở lại tại chỗ hoặc chạy trốn đi nơi khác ngay. Những người ở lại chính là để có thể cứu cha cho bạn bè và người thân hoặc cố cứu vớt nhà cửa tài sản của mình. Họ đều mau chóng bị ngọn lửa khủng khiếp bao vây và chết cùng với những người họ muốn cứu...
Còn nhóm bỏ chạy, trong số đó có tôi, khi lửa lan đến gần, đã cùng với những người láng giềng đã cố vượt lên một ngọn đồi nằm sát với khu bệnh viện. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc... Chúng tôi thấy nhiều sinh viên và nữ y tá nằm ngổn ngang trên mặt đất. Chúng tôi khiêng họ chuyển lên chỗ cao hơn trên đồi ngoài vòng lửa thiêu.
Phần tôi, tôi luôn thúc giục mọi người hãy chạy nhanh lên. Tôi bị thương ở thái dương và mất khá nhiều máu. Cuối cùng thì tôi cũng bị ngất đi. Tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên bãi cỏ ngay dưới đám mây nguyên tử cuồn cuộn. Vết thương đau ghê gờm làm tôi phải nghiến chặt răng chịu đựng. Tôi chợt nhớ đến vợ tôi, nếu cô ấy còn sống thì thế nào cũng đã tìm gặp được tôi rồi...
Hôm sau, từ trên ngọn đồi phía sau bệnh viện, tôi trông thấy ngôi nhà trước đây của mình chỉ còn là một đống tro trắng. Khắp nơi chẳng có gì còn động đậy trong ánh nắng ban mai. Mái trường đại học thân yêu và tất cả những sinh viên tôi yêu mến bỗng chốc đã bị ngọn lửa hủy diệt. Vợ tôi thì đã chết trong căn bếp, giờ đây chỉ còn là một đống xương nhỏ cháy đen mà tôi cố gắng thu nhặt từng chiếc một. tất cả không nặng hơn một gói bưu kiện nhỏ.
Với tôi, ngoài căn bệnh kéo dài trước đây do nghiên cứu về tia X, nay tôi lại mắc thêm căn bệnh nhiễm xạ nguyên tử ở mức nặng nhất, cộng với vết thương bên trán phải đã biến tôi thành một người tàn tật. May mắn thay, ba ngày trước đó tôi đã cho hai con tôi về ở với bà nội chúng trên vùng núi xa nên chúng mới còn sống khỏe mạnh.
Chưa bao giờ tôi thấy công việc làm một nhà khoa học của tôi lại nặng nề đau đớn như vậy. Tay chống gậy, mình đầy vết thương, bằng những cố gắng rất lớn, tôi bắt đầu tập leo núi, lội qua sông trong suốt một tháng để đến chăm sóc các bệnh nhân ở xa.
Nhưng rồi một cơn đau dữ dội của căn bệnh nhiễm xạ nguyên tử đã buộc tôi phải bỏ tất cả. Những nạn nhân chúng tôi đều không hề biết là một quả bom nguyên tử sẽ tác hại như thế nào. Bản thân tôi từng nằm ngay dưới đám mây nguyên tử hình cây nấm khổng lồ, vậy mà tôi cứ ngỡ đây chỉ là một loại bom cực lớn mà thôi. Chỉ đến khi cây nấm tỏa rộng ra rồi tan loãng đi dần, để cho ánh sáng mặt trời trở lại chiếu rọi đủ để có thể phân biệt mọi vật, thì tôi mới tự nhủ: “Thôi, vậy là tận thế mất rồi...”
Bs. TAKASHI NAGAI, Le Courier de l’UNESCO 6.1986
(Halleluyah 88)