Cổ nhân ta có câu nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”.
Khi đau ốm thì tìm thầy thuốc trị bệnh. Bệnh trầm kha mà thuốc không làm thuyên giảm thì đi cúng bái nơi này nơi kia để xin sự che trở, giúp đỡ của thần linh.
Quan niệm cúng bái, cầu nguyện đã in sâu vào phong tục tập quán ta cả nhiều ngàn năm. Từ khi con người tin tưởng bệnh là do một nhân vật vô hình nào đó gây ra.
Có thể là thần thánh quở phạt vì ta vô tình xúc phạm tới các vị đó.Thế là phải đàn tràng, lễ vật tới tạ tội, kẻo có khi quá giận các ngài lại bắt làm lính theo hầu.
Hoặc chạm vía người dữ, thần linh hay ma quỷ nên phải soạn mâm sôi, con gà xin đốt vía hoặc chuộc vía.
Khi bị tà ma, yêu quái tại các am nhỏ, gốc đa gốc đề ám ảnh thì phải sửa lễ cúng với vàng mã, hương hoa. Nếu tà ma không tha thì lại cầu xin Bà Liễu Hạnh, Ông Độc Cước Thần trừ tà trị quỷ hộ.
Lại còn bệnh hoạn vì động chạm mồ mả, năm xung tháng hạn, trù ếm bùa ngải, trùng căn mệnh ông Hoàng Bà Chúa.và nhiều lý do khác nữa.
Mà chữa bệnh cũng có nhiều phương thức vui vui, ngộ nghĩnh.
Cảm cúm thì:
“Tôi lạy ông Cúm bà Co
Ông ở xứ Nghệ, ông bò tới đây
Khôn thiêng có mâm cỗ này
Ông xơi cho sạch, ông rầy tha tôi”.
Mâm cỗ gồm có bánh đúc, mắm tôm mà sau khi cúng, người bệnh được hưởng lộc. Ăn xong là khỏi Cúm. Ấy là các cụ nói vậy.Việc này phải xin các nhà khoa học nghiên cứu coi xem trong mắm tôm, bánh đúc có kháng sinh nào mà công hiệu như vậy.
Hoặc nổi mề đay ngứa ngáy cùng mình thì cúng bằng một nắm cứt trâu, đĩa trầu lá lốt , vài trăm vàng giấy nhiều mầu. Rồi khấn:
“Tôi lậy ông Tịt bà Tịt
Ăn cỗ cứt trâu,
Ăn trầu lá lốt,
Đừng đốt chúng tôi”
Đó là do sự tin tưởng, ít phần đúng mà đa phần là mê tín dị đoan và vẫn tồn tại ở nhiều nơi.
Sự tin theo cũng thấy ghi trong Kinh Thánh: Miriam và vua Uzziah bị phong cùi vì dám phạm thượng. Thượng Đế trừng phạt, bỏ rơi, bắt mang bệnh hiểm nghèo.
Trong thời đại khoa học tiến bộ hiện nay, suy yếu sức khỏe con người đã được chứng minh là do những nguyên nhân cụ thể hơn gây ra. Các phương tiện điều trị thực nghiệm hữu hiệu đã được mang ra áp dụng. Nhưng theo nhiều người, niềm tin, nhất là tín ngưỡng tôn giáo vẫn còn là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho việc lành bệnh.
Trong thánh lễ cùa Thiên Chúa Giáo luôn luôn có cầu nguyện cho một người đang bệnh hoặc đang điều trị tại nhà thương. Tín đồ Do Thái Giáo không những cầu nguyện cho người bệnh trong nghi lễ mà còn đọc tên học yêu cầu vị lãnh đạo tinh thần xướng tên người bệnh để mọi người cầu cho họ mau lành. Cuối thánh lễ của Hồi Giáo, vị chủ lễ cũng dâng lời cầu xin đặc biệt cho ai đang đau ốm.
Đề tài niềm tin và sức khỏe đã được công chúng lưu tâm, và nhiều thảo luận đang được diễn ra rất sôi nổi.
Đầu năm 2003, Đại học Y Khoa danh tiếng Harvard đã tổ chức một cuộc hội thảo về tâm linh và sức khỏe với tác dụng của sự tha thứ trên sự lành bệnh.
Chuyên gia y tế uy tín của các Đại Học khác cũng góp nhiều ý kiến đáng kể.
Ý kiến ủng hộ
Bác sĩ Harold Koenig của Đại học Duke tin tưởng rằng có nhiều ảnh hưởng tốt của tôn giáo trên sức khỏe và gạt bỏ tôn giáo ra khỏi bệnh viên là một việc làm vô trách nhiệm. Bản thân ông ta cũng nhờ có tín ngưỡng tốt mà bệnh viêm xương khớp được thuyên giảm.
Kết quả thăm dò ý kiến của tuần báo Newsweek về vấn đề này cho thấy: 70% dân chúng thường cầu nguyện cho sức khỏe của thân nhân.
Qua một thăm dò khác, 79% dân chúng nói tín ngưỡng giúp họ mau lành bệnh; 63% cho rằng thầy thuốc nên thảo luận về tôn giáo với bệnh nhân, đôi khi nên cầu nguyện với họ.
Ngoài ra niềm tin tôn giáo cũng có ảnh hưởng tới sự sống lâu.
Có nghiên cứu nói là thường xuyên đi lễ thì tỷ lệ tử vong giảm, nhất là ở nữ giới; phụ nữ bị thương tích gẫy xương sẽ mau bình phuc; và người đi lễ mỗi tuần một lần sẽ ít bị tai biến máu não, suy tim, sưng phổi.
Một ý kiến lại cho rằng cầu nguyện, tín ngưỡng có tác dụng tốt vào sức khỏe vì người đó sống lành mạnh, đạo đức hơn, có giao tế giúp đỡ từ ngưới khác. Ngoài ra lòng tự trọng của họ cao hơn; có khả năng thích nghi cao hơn với căng thẳng; có đời sống tâm linh lành mạnh hơn và có cái nhìn lạc quan hơn với sức khỏe.
Kết quả các nghiên cứu của Jeffrey S. Levin và Harold Y. Vanderpool cho thấy có những ảnh hưởng tốt của niềm tin tôn giáo và tham gia lễ lạc đối với nhiều bệnh tật như bệnh tim, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư..và tình trạng sức khỏe tổng quát.
Nghiên cứu của các tác giả D.A. Mathews, D.B. Larson và C.P. Barry cho hay yếu tố tinh thần và tôn giáo làm tăng sự lành mạnh của tâm hồn và thể chất ; và” ít tham gia nghi thức tôn giáo có thể coi như là rủi ro đưa tới bệnh họan, tử vong”.
Ngày 24 tháng 6 năm 2005, bác sĩ nội khoa Farr Curlin, Ðại học Chicago đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến 2000 thầy thuốc về ảnh hưởng tôn giáo trong việc hành nghề của họ. Ða số các bác sĩ đều nói rằng tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong khi họ phục vụ bệnh nhân; 59% nói rằng họ tin tưởng ở Thượng Ðế; 48% nói họ tìm ở Thượng Ðế sức mạnh, sự hỗ trợ, hướng dẫn trong nghề nghiệp; 59% tin tưởng có đời sống sau khi mãn phần.
Bác sĩ Anne McCaffrey đã thực hiện một thăm dò ý kiến với kết luận là: phụ nữ thường cầu nguyện cho sức khỏe hơn nam giới, người trên 33 tuổi nhiểu hơn giới trẻ.
Bác sĩ Hebert Benson, Ðại học Harvard, thấy rằng cầu nguyện cộng thêm với điều trị giải tỏa stress có thể giảm đi khám bệnh tới 50%.
Như vậy thì ảnh hưởng trực tiếp của thần linh trên sức khỏe cần được tìm hiểu thêm.
Triệu phú Sir John Templeton ở đảo Bahamas đang tài trợ nghiên cứu này với mấy chục triệu Mỹ kim. Ngay cả Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ cũng cấp một ngân khoản trên 3 triệu Mỹ kim để khai sáng thêm về liên hệ giữa tâm linh và thể xác.
Nước Mỹ hiện nay có 125 trường Đại Học Y Khoa thì quá nửa đã có phần giảng dậy về tâm linh. Lý do là nhiều bệnh nhân tỏ ý muốn thầy thuốc đôi khi cũng đề cập vấn đề này với họ. Các thầy thuốc tương lai cũng đi theo các vị tuyên úy để học hỏi thêm về liên hệ giữa khía cạnh tín ngưỡng với bệnh tật. Bên Gia Nã Ðại 14 trong 16 chương trình huấn luyện chuyên môn về Tâm Thần Học có học trình về tồn giáo và tín ngưỡng.
Năm 2004, Viện Y học Hoa Kỳ đã tài trợ cho nhiều dự án để nghiên cứu về ảnh hưởng của cầu xin với bệnh tậ, sức khỏe.
Có người mạnh dạn phát biểu là y học của tương lai sẽ là sự phối hợp giữa cầu nguyện và thuốc men. Ý kiến này xét ra cũng chẳng có gì mới lạ Ngày xưa, tại nhiều nơi trên thế giới, thầy cúng cũng đã kiêm luôn công việc thầy lang.
Với các phương pháp X Quang tinh xảo hiện nay, người ta đã phát hiện sự thay đổi trong não bộ khi ta cầu nguyện hoặc tĩnh tâm thiền định.Thiền cũng giúp rất nhiều cho có sức khỏe tốt.
Nếu có ý kiến thuận thì cũng có luận cứ phản bác.
Một trong những người phản bác mạnh nhất là một giáo sư tại Trung Tâm Y khoa Columbia-Presbyterian, bác sĩ Richard Sloan. Ông ta nghi ngờ kết quả các báo cáo về ảnh hưởng tốt của niềm tin trên sức khỏe và không đồng ý việc thầy thuốc cầu nguyện với bệnh nhân. Ông ta e ngại sự pha trộn này sẽ đưa tới sự giới hạn quyền tự do tín ngưỡng cũng như xâm phạm vào đời tư con người. Cầu nguyện với bệnh nhân cũng không nên làm vì sẽ gây cho họ ấn tượng là bệnh khỏi nhờ cầu xin. Theo ông ta, hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể nào, ngoại trừ sự cầu nguyện có thể nâng cao tinh thần người bệnh.
Tạp san Y hoc uy tín Lancet số tháng 7 năm 2005 có đăng kết quả nghiên cứu của Bác sĩ Mitchell Krucroff và đồng nghiệp tại Ðại học Duke về ảnh hưởng của sự cầu nguyện với bệnh nhân. Họ tuyển lựa 750 bệnh nhân sẽ qua các chăm sóc về tim, chia làm nhiều nhóm trong đó một nhóm được các nhà thực hành tôn giáo khác nhau cầu nguyện, nhóm kia thì không có. Theo kết quả này, cầu nguyện cho người đang bệnh hoặc sẽ qua các phương thức y khoa khó khăn đều không có ảnh hưởng gì tới tương lai sức khỏe người bệnh. Nhưng các nhà nghiên cứu trong nhóm cũng thừa nhận rằng không thể có một kết luận xác đáng vì sự khó khăn khi phân tích tìm hiểu về vấn đề như cầu nguyện dưới góc cạnh khoa học thưc nghiệm.
Trước công bố này, giáo sĩ Raymond Lawrence, Giám Ðốc Tuyên Úy Bệnh viện New York Presbyterian phản ứng: “Cầu nguyện có thể có ích. Nhưng cho rằng có thể nghiên cứu để khám phá ra sự thật về cầu nguyện thì là điều khó tin đối với tôi. Cầu nguyện là hướng tới Thượng Ðế và không có phương thức khoa học nào để thử nghiệm Thượng Ðế. Thượng Ðế không phải là đối tượng cho điều tra khoa học”
Một ý kiến khác nêu lên vấn đề Y Đức: trị bệnh là căn cứ vào kiến thức, kinh nghiệm của người thầy thuốc. Bây giờ lại bảo bệnh nhân cầu nguyện thì liệu có thuận lý không. Nhiều người đã tin là mình bệnh hoạn vì kém đạo đức. Bây giờ khuyên họ cầu nguyện cho khỏe mạnh thì liệu có gia tăng mặc cảm tội lỗi của họ hay không! Mà sau khi cầu nguyện, bệnh không khỏi thì chẳng lẽ họ sẽ giã từ tín ngưỡng đó hay sao.
Ngoài ra, nhiều người có tín ngưỡng cao đã không theo phương thức trị liệu dành cho mình, mà lại áp dụng điều răn riêng khiến cho bệnh có thể trầm kha hơn.
Rồi lại còn cầu nguyện nhiều hoặc ít, cầu cho người này mà không cầu cho người kia. Cho rằng cầu nguyện nhiều sẽ tăng thêm phần ân sủng, che trở thì chẳng hóa ra thần linh cũng không mấy công bằng. Thần linh chắc không phải như cái máy, đáp ứng nhiều ít tùy theo lời xin. Do đó có ý kiến là không nên mang cầu nguyện, lễ bái vào việc điều trị bệnh nhân.
Kết luận.
Sống trong những quốc gia có tự do phát biểu ý kiến thì mọi vấn đề liên quan tới đời sống đều được thảo luận, thông tin thong thả. Những ý kiến thuận, nghịch đều được xem xét. Ai ưng ý nào thì theo ý đó.
Tôn giáo là vấn đề thiêng liêng và rất riêng tư của mỗi người. Hành xử thế nào là quyền tuyệt đối của người đó.
Mang niềm tin để làm tốt cho sức khỏe là việc nhân tâm tùy sở thích.
Nhưng, các cụ ta vẫn thường dậy “Cầu được, ước thấy”.
Thì việc cầu nguyện để ơn trên ban phúc lợi tưởng cũng là điều nên làm. Như nhiều người đã và đang làm.
Hàn Mặc Tử , trong khổ đau đã tìm về cõi đạo, kêu gọi mầu nhiệm giáo lý cứu rỗi:
“Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả hàn giang cả mầu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng”
Bác sĩ Dharma Singh Khalsa, người nghiên cứu nhiều về bệnh Alzheimer, hỏi vị sư phụ tinh thần “ Mục đích sống lâu với tinh thần trong sáng là để làm gì”?.
Sư phụ trả lời” Để biết tới Thượng Đế”.
“ Mà Thượng Đế là ai”?
“ Là Đấng Sáng Tao”.
Đấng Sáng Tạo ở đâu”.?
“Ở trong lòng bạn; trong trái tim và linh hồn bạn”
Các vị cao tăng truyền thiền, niệm Phật để thân tâm an lạc.
Kinh Thánh Do Thái Giáo có ghi:” Những ai giữ các nghi thức tôn giáo sẽ sống lâu và đời sống sẽ thoải mái hơn là những người sống mà không có tôn giáo”.
Và như Vua David tiết lộ là ngài cầu nguyện sáng, trưa, chiều, đôi khi gào thét với Thượng Đế. Ngài đã được ban cho một thoải mái trong linh hồn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas-Hoa Kỳ