Chuyện Về Mấy Bà Cô Của Tôi

Tôi sinh trưởng trong một gia đình làm nghề nông, tại khu vực thuộc miền châu thổ sông Hồng trong tỉnh Nam Định. Vì họ hàng bên nội cũng như bên ngoại đều cùng sinh sống trong một ngôi làng, nên tôi rất gần gũi gắn bó với bà con trong gia tộc. Lũy tre xanh hồi xưa bao quanh làng đã tạo thành một khu vực ấm cúng thân thương cho mọi thành viên của cộng đồng thôn ấp. Mà cha tôi lại là con trai trưởng của một cụ đồ dậy chữ nho, nên anh chị em chúng tôi rất được các bà cô trong họ chú ý chăm sóc trong tình yêu thương đùm bọc của dòng họ. Chúng tôi có ba bà cô ruột là em của cha, và rất nhiều bà cô họ là chị em họ hàng bên nội với cha tôi.

Mẹ tôi cũng là trưởng nữ của ông bà ngoại và tôi chỉ có một bà dì là em ruột của mẹ. Bà dì này không may lại chết sớm, lúc tôi còn quá nhỏ, nên tôi không còn giữ lại được một ký ức nào về dì, mà trong nhà vẫn gọi là “Dì Tổng Huỳnh “ ở xã Ngọc Cục, Xuân Trường. Nhưng tôi cũng có nhiều bà dì họ là chị em họ hàng bên ngoại với mẹ. Tất cả các bà cô, bà dì này thì đều sinh vào hồi đầu thế kỷ XX, và nay thì hầu hết đã giã từ cõi thế này rồi. Nhưng tôi đều có nhiều kỷ niệm thân thương gắn bó với các bà, và xin được viết về một số những bà cô đó, với lòng quý trọng biết ơn rất chân thật của một người cháu trong cùng một dòng họ với các bà.

1/ Trước hết là bà Phó Tích ở thôn Phú Yên, xã Ngọc Cục.

Cô là em kế với cha tôi, và khổ người cũng như nét mặt giống y hệt cha tôi. Tên cô là Đoàn Thị Khen, cô lập gia đình với chú Phó Tích tại thôn Phú Yên, tức là về làm dâu tại nơi xuất thân của bà nội tôi. Mẹ tôi kể rằng bà nội dậy các cô tôi rất khéo; mỗi lần có khách đến nhà ăn cơm, thì thường bà nội chỉ cần ngước mắt một chút là các cô tôi biết ý ngay, để mà mau buông đũa chén, đi ra khỏi mâm cơm và nhường phần ăn cho khách. Lý do là ở nhà quê hồi xưa, thường là thiếu gạo, nên không có đủ phần cơm mỗi khi có khách, cho nên con cái phải nhịn bớt ăn đi để còn dành cho khách. Nhất là tại nhà của một ông đồ vào lúc nho học suy tàn, thì khó mà có tình trạng dư giả cái ăn cái mặc được.

Tôi đặc biệt nhớ mãi cái lần cô Phó tôi cầm roi vụt lia lịa vào chú út là chú Thiêm trước mặt đông đủ lũ cháu là chúng tôi tụ tập trong cái sân trước nhà mà xưa kia khi còn sinh tiền, ông nội tôi vẫn ở. Cô vừa đánh chú vừa la lớn : “Mày là con út, mà làm điều xằng bậy, làm ô danh cho cả dòng họ. Thật là đáng xấu hổ !” Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, cỡ 6-7 tuổi thôi, nhưng tôi cũng hiểu được rằng đây là một chuyện hệ trọng, chú út phải làm điều gì xấu xa lắm, cho nên cả hội đồng gia tộc mới họp lại để ra quyết định trừng phạt chú ấy một cách công khai, trước mặt lũ con cháu chúng tôi như thế. Và cô tôi là người được ủy thác để răn đe cảnh cáo chú ấy. Chứ bình thường cô là người hiền hậu, không bao giờ lớn tiếng la lối cãi cọ với ai cả. Theo tôi nhớ, thì chuyện này xảy ra sau khi ông nội mất đi ít lâu, và cha tôi và các cô đã hành xử cái uy quyền của bậc đàn anh đàn chị, để mà giữ vững được cái kỷ cương trong gia tộc. Quyền này được gọi là “Quyền Huynh thế Phụ”, tức là anh chị được quyền thay thế cha mình để mà răn dậy các em.

Đến năm 1948, thì cha tôi bị Việt minh cộng sản bắt giam về chuyện chính trị sao đó. Mà mẹ tôi lại bị đau yếu, nên phải nhờ cô Phó dẫn chị Sinh lúc đó mới 15-16 tuổi đi thăm cha tôi. Khi về nhà chị Sinh kể lại là hai cô cháu trông thấy cha ở đàng xa, thân thể tiều tụy gầy còm, khiến cho hai người phải chảy nước mắt. Mà công an nào có cho gặp mặt đâu. Và đó là lần cuối cùng gia đình được biết tin tức về người cha của chúng tôi.

Rồi đến lượt mẹ tôi cũng lìa đời vào năm 1952, trong lúc phải chạy loạn tá túc nơi nhà của cô tôi. Tôi thật quý mến và biết ơn cô là người đã an ủi và nâng đỡ tinh thần cho lũ anh chị em chúng tôi là lũ cháu côi cút của cô, giữa cái thời chiến tranh loạn lạc ở ngoài miền Bắc trước năm 1954. Cô tôi đã mất vào năm 1966 tại Saigon.

Hai bà cô ruột khác là bà Bá Rụ ở phố Ngọc Cục, Xuân Trường và bà Ký Thâm ở họ Trung Thành, Giao Thủy. Sau năm 1954, chú Bá Rụ bị kẹt lại một mình ở ngoài Bắc, chỉ có cô tôi dẫn các em vào trong Nam. Và chú đã qua đời vào năm 1973 tại quê nhà, mà con cháu ở trong Nam không hề được gặp mặt. Còn cô Ký Thâm là bà cô út, thì cũng ở lại miền Bắc. Và sau năm 1975, cô mới vào được miền Nam để gặp lại bà con, nhất là gặp được bà chị ruột là bà Bá Rụ. Sau đó không lâu, thì cả hai bà đều đã qua đời.

2/ Cô Trùm Minh ở xã Đông An, một nạn nhân của chiến tranh.

Bà cô này là em cùng họ Đoàn với cha tôi. Chồng cô là chú Trùm Phạm Văn Minh ở xã Đông An chỉ cách xa xã Cát xuyên chừng 2 cây số thôi. Chức trùm đây là một chức vụ ở trong đạo, phụ trách trông coi công việc của cộng đoàn giáo dân tại mỗi xứ đạo. Cô người thấp lùn, nhưng có cặp môi thật là tươi. Nhà cô làm ruộng vì rất đông con trai, ai nấy đề khỏe mạnh, lực lưỡng. Cô thường đội đến nhà cho chúng tôi cả một thúng khoai, loại được cấy dưới nước (gọi là khoai ngứa), đã luộc sẵn và được ủ đậy kín, nên còn nóng hổi khi được mở ra. Anh chị em tôi rất thích cái món quà “cây nhà lá vườn” này của cô, vì khoai được lựa chọn toàn là thứ mềm, béo ngậy và rất bùi, cắn ăn thật khoái khẩu.

Thế nhưng bà cô thật hiền lành chất phác này cũng không thoát khỏi cảnh là nạn nhân của cuộc chiến tranh ngập tràn những nghi kỵ hận thù hồi những năm 1950 – 54 ở miền quê đất Bắc. Vào khoảng cuối năm 1951, đầu năm 1952 thì bỗng nhiên cô bị mất tích. Suốt mấy năm cho đến khi di cư vào miền Nam năm 1954, thì gia đình không hề hay biết gì về tông tích của cô. Mà chỉ nghe phong thanh rằng cô đã bị Việt minh cộng sản thủ tiêu, vì họ nghi là cô đem chuyển tin tức gì đó cho quân đội quốc gia trong vùng, khiến cho họ bị thiệt hại trong mấy cuộc hành quân ở địa phương. Tin đồn này, người trong gia đình chẳng bao giờ mà lại kiểm chứng được, kể cả sau năm 1975 khi bà con trong Nam, ngoài Bắc đã gặp lại nhau để hàn huyên tâm sự, sau trên 20 năm xa cách.

Cũng thuộc loại nạn nhân cộng sản trong số các bà cô của tôi, thì phải kể đến bà cô Trương Chỉnh. Bà là người rất tháo vát đảm đang, chăm lo tươm tất cho lũ con và cháu rất chu đáo, mặc dầu ông Trương chồng bà đã mất từ lâu. Bà tổ chức công việc làm bánh để bán ngoài chợ Cát gần nhà rất được khách sành ăn ưa chuộng. Sau năm 1954, bà ở lại quê, chứ không theo con trai di cư vào miền Nam. Vì thế mà trong cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo vào năm 1955-56, bà bị xếp vào loại địa chủ, mặc dầu không có bao nhiêu ruộng đất. Theo người làng kể lại, thì vì không có ai đích thực là địa chủ, nên đội cải cách phải “đôn lên” cho có đủ số “ chỉ tiêu là 5% dân làng thuộc diện đỉa chủ”. Vì thế mà bà cô Trương Chỉnh mới bị xếp loại oan uổng như vậy. Cũng may là bà không bị tịch thu nhà cửa và cũng không bị đem ra “đấu tố” dữ dằn nhục nhã trước đám đông dân làng, như các trường hợp khác. Sau năm 1975, tôi được bà con từ ngoài Bắc kể lại là : bà Trương Chỉnh đã 60-70 tuổi rồi mà còn bị làm xỉ nhục, phải chào hỏi mấy đứa nhỏ cỡ 7 -8 tuổi, chưa đáng tuổi cháu của bà rằng : “Chào bà nông dân cõng ông nông dân”!

3/ Những bà cô, bà dì nữ tu đạo hạnh.

Vì dòng họ nội ngoại của tôi đã nhiều đời theo đạo công giáo, nên tôi có rất nhiều bà cô, bà dì là những gương mẫu đạo hạnh, thánh thiện mà được bà con làng nước đều quý trọng mến phục.

Bà cô gần gũi nhất với tôi là cô Đoàn Thị Nguyệt. Cô đi tu tại nhà dòng Vincent de Paul bên thị xã Thái bình, là nơi bà chị cả của tôi là chị Chắt A được gửi đến trú ngụ chung với những người cùng bị bệnh câm điếc như chị. Chính bản thân tôi cũng đã được cô Nguyệt dẫn đi gửi trọ tại cơ sở này được gọi là “Asile Saint Joseph”, để theo học tại trường tiểu học Monguillot trước năm 1945. Nhưng sau cô Nguyệt bị đau bệnh, nên phải về lại với gia đình và cô vẫn tiếp tục sống suốt đời như “ người tu tại gia”. Cô vừa qua đời cách nay không lâu tại Việt nam ở tuổi 90.

Tôi còn hai bà dì khác cũng xuất gia đi tu. Đó là Dì Minh là con cụ Bá Giốc, cậu ruột của mẹ tôi, gốc ở Lục Thủy. Dì là em của giáo sư Vũ Ngô Mựu, cùng dòng họ với cụ Vũ Ngô Xán, nguyên hiệu trưởng trường Chu Văn An Hanoi. Dì Minh năm này đã ngoài 80 tuổi, hiện đang ở nhà dòng tại Orlando, Florida.

Còn bà dì nữa cũng đi tu, đó là dì Hồng Đoan hiện ở nhà dòng Mân Côi, Chí Hòa Saigon. Dì là em con chú bác với mẹ tôi. Nay dì cũng đã tới 80 tuổi, yếu mệt nhiều rồi.

Tất cả các bà cô, bà dì là nữ tu này thì đều nêu gương đạo hạnh cho toàn thể các cháu trong dòng họ, đóng góp nhiều vào việc giữ vững được truyền thống đạo đức, thuần hậu của gia tộc. Các bà được sự mến chuộng không những của bà con trong dòng họ, mà còn cả của nhiều người trong thôn làng tại miền quê nữa. Cuộc sống chân tu khiêm tốn và hy sinh tận tụy của các bà là một đóng góp đáng kể cho giáo hội cũng như cho xã hội nơi quê hương chúng tôi vậy.

Để tóm lược lại, các bà cô bà dì là chị em với cha mẹ tôi, thì hầu hết đều sinh trưởng tại miền quê vào đầu thế kỷ XX, mà nay chỉ trừ vài ba bà, còn tất cả đều đã qua đi về bên kia thế giới này rồi. Các bà là phận nữ nên vào thời đó ít được đi học. Nhưng tất cả đều có lòng đạo hạnh, thấm đượm tình nhân ái và đóng góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững được nền nếp gia phong gia đạo, theo truyền thống đạo đức lễ giáo của cha ông mình.

Tôi thật biết ơn về tấm gương tốt lành của các bà đã để lại cho lớp hậu sinh chúng tôi là con cháu của các bà. Rõ rệt là các bà đã để lại một dấu ấn sáng ngời, mà vững chắc cho thế hệ chúng tôi, mặc cho những xáo trộn phũ phàng của vận mệnh đất nước, do những người theo đuổi lập trường quá khích đã gieo rắc bao nhiêu hận thù đổ vỡ giữa lòng dân tộc từ trên nửa thế kỷ nay.

Chính các bà cô này đã giúp củng cố niềm tin thêm vững chắc cho tôi rằng : “Tình thương nhất định rồi sẽ xóa được hết mọi hận thù” vậy./

California, Tháng 11 Năm 2009

Đoàn Thanh Liêm