Trên trang web VietCatholic ngày 2 tháng 10 vừa qua, có đưa tin một thành viên của Anh Em Hèn Mọn ( Dòng Thánh Phanxicô khó nghèo ) vừa qua đời tại Nha Trang: Linh Mục Đỗ Long Bộ, thọ 88 tuổi.
Trong phần sơ lược về cuộc đời của ngài, có nói ngài phụ trách làm tuyên úy Phong Trào Thanh Sinh Công VN từ 75-78.
Tôi có lấy ảnh từ trang web này, gửi cho một số bạn bè đã nhiều năm hoạt động trong PT Thanh Sinh Công VN và hải ngoại.
Nói về phong trào Thanh Sinh Công VN. Một số anh em giới trẻ ở SàiGòn và một số các tỉnh Việt Nam đã có dịp nghe biết về những hoạt động của phong trào. Khởi đầu từ 1956, một nhóm học sinh và sinh viên tại Sàigòn, thường tụ tập ở trường Nguyễn Bá Tòng vào những ngày Chúa nhật để dự thánh lễ tại một hội trường lớn trên lầu hai. Khởi xướng lúc đầu là do cha Trần Văn Hiến Minh, giáo sư triết tại trường Chu Văn An, cha Nguyễn văn Phán, cha Trần Thanh Khiết, giáo sư trường Nguyễn Bá Tòng, là những linh mục có nhiều quan tâm tới giới trẻ thời bấy giờ. Với danh hiệu là Đoàn Học Sinh Công Giáo, một số các cựu tu sĩ di cư thuộc các giáo phận Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa và Nghệ An. Có thể là do lòng nhiệt tâm làm việc tông đồ những anh em này tụ họp lại mỗi tuần với nhau dự thánh lễ, sau lễ là học phúc âm. Mot năm có hai lần được tổ chức lễ lớn cho giới học sinh: đó là lễ khai giảng, thường được tổ chức tại nhà thờ Đức Bà tại Sàigòn. Ngôi thánh đường khá lớn, nhưng lễ khai giảng nào cũng chật ních do sự tham dự của những trường công giáo tại Sàigòn. Dịp thứ hai trong năm đó là lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Lễ giáng sinh thường tổ chức ở một nơi tương đối nhỏ hơn như ở Dòng Chúa Cứu thế hay một địa điểm của một tu viện khác.
Sau ít năm hoạt động liên tục, đoàn học sinh đã được trung tâm Công Giáo Tiến Hành lưu tâm và dành một địa điểm tại 72 Nguyễn Đình Chiểu cho anh em tới dự thánh lễ và hội họp. Khi linh mục Nguyễn văn Hoàng, thuộc giáo phận Phát Diệm mới du học về, đã được Linh Mục Nguyễn Duy Vi, giáo phận Thanh Hóa, phụ trách Công Giáo Tiến Hành đã mời ngài làm tuyên úy của đoàn. Nhưng vì những phần vụ giáo dục, cha Hoàng chỉ làm tuyên úy một thời gian ngắn.
Cho tới 1960, khi cha Đỗ Long Bộ vừa về nước sau thời gian đi du học về, Trung Tâm Công Giáo Tiến hành đã mời ngài làm tuyên úy. Khi cha Bộ bắt tay vào làm việc giúp đoàn học sinh, ngài đã áp dụng phương pháp hoạt động của JEC và đặt tên là Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam. Trong thời gian này đa số những anh em hoạt động của đoàn học sinh vẫn còn tham gia trong những hoạt động hành tuần với một số đoàn viên tụ tập tại tu viện của dòng PhanXicô tại số 3 Phạm Đăng Hưng, Đakao vào các ngày Chúa nhật, trước lễ có tập hát, sau lễ có sinh hoạt, học kinh thánh.
Cha Bộ đã có công đoàn ngũ phong trào, lập thành các nhóm, các đội. Từ tinh thần hòa đồng, thận thiết giữa anh em đã có một đường lối để cùng nhau đưa chúa vào lãnh đường học đường, làm “ men trong bột “ theo tinh thần phúc âm với châm ngôn: XEM, XÉT, HÀNH ĐỘNG. Cũng chính thời gian này, các đoàn viên có dịp khuyến khích đọc thánh kinh mỗi ngày, có dịp giúp đỡ nhau và dành thời giờ chia sẻ những hiểu biết, khuyến khích việc học hành để gây thêm uy tín đối với phụ huynh, để các vị này có thể tin tưởng cho con em gia nhập phong trào và tham gia các hoạt động tông đồ.
Hơn một năm sau, Cha Bộ được nhà dòng bổ nhiệm chức vụ mới tại 28 Phan Văn Trường, cầu Ông Lãnh. Địa điểm mới này có nguyện đường và thánh lễ riêng cho phong trào, có nhiều phòng sở cho các nhóm hội họp và sinh hoạt vào các ngày chúa nhật và ngày thường. Tại đây phong trào cũng có được văn phòng riêng. Cũng từ đây phong trào được phát triển rất mạnh đí tới các giáo phận miền Nam và miền Trung. Phong trào cũng có những đường lối chỉ đạo, có những đại hội qui tụ giới trẻ, mỗi đại hội đều phát động một chiến dịch cho những hoạt động giới trẻ trong suốt năm.
Những thành phần tham gia phong trào vào lúc này gồm có nhiều tu sĩ của các đại chủng viện, các nữ tu, các sư huynh. Những trường công giáo ở Sàigòn vẫn là những môi trường hoạt động rất đắc lực. Tại đây đã xuất hiện các đoàn, các đội. Rất nhiều hiệu trưởng các trường công giáo đã khuyến khích học sinh tham gia hoạt động tông đồ tại học đường. Tại các trường công chỉ có những đội hoạt động với nhau.
Trong thời gian sau 1962, nghĩa là sau khi phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam có trụ sớ mới, có hoạt sdộng mở rộng,một số lớn anh em đã tốt nghiệp đại học. Họ đã đi vào các nghề nghiệp như dạy học, hành chánh hay tham gia vào những chức vụ trong xã hội, trong quân đội. Dù đã trưởng thành và đi vào xã hội, đa số anh em vẫn tìm về với phong trào để có dịp hoạt động hay giúp đỡ phong trào về nhiều phương diện. Cuối thập niên bảy mươi và cho tới 1975, phong trào Thanh Sinh Công Việt Nam đã có hoạt động trên khắp các giáo phận miền Nam, đã được các giám mục và linh mục địa phương rất nhiệt tâm giúp đỡ và tạo cơ hội cho những hoạt động và sinh hoạt đặc biệt hay thường lệ của phong trào.
Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, mọi hoạt động trở nên khó khăn, trụ sở của phong trào do cha Bộ tao dựng tại đường Phát Diệm, Sàigòn do một số tiền tòa thánh La mã giúp cho phong trào và do cha Bộ và một số anh em đã đi vận động để tạo mãi và xây dựng. Trụ sở sau này trở thành một hợp tác xã do một anh thuộc phong trào quản trị. Cho tới nay trụ sở này từ từ biến thành một hợp tác xã không liên hệ gì tới phong trào. Mỗi năm người chủ dành cho phong trào một số tiền tượng trưng một triệu đồng VN, chưa tới một trăm đô la.
Những năm sau này sau khi mien Nam rơi vào tay cộng sản, phong trào vẫn còn hoạt động, nhưng không mạnh như trước và thường được yểm trợ do một nhóm anh em tại ngoại quốc tài trợ chú trọng vào việc gây dựng đào tạo ơn gọi và cấp học bổng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc ở trong nước.
Tại Hoa Kỳ, một số linh mục và anh em thuộc phong trào nhiều năm đã cố gắng gây dựng lại phong trào. Có một số đoàn đã được thành lập nhiều năm nay và mỗi năm đều có đại hội tại những nơi khác nhau, hầu hết là tại nơi vị tổng tuyên úy và anh em lựa chọn.
Nhân dịp cha Đỗ Long Bộ qua đời, anh em các nơi trong nước cũng như ở hải ngoại đã cùng nhau chia sẻ sự mất mát lớn của phong trào, đã xin lễ và cầu nguyện cho ngài. Chúng ta tin tưởng Chúa sẽ nghe lời nguyện của mọi người, tha thứ những lỗi lầm nếu có và sớm đưa ngài tới nước Trời. Ở bên kia ngưỡng cửa thiêng liêng, chắc rằng cha sẽ gần gũi chúng ta hơn và cũng không quên những liên hệ ngài đã có đối với mỗi cá nhân chúng ta.
Requiescat in Pacem.
Trần Khánh Liễm