Một Vài Suy Nghĩ Về Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu Lần Thứ Nhất Tại Chiang Mai, Thái Lan, 18-22.10.2006

1. Ít dòng về Hội Nghị

Hội nghị chính thức khai mạc vào sáng ngày 19-10 tại đại sảnh đường nằm trên tầng thứ tư của khách sạn Lotus Pang Suan Kaew. Thánh Lễ khai mạc đặt dưới sự chủ tế của Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng và sự hiện diện của Đặc Sứ Tòa Thánh, ĐHY Crescenzio Sepe, người vừa chuyển từ Thánh Bộ LBTM sang chức vị Tổng Giám Mục Naples. Trong bài giảng, ĐHY Chủ tế cầu xin Thiên Chúa ban phước lành cho những tham dự viên hội nghị. Ngài nói, “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con Một của mình xuống thế tại Á Châu.” ĐHY cũng nói đến sự có mặt rất khiêm tốn của con dân Thiên Chúa trên một lục địa rộng lớn để “đối thoại với những người thiếu thốn, với những nền văn hóa khác nhau, cũng như những tôn giáo khác nhau. Chúng ta là những giáo hội còn trẻ, rất trẻ; những quốc gia còn trẻ, và những người con Thiên Chúa còn rất trẻ so với thế giới”. Ngài nói tiếp, “Hội nghị sẽ không phải là nơi đặt vấn đề tại sao, nhưng sẽ là nơi chứng minh sự hiện diện của Giáo Hội trong khung cảnh phức tạp của Châu Á với nhiều tôn giáo, nhiều chủng tộc và nhiều nền văn hóa khác nhau. Tất cả con dân Thiên Chúa vì thế chỉ có một nhiệm vụ cùng theo chân Chúa Kitô, một người Á Châu, để tiếp nối con đường của Người tại Châu Á”.

Đặc sứ của Đức Thánh Cha, ĐHY Sepe đã tuyên bố khai mạc hội nghị trước Nghi Thức Thánh Thể trong buổi lễ. Hiện diện tại hội nghị theo thống kê chính thức của văn phòng báo chí là 1047 người, đại diện cho 25 nước có đại biểu trên tổng số 28 nước thành viên chính thức của tổ chức Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu (FABC). Cụ thể hiện diện có 5 vị hồng y, 69 vị tổng giám mục và giám mục, 13 đức ông, 385 linh mục, 190 nam nữ tu sĩ, và 396 giáo dân (trong đó số nữ là 205 người). FABC là một cơ cấu gồm 28 nước trong tổng số 56 quốc gia tại Á Châu gồm có 14 HĐGM quốc gia thành viên chính thức (gồm Bangladesh, India, Indonesia, Japan, Korea, Laos-Combodia, Malay-Singapore-Brunei, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanca, Taiwan, Thailand, Vietnam) và 11 thành viên “hợp tác” (associate members, gồm East Timor, Hong Kong, Kazakhstan, Kyrgystan, Macau, Mongolia, Nepal, Siberia, Tadjikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan). Cuộc họp FABC lịch sử với ĐTC Phaolo VI năm 1970 có mặt 180 vị giám mục Á Châu. FABC cũng có chín văn phòng mục vụ làm việc nằm rải rắc trên các quốc gia Á Châu với rất nhiều hoạt động nhằm yểm trợ cho các giáo hội địa phương. Suốt trong ba thập niên, nhiệm vụ chính của FABC là tiếp tục dấn thân trong cuộc đối thoại với các dân tộc (đặc biệt là với người nghèo), các nền văn hóa, và các tôn giáo tại Á Châu. Sau Công Đồng Vaticano II, FABC là một bộ phận rất tích cực của các giáo hội Châu Á trong công việc nối kết chặt chẽ các vị giám mục Á Châu cũng như đóng góp tích cực vào việc chia sẻ cái nhìn về tương lai và việc truyền giáo tại Châu Á. “FABC thực sự đang là một Vaticano II Á Châu.”

2. Nội dung của Hội Nghị

Chủ đề của hội nghị là Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các dân tộc Châu Á: một cử hành Đức Tin và cuộc sống.

Câu chuyện Giêsu tại Châu Á bắt đầu giống như kinh nghiệm Emmaus: “Trên đường lữ hành, người dân Châu Á có được một người bạn linh thiêng cùng đi, như hai môn đệ trên đường Emmaus” (Lc 24, 13-35). Lúc đầu, họ không nhận ra Người, nhưng càng về sau, họ nhận ra người bạn đồng hành với mình và biết Người chính là ai. “Đấng Cứu Thế là người đã có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những ai đang phải trải qua những đau đớn và thống khổ không thể nào giải thích được giữa muôn vàn gian nan mà người dân Châu Á phải gánh chịu. Chính những điều đó làm họ tỉnh ngộ và họ minh chứng niềm tin đó trước mặt mọi người để rồi sau đó họ trở nên môn đồ của Người. Họ tự hỏi, ‘Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao khi Người nói chuyện với chúng ta trên đường?’ (câu 32). Và như thế, từ đó những cộng đoàn môn đồ đầu tiên của Giêsu, những giáo hội địa phương đã được thành lập. Một số cộng đoàn ấy ghi dấu ngay từ thế kỷ đầu tiên của Công nguyên tại Kerala; những cộng đoàn khác tại Trung Á xuất hiện sau một ít. Và từ thế kỷ thứ 16, cả một khối khổng lồ những cộng đoàn như vậy sinh ra suốt chiều dọc và chiều ngang của lục địa Á Châu. Câu chuyện của Giêsu tại Á Châu bén rễ rất sâu trên vùng đất này.”

Đó là những nhận định làm nền tảng cho câu chuyện của một người Á Châu tên là Giêsu được Linh mục Julian Saldanha, SJ, trình bày như một lý thuyết nền tảng thần học cho chủ đề hội nghị. Từ khởi đầu đó, các môn đồ của Người tiếp tục “câu chuyện của một người sinh ra nơi chốn nghèo khổ, giữa những người bần cùng trong xã hội, lớn lên giữa họ và dạy họ về tình yêu thương”.

“Khởi đầu, những cộng đoàn Kitô hữu đã nhận rõ được sự hiện hữu của Thiên Chúa thật giữa họ. Đó chính là nhân tố đã kết hợp họ lại với nhau thành giáo hội và đưa họ đến những việc làm mang tính cống hiến theo lời dạy và tình liên đới huynh đệ của các tông đồ, cùng nhau bẻ bánh và cầu nguyện … trong niềm vui và lòng nhân ái …(Cv 2, 42.46). Ý thức ấy đạt tới tột đỉnh trong việc cử hành Thánh Thể với lời thưa ‘Marána tha’ (1 Cor 16,22) : ‘Lạy Chúa! Hãy đến’ hay ‘ Chúa đang đến.’ Họ là những môn đệ đầu tiên khi Người phán ‘Hãy trở thành môn đệ của Ta’ (Mt 28,19). Cuộc sống của họ tập trung vào Chúa Kitô đến nỗi chẳng bao lâu sau đó người ta gọi họ là ‘Christi-ani’, nghĩa là ‘Những người theo Đấng Kitô’ (Cv 11,26). Và khuôn mẫu cuộc sống của họ đặc biệt đến nỗi cộng đoàn ấy được gọi là ‘Con Đường’. (Cv 9,2;19,9,23;22,4;24, 14,22). Khuôn mẫu cuộc sống của họ là một ‘koinonia’, nghĩa là hợp nhất trong yêu thương và phục vụ, họ ‘sống chan hòa với nhau’ (Cv 4, 32-25). Sự hiện diện của họ giữa xã hội như muối, ánh sáng, và như men trong bột (Mt 5, 13-16;13, 33). Việc ‘kể lại’ câu chuyện của Giêsu không thể tách rời ra khỏi việc sống thực câu chuyện đó trong hoàn cảnh cụ thể của mỗi giáo hội địa phương. Và vì thế, câu chuyện Giêsu được tiếp tục trên ‘Con Đường’, đến dộ Người có thể trách cứ Saulô khi ông bách hại giáo hội, ‘Tại sao anh lại tìm bắt Ta!’(Cv 9,4).Câu chuyện của Chúa Giêsu không phải một quá khứ để được tưởng nhớ trong nuối tiếc, nhưng là thực tại cần được sống và in dấu trong mỗi một cộng đồng. Bởi vậy, những văn bản Tân Ước đầu tiên không phải là những sách Phúc Âm mà là các Thư của Phaolô có liên quan đến những lời giảng dạy cho các cộng đoàn tiên khởi về cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu trong ý thức sâu đậm về sự hiện diện của Người.”

Các cộng đoàn Kitô hữu tại Á Châu được mời gọi để tiếp tục câu chuyện của Chúa Giêsu với “sắc thái Châu Á” (EA 20). Đây chính là “món quà lớn lao nhất mà Giáo Hội có thể cống hiến cho Á Châu (EA 10). Các giáo hội tại Á Châu tiếp tục, ngay giữa những bất hạnh và gian nan, để làm nhân chứng. Những gì mới mẻ của cuộc sống do Đấng Kitô mang lại đã ảnh hưởng và đã làm thay đổi cuộc sống với những phạm trù nào đó về sự phán xét, về việc xác định đâu là những giá trị và khuôn mẫu của đời sống (EN 19). Vì thế người Kitô hữu đã có những đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao vai trò các bộ tộc và các giai cấp thấp kém trong xã hội, cho việc giáo dục và vai trò của phụ nữ, cho việc chăm sóc những ngừời nghèo khổ và những người bị bỏ mặc bên lề xã hội, đặc biệt là những bệnh nhân phong cùi và aids. Đồng thời nhờ đối thoại, một sự toàn hảo khác cũng được hoàn thiện bởi vì ‘chính đối thoại làm cho các bên trở nên phong phú’ và dẫn đến một sự cảm thông để cùng tiến bộ trên con đường tìm hiểu và từng trải về tôn giáo.”

Nhưng phải kể câu chuyện của anh thanh niên Giêsu như thế nào?

Không còn phải là rao giảng Kinh Thánh, cũng không phải loan báo Tin Mừng. Việc truyền giáo hôm nay được lồng vào một truyện kể.

“Nối tiếp công cuộc tìm kiếm năng động của Hội Thánh về các cách hoạt động truyền giáo thích hợp với các thời đại và nơi chốn khác nhau, đại hội đề nghị một lối hiểu và thực hành truyền giáo tập trung vào Câu Chuyện Chúa Giêsu tại Châu Á”.

Trong bài nói chuyện được giới thiệu như là cơ bản cho đại hội do một diễn giả nổi tiếng về tài nói chuyện, Giám Mục Luis Antonio G. Tagle, Giáo phận Imus, Phi-luật-tân, diễn giả đã “tin rằng việc kể chuyện cung cấp một bộ khung sáng tạo cho sự hiểu biết về việc truyền giáo tại Châu Á, một châu lục có nền văn hóa và tôn giáo bám rễ sâu nơi các câu chuyện vĩ đại và các thiên anh hùng ca. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận phương pháp thuật truyện có liên hệ mật thiết gần gũi với các hình thức thuộc nền văn hóa Á Châu là phương pháp nên được sử dụng để loan báo Đức Giêsu tại Châu Á (EAs 20).

Truyền giáo như một cách kể truyện bởi vì “truyện đóng vai trò trung gian giữa cuộc đời và ý nghĩa của cuộc đời”. Đức Cha Tagle đã tóm lược quan điểm đó trong hai phần: (1) hiểu câu chuyện và kể câu chuyện, và (2) truyền giáo là kể chuyện.

Các câu chuyện hay đều dựa vào kinh nghiệm. Câu chuyện hay là câu chuyện đáng tin, và câu chuyện đáng tin là vì nó thật. Nếu câu chuyện thật ấy được chính người có kinh nghiệm trực tiếp kể lại thì “hay” biết chừng nào. Các câu chuyện tỏ lộ tính cách cá nhân, con người và những sự kiện tạo nên tính cách ấy. Rõ ràng là “khi tôi kể câu chuyện của tôi (kinh nghiệm), tôi cũng hiểu được ý nghĩa của thế giới tội đang sống”. Các câu chuyện có tính năng động, có thể cắt nghĩa lại, kể lại, và biến đổi. Các câu chuyện là cơ sở để hiểu các biểu tượng thiêng liêng, thuộc về tôn giáo và đạo đức, vì chính các câu chuyện phơi bày các giá trị, các qui luật đạo đức và các ưu tiên của một con người. Các câu chuyện hình thành cộng đoàn. Kinh nghiệm và ký ức các cá nhân nối kết các cá nhân lại với nhau thành một tập thể. Chúng ta chỉ có thể hiểu một cộng đoàn nếu chúng ta hiểu được những câu chuyện mà cộng đoàn ấy lưu giữ và qúi chuộng. Các câu chuyện khi được đón nhận có thể biến đổi người nghe.Câu chuyện của người kể đan kết với ký ức và câu chuyện của người nghe để tạo ra một câu chuyện mới. Còn nữa, các câu chuyện có thể được kể bằng nhiều cách, cả khi không phải là bằng thể kể chuyện đúng nghĩa. Có thể kể các câu chuyện bằng viết thư, tiểu thuyết hay làm thơ. Các sản phẩm do kỹ thuật tiên tiến tạo ra như nhiếp ảnh, video. Các điệu bộ, kiểu cách, giọng nói, các biểu hiện trên khuôn mặt và dáng điệu của một người cũng hiện thực như bất cứ nhân vật nào trong câu chuyện. Cái im lặng của một người cũng có thể là cách kể chuyện có sức mạnh. Suy rộng ra, các thái độ, nếp sống và các quan hệ của một người cũng là kể chuyện và tạo ra những câu truyện mới. Các điệu vũ, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc và các phong cách ăn uống của một cộng đoàn là các yếu tố cơ bản của câu chuyện về cộng đoàn ấy. Các câu chuyện quá phong phú khiến chúng ta có thể kể bằng nhiều cách khác nhau. Các câu chuyện có thể bị loại bỏ. Sự đau đớn do một ký ức xót xa, nỗi xấu hổ hay cảm giác tội lỗi có thể ngăn cản nạn nhân kể lại đầy đủ câu chuyện của mình. Để giữ lại một phẫn thể diện sau một kinh nghiệm chua xót, một nạn nhân có thể phủ nhận một phần của câu chuyện hay một ký ức các nhân của mình. Các nhà độc tài thường cấm kể về những chuyện tham nhũng, áp bức, giết người và tàn phá vì sợ nguy hại đến chế độ của họ. Các trận chiến khốc liệt nhất đang diễn ra hàng ngày là các trận chiến về các câu chuyện. Ở đâu các cộng đồng giành được câu chuyện thật của họ, thì họ cũng giành được sức mạnh để biến đổi xã hội.

Truyền giáo là kể câu chuyện thật của Chúa Giêsu tại Châu Á. Hội Thánh phải kể câu chuyện của Chúa Giêsu, đó là điều đương nhiên. Nhưng, như Đức Gioan Phaolô đã nêu lên một cách chính xác, câu hỏi lớn đối với Á Châu là chia sẻ câu chuyện này như thế nào (EAs 19).

Hội Thánh kể câu chuyện của Chúa Giêsu từ kinh nghiệm của mình về Đức Giêsu. Nếu kinh nghiệm ấy là kinh nghiêm có thật của người kể truyện, thì câu chuyện sẽ có hiệu quả hơn. Chúng ta ngày nay không được “sờ thấy sự thật”, không được chứng kiến tận mắt (như các Tông Đồ) (1 Ga 1, 1-4). Kể truyện Chúa Giêsu đòi hỏi sự gặp gỡ sống động của Hội Thánh trong kinh nghiệm, tương tác với con người đặc biệt là người nghèo, và các sự kiện tạo thành dấu chỉ thời đại. Câu chuyện Chúa Giêsu bộc lộ tính cách của Hội Thánh giữa người nghèo, các nền văn hóa và các tôn giáo của Châu Á. Hội Thánh lưu giữ các ký ức sống động và năng động về Chúa Giêsu. Lưu giữ không có nghĩa là khóa chặt ký ức trong một khu vực hiện hữu không thể chạm tới. Câu chuyện Chúa Giêsu nếu được cất giữ trong viện bào tàng thì không thể ban sự sống. Trong Ecclesia in Asia (EAs 19-20, 22), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi, đặc biệt những nhà thần học, cố gắng tìm ra khoa sư phạm có thể làm cho câu chuyện Chúa Giêsu gần gũi với não trạng của người Châu Á hơn. Câu chuyện Chúa Giêsu cung cấp ý nghĩa cho các biểu tượng Đức Tin của Hội Thánh. Có thể xảy ra tình trạng Hội Thánh có thể bị đồng hóa quá mạnh vào một số biểu tượng “tiêu chuẩn” hay cổ hủ nào đó về giáo lý, đạo đức và việc thờ phượng khiến cho người ta quên mất chính câu chuyện là nguồn gốc của các biểu tượng ấy. Rồi các biểu tượng tự nó đánh mất sức mạnh tác động lên người ta. Ví dụ nghi thức bẻ bánh trong Thánh Thể phải được nhìn thấy trong nhiều câu chuyện về sự chỉa sẻ, chăm lo, và hiệp thông. Không có các điều này thì nghi thức trở thành vô nghĩa. Nhẫn giám mục phải bắt nguồn từ một câu chuyện sống động về sự phục vụ cộng đoàn. Thiếu điều này thì chiếc nhẫn chỉ còn là một đồ trang sức. Biểu tượng linh mục như là đại diện Chúa Giêsu phải bắt nguồn từ câu chuyện về sự sẵn sàng phục vụ dân Chúa, thiếu nó thì chức linh mục trở thành một địa vị hơn là một ơn gọi. Các biểu tượng Đức Tin phải được tìm trở về với câu chuyện nền tảng của Chúa Giêsu. Một sự trở về như vậy cũng sẽ có thể giúp cho Hội Thánh tại Châu Á sửa sai các ấn tượng về tính chất ngoại bang vốn gắn liền với giáo lý, nghi thức và biểu tượng của Hội Thánh (EAs 20). Câu chuyện Chúa Giêsu phát sinh Hội Thánh. Các câu chuyện làm nên một cộng đoàn. Trong kinh nghiệm và ký ức chung, các cộng đoàn tìm được sự gắn kết và những giá trị chung. Rồi từ đó toàn thể Hội Thánh trở thành người kể lại câu chuyện ấy với Thánh Thần linh ứng. Một Hội Thánh lắng nghe cũng là một Hội Thánh kể lại câu chuyện Chúa Giêsu. Một câu chuyện bị áp đặt thì không ai nghe. Trong Ecclesia in Asia, chúng ta chia sẻ ơn huệ của Chúa Giêsu không phải là để chiêu nạp người ta mà là vì vâng lời Chúa và để phục vụ các dân tộc Châu Á (EAs 20). Hãy để câu chuyện tự nó nói lên và đánh động. Hãy để Chúa Thánh Thần mở lòng và ký ức của người nghe và mời họ biến đổi. Hội Thánh tại Châu Á phải đi vào các thế giới và các ngôn ngữ của người nghe và kể câu chuyện Chúa Giêsu từ trong đó. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Hội Thánh tại Châu Á phải là một Hội Thánh biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và người nghèo, các nền văn hóa và tôn giáo, nếu Hội Thánh muốn nói điều gì có ý nghĩa. Một Hội Thánh kể chuyện phải là một Hội Thánh lắng nghe. Hội Thánh kể chuyện Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau. Chứng tá về một đời sống thánh thiện, đạo đức và chính trực vẫn là câu chuyện hay nhất về Chúa Giêsu tại Châu Á. Cuộc đời của các người nam người nữ thánh thiện và các tử đạo chứng tỏ câu chuyện Chúa Giêsu đã được khắc ghi nơi những con người và những cộng đòan như thế nào. Những người đã hiến dâng đời mình để phục vụ tha nhân, như Chân Phước Teresa Calcuta, là những câu chuyện sống động mà dân Châu Á thích nghe. Bênh vực người nghèo, hoạt động cho công lý, cổ võ sự sống, chăm lo người bệnh, giáo dục trẻ em và thanh niên, hoạt động cho hòa bình, giảm nợ nước ngoài và phục vụ sáng tạo là một số cách kể truyện Chúa Giêsu tại Châu Á hôm nay. Nhưng Hội Thánh cũng phải sẵn sàng để chấp nhận những cách kể truyện bất ngờ do Thánh Thần linh ứng. Ngoài ra, Hội Thánh là tiếng nói của những câu chuyện không được kể. Tình trạng một số câu chuyện không được kể xảy ra hàng ngày tại nhiều vùng ở Châu Á là một điều đáng xấu hổ. Những người nghèo, trẻ gái, phụ nữ, dân tị nan, những người di dân, các dân thiểu số, dân bản xứ, các nạn nhân của các loại bạo lực gia đình, chính trị và sắc tộc và mội trường mới chỉ là một số ít trong những câu chuyện không được kể. Nhiều người sợ các câu chuyện họ sẽ kể. Hay họ sợ nghe sự thật và các đòi hỏi của nó. Người ta cũng đã giết Chúa vì không muốn nghe câu chuyện của Người.

Truyền giáo như là kể truyện Chúa Giêsu đang diễn ra tại Châu Á. Chúng ta hãy mở lòng lên với Chúa và đón nhận câu chuyện của Người và cách kể truyện của Người. Người đã sống như một người bình thường, với gia đình, bạn bè, các phụ nữ trẻ em, người ngoại bang, các tư tế đền thờ, các thày dạy luật, các người nghèo, các bệnh nhân, những người cô thân cô thế, những người tội lỗi và những kẻ địch thù. Tất cả họ là một phần con người hiện thực của Người. Các dụ ngôn của Người đơn sơ nhưng hiệu quả mãnh liệt. Cái chết trên thập giá của Người lẽ ra đã kết thúc câu chuyện. Nhưng Abba còn muốn nói thêm một điều gì nữa, “Con của Ta – Người đã sống lại thực sự” Chúa Giêsu ủy thác câu chuyện của Người cho chúng ta. “Hãy đi kể lại câu chuyện của Thầy tại quê hương Châu Á yêu dấu của Thầy!”

3. Những đóng góp và nhận định

Người Kitô giáo Á Châu phải đặt niềm tin của mình trong bối cảnh nền văn hóa Á Châu.

“Người dân Châu Á phải đối diện với nhiều trở ngại trong việc kể câu chuyện Chúa Giêsu cũng như trong việc lắng nghe câu chuyện ấy”. Đó là nhận định của nhà thần học Dòng Tên người Ấn Độ, Linh Mục Samuel Rayan. Vị linh mục 85 tuổi này cho biết rằng “Câu chuyện Chúa Giêsu phải trở nên một câu chuyện mang tính nhân bản cùng với những câu chuyện mang tính nhân bản khác của Á Châu.”

“Tôi rất quan tâm đến danh từ ‘Câu Chuyện’. Theo tôi đó chính là câu chuyện kể lại những tin tức tốt đẹp ngay trong thế giới giống y như thế giới của chúng ta hiện nay. Và cả cuộc đời nhân vật Giêsu, bầu nhiệt huyết, cái chết và sự sống lại của nhân vật ấy được diễn ra như biểu tượng của tình nhân loại. Chúng ta là những người thừa hưởng tất cả những gì của câu chuyện ấy. Chúng ta phải đánh giá toàn bộ tiến trình ấy trong niềm tin.”

Tại sao chúng ta lại kể câu chuyện ấy trong hoàn cảnh Á Châu? - “Bởi vì câu chuyện ấy gắn liền với cuộc sống mà một phần nào đó đã bị làm sai lệch tại Phương Tây. Đồng thời câu chuyện ấy lại đã không được biết đến một cách rộng rãi tại Châu Á. Kể câu chuyện của Chúa Giêsu tức là phải bắt đầu từ nguyên thủy của câu chuyện, và đương nhiên không phải theo nhãn quan của người Phương Tây. Tất cả những gì đã được giải thích bởi Phương Tây phải được đọc lại và kể lại theo nội dung văn hóa Á Châu. Những gì trong Kinh Thánh phải được kể lại trong tương quan với tình trạng của chúng ta, trong hoàn cảnh đầy rắc rối của chúng ta, trong niềm hy vọng và trong những nỗi thống khổ của Châu Á. Và quan trọng hơn cả, câu chuyện ấy phải thuộc về tất cả mọi người bởi vì Chúa Giêsu là con người của nhân loại. Người không phải đơn giản chỉ là một đại diện cho một số ít người Do Thái, càng không phải là người đại diện cho một số người Châu Âu. Người là đại diện cho toàn thể nhân loại. Và câu chuyện của Người, vì thế, phải là câu chuyện dẫn đường cho nhân loại để tiến tới một tình nhân loại, công bình và yêu thương thực sự tốt đẹp hơn.”

“Tại sao lại phải trình bày câu chuyện Giêsu trong bối cảnh những giá trị linh thiêng của Châu Á? Đúng vậy. Người Do Thái không thể nói rằng họ không làm vì họ không hiểu gì hết về Vedas, một vị thần Ấn Giáo. Người Á Châu như chúng ta có khả năng làm điều đó và phải làm điều đó. Người Âu Châu không thể làm được điều đó, cho dù họ có cố gắng, vì đơn giản là họ không thuộc về những truyền thống của nền văn hóa đó. Khi đến với những dân tộc Á Châu, người ta – Âu hay Á – cũng phải tự hỏi xem Thiên Chúa đã hiện diện, đã ban xuống những gì, như thế nào cho dân tộc ấy. Người đã hiện diện ra sao nơi những dân tộc ấy, nơi những bài hát, những điệu ru, những biểu tượng của nền văn hóa của họ. Cố gắng để tìm ra những nét đặc biệt ấy chính là một trong những nhiệm vụ của truyền giáo.”

Giáo hội của người Châu Á phải là một giáo hội như thế nào?

Bài Suy Tư Thần học chiều ngày họp thứ ba, 21-10, do Linh mục John Mansford Prior, SVD, người Indonesia, Cố Vấn cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa và là thành viên của Văn Phòng Loan Báo Tin mừng FABC trình bày. Linh mục nhấn mạnh, “Trong khi toàn cầu hóa đang đe dọa nhấn chìm những nét văn hóa của các dân tộc về phương diện tôn trọng con người, đức từ bi, lòng trắc ẩn, sự lương thiện và yêu thương lẫn nhau như anh em một nhà, thì Lời Chúa giúp con người thực thi một nền văn hóa đầy nhân bản tính. Một nền văn hóa hướng về tha nhân ngõ hầu có thể thoát khỏi một thứ trật tự xã hội (gọi là) thịnh vượng dựa trên ‘chủ nghĩa tiêu thụ đần độn’ (crass-crass-consumerism) và chủ nghĩa ‘tư bản dựa vào lòng tham’ (greed-induced capitalism).”Để có thể làm được điều đó, diễn giả đề nghị mỗi một Kitô hữu Á Châu nên diễn tả niềm tin của mình không phải bằng ngôn từ của “triết học Hy Lạp”, nhưng bằng ngôn từ và triết học Á Châu bởi vì “chính nền văn hóa Á Châu sẽ làm phong phú niềm tin khi được diễn tả bởi chính nền văn hóa đó”. Linh mục đề nghị “người Á Châu đọc Kinh Thánh theo cái nhìn của người Á Châu thay vì đặt mình trong cái nhìn và nhận thức của người Phương Tây”. “Chúng ta nên đọc Kinh Thánh trong đối thoại trực tiếp với đời sống, đặc biệt là với những người cùng khổ, thêm vào đó là một nhận thức sâu xa về tương quan văn hóa”. Giũa những anh em thuộc tôn giáo khác tại Châu Á, người Kitô hữu sẽ nhận ra chính mình khi họ cùng với những anh em Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Giáo, …sống với nhau qua những việc xã hội cùng làm với những người anh em đó. “Chúng ta không nhốt niềm tin của mình trong bốn bức tường kiên cố, nhưng đem niềm tin đó vào đời sống với những anh em thuộc những niềm tin khác”, linh mục nhấn mạnh.

Người công giáo Á Châu phải tạo lập một giáo hội không phải là giáo hội “trái chuối” (Banana Church), hay “trái dừa” (Coconut Church), nhưng phải tạo lập một giáo hội “trái xoài” (Mango Church) để cả bên trong và bên ngoài đều cùng một màu vàng như nhau, một giáo hội với sự cảm thông bên trong cũng như bên ngoài, một giáo hội “nối kết mọi niềm tin” vươn ra với xã hội bên ngoài, một giáo hội theo kiểu của tâm hồn người Châu Á. “Chính niềm tin Công Giáo giúp con người tìm thấy hạnh phúc trong sự đa diện của các nền văn hóa, và của các xã hội con người. Giáo hội phải đi tìm khuôn mặt của Chúa Giêsu trong và qua các nền văn hóa Á Châu, phải cùng sống với những người nghèo khổ đang chiếm số đông tại Châu Á chúng ta”. Trong cuộc hành trình đi tìm đất sống và phẩm giá của mình, “chúng ta thấy nơi các bộ tộc, các dân tộc thiểu số tiếng gọi Tông Đồ để làm chứng nhân cho Tin Mừng của Công Lý, An Bình, Sự Chính trực, để sáng tạo”. Cha Prior nói tiếp, “Những nhà truyền giáo làm việc với những người anh em khốn cùng đó đã khám phá ra rằng chính những giá trị văn hóa dân gian của các cộng đồng thiểu số ấy và giá trị của Tin Mừng có liên hệ mật thiết và soắn chặt với nhau”.

3. Đúc kết và đề nghị

Hội nghị đã khép lại với một lời nhắn nhủ : “Như những môn đồ đầu tiên, thông điệp xác định ‘chúng tôi đã thấy Thiên Chúa’ (Ga 20, 18). Thông điệp mang tên của mọi thành viên từ Libanon tới Japan, từ Kazakhstan và Mongolia tới Indoniesia đã nghe thấy vô số những câu chuyện về cuộc sống, niềm tin, sự anh hùng, sự phục vụ, những đối thoại trong kinh nguyện, và cả những diễn đạt khác đầy xúc tích. Một tâm trạng vui tươi dạt dào tràn ngập lên chúng tôi những tham dự viên Hội Nghị.” Câu chuyện của Chúa Giêsu đã như một sợi chỉ thống nhất nối kết mọi kinh nghiệm sống thành một truyện kể vĩ đại. Mọi màu da, ngôn ngữ, dân tộc, văn hóa, các giá trị truyền thống, tôn giáo và hoạt động của người dân Châu Á dệt nên một tấm thảm vĩ đại. Giá trị của những câu chuyện ấy tạo nên các quốc gia, biến đổi cuộc sống có liên hệ mật thiết với lời cổ vũ nồng nhiệt của Giáo Hội tại Á Châu qua Thông Điệp Ecclesia in Asia của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp của Hội nghị “đã cung cấp những nhãn quan mới trong nhiệm vụ của mọi người là đối thoại với các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa của Châu Á. Mọi thành viên Hội Nghị đều cam kết mang về quê hương mình những dấu ấn mới trong câu chuyện của Chúa Giêsu, đặc biệt theo chiều hướng Á Châu.”

Những đề nghị của Hội nghị bao gồm việc đào sâu kinh nghiệm về đời sống cá nhân và cộng đồng đặc biệt trong Thánh Lễ. Hội Nghị đề nghị phải có sự tham dự nhiều hơn của giáo dân , giới trẻ theo một linh đạo thống nhất khi thực hiện đối thoại. Khi chấp nhận chúng ta còn “thiếu sót và thành kiến” và khi chấp nhận câu chuyện Chúa Giêsu hiện diện nơi các tôn giáo khác, các cơ sở giáo huấn của giáo hội đặc biệt là các dòng tu và chủng viện được mời gọi để “có một thái độ cảm thông, hiểu biết và tôn trọng một cách tích cực”. “Mọi giá trị văn hóa Á Châu xen lẫn và hòa quyện với lối sống Kitô giáo nhiều hơn khi những giá trị ấy đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất và những lực lôi kéo khác.” Các Hội Đồng Giám mục thuộc các quốc gia được mời gọi tổ chức những hội nghị truyền giáo cấp vùng và cấp quốc gia để bằng phương cách này tiếp tục kể câu chuyện Chúa Giêsu tại Á Châu.

4. Kết luận

Thách thức lớn nhất đối với Á Châu là “khả năng cởi mở chính mình đối với một lục địa có nhiều tôn giáo lớn khác nhau để có thể tiếp tục con đường loan báo tin mừng” hoặc nói theo hội nghị là “kể lại câu chuyện Chúa Giêsu” bằng ngôn ngữ Á Châu, bằng các giá trị văn hóa lâu đời của Châu Á. Hoạt động ấy phải theo một chiều hướng mới bằng những phương cách mới thích hợp riêng cho lục địa Châu Á, ví dụ như làm nhân chứng thầm lặng, đối thoại về đời sống và niềm tin, tôn trọng các tôn giáo khác, và nhất là hợp tác với các tôn giáo khác trong việc cùng chung biến đổi xã hội”. Thời kỳ chia rẽ, bị trị của Á Châu không còn nữa, nhưng mọi nền văn hóa và mọi dân tộc trên lục địa này ít hay nhiều vẫn còn những khó khăn ngăn trở. Giáo hội công giáo tại Á Châu mong muốn đẩy mạnh và nâng cao tinh thần huynh đệ toàn diện và mong muốn thực hiện nhiệm vụ của mình vượt lên trên những khác biệt của chủng tộc, văn hóa hay quốc gia.

Trong tinh thần đó, lối sống đạo kiểu “trái dừa” thật sự không còn thích hợp. Hội Nghi kêu gọi đối thoại, không tranh đua, với các nền văn hóa và các tôn giáo khác và tôn trọng những khác nhau cơ bản đó, miễn sao thực hiện hiệp thông, hiểu biết cùng nhắm tới tình yêu, hòa hợp, và sự phát triển chung.

Quay về tình hình giáo hội Việt Nam, với số dân công giáo (theo báo cáo gần đây nhất ngày 31-12-2005 của HĐGM) là 5.854.880 người trên 86 triệu dân, với 3.437 linh mục, 2.850 chủng sinh dự bị, đang học và đã học xong, 1.826 tu sĩ nam và 12.382 nữ tu sĩ (cộng lại là 20.495 vị), vẫn còn một con số khá đông, rất đông giáo dân : 5.834.385 người. Những giáo dân ấy đã sống đạo ra sao theo lời kêu gọi của Thư Chung HĐGM 2006? Có bao nhiêu người ý thức và thực hiện nhiệm vụ “kể chuyện Giêsu” nơi làm việc, chốn thương trường, ngoài xã hội để xứng đáng là chứng nhân? Đặt vấn đề như vậy để thấy nhiệm vụ của Giáo Hội và nhất là giáo dân thật sư là không nhỏ. Những ngày Hội Nghị đã qua, những chuẩn bị, lo lắng và việc làm của phái đoàn Việt nam gồm 15 người vẫn còn tiếp tục. Suốt trong thời gian trước, trong, và sau hội nghị cho đến tận hôm nay tinh thần làm việc giữa các vị giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân là tinh thần huynh đệ, gần gũi và không một chút xa cách. Người giáo dân mong có nhiều dịp hơn, nhiều hoạt động chung hơn, nhiều nhóm cộng tác hơn, nhiều lãnh vực hơn để cùng với giáo quyền kể câu chuyện Chúa Giêsu bằng những sự việc thật của cuộc sống giữa những anh em không cùng tôn giáo, niềm tin, khác nhau về văn hóa cho một mục đích chung là đem tình yêu đến cho mọi người.

Chú thích : Những phần trong ngoặc kép là tài liệu hội nghị.

Trần Bá Nguyệt, 20-11-2006