Nguyễn Cao Ðàm và "Mưa Ðêm"

Mưa trong nhiếp ảnh nghệ thuật là một đề tài luôn hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh. Có bao nhiêu tác phẩm chụp về đề tài này? Nhiều vô số kể. Cũng như nắng, mưa, cũng như ngày và đêm là một hình ảnh rất đỗi bình thường của thiên nhiên đất trời. Ấy thế mà mưa lại luôn đem lại những xúc cảm lạ kỳ, lãng mạn làm sao qua những cảm xúc cho người nghệ sĩ sáng tạo.

Không phải chỉ có người ảnh mới đem mưa vào tác phẩm, phải kể đến cả thi ca, văn chương, âm nhạc... cũng đều có muôn vàn những áng văn, vần thơ, khúc nhạc... diễn tả những cảm xúc bởi do mưa đem lại. Trong mỗi chúng ta thế nào ai cũng có ít nhiều kỷ niệm với những cơn mưa. Người ta có thể nhìn thấy mưa mịt mù trắng xóa cả một khung trời, cũng có thể là những cơn mưa phùn dai dẳng mỗi độ xuân về trên đất bắc, mưa cũng làm ướt đủ khăn san ai bay lả lơi trong gió cố đô ngày nào...

Cũng là mưa, người ta có thể nằm mà nghe được tiếng mưa rơi gõ đều nhịp trên mái tôn nơi xóm nghèo đêm vắng, Lại cũng vẫn là mưa, có hai người tình đang yêu, dìu nhau về trong cơn mưa nhạt nhòa trên con phố cũ. Hay ở một ca khúc có câu: "Mưa soi dấu chân em qua cầu, như em đã đi qua quãng đời tôi" (TCP). Hay: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ..." (TCS), lại lùi xa hơn nữa về thời gian có bài hát nổi tiếng: "Giọt mưa Thu" của Ðặng Thế Phong bắt đầu bằng câu: "Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi... Cũng mượn nắng, mượn mưa để tả tình, đâu đó có ca dao rằng:

"Nắng mưa là việc của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng "

Và như thế - Những cơn mưa vẫn không ngừng tạo nên những cảm xúc bất tận cho người và cũng vẫn luôn là một cái "cớ" muôn đời để cho người nghệ sĩ sáng tạo.

Về nhiếp ảnh nghệ thuật, một tác phẩm về mưa (duy nhất) của cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm mang tên: "Mưa đêm" đã để lại trong tâm trí tôi những nét sâu đậm. Ngược dòng thời gian "Mưa đêm" được trình làng cách đây 54 năm (1952) tại triển lãm ảnh mỹ thuật toàn quốc Việt Nam lần đầu tiên trong phòng gương nhà hát lớn Hà Nội của 21 tác giả. "Mưa đêm" và "giọt mưa trên kính" của Lê Ðình Chữ... gần như là những bức ảnh nghệ thuật đầu tiên chụp về chủ đề mưa của nước nhà.

Tác phẩm triển lãm lần đầu tiên của Nguyễn Cao Ðàm "Mưa đêm" đã làm nên tên tuổi ông từ thủa đó. Ðêm về - trên con phố nhỏ không một bóng người đang chìm trong cơn mưa, một chiếc xích lô phủ bạt kín mít nằm cô đơn ngoài trời (chủ đề chính), bên cạnh nó là những vũng nước sáng loang lổ được thấy bởi ánh sáng từ những cột đèn đêm hắt xuống...

Và hậu cảnh của chiếc xích lô là một dãy phố cũ đã yên ngủ, trên gác của một căn nhà nào đó còn sáng đèn. Bức ảnh "Mưa đêm"chỉ có thế. Ảnh là một thể loại đen trắng kể chuyện. Khi được chuyển sang những ý liên tưởng cho một câu chuyện về xã hội thì mới thấy "Mưa đêm" có ẩn chứa những nhân vật chưa xuất hiện trong ảnh: Người phu xe nằm trong xích lô (nếu có) chưa được về nhà, đang tạm ngủ để chờ khách, trong khi trời đã khuya, mưa vẫn rơi, phố xá đã hết người qua lại. Căn nhà ai đó còn sáng đèn đằng xa, có thể có người đang còn thức nhưng không có hoàn cảnh khốn khó như người phu xe kia...

-Trường hợp không có người phu xe trong xích lô thì chiếc xe cũng vẫn là một hình ảnh buồn bã cho những kiếp nghèo phải vất vả mưu Sinh bằng nghề

Sự cảm nhận, chia xẻ với đời sống cần lao ẩn chứa trong ảnh "Mưa đêm" của Nguyễn Cao Ðàm được thể hiện bởi cái nhìn chiếc xích lô trong đêm mưa cho ta thấy được ý tưởng tinh tế, sâu sắc về xã hội của ông thời bấy giờ.

Tại sao tôi có bức ảnh "Mưa đêm" hiếm hoi này đăng tải để mọi người cùng xem? Xin trở lại thời gian trước , Australia vào khoảng 1990, tôi tình cờ có duyên hân hạnh được gặp ông Nguyễn Cao Ðàm qua lời giới thiệu của bà quả phụ Trần Cao Lĩnh, khi ấy ông bà mới đi đoàn tụ với các con.

Tôi được xem tác phẩm "Mưa đêm" qua một cuốn catalogue ảnh triển lãm mỹ thuật 1952 toàn quốc nói trên và có hỏi bằng cách nào ông chụp được chiếc xích lô trong "Mưa đêm" rõ như vậy? Ông cho biết máy ảnh để trên chân ở tốc độ B và ăn may bằng ánh sáng của tia chớp trong mưa đúng lúc xẹt lên mới lấy được đủ sáng cho toàn cảnh tự nhiên như vậy. Ảnh chụp tại phố Bát Ðàn (phố nhà tôi ở ngày xưa). Cũng trong cuốn sách ảnh đã ố vàng xưa cũ bởi thời gian này, lần đầu tiên rất xúc động, được thấy tác phẩm "Tình mẫu tư " của bố tôi (Nguyễn Ðạo Hoan) cũng có ảnh trưng bày trong triển lãm )...

Vì không có tác phẩm "Mưa đêm" in ở khổ lớn, tôi có đề nghị ông Cao Ðàm cho in lại tác phẩm để có dịp sẽ triển lãm cho mọi người cùng thưởng thức nhưng ông đã ngần ngại tìm âm bản trong một đống phim khổng lồ nên thôi. Sau đó tôi có ý muốn ông viết một bài về nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh và ông nhận lời nhân dịp chúng tôi tổ chức phát hành cuốn sách ảnh "Việt Nam quê hương muôn thủa" cuốn sách ảnh cuối cùng tổng hợp những sáng tác một đời người của Cao Lĩnh, Ông Cao Ðàm nhận lời tham dự. Sau khi phát hành, 200 cuốn VNQHMT được bán hết trong một thời gian rất ngắn cũng một phần lớn nhờ sự có mặt với bài đọc về Trần Cao Lĩnh của ông NCÐ.

Còn nhớ những ngày hai ông bà Nguyễn Cao Ðàm lặn lội bằng xe lửa tới nhà tôi ở Bankstown để phóng một số ảnh đen trắng chuẩn bị triển lãm: "Ảnh Nguyễn Cao Ðàm". Mỗi lần tới nhà tôi, ông luôn mang theo một đầu ống kính máy rọi ảnh vì ống kính nhà tôi không đủ mạnh để phóng ảnh lớn... Tác phẩm "Mưa đêm" vẫn không được in ra và hầu như đã chìm vào quên lãng. Những câu chuyện về nhiếp ảnh giữa chúng tôi một già một trẻ kéo dài tương như vô tận thành thử có những bữa cơm ăn "chực" nhà ông là thường xuyên với tôi. Bà Nguyễn Cao Ðàm với nụ cười hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, hiếu khách của người thiếu nữ Hà Nội xưa, làm cho tôi cũng bớt phần lo ngại, bà là một mẫu người vợ lý tưởng cho các nghệ sĩ sáng tạo - luôn hết lòng về công việc của chồng con mà không một lời ca thán... Những thành công trong ảnh nghệ thuật của ông không thể không kể đến sự đóng góp hi sinh rất âm thầm, lặng lẽ của bà Nguyễn Cao Ðàm.

Với nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm, tôi được học hỏi rất nhiều về nhiếp ảnh nghệ thuật, ông thâm trầm và sâu sắc, tôi kính ông như một người thầy (tuy chưa bao giờ vinh dự được ngồi trong một lớp giảng dạy nhiếp ảnh chính thức của ông) và cũng như một người cha. Ngày sinh nhật tháng 10/1991 (Thôi nôi) của đứa con gái đầu lòng chúng tôi, ông bà Cao Ðàm không quản ngại đường xá xa xôi tới dự.

Trở lại với "Mưa đêm" vẫn không được bày trong những cuộc triển lãm của Nguyễn Cao Ðàm tại Úc châu cho tới ngày ông mất (15/4 âm lịch năm 2001 tức ngày 4/6 dương lịch). Cho tới một hôm, anh Nguyễn Trọng Tuấn (con trai thứ của bác Cao Ðàm có đem lại cho tôi bức ảnh "Mưa đêm" đựợc in ra từ âm bản đã tìm thấy, tuy nhiên với một âm bản đã trên 50 năm thì chất lượng ảnh không thể còn như ngày xưa được nữa. Với kỹ thuật computer ngày nay cho phép phục hồi những bức ảnh đã cũ, tôi đã làm lại những phần chính của tác phẩm, trong đó cần phải làm rõ hơn những hạt mưa trong đêm... Nhân ngày giỗ đầu của ông Nguyễn Cao Ðàm (2002), tôi có đem "Mưa đêm" lên nhà cô Oanh (con gái bác Cao Ðàm) và xin phép gia đình được treo lên bên cạnh bàn thờ của bác như một nén hương lòng của tôi gửi tới bác...

Ðã nhiều năm trôi qua, kể từ ngày nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm giã từ thế giới này, những tác phẩm nghệ thuật, những sách về nhiếp ảnh do ông biên soạn... vẫn luôn ở lại mãi với lòng người yêu nhiếp ảnh nghệ thuật trong đó có tôi. Cho dù thực sự ông đã mất, nhưng với tôi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm vẫn chỉ là một người đi xa lâu ngày chưa gửi thư về.

Anh "Mưa đêm" của Hà Nội ngày xưa đã ra đời hơn nửa thế kỷ - ý tưởng ghi lại sự khó nhọc của giới cần lao qua ống kính chàng thanh niên Nguyễn Cao Ðàm năm nào trong "Mưa đêm" vẫn là tác phẩm gây nhiều ấn tượng nhất trong tôi. Ngày nay, xem lại hình ảnh chiếc xích lô phủ kín bạt nằm buồn bã trong đêm mưa Hà Nội năm nào, vẫn là một nhức nhối, thách thức cháy bỏng cho tất cả những ai còn quan tâm đến đời sống khổ cực của người dân trong xã hội Việt Nam. Ðó cũng chính là ý nghĩa ẩn chứa lớn nhất của tác phẩm: "Mưa đêm"

Australia -cuối thu 2006

(Nhân tưởng niệm 5 năm ngày nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Ðàm không còn ở dương thế - Tháng 6/2001 - Tháng 6/2006)

*Nguyễn Ðạo Huân