Kể từ khi bắt đầu nhận được tin do các bạn bè, thân-hữu bên nhà cho biết về tình-trạng sức khỏe của anh Nguyễn Ngọc Lan đã đến hồi nguy cấp như lời báo tin của anh bạn Vũ Sinh Hiên ngày 24-2-2007 là "11 giờ đêm hôm qua tôi còn ở bệnh-viện với anh Lan. Coi như hết thuốc chữa rồi. Chúng tôi đang lo chuyện hậu-sự và đem anh Lan về nhà"... thì song-song với sự hồi-hộp chờ đợi một tin xấu nhất, tôi cứ không ngừng suy nghĩ nhiều đến Thanh-Vân với tất cả những gì có thể gọi là kỷ-niệm còn nằm trong ký-ức. Và tin xấu đã nhận được vào buổi trưa ngày 26 là "anh Lan vừa được đưa về nhà lúc 5giờ 30 sáng ngày 26-2 thì đến 6 giờ 15 anh qua đời". Tiếp đến là lời cáo-phó ngắn gọn của Thanh-Vân và Lan-Chi được các anh Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Đăng Trúc chuyển cho.
Giờ đây, cho dù sự thật là người cũng đã đi rồi, đi thật rồi, nhưng dù sao với thế-gian và cuộc đời thì vẫn còn đang trong những ngày mới vừa tiếp-nhận tin buồn. Lại còn tang-lễ với xác thân vô cảm còn đó để cho tất cả hương-vị cuộc đời coi như còn một dịp cuối này bay tỏa và quyện lấy ba chữ Nguyễn Ngọc Lan bằng những lời chia buồn, những câu văn hoa-mỹ đầy giọng bùi-ngùi thương tiếc hay những bài điếu-văn tántụng ồn-ào phải có theo nghi-thức hoặc cần thiết cho một tang-lễ, nhất là tang-lễ của một người quá nổi danh. Và giữa cái không-khí ồn-ào đó thì chắc chắn chỉ có một mình Thanh-Vân lặng-lẽ ôm mối buồn thấm-thía cho nửa đời còn lại, nhất là sau khi thân xác anh Lan đã vùi sâu vào lòng đất để thật sự trả lại mọi sự cho đời. Chắc chắn theo lẽ tự-nhiên của cuộc đời thì người ta- dù kẻ yêu hay người ghét - cũng sẽ còn viết, còn nói nhiều về anh Lan với cả lời khen lẫn tiếng chê. Riêng tôi lại muốn lui về một thời nào đó trong quá-khứ chưa quên để ôn lại một chút hồi-ức về Huỳnh Thanh-Vân thay cho lời phân-ưu.
Vào cuối năm 1968, Phong-trào Thanh-niên Công-giáo Đại-học có mở trại huấn-luyện ngoài Vũng-Tầu và địa-điểm mượn được để sinh-hoạt trong suốt một tuần là Tiểu-chủng-viện ngay tại Bãi Trước. Thường thì những dịp trại như vậy đều có mời thêm các sinh-viên ngoài Phong-trào để như một cách giới-thiệu và tìm thêm đoàn-viên mới cho nên số người tham-dự rất đông. Chúng tôi đến nơi vào xế trưa và sau khi tập-họp nghe một số điều lệ về kỷ-luật trại thì Ban-tổ-chức phải lo sắp xếp và hướngdẫn các trại-viên đi nhận phòng rồi mọi người được sinh-hoạt tự-do đến giờ ăn chiều. Sau khi làm xong nhiệm-vụ một thành-viên của Ban-tổ- chức, tôi xách túi quần áo lên khu trại nữ và đang nhìn quanh kiếm một chỗ còn trống cho mình thì có tiếng gọi "Ở đây còn chỗ nè chị" phía cuối phòng. Tôi nhìn về hướng đó vừa kịp thấy một cô gái đang vui vẻ đưa tay chỉ trỏ. Khi tôi lại cám ơn cô, bỏ túi xách cá-nhân xuống chiếc chiếu trống trải sát tường là lúc cô đang "làm đẹp". Vì muốn tránh cơn buồn ngủ nên tôi chăm-chú nhìn cô loay-hoay hết bôi kem chống nắng đến chọn kính mát, áo tắm và khăn quàng mỏng cột tóc lại tiếp-tục sang soạn áo quần, ngắm thứ này bỏ thứ kia. Cô nói tiếng Nam và xem ra thì hoàntoàn đầy nữ-tính, song lại là thứ nữ-tính độc-lập, tự-chủ và lạc-quan. Cô kém tôi chừng vài ba tuổi, khuôn mặt đầy-đặn, tươi-tỉnh pha thêm nét hồn-nhiên và đầy sinh-động chứ không cải-lương rười-rượi kiểu liễu úa chiều thu; song vẫn là một loại "công chúa" sảnh-sẹ.
Khi tôi đi giao bảng tên cho mọi người thì mới biết tên cô là Huỳnh Thanh-Vân. Ngay trong mấy giờ tự-do buổi chiều hôm đó chúng tôi đã tự-nhiên và thân-thiết hơn nhờ tính năng-động của cô. Phần lớn các trại-viên rủ nhau đi xem cảnh Vũng Tầu. Nhóm này gọi xe ra Bãi Sau, nhóm khác đi chợ hoặc đến Bãi Dâu. Còn lại mấy người ở gần nhau gồm Thanh-Vân, tôi và vài ba người nữa theo chị dượcsĩ La Thanh Liêm về nhà nghỉ của gia-đình chị chơi, uống nước xí-muội và ăn bánh bèo. Lần đầu tiên chúng tôi biết món giải-khát này nên Thanh- Vân nhí-nhảnh nói nhỏ: "Em về Sài-gòn sẽ đi tìm mua thứ này xong rồi viết thư báo cho chị biết."
Sau giờ cơm tối là bắt đầu phần sinh-hoạt chung của trại để giớithiệu mọi người với nhau cho dễ làm quen và nhận mỗi người một tờ chương-trình chi-tiết của cả bảy ngày. Lúc về đến phòng ngủ, Thanh-Vân bảo tôi:
- Dù mới quen nhưng không hiểu sao em lại thấy thích nói chuyện với chị. Vậy mình làm chị em với nhau nghe. Về đến Sài-gòn rồi cũng thế, mình cho nhau địa-chỉ nhưng không đến nhà mà chỉ để viết thư thôi. Chị chịu không?
Tôi cảm thấy cô hơi là-lạ nên gật đầu liền. Và thân nhau thêm từ đó.
Sáng hôm sau và những sáng tiếp theo, Thanh-Vân thường dậy thật sớm rồi rủ tôi xuống bãi biển xem cảnh dân địa-phương lưới cá và đón các ghe chài về bến. Một buổi sáng trời mưa nhẹ, Thanh-Vân mừng quýnh, hối tôi lấy dù xuống bãi biển đi dạo kẻo lỡ trời tạnh thì uổng. Hồi đó tôi cũng rất thích đi dưới mưa cho nên cứ mỗi khi trời mưa là xin phép người lớn với lý-do "đi mượn sách cần" rối mặc áo mưa và lấy xe ra đi, chạy vòng-vo qua mấy ngả đường cho mưa hắt ướt hết cả mặt mũi, tóc tai rồi mới về. Thanh-Vân nói tôi nên bỏ dép ra cầm trên tay rồi cả hai thi nhau chạy chân không trên cát ướt và lang-thang ngoài bãi biển đến giờ ăn sáng mới về.
Và kỳ trại cũng chấm dứt. Mọi người chia tay trở lại với những sinh-hoạt thường nhật. Tôi đinh-ninh những gì Thanh-Vân nói trong dịp trại rồi cũng trôi xuôi. Nhưng chỉ một tuần sau tôi nhận được thư trong đó Thanh-Vân hỏi tôi đi mua xí-muội về uống chưa và nhắc tôi nhớ đi lễ của Phong-trào mỗi chiều Thứ Năm tại nhà nguyện Mai-khôi để gặp mặt. Sau lễ, hai chị em chạy xe sang tận Đa-kao để ăn chè Hiển-Khánh rồi chạy ngược lại cuối đường Phan Đình Phùng phía Ngã Bảy mua xí-muội. Một số bạn bè trong Phong-trào hay chọc ghẹo chúng tôi làm Thanh-Vân cười ngặt-nghẽo: "Phải công nhận đầu óc mấy người vừa giầu tưởng-tượng lại vừa u-ám lạ lùng. Những điều như thế mà cũng nghĩ đến được." Sau đó, Thanh-Vân viết cho tôi một bức thư với câu mở đầu "Thư này em viết cho chị bằng mực Pélikan đấy. Chị đã đọc cuốn Những bức thư tình viết bằng mực Pélikan chưa? Có điều nếu người khác mà đọc mấy dòng này chắc cũng sẽ nghĩ bậy-bạ như mấy người trong Phong-trào thôi. Mặc kệ họ, em tin chị hiểu em là được rồi." Vì vậy tôi cố gắng thu xếp giờ giấc, thậm chí có khi còn bỏ cả người bạn trai vừa đến thăm cho mặc sức nói chuyện với người nhà để đến gặp như Thanh-Vân viết thư hẹn. Lâu dần cô bắt đầu đưa đề-tài Nguyễn Ngọc Lan vào câu chuyện với toàn lời khen mà không một tiếng chê. Có lần tôi đã nửa đùa nửa thật nhận-xét rằng chỉ thấy ông ấy đầy nét khắc-khổ và khô khan giống mấy ông đạo-sĩ "fakir" trên núi Hy-mã-lạp-sơn thôi nhưng cô không giận mà thẳng-thắn xácquyết rằng "Em chỉ cần đứng xa nhìn anh ấy giảng là được rồi".
Một hôm, theo lệ thường hay đi Sài-gòn mua sách vào mỗi chiều Thứ Bảy, tôi gặp cuốn chuyện Narziss and Goldmund của Hemann Hesse được dịch sang Việt-ngữ với nhan-đề là Đôi Bạn Chân Tình. Cái tên sách không làm tôi chú ý bằng tác-giả mà tôi rất thích trước đó qua các cuốn Câu chuyện dòng sông, Tuổi trẻ cô-đơn và Tuổi trẻ băn-khoăn đã đọc cho nên dù chưa biết nội-dung ra sao tôi cũng mua liền hai cuốn cho mình và tặng Thanh Vân. Ít hôm sau chúng tôi tình-cờ gặp nhau sau giờ lễ chiều ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thanh-Vân chạy lại ôm chầm lấy tôi thật vui vẻ và khen rối-rít là cuốn sách hay quá vì "anh ấy" giống y như nhân-vật Narzisse trong sách còn em là Goldmund và lại còn cho rằng tôi có chủ-ý như vậy khi tặng nó cho cô nữa.
Cô vẫn nói chuyện theo cách bình-thường, không có chút gì đáng để gọi là chênh-vênh, chao-đảo như tình ý thông-thường của một người đang gặp trắc-trở trong tâm-cảm. Hình như tôi hơi hiểu cô. Ngay khi ấy tôi đã không muốn bất-công với cô, muốn chia sẻ một chút gì đó nhưng không dám mà chỉ thầm nghĩ rằng tại sao người ta có thể yêu thích một giọng hát, mê say một tài-tử hoặc tôn-sùng một người nổi danh nào đó như thần-tượng thì cô cũng có quyền quý-trọng và nể phục một con người đang thực-hiện một lý-tưởng trong những suy nghĩ và cách sống của mình, cho dù người ấy là một linh-mục.
Sau khi lập gia-đình thì thỉnh-thoảng tôi vẫn còn gặp Thanh-Vân hoặc sau giờ lễ chiều, đứng lại hỏi thăm nhau vài ba câu về cuộc sống hoặc thấy cô mặc đồng-phục Hướng-đạo-sinh vẫy tay chào lúc đang chạy xe ngược chiều trên phố đông. Còn linh-mục Nguyễn Ngọc Lan vẫn càng ngày càng nới rộng chiều kích sống ngoài nội-vi Nhà Dòng để hoạtđộng như một người đấu-tranh và phản-kháng, hội-nhập với một số sinhhoạt chính-trị trước cặp mắt sùng bái của Thanh-Vân. Nghĩa là cô vẫn lặng-lẽ theo sau bóng người tu ấy đi nhập cuộc kiểu như một Vê-ro-ni-ca trong đám phụ-nữ thành Giê-ru-sa-lem. Bạn bè thân-hữu chung quanh cả hai vẫn bình-thản nhìn vào họ bằng ánh mắt "tư vô tà".
Mãi tới một ngày gần cuối năm 1976 (30 tháng 11 thì phải) hai người mới chính-thức cùng nhau bước chung nửa lộ-trình còn lại. Đây là sự chọn lựa của anh Lan. Nhưng theo tôi, Thanh-Vân không phải là nguyên-nhân mà là điều-kiện ắt có để giúp anh hoàn-chỉnh được sự chọn lựa này như anh đã gọi đấy là "khúc ngoặt mới của đời anh" (un nouveau tournant de ma vie) khi viết trong thư gửi Đức Thánh Cha đề ngày 25 - 01- 1976 và thư gửi anh em Dòng Chúa Cứu-thế đề ngày 06-3-1976, có đoạn "Quyết-định này thật ra tôi đã có từ năm 1973 nhưng vì hoàn cảnh chung của đất nước tôi đã đợi... Tôi muốn quyết định ấy chỉ dựa vào những lý do cá nhân và hoàn toàn không có một ý nghĩa khước từ nào đối với Giáo hội, mà ở cương vị mới tôi vẫn sẵn sàng đóng góp và chia vui sẻ buồn với Giáo hội trong cố gắng phục vụ con người và dân tộc..." Hai bức thư này đã được sao lại trong "Nhật-ký 1989-1990" xuất-bản tại Paris năm 1991. Đấy là Nguyễn Ngọc Lan khi quyết-định xin thôi tư cách và chức vụ linh mục cũng như xin chuẩn các lời khấn dòng.
Còn Thanh-Vân? Cô trở thành trợ-thủ của anh Lan để anh trungthành với quyết-định của mình. Cô ôm lo mọi chuyện bên ngoài, quánxuyến các việc trong nhà và sáng sáng làm tài-xế đưa anh Lan đến làm việc với cha Chân Tín tại khu tòa báo cũ thời Nguyệt-san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, chiều đến đón về. Có nhiều khi gặp cả hai người cùng dự lễ trong nhà thờ thì thấy Thanh-Vân đứng bên phía bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, còn anh Lan ở bên phía bàn thờ Thánh Giu-se. Viết đến đây tôi nhớ lại hình ảnh anh Lan với dáng cao gầy lêu-khêu, khoanh tay đi trong hàng người lên rước lễ, vừa đi vừa hát theo mọi người thật tự- nhiên, thoải-mái. Ngay lúc đó tôi đã băn-khoăn tự hỏi lấy gì đánh giá hoặc phân biệt mức hơn kém giữa người đang từ trên cung thánh xuống đứng trao Mình Thánh và người đang chân-thành tiến đến đón nhận kia. Về phía Thanh-Vân, những khi có mặt bên cạnh anh Lan, vẫn tự-nhiên, thoải-mái và đơn-sơ xưng "con" với tất cả các linh-mục bạn bè, thân-hữu và ngay cả học-trò của anh cũng như chỉ dùng chữ "anh Lan" hay "anh ấy" trong câu chuyện đối-thoại với mọi người. Hình như tự bản-chất, hai người này không có gì thay đổi. Anh Lan còn giữ trọn tâm-hồn linh-mục của mình và Thanh-Vân vẫn là một tín-hữu chỉ cần đứng xa nhìn anh ấy giảng là được rồi
Lần đầu tiên tôi theo địa-chỉ sẵn có tìm đến căn nhà ở đường Tân Phước là sau khi anh Lan bị quản-thúc tại gia. Anh Lan trầm-tĩnh, nhẹ- nhàng bao nhiêu thì Thanh-Vân bồn-chồn và sôi nổi bấy nhiêu khi nói lại những gì đã xẩy ra cho gia-đình cô qua cái việc gọi là "kiểm-tra hànhchính" của chính-quyền nhưng vẫn không dấu được nét rất hân-hoan và hãnh-diện về người bạn đời của mình. Khi anh Lan bắt đầu nói chuyện thì Thanh-Vân trở nên như chiếc bóng âm-thầm, di-chuyển nhẹ nhàng hoặc im-lặng cùng tôi lắng nghe. Đây là thời gian tôi hay đến thăm và gặp đủ cả hai người để cũng như mong được chia-sẻ bớt sự tù-túng của tìnhtrạng quản-chế tại-gia và trong lần chuyện trò nào cũng phải có phần anh Lan nói về Lan-Chi, cô con gái nhỏ duy-nhất với cặp mắt một mí hao-hao giống mẹ và nét mảnh-khảnh, nhẹ-nhàng cùng sự thông-minh giống bố; rồi đến Thanh-Vân nói về "anh Lan"...
Từ khi anh Lan ra đi thì đã có nhiều bài viết về anh của những người mà theo con mắt trần-gian nhìn thì là đủ dạng, từ thù đến bạn chẳng hạn. Nhưng theo tôi, anh Lan không có thù mà chỉ là bạn đồng hay khác quan-điểm, lập-trường, chính-kiến.
Có điều tôi tự xét bản-thân mình không đủ sức để viết về anh. Ngay khi đặt bút viết chữ "anh" Nguyễn Ngọc Lan là đã thấy có một chút đuối rồi. Bởi lẽ, với riêng tôi, anh là người thầy hơn là người bạn về mọi mặt. Trước 1975, tôi chỉ khác Thanh-Vân là ngu-ngơ đứng nhìn mọi sự về anh trong một khoảng cách khách-quan nếu không muốn nói là xa-lạ. Những năm đầu sau 1975 thì có thêm được một số suy-nghĩ như anh bạn Nguyễn Đăng Trúc mới chia-sẻ: "Lúc dạy ở Phân-khoa Nhân-văn và Nghệ-thuật của Đại-học Minh-Đức với (cha) Lan, Trúc thường trao đổi nhiều chuyện.Về mặt chính-trị chắc chắn chúng tôi có nhiều diểm bất tương-đồng. Nhưng ít thấy ai có một ý-thức đấu-tranh như anh ấy. Và cũng công-nhận anh ấy có một lối viết và dùng chữ rất độc-đáo. Biết khi nào tìm được một linh-mục biết viết văn như một văn-sĩ Việt-Nam (không viết theo lối nhà đạo, chỉ dành cho chủng-viện và nhà thờ mà thôi)". Thành ra, dù không đọc bút-ký Hà-nội tôi thế đấy của anh nhưng qua những câu chuyện của bạn hữu mà đa-số là linh-mục, thì tôi cũng nắm được hết nội-dung và biết ngay anh đã tận-dụng "ngôn-ngữ nhà nước" lúc ấy qua bộ phim "Thép đã tôi thế đấy" chiếu dằn mặt mỗi tối trên vô-tuyến truyền hình. Chỉ sau khi anh trở thành nhân-vật đối-kháng với nhà nước cộng-sản tôi mới có nhiều dịp gặp-gỡ anh trong một số sinh-hoạt chung với bạn hữu thì như vậy xét ra cũng thực chưa đủ để dùng chữ "anh" mà chính là dựa vào tình bạn giữa tôi và Thanh-Vân. Thế nhưng tôi vẫn muốn viết một điều gì về sự ra đi của anh và tôi chọn viết về Thanh-Vân là vậy.
Thật ra khi viết về cuộc đời của bất kỳ ai trong suốt lộ-trình làm người đã là một cái khó, bởi vì đó chính là viết về một hồng-ân. Huống gì người ấy trong hơn ba mươi năm qua đã là cái bóng của một con người mà cuộc đời đã trở thành hiện-tượng. "Hiện-tượng Nguyễn Ngọc Lan" vừa đặc-cách vừa phá-cách như một định-luật khi nhận được quá nhiều hồng-ân. Thanh-Vân cũng đã làm một sự lựa chọn, một quyết-định mà không phải chỉ có cô mới cảm-nghiệm được dư-vị của nó vì cô cũng đã nhận được nhiều đặc-sủng. Khi cùng Lan-Chi đứng bên quan-tài của anh Lan để tiếp-nhận từng lời chia buồn hay an ủi, để cúi đầu đáp tạ sự thương tiếc và quý mến của mọi người mà trong đó đa-số là linh-mục của Giáo-hội thì tôi nghĩ Thanh-Vân cũng đã thành một hiện-tượng hiếm-hoi trong cõi đời này.
Thanh-Vân ơi, còn muốn đọc lại Narziss and Goldmund nữa không hay đã tự viết cho mình một tác-phẩm chưa đi vào đoạn kết? Còn câu nói ngày xưa trong sân nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có cần sửa lại một chút không? Chẳng hạn, giờ đây, em chỉ cần nghĩ đến anh ấy đã ra đi như thế nào là đủ.
Phạm Minh-Tâm