Giáo Đoàn Trên Đảo Phú Quý

PHAN THIẾT - Cộng đoàn giáo dân nhỏ bé trên huyện đảo Phú Quý - Bình Thuận vừa nhận được một tin vui là đã được cấp giấy phép để xây dựng nhà thờ trên đảo. Hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt mọi người lớn bé, vậy là sau 20 năm cầu nguyện và trông đợi, ước nguyện có một ngôi nhà thờ, có một vị linh mục cho bà con giáo dân nơi vùng hải đảo xa xôi này đang dần thành hiện thực.

Hình ảnh sinh hoạt Công giáo trên đảo Phú Qúy

Hạt mầm trên đảo xa

Đây là lần thứ hai chúng tôi ra đảo. Nhớ lại lần đi trước, có một kỷ niệm vui là khi chúng tôi hỏi nghề chính của dân đảo là gì, hầu hết đều nghe bà con trả lời: “Làm biếng”. Ai trong đoàn cũng tròn xoe mắt, hóa ra, do nghe nhâm tiếng địa phương: họ đọc“biển” thành “biếng”. Trở lại với chuyến đi lần này, sau hơn 6 giờ đồng hồ mệt nhoài trên tàu, chúng tôi đến cảng Phú Quý. Thật bất ngờ vì anh chị em giáo dân đã đứng đón sẵn. Cha con sau 6 tháng xa cách kể từ lễ Phục Sinh đã tay bắt mặt mừng. Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý Tòa Giám mục Phan Thiết, trực tiếp thông báo tin vui cùng với lời chào thăm của Đức cha Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết tới bà con.

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ nằm ở Nam biển Đông. Diện tích tự nhiên 16 km2, cách TP. Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Sử sách xưa ghi tên đảo này dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Từ 1844, vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể biệt nạp cho triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Bây giờ, Phú Quý là một huyện đảo xa của tỉnh Bình Thuận. Vì thế, Giáo họ biệt lập Phú Quý hiện là đứa con ở xa nhất của GP Phan Thiết. Đảo hiện tại là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với đủ thành phần và sắc tộc, đông nhất là người Kinh. 80% dân đảo theo đạo Phật, trên hòn đảo nhỏ này có tới 5 ngôi chùa lớn và vô số những chùa, am nhỏ. Người dân đảo vẫn còn giữ được bản sắc của mình thể hiện qua nét hiền hòa, đơn sơ, thân thiện và hiếu khách, sống nghĩa tình đùm bọc nhau. Tâm hồn tươi đẹp của người dân đảo chính là mảnh đất màu mỡ đang chờ những hạt giống Đức tin gieo trồng. Đảo có tiềm năng về tài nguyên biển và ven biển, khoáng sản, các nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, hải sản. Ngoài ra, vùng này còn có thế mạnh về du lịch, thuận lợi giao thông, có cơ sở hạ tầng tốt, tập trung. Chính vì thế, việc một nhà thờ Công giáo xây dựng trên đảo sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển, đáp ứng các nhu cầu và hoạt động xã hội, văn hóa, tinh thần cho người dân trên đảo, cũng như cho khách du lịch và các thuyền nhân ghé lại cảng liên hệ làm ăn, mua bán.

Kể về chuyện đạo, các cụ cao niên nơi đây cho biết, năm 1971, người Công giáo đầu tiên đặt chân đến đảo là bà Nguyễn Thị Hường (thường gọi là bà Long), quê ở Đồng Hới. Chồng bà là dân gốc đảo, kết hôn với bà và gia nhập đạo Công giáo, đưa bà về đảo sinh sống. Tuy nhiên, đạo Công giáo chỉ mới phát triển trên đảo này từ năm 1990, khi cô giáo Anna Nguyễn Thị Lý tình nguyện ra đảo dạy học, mang theo gia đình. Là một cựu tu sinh của Dòng MTG Quy Nhơn, cô đã gây dựng và liên kết cộng đoàn vốn rất ít oi anh chị em Công giáo trên đảo để nâng đỡ đức tin cho nhau trong hoàn cảnh không có linh mục coi sóc. Cô tìm gặp những người đồng đạo khác như ông Nguyên, ông Rô, bà Long, ông Kính... tạo nên cộng đoàn nhỏ bé vài chục người, cố gắng duy trì, tụ họp nhau mừng các ngày lễ lớn Công giáo. Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục GP Phan Thiết lúc bấy giờ cũng luôn canh cánh với đứa con nhỏ ở xa. Ngài quan tâm theo dõi và liên lạc với cộng đoàn Phú Quý qua cô Lý. Trên mảnh đất do gia đình cô Lý hiến tặng giáo phận, Đức cha Nicôla đã cho người ra xem xét và xây cất một ngôi nhà (khánh thành năm 2000) dành cho việc sinh hoạt của cộng đoàn và giao cho cô Lý coi sóc. Từ đây, mỗi Chúa nhật, bà con giáo dân quy tụ về để cùng nhau đọc kinh và suy tôn Lời Chúa. Vì hoàn cảnh không có linh mục, cô Lý đã đem hết vốn sống và kiến thức từ những năm tháng học tập trong dòng ra để hướng dẫn Giáo lý và Đức tin cho anh chị em mình. Rồi khi có điều kiện, cô lại đưa họ về Tòa Giám mục để lãnh các Bí tích. Là một nhóm giáo dân nhỏ, lại không có linh mục hướng dẫn tâm linh, nhưng cộng đoàn có một sức sống và niềm tin mạnh mẽ, trong tinh thần chia sẻ, nâng đỡ, bao bọc với tha nhân xung quanh. Mãi đến năm 2007, bà con mới có Thánh lễ Phục Sinh đầu tiên trên đảo do cha Anrê Lương Vĩnh Phú dâng. Hiện nay, cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Quản lý TGM Phan Thiết, được Đức cha Giuse trao nhiệm vụ thay Tòa Giám mục chăm lo cộng đoàn Phú Quý.

Mừng, lo với ngôi nhà thờ tương lai

Gần 20 năm kể từ ngày cộng đoàn Phú Quý nhen nhúm thành lập với vài gia đình, toàn đảo hiện nay có 48 hộ Công giáo với khoảng 160 anh chị em giáo dân trên tổng số dân trên đảo là 26 ngàn, trải rộng trong 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Gọi là hộ Công giáo nhưng không phải mọi người trong hộ đều theo đạo. Do người dân đảo có cảm tình với đạo Công Giáo nên tôn trọng chọn lựa của con cái của họ. Như gia đình ông Thiện, 2 cô con gái lấy chồng theo đạo, cô con gái nhỏ cũng theo đạo. Hai ông bà chưa chính thức gia nhập đạo nhưng siêng năng đến sinh hoạt và giúp đỡ bất cứ khi nào cộng đoàn cần. Một số giáo dân từ đất liền ra đảo lập nghiệp rồi xây dựng gia đình ở đây như ông Luật, như ba anh em Tuấn – Hóa – Nhiệm, hay theo vợ theo chồng về đảo như thầy giáo Đức, vợ anh Trung...Trên đảo, có những em bé và cả những bạn trẻ mười bảy đôi mươi tuổi nhưng chưa một lần được đặt chân lên đất liền để nhìn thấy nhà thờ với tháp chuông cao vút là thế nào. Chúng tôi nhớ hoài những ánh mắt ngời sáng, những gương mặt chăm chú như nuốt lấy từng lời giảng của linh mục trong thánh lễ hiếm hoi nơi đây. Thương nhất là các em nhỏ còn ngỡ ngàng chưa biết thưa - đáp trong lễ vì quá lâu không được dự lễ. Trước lễ, cha Sáng tranh thủ ban Bí tích hòa giải cho bà con, có người còn không nhớ cách xét mình. Từ Lễ Phục Sinh tháng 4.2010, nghe cha Sáng thông báo về việc UBND huyện đảo Phú Quý đang xem xét về việc cấp đất cho xây dựng nhà thờ thì mọi người Công giáo lớn bé trên đảo đều nỗ lực gia tăng việc hy sinh cầu nguyện. Anh Tuấn, một giáo dân ở đảo thổ lộ: “Mỗi lần đi qua khu đất mới quy hoạch dự tính là chỗ làm nhà thờ, tôi cứ thấy vui vui trong lòng. Mai đây tụi trẻ con mỗi Chúa Nhật cũng sẽ tíu tít đến nhà thờ dâng lễ khi tiếng chuông vang vọng. Được học Giáo lý và giáo dục Đức tin bài bản như những trẻ em trên đất liền”. Đám thanh niên đảo như Vương, như Ngọc, như Yên... thì cố gắng tưởng tượng những sinh hoạt của giới trẻ Công giáo như ca đoàn, giáo lý viên, nhóm công tác xã hội mà mình sẽ được tham gia. Riêng vợ chồng bác Nguyên, giáo dân lớn tuổi nhất với tổng cộng 24 người con cháu sống trên đảo thì bảo đã mãn nguyện vì trước khi nhắm mắt có thể an tâm về đạo nghĩa của con cháu. Mỗi người một tâm trạng háo hức khi nói về ngôi nhà thờ trong tương lai trên đảo.

Vui thì nhiều nhưng lo lắng cũng không ít. Vì rằng, sau khi được cấp đất, sẽ có muôn vàn lo toan để có được một ngôi thánh đường, dù nhỏ bé, dù khiêm tốn. Nào là kinh phí san lấp mặt bằng, đất đá đổ nền, vật liệu xây dựng..., tất cả đều phải mua từ đất liền với giá cao gấp nhiều lần do chi phí vận chuyển bằng đường biển. Với cộng đoàn quá ít dân và hầu hết làm nghề biển kiếm cơm ăn từng bữa, tùy thuộc may rủi theo thiên nhiên thì liệu lấy đâu ra kinh phí làm nhà thờ ? Đó là trăn trở không chỉ của bà con Phú Quý, của Tòa Giám mục Phan Thiết mà còn là của tất cả những người thấu hiểu cuộc sống khó nhọc và ước mơ cháy bỏng của giáo đoàn nằm giữa biển cả xa xôi này.

Anh Bảy, con trai ông cụ Nguyên kể mỗi đêm theo ghe ra biển đánh cá, anh vẫn hằng ước nguyện làm sao để trên đảo có một nóc nhà thờ, để từ xa anh có thể thấy được ánh sáng từ thánh giá trên tháp chuông như một dấu hiệu có Chúa đang cùng ra khơi với mình. “Xin cho ước mơ đơn sơ ấy sớm thành hiện thực”. Chúng tôi đã cùng anh thốt lên như vậy, như một lời nguyện đẹp và là thông điệp gởi đến mọi người.

Hồng Hương