Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam

Nguồn gốc

Năm 1920, Đức Hồng Y Cardjin, người Bỉ, tổ chức CGTH Chuyên Biệt với Phong Trào Thanh Lao Công (JOC/YCW). Phong trào này dần dần lan rộng sang Pháp và các nước khác.

Theo gương đó, một vài thanh niên sinh viên học sinh ở nhiều học đường Pháp (đứng đầu là Louis Chaudron, sau này là Giáo Sư Tâm Lý Học) giữa hoàn cảnh thả lỏng và đời sống phóng túng của giới học sinh, sinh viên thời đó, đã nhận ra được bộ mặt mới của đạo công giáo và trách nhiệm phải đem đời sống đạo đức vào môi trường sinh viên, học sinh. Vì thế, phong trào Thanh Sinh Công (TSC/JEC/YCS) ra đời.

Giống với hoàn cảnh chiến tranh ở Âu Mỹ thời đó, tại Việt Nam sinh viên, học sinh cũng bị mất thăng bằng và xáo trộn. Do đó, phong trào TSC Việt Nam đã có mặt. Từ năm 1937, các sư huynh Lasan đã thành lập và phát triển phong trào tại hầu hết các trường do các sư huynh điều khiển với tên gọi là Việt Sinh. Đến năm 1956, một số sinh viên các phân khoa và các trường công tư trong đô thành Sàigòn cùng nhau nghiên cứu và học hỏi đường lối của phong trào do Cha Trần Văn Hiến Minh, sau này là Cha Đỗ Long Bộ làm tuyên úy.

Tôn chỉ

Tôn chỉ của phong trào TSC là Kitô-hoá môi trường học đường, đem tinh thần phúc âm vào đời sống SVHS, tức là xây dựng một thế hệ trẻ biết yêu Chân-Thiện-Mỹ vì Thiên Chúa.

Đường lối hoạt động

TSC theo phương pháp “xem-xét-làm”, suy gẫm phúc âm và kiểm điểm đời sống theo đường lối sau:

- Phục tùng và cộng tác với hàng giáo phẩm,

- Luôn luôn liên kết với Chúa Kitô,

- Hoạt động nhằm vào tầng lớp SVHS, với quyết tâm làm cho tầng lớp này chuyển mình theo chiều hướng Phúc Âm,

- Mọi hoạt động TSC đều phải tổ chức trên bình diện môi trường,

- Phải luôn luôn có mặt trong mọi cơ cấu, mọi hình thức sinh hoạt có liên quan tới giới SVHS hầu có thể đóng vai trò “men trong bột” của mình,

- Hoạt động với và cho giới học sinh, sinh viên theo phương pháp của phong trào.

Tổ chức hành chánh

Sau Đại Hội Định Hướng 1961, phong trào chấn chỉnh hệ thống tố chức toàn quốc với:

- Ban Chấp Hành Trung Ương,

- Ban Chấp Hành Liên Đoàn,

- Ban Chấp Hành Đoàn.

Các cấp bậc đoàn viên thì có : thiếu sinh công huy hiệu hình tam giác lộn ngược với chữ Christo Hy Lap màu xanh lá cây, đoàn viên dự bị, đoàn viên chính thức có huy hiệu là ba chữ TSC màu xanh lục, đoàn viên chiến sĩ chữ TSC màu đỏ, và huynh trưởng huy hiệu là chữ Christo màu trắng nicken.

Một số sự kiện nổi bật

Ngày đáng ghi nhớ

Ngày 20-4-1964, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nhóm họp tại Đà Lạt và quỵết định chấp nhận TSC là phong trào hoạt động tông đồ có tính cách toàn quốc cho giới sinh viên, học sinh. Cũng từ ngày này, phong trào TSC được công nhận là một phong trào Công Giáo Tiến Hành chuyên biệt của Giáo Hội Việt Nam. Đại hội đầu tiên mang tính cách toàn quốc là Đại Hội Ra Khơi được tổ chức tại Sàigòn năm 1961.

Sự kết hợp giữa Thanh Sinh Công và Việt Sinh Công

Tại Đại Hội toàn quốc năm 1963 được tổ chức tại Đồi Lasan Mossard, Thủ Đức, hai tổ chức Thanh Sinh Công và Việt Sinh Công kết hợp lại với nhau và lấy một tên chung là Phong Trào Thanh Sinh Công Việt Nam với một ban cố vấn gồm Linh Mục Phêrô Đỗ Long Bộ làm Tổng Tuyên Úy và Sư Huynh Gagelin Mai Tâm làm Tổng Cố Vấn.

Chủ Tịch và Tổng Thư Ký

Chủ tịch đầu tiên là Anh Vũ Minh Trân. Từ năm 1961, phong trào không dùng chữ chủ tịch mà đổi sang danh từ tổng thư ký với các anh sau.

- 1961, anh Lê Trọng Trực.

- 1963, anh Đinh Hoài Ngọc.

- 1965, anh Chu Bá Cao.

- 1967, anh Trần Bá Nguyệt.

- 1969, anh Trần Tấn Kim Sơn.

- 1971, anh Phan Văn Tưởng.

- 1973, anh Vương Hữu Lễ.

- 1975, anh Nguyễn Trí Dũng, cư ngụ tại trụ sở phong trào

và phụ trách cho đến nay.

Trụ sở phong trào

Phong trào đã nhiều lần đổi trụ sở.

- Trụ sở đầu tiên tại Nhà dòng Phanxicô Đa Kao.

- Trụ sở thứ hai tại Nguyện Đường Phanxicô Cầu Muối.

- Trụ sở thứ ba (1965) tại số 50D Bùi Thị Xuân. Trụ sở này do phong trào mua của ông Gardner, người Pháp, và Toà Tổng Giám Mục đứng tên.

- Trụ sở thứ tư (1969) tại số 122/1 Phát Diệm (sau 30-4-75 đổi thành đường Trần Đình Xu). Trụ sở này do phong trào mua căn nhà của ông Trương Công Châu và Toà Tổng Giám Mục đứng tên.

Báo chí

Đặc San Sứ Mệnh, ra đời năm 1961.

Liên Sinh Báo Học Trò do Việt Sinh Taberd xuất bản hàng tháng.

Nguyệt san Hướng Đi, ra đời năm 1969 cho đến 1975 với giấy phép của Bộ Thông Tin.

Đại Hội

- Phong trào TSC đã tham dự các Đại Hội TSC Á Châu tại Singapore hai lần (1967 cùng với JUC và 1971), tại Đài Loan một lần (1969), và Đại Hội TSC Thế Giới tại London 1968.

- Đại Hội toàn quốc trong nước được tổ chức hai năm một lần từ 1961 đến 1975. Đại Hội toàn quốc cũng bầu ban chấp hành trung ương với các chức vụ tổng thư ký, phó tổng thư ký đặc trách TSC nam, phó tổng thư ký đặc trách TSC nữ, phó tổng thư ký đặc trách thiếu sinh công, trưởng phòng chuyên môn, thủ quỹ.

- Đại Hội Miền: từ năm 1965 do nhu cầu, các đại hội miền được tổ chức hàng năm tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà lạt, Qui Nhơn, Sàigòn, Mỹ Tho cho các vùng để huấn luyện đoàn viên.

Tình trạng phong trào

Từ một nhóm nhỏ khởi đầu từ những anh chị hiện nay còn sống như Anh chị Vũ Minh Trân, luật sư, sau này là nghị sĩ Thượng Viện thuộc liên danh Bông Huệ hiện sống tại Hoa Kỳ; anh chị Đinh Văn Cương, luật sư, giáo sư, phó tế, hiện sống tại Sydney; anh chị Mặc Giao, nhà báo, dân biểu, hiện sống tại Canada, thường viết bài cho Diễn Đàn Giáo Dân tại Hoa Kỳ; anh chị Dương Minh Kính, giáo sư, hiệu trưởng trường Chu Văn An (Sàigòn), dân biểu với biệt hiệu là Sao Đỏ, hiện đang ở Hoa Kỳ; anh chị Trần Khánh Liễm, thiếu tá hải quân, hiện ở Hoa Kỳ; một số anh đã hy sinh trong cuộc chiến và một số còn ở lại Việt Nam. Phong trào đến năm 1975 đã có số lượng đoàn viên khoảng 4.500 người trên khắp các vùng lãnh thổ với 12 liên đoàn, khoảng 100 đoàn và một nền hành chánh khá vững. Một điều nếu không kể đến thì rất thiếu sót đó là một lực lượng các linh mục tuyên úy và sư huynh cùng nữ tu cố vấn trên khắp nước từ Quảng Trị đến Cà mâu. Chính lực lượng nòng cốt này là xương sống cho việc học hỏi Phúc Âm và Kiển Điểm Đời sống, hai khía cạnh rất quan trọng của đời sống TSC.

Sau năm 1975 và hiện nay

Sau năm 1975, phong trào còn lại những sinh hoạt nhỏ được tổ chức và sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình. Nhiều đoàn hoạt động cho các giáo xứ, các đội “chữ thập đỏ” như tại Biên Hoà, các nhóm xã hội cứu trợ như tại Sàigòn, các ca đoàn như Nam Hoà, Bắc Hải, quận 8, .. Phong trào TSC hiện nay là một hội đoàn trong số 16 hội đoàn được phép hoạt động trong nước. Tại Sàigòn từ khoảng năm 1995 đến nay vẫn có những Đại Hội thường niên và những sinh hoạt TSC với các nhóm tại các gíao xứ do các cha và các sư huynh hướng dẫn. Tại Sàigòn hiện có 6 đơn vị đoàn với khoảng 200 đoàn viên.

Địa chỉ liên lạc trong nước hiện nay là: c/o anh Nguyễn Trí Dũng

Xí nghiệp Hướng Mới,

số 122/1 Trần Đình Xu, Q. 1, Tp HCM.

Địa điểm họp điều hành là: Lasan Taberd, 20 A Lý Tự Trọng, Q.1, Tp. HCM.

Tại Hoa Kỳ, phong trào cũng đã được các cựu TSC thành lập với Chị Dung một cựu TSC là chủ tịch, trụ sở đặt tại New Orleans, và cũng đã tổ chức những đại hội toàn quốc với các nhóm tại các nước lân cận như Canada tham dự. Một số công tác trợ giúp cho các em cháu thế hệ thứ hai, thứ ba đã được thực hiện bằng hiện kim tài trợ và học bổng gửi về VN cho các con em TSC còn ở lại trong nước. Linh mục tuyên uý trước là Cha Nguyễn Thanh Tùng, tuyên úy, hải quân thiếu tá, hiện nay là Cha Bartholomeo Nguyễn Xuân Hoà, Vicar Forth Worth, Texas. Địa chỉ Email là frhxnguyen@yahoo.com.

Phong trào hiện cũng có các em tham gia trong văn phòng TSC Á Châu đặt tại Philippines. Đại Hội giới trẻ thế giới vừa qua cũng là dịp để nhiều thành viên TSC thế giới gặp nhau cùng với Thanh Lao Công và Thanh Nông Công.

Ngày cầu nguyện chung của gia đình TSC toàn thế giới

Theo sáng kiến và ước vọng của Cha Đỗ Long Bộ, hiện đã gần 90 tuổi sống tại Nhà Nguyện An Tôn, trên bờ biển Nha Trang, mỗi thứ bày đầu tháng toàn thể các cha, các sư huynh, tu sĩ, và anh chị em TSC toàn thế giới dành một ngày cầu nguyện cho gia đình TSC. Cha dâng lễ đặc biệt trong ngày này để anh chị em khắp nơi cùng thông công. Đây là thời điểm để cầu nguyện cho nhau, cho dân tộc, cho giáo hội, cho công lý và hoà bình. Anh chị em khắp năm châu vẫn thư từ và mỗi khi về VN đều ghé thăm vị cha già đã dày công nuôi dưỡng và lo lắng cho phong trào. Mong một ngày TSC lại có dịp tổ chức đại hội toàn quốc như xưa.

Trần Bá Nguyệt

Melbourne, 9-2008