Thấm thoát mà tôi lại sắp sửa ăn cái Tết thứ mười bốn trên đất Mỹ vào dịp đầu năm Canh Dần 2010 này rồi. Năm nay, tôi xin đóng góp với quý độc giả Báo Xuân một câu chuyện có thật mà vui vẻ, ngộ nghĩnh như sau đây.
Tôi không lái xe, nên thường ngày phải di chuyển bằng xe bus. Mà để giữ gìn sức khỏe, mỗi ngày tôi thường đi bộ đến 2-3 giờ vào giấc sáng, trưa, chiều, tối. Lại nữa, vào mùa hè nắng ấm, tôi hay đi khắp các thành phố ở phía miền Đông nước Mỹ để theo đuổi công việc nghiên cứu và trao đổi nơi các đại học, cũng như thăm viếng bà con, bạn hữu khắp nơi. Vì thế mà có dịp nhàn tản thả bộ khắp phố phường, lang thang tại các bến xe, các công viên, các khu thương mại buôn bán, hay các khu công sở, tư sở v.v…
Một chuyện bất ngờ lý thú là tôi hay gặp những đồng xu, đồng bạc cắc mà bà con làm vương vãi trên các lối đi, trong các bãi đậu xe, hay trên các thảm cỏ. Bình thường, có ngày tôi lượm được 20-30 xu. Cũng có ngày nhặt được đến 60-70 xu. Như vậy, bình quân mỗi tháng tôi có thể thu lượm được cỡ 5-6 dollar.
Hầu như ít khi tôi lại lượm được tiền giấy, mà thường là tiền loại một xu (penny) màu đồng thau đỏ lạt, và loại 5 xu (nickel), 10 xu (dime) và 25 xu (quarter) màu trắng bạc. Trước đây, tôi cũng không muốn lượm đồng một xu, vì nó ít có giá trị. Nhưng kể từ ngày gặp được một soeur từ Việt nam qua mấy năm trước đây, bà cho biết là “ với một xu thì các nữ tu có thể làm được một bữa ăn sáng cho một em nhỏ ở khu đồn điền cao su ở miệt Long Giao - Long Khánh”, thì tôi bắt đầu đi nhặt lượm bất kể loại bạc xu nào mà mình gặp thấy ở dọc đường. Chi tiết chuyện này được soeur Thu Vân là em một người bạn kể lại, mà tôi xin thuật lại ngắn gọn như sau :
Một xu cho một bữa ăn sáng
Tại khu Long Giao, có mấy đồn điền cao su gần kề với cái tên rất đẹp là Cẩm Đường, Cẩm Mỹ, mà vẫn còn có một số gia đình đồng bào sắc tộc thiểu số sinh sống lẫn lộn với bà con người Kinh từ nhiều nơi, kể cả từ miền Bắc di dân tới định cư lập nghiệp. Phần lớn các em nhỏ cỡ 14-15 tuổi trở xuống sống trong ruộng rãy, thì đều không hề biết đọc biết viết, vì các em không được đi học ở đâu cả. Vì thế các nữ tu mới kêu gọi các em đến nhà dòng để giúp các em học. Mà khi đến lớp, thì các em đều đói bụng, lại mệt mỏi vì đã phải đi bộ dăm ba cây số đường rừng. Nên các nữ tu bèn phải nấu ăn cho bọn chúng. Mà vì nhà tu cũng nghèo túng, nên mỗi ngày chỉ có thể xuất quỹ chừng 10,000 đồng để đi chợ mua sắm khoai sắn, ngô bắp… để nấu ăn cho 60 em học trò này thôi. Theo hối suất gần đây, thì 10,000 đồng tương đương với 60 xu tiền Mỹ. Vậy thì mỗi em nhỏ được ăn bữa sáng mà chỉ tốn hết có một xu mà thôi. Soeur Thu Vân lại còn kể thêm : “Từ ngày các em được cho ăn, dù chỉ là tạm dằn bụng cho bớt cơn đói thôi, thì sự học tập cũng đã có tiến bộ rõ rệt, khiến cho các soeur và phụ huynh các em, tất cả đều mừng rỡ, phấn khởi “.
Chuyện này đã là đề tài cho tôi viết một bài cách đây vài năm, nhan đề là “Một xu cho một bữa ăn sáng” (One cent for a breakfast), bài này đã được đăng trên một số báo ở hải ngoại. Và các em trong tổ chức từ thiện “Hope for Today” ở miền nam California cũng đã tìm cách phụ giúp với soeur Thu Vân trong vụ “nuôi ăn một xu “ thật đáng chú ý này.
Việc lợi cho người, mà cũng khỏe cho mình.
Trở lại với chuyện “lượm bạc xu” là chủ đề chính của bài viết này, thì tôi xin mô tả chi tiết hơn về công chuyện tôi đã theo đuổi liên tục từ 4 năm nay ở Quận Cam, cũng như ở bất cứ thành phố nào mà tôi có dịp đặt chân đến trên bước đường rong ruổi khắp nơi của mình, trong nhiều vòng đi xung quanh nước Mỹ mấy năm gần đây. Chẳng phải là nước Mỹ giàu có đến độ quẳng vất tiền bạc ra ngoài cửa sổ, nên người ta cứ việc ra đường tha hồ mặc sức mà lượm được đâu. Chẳng qua là vì mấy đồng xu bạc cắc nó nhỏ quá, nên dễ lọt qua khe hở nơi ngón tay, hoặc ngồi trên xe hơi mà bị rớt mất ít xu ra bên ngoài, thì cũng không bõ công dừng xe lại mà xuống đường lượm lại, có khi còn nguy hiểm do tai nạn bị xe khác đụng là đàng khác nữa.
Loại tiền tôi hay gặp nhất là thứ một xu (penny). Phải đủ 100 xu, thì mới được một dollar. Tôi gom góp chừng 3-4 tháng, có khi được 400=500 xu, thì đem gửi cho nhà thờ, hay hội từ thiện để họ tùy nghi đem đi đổi ở ngân hang. Nhưng tôi đọc trên báo thấy có người viết rằng bây giờ kim loại đồng thau để đúc ra thứ tiền một xu, thì đắt giá hơn là giá trị của penny đó. Vì thế, nếu mà gửi đi bán cho cơ sở “tái chế kim loại”, thì được giá cao hơn ở ngân hang. Đó là nói cho vui vậy, chứ cả một năm cùng lắm tôi cũng chỉ lượm được cỡ một vài ngàn xu, thì trị giá chỉ có cỡ 10-20 dollar, nên đâu có bõ công mà làm chuyện bất hợp pháp là hủy hoại đồng tiền do nhà nước phát hành như vậy.
Còn loại tiền thứ hai tôi hay gặp hơn loại nickel 5 xu, quarter 25 xu lại chính là đồng dime 10 xu, vì nó nhỏ nhất nên dễ bị lọt xuống đường. Đồng 10 xu này lại nhỏ hơn đồng 5 xu, nhưng nó màu trắng bạc nên cũng dễ tìm thấy.
Tôi sinh sống với gia đình tại khu vực Quận Cam, nhưng cũng thường lên San Jose, San Francisco, Sacramento ở phía bắc California để thăm con gái, cháu ngoại cũng như bà con bạn hữu khác. Ngoài tiểu bang California, thì tôi đã đi tới khá nhiều thành phố lớn khác của Mỹ như Seattle, Minneapolis, Chicago, New York, Philadelphia, Baltimore, Washington DC, Orlando, Atlanta, New Orleans, Houston, Dallas, Kansas City, Denver, Las Vegas v.v… Và như đã nói ở trên, để giữ gìn sức khỏe, mỗi ngày tôi đi bộ khá nhiều giờ,vừa để luyện tập thân thể, vừa để cho đầu óc thoải mái thư dãn. Rồi nhân tiện cũng tìm kiếm tiền xu bạc cắc rơi vãi dọc đường. Như vậy thì con mắt phải linh hoạt, phóng tầm nhìn ngó, quan sát xung quanh nơi mình đứng. Rồi khi thấy đồng tiền nào, thì phải cúi lưng xuống để mà nhặt lên. Do vậy mà có dịp vừa luyện con mắt cho thêm tinh anh, vừa luyện cơ bắp nơi xương sống lưng cho nó mềm dẻo.
Đó là về thể chất, còn về phương diện tinh thần, thì tôi luôn tâm niệm rằng mình phải luôn cố gắng tìm niềm vui, sự sảng khoái trong những việc nhỏ nhoi mà có ích lợi cho người khác. Tôi rất thích câu hát mà sau 1975, bà con ở Saigon hay ngâm nga “ Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Và ở Mỹ, thì giới trẻ cũng hay nhắc với nhau cái khẩu hiệu : “Think globally, Act locally” (Suy nghĩ toàn cục, Hành động trong tầm tay). Cái việc tôi chú ý đi lượm bạc xu, thật ra chỉ là một sự tình cờ nhỏ nhoi thôi, tự thân nó thì đâu có gì là quan trọng đâu. Nhưng mà cái điều bé nhỏ bất ngờ này lại tạo cho tôi một niềm vui thích lành mạnh nhẹ nhàng, mà có thể gọi đó là sự “thỏa mãn về tinh thần” (moral satisfaction) như người Âu Mỹ thường nói vậy.
Những cái vui nho nhỏ, mà ngộ nghĩnh
Có lần vào một buổi trưa nóng bức tôi đi lạc ở Washington DC gần khu sân vận động Robert Kennedy. Đang mệt nhọc chán nản, thì nhặt được mấy chục xu bên bãi cỏ cạnh lối đi, tức thì tôi như bừng tỉnh, tinh thần phấn chấn lên cao, quên đi hết chuyện mệt mỏi, để mà tiếp tục đi tiếp. Thành phố thủ đô cũng giống như New York, Philadelphia, Chicago, San Francisco…, thì lúc nào cũng đông rợp những du khách từ khắp nơi đổ về để thăm viếng các di tích lịch sử, nên có vẻ như tiền xu bạc cắc bị vương vãi ngoài đường nhiều hơn là tại các thành phố nhỏ thường vắng khách tham quan.Tại New York, nhất là xung quanh khu vực Times Square, thì bà con du khách đi lại sáng đêm luôn, hầu như nơi đây thành phố không bao giờ lại đi ngủ cả. Từ khách sạn Carter của gia đình ông Trần Đình Trường, mỗi buổi sáng sớm cỡ 5-6 giờ là tôi xuống phố đi bộ tuốt lên đến khu công viên Central Park. Lúc đó đường xá tương đối vắng vẻ, trời chưa sang tỏ lắm, nên tôi hay lượm được tiền xu, bạc cắc dọc theo lối đi, nhất là gần cửa lên xuống của ga xe điện ngầm subway. Có lần từ nhà ga North Central ra phố, tôi lượm được liền 2 đồng quarter 25 xu nằm ngay dưới mũi giày của mình. Chuyện chỉ có vậy, mà tôi cứ nhớ hoài.
Một lần khác nữa, trong chuyến đi xe chung với phái đoàn xây dựng hòa bình quốc tế gọi là International Peacebuilders, từ Tennessee về lại Virginia, thì khi xe dừng lại nghỉ tại một khu rest area, tôi xuống đi bộ quanh quẩn khu vực, rồi lượm được tới 2 đồng dime 10 xu và 1 quarter 25 xu, tổng cộng là 45 xu. Tôi bèn đem khoe với các bạn đồng hành rằng với 45 xu này tôi gửi về Việt nam cho mấy soeur, thì có thể làm được bữa ăn sáng cho 45 em bé thuộc gia đình sắc tộc thiểu số nghèo túng, nghe vậy các bạn trên xe ai nấy đều cười ngất.
Đại khái mấy chuyện vặt vãnh ngộ nghĩnh như thế nó làm cho tôi nhớ đến nhân vật thủ lãnh cái bang có tên là Hồng Thất Công trong mấy cuốn tiểu thuyết của Kim Dung, mà bà con ở miền Nam Việt nam say mê tìm đọc trên các nhật báo vào hồi thập niên 1960-70. Ông lão được mệnh danh là đệ nhất cao thủ của giới cái bang (=hành khất) này có đến 7-8 cái túi để chứa đựng các thứ lượm lặt hay đi xin xỏ được. Còn lớp đàn em, tay nghề kém hơn thì chỉ có được 1-2 cái túi thôi. Hồi 1965-67, lúc phải lo chạy vạy đi xin tiền cho các sinh viên làm công tác xã hội thiện nguyện, thì tôi cũng được các em tặng cho cái danh hiệu “ông lão cái bang” tương tự như thế đó. Âu cũng là một cái nghiệp của những kẻ chuyên môn “ăn cơm nhà mà đi vác ngà voi” như vậy.
Có được tiền rồi, thì chi tiêu làm sao đây?
Như đã ghi ở trên, tính đổ đồng ra mỗi tháng tôi có thể lượm được chừng 5-6 dollar. Như vậy mỗi năm có thệ lên tới 60-70$. Tôi có khoe với nhiều người về chuyện này. Mà đặc biệt cô Liên em gái của tôi, thì cô nói : “Em cũng hay lượm được tiền giống như anh vậy. Nhưng em nghĩ đó không phải là tiền do mồ hôi nước mắt mình làm ra, cho nên em tìm cách lấy tiền túi của mình bù thêm vào số tiền lượm được này, rồi đem phân phát hết cho người nghèo, thông qua mấy cơ sở từ thiện nhân đạo. Vậy là lương tâm mình thanh thản, chẳng còn phải thắc mắc áy náy bận tâm gì nữa…” Rõ rệt là cô đã suy nghĩ giống hệt như tôi. Nhất là mấy cháu con của cô hầu hết là dược sĩ, thì lại rất hăng say, tích cực hoạt động thiện nguyện trong tổ chức SAP VN chuyên lo về Việt nam để giúp đỡ săn sóc về y tế cho bà con ở các miền quê hẻo lánh.
Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi rồi, nên không còn dám ôm đồm bao biện nhiều thứ việc này, việc nọ như hồi còn trai trẻ nữa. Tuy vậy, vì nhiều bà con anh em trong giới hoạt động xã hội lại thường hay yêu cầu gánh đỡ cho một vài chuyện, nhất là nhờ tôi đi kiếm tiền giùm, thì tôi cũng ráng phụ giúp chút đỉnh, với điều kiện là không để cho mình bị cột chặt vào một nhiệm vụ lâu dài khó nhọc nào. Về cuộc sống riêng tư, lúc này tôi không còn phải bận tâm gì với chuyện sinh kế nữa, nên tôi có thể dành nhiều thời giờ và năng lục vào chuyện phụ giúp công tác từ thiện nhân đạo của các hội đoàn xã hội. Cụ thể, tôi dành ưu tiên cho việc giúp đỡ một số sinh viên đang theo học tại các đại học ở quê nhà. Từ cả chục năm nay, tôi hợp tác với thầy giáo Phạm Tất Hanh trong việc vận động bà con và bạn hữu để tài trợ cho Quỹ Học bổng Nguyễn Trường Tộ ở miệt Long khánh-Gia kiệm-Túc trưng, nhằm giúp cho mỗi sinh viên 100$00 mỗi năm, để các em bớt được phần nào nỗi khó khăn chật vật trong việc theo đuổi học vấn.
Như vậy với số tiền 60-70$ do tôi thu lượm được mỗi năm, thì tôi phải bù thêm vào 30-40$ nữa, mới đủ cho một suất học bổng 100$ nói trên. Lại nữa cũng may, nhờ tôi viết cho nhiều tờ báo mà không đòi nhuận bút, nên khi tôi vận động xin giúp học bổng, thì quý vị chủ báo cũng thường tiếp tay với tôi, người cho 100, người cho 200$ để xung vào quỹ học bổng này. Thêm vào đó, cũng còn nhiều bạn hữu khác tiếp sức nữa, nên mỗi năm riêng về mục “Học bổng Nguyễn Trường Tộ” này, hai anh em chúng tôi (thầy Hanh và tôi) cũng vận động đi xin được cả một vài ngàn dollar, để gửi về giúp các em ở quê nhà. Trong số các ân nhân này, còn có cả lũ con và cháu trong gia đình của tôi nữa. Việc góp phần “Đầu tư cho Tương lai” như thế của bà con và thân hữu quả thật đã làm cho tôi rất phấn khởi lạc quan, để mà tiếp tục với công việc nhỏ bé thường ngày của mình.Mới đây, tôi có viết một bài báo nhan đề “ Hành động nhỏ, Tình yêu lớn” (Little Action, Great Love). Bài này đã được phổ biến trên nhiều báo, kể cả loại on-line. Đó là loại công việc mà chính bản thân tôi đang theo đuổi từ bấy lâu nay vậy, cụ thể như trong vụ đi vận động kiếm học bổng như thế này.
Nhân tiện, để kết thúc bài viết này, tôi cũng xin ghi thêm là nhan đề của bài bút ký này là do một anh bạn thân thiết đã góp ý kiến cho tôi, nhân lúc tôi kể cho anh việc tôi đi “lượm bạc cắc ở Mỹ” từ mấy năm gần đây, khi chúng tôi gặp nhau trong buổi đi bách bộ buổi sáng sớm dọc theo bãi biển thành phố Huntington Beach ở Nam California. Anh bạn nghe tôi kể xong, thì bèn nói : Cậu phải viết chuyện đó là “đi lượm tiền xu”, vì cậu đi nhặt từng xu một, chứ không phải lúc nào cũng lượm được đồng bạc cắc đâu.? Người bạn đó chính là anh Nguyễn Bảo Trị mà nhiều bà con ở California đều biết đến. Nhân dịp viết bài này, tôi xin cảm ơn sự góp ý của anh bạn Bảo Trị ở đây nữa nhé./
California, Tháng 12 Năm 2009
Đoàn Thanh Liêm