Chiều Trên Phá Tam Giang

Xứ kangaroo ngày 20/7

Kính Thân Hữu Quí mến.

Chúc Thân Hữu một ngày mới Vui vẻ & Bình Yên.

Trang Thơ Nhạc hôm nay:

Nhạc:

Chiều Trên Phá Tam Giang.

Thơ: Tô Thùy Yên

Nhạc: Trần Thiện Thanh

Ca sĩ: Ý Lan & Vũ Khanh.

Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế. Độ sâu của phá từ 2 đến 4m, có nơi đến 7m. Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của Việt Nam.

Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên Ca dao có câu:

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...

Trên vùng phá Tam Giang có làng chài Thái Dương Hạ cổ xưa hàng mấy trăm năm.
Ngoài ra, còn có Đình làng Thái Dương Hạ là một tổ hợp vừa mang dáng vẻ Đình làng truyền thống Việt, vừa mang nét văn hoá đặc trưng trong trang trí Đền miếu của vùng đất Thừa Thiên- Huế, khá lộng lẫy, uy nghi, thờ Thành hoàng làng là ông Trương Quý Công (hay Thương Thiều), người Đàng Ngoài, đã có công dạy cho dân làng nghề đánh bắt cá và buôn bán ghe mành. Đình cứ 3 năm tổ chức Lễ hội Cầu ngư rất long trọng vào 12.1 âm lịch.

Chiều trên phá Tam Giang là một khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Phá hình như quá đỗi hiền hoà, thơ mộng trữ tình, không mang dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển có những con sóng lừng đầy hiểm nguy...

MỘT HUYỀN THOẠI VỀ

PHÁ TAM GIANG

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (ÐNNTC) trang 153 chép Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải có nghĩa là biển cạn, từ nam chí bắc dài 30 dặm, từ đông sang tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu - Thọ Lai (hệ thống sông Lương Ðiền) chảy xuống Phá về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả, sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn

Trong ca dao xưa ở Thừa Thiên – Huế có câu:

Thương anh, em cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang

Trong qua khứ, một số lý giải về ấn tượng “Sợ phá Tam giang” vì cho rằng “nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn” và đưa vào một số dẫn chứng về bài ca “ Cửa biển Tư Hiền “ với 3 ngọn sóng thần thường đánh đắm thuyền bè. Truyện kể Thái Tông hoàng đế từng đến đây chơi, trông thấy sóng yêu làm hại thuyền, nổi giận sai đem đại bác ra bắn, trúng được 2 ngọn sóng máu phun ra đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất; từ đấy thuyền bè đi lại không lo gì nữa, đến nay người ta còn ca tụng (ÐNNTC trang 147)

Phá Tam giang thuộc huyện Quảng Ðiền. Quảng Ðiền là một địa danh có từ cách đây hơn 200 năm, nguyên là đất quận Nhật Nam thời thuộc Hán, sau là châu Lý của Chiêm Thành; thời nhà Trần là quận Trà Kệ thuộc châu Hóa; thời nhà Lê đổi thành huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

Trong Ô Châu Cận Lục của Dương văn An viết vào đầu nửa thế kỷ XVI (1555) dưới thời Lê – Mạc thì vùng Quảng Ðiền - Phong Ðiền hiện nay nằm trong địa phận 2 huyện Kim Trà và huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

Dưới thời nhà Nguyễn đổi Ðan Ðiền thành Quảng Ðiền (Ðại Nam Nhất Thống Chí trang 96). Hiện nay huyện Quảng Ðiền thuộc tỉnh Thừa Thiên, địa danh Ðan Ðiền xưa được mang ra đặt tên cho một cây cầu hiện nay ở thị trấn Sịa.

Vùng đất Quảng Ðiền – Phong Ðiền là quê hương của nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử Việt Nam từ cổ tích cho đến nhân vật liệt nữ tăng đạo. Ða số thuộc vào thời các chúa Nguyễn như

Ông Nguyễn quang Tiền

Ông Nguyễn văn Hiền giữ chức Quản tiên phong thủy đạo,

Ông Nguyễn văn Thành tổng trấn bắc thành thời Gia Long,

Nguyễn Ðô, Nguyễn đình Ðức được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần , thượng thư Lương tiến Tường, Ðoàn văn phú, Ðặng văn Thêm, Lê văn Phú đều được thờ ở đền Hiền Lương, Lê phúc Sơn thờ ở đền Trung nghĩa; đặc biệt ông Thân văn Quyền được vua Minh Mệnh phái đi Pháp về sau giữ chức Bố chính tỉnh Ðịnh Tường cũng được thờ ở đó.

Gương liệt nữ có bà Nguyễn thị Xuân…thủ tiết thờ chồng.

Các di tích lịch sử của Quảng Ðiền gắn liền với các hoạt động lễ hội như đình Thủ Lễ gắn với hội vật, các điệu hò như mái nhì, hò ô, hò giã gạo được ưa chuộng trong dân gian; các trò chơi chọi gà, đua thuyền, kéo co, vật võ, bài chòi thường được tổ chức trong các dịp lễ, tết …

Văn hóa ẩm thực đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa, bún bò, cháo cá dìa, trìa phá Tam giang và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tôm vùng nước lợ thì không có nơi nào phong phú hơn ở vùng đầm phá Tam giang, ngay cả chim nước như le le, vịt nước hay các loài lưỡng thê cũng vậy.

Khí hậu ở Quảng Ðiền Tam Giang được phân thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng gió Tây Nam nên không khí khô nóng, oi bức. Mùa mưa từ tháng 9 năm trước đến tháng giêng năm sau. Tháng 9-10 thường kéo theo lũ lụt. Tháng 11 mưa kéo dài. Các tháng 7,8,9,10 thường hay có bão.

Vùng đất mang nét đặc thù chung của nền văn hoá Huế, và cũng là nơi có nền văn hoá Chăm Pa, những di tích mang dấu ấn của một thời lịch sử như Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng. Những người con của Quảng Ðiền đã đi vào những trang sử hào hùng của quê hương đất nước như Ðặng Tất, Ðặng Dung, các nhà chí sĩ như Trần Thúc Nhẫn…

Phá Tam Giang giới hạn phía Bắc là cửa sông Ô Lâu, phía Nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Từ Ô Lâu tới Thuận An dài 26 km, chiều rộng phá từ 2 - 3,5km. Thuộc địa phận 12 xã của ba huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền và Hương Trà. Phá Tam Giang có diện tích khoảng 5.200ha. Phá Tam giang có độ sâu từ 2 đến 7m, sâu nhất là 10m; phía Bắc phá là Quảng Thái, một vùng phù sa nhờ 2 con sông Ô Lâu và Nịu mang lại sau những mùa lụt, phá Tam Giang từ đây vẽ một vòng cung ra hướng Bắc. Đông Bắc thì gặp một vùng đất đầm thuộc Phong Chương, Ðiền Lộc, Ðiền Môn…Tên các làng dọc theo vùng đất này nghe rất lạ tai như Thủy Nịu, Trằm Nầy, Trằm Dét …

Ngoài đường bộ thì đường thuỷ là một loại giao thông chính của vùng này, con sông Bồ là thủy lộ chính. Sông Bồ bắt nguồn từ dãy núi Sơn Hồ chảy theo tuyến Phú Ốc đến Phú Lễ; chia ra một nhánh chảy về phía Tây Nam - gồm các xã: Hương Xuân, Hương Toàn (Huyện Hương Trà), Quảng Thọ, Quảng Thành (Huyện Quảng Ðiền) đi ra sông Sình và về biển Ðông; một nhánh khác chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hợp với sông Nam Phù ( ) chảy vòng lại phía Ðông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra phá Tam Giang.

Thủy lộ chính từ phía bắc hay từ thượng lưu đi ra biển hay xuôi vào nam là con sông cái. Một trong số 3 con sông này, khi đến Vân Trình có sông Vĩnh Ðịnh từ phía bắc Hải Lãng – Quảng Trị hợp vào, khi sắp đến cửa sông thì giòng sông chảy ngang qua xứ Bàu Ngược chảy thêm 7 dặm nữa mới đổ vào phá Tam Giang (ÐNNTC trang 147).

Tương truyền chỗ Bàu Ngược sông rộng nước sâu, mùa thu mùa đông thường nhiều sóng gió bão, thuyền đi đến đây gặp gió ngược thường bị đắm. Thật sự bàu nước ở đoạn sông, theo như nhận định về khoa học hiện đại, có thể giải thích như là Bàu Ngược này có một cấu trúc khá đặc biệt về địa chất làm giòng nước chảy ngược về thượng lưu, tạo ra một giòng xoáy mạnh có thể nhận chìm thuyền bè đi ngang qua nó, trường hợp này cũng đã xảy ra trên thế giới như ở California - Hoa Kỳ hay ở phía đông thành phố Lehan - Trung Quốc. Thường thì giòng xoáy này xảy ra không định kỳ, không có dấu hiệu báo trước nên người ta rất khó biết hay tiên liệu khi nào xảy ra; cư dân địa phương gọi là Bàu Ngược. Khi nội tán kiêm án sát sứ tổng tri quân quốc trọng sự Nguyễn khoa Ðãng cho đào một con kênh khác thông với sông chính làm giảm bớt lưu lượng nước đổ vào bàu này, từ đó giòng xoáy và sóng cũng bớt dần, thuyền bè đi lại thuận tiện. Còn ở Trung Quốc, người ta đã xây một tượng Phật vĩ đại cao 71 mét trên một ngọn núi đá nằm trên bờ sông ngay khúc sông thường hay xảy ra tai nạn vào năm 713, và sau khi tượng Phật khánh thành thì không còn các tai ương xãy ra nữa. Mãi về sau này, gần đây các nhà nghiên cứu và tôn giáo mới đưa ra một giải thích có tính khoa học thuyết phục hiện tượng bí ẩn này là: khi thi công tượng Phật trên ngọn núi đá thì hàng ngàn hàng vạn mét khối đất đá từ trên cao đã rơi xuống sông và lấp kín các hố sâu dưới lòng sông mà chính các vùng trũng, các hố sâu này là nguyên nhân tạo ra giòng xoáy.

Như thế, ở Trung quốc hay ở Bàu Ngược – Tam Giang – Quảng Ðiền, các bậc cao nhân đã nghĩ ra phương pháp triệt tiêu nguyên nhân tạo ra giòng xoáy.

Và câu ca dao xưa đã có đoạn kết:

Phá Tam giang thì nay đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội tán dẹp yên.

Và đến đầu thế kỷ 21, Bàu Ngược đã được phù sa bồi lắng tạo thành một bãi bồi. Hiện nay cư dân địa phương gọi trại đi là Bàu Nhà Nước hay Bãi Bồi. Di tích mũi tàu và cột cờ vẫn còn đó như một chứng tích của một huyền thoại về phá Tam giang, nó chỉ nằm cách 1Km sau lưng chợ Sịa (mới)

HỒ ÐẮC DUY

Saigon ngày 3 tháng 1 năm 2008

............ ......... ......... ......... ......... .....

Kiều Mỹ Duyên

Trái Tim Của Miền Trung

Từ Đà Nẵng qua khỏi đèo Hải Vân, đến Lăng Cô là đã vào địa phận tỉnh Thừa Thiên. Gần hai trăm năm trước, sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long chọn đất Phú Xuân làm kinh đô. Giờ đây, ai hiểu được ý tứ của vị vua khai nguyên ra triều Nguyễn này khi quyết định chọn Huế để đóng đô: vì lý do địa lý, vì tâm lý hay là do thiên định như truyền thuyết?

Nói rằng vì địa lý, thì với cái nhìn thô thiển của tôi, Huế chưa phải là nơi địa linh nhân kiệt. Bởi vì Huế không có sông sâu, không có núi cao, khung cảnh đầy vẻ trầm mặc, trữ tình, cho nên triều Nguyễn có những vị vua như vua Tự Đức, hoặc những vị vương như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, đều nổi tiếng về văn chương, thi phú hơn là chính trị. Chỉ một vua Duy Tân, một vua Hàm Nghi còn nối được chí khí ông cha, nhưng bánh xe lịch sử đã chuyển... Cái ưu điểm về địa lý duy nhất, có thể Huế như đầu não ở giữa, để hai cánh tay quyền lực được vươn đều đến tận hai miền Bắc và Nam. Nói rằng vì tâm lý, thấy cũng hợp tình, vì trước khi dựng được đế nghiệp, vua Gia Long đã phải nửa đời bôn ba mệt mỏi, và đất Phú Xuân, thật lý tưởng cho một người cần yên nghỉ. Từng là một mảnh đất triều bái của một nước, tuy lịch sử đã đổi thay, ngày nay, Huế vẫn còn là Trái Tim Của Miền Trung.

Huế thật là Huế với những năm đầu của thập niên 60. Đó mới là thời gian Huế với áo dài Đồng Khánh thướt tha, với cầu Trường Tiền nghiêng bóng trên sông Hương, với núi Ngự Bình, với chùa Thiên Mụ, với những món ăn độc đáo, ngọt ngào và quyến rũ như giọng nói của người gái Huế. Trước khi trở thành Miền Hỏa Tuyến, Huế là thành phố của học trò, thành phố cổ kính với cuộc sống trầm lặng. Tất cả các thú vui giải trí đều nhẹ nhàng và chừng mực. Huế cổ kính, nghiêm khắc, nên Huế có những địa danh thơ mộng và kín đáo cho những cặp tình nhân hò hẹn.

Huế có những quán ăn bình dân nhưng nổi tiếng, bởi thế, chẳng phải từ những nhà hàng sang trọng, mà chính những nơi này đã lưu truyền đi những hương vị đặc biệt của các món ăn Huế. Huế cũng nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ. Cầu kỳ từ cách làm cho đến cách ăn.

Điều đó dễ hiểu, vì Huế là kinh đô, đã hơn một trăm năm, bóng những cung miếu, đền đài đã phủ lên những mái nhà tranh, một vùng của sông Hương, núi Ngự, ít nhiều thì cái cung cách vương giả đã thấm nhuần trong dân chúng. Trước khi Huế thành vùng lửa đạn, du khách bao giờ cũng nhìn thấy người đàn bà Huế với chiếc áo dài khi ra khỏi nhà, dù là những người buôn thúng, bán bưng. Cái cung cách đó, đã một thời làm bối rối lẫn thích thú cho khách phương xa đến thăm Huế.

Đi trên phố Huế, thỉnh thoảng gặp những người lính quân phục gọn gàng, sạch sẽ. Cách ăn nói cũng như cử chỉ hiền lành, dễ thương. Phù hiệu trên vai áo của họ mang số I, cái dấu hiệu mà họ hay gọi đùa là 'Cây Đèn Cầy'. Đó là những người lính của Sư Đoàn I Bộ Binh. Bộ Tư Lệnh của sư đoàn này đóng ngay trong thành nội Huế: Đồn Mang Cá, một doanh trại cũ của Pháp để lại, nên vẫn còn những nét kiến trúc của một thời xa xưa. Sư đoàn đó được mang số I làm phù hiệu trên nhiều ý nghĩa: là sư đoàn trấn ải địa đầu của miền Nam, và cũng là sư đoàn với nhiều chiến tích lẫy lừng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đa số quân nhân của Sư Đoàn I là người miền Trung, đó là một lý do tâm lý ảnh hưởng rất mạnh đến tinh thần chiến đấu của sư đoàn. Điều này thấy được trong những trận đánh hồi Tết Mậu Thân để bảo vệ Kinh Đô Huế.

Có ra thăm miền Trung, có đi đến tận những nơi xa xôi gần giáp vĩ tuyến 17 như Quảng Trị, Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà... mới thấy được cái tình yêu quê hương, yêu mảnh đất nơi chôn nhau, cắt rốn của người miền Trung mãnh liệt như thế nào. Những vùng đất đúng là những vùng đất cày lên sỏi đá, mùa đông lạnh cắt da, cái lạnh từ dãy Trường Sơn tỏa ra, mùa hè với gió Hạ Lào thổi về từng cơn bão lửa, một giọt nước uống là một giọt mồ hôi. Vậy mà thiên tai, mặc thiên tai. Lửa đạn, mặc lửa đạn. Đã bao lần giặc Cộng tràn về đốt làng, phá xóm. Từ già tới trẻ bồng bế nhau mà chạy. Nhưng khi yên rồi, vẫn trở về với mảnh vườn nhỏ, mái tranh nghèo của mình, rất ít người chịu bỏ xứ mà đi. Bởi cái tình quê hương đậm đà, nồng thắm đó, người lính Miền Hỏa Tuyến chiến đấu với một tinh thần thực tiễn: chiến đấu cho quê hương mình, bảo vệ cho chính gia đình mình. Trong đầu óc chơn chất của người lính, Sài Gòn đối với họ xa xôi quá, họ chỉ biết cấp chỉ huy trực tiếp của họ, và họ vẫn là những quân nhân tốt, có quan niệm giản dị của một người lính chiến: 'giặc về, ta đánh'.

Ngoài những yếu tố tâm lý đó, Sư Đoàn I Bộ Binh đã may mắn được chỉ huy, rèn luyện ngay trên chiến trường bởi những danh tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Phạm Văn Phú. Trong suốt thời gian chỉ huy của hai vị tướng lãnh đó, Sư Đoàn I đã đạt được nhiều chiến tích lẫy lừng, xứng đáng với phù hiệu mang trên vai.

(Trích: Chinh Chiến Điêu Linh, KMD, XB lần II, 2008).

............ ......... ......... ......... ......... ......... ......... ......... ......

Thơ:

Hồ Chí Bửu

Khi Về Ngang Trảng Bom


Ừ, thì ngươi cứ cạn ly
Rút cây kiếm gỗ xuống đi một đường
Biết ngươi đâu phải người thường
Cũng như ta rặt một phường túi cơm
Bỗng dưng thương quá Trảng Bom
Cưu mang một nửa linh hồn. Bạn tôi..

Góc Tối Giáo Đường


Không đi lễ vì ta vô số tội
Đêm Noel – trong góc tối lén nhìn
Em với Chúa – ta chọn em cho chắc
Chúa biết rồi – nên Chúa vẫn làm thinh


Quán Khuya

Quán khuya – ta ngồi lừng khừng
Cô em quán nhỏ nửa mừng nửa lo
Mừng vì có một mối to
Lo vì uống đã rồi co chân chuồn..

Đêm Tây Ninh

Đêm về Tây Ninh nằm nghe nhạc Trịnh
Ngày mai sẽ về thăm núi Bà Đen
Lỡ ra Trảng Lớn thôi đành chịu
Rượu uống mềm môi cũng vẫn thèm

Sáu tháng Tây ninh cũng buồn mấy đợt
Thiên hạ đưa về đóng ở Khiêm Hanh
Chiều lên chợ nhóm ngang cầu khỉ
Buồn có rơi theo cũng phải đành

Ta đứng giữa trời giăng tay tìm hướng
Nầy hướng qua Miên nầy hướng về rừng
Nầy hướng về nghĩa trang lạnh lẽo
Còn hướng nào để nhớ bâng khuâng ?

Em đứng ngã ba đường về phố nội
Háng hàng building cao ngất kinh thành
Con đường màu hồng đưa về đại hội
Còn con đường nào em đến thăm anh ?


(Trích trong tập thơ Tự Mình Đưa Tay Cho Em Trói,
Hồ Chí Bửu – NXB/VN – 2006)
.

............ ......... ......... ......... ......... ......... ......... ........

Kính.