Công Nợ Việt Nam Tới Mức Báo Ðộng

Trong sáu tháng qua, các biến động về tài chánh từ Hy lạp đã lan khắp các quốc gia công nghệ phát triển toàn cầu.

Hy lạp là một quốc gia dân chủ và đa đảng. Nhờ đó, khi người dân không còn tín nhiệm chánh phủ đương quyền ‘bê bối’, không hữu hiệu, họ có quyền chế tài bằng sử dụng lá phiếu để chọn đảng khác để ủy nhiệm điều khiển nhà nước. Nắm ngay cơ hội, trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04.10.2009, công dân Hy lạp đã dồn phiếu cho Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Bắt tay vào việc nước, tân chánh phủ tìm thấy các số liệu cho tài chính công chứng minh mức thâm hụt ngân sách là 12% tổng sản lượng nội địa(1) (TSLNĐ) thường được gọi là GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, chứ không là 6% như giới cầm quyền xuất nhiệm tuyên bố, và 9,40% năm 2010. Ngoài ra, công nợ cao tới 113,40% (410 tỷ mỹ kim), năm 2009, và 120,80% TSLNĐ, năm 2010. Lập tức, Ủy ban Âu châu đòi hỏi một điều tra "toàn diện" để giải thích sự khác biệt này. Nhưng, sau đó, dù người dân phải chịu nhiều hy sinh để được sự trợ giúp tín dụng 110 tỷ euro của 16 quốc gia khu vực euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hy lạp thoát khỏi phá sản, không đủ tiền thanh toán nợ đáo hạn.

Hướng về Quê hương Việt-Nam, đồng bào không được hưởng sự dân chủ với độc đảng cộng sản, nơi Quốc hội, bao gồm các đại biểu nắm quyền Hành pháp và Tư pháp lẫn quân nhân, đang họp bàn thảo ngân sách và dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Một dự án làm tăng công nợ, nhưng hiệu quả kinh tế không chắc. Chúng ta xem mức thâm hụt ngân sách và bách phân công nợ đã đến mức nào so với tài sản của quốc dân vì công nợ được vay giao cho các đảng viên cộng sản quản lý, nhưng việc hoàn trái đè nặng trên từng người dân và con cháu họ.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT TRƯỚC.

1. Tổng sản lượng nội địa là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm. TSLNĐ là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó.

Tổng sản lượng nội địa từng người dân TSLNĐ trung bình của mỗi công dân một quốc gia vào một thời gian nhất định được tính bằng TSLNĐ của quốc gia đó chia cho dân số đúng vào cùng một thời điểm. Trị giá này cho thấy mức thu nhập trung bình mà không cho thấy những cách biệt về thu nhập và của cải của những người dân trong một nước.

Thí dụ: Năm 2008, TSLNĐ nước Việt là 89.829 triệu mỹ kim với dân số 86,2 triệu người thì TSLNĐ trung bình từng người dân là: 89.829 / 86,2 = 1.043 mỹ kim.

Bởi thế, năm 2008, với TSLNĐ 89.829 triệu mỹ kim, Việt-Nam đứng hạng 60 trên thế giới và với TSLNĐ đầu người 1.043 mỹ kim, Việt-Nam được xếp hạng 139 trên 180 quốc gia, theo thống kê Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

TSLNĐ Hy lạp là 357.547 triệu mỹ kim, năm 2008, xếp hạng 28 trên thế giới và và TSLNĐ đầu người 31.570 mỹ kim, hạng 39 thế giới, chiếm khoảng 3% của tổng sản lượng nội địa khu vực đồng euro, gồm 16 quốc gia.

2. Nước Hy lạp đi tới khủng hoảng vì:

a. Trách nhiệm người dân. Nước Hy lạp nghèo, nhưng 11 triệu người dân Hy lạp thì không nghèo vì lợi tức trung bình (TSLNĐ) đầu người là 21.300 euro năm 2008, tức khoảng ớ so với lợi tức trung bình của một người Đức… Người giàu say mê chơi trò trốn thuế. Ngân hàng Thế giới ước lượng 35% của nền kinh tế Hy lạp vận hành một cách không hợp pháp, bán không hóa đơn để người mua không trả thuế Trị giá gia tăng. Do đó, Nhà nước sạt nghiệp…

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính Hy lạp đã công bố danh sách 57 bác sĩ hành nghề tại Athens bị nghi ngờ vi phạm luật thuế vụ. Các chuyên gia ước tính chính phủ Hy lạp đã thất thu mỗi năm lối 30 tỷ euro vì trốn thuế. Đó là nguyên nhân của sự thâm hụt ngân sách và công nợ chồng chất. Theo số liệu Minh bạch Quốc tế (Transparency international) trong năm 2009, người Hy Lạp đã trả 790 triệu euros trong các vụ hối lộ và lại quả.

Trong năm 2008, Tổ chức này đã xếp Hy lạp vào hạng 57 với 4,7 điểm và năm 2009, hạng 71 (3,8 điểm) trên 180 quốc gia. Để so sánh, năm 2008, Việt-Nam được xếp hạng 121 với 2,7 điểm và, năm 2009, vào hạng 120 (2,7 điểm).

b. Hy lạp là quốc gia có tinh thần ‘xã hội chủ nghĩa’, cũng như các nước Liên minh Âu châu khác, vẫn dành những phúc lợi xã hội cho dân chúng. [Vì tinh thần xã hội chủ nghĩa thật sự, họ đã mở rộng cửa đón người Việt tị nạn và chia sẻ ‘bánh mì’ cùng áo mặc trong nhiều thập niên. Cám ơn.]. Các khoản chi xã hội của Hy lạp là 24,20% TSLNĐ, so với 26,90% TSLNĐ 27 quốc gia thành viên Liên hiệp Aâu châu. Trong khi đó, Việt-Nam là một quốc gia theo thể chế chính trị: Cộâng hòa xã hội chủ nghĩa.

3. Công nợ hay Nợ quốc gia.

Chúng ta biết rằng thế giới 'tân tiến’ đang gánh chịu hậu quả hai cuộc khủng hoảng tài chánh mà nguyên nhân chánh đều do việc không thể thanh toán được các khoản tín dụng đáo hạn? Trách nhiệm tình trạng vỡ nợ từ hai phía: chủ nợ và con nợ.

- Các chủ nợ (cơ quan tín dụng, ngân hàng) ham cho vay với lãi suất cao và dễ dàng. Các con nợ (nhà nước hay tư nhân) vay tiền dễ dàng, nên chi tiêu hoang phí vì có cảm tưởng tiêu tiền của người khác, chứ không do mồ hôi nước mắt làm ra. Đôi bên, chủ nợ và con nợ, đều hả hê. Chánh phủ các nước vui thích vì bách phân tăng trưởng kinh tế cao, nhất là khi với hai con số.

- Năm 2007, cuộc khủng hoảng ‘Nợ Thứ cấp’ (Subprime Mortgage Credits) phát xuất từ Hoa kỳ. Các cơ quan tín dụng và ngân hàng đã cho tư nhân vay dễ dàng để xây cất, mua nhà cửa. Khi nợ nần của tư nhân chồng chất và không hòan trả được, thì các chủ nợ mất mát nặng vốn đến nỗi phá sản. Hiện nay, năm 2010, sự gần kề phá sản của các quốc gia khu vực euro do nhà nước đi vay, phung phí và không thanh toán nổi bắt đầu từ Hy lạp.

- Việt-Nam, nước ta, có thể rơi vào tình trạng khánh tận, không trả nợ vay ngoại quốc vì, hiện nay, Công Nợ đã tăng đến mức an toàn.

II. THÂM HỤT NGÂN SÁCH QUỐC GIA.

Ngân sách quốc gia là một thành phần trong hệ thống tài chính, được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội ở mọi quốc gia. Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội Việt-Nam thông qua ngày 16.12.2002 định nghĩa: « Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương là ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. »

Thâm hụt ngân sách trong kinh tế vĩ mô là tình trạng các khoản chi của ngân sách quốc gia cao hơn các khoản thu, phần chênh lệch được gọi là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu cao hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của Chính phủ không bao gồm khoản tín dụng (nợ vay). Chính phủ đi vay chính là một cách để giảm bớt mức thâm hụt ngân sách. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được Chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa. Do Chính phủ bù đắp cho thâm hụt ngân sách bằng cách đi vay, nên lũy kế các khoản thâm hụt ngân sách nhà nước đến một thời điểm nào đó chính là nợ quốc gia.

1. - Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Ngày 28.05.2010, các đại biểu Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008. Trong phiên họp, đại biểu Nguyễn văn Pha đã lưu ý các đồng viện: « không thể phát biểu thật ngọn ngành về hàng trăm hàng nghìn con số vì ‘không được học hành bài bản về kinh tế’ ». (Trích bài ‘Chi ngân sách: “Chính phủ không tùy tiện”’, VnEconomy ngày 28.05.2010). Nhưng Quốc hội cũng đã đạt được kết quả của phiên họp: quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008, với tổng thu cân đối 548.529 tỷ đồng; tổng chi 590.714 tỷ đồng; bội chi 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58% TSLNĐ.

Nhiều đại biểu đã lo ngại về việc lễ hội được tổ chức tràn lan ở Việt-Nam, trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Việc quản lý tổ chức còn chưa tốt, nên có nhiều lễ hội tổ chức xô bồ không thực hiện được việc giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Họ cũng bày tỏ lo lắng về khoảng cách giàu nghèo đang tăng dần trong nước, sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư. Mức chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất năm 2002 là 8,1 lần đã tăng lên 8,9 lần vào năm 2008.

2. - Dự toán thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.

Trong phiên họp ngày 10.11.2008, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2009 với 436 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 88,44% tổng số đại biểu với các con số như sau:

Đề mục Ngân sách

Số tiền

Tổng thu ngân sách nhà nước trong kỳ

389.900 tỷ đồng

Thu kết chuyển từ năm trước sang

14.100

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (a)

404.000

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (b)

491.300

Bội chi ngân sách nhà nước (a) – (b)

87.300 tỷ đồng

Tỷ lệ bội chi so với TSLNĐ

4.82%

Để san bằng bội chi ngân sách 87.300 tỷ đồng đó, nhà nước phải đi vay và được chia như sau: Vay trong nước: 71.300 và ngoài nước: 16.000 tỷ đồng.

Ngày 14.04.2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thông báo dự toán chi ngân sách năm 2009 Quốc hội quyết định là 491.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hạn chế tác động không thuận của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã sử dụng gói kích cầu khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ mỹ kim). Do đó, mức bội chi đã tăng lên 115.900 tỷ đồng (tức 6,9% TSLNĐ, đảm bảo trong phạm vi Quốc hội cho phép) khiến cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước năm 2010 và các năm kế tiếp.

Mức bội chi 6,9% TSLNĐ mới đảm bảo trả nợ, nguồn nợ chuyển sang năm sau mới giảm dần, nếu không sẽ tiếp tục trong tình trạng ‘treo nợ’.

3. - Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010.

Ngày 11.11.2009, 74,4% đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 6% TSLNĐ khi thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi không quá 6,2% TSLNĐ. Do đó, Quốc hội đã phải thông qua toàn bộ Nghị quyết với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% TSLNĐ; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 462.500 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng. Do đó, mức bội chi ngân sách nhà nước sẽ là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% TSLNĐ, dự trù được tài trợ bởi các khoản vay trong nước (98.700 tỷ đồng) và nước ngoài (21.000 tỷ đồng).

Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng từ ngày 01.05.2010.

Quốc hội đồng ý, trong năm 2010 phát hành trái phiếu chính phủ 56.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, công trình thuộc lĩnh vực và danh mục đã được quyết định đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Nghị quyết của Quốc hội. Yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, báo

cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

III. CÔNG NỢ hay NỢ QUỐC GIA.

Đó là tổng giá trị các số tiền mà chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đi vay, được dùng để san bằng các sự thâm hụt ngân sách. Để nhận định quy mô công nợ, chúng ta có thể so sánh khoản nợ này với Tổng sản lượng quốc nội (GDP), tính bằng số bách phân (%).

1. Các khoản tín dụng này được phân loại như sau:

- Nợ trong nước (vay từ tư nhân hay pháp nhân ở Việt-Nam) và nợ nước ngoài (vay từ tư nhân hay pháp nhân ở ngoài Việt-Nam).

- Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).

2. Các hình thức vay nợ của chính phủ:

a. - Phát hành trái phiếu chính phủ. Chính phủ có thể phát hành Trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì Chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ (thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn) có rủi ro tín dụng cao hơn so với khi phát hành bằng nội tệ vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán và ngoài ra còn có rủi ro về tỷ giá hối đoái.

b. - Vay trực tiếp. Chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các định chế siêu quốc gia (ví dụ: Quỹ Tiền tệ Quốc tế)... Hình thức này thường được chính phủ của các nước có độ tin cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.

Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 qui định về việc ‘Vay, trả nợ nước ngoài’: của Chính phủ (điều 20), của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng (điều 21), của người cư trú là cá nhân (điều 22) và việc ‘Mua ngoại tệ trả nợ nước ngoài’ (điều 23).

3. Quản lý công nợ.

a. Tổng công nợ Việt-Nam cần phải được quản lý làm sao để luôn nằm trong tầm kiểm soát, ở mức an toàn, không có gì đáng lo...

Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17.06.2009 có hiệu lực từ đầu năm 2010 định nghĩa công nợ bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Đó là các khoản vay như phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình đô thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh, vay vốn ODA (Official Development Assistant hổ trợ phát triển chính thức).

‘Nợ nước ngoài của quốc gia’ là tổng số các khoản nợ vay ở nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả.

b. Quan niệm như vậy, tổng công nợ của Việt-Nam đã vượt trần báo động ?

Hiện nay, mức trần an toàn tổng công nợ được ấn định là bằng hay dưới mức 50% TSLQN. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thượng tuần tháng 05.2010, một báo cáo cho thấy nợ chính phủ đang tăng cao: bằng 33,8% TSLQN năm 2007, 36,2% TSLQN năm 2008, 41,9% TSLQN năm 2009 và dự báo lên đến 44,6% vào cuối năm 2010. Dựa vào các con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cảnh báo mức nợ chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép. Như vậy, nếu cộng thêm các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, tổng công nợ Việt-Nam đã vượt trần an toàn 50% TSLQN.

Một báo cáo cuối năm rồi của Bộ Tài chính cho thấy tổng công nợ Việt-Nam vào cuối năm 2009 đã là 44,7% TSLQN (trong đó nợ chính phủ bằng 35,4% TSLQN, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 7,9% TSLQN và nợ chính quyền địa phương là 1,4% TSLQN). So sánh hai số bách phân 41,9% và 35,4% TSLQN về nợ chính phủ năm 2009 theo báo cáo của Bộ Tài chính đã có sự sai lệch rất lớn. Bước vào năm 2010, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và 1 tỷ mỹ kim, vay từ các định chế tài chính quốc tế (như 500 triệu mỹ kim từ Ngân hàng Thế giới...) đưa bách phân công nợ so với TSLQN chắc chắn còn lên cao hơn nhiều.

c. Luật Quản lý nợ công đã có hiệu lực từ đầu năm nay qui định Bộ Tài chính phải công khai thông tin về nợ công, ‘bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia’. Tuy nhiên, khi chúng ta đi vào http://www.mof. gov.vn/Default. aspx?tabid= 5991&ItemID=67219 , mạng lưới của Bộ Tài chính. Đáng tiếc cho đến nay bản tin công khai này chỉ mới dừng lại ở các khoản nợ nước ngoài chứ chưa phải toàn bộ nợ công và các thông tin chỉ mới cập nhật đến 30.06.2009.

Định kỳ công khai nợ công. Điều 47 Luật Quản lý nợ công quy định: ề Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công. Thông tin về nợ công được công khai bao gồm tổng số dư nợ; cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương; số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hằng năm; các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Thông tin về nợ công được Bộ Tài chính công bố định kỳ theo quy định của pháp luật Ừ.

d. Dư nợ nước ngoài của chính phủ và được chính phủ bảo lãnh là 21.816,50 triệu mỹ kim (hay 359.3841,20 tỷ đồng) vào ngày 31.12.2008 và 23.622,72 triệu mỹ kim (hay 400.121,65 tỷ đồng) vào ngày 30.06.2009. Ngoài ra, chúng ta cũng được biết những số đáng lưu ý khác là Tổng chi trả lãi và phí trong năm 2008 là 424,39 triệu mỹ kim (hay 6.900,28 tỷ đồng) và 234,07 triệu mỹ kim (hay 3.936,35 tỷ đồng).

Các loại ngoại tệ chính nợ nước ngoài của Chính phủ vào ngày 30.06.2009 như sau (tính theo triệu mỹ kim):

- SDR: 5.680;

- Mỹ kim: 3.202;

- Yen: 8.046;

- Euro: 2.312;

trong tổng số 19.945 triệu mỹ kim.

SDR (Special Drawing Rights, tiếng Anh, quyền rút vốn đặc biệt) là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, phân phối cho các nước thành viên một lượng theo tỉ lệ phần đóng góp vốn của mình vào IMF. Lúc đầu nó có giá trị 0,888671 gr vàng, chỉ là một đơn vị tính toán.

Năm 1974, SDR không được xác định bằng vàng nữa, mà căn cứ vào giá trị một số ngoại tệ mạnh của 16 nước. Đến năm 1980, giảm xuống còn ngoại tệ mạnh của 5 nước (Hoa kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản). Sau đó, vì việc bãi bỏ tỉ giá hối đoái cố định và áp dụng tỉ giá thả nổi, cho nên tỉ giá của các đồng tiền thường xuyên biến động. Nên, ngày nay, mỗi ngày, IMF công bố tỉ giá hối đoái của từng đồng tiền quốc gia với SDR. IMF mở cho mỗi nước thành viên một tài khoản để ghi các khoản SDR được giao và để hạch toán các khoản thu chi bằng SDR giữa ngân hàng trung ương các nước trong việc thực hiện theo cán cân thanh toán của các nước. Nó không phải đồng tiền mà tư nhân có thể có và sử dụng như các loại tiền quốc gia của từng nước.

e. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010:

- dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 là 461.500 tỷ đồng, tăng 18,1% so ước thực hiện năm 2009;

- dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2010 là 582.200 tỷ đồng, tăng 90.900 tỷ đồng, tức 18,5% so ước thực hiện năm 2009.

- dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2010: 461.500 - 582.200 = 119.700 tỷ đồng.

Nguồn bù đắp bội chi: chính phủ sẽ vay trong nước 98.700 tỷ đồng và vay ưu đãi ngoài nước 21.000 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, trường hợp có thêm các khoản vay ưu đãi ngoài nước, thực hiện tăng vay ngoài nước, giảm vay trong nước tương ứng, đảm bảo nguồn cho cân đối chi ngân sách nhà nước theo dự toán.

Ngoài ra, chúng ta được biết: với dự kiến vay nợ, trả nợ và huy động trái phiếu chính phủ trong năm 2010 như trên, đến 31.12.2010 dư nợ chính phủ bằng 44,3% TSLQN, ở mức đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ghi chú: Mục ‘Dự toán chi trả nợ, viện trợ’ chi ghi: Bố trí 70.250 tỷ đồng, tăng 19,5% (11.450 tỷ đồng) so dự toán 2009, chiếm 12,1% tổng chi ngân sách nhà nước. Rất tiếc, tài liệu không phân tách để cho thấy số vốn vay gốc (không phải là chi phí) và chi phí về lãi. Chi viện trợ là một loại chi phí khác.

4. Nợ nước ngoài.

Phát hành trái phiếu quốc tế.

Nghị định số 53/2009/NĐ-CP ngày 04.06.2009 của Chính phủ qui định về việc

hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lịch sử tài chính công, Việt-Nam đã phát hành trái phiếu quốc tế qua 4 đợt:

a. Đợt phát hành thứ nhất vào ngày 28.10.2005, các nhà đầu tư quốc tế đã đặt mua với số tiền lên tới 4,5 tỷ mỹ kim, cao gấp 9 lần trị giá chào là 500 triệu mỹ kim tại thị trường chứng khoán New York (Hoa kỳ). Do đó, Việt-Nam đã tăng gấp rưỡi lượng trái phiếu phát hành, với trị giá lên 750 triệu mỹ kim. Sự thành công không phải là điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng Chính phủ đã đồng ý trả lãi suất trái phiếu đợt này là 7,125%/năm, sau khi đã điều chỉnh xuống từ mức 7,250%, như dự tính ban đầu. Trong cùng lúc, lãi suất Trái phiếu 10 năm Ngân khố Hoa kỳ chỉ ở mức 4,561%/năm. Mức lãi suất Việt-Nam cũng rất cao so với các trái phiếu khác trên thị trường quốc tế. Sự cách biệt đó là cái giá phải trả cho sự rủi ro để cho Việt-Nam vay vì khả năng trả nợ của Hoa kỳ cao hơn Việt-Nam.

Sự rủi ro này được ấn định bởi các cơ quan thẩm lượng (rating agency, tiếng Anh, và agence de notation, tiếng Pháp, như Fitch, Standard & Poor's hay Moody). Sự rủi ro về kinh tế Hoa kỳ về mặt lý thuyết xét bằng 0 vì Chính phủ thật sự dân cử bảo đảm trả nợ những trái phiếu kho bạc Mỹ, nên Hoa kỳ được xếp hạng AAA, với lãi suất chỉ là 4,561%. Độ rủi ro hoàn trái của Việt-Nam khá lớn, nên Đất nước chúng ta chỉ là BB bởi Standard & Poor's, Ba3 bởi Moody và BB- bởi Fitch. Độ rủi ro cao hơn thì lãi suất phải cao hơn, nên người nào nắm giữ được hưởng lãi suất cao hơn nhiều là 7,125%/năm.

b. Đợt thứ hai vào năm 2007, Việt-Nam phát hành 1 tỷ mỹ kim trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với kỳ hạn mở rộng 10-30 năm cũng khá thành công vì lãi suất được ấn định là khoảng gần 7%/năm với thời hạn 10 năm. Số tiền thu được dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt-Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt-Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy Việt- Nam vay lại để thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án mua tàu vận tải, Dự án Thủy điện Xê Ca Mản 3 và Nhà máy thủy điện Hủa Na.

c. Đợt thứ ba vào năm 2009, việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được chia làm 3 lần đấu thầu:

- Lần thứ nhất vào tháng 03.2009 chỉ huy động được 230,11 triệu USD trong tổng số 300 triệu mỹ kim giá trị trái phiếu được đưa ra đấu thầu.

- Lần thứ hai vào tháng 08.2009 với ba loạt trái phiếu huy độâng được: 100 triệu mỹ kim/100 triệu mỹ kim trái phiếu chào bán kỳ hạn 1 năm, 47 triệu mỹ kim/100 triệu mỹ kim trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 triệu mỹ kim/50 triệu mỹ kim trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

- Lần thứ 3 vào ngày 29.12.2009, kết quả chỉ huy động được 73 triệu mỹ kim trong tổng số 200 triệu mỹ kim giá trị trái phiếu gọi thầu, tức 36,5%. Tỷ lệ thành công việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế có xu hướng giảm dần theo từng lần phát hành kể từ đầu 2009 tới nay.

d. Đợt thứ tư vào năm 2010.

Việc chào bán trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế bắt đầu hôm 18.01.2010 tại Hương cảng và đã chấm dứt ở New York (Hoa kỳ) ngày 21.01.2010, để huy động vốn hoàn trả ngân sách và đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, năng lượng và vận tải biển và dự án lọc dầu Dung Quất.

Trong cuộc họp báo ngày 01.02.2010, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần xuân Hà cho biết đã bán một tỷ trái phiếu chính phủ vừa phát hành trên thị trường quốc tế và tiền đã về đến tài khoản Việt-Nam. Đây là loại trái phiếu 10 năm, kể từ

ngày 25.01.2010 với lãi suất 6,95%/năm, tức cao hơn hai nước láng giềng Philippines và Indonesia khoảng 1%.

Việt-Nam phải đi vay ở nước ngoài vì lãi suất vay tiền đồng trong nước cao đến 10 hay 11% (lãi suất tiền gởi ở ngân hàng cũng có lời 10% rồi). Chánh phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước đi vay ở nước ngoài với mong muốn, nhờ lãi suất rẽ hơn, các xí nghiệp này có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài nhưng, thực tế, hầu hết đã không thành công. Bao nhiêu tập đoàn xây dựng với công nghệ xi măng lò đứng đều phá sản, bao công ty sản xuất đường cũng vậy và phải đóng cửa hết. Riêng về ngành đường, chính phủ đã đầu tư hết khoảng một tỷ mỹ kim. Nhà nước không có biện pháp kiểm soát, đến khi họ không trả nợ được, chánh phủ bảo lãnh phải trả thế.

Kết quả, hiện nay, nhiều tập đoàn nhà nước lớn đang xin phép Chính phủ được phát hành trái phiếu quốc tế có giá trị tổng cộng lên tới nhiều tỷ mỹ kim để cân đối vốn cho các dự án đầu tư của họ. Trong đó, chúng ta có thể kể đến: Tập đoàn Dầu khí Việt-Nam (từ 500 triệu đến 1 tỷ mỹ kim), Tập đoàn Điện lực Việt-Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt-Nam cũng có nhu cầu tương tự, nhà máy điện Nhơn Trạch II, Thái Bình 2, Long Phú 1, nhà máy sơ xợi Đình Vũ, dự án đường ống dẫn khí lô B-Ô Môn, khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, v.v...

B. Hổ trợ (hay viện trợ) phát triển chính thức (thường được gọi là vốn ODA = Official Development Assistant, tiếng Anh, và Aide publique au développement, tiếng Pháp).

Sau khi bộ đội Việt-Nam rút khỏi Cambodge năm 1989, tháng 11.1993 tại Paris (Pháp quốc) đã diễn ra hội nghị các nhà tài trợ cho Việt-Nam đã ghi dấu một trang sử mới trong quan hệ hợp tác phát triển của quốc gia này và cộng đồng thế giới, khởi đầu với 28 nhà tài trợ song phương đến từ các quốc gia phát triển (Nhật bản, Pháp, Đức, Đan mạch, Thụy sĩ, v.v….) nhà tài trợ đa phương (Ngân hàng Phát triển Á châu, Ngân hàng Thế giới, Liên hiệp Âu châu, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, UNESCO, v.v….). Hoa kỳ chỉ tham gia từ sau năm 1994, khi bỏ cấm vận Việt-Nam.

Đây là những số vốn dành cho các nước đang phát triển được các Chính phủ trung ương và nhà cầm quyền địa phương, các tổ chức liên quốc gia, các định chế tài chính quốc tế tài trợ. Vốn này phát sinh từ nhu cầu cần thiết của một quốc gia được các quốc gia hay định chế nói trên cam kết tài trợ thông qua một thỏa hiệp quốc tế được đại diện hai bên nhận và hổ trợ vốn ký kết. Những thỏa hiệp ký kết hổ trợ này được chi phối bởi công pháp quốc tế.

Vốn ODA được Chính phủ một quốc gia cấp cho Việt-Nam thì gọi là hổ trợ song phương. Nếu vốn ODA được cấp bởi một Định chế quốc tế (Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Á châu…) cho Việt-Nam thì gọi là hổ trợ song phương.

Vốn ODA được phân bổ theo từng dự án. Chính phủ Việt-Nam lập danh sách các lĩnh vực cần gọi vốn hổ trợ (hay viện trợ) phát triển. Hàng năm, Chính phủ trình danh sách đó cho nhà tài trợ tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ để yêu cầu tài trợ. Các nhà tài trợ sẽ xác định lĩnh vực cần viện trợ, xây dựng dự án và tài trợ theo dự án.

1.- Phân loại vốn ODA.

Theo cách thức hoàn trả vốn ODA, chúng ta chia làm ba loại có:

a.- Viện trợ.

Thường được gọi là ‘Viện trợ không hoàn lại’, nhưng chúng tôi đề nghị chỉ gọi là Viện trợ cũng đủ nghĩa là ‘Biếu Tặng’ (cho không). Đây là những những số tiền để thực hiện các dự án ở nước nhận vốn ODA, theo sự thoả thuận trước giữa các bên. Có thể xem viện trợ như một nguồn thu ngân sách Nhà nước, được cấp phát lại theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Viện trợ chiếm 25% tổng vốn ODA trên thế giới và được ưu tiên cho những dự án về các lãnh vực như y tế, dân số, giáo dục, môi trường... Đối với Việt-Nam, số bách phân này đã giảm dần với thời gian và nhường phần cho các khoản tín dụng ưu đãi.

b.- Tín dụng ưu đãi (còn gọi là Viện trợ có hoàn lại).

Đây là loại vay chiếm phần lớn tổng số vốn ODA trên thế giới cũng như tại Quê hương. Tín dụng này thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng thuộc các lãnh vực giao thông vận tãi, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng...làm nền tảng vững chắc cho ổn định và tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện ưu đãi bao gồm:

- Lãi suất thấp,

- Thời gian trả nợ dài,

- Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.

c.- Tín dụng hỗn hợp.

Đây là những số vốn ODA kết hợp hai dạng trên, bao gồm viện trợ và tín dụng ưu đãi.

Thí dụ: Dự án BOT (Built-Operation-Transfer, tiếng Anh) gồm việc ‘Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao’. Vì thiếu vốn, Chính phủ kêu gọi đấu thầu để chọn công ty bỏ vốn xây dựng (Built) trước. Khi hoàn thành, công ty được khai thác vận hành (Operation) một thời gian đủ có lời và sau cùng là chuyển giao (Transfer) lại cho Nhà nước sở tại.

Nhận xét: Giá thành các dự án theo dạng BOT này thường được đẩy lên cao so với thực giá nhằm ‘bắt chẹt’ các quốc gia đối tác thiếu vốn để xây dựng hầu phát triển cơ sở hạ tầng và có quá nhiều nước đang phát triển cần vốn.

2.- Ưu và khuyết điểm của ODA.

a.- Ưu điểm của ODA.

- Lãi suất thấp (dưới 3%, trung bình từ 0,25-2%/năm)

- Thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25-40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8-10 năm)

- Trong nguồn vốn ODA luôn có phần viện trợ, khoảng 25% tổng số vốn ODA.

b.- Bất lợi vì nhận ODA.

- Các nước giàu dùng các nguồn vốn ODA để áp lực các quốc gia nhận trợ giúp để mở rộng thị trường cho hàng hóa của họ, đòi hỏi những sự hợp tác có lợi cho họ, những nhượng bộ về an ninh, quốc phòng hay những mục tiêu chính trị... Do đĩ, họ có những chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế. Thí dụ: quốc gia nhận vốn ODA phải bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và bảng thuế xuất nhập cảng hàng hoá của nước được tài trợ hay các nước này phải mở lần hồi cửa thị trường cho những hàng hoá mới của nước cấp vốn ODA cùng chấp thuận những ưu đãi cho các nhà đầu tư trực tiếp nước họ vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao.

- Về kinh tế, nước tiếp nhận ODA phải chấp nhận dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và giảm thuế nhập khẩu hàng hoá của nước tài trợ. Nước tiếp nhận vốn ODA cần ‘biết điều’ bằng dành những ưu đãi đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài như cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao. Là quốc gia hàng đầu cấp vốn ODA cho Việt-Nam, Nhật bản đang phiền trách Chính phủ Việt-Nam đã quyết định chọn Nga làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân 1 ở tỉnh Ninh thuận, có công suất 2.000 MW giờ, được chào hàng với giá gần 8 tỷ mỹ kim.

- Các nước giàu cấp vốn ODA để yêu cầu các quốc gia đối tác nhập cảng các sản phẩm của họ, dù không phù hợp hay không cần thiết. Thí dụ: trong các dự án ODA về đào tạo, lập dự án và tư vấn kỹ thuật, phần lương trả cho các chuyên gia nước ngoài thường chiếm đến hơn 90% ngân khoản dự án.

Một thí dụ khác: Quốc gia đã tài trợ Việt-Nam bằng vốn ODA để xây một cây cầu, ngoài việc buộc trả lương thật cao cho các chuyên gia tư vấn của họ, còn phải mua sắm trang thiết bị máy móc của họ giá cao vì chính họ duyệt chi tài chính giải ngân. Đương nhiên, vẫn còn đủ tiền để vừa hoàn tất cây cầu, vừa đủ để ai đó chấm mút thoải mái 15-30% chi phí dự án. Còn về chất lượng hay tuổi thọ cây cầu ODA ấy thì chưa hết hạn trả nợ đã thấy… đòi thêm tiền rồi, cầu Văn Thánh hay cầu Dần Xây ở TP. Hồ chí Minh là những điển hình tiêu biểu.

- Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Đồng Việt-Nam không ngớt mất giá so với mỹ kim khiến giá thành tính bằng tiền đồng tăng cao.

- Tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA chưa được hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp... có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần.

- Cuối cùng, nạn tham nhũng lan tràn trong việc thực thi các dự án vốn ODA:

-> Tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt-Nam ngày 04.12.2008, Đại sứ Nhật bản Mitsuo Sakaba, sau khi thông báo sẽ ngưng toàn bộ các dự án ODA của Nhật bản và không cam kết vốn cho năm 2009, đã rời Hội nghị. Hành động này của Chính phủ Nhật nhằm phản đối Nhà nước Việt-Nam đối với vụ án tham nhũng sử dụng nguồn vốn ODA trong dự án Đại lộ Đông Tây ở thành phố Hồ Chí Minh.

-> Vụ PMU 18 (Project Management Unit, tiếng Anh, có nghĩa là Đơn vị quản lý dự án) là một vụ tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải vào năm 2006, và đã gây xôn xao dư luận tại Việt-Nam cũng như nơi các nước và tổ chức cung cấp vốn ODA. Đầu tháng 01.2006, Bùi tiến Dũng, Tổng Giám đốc PMU-18 bị bắt giữ và cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la cũnh như đã dùng tiền thắng để bao gái. Công an đã tìm thấy tài liệu trong máy vi tính của đơn vị cho thấy trên 200 nhân viên đã tham gia cá độ.

-> Ngày 27.04.2010, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho biết, bằng mắt thường có thể thấy một số vị trí thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 trong phạm vi bản nắp, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm.

Hội đồng cũng có yêu cầu kiểm tra lại toàn diện bản nắp hai hầm đốt số 3 và số 4 tại bãi đúc Nhơn Trạch. Mục tiêu nhằm phát hiện các chỗ thấm nếu có và phải xử lý ngay trước khi lai dắt cho dìm xuống sông Sài Gòn như hai đốt đã thực hiện. Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông tây và Môi trường Nước TP. Hồ chí Minh cho biết dự kiến vào ngày 05.05.2010 sẽ cho lai dắt và dìm đốt hầm số 3.

3.- Những điểm về hổ trợ phát triển chính thức.

Hàng năm, Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt-Nam nhóm hai lần vào đầu tháng 06 (giữa kỳ) và tháng 12. Trong kỳ họp tháng 12, các nhà tư vấn tài trợ cam kết mức hổ trợ phát triển chính thức ODA cho năm sau. Cứ mỗi lần họp là họ nhắc lại một cách máy móc ‘chiếu lệ’ hai vấn đề: các quan chức tham nhũng và Chính phủ vi phạm nhân quyền.

Trong Hội nghị giữa kỳ khai mạc ngày 09.06.2010 tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), đại diện các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc tại Việt-Nam lưu ý kết quả cuộc điều tra gần đây của thanh tra Chính phủ Việt-Nam cho thấy những xấu xa do nạn tham nhũng trong ngành giáo dục khiến giới nghèo chịu hậu quả trầm trọng. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt-Nam đã cảnh báo rằng một trong những thách thức nghiêm trọng mà Việt-Nam gặp phải chính là quốc nạn tham nhũng, qua đó, tiền vay nợ ODA bị thất thoát vào túi riêng của các quan chức, nhiều nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài nguyên, hải quan, xây dựng... Họ cũng không quên de dọa: « Nếu không loại được tham nhũng thì khó có tài trợ ».

Ngoài ra, cũng trong chương trình kỳ Hội nghị tại Rạch Giá này, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt-Nam đã báo động thâm thủng ngân sách của Việt-Nam năm 2009 lên đến 9% Tổng sản lượng quốc nội, trái với con số 6,90% do Chính phủ công bố. (Coi chừng: giống như Hy lạp đã báo cáo gian con số này). Thêm vào đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng cán cân chi trả của Việt-Nam hiện đang ở mức nguy hiểm vì dự trữ ngoại tệ chỉ đủ cho 7 tuần lễ nhập cảng. Mức dự trữ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế là phải đủ cho 12 tuần lễ như Việt-Nam từng đạt được hồi năm 2008.

Vốn ODA được cam kết hổ trợ Việt-Nam năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 1994 (1,81 tỷ mỹ kim), 1995 (1,94), 1996 (2,26), 1997 (2,43), 1998 (2,4), 1999 (2,7), 2000 (2,1), 2001 (2,4), 2002 (2,4), 2003 (2,50), 2004 (2,84), 2005 (3,40), 2006 (3,70), 2007 (4,45), 2008 (5,426), 2009 (5,14, giảm vì thiếu Nhật bản. Ðại sứ Nhật phản đối tham nhũng trong dự án Đại lộ Đông Tây như đã nói trên) và năm 2010 với mức kỷ lục là 8,063 tỷ mỹ kim. Trong đó, Ngân hàng Thế giới vẫn là nhà tài trợ nhiều nhất với khoảng cam kết lên tới 2,498 tỷ mỹ kim. Sau đó là Nhật bản với 1,640 tỷ mỹ kim. Tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á cam kết tài trợ 1,479 tỷ mỹ kim, Liên hiệp Âu châu với 1,082 tỷ mỹ kim (Pháp dẫn đầu mức cam kết với 378 triệu, Đức 137 triệu mỹ kim,…), Hoa kỳ hứa Mỹ 270 triệu mỹ kim.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, mức cam kết thật là một sự hy sinh lớn của người dân đóng thuế tại các quốc gia ‘tư bản’ để giúp đỡ toàn dân Việt-Nam hầu xây dựng lại Quê Hương, phát triển nền kinh tế Nước Nhà và giáo dục nhẹ học phí và hữu hiệu cho Giới Trẻ, tương lai của Dân Tộc. Xin ai đó có quyền hãy thấu hiểu điều đó… Đọc báo Thanh Niên ngày 10.10.2002, chúng tôi thấy những dòng sau đây:

« Tại huyện Yên Bình, Yên Bái, dự án xây dựng nhà máy nước sạch với vốn vay của Pháp 50 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm, có tới 13 tỷ đồng được cung cấp dưới dạng máy móc, thiết bị nhưng các thiết bị này... không sử dụng được, chất đống và hư hỏng. Tại Hà Nội, thanh tra cũng đã phát hiện tại một dự án vay vốn cũng của Pháp, nhiều khoản chi phí qua kiểm tra, đơn vị thực hiện đã không chứng minh được vì sao có khoản chi phí đó. Cụ thể, đơn vị này đã khai có sử dụng nguồn vốn lớn để mua thiết bị dự phòng, đào tạo, nhưng qua kiểm tra đều không có.

Tình trạng quyết toán khống, kê khai khống số lượng, đơn giá vật tư thiết bị sử dụng, nâng khống giá trị vốn đầu tư thực hiện... cũng là một thực tế phổ biến ở nhiều công trình được thanh tra. Tại Yên Bái, các thanh tra viên đã đóng giả sĩ quan quân đội đi mua cây cảnh, qua đó phát hiện việc kê khống mua cây cảnh lên tới 108 triệu đồng nhưng thực tế chỉ phải chi 48 triệu đồng. Chánh thanh tra Nhà nước Thanh Hóa cho biết, qua kiểm tra chỉ 6 dự án về giao thông, đê kè... trên địa bàn tỉnh, cũng đã phát hiện nhiều sai phạm lớn, thất thoát lên tới gần 6,3 tỷ đồng ».

Mỗi cuối năm, nhà tài trợ họp để cam kết mức ODA cho năm sau. Trong suốt thời gian từ tháng 11.1993 đến tháng 12.2009, Việt-Nam chỉ giải ngân 22 tỷ trong tổng số 42,5 tỷ mỹ kim, tức 51,76% tổng số cam kết ODA. Thật đáng tiếc! Đây là nguồn vốn bổ túc quan trọng cho vốn đầu tư của Nhà nước dành cho đầu tư phát triển. Trong thời kỳ từ 1994–2005, nguồn vốn ODA này chiếm hơn 11% tổng vốn đầu tư xã hội và chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư của Nhà nước.

4. Việt-Nam không còn là một quốc gia chậm phát triển nữa. Tổng sản lượng quốc nội (TSLQN) Việt-Nam là 92.439 triệu mỹ kim tính đến cuối năm 2009. Dân số Việt-Nam cùng năm cũng đã tăng đến 86,867 triệu người. Do đó, TSLQN từng người Việt năm 2009 là 92.439/86,867 = 1.064 mỹ kim. Kết quả với TSLQN đầu người (*) trên 976 mỹ kim Việt-Nam từ bỏ khu vực các quốc gia chậm phát triển để trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp.

(*) Ngân hàng Thế giới sử dụng mức đo Tổng thu nhập quốc gia hay Tổng thu nhập quốc dân (GNI = Gross National Income, tiếng Anh và RNB = Revenu national brut, tiếng Pháp). Giá trị Tổng thu nhập quốc gia tương đương với giá trị của TSLQN. Tuy nhiên, người ta phân biệt chúng, do cách thức tiếp cận vấn đề là dựa trên các cơ sở khác nhau. TSLQN dựa trên cơ sở sản xuất ra sản phẩm mới, còn Giá trị Tổng thu nhập quốc gia dựa trên cơ sở thu nhập của công dân.

Từ năm 2008, Ngân hàng Thế giới dựa trên Tổng thu nhập quốc gia để phân loại thu nhập của các các nền kinh tế có Tổng thu nhập quốc gia đầu người:

- từ 975 đô la (năm 2008) trở xuống là những quốc gia thu nhập thấp (Low Income Countries, tiếng Anh và Pays à faible revenu, tiếng Pháp);

- từ 976 đến 3.855 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp (Low Midle Income Countries, tiếng Anh và Pays ayant de faibles revenus moyens, tiếng Pháp);

- từ 3.856 đến 11.906 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp (Up Midle Income Countries, tiếng Anh và Pays ayant de revenus moyens, tiếng Pháp);

- trên 11.906 mỹ kim là những quốc gia có thu nhập cao (High Income Countries, tiếng Anh và Pays à revenu élevé, tiếng Pháp).

Hậu quả, năm 2010 đánh dấu một sự chuyển biến bước quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt-Nam và các quốc gia cấp Hổ trợ (hay viện trợ) phát triển chính thức (ODA), chuyển đổi từ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác và hợp tác bình đẳng. Từ ba, bốn thập niên qua, nhiều quốc gia phát triển đã tổng kết quá trình hợp tác phát triển với Việt-Nam để quyết định chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Thí dụ như Thụy điển, Hòa lan, Đan mạch và một số nhà tài trợ song phương khác cũng đang tích cực chuẩn bị cho tiến trình thay đổi này và các quốc gia khác sẽ tiếp nối trong tương lai.

a. Thời kỳ viện trợ phát triển đã qua.

Thời gian này, các quốc gia ‘thế giới tự do, tư bản’ đã cung cấp những khoản ‘viện trợ không hoàn lại’ nhằm tạo nhiều cơ hội để học hỏi những kinh nghiệm, những ý tưởng, hay những nguồn cảm hứng mới cho nhiều cuộc cải cách quan trọng về giáo dục, kinh tế, xã hội, v.v.. của Việt-Nam. Nhưng, thật sự, những cải cách đó đã mang lại những gì cho người dân xứ sở này, từng người có thể trả lời cho chính mình.

Về giáo dục, chúng ta có thể trích bài ‘Diễn đàn Phòng chống tham nhũng trong giáo dục’ diễn ra tại Hà nội ngày 28.05.2010 do ký giả Hoàng anh Thắng viết, đăng trên báo ‘Đại đoàn kết’ cùng ngày:

« Bà Maria Ohosson, Tham tán Công sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, những nội dung tại cuộc đối thoại sẽ nhằm trả lời cho câu hỏi “Chúng ta có thể phòng chống tham nhũng nói chung và chống tham nhũng trong giáo dục được không?”. Bà Maria Ohosson nhấn mạnh, muốn chống tham nhũng tốt, mỗi chúng ta đều phải là một tấm gương sáng về sự liêm chính, biết đấu tranh và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực phát sinh. Bên cạnh đó, chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến người dân trong khiếu nại, tố cáo tham nhũng. Vai trò báo chí truyền thông cần phải được tăng cường.

Xoay quanh vấn đề “Chống tham nhũng trong giáo dục”, bà Vanessa - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu: “Tôi cho rằng, ở Việt Nam đầu tư cho giáo dục tức là đầu tư phát triển xã hội. Việc phòng chống tham nhũng trong giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao nếu tất cả các tổ chức, ban ngành và người dân đều tham gia tích cực với lộ trình hợp lý. Cần tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động giáo dục”.

Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, ông Rolf Bergman thì cho rằng, sự tồn tại của tham nhũng trong hệ thống giáo dục Việt Nam là tác nhân gây mất niềm tin, tác động đến tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng thời cản trở sự phát triển của đất nước, đe doạ sự phát triển bền vững. Diễn đàn Đối thoại lần này sẽ là cơ hội chia sẻ thông tin và tìm ra nhiều giải pháp thích hợp trong phòng chống tham nhũng ngành giáo dục, góp phần ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. »

Thêm vào đó, khi trao đổi với BBC Việt ngữ chiều 10.06.2010, bà Marie Ottosson nói về cách loại trừ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục: « Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt-Nam. Đây có thể là một vấn đề. Cạnh đó chúng ta biết là nó tồn tại, hầu như khắp nơi trong hệ thống giáo dục.

Một số biểu hiện của nó là giáo viên mở lớp dạy thêm, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền cho con để học thêm. Chúng tôi biết có chuyện tham nhũng khi giáo viên được thăng chức hay chuyển đổi nơi dạy. Từ cuộc nghiên cứu nhỏ do chúng tôi thực hiện, điều có thể nói là tham nhũng đang tồn tại… Hiện giờ Việt-Nam hầu như có đủ luật định để chống tham nhũng. Điều cần làm là mang chúng ra thực hiện một cách hay nhất và minh bạch nhất… »

Trả lời câu hỏi của BBC: « Với tình trạng giáo dục như hiện giờ, liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập trung bình, hay vươn tới nền kinh tế tri thức được không? », Bà Ottosson đáp: « Nếu không loại bỏ được tham nhũng trong giáo dục, câu trả lời là không. Quý vị cần lĩnh vực giáo dục không có tham nhũng, người dân tin tưởng vào hệ thống, nếu không Việt-Nam không thể trở thành nền kinh tế tri thức. Điều này rất rõ ràng. Hiện nay ai cũng thấy tham nhũng trong giáo dục đang cản trở phát triển, tôi thấy thật khó, thậm chí là không bao giờ có thể dịch chuyển đến nhóm có mức thu nhập trung bình. »

Theo kết quả được công bố từ ngày 16 đến 18.06.2010 thì số bách phân đậu Trung học phổ thông năm nay rất cao, rất ít địa phương đạt dưới 90% số thí sinh dự thi. Nam định có con số đậu cao nhất nước là 99,60%. Sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy là điều đáng mừng hay đáng lo ?

Theo các giáo sư giảng dạy và giám khảo chấm thi thì:

- năm nay, đề thi dễ, nhẹ;

- học sinh từ yếu kém đến khá và giỏi đều có đi học thên, học kèm;

- vắng bóng của các gím thị lúc làm bài thi vì, theo Bộ Giáo dục, thì công tác thi cử đã đi vào nề nếp.

Chúng tôi dài dòng về vấn đề giáo dục vì chúng tôi quan niệm nếu Việt-Nam có một nền giáo dục tốt để đào tạo những công dân hữu dụng cho Quê Hương thì việc phát triển kinh tế tất yếu sẽ đến. Một nền kinh tế công bằng và nhân đạo, trong đó thành quả sản xuất được tái phân phối hợp lý, thì những tệ đoan xã hội có thể không còn.

b. Thời kỳ hợp tác, thử thách mới.

Sự chuyển đổi theo thể thức cấp vốn mới chắc chắn sẽ là một thử thách cho Việt-Nam, đặc biệt là về mặt cân đối ngoại tệ mạnh, khi ngân sách nhà nước đang khiếm hụt trầm trọng. Nhiều chục tới hàng trăm triệu mỹ kim bị cắt giảm không dồi dào được chuẩn chi hàng năm như trong các thập niên trước.

Trước thử thách mới, người Việt cần biết cách khai thác và tận dụng những cơ hội mới, phải chủ động từ chối những bất lợi vì nhận ODA mà chúng ta đã đề cập nơi đoạn 2.- b bên trên (trong bài trước).

- Thương lượng hợp đồng giao nhận vốn ODA trên căn bản bình đẳng, hai bên cùng có lợi, dựa trên Tuyên bố Paris ngày 02.03.2005. Đây là văn kiện đã nâng cao thực quyền và tính chủ động của phía được trợ giúp nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.

- Sự bất bình đẳng cần phải được cải thiện để các tổ chức phi chính phủ hay xã hội được hưởng đồng đều như các tổ chức nhà nước, hầu mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước.

IV. CÔNG NỢ VIỆT NAM THẬT SỰ Ở MỨC NÀO ?

Trong bài ‘Tính bền vững của nợ công ở Việt Nam’ đăng trên Tuổi trẻ online ngày 14.05.2010, Tiến sĩ Vũ thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) viết:

« Theo Bộ Tài chính, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo định nghĩa này, tổng số dư nợ công đến cuối năm 2009 của Việt Nam ước khoảng 44,7% GDP, trong đó nợ của Chính phủ là 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 7,9% GDP và nợ của chính quyền địa phương là 1,4% GDP.

Khái niệm nợ công này của Bộ Tài chính hẹp hơn so với khái niệm phổ biến của quốc tế. Theo Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính của Hội nghị của LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), nợ công còn bao gồm các nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc chính phủ (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) ở tất cả các cấp chính quyền. Có lẽ đây là nguyên nhân làm cho số liệu về nợ công của Việt Nam trong cơ sở dữ liệu của một số tổ chức quốc tế cao hơn hẳn so với số liệu của Bộ Tài chính.

Theo Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU), nợ công của Việt Nam tăng liên tục từ 36% GDP trong năm 2001 lên 51% GDP vào năm 2009. »

Ngoài ra, trong bài ‘Liệu Việt Nam đã tính đúng và đủ nợ công?’ đăng trên mạng lưới ‘Bauxite VN’ ngày 07.06.2010, Tiến sĩ Vũ quang Việt cho biết:

« Năm 2007, nợ của Nhà nước là 33,8% GDP, nhưng nợ nước ngoài (chủ yếu là nợ nhà nước) theo IMF đã là 43,3% GDP và nếu cộng thêm hơn 7% nợ của Chính phủ do phát hành trái phiếu thì tổng số nợ đã lên 50% vào năm 2007. Như vậy con số của CIA tính ở mức 52% cho năm 2009 có thể vẫn là thấp so với thực tế. »

Tiến sĩ Vũ quang Việt còn đề nghị: « Việt-Nam phải tính thêm vào công nợ của mình một phần quan trọng khác: đó là nợ phải trả trong tương lai khi công chức về hưu. Phần này có thể rất lớn, thí dụ như ở Singapore nó lên tới 50% GDP. »

Trong khi đó, xin nhắc lại Chính phủ ấn định mức an toàn công nợ của Việt-Nam là 50% TSLQN. Như vậy, công nợ Việt-Nam đã vượt mức báo động vào cuối năm 2009.

Chấp nhận công nợ Việt-Nam năm 2009 là 52% TSLQN thì số công nợ 2009 đã là 92.439 x 52% = 48.068 triệu mỹ kim và số công nợ chia trung bình cho mỗi người dân đã là 48.068/86,867 = 553 mỹ kim.

Hà-Minh Thảo