Dưới Bóng Cây Xanh Rợp Ở Tennessee

Hồi còn theo học trường Luật Saigon vào giữa thập niên 1950, tôi chú ý theo dõi cái Dự Án Đại Công Trình của nước Mỹ có tên là Tennessee Valley Authorithy (TVA), mà được khởi xướng từ năm 1933 dười trào Tổng Thống Roosevelt. Đây là một công trình có quy mô rất lớn của Chánh phủ Liên bang nhằm phát triển cả một khu vực gồm nhiều tiểu bang thuộc miền Đông Nam Hoa Kỳ, với chủ yếu là điện khí hóa miền nông thôn, đem lại năng suất nông nghiệp cao hơn, đồng thời cũng điều hòa nguồn nước của các sông hồ trong khu vực hầu tránh được tai nạn ngập lụt thường xảy ra tại đây.

Cũng vào khỏang thời gian đó, thế hệ trẻ lớp tuổi đôi mươi chúng tôi thì rất say mê cái bản nhạc hết sức thịnh hành ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, đó là bản nhạc rất ư là lãng mạng trữ tình có nhan đề là “Tennessee Waltz” (Điệu Luân vũ Tennessee). Điệu nhạc thật là nỉ non, thánh thót dễ thương mà nhiều người bạn của tôi đã bắt chước để hát y hệt như mấy danh ca người Mỹ thời ấy. ( Nguyên văn lời ca bản nhạc sẽ được ghi trong Phần Phụ Lục kèm theo bài viết này). Sau đó không bao lâu, Tennessee lại càng được biết đến nhiều hơn qua tên tuổi của Ông Vua Nhạc Rock là Elvis Presley xuất thân lập nghiệp từ thành phố Memphis phía miền Tây của tiểu bang này.

Và riêng với tôi, thì kể từ mùa hè năm 2001 cho đến nay vào năm 2010, thì gần như năm nào tôi cũng lại có dịp đến sinh họat với Viện Xây Dựng Hòa bình (Peacebuilding Institute = PI) tại thành phố Knoxville ở phía Đông của Tennessee. Tổ chức này đã được hình thành từ trên 10 năm nay, do sự hợp tác của các Nhà thờ có khuynh hướng tích cực xây dựng Hòa bình , được gọi là “Peace Churches” để cùng nhau tham gia tổ chức các buổi gặp gỡ, các khóa hội thảo giữa các nhân vật ở địa phương cùng với các vị khách quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau tới đây, để trao đổi kinh nghiệm về vấn đề “Chuyển hóa những tranh chấp, hàn gắn những chấn thương đổ vỡ tại các địa phương” (conflict transformation, trauma healing).

Thành ra nhờ có tổ chức PI này, mà tôi có duyên được quen biết thân thương với nhiều bạn hữu cùng chí hướng tại tiểu bang Tennessee này. Ban tổ chức lại có sáng kiến là bố trí chỗ ở cho những khách từ xa như tôi tại tư gia của một trong những thành viên của PI, chứ không bao giờ chúng tôi lại phải ở khách sạn như trong các cuộc hội họp quốc tế lớn lao khác. Nhờ vậy mà giữa chủ nhà (host) và khách mời (guest) càng có dịp gắn bó thân thương với nhau, thông qua những bữa ăn và sinh họat trong bàu không khí thật là ấm cúng của một gia đình. Đúng như người Mỹ thường nói với khách là : “Xin cứ tự nhiên, thỏai mái như ở nhà vậy” (Please feel free, relaxed as you are at home). Tôi coi cái lối ở nhà chung với gia đình host như vậy là thứ “thăm viếng tại gia” (home visit), mà từ thời xa xưa ở các vùng quê của nước ta, các cụ già là bạn hữu thâm giao với nhau, thì thường đến ở tại nhà bạn có khi trong suốt cả mấy tháng trời nữa vậy.

Mấy năm trước, thì tôi thường ở nhà với anh chị Matt và Marylou Matteson, như tôi đã có dịp viết về việc tôi kết nghĩa với gia đình này trong một vài bài trước, cách nay cũng không lâu lắm. Nhưng trong 3 năm gần đây, kể từ năm 2008 cho đến năm nay, thì tôi lại ở nhà với anh chị Jim và Sandy Foster. Anh chị chỉ thua kém tôi có vài ba tuổi, các con đều trưởng thành , có gia đình riêng, nên tại nhà chỉ có hai ông bà. Thành ra lúc nào cũng có một vài phòng trống để dành cho khách từ phương xa đến như trường hợp của tôi lúc này. Căn nhà xây bằng đá, không lớn lắm, nhưng lại có đủ tiện nghi, nhất là lại có tầng hầm (basement) được nâng cấp biến thành một khu vực riêng biệt với đày đủ tiện nghi sinh hoạt như phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh v.v…, nên khách cư ngụ nơi đây có được cả một “thế giới biệt lập”, không sợ phải làm phiền hà gì đến chủ nhà ở phía tầng trên cả.

Nhà anh chị có khu vườn xung quanh khá rộng, phải tới 4 acres, tức là gần 2 hectares, tòan là cây xanh. Khu vườn nằm trên một ngọn đồi không cao lắm, nhưng có độ dốc đến 20-30 độ, nên mỗi khi đi dạo thì phải lên dốc, xuống dốc khá là mệt sức. Thường ngày, tôi chỉ có thể thả bộ quanh vườn mỗi lần chừng 15-20 phút là đủ thấy mỏi cẳng chân rồi. Đây là một thứ thể thao để luyện gân cốt cho thật cứng cáp, tạo cho cơ thể có được sự dẻo dai bền vững, và nhất là giúp cho sự bài tiết thải ra được các chất độc trong người, thông qua tuyến mồ hôi rơm rớm khai thông từ các huyệt chân lông dưới làn da của cơ thể. Nhờ vậy mà trong người cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khóai dễ chịu. Nhất là vào buổi trưa nắng bức, mà đi bộ dưới tàng cây xanh phủ kín khắp các lối đi, thì thật là mát dịu, thanh thóat và êm ắng lạ thường. Đó là lý do vì sao tôi chọn nhan đề cho bài bút ký này là : “ Dưới bóng cây xanh rợp ở Tennessee” .

Việc đi dạo đều đặn mỗi ngày nhiều vòng như thế giúp cho tôi giữ được sức khỏe về thể chất cũng như tình thần để luôn có được sự quân bình giữa trí óc và cơ thể. Nó làm cho tôi ăn ngon miệng hơn, mà việc tiêu hóa cũng dễ dàng hơn. Và nhất là giấc ngủ cũng nhẹ nhàng, thỏai mái hơn. Do việc ăn ngủ điều độ như vậy, nên cơ thể tôi mới có được sức dẻo dai để mà theo đuổi nổi những công việc nghiên cứu chuyên môn và tham gia thảo luận tại môi trường đại học, mà vốn đòi hỏi phải vận dụng nhiều đến năng lực của trí óc. Chị Sandy thấy tôi miệt mài say sưa với công việc, thì chị luôn xem chừng và ôn tồn nhắc nhở tôi là : “ Anh không được làm việc quá sức, khiền làm hại cho sức khỏe đấy nhé …” Lời cảnh giác của Sandy làm tôi nhớ lại sự giặn dò của Chị Jackie Bông vào hồi cuối năm 2008, lúc chị vào thăm tôi tại nhà thương Fountain Valley ở California, vì bị bệnh “ heart attack “. Thành ra tôi càng cảm thấy mình còn “mắc nợ ân nghĩa rất nhiều”, từ nơi những người bạn người Việt hay người Mỹ, mà luôn khích lệ và hỗ trợ công việc văn hóa xã hội mà mình đã theo đuổi từ nhiêu năm nay.

Công chuyện tôi đến tham gia hàng năm liên tục với Viện Xây Dựng Hỏa Bình (PI) tại Knoxville Tennessee bắt đầu từ năm 2001 đến nay, với rất nhiều các tham dự viên từ các châu lục khác nhau trên thế giới, thì rất sinh động hào hứng và rất bổ ích cho tinh thần dấn thân nhập cuộc của các thiện nguyện viên trong nhiều quốc gia . Đây sẽ là một chủ đề riêng biệt mà tôi xin được trình bày cặn kẽ chi tiết hơn trong một bài khác. Bởi lẽ trong bài bút ký này, người viết chỉ muốn giới thiệu sơ lược về khung cảnh sinh họat của mình trong khuôn khổ của tổ chức PI ở khu vửc Miền Đông Tennessee, mà nếu viết danh hiệu cho đày đủ, thì phải viết là : PIET tức là Peacebuilding Institute of East Tennessee (Viện Xây Dựng Hòa Bình Miền Đông Tennessee). Xin bạn đọc đón coi vào một dịp khác thuận tiện hơn vậy nhé.

Để tóm lược bài viết đã dài này, tôi xin được ghi thêm một vài chi tiết thật ngắn gọn như sau đây :

1/ Thứ nhất : Trong mấy chục năm gần đây, giới lãnh đạo tôn giáo dấn thân nhập cuộc nhiều hơn vào lãnh vực xây dựng hòa bình, giải quyết tranh chấp ngay tại hạ tầng cơ sở từ các địa phương nhỏ bé nhất. Để thực hiện được việc làm khó khăn phức tạp này, Tôn giáo đã hợp tác chặt chẽ với giới hàn lâm đại học (Academia) để cùng tìm ra được những giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất cho sứ mệnh xây dựng hòa bình tại nhiều nơi, nhiều chỗ. Nhờ có sự hợp tác chặt chẽ này, mà Xã hội Dân sự có thể đóng thêm được cả vai trò làm “Đối trọng” (Counterbalance) đối với Nhà nước nữa. Chứ không phải chỉ giữ vai trò làm “Đối tác” (Counterpart), hợp tác với Nhà nước như trong lãnh vực từ thiện nhân đạo mà thôi.

2/ Thứ hai : Nhờ sự giao lưu, trao đổi dễ dàng mau lẹ trên thế giới ngày nay, nên các tổ chức tự nguyện “phi chánh phủ” (Non-Governmental Organizations – NGO) dù nhỏ bé tới đâu, thì cũng vẫn có thể họat động trên phạm vi tòan cầu. Vì thế mà ta có thể nói đến một Xã hội Dân sự Tòan cầu (a Global Civil Society). Cũng như hiện đang có một Phong trào Xã hội Mới (a New Social Movement) đang mỗi ngày một mở rộng ra tại khắp nơi trên thế giới, điển hình là tại Châu Mỹ La tinh và tại nhiều quốc gia ở Phi châu. Và vai trò của các nước nhỏ, cụ thể như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hòa Lan … đã có ảnh hưởng lớn trong các vấn đề có tầm vóc tòan cầu, như bảo vệ môi sinh, làm trung gian trong việc hòa giải (mediation) những tranh chấp đẫm máu tại nhiều nơi trên thế giới.

Riêng bản thân mình, thì trong nhiều năm tới tham gia sinh họat gặp gỡ với các bạn Mỹ và bạn bè quốc tế trong khuôn khổ của tổ chức PIET tại thành phố Knoxville thuộc tiểu bang Tennessee này, tôi đã được chứng kiến cuộc vận dụng khối đông đảo quần chúng tôn giáo tham gia tích cực và cụ thể vào việc xây dựng hòa bình, giải quyết tranh chấp tại khắp nơi trên thế giới. Vì thế, mà tôi có thêm được sự lạc quan và phấn khởi để tiếp tục theo đuổi công cuộc tranh đấu cho sự công bằng xã hội, cho sự bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền của con người, và đặc biệt cho đồng bào Việt nam ruột thịt của tôi.Và rõ rệt là cái màu xanh tươi mát êm dịu, thanh thóat ở Tennessee đã góp phần hun đúc cho tinh thần kiên trì xây dựng hòa bình của tôi nhiều lắm vậy đó./

Knoxville, trung tuần Tháng Sáu 2010

Đòan Thanh Liêm

Phụ Lục

Nguyên văn lời ca Bản nhạc “ Tennessee Waltz “

Tác giả : Redd Stewart và Pee Vee King

Phổ biến lần đầu năm 1947.

Được Quốc Hội Tiểu bang công nhận là : Bài ca chính thức của Tiểu bang Tennessee (Official Song of the State of Tennessee) vào năm 1965.

Tennessee Waltz

I was dancin’ with my darling, to the Tennessee Waltz

When an old friend I happened to see

I introduced her to my loved one

And while they were dancin’

My friend stole my sweetheart from me.

I remember the night and the Tennessee Waltz

Now I know just how much I have lost

Yes, I lost my little darlin’ the night they were playing

The beautiful Tennessee Waltz./