Sân Khấu Về Khuya

Phàm mỗi khi muốn nói hay viết về một ngưòi vắng mặt như đã qua đời, đã già lẫn đến độ mất hết các điều-kiện để tự bộc-bạch nỗi lòng hay đính-chính về những ý-kiến do người khác nhận-định hoặc gán ghép cho thì thông thường người ta đều phải dựa vào những việc làm, những cách ứng xử trong quá-trình sống và hành-động của người ấy giữa tha-nhân và giữa xã-hội…và nếu người được nói đến, được viết ra lại là Ki-tô hữu thì còn với Đức Tin nữa. Thành ra, khi nói hay viết về cuộc đời của bất kỳ ai trong suốt lộ-trình làm người đã là một cái khó, bởi vì đó chính là viết về một hồng-ân; huống gì người ấy lại là một Tổng-giám-mục của một Tổng-giáo-phận lớn với bối-cảnh lịch-sử phức-tạp của một cuộc đổi đời. Và đến nay, cho dù Đức Tổng-giám-mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình đã được Chúa gọi về tính sổ thiêng-liêng nhưng chặng đuờng 20 mươi năm cuối đời của ngài vẫn còn để lại nhiều hỉ lẫn với nộ, ai lẫn với lạc và ái lẫn với ố…nên vẫn chưa hết chuyện; nên tại chính cái nơi chốn đang mang tên ngài đã có một cuộc chiêu hồn bằng đủ thất tình, lục dục.

Về cái gọi là Câu lạc bộ Phao-lô Nguyễn Văn Bình

Người viết thấy cũng nên phân-biệt sự khác nhau giữa khu nhà mang tên Trung-tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình như tấm bảng ở trên đã được Dòng Đa-minh gắn ở trụ cổng với cái gọi là Câu-lạc-bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Trước năm 1975, tại số 43 đuờng Nguyễn Thông có tấm bảng nhỏ gắn trên trụ cổng vào khu cư-xá sinh-viên trong khuôn viên tu-viện Mai-khôi của Dòng Đa-minh, thuộc tỉnh dòng Lyon mang tên cư-xá Phục Hưng. Khu cư-xá này đuợc xây cất lại khang-trang rộng-rãi hơn cũ mới hai năm thì gặp ngay biến-cố 30-4-1975 nên đã bị nhà nước cộng-sản mượn như phần lớn các cơ-sở Công-giáo lúc đó. Ban đầu, họ dùng khu nhà này làm trụ-sở của một sinh-hoạt gọi là Hội Trí Thức Yêu Nước. Sau khi cái hội này không còn cần thiết nữa thì trở thành Trụ-sở Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật và dần dần biến thành tụ-điểm của đủ loại sinh-hoạt nhi-nhô và xô-bồ, không phù-hợp với chức năng của một cư-xá sinh-viên với những sinh-hoạt trí-thức. Chính Đức Tổng-giám-mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình tích-cực yểm-trợ và theo dõi việc đòi lại khu cư-xá này trong nhiều năm và cũng chính Đức Tổng Bình, mấy tháng trước khi qua đời, đã ký đơn của Tu-viện Mai-khôi yêu cầu nhà nước trả lại khu cư-xá đã mượn. Linh-mục Nguyễn Huy Lịch gợi ý, linh-mục Thiện Cẩm thảo đơn và linh-mục Đỗ Xuân Quế đưa đơn đến gặp Đức Tổng Bình khi ấy đang nằm điều-trị tại Đại-chủng-viện thánh Giu-se. Cuối cùng khu cư-xá sinh-viên Phục Hưng được trả lại cho tu-viện Mai-khôi kể từ 9 giờ sáng ngày 22-12-2003 trong tình-trạng hư hại nặng và rất nhiều thứ như cửa, đèn, quạt và thậm chí cả bồn nhà vệ-sinh đã bị tháo gỡ đi hết. Sau khi được sửa sang lại, theo gợi ý của linh-mục Thiện Cẩm, tu-viện đã thoả-thuận dùng một phần cư-xá vào việc dạy thần-học cho các dòng tu và tu-hội gọi là lớp bồi-dưỡng Thần-học Phaolô Nguyễn Văn Bình như là một học-viện liên Dòng. Từ đó, cư-xá sinh-viên Phục Hưng cũ đã được đổi tên là Trung-tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình. Bên cạnh việc giảng dạy Thần-học thì Tu-viện Mai-khôi cũng dùng nơi này để tổ-chức các buổi hội-thảo định-kỳ theo truyền-thống sẵn có của Tu-viện thời trước vẫn dành cho giới sinh-viên và trí-thức. Rồi cũng nhân vì sự ấy mà linh-mục Nguyễn Thái Hợp đã cùng với vài ba nhân-sự nữa là Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Duy Nhiên… lập thêm ra một nhóm riêng gọi là câu-lạc-bộ Phao-lô Nguyễn Văn Bình để gặp nhau trao đổi chuyện thời-thế trong Đạo ngoài đời, thay nhau kẻ chan người húp.

Sự xuất hiện của cái câu-lạc-bộ này cũng được nhiều người mẫn cảm cho đấy chính là một nấc thang để người chủ-nhiệm nó leo lên danh-vọng như hiện có hôm nay. Người xưa hay nói “nhân bảo như thần bảo”, cho nên cũng có thể là như thế lắm.

Toạ-đàm hay kịch nói

Vào cuối tháng 8-2010 vừa qua, cái gọi là Câu lạc bộ Phao-lô Nguyễn Văn Bình tổ-chức hai buổi được gọi là toạ-đàm tại Trung tâm Phao-lô Nguyễn Văn Bình, 43 Nguyễn Thông, Quận 3 vào chiều Thứ Sáu (27-8-2010), từ 14g30 đến 17g30 và sáng Thứ Bảy (28-8-2010), từ 8g00 đến 11g30. Trong thư mời do ông Nguyễn Đình Đầu ký tên có nêu lên một danh sách không mấy xa-lạ trong giới Công-giáo, gồm… “ với những phát biểu khai mạc của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, bài đề dẫn của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các thuyết trình của các Linh mục Huỳnh Công Minh, Nguyễn Hồng Giáo, Chân Tín, Vũ Khởi Phụng, Đinh Trung Nghĩa, Hồ Văn Xuân, Phan Khắc Từ, các nữ tu Mai Thành, Quỳnh Giao, của giáo dân Nguyễn Đình Đầu, cũng như của một số trí thức ngoài xã hội quan tâm đến đường hướng mục vụ của Ngài, GS Đỗ Quang Hưng, Luật gia Lê Hiếu Đằng, Ông Hồ Ngọc Nhuận…..để tưởng nhớ một vị Mục tử khả kính và trao đổi thêm đường hướng mục vụ của Ngài, quy chiếu vào bối cảnh ngày nay”.

Rồi đây buổi tọa đàm này sẽ được cho vào hồ-sơ công-tác và bản thư mời này cũng được lưu thành dữ-kiện… Những người đến sau khi có dịp mở lại, người ta sẽ có những nhận-định hài-hoà biết mấy với hai tên tuổi Chân Tín và Vũ Khởi Phụng chen chúc giữa đoàn rồng rắn lên mây. Song thực-tế thì vào thời gian này linh-mục Vũ Khởi Phụng đã đi Mỹ chữa bệnh, còn linh-mục Chân Tín có đến ngay trong buổi thứ nhất nhưng chẳng những ban-tổ-chức không cho đọc bài tham-luận mà còn tuyên-bố luôn là sẽ không đăng bài của ngài vào kỷ-yếu. Cha Chân Tín đã ra về với nụ cuời xác nhận mình bị “excommunié”.

Những người còn lại theo liệt-kê ở trên đều tuần-tự lên đọc những lời ca-tụng cuốn theo chiều gió. Linh-mục Nguyễn Hồng Giáo không đến dự và theo Paul chủ-nhiệm (người viết bắt chước Vũ Sinh Hiên) loan báo là tác-giả bị mệt nên bài sẽ cho đăng vào kỷ-yếu rồi nhân thể chủ-nhiệm cũng thông báo luôn phương-pháp làm việc của ban-tổ-chức là nếu một khi có bất-đồng ý-kiến giữa tác-giả bài nói với ban-tổ-chức thì tác-giả được yêu cầu sửa, nhưng nếu không đồng thuận với nhau được thì tác-giả sẽ không được trình bày và bài viết cũng sẽ không được in trong kỷ-yếu. Phải chăng chủ-nhiệm muốn nói tới trường-hợp linh-mục Chân Tín chiều hôm trước đã tự nhận mình bị “ excommunié”. Thì ra những điều ong tiếng ve quả không sai khi người ta cho rằng lối hành-xử ở đây cũng na-ná như một dạng thức của đám kiêu binh gốc Hà-trung, Thiệu-hóa và Tĩnh-gia xưa kia gọi là quân Tam-phủ đã có công giúp nhà Trịnh trở thành một họ không vương bá mà quyền nghiêng thiên-hạ, nhưng cuối cùng lại cũng chính họ xô nhà Trịnh xuống hố.

Thông thường thì những cuộc gặp gỡ theo đúng ý nghĩa của hai chữ toạ-đàm đều mang tinh-thần dân-chủ và tự-do vì những người tham-dự phần nhiều là ngang “cơ” nhau về nhiều mặt thì mới cùng “tọa” và cùng “đàm” được bằng đối-thoại chân thành mà không có một sự chuẩn-bị nào mang tính áp đặt cả. Nhưng khi nhìn vào tờ chương-trình với ba mục-đích nêu ra cùng những “điểm nhấn” này nhấn nọ thì phải nói đây là một khoá huấn-luyện chuyên đề mới đúng nếu nói cho có vẻ bóng-bảy văn-hoa; còn nôm-na dễ hiểu hơn thì là một màn trình-diễn có chỉ-đạo, có những bàn tay chính-sách cầm chầu, điểm nhịp; có những con mắt chủ-nghĩa giám-sát…Nếu không thì hà cớ phải đặt thành vấn-đề có bất-đồng ý-kiến giữa tác-giả bài nói với ban-tổ-chức làm gì? Chẳng hạn như sự có mặt của ông Đỗ Quang Hưng trong danh-sách những người lên nói về Đức Tổng Bình. Ông này nguyên trước kia là viện-trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo và bây giờ là chủ-tich Ủy ban Tư vấn về các vấn đề tôn giáo. Một cán-bộ nhà nước cộng-sản với chức-trách chuyên về tôn-giáo như vậy thì chẳng cần suy cũng hiểu mục-đích của những việc làm này là gì rồi. Cụ-thể là trong Lời giới thiệu cuốn sách “Sự Du Nhập của Đạo Thiên Chúa Giáo Vào Việt Nam từ Thế kỷ XVII đến Thế kỷ XIX” của Trần Văn Kiệm, Đỗ Quang Hưng đã viết: “ Trong các tôn giáo lớn ở nước ngoài có mặt ở Việt Nam, đạo Thiên Chúa có vị trí thực đặc biệt. Đó là một tôn giáo độc thần từ phương Tây do các giáo sĩ ngoại quốc rất nhiều quốc tịch truyền vào nước ta từ nửa cuối thế kỷ XVI, trong đó chủ yếu là các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo nước ngoài của Pháp (gọi tắt là MEP). Cái phức tạp của vấn đề là ở chỗ, quá trình truyền giáo rất nhanh chóng đã đi liền với làn sóng thực dân, nhiều giáo sĩ phương Tây đã thoả hiệp với chủ nghĩa thực dân, đưa đuờng chỉ lối cho họ xâm chiếm các nước thuộc địa, gây ra những đụng độ giữa Thiên Chúa Giáo với Nhà Nước, Thiên Chúa Giáo với dân tộc. Với nước ta cũng như nhiều nước thuộc các xã hội Á châu, vấn nạn lịch sử ấy khiến cho vấn đề Thiên Chúa Giáo và dân tộc vẫn còn là một vấn đề phải giải quyết trên con đuờng Giáo hội đồng hành với dân tộc …” (trang 5-6).

Thành ra thật là lố-bịch khi người ta đã dầy công nghĩ ra phương-sách nhồi sọ dư-luận bằng cách dựng một hồn ma dậy để phù phép, để cho bia miệng phải thành bia đá như nguyên-văn nội-dung chương-trình toạ-đàm theo hướng giải quyết trên con đuờng Giáo hội đồng hành với dân tộc …dưới đây:

MỤC ĐÍCH :

- Phác thảo lại chân dung của một vị Mục tử , qua các đường hướng mục vụ cuả ngài và qua các hành động thực tiễn, trong một thời kỳ đầy biến động của xã hội và Giáo hội Việt Nam .

- Ghi nhận những công lao đóng góp của ngài cho Đạo, cho Đời.

- Lượng giá những định hướng và hành động của Đức Tổng có thể được tiếp nối như thế nào trong thời điểm hiện nay ? (Tọa đàm tôn trọng tính đa dạng của các nhận định và sự phản biện có cơ sở và trong tinh thần xây dựng) .

CÁC ĐIỂM NHẤN :

- Vị Giám mục , TGM Chính tòa đầu tiên của Tổng Giáo phận Sàigòn. (Điểm nhấn: Sự trưởng thành, tính tự chủ và tính dân tộc của Giáo hội VN).

- Con người của Công đồng: Một Nghị phụ Công đồng // Đưa Công đồng vào Giáo hội Việt Nam : Từ nhận thức đến hành động.

- Con người của một thời kỳ biến động: Từ thời Cộng hòa (1960 - 1975) đến thời kỳ Xã hội chủ nghĩa (1975 – 1995).

- Vị ngôn sứ với 4 định hướng mục vụ căn bản: Canh tân – Đối thoại – Hòa giải – Hợp tác. Những nền tảng Tin Mừng và Thần học (Công đồng) của những định hướng này.

- Tính thời sự của đường hướng mục vụ của TGM Nguyễn Văn Bình và những nỗ lực tiếp nối của chúng ta….

Vậy thì, với nguyên văn nội-dung chương-trình được kèm theo thư mời như trên đây phải chăng chỉ có tác-dụng của một kịch-bản không hơn không kém đã được nhóm tổ-chức soạn ra cho các diễn-viên nào đã thuộc lòng và nhập đúng vai, cho dù theo nội-dung mục-đích nêu ra là …Tọa đàm tôn trọng tính đa dạng của các nhận định và sự phản biện có cơ sở và trong tinh thần xây dựngThì ra đấy chỉ là một cách nói theo kiểu kinh-nghiệm dân gian đã có từ xưa là nói như vẹm, còn hành-sự thì quả đúng như một số người đã nhận-định là loạn kiêu binh đang được nhà cầm quyền bật đèn xanh khi có quyền muốn cho ai nói thì mới được nói…

Chân-dung hay biếm hoạ

Kể từ khi tuyệt-đại đa-số giáo dân trong nước cũng như bên ngoài hướng về Đức Tổng-giám-mục Ngô Quang Kiệt bằng sự kính ngưỡng thì việc ngắm nhìn lại chân-dung của các mục-tử đã trở thành thời-sự. Cho nên không phải là một sự trùng hợp hay vô tình mà giờ này người ta hú hồn ma Đức Tổng Bình về để làm chay bằng đạo bùa CHÂN DUNG MỘT VỊ MỤC TỬ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910 – 01/09 – 2010) mà chính là các đấng bậc đã không ngại theo kế sách “minh tu sạn đạo” thời xa xưa của những người chuyên lo việc tranh hùng tranh bá. Bởi vì thực chất rõ-ràng là ban-tổ-chức muốn lấy cớ này để huy-động và thúc đẩy dư-luận theo hướng đi hiện nay của đa-số các thành-viên trong Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam về tương-quan với nhà cầm quyền cộng-sản. Ai muốn hiểu đây là một buổi bình bầu cá-nhân xuất-sắc và Đức Tổng Bình được tặng ban danh hiệu điển hình tiên tiến cũng được, nhưng nếu có ai duy-tâm hơn hay duy-linh một chút muốn cho đây là bước đầu của tiến-trình “phong thánh” cũng tạm được vì cũng đã có người đòi làm trạng-sư của quỷ…Còn nếu như có ai đó không đảng, không Công-giáo, muốn coi như đây là một toà án nhân-dân thì hình như cũng không mấy sai…nếu theo câu cách-ngôn giáo-dục ngày trước đã dạy cho học-sinh tiểu-học rằng người chê ta mà chê phải là thầy ta, kẻ nịnh hót ta là cừu-địch hại ta…Thật là phong-phú và đa-dạng thay cho cái đỉnh cao trí-tuệ….

Bởi vì, theo đúng nghĩa, chân-dung là bức hình của một người được chụp hay vẽ thật chính-xác, thật trung-thực, không có nét nào là ngụy tạo hay hư-cấu và tô chuốt thêm.

Tuy nhiên, ở đây, cho dù chưa cần gom góp đến những lời tâm-sự, chia sẻ và trao đổi với bao nhiêu người vào những dịp gặp gỡ trong suốt chặng đuờng 20 năm - 1975-2005 - cuối đời của Đức Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Bình thì chân-dung ngài cũng đã bị móp méo đến “khó nhìn” quá thể trong dịp chẳng hiểu là tôn vinh hay bôi-bác này. Bên cạnh những cố gắng tô son điểm phấn do các thuyết-trình-viên chủ lực của buổi tọa đàm đã Phác thảo lại chân dung của một vị Mục tử thì lại có những ý khác đã đúng theo phương-pháp truyền chân mà vẽ những nét thật rất thực đã được công khai qua bài viết, lời phát-biểu giữa buổi toạ-đàm .

Khởi đầu là bài viết của linh-mục Chân Tín. Tuy không được hay bị cho đọc giữa buổi toạ-đàm nhưng đã truyền đi rộng-rãi trên mạng lưới internet, trong đó nêu lên quá nhiều điều thiếu sót của Đức Tổng Bình trong trách-nhiệm của một chủ chăn mang chức thánh theo tinh-thần Công-đồng Vatican II: “Phần các Chủ Chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm-giá và trách-nhiệm của giáo-dân trong Giáo-hội; các ngài nên sẵn-sàng chấp nhận những ý-kiến khôn ngoan của họ…Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét , trong Chúa Ki-tô, những kế-hoạch thỉnh-cầu và khát-vọng của họ…” (Hiến-chế Giáo-hội IV. 37, 8) mà theo gợi ý của nhóm tổ-chức thì đấy là “các hành động thực tiễn, trong một thời kỳ đầy biến động của xã hội và Giáo hội Việt Nam”. Hoá ra thái-độ làm ngơ trước những bất-công, đàn-áp của một bạo-quyền lại cũng có giá-trị là “các hành động thực tiễn”.

Nhưng phải kể đến là lời phát-biểu hơi khó hiểu của linh-mục Huỳnh Công Minh vào buổi chiều khai-diễn - Thứ Sáu 27- 8- 2010 - trong bài tham-luận “Hãy trả lại Đức Tổng-giám-mục Phaolô Nguyễn Văn Bình những gì là của ngài” mà theo nhóm làm Bản Tin Tổng Hợp thì là ...“cung cấp nhiều khía cạnh, sự kiện chưa từng được công bố giúp làm sáng tỏ quan điểm và đường hướng mục vụ vốn đã hứng chịu đủ lời thị phi của cố Đức Tổng”. Linh-mục Huỳnh Công Minh cho biết năm 1971, khi hoà-đàm Ba-lê bước sang giai đoạn bốn bên là Mỹ, Bắc-việt, Mặt-trận Giải-phóng và Việt-Nam Cộng Hoà chứ không còn là hai bên Bắc-việt và Mỹ thì ông Hai Ngọ, tức là bác-sĩ Dương Quang Trung, cán bộ trí vận của Mặt-trận, sau này làm giám đốc sở y-tế thành-phố Hồ chí Minh, nhờ ông Châu Tâm Luân nói với linh-mục Huỳnh Công Minh giàn xếp cho Hai Ngọ gặp Đức Tổng. “Tôi hí hửng đem chuyện này trình Đức Tổng, bị Đức Tổng la cho một trận: cha nghĩ gì mà để tôi gặp gỡ một cán bộ cộng sản là những người sắp thắng trận vào thành phố này và sẵn sàng đàn áp các tôn giáo, đặc biệt là Công-giáo? Tôi cụt hứng. Ông Hai Ngọ đã từng gặp gỡ Nguyễn Ngọc Lan nhiều lần ở tu viện của các chị dòng Bénédictine ở Thủ-đức. Linh-mục Huỳnh Công Minh nói tiếp: “Về phần tôi, tôi đã ngu mà tin theo những lời nói dối trá không đi đôi với việc làm. Những tuyên bố của tôi ở Quốc-hội 1976 cũng là do cái ngu này mà ra. Cho đến chết, Đức Tổng không ủng-hộ cộng sản và sợ cộng sản”. Có lẽ nỗi lòng này của Đức Tổng Bình cũng không khác với nhà văn Nguyễn Tuân khi ông nói với những bạn văn trẻ của mình là “Tao sống cho được đến ngày nay là vì biết sợ” nếu đặt vào trong tâm-lý chung của con người trước một guồng máy chính-trị phi nhân. Tuy nhiên, trong cương-vị một chủ chăn, một mục-tử thì Lời “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa”. Cộng-đồng dân Chúa Việt-Nam tuy nặng truyền-thống sùng bái những người mang chức thánh song chính bối cảnh mù-mờ, điên-đảo hiện nay đã giúp họ biết sáng-suốt phân-định rất rành-mạch qua hai chữ “quốc doanh” được dùng với tính cách bỉ thử, mỉa-mai. Đức cha Nguyễn Kim Điền, đức cha Nguyễn Huy Mai, đức cha Trịnh Như Khuê …là các vị mục-tử đã từng không biết sợ cho dù bản-thân các ngài đã phải chịu đựng nhiều o-ép và khốn-khó…Đức Tổng Bình cũng đã chịu đựng nhưng sự chịu đựng trong nỗi sợ này đã trở thành một hình-thức đồng-loã và thoả-hiệp. Chẳng hạn, một trong số hậu-quả của những sự dữ ấy là cho đến giờ này vẫn còn có mặt ông Phan Khắc Từ trâng-tráo bám trụ ở giáo xứ Vuờn Xoài và vác cái “nhãn linh-mục” đi cùng khắp như một tiếng chửi thề trong Tổng-giáo-phận Sài-gòn…mà ngay trong buổi toạ-đàm này cũng vẫn được trang-trọng đứng chung với các linh-mục khác. Thành ra, càng nhìn những cảnh xúng-xính áo dài khăn rộng phất-phơ thì người ta càng chán-chường …Chức thánh là một lẽ, còn tư-cách và đạo-đức của người mang chức thánh lại là lẽ khác…Những chuyện nham-nhở, bầy-hầy như vậy mà sao nhiều người vẫn nhìn được, vẫn không cảm thấy “buồn nôn”…

Tiếp đến sáng Thứ Bảy, sau những bài phát biểu của Mai Thành, Nguyễn Đình Đầu, Hồ Ngọc Nhuận và Lê Hiểu Đằng thì một tham-dự-viên giơ tay xin phát biểu. Đó là anh Vũ Sinh Hiên: "Tôi là một bần giáo dân, tôi xin mượn từ này của thuyết trình viên Nguyễn Đình Đầu, có lẽ ông muốn có một từ đối xứng với từ "bần đạo" của đức giám mục Paul Chủ Nhiệm thường dùng để chỉ mình, ngôi thứ nhất. Chiều hôm qua, vào cuối buổi sinh hoạt , chúng ta đã sa đà vào lý thuyết nên Paul chủ nhiệm đã nhắc nhở chúng ta nên đưa ra những chứng từ cụ thể để vẽ nên chân dung của đức cha Phao-lô Bình. Tôi xin kể một sự kiện cụ thể giữa đức cha Phao-lô và tôi . Năm 1990, tôi được Thành-ủy yêu cầu viết một bản tường trình về "Hiện tình Giáo Hội Công-giáo tại TP HCM". Cũng có nhiều vị khác nữa được mời viết về các tôn giáo bạn. Người tổng hợp là ông Nguyễn Đình Đầu đang ngồi trên bàn chủ toạ kia. Hồi đó chúng tôi được trả mỗi người 300.000 đồng, một số tiền khá lớn. Viết xong, ngoài các bản gửi cho Thành-ủy, tôi gửi một bản lên Đức Tổng. Chừng một tuần lễ sau, ngài cho gọi tôi lên hầu chuyện ngài. Ngài khen là tôi viết đúng ý ngài, nói hộ ngài đôi điều phê phán là chính quyền đã mạnh tay quá đáng trong vụ Vinh Sơn, đã không thuyết phục được quần chúng như trong vụ 5 nhà dòng ở Thủ Đức...tôi đề nghị cho Công-giáo tham gia các hoạt động về giáo dục và y-tế, đề nghị có một cơ quan ngôn luận của Giáo Hội. Hai cha con nói chuyện khoảng 2 giờ đồng hồ rồi câu chuyện đề cập tới việc một linh-mục chính xứ mà có gia đình, vợ con và đề nghị Đức Tổng giải quyết. Ngài cứ một mực nói với tôi: "Khó lắm ông Hiên ơi...và sau cùng ngài bật mí là đã nhiều lần ngài đề nghị linh-mục này đi chỗ khác, làm công việc khác thì ngày hôm sau, ông Nguyễn Văn Hanh, chủ tịch MTTQ/TP lại mời tôi lên làm việc ...Với những chia sẻ của cha Huỳnh Công Minh chiều hôm qua, tôi xác tín là đức Tổng của chúng ta đã vô cùng đau khổ, phải sống giữa hai lằn đạn như lời nhận xét của ông Lê Hiếu Đằng vừa nói Đức Tổng của chúng ta cơ bản là chống Cộng nhưng đã sợ cộng sản đến lúc chết. Rồi quay lên phía di ảnh Đức Tổng, anh Vũ Sinh Hiên nói tiếp: "Kính lạy Đức Tổng, chúng con thương Đức Tổng vô cùng. Những hành động do dự, thiếu quyết đoán, như lục bình trôi theo dòng nước ...chỉ vì thương chúng con chứ không tính toán như các ca đoàn hôm nay....Câu văn do người viết tô đậm là anh Vũ Sinh Hiên nói chứ không chắc hẳn là anh đã muốn lập lại lời của linh-mục Huỳnh Công Minh…vậy mà đã bị một người vội-vã lên micro “nhắc tuồng” là cha Huỳnh Công Minh chỉ nói Đức Tổng “không ủng-hộ cộng-sản, nhưng ngài không chống cộng”…Kể ra thì màn này cũng hơi bị hề cô-đơn một chút vì ai chẳng biết phần lớn số người có mặt lúc đó nếu không là linh-mục, tu-sĩ thì cũng là tu xuất và giáo dân cho nên cái nguyên-lý “qui non est mecum contra me est” xưa nay có ai cãi đâu.

Anh Hiên cũng nhắc lại một sự kiện nhỏ mà có thật là hồi đó đức Tổng Bình sang dâng lễ bên Thủ Thiêm, bị làm biên-bản là "đã hành đạo bất hợp pháp". Đức Tổng ký biên-bản. Nhưng một vị giám mục khác là đức cha Trần Thanh Chung ở Kon-tum cũng bị làm biên-bản nhưng ngài đã nói với cán bộ "Cái này các ông làm thì các ông ký đi, tôi không ký....”

Thế là bài bản đã bị trật lề. Chỉ một mình Vũ Sinh Hiên thôi mà cũng là vừa đánh vừa xoa theo kiểu của riêng anh. Cái bảng vàng bia đá định gắn lên mộ-phần Vị ngôn sứ với 4 định hướng mục vụ căn bản: Canh tân – Đối thoại – Hòa giải – Hợp tác… vẫn còn những mặt tồn-tại. Còn việc Ghi nhận những công lao đóng góp của ngài cho Đạo, cho Đờithì xem ra quá cuờng-điệu và rếch việc vì làm sao có thể kể-lể công-trạng của một mục-tử - nếu có - theo cách tách-bạch cho Đạo, cho Đời “ khi mà Chúa Ki-tô đã muốn những việc đó là dấu chỉ của sứ mệnh cứu độ” (quae Christus Dominus suae messianicae missionis signa esse voluit).

Tóm lại, qua hai buổi sinh-hoạt toạ-đàm này, tính áp-đặt quá lộ-liễu đã giúp cho nhiều người phải rà lại những dư-luận xưa nay, theo cả hai mặt phải trái, trắng đen kiểu thấy vậy mà không phải vậy về Đức Tổng-giám-mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình, về những người đang tàn-nhẫn dùng ngài làm bình phong, làm lá chắn cho mưu-sự của họ, cùng một lúc họ đã dùng hồn ma của ngài để nhát Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam.

Có điều Ý Chúa thường khi đi ngược với ý thế-gian. Ngay như câu chuyện trong Tin Mừng thuật lại hoạt cảnh ném đá người đàn bà ngoại tình, Đức Ki-tô có mặt tại hiện-trường và trước cảnh thiên-hạ hung-hăng hò hét thì Ngài im-lặng ngồi vẽ trên đất, rồi khi lên tiếng thì lại hướng thẳng về cái đám đông đang dương-dương tự-đắc kia khiến cho cái kết cuộc bị đổi ngược và điều vui nhất là những người tiu-nghỉu ra về trước tiên lại là một vị cao-niên nhất mà cũng có thể là cao nhất cả quyền hành lẫn chức tước và bằng cấp. Cuộc đời cũng là một sân khấu, nhất là cái sân-khấu chính-trị xưa nay nói chung và của Việt-Nam sau 1975 nói riêng với quá nhiều tuồng tích và hoạt-cảnh xoay quanh đề tài thỏa-hiệp và hợp-tác, song diễn-viên thì may sao lại không đến nỗi quá nhiều. Chẳng những thế, xuất hát kéo dài quá đã làm các vai diễn bị trôi hết phấn son để rồi càng ngày càng lộ ra những diện-mạo loang-lở như những đào kép của một sân khấu khi trời đã vào khuya.