Nếu Triết gia Kim Định là người tiên phong đi tìm gốc rễ Triết Việt, đã nỗ lực xây dựng nền Việt Triết hay Việt Nho để làm nền tảng cho tinh thần dân tộc Việt thì Dũng Lạc Trần Cao Tường là một trong những chiến sĩ nhiệt thành nhất cầm ngọn đuốc trao từ tay Triết gia Kim Định đi gieo rắc cái hồn Việt theo khảo hướng và lí tưởng của riêng ông.
Trong lời kết bài giảng lễ an táng Linh mục Kim Định tại nguyện đường Dòng Đồng Công, Missouri ngày 01.4.1997, Linh mục Trần Cao Tường đã nói: ‘Như trong một cuộc chạy đua tiếp sức, người chạy trước là Thầy Kim Ðịnh đã cố gắng hết sức làm xong một nhiệm vụ trong một quãng đường đời. Bây giờ bó đuốc lửa Việt này được trao lại cho người chạy tiếp. Mỗi người trong những vị thế khác nhau, xin nhận lấy mà làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên đi chứ!’
Dũng Lạc Trần Cao Tường nói thế và ông đã thực hành lời ông nói.
Thật vậy, tuy cả hai vị đều là linh mục Công giáo, nhưng trong hầu như toàn bộ 33 cuốn sách đã xuất bản, Triết gia Kim Định chỉ bàn chuyện Triết Việt, Triết lí an vi; ông không bàn chuyện đạo, không nói chuyện tôn giáo (Công giáo). Đang khi đó Linh mục Dũng Lạc Trần Cao Tường, qua hàng trăm bài viết, tập hợp trong 12 cuốn sách, lại nỗ lực không ngừng Đi Tìm Nét Văn Hóa Việt. Từ đó, với thiên chức linh mục, ông ‘xiển dương’ nét văn hoá ấy vào trong các giảng khóa linh thao, nhằm huấn luyện người giáo dân Việt Nam sống đạo Chúa theo nét văn hoá Việt, theo cách của người Việt, nghĩa là sống Đức Tin trong bản sắc văn hoá Việt, đem đạo Chúa hội nhập vào nền văn hoá Việt (Đạo Sống Dũng Lạc, Về Nguồn Việt Đạo, Đường Nở Hoa Lê Thị Thành, Suối Nguồn Tình Yêu, Đường Đi Tới Nguồn, Nẻo Bước Vươn Cao).
Chuyển sang một ý khác. Linh mục Triều Ân Trần Công Nghị là người tiên phong xử dụng phương tiện điện tử thời đại để làm truyền thông Công giáo qua việc sáng lập ra mạng lưới VietCatholic.net ngay từ năm 1995, nhằm chuyển đạt tin tức Giáo hội hoàn vũ, tin tức Giáo hội Việt Nam, các bài giảng thuyết, trang văn hoá, trang ảnh nghệ thuật, mục tài liệu - sưu khảo… đến từng cá nhân, từng gia đình, từng đoàn thể Công giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước, sinh ra ơn ích rất lớn.
Mười năm sau, năm 2005, nối tiếp Lm.Trần Công Nghị, Lm. Trần Cao Tường sáng lập ra mạng lưới dunglac.org chuyên về văn hoá hơn là tôn giáo (như VietCatholic.net đang làm). Lm Trần Cao Tường viết: ‘Mạng Lưới mang tên thánh Dũng Lạc, vị thánh tiêu biểu các thánh Việt đã được thế giới tuyên dương, tức là trân trọng cả một đạo sống đức tin Công giáo trong tinh thần Việt, trong căn cước và lý lịch Việt, với một đường hướng hội nhập văn hóa, cũng như góp phần thăng tiến văn hóa Việt’.
Chủ trương như thế, mạng lưới Dunglac kêu gọi sự đóng góp bài vở của những nhà cầm bút Công giáo cũng như ngoài Công giáo vì sự nghiệp ‘thăng tiến văn hoá Việt’. Về điểm này, Lm.Trần Cao Tường rất thành công nhờ vào tính tình ông cởi mở và vì ông luôn quý trọng mọi người. Do đó, trên Dunglac.org người ta thấy tên tuổi của bất cứ tác giả nào, dù họ không cùng một quan điểm, dù họ khác chính kiến nhau, miễn là công trình của họ có giá trị văn hoá và có tính xây dựng.
Ngoài ra, Dunglac còn là nơi tàng trữ các tác phẩm văn hoá có giá trị, nhất là các tác phẩm và tư liệu về văn hóa và văn học Công giáo từ khi đạo Chúa mới truyền vào nước ta cho tới nay.
Để nuôi dưỡng mầm non văn hoá, Dunglac mở thêm những trang Văn Thơ Trẻ, như trang Đồng Xanh Thơ, Vườn Ô-liu, Góp nhặt Thơ Văn.
Sau hơn 5 năm hoạt động, Dunglac khởi đi từ những bước non trẻ chập chững, nay đã trở thành một mạng lưới phong phú cả về số lượng lẫn phẩm chất và tiếng dội của nó đã vang vọng rất xa. Số lượt độc giả truy câp càng ngày càng đông.
Một độc giả gửi ra từ trong nước nhận xét như sau: ‘Tôi là một độc giả rất quý trọng trang web dunglac vì mục đích của trang web cũng như số lượng dồi dào các tài liệu đáng tin cậy, có giá trị. Theo tôi biết chính xác, thì hiện nay ở VN nhiều nhà trí thức hàng đầu, không Công giáo, cũng tham khảo trang web này. Đó là vinh dự và trách nhiệm cao của Ban Biên tập dunglac’.
Ông bạn Dũng Lạc Trần Cao Tường qúy mến ơi,
Ngày mai ông ra đi vĩnh viễn về nhà Cha trên trời. Trọn đời ông đã nguyện ‘dâng hồn xác làm của lễ toàn thiêu…làm của lễ tình yêu’. Vậy thì không có lí do gì Cha nhân từ không thương yêu ông.
Nếu như ông còn vấn vương chi chuyện những đứa con tinh thần, những đứa con văn hóa của ông thì xin ông hãy hoan hỉ, bởi vì những gì thuộc về văn hoá thì sẽ trường tồn cùng nền văn hoá, những đứa con văn hoá mang ‘thịt xương Việt’ sẽ trường tồn với giống nòi Việt và những đứa con tinh thần phục vụ Giáo hội Việt Nam sẽ trường tồn cùng với Giáo hội Việt Nam.
Vậy xin ông hãy thanh thản đi về nhà Cha. Trên nước trời, xin ông nhớ đến chúng tôi.
Trần Vinh / Nguyễn Long Thao