Kỷ Niệm Về Linh Mục Trương Bá Cần

Linh mục Trương Bá Cần, hay Trần Bá Cương, nhân vật chủ chốt của Công Giáo Yêu Nước , Công Giáo Đòan Kết, Thanh Lao Công Vười Xòai… đã ra người thiên cổ. Một người khi đã chết là khi người ta có thể nói về người đó một cách đúng nhất, vì cuộc đời đã xác địng, không còn thay đổi được nữa.

Có thể nói, Linh mục Trương Bá Cần là người theo Thần Học Giải Phóng, có công thức :

Thần Học Giải Phóng = Kitô giáo + Mác xít (Cộng Sản)

Đúng hơn là Thần Học Giải Phóng muốn thay thế Kitô Giáo bằng thuyết Mác xít. Bởi vì Thần Học Giải Phóng cho rằng xã hội con người ngày nay còn nhiều bất công , những người vô tội bị đau khổ do cái ác do những chế độ chính trị gây nên. Do đó người giáo dân phải đứng lên, dùng thuyết Mác xít làm khí cụ để lật đổ các chế độ chính trị. Việc ăn năn, cầu nguyện theo Kitô giáo là không đủ hay đã lỗi thời.

Những hàng động hay cách ứng xử với chế độ Cộng sản của Nhóm Công Giáo Yêu Nước là đúng hay sai, báo Công Giáo Và Dân Tộc làm lợi hay làm hại cho Giáo Hội Việt Nam thì phải để cho lịch sử, các thế hệ sau này phê phán. Nhưng Đức Thánh Cha Biển Đức 16, một vị Giáo Hòang chuyên về Đức Tin , đã xếp Thần Học Giải Phóng vào cùng một lọai với thuyết Tương Đối, phái Thời Mới, những lý thuyết làm nguy hại cho Đức Tin chân chính của Giáo Hội Công Giáo. Bởi vậy những người có Đức Tin và Sống Đức Tin thì không thể chấp nhận trường phái này được.

Ở đây chúng tôi không làm việc phê bình hay đánh giá lập trường , hành động của Linh mục Cần. Chúng tôi chỉ nhắc lại một vài kỷ niệm về Linh mục Cần khi ông còn sinh thời mà thôi. Chúng ta còn nhớ, sau biến cố 1963, miền Nam bị Cộn sản tràn ngập. Sinh Viên Công Giáo cũng bị sóng triều xô đẩy mà lớp trẻ hồi đó khó chống lại được. Trường hợp các anh chị Nguyễn Văn Ngọc, Đòan Khắc Xuyên, Phạm Văn Phổ, Nguyễn Thị Phi Nga v.v là những điển hình. Còn một số đông những Sinh viên Công Giáo khác cũng bị các Linh mục Cần, Minh, Từ … lôi cuốn vào vòng xóay thời cuộc. Tôi không theo thuyết Mác xít, nhưng anh Ngọc đã lôi cuốn tôi theo lập trường của anh. Tôi vì nể bạn mà cũng hùa theo. Nhiều lần tôi đã được anh Ngọc mời đến họp tại trụ sở Thanh Lao Công ở đường Lê Văn Duyệt, nơi Linh mục Cần túc trực ở đó, cùng với ông Linh mục Phan Khắc Từ. Trong những buổi họp này thì Linh mục Cần không ra mặt, mà chỉ để cho Nguyễn Văn Ngọc, Đòan Khắc Xuyên, và những sinh viên Công Giáo khác chủ trì, hướng dẫn. Đó là thời kỳ mà tôi làm chủ nhiệm Tuần Báo Dậy, hậu thân của Báo Sống Đạo, hồi cuối năm 1970, đầu năm 1971. Lúc đầu tôi vẫn tưởng tờ Tuần Báo Dậy sẽ có chủ trương như tờ Sống Đạo, nêu ra những khiếm khuyết hay thái quá, những điều cần phải thay đổi trong cách sống Đạo của giáo sĩ, giáo dân đương thời. Nhưng thực sự lại không phải như vậy. Anh Ngyễn Văn Ngọc được ông Nguyễn Đình Đầu, Trần Hữu Quảng, đứng sau cố vấn đã hướng tờ báo đi theo hướng khác , lập trường thiên tả rõ rệt.

Phong Trào Thanh Lao Công đi theo Linh Mục Cần cũng bị trệch hướng. Phong Trào Thanh Lao Công là phong trào của giới lao động, thợ thuyền. Nhưng Linh mục Cần đã lôi cuốn tòan là học sinh , sinh viên Công Giáo, trong đó có một số là các cựu chủng sinh của Tiểu Chủng Viện Phan Xi Cô ở Tăng Nhân Phú, Thủ Đức. Ở đường Trương Minh Giảng còn một trụ sở Thanh Lao Công khác, thuộc giáo xứ Vườn Xòai, mà sau 1975 được chất đầy các quốc, xẻng, liềm… có lẽ là để chuẩn bị cho Thanh Lao Công đi làm ruộng ở đâu đó. Tuần báo Dậy sống được 7 tuần lễ thì tôi từ chức. Từ đó tôi không còn liên lạc với anh Ngọc và Thanh Lao Công Vườn Xòai nữa.

Mãi đến năm 1999 hay 2000, tôi không nhớ rõ, khi đó Linh mục Cần muốn đi châu Âu, sang Pháp, Tây Ban Nha, La Mã để đến các thư viện lớn , làm một số micro films về các tài liệu lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Khi đó tôi đang có phòng mạch Đông y tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, gần cầu Đỏ, cũng được nhiều người tín nhiệm. Trước đó ít lâu, Linh mục Cần cũng có mua một căn nhà ở bên khu vực đối diện với phòng mạch của tôi.Khu xóm này hầu hết là cán bộ, bộ đội, Bắc kỳ 75. Thời gian ông ở đây chỉ như một người bình thường, không ai biết ông là Linh mục. Ông đã đến nhờ tôi coi mạch và cố vấn cho ông về việc có nên đi Âu châu hay không, vì các bác sĩ tây y khuyên ông là không nên đi, vì ông bị bệnh về tim mạch, nhất là bệnh về động mạch vành của tim, dễ sinh biến chứng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Linh mục Cần đến gặp tôi nhưng không biết tôi là bạn của Nguyễn Văn Ngọc , trước 1975 thường đến nơi mà sau này là trụ sở báo Công Giáo Và Dân Tộc, có gặp ông một số lần. Khi gặp ông tôi cũng không nhắc lại chuyện cũ. Sau khi coi mạch, tôi khuyên ông là cứ yên tâm mà đi, bệnh tình của ông chưa có gì nguy hiểm như các bác sĩ tây y kết luận. Ông đã tin lời tôi, và sau đó ông đã lên đường đi Âu Châu. Kết quả là ông đã chụp được nhiều micro films tài liệu lịch sử rất quý, và sau mấy tháng đã về nhà bình yên. Và ông còn sống thêm được 9 hay 10 năm nữa.

Tóm lại, Linh mục Trương Bá Cần mặc dù không lôi cuốn được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vào con đượng tự trị , tách rời Tòa Thánh Vatican theo kiểu Trung Cộng, nhưng có lẽ cuộc đời ông đã hòan tòan tin vào Thần Học Giải Phóng , chức Linh mục của ông chỉ còn là một dấu vết mờ nhạt. Không hiểu đến giây phút cuối đời, khi Đức Ông Xuân Ly Băng đến ban phép hòa giải sau cùng, ông có thực lòng thống hối hay không ? Điều đó chỉ có Thiên Chúa biết.

Seattle, 18-8-2009.

Đinh Đông Phương.