Mấy ngày nay, bỗng dưng đất nước Chi lê, ở bên kia bán cầu trở nên nổi tiếng, nổi tiếng không vì một tai nạn hầm mỏ vốn chẳng hiếm hoi gì đối với nền công nghiệp khai thác khoáng sản của bất cứ quốc gia nào; nổi tiếng cũng không phải vì nỗi tuyệt vọng khôn cùng của những người thợ mỏ nằm sâu trong lòng núi ( sâu bằng 15 lần chiều cao tháp nhà thờ Tuy hòa) khi đường dẫn vào hầm bị sập, bít kín lối thoát; nhưng nổi tiếng vì họ được cứu sống sau 17ngày đầu tiên bặt vô âm tín và 52 ngày hy vọng khôn nguôi (69 ngày nằm sâu trong hố thẳm).
Một kỷ lục mà chưa lần nào và cũng không ai muốn vượt qua, kỷ lục của sức chịu đựng, kỷ lục của một cuộc cứu thoát chưa từng có. Những giọt nước mắt vui mừng, những cái ôm thật chặt của bạn bè, của người thân, của những người hữu trách như không muốn để họ đi xa lần nữa, như để bù đắp những ngày thiếu vắng đã qua…33 người thợ mỏ Chi lê quá sức xứng đáng để nhận tất cả lòng yêu mến của mọi người ở nhiều nơi trên thế giới.
Đến lúc người ta đi tìm lý do thành công cho một cuộc rượt đuổi đi tìm sự sống 33 con người bị giam chặt khủng khiếp này.
Thành công xuất sắc này nhờ vào sự đóng góp của nhiều yếu tố như lòng quyết tâm, tinh thần kỷ luật, đoàn kết; sự hổ trợ kịp thời của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức như giàn khoan tối tân đến từ Mỹ, người thợ khoan lành nghề đang làm việc tại Afghanistan, chiếc lồng cứu hộ Phoenix của Chilê có sự góp mặt của các chuyên viên Nasa, sợi dây cáp của Đức, hệ thống liên lạc viễn thông của Nhật cho đến những hổ trợ nhỏ nhất của các chuyên gia tâm lý, các y bác sĩ hay chiếc gương đeo mắt của nhà chế tạo Oakley nhằm giúp các thợ mỏ thích ứng với ánh sáng sau thời gian dài không nhìn thấy mặt trời và nhất là tấm lòng của những người cứu hộ……
Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận tài năng của con người cùng với sự may mắn hiếm hoi trong biến cố vừa xảy ra này; nhưng chúng ta cũng không thể loại trừ một sức mạnh lớn hơn cho những người thợ mỏ, cho nhân dân Chilê, cho những ai quan tâm đến sự kiện nổi bật này, chính là sức mạnh của LỜI CẦU NGUYỆN.
Theo như được kể lại, đầu tiên họ bầu một thủ lãnh và việc cụ thể tiếp đến chính là lập một góc CẦU NGUYỆN dùng làm điểm tựa tinh thần, việc này giao cho người thợ mỏ già nhất Mario Gomez, 63 tuổi; có lẽ tuổi tác là bảo chứng giá trị sức mạnh của lời cầu nguyện cho các người trẻ hơn; có lẽ Mario Gomez muốn nói với mọi người rằng, trong giờ phút tuyệt vọng nhất, lời cầu nguyện đem đến cho ông nhiều hy vọng nhất và với tuổi tác ông đã cảm nghiệm giá trị của lời cầu nguyện sâu xa biết chừng nào ! Người thợ mỏ Jose Henriquez (56t) tập họp một nhóm cầu nguyện vài lần trong ngày. Trong lúc đối diện với cái chết đến dần, lời cầu nguyện trở nên niềm an ủi và bình an. Tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ của cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận trong tác phẩm “Năm chiếc bánh và hai con cá”, khi không còn sức lúc bị giam tù ngài đã cầu nguyện với Chúa cách đơn giản rằng: “Giêsu, có con đây”, và ngài cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời: “Thuận ơi, có Giê su đây”… Tôi biết rằng các thợ mỏ kia chắc cũng đã nhiều lần nói với Chúa như thế. Họ đã XIN VÂNG như Đức Mẹ qua "Kinh Kính mừng", họ đã: "cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử"; họ đã nói với Chúa để xin ngài: “Cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ” trong kinh Lạy Cha…; và cứ thế, họ sống trong an bình và hy vọng.
Mười bảy ngày sau, với họ, phép lạ đã xảy ra: “nhận được thông tin từ mặt đất”, niềm vui và hy vọng lớn dần, họ nhận được từ đây nhiều hổ trợ cần thiết cho nhu cầu bản thân và một hỗ trợ không thể thiếu: cuốn Kinh Thánh.( Báo Mới.com); nếu 17 ngày qua (5/8 đến 22/8), họ nói với Chúa thì lúc này họ nghe Chúa nói với họ, chắc có người trong họ nghe Chúa nói qua Tin Mừng Luca 18,1-8: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí…Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ…”; và đúng như vậy, ngày 13 tháng 10 năm 2010, Mario Gomez đã quỳ ngay khi vừa ra khỏi chiếc lồng Phoenix trên mặt đất, ông cúi đầu trước sự chứng kiến của Tổng thống Chile: Sebastien Pinera, các phóng viên, các nhân viên cứu hộ và gia đình – Chắc chắn là một lời tạ ơn. Tạ ơn chính phủ, tạ ơn mọi người nhưng trước nhất: TẠ ƠN CHÚA vì CHÚA RẤT TUYỆT.
Nhờ đâu họ có được tâm tình, cách ứng xử can trường, tha thiết với nhau như thế ? Có lẽ câu nói của ông Lưu Hiểu Ba, người vừa đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010 và cũng là người vừa trở thành Kitô hữu đủ tư cách trả lời: “Đức tin Ki tô giáo là nền tảng các giá trị tuyệt đối của con người…”.
Vâng. Chính niềm tin, lòng trông cậy và tình bác ái đã giải cứu những người thợ mỏ Chilê. Và như thế, không một chút nghi ngờ, chúng ta có thể xác tín: Niềm Tin sẽ nâng thế giới lên.
Vâng, 33 người thợ mỏ Chi lê luôn thấy Đức Ki tô đồng hành, luôn được nghe những lời khích lệ vì họ là một của 80% đồ đệ của Đức Ki tô trong toàn dân số Chi lê.
CHILE đâu chỉ có nhà thơ Naruda, đâu chỉ có Salvador Allende Gossens, đâu chỉ có Pinochet mà còn có những thợ mỏ âm thầm chia cho nhau chút hy vọng, chút hạnh phúc nhỏ nhoi, mà nhờ đó con người tin tưởng nhiều hơn về Tình Yêu đồng loại, hiểu được sức mạnh của lòng tin như anh Mario Sepulveda, người thứ hai được đưa lên mặt đất, trong nhật ký video của anh được phát trên toàn thế giới, anh nói: “…Tôi đã đến được với Chúa Trời…”. Người dân CHILE nhớ mãi biến cố này, thế giới còn nhắc đến cuộc giải cứu này và chúng ta cũng sẽ nhắc nhau lời cảnh báo của Đức Kitô trong Chúa nhật 29 thường niên năm 2010 là: “Khi CON NGƯỜI ngự đến, liệu NGƯỜI còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”. (Luca 18/8).
Chúng ta có thể khiêm nhượng thân thưa cùng Chúa: “Chúng con hy vọng là CÒN.”
Trần Tuy Hòa