Dốc Tử Thần

"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ..." (Mc 13,35-36)

Thú thật khi nghe đoạn Tin Mừng này vào chúa nhật đầu Mùa Vọng, tôi chẳng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với mình, với các bạn trong Đội Quân Áo Xanh. Đơn giản một điều là chúng tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khoẻ, còn hoạt động tốt, chắc còn lâu mới đến phiên mình ! Chỉ khi chúng tôi leo lên con "dốc tử thần" cận kề cái chết trong chuyến công tác bác ái ở Bù Gia Rái-Cát Tiên ngày 28-11-2010, lúc đó tôi mới nghiệm được Lời Chúa nói thật đúng "phải tỉnh thức, vì không biết ngày nào giờ nào"!

Đây là chuyến công tác thứ 30 của Đội Quân Áo Xanh của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa xứ Chí Hòa với hơn 1000 phần quà lên miền cao nguyên gió lạnh trong "chuyến xe định mệnh".

Ngoằn Ngoèo Đường lên Cát Tiên-Dateh

Sau lời kinh dâng Mẹ, đúng 10 giờ đêm 27-12-2010, những Cánh Chim Xanh lao về phía trước, bỏ lại sau lưng những tòa nhà chọc trời với ánh đèn xanh đỏ và những tiếng nhạc xập xình của thành phố đêm cuối tuần. Đoàn xe gồm 150 Chim Xanh, cõng theo mình đến 10 tấn gạo, 500 thùng mì, 2 tấn muối, và cả trăm bao quần áo, trực chỉ về hướng Đông Bắc, lên tận miền cao nguyên Madaguoi – DaTeh – Cát Tiên – Lâm Đồng với những địa danh ngộ nghĩnh như dốc Mạ Ơi, dốc Khỉ, dốc Mây ngoằn ngoèo, khúc khuỷu... Trong mọi chuyến công tác bác ái, không chuyến nào là dễ dàng, thoải mái, vì phải lặn lội đến những vùng sâu vùng xa, đèo heo hút gió. Lần nào cũng đi trong đêm, ngủ vật vã trên xe, đến nơi thì trời mờ sáng, sau một ngày phục vụ cật lực lại ra về ban đêm, về đến thành phố lúc trời cũng ...mờ sáng. Gian khổ, khó khăn, nguy hiểm trong 29 chuyến công tác trước đã nhiều, nhưng không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chuyến "bay đêm" thứ 30 này đưa chúng tôi đến... ngưỡng cửa tử thần cận kề cái chết chỉ trong gang tấc.

Trong những chuyến công tác lên cao nguyên, đến chân đèo Bảo Lộc, bao giờ chim đầu đàn cũng cho chúng tôi dừng lại viếng Đức Mẹ để xin Mẹ chúc lành cho những người chúng tôi sẽ phục vụ, những nơi chúng tôi sẽ đến, và những công việc chúng tôi sẽ làm. Xin Mẹ đồng hành với chúng tôi trong hành trình gian nan hiểm trở. Có Mẹ chúng tôi vững dạ an tâm.

Từ Madaguoi, đường vào Cát Tiên bắt đầu xấu đi nhiều lắm. Hết ổ gà đến ổ voi. Đoàn xe phải bò từ từ, nghiêng ngả, lắc lư, chẳng ai có thể nhắm mắt ngủ được. Nhìn ra ngoài bầu trời âm u tịch mịch, không một bóng người, cây cối hai bên um tùm vi vu tiếng gió đêm.

Giáo xứ Cát Tiên, thuộc vùng kinh tế mới, cách ngã ba Madaguoi 43 cây số, giáp giới hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, khi xưa chỉ có người dân tộc Châu Mạ sinh sống. Vùng này gồm thị trấn Đồng Nai và 10 xã. Cát Tiên là giáo xứ xa xôi nhất trong giáo phận Đà Lạt nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên, phía nam của tỉnh Lâm Đồng. Giáo xứ được hình thành vào năm 1991, gồm những giáo dân nghèo tha phương cầu thực, trôi giạt đến vùng kinh tế mới này khẩn hoang lập nghiệp, phương tiện giao thông khó khăn, đời sống của bà con còn rất nhiều thiếu thốn, khổ cực vất vả, nhiều gia đình đói ăn đã phải đi tìm nơi khác sinh sống.

Không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi vội vã chuyển hàng xuống. Công việc vừa xong, chuông nhà thờ điểm 5 giờ sáng. Thánh lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng được linh mục lãng tử cử hành thật sâu đậm, sống động. Bà con từ các nưỡng rẫy xa xôi kéo đến tham dự thánh lễ rất đông. Món quà không bao giờ thiếu trong những chuyến công tác loan truyền Lòng Thương Xót Chúa là tràng chuỗi Mân Côi và tấm hình Lòng Thương Xót.

Thánh lễ vừa tan, theo sự hướng dẫn của Chim Đầu Đàn, những Cánh Chim Xanh ai vào việc nấy, nhịp nhàng chuẩn bị quà để trao cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Kinh nghiệm dày dạn của 30 chuyến công tác giúp chúng tôi hoàn thành công việc chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Hơn 650 phần quà đã được trao tận tay bà con. Mỗi phần có gạo, mì, muối, quần áo, và một trái bóng to thật đẹp. Chỉ tội nghiệp cho nhóm y bác sĩ. Bao giờ cũng bị quá tải. Thầy thuốc thì ít mà bệnh nhân thì nhiều. Nhóm bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ, không kịp ăn sáng, đôi khi nhịn cả buổi trưa. Làm sao đành lòng để bệnh nhân đi hàng chục cây số đến đây rồi về tay không ? Bao nhiêu năm mới có đoàn bác sĩ từ thành phố xuống khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nên bà con ai cũng tranh thủ đi khám bệnh. Mà thực ra ai chẳng mang mầm bệnh trong người, hễ khám là...thấy bệnh!

Hiểm Nguy "Dốc Tử Thần" Bù Gia Rá

Khi phần quà cuối được trao và bệnh nhân cuối cùng được phát thuốc, chúng tôi vội vàng lót dạ bằng gói mì ly để kịp đến Đồng Nai Thượng-Bù Gia Rá trên con đường vô vàn khó khăn hiểm trở. Có một vài bạn lưỡng lự không dám dấn thân lên đường. Chim Đầu Đàn khích lệ mọi người dù gian nan hay nguy hiểm thế nào cũng không bỏ cuộc. Tất cả cùng sát cánh bên nhau như là những chiến binh của Lòng Thương Xót Chúa, dũng cảm ra đi đem tình yêu Chúa đến cho những anh chị em vùng sâu vùng xa chịu nhiều thiệt thòi. Họ chính là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa xót thương, làm sao chúng tôi bỏ cuộc được. Đã bao phen Chúa cứu chúng tôi khỏi lạc đường, chìm xuồng, đắm đò, sập cầu, sa hố trong những chuyến công tác trước rồi. Lần này sao chúng tôi lại run chân, yếu tin? Tin tưởng phó thác vào lòng Chúa xót thương, chúng tôi mạnh dạn leo lên "chuyến se định mệnh" vượt con "dốc tử thần"!

Đây quả là con "dốc tử thần" vì không có phương tiện nào có thể đưa hàng trăm người và bao nhiêu tấn hàng hóa đi qua được ngoại trừ xe "ben". Chim đầu đàn ra lệnh để 3 chiếc xe bus và 6 chiếc xe tải ở lại. Tất cả người và hàng hóa chất chồng lên 4 chiếc xe ‘ben" chuyên chở đất đá. Đường lên thôn Bù Gia Rá phải băng qua nhiều đồi núi và thung lũng rất khó đi, nếu không muốn nói là "trần ai khoai củ". Mỏm đồi này nối tiếp mỏm đồi khác nhiều như bát úp. Xe máy muốn chạy được ở vùng này đều phải độ lại nhông, sên, đĩa và nhiều thứ khác mới mong "thọ" được. Đường mới ủi, toàn đất đỏ, không có đá sỏi, cho nên nắng thì bụi mà mưa thì lầy. Mùa mưa, đường xình lầy trơn trợt, phải dùng dây xích quấn vào bánh xe, tạo độ bám sâu mới có thể di chuyển được.

Để vượt qua "con đường đau khổ - nắng bụi mưa lầy" dài hơn 32 cây số, cả đoàn chúng tôi "nín thở" vượt qua dốc Mây, dốc Tử Thần, những khúc cua cùi chỏ gắt ghê rợn, xe nhồi lên nhồi xuống, lắc lư làm chúng tôi ngã té dồn cục. Có lúc tưởng chừng như cả xe và người bổ nhào xuống vực thẳm. Nhiều bạn nhắm chặt mắt lại không dám nhìn con đường đang băng qua mà tài xế chỉ sơ sẩy một chút là cả đoàn xe lao xuống vực thẳm hay đâm vào vách núi. Bụi đỏ mịt mù. Quần áo mặt mũi ai cũng lem luốc. Mồ hôi nhễ nhãi. Tóc tai nhuỗm thắm đất đỏ. Thế nhưng chúng tôi không chùn bước. Dù khó khăn cách mấy cũng phải đến điểm hẹn cho kịp vì biết bao người đang ngóng chờ chúng tôi.

Sau 3 tiếng đồng hồ leo "dốc tử thần" hồn vía ai cũng lên mây. Ghé vào một quán ven đường dùng bữa cơm trưa trộn lẫn với bụi mờ mịt, tay chân lem luốc, áo quần nhuộm một mầu đỏ của đất bụi cao nguyên. Dằn bụng xong chúng tôi đi bộ xuống ngôi nhà nguyện nằm dưới thung lũng. Xa xa, trên con đường đất đỏ quanh co bụi mù, những người đàn ông đèo cả nhà trên xe thồ, những người mẹ trẻ địu con trên lưng. Người già, trẻ con cùng nhau tíu tít hướng về nhà thờ. Những người dân tộc theo đạo công giáo định cư trên này từ lâu lắm rồi. Không có nhà thờ. Không có linh mục tu sĩ chăm sóc đời sống tâm linh. Thế nhưng niềm tin của họ vẫn được nuôi dưỡng bằng những buổi họp nhau đọc kinh lần hạt liên gia do chính họ tự tổ chức lấy. Cha mẹ truyền khẩu lại cho con cái những câu kinh những bài hát thuộc lòng. Niềm tin "cha truyền con nối" cứ như thế cho đến khi cha xứ Cát Tiên được phép về đây dâng thánh lễ. Họ tham dự thánh lễ ngoài trời cạnh bìa rừng. Thế rồi chỉ trong một tuần lễ họ kéo cây rừng về dựng lên một ngôi nhà nguyện đơn sơ nhỏ bé với mái tôn cũ, nền đất và bốn chung quanh trống hỗng chỉ có vài cây cọc chống đỡ. Nhà thờ nhỏ hẹp mà người dự lễ lại đông, đứng chen chúc tràn ra ngoài sân, dưới bóng mát vườn điều. Đúng 3 giờ chiều, thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên giữa bạt ngàn núi rừng. Những gương mặt chai sạn nắng gió hồn nhiên thành kính đón nhận chuỗi Mân Côi và hình Lòng Thương Xót Chúa với niềm tin đơn sơ chân chất.

Sau thánh lễ, mây đen bắt đầu kéo đến, trời lất phất mưa. Chim đầu đàn thoáng lo âu hối các bạn Áo Xanh nhanh chóng trao 350 phần quà tận tay bà con để họ về kẻo trời sắp đổ cơn mưa. Đặc biệt ở đây mỗi em thiếu nhi được phát một trái bóng to đẹp mầu sắc rực rỡ mà có lẽ từ bé đến giờ các em chưa thấy bao giờ. Nhìn những ánh mắt trong veo của trẻ thơ miền núi dán chặt vào trái bóng tung tăng nhảy nhót thấy thương làm sao. Thấy bà con tay xách nách mang quà nặng trĩu ra về trong vui mừng, hớn hở, những mệt nhọc sau một đêm không ngủ và cả ngày vất vả của chúng tôi tan biến mất. Các bác sĩ phải dốc sức làm việc hết năng xuất để khám bệnh và phát thuốc cho đến người cuối cùng, không bỏ lỡ một bẹnh nhân nào.

Đến Ngưỡng Cửa Tử Thần

Khi người cuối cùng được khám bệnh phát thuốc xong, lúc chúng tôi hối hả thu dọn ra về cũng là lúc cơn mưa ập đến. Nét băn khoăn ưu tư hiện rõ trên khuôn mặt của chim đầu đàn. Tiến thoái lưỡng nan. Ở lại qua đêm giữa núi rừng bạt ngàn này biết tìm đâu chỗ trú cho 150 người. Nguy hiểm luôn rình rập. Hơn nữa ai cũng mong về cho kịp sáng thứ hai người thì đi làm kẻ thì đi học. Về trễ gia đình lại mong ngóng lo âu. Đàng khác, anh tài xế xe "ben" cho biết không thể xuống được vì trời mưa, đường đất đỏ rất trơn trượt, rất dễ lạc tay lái, xe xuống dốc dễ mất đà lật ngang hoặc lao vào vách núi. Dân địa phương cũng cho biết xưa nay rất ít xe nào dám xuống núi khi trời mưa. Nguy hiểm vô cùng. Tất cả mọi người lo âu nhìn chim đầu đàn chờ quyết định cuối cùng. Ngước mắt lên trời khẩn cầu lòng Chúa xót thương, nén tiếng thở dài, chim đầu đàn run run đưa tay lên chúc lành cho chuyến xe đầu tiên xuống núi. Không còn cách nào khác. Chiếc xe ben đưa 70 bạn trẻ lầm lũi lăn bánh trong mưa rừng mờ mịt, chỉ biết tin tưởng phó thác cho Chúa. Hơn 3 tiếng đồng hồ, từ khi xe lăn bánh cho đến khi đến nơi, trên xe luôn vang lên lời kinh tiếng hát. 70 bạn trẻ xiết chặt tay nhau, truyền niềm tin, hy vọng và sức mạnh cho nhau. Có những người cho biết chưa bao giờ đọc kinh sốt sắng như vậy vì thấy cận kề với cái chết rồi. Bạn khác cho biết chỉ mong về được đến nhà hôn đứa con thơ rồi có phải ra đi cũng an tâm nhắm mắt!

Nét lo âu càng hằn sâu trên gương mặt chim đầu đàn khi cho chiếc xe thứ hai lăn bánh. Trời bắt đầu tối xầm lại, mưa càng nặng hạt có nghĩa là đường về càng nguy hiểm. Các bạn trên chiếc xe này chỉ đọc được 3 kinh, hát bài "con vẫn trông cậy Chúa" rồi im bặt. Sự sợ hãi nặng chĩu đến mức không thể cất nổi lời kinh, chỉ biết phó thác. Thinh lặng và hãi sợ khủng khiếp mỗi lần chiếc xe bò lên con dốc rồi trơn trượt không lăn bánh nổi nữa, hoặc khi xuống dốc cũng trôi lướt đi theo lớp đất đỏ nhão nhoét.

Chiếc xe thứ ba đưa tất cả hàng hoá còn lại với 37 người cuối cùng nặng nề ì ạch lăn bánh lúc trời đã tối mịt. Xe chở nặng, đường trơn. Bốn lần leo lên được nửa con dốc thì không lên nổi nữa, xe trơn tuột xuống tự do làm những người ngồi trên đó chỉ biết nhắm mắt...chờ chết! Đành phải xuống xe cuốc bộ lên dốc. Đến con "dốc tử thần", như có linh tính mách bảo, bác tài yêu cầu mọi người xuống xe đi bộ qua con dốc. Khi xe xuống lưng chừng dốc thì gặp chiếc xe ủi đất chết máy nằm giữa đường. Tài xế phải lách sang một bên để tránh. Thế là... "ầm"! Xe lao vào vách núi nằm một đống. Tạ ơn Chúa. Nếu không xuống xe đi bộ thì số phận 37 người trên xe sẽ ra sao? Cũng từ đó 37 người phải cuốc bộ. Bụng thì đói. Miệng thì khát. Người thì lạnh vì quần áo ướt sũng. Chân tay mỏi nhừ. Dép guốc đứt hết vì dính đất nặng chĩu. Trời tối đen như mực. Không một ánh đèn. Không một bóng nhà. Điện thoại bị mất sóng không liên lạc được. Chỉ có tiếng mưa rơi và gió rừng lồng lộng. Thêm nỗi sợ hãi lạc lõng giữa rừng cấm thú dữ rình chờ. Hoàn toàn thất vọng nhưng mọi người bảo nhau không thể dừng lại được. Nếu muốn sống sót thì phải tiến lên. Cả nhóm dắt díu nhau vừa đi vừa hát thánh ca để giữ vững niềm hy vọng. Đã có những tiếng khóc. Đường phía trước còn mịt mù xa tắp. Chỉ có niềm tin dẫn đường và tình đồng đội hỗ trợ nhau, tiếp cho nhau sức mạnh để lết từng bước từng bước chờ xe về trước lên tiếp cứu.

Xe thứ hai khi biết tin xe cuối bị nạn, tất cả các bạn đã dừng lại giữa đường xuống đi bộ để cho xe không chạy ngược lên đón nhóm bị nạn. Xe đầu tiên đã về đến nhà xứ an toàn lại quay ngược lên đón nhóm thứ hai. Cứ như thế cả đoàn vượt qua con dốc tử thần trong niềm tin yêu phó thác vào lòng thương xót của Chúa và sự phù trì của Mẹ Maria.

Chim đầu đàn ra ôm từng người trong niềm xúc động trào dâng vì tưởng không còn cơ hội để gặp mặt nhau nữa trong cái "đêm định mệnh" ấy. Những Cánh Chim Xanh đã về đến bến an lành. Không con chim nào bị gãy cánh giữa đường, mặc dù con chim nào cũng tả tơi bầm dập vì mệt lạnh đói khát. Mọi người quây quần bên mâm cơm tối mừng mừng tủi tủi rớm nước mắt. Bây giờ mới hoàn hồn. Bây giờ mới biết chắc mình còn sống. Bây giờ mới thấy thương nhau quý mến nhau nhiều hơn. Trong cơn hoạn nạn vẫn sống chết có nhau không bỏ rơi nhau.

Như những người sống sót trở về, bây giờ chúng tôi mới thấy trân quý món quà sự sống mà Thiên Chúa trao ban. Ấy vậy mà đôi khi tôi lại coi thường món quà ấy. Chúa nói: "Ta đến để chiên ta được sống và sống dồi dào" Đôi khi tôi sống mà như đã chết vì để cho những đam mê bất chính chiếm ngự, vì sống ích kỷ chỉ biết có mình và những gì có lợi cho mình. Sự sống Thiên Chúa trao ban đã bị bóp ngẹt bởi danh lợi thú mà lúc sống tôi tìm mọi cách để chiếm giữ cho bằng được, nhưng khi chết tôi chẳng mang theo được những thứ đó. Trải nghiệm vụ "chết hụt" ở "dốc tử thần" đã cho tôi thấm thía Lời Chúa dạy là phải "luôn tỉnh thức và sẵn sàng", nhất là biết tôn trọng sự sống của mình và của anh em, biết cách sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa bằng việc dấn thân yêu thương phục vụ để làm cho chính mình và anh em có được "sự sống dồi dào".

Chiều Dốc Mây-Cát Tiên

Đại Ngàn