Phỏng vấn ông Alessandro Calvani, nguyên Giám đốc văn phòng Liên Hiệp Quốc chống nạn tội phạm quốc tế về nạn buôn bán người
Hồi tháng 5 năm 2010, đã có mấy trăm người dân Eritrea trốn khỏi nước để sang Italia. Họ đã bị các tầu của Libia chặn lại ở ngoài khơi đảo Lampedusa, miền nam Italia, bị đuổi trở về Libia và bị nhốt trong các trại tập trung Al Braq, nam Libia, giữa sa mạc Sahara.
Tháng 11 năm 2010 họ được trả tự do. Gần phân nửa đã cùng với hàng chục người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tất cả là 250 người, tìm cách trốn qua sa mạc Sahara với mục đích vượt Ai Cập để tới nước Israel. Nhưng cả đoàn bị một nhóm buôn người bắt cóc và giam giữ tại thành phố Rafah, ở mạn bắc bán đảo Sinai.
Trong các ngày 25 tới 30 tháng 11 nhóm bắt cóc đòi phải trả tiền chuộc mỗi người 8.000 mỹ kim. Vì họ không trả được tiền chuộc nên đã có 6 con tin bị giết trong hai đợt, 4 người khác bị đem tới một trạm xá để lấy một trái thận thế tiền chuộc.
Vào tháng 12 giới chức ngoại giao quốc tế băt đầu can thiệp. Chính quyền Italia gây áp lực với chính quyền Ai Cập để xin họ can thiệp. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi tổ chức bắt cóc trả tự do cho họ. Ngày mùng 10 tháng 12 một phần của nhóm bị bắt cóc - khoảng 100 người - được tách rời ra và chuyển tới một nơi vô danh. Ngày 13 tháng 12 hai Phó tế chính thống bị sát hại ngay trước mặt mọi người. Ngày 16 tháng 12 Quốc Hội Âu châu thông qua một nghị quyết, do Đảng Nhân Dân Âu châu đưa ra, yêu cầu trả tự do tức khắc cho các con tin. Ngày 20 tháng 12 đã có 20 người được trả tự do sau khi trả tiền chuộc. Ngày 27 tháng 12 cảnh sát Ai Cập lần đầu tiên thú nhận có sự hiện diện của các con tin trong bán đảo Sinai.
Ngày mùng 5-1-2011 có thêm 40 người khác được trả tự do, sau khi trả tiền chuộc. Trong khi không ai biết số phận của nhóm 100 người đã bị đưa đi nơi khác ra sao. Trong thời gian này cảnh sát Ai Cập đã lục soát bán đảo Sinai để tìm bọn buôn người. Trong khi đó có thêm một nhóm 38 người Eritrea khác báo động cho biết họ đã là con tin của một nhóm buôn người khác tại El Gorah, nằm về mạn đông bắc giáp giới Israel và dải Gaza. Ngày 20-1-2011 trong nhóm con tin ở Rafah còn lại 27 người Eritrea trong đó có 4 phụ nữ, một người có thai được 5 tháng. Vì bị đối xử tàn tệ nên người mẹ này đã sẩy thai, nhưng cũng không được săn sóc gì.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc hiện nay có 12 triệu công nhân nô lệ. Mỗi năm có từ 700 tới 900 ngàn người trở thành nạn nhân của các tổ chức quốc tế buôn người. Hiện nay có 2,5 triệu người là nạn nhân của các tổ chức này, trong đó có 20% là trẻ em vị thành niên và gần 80% là nữ giới. 79% các phụ nữ này trở thành nạn nhân của kỹ nghệ tình dục.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Alessandro Calvani, nguyên Giám đốc văn phòng Liên Hiệp Quốc chống nạn tội phạm quốc tế, về nạn buôn bán người. Ông Calvani hiện sống tại Bangkok thủ đô Thái Lan và điều hành Trung tâm phát triển Á châu.
Hỏi: Thưa ông Calvani, việc buôn bán nô lệ trên thế giới hiên nay có tầm rộng lớn nào, và trong các năm tới sẽ ra sao?
Đáp: Chúng tôi không có các con số đầy đủ chính xác. Nhưng chúng tôi biết hàng năm có khoảng 70.000 nạn nhân của việc buôn bán người từ Đông Âu và Nga sang Tây Âu, và số tiền các tổ chức buôn người kiếm được là gần 3 tỷ Euros mỗi năm. Số tiền các tổ chức buôn người trên thế giới kiếm được hằng năm vào khoảng 32 tỷ mỹ kim, trong đó có 9,7 tỷ thuộc thị trường Á châu, là nơi mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bị bán. Chỉ tại Mehicô không thôi các sinh hoạt buôn bán người hàng năm khiến cho các tổ chức này thu vào từ 15 tới 20 tỷ mỹ kim. Nếu không có gì thay đổi, số tiền này sẽ còn gia tăng ngang hàng với các sinh hoạt buôn bán hợp pháp.
Hỏi: Thưa ông, đâu là các đặc thái của nạn buôn người tại Á châu?
Đáp: Con số những người có thể trở thành nạn nhân gia tăng khắp nơi vì cấu trúc xã hội và nhất là cấu trúc gia đình bị hư hoại nghiêm trọng do tình hình xung khắc và tuyệt vọng kinh tế gây ra. Chính quyền Thái Lan tiếp tục dấn thân giảm hiện tượng các nạn nhân trong vùng sông Mê kông. Nhưng tại Myanmar cảnh sống bần cùng kéo dài kinh niên, đặc biệt giữa các nhóm dân thiểu số, và có 40% tổng số dân phải sống trong cảnh bần cùng. Đôi khi chính các gia đình bán con gái của họ cho các tay buôn người để có gạo ăn trong vòng ba tháng tới. Bên Campuchia nạn nghèo đói có giảm bớt, nhưng sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo lại gia tăng. Lào vẫn là một trong các nước nghèo nhất trong vùng. Và nạn buôn bán người trong vùng Đông Nam Á châu gia tăng mạnh hơn các vùng khác.
Hỏi: Thưa ông, việc buôn bán người được tổ chức như thế nào? Nó có phải là một mạng lưới duy nhất hay không?
Đáp: Không có một cấu trúc kim tự tháp như trong các tổ chức tội phạm mafia. Tuy nhiên, có một mạng lưới cộng tác, móc nối mạnh mẽ và rộng rãi phối hợp một cách rất hữu hiệu cung cầu, các hệ thống tài chánh, tình trạng không bị trừng phạt, gian tham hối lộ để loại bỏ mọi hình thức kháng cự. Mỗi một móc trong xích buôn bán người chỉ biết tới móc xích phía trước và móc xích phía sau mình, và săn sóc tương quan với hai móc xích gần gũi nhất này mà thôi. Kiểu sinh hoạt này cũng giảm sự đụng chạm tới mức tối thiểu, để không bị điều tra và bị đàn áp.
Hỏi: Trong vụ bắt cóc nhóm người Eritrea trong bán đảo Sinai, người ta nghi ngờ là có bàn tay của tổ chức Hamas và của lực lượng Al Qaeda. Tiền đến từ việc buôn bán người này có được dùng để tài trợ cho các hoạt động khủng bố phá hoại không thưa ông?
Đáp: Các số tiền bắt nguồn từ các hoạt động tội phạm quốc tế này là một loại chợ chứng khoán quốc tế của các vụ cướp bóc. Tư bản được hướng tới nơi nào sinh lời nhiều nhất, nơi các cổ phần gia tăng nhanh và ít gặp nguy hiểm nhất. Đương nhiên là các phối hợp lợi nhuận này được tìm kiếm tại khằp nơi có thể. Nếu một tay buôn người trả tiền để bảo đảm cho một xe chở người đi qua biên giới hay cho một chiếc tầu đánh cá ra vào một hải cảng mà không có ai kiểm soát, thì tại sao lại không lợi dụng tối đa cơ may đó để chuyển vận thêm cả khí giới hay tiền bạc nữa, ngoài các nạn nhân ra?
Trong 30 năm đứng hàng đầu chứng kiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất và các xung khắc đẫm máu nhất tôi đã chưa từng thấy có nơi nào mà tư bản hợp pháp, các xung đột và tội phạm lại không cộng tác với nhau.
Phong trào khủng bố phá hoại cần có khí giới, tiền bạc và nhân lực. Các tổ chức tội phạm có thể cung cấp tiền bạc, và khí giới để đổi lấy sự bao che cho các sinh hoạt buôn bán của họ, kể cả việc buôn bán các rác rưởi nhiễm độc và các tài sản trong rừng già. Nguồn nhân lực thì được cung cấp ở nơi đâu không có đối thoại trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và các tình trạng thất bại, và ở những nơi nền kinh tế bất hợp pháp hoạt động tốt hơn nền kinh tế hợp pháp.
Hỏi: Thưa ông, sự cộng tác giữa cảnh sát các nước nhằm cắt đứt nạn buôn bán người có được cải tiến không?
Đáp: Từ hàng chục năm nay các lực lượng cảnh sát cộng tác hữu hiệu hơn. Nhưng không thể chặn đứng một hiện tượng xã hội, kinh tế và trong vài cách thức nào đó một thiếu sót chính trị, chỉ bằng cách dùng còng để bắt người mà thôi.
Hỏi: Các nạn nhân của hiện tượng buôn bán này được bảo đảm sự che chở nào?
Đáp: Các nạn nhân có quyền được che chở như nạn nhân, như là các chứng nhân của một kiểu hoạt động của một trong các tội phạm kinh tởm nhất của thời đại chúng ta, và trong nhiều trường hợp cả như là các người tị nạn nữa, xét vì mạng sống của họ bị đe dọa, nếu họ trở về quê quán của họ.
Hỏi: Theo ông, dư luận công cộng đó được thông tin tức đầy đủ liên quan tới tệ nạn buôn bán người này không?
Đáp: Xem ra là không. Nếu tất cả mọi người đều biết những gì xảy ra đàng sau các vụ bắt cóc tống tiền chà đạp phẩm gía con người này, thì họ sẽ nổi loạn chống lại sự thinh lặng của các chính quyền và họ sẽ đạp tung cửa của các nhà nhốt phụ nữ mại dâm để giải phóng các nạn nhân.
(Avvenire 26-1-2011)
Linh Tiến Khải