VÀO ĐỀ
1. "Lời Chúa tồn tại đến muôn đời. Lời này là Tin Mừng mà tôi rao giảng cho anh em" (1 Phr 1:25; x. Is 40:8). Với quả quyết này từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, trích từ lời Ngôn Sứ Isaia, chúng ta tự đặt mình trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng tự tỏ mình ra qua hồng ân Lời Ngài. Lời này là Lời tồn tại đến muôn đời, đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời muôn thủa của Ngài cách nhân loại; Lời Ngài "trở thành nhục thể" (Ga 1:14). Đây là Tin Mừng. Đây là lời rao giảng đã đến với chúng ta qua nhiều kỷ nguyên. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ kỳ thứ 12, được tổ chức tại Vatican từ ngày mùng 5 đến 26 tháng 10 năm 2008, đã có chủ đề là: Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, là Đấng ở bất cứ nơi nào có hai hay ba người hợp lại nhân danh Người (x. Mt 18:20). Với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các Nghị Phụ là cho toàn thể Dân Thiên Chúa biết những thành quả phong phú phát sinh từ những khóa họp của Thượng Hội Đồng và những đề nghị là kết quả của những cố gắng chung của chúng ta.1 Vì vậy, tôi dự định duyệt xét lại công việc của Thượng Hội Đồng trong ánh sáng của các tài liệu của nó: Lineamenta, Instrumentum Laboris, Relationes ante và post disceptationem, các bài phát biểu, cả những bài được trình bày trước thềm Thượng Hội Đồng cũng như những bài dưới dạng văn viết, các báo cáo của những cuộc thảo luận nhóm nhỏ, Sứ Điệp Cuối Cùng dành cho Dân Chúa và, trên hết, một số đề nghị đặc biệt (Propositiones) mà các Nghị Phụ đã coi là rất quan trọng. Bằng cách này, tôi muốn vạch ra một số tiếp cận cơ bản cho một khám phá về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh như là một mạch suối của sự canh tân liên tục. Đờng thời cũng trình bày hy vọng của tôi rằng Lời sẽ càng ngày càng trở nên trọng tâm mọi hoạt động hội thánh.
Để niềm vui của chúng ta được nên trọn
2. Trước hết tôi muốn nhắc lại vẻ đẹp và niềm vui của cuộc gặp gỡ mới với Đức Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta đã cảm nghiệm trong khóa họp Thượng Hội Đồng. Khi ấy, trong sự hiệp thông với các Nghị Phụ, tôi đã nói với tất cả các tín hữu bằng lời của Thánh Gioan trong Thư Thứ Nhất của ngài: "chúng tôi công bố cho anh em sự sống đời đời, là sự sống đã ở cùng Chúa Cha và đã được tỏ ra cho chúng tôi. - điều mà chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi công bố cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà sự hiệp thông của chúng ta là hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Ngài, là Ðức Chúa Giêsu Kitô", (1 Jn 1:2-3). Thánh Tông Đồ nói cho chúng ta về nghe, thấy, chạm đến và nhìn lên (cf. 1 Ga 1:1) Lời ban Sự Sống, vì chính sự sống được biểu lộ trong Đức Kitô. Được mời gọi để hiệp thông với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau, chúng ta phải rao giảng hồng ân này. Từ quan điểm công bố tin mừng này, khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục đã là một bằng chứng, trước Hội Thánh và trước thế gian, về vẻ đẹp vô biên được gặp gỡ Lời Thiên Chúa trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Vì lý do này mà tôi khuyến khích tất cả các tín hữu canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân và công đoàn với Đức Kitô, Lời Ban Sự Sống được trở nên hữu hình, và trở thành những sứ giả của Người, ngõ hầu hồng ân sự sống của Thiên Chúa - sự hiệp thông - có thể lan tràn đầy đủ hơn bao giờ hết trên toàn thế giới. Thật vậy, được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, một Thiên Chúa Ba Ngôi của tình yêu, là niềm vui hoàn toàn (x. 1 Ga 1:4). Và đó là hồng ân và cũng là một nhiệm vụ không thể trốn tránh được của Hội Thánh để thông truyền niềm vui ấy, niềm vui phát sinh từ một cuộc gặp gỡ con người Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Trong một thế giới thường coi Thiên Chúa là không cần thiết hoặc xa lạ, chúng ta tuyên xưng cùng Thánh Phêrô rằng chỉ một mình Người "có Lời ban sự sống đời đời" (Ga 6:68). Không có một ưu tiên nào lớn hơn điều này: là giúp dân của thời đại chúng ta một lần nữa được gặp gỡ Thiên Chúa, một Thiên Chúa nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Ngài để chúng ta có thể có một cuộc sống sung mãn (x. Ga 10:10).
Từ "Dei Verbum" đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa
3. Với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Lệ kỳ thứ mười hai về Lời Chúa, chúng tôi đã ý thức về việc chọn một chủ đề, theo một nghĩa nào đó, cũng là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, tiếp theo Thượng Hội Đồng trước đây về Thánh Thể như Nguồn Mạch và Tột Đỉnh Đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh được xây dựng trên Lời Chúa, được sinh ra từ và sống bởi Lời ấy.2 Trong suốt lịch sử của mình, Dân Thiên Chúa đã luôn luôn tìm thấy sức mạnh trong Lời Chúa, và ngày nay cũng thế, các cộng đồng giáo hội phát triển bằng cách lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Phải thừa nhận rằng trong những thập niên gần đây, đời sống Hội Thánh đã phát triển cách nhạy cảm hơn với chủ đề này, đặc biệt là với mặc khải Kitô giáo, Truyền Thống sống động và Thánh Kinh. Bắt đầu với triều đại của của Đức Thánh Cha Lêo XIII, chúng ta có thể nói rằng đã có một sự lớn mạnh dần dần của những can thiệp nhằm gia tăng ý thức về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh,3 đạt đến cao điểm ở Công đồng Vaticanô II và đặc biệt là trong việc ban hành Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum. Biến cố thứ nhì đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử của Hội Thánh: "Các Nghị Phụ. .. thừa nhận với lòng biết ơn các lợi ích lớn lao mà tài liệu này đã mang đến cho đời sống Hội Thánh, trên bình diện chú giải, thần học, tâm linh, mục vụ và đại kết"4 Những năm ở giữa cũng đã chứng kiến một ý thức càng ngày càng gia tăng "trong phạm vi hiểu biết về Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của mặc khải"5 dựa trên đó Đức Chúa Giêsu Kitô được công nhận như "Đấng Trung Gian và sự viên mãn của tất cả các Mặc Khải"6 Đối với mỗi thế hệ, Hội Thánh không ngừng rao giảng rằng Đức Kitô "qua tất cả sự hiện diện và tự tỏ mình ra của Người, qua các lời nói và việc làm, các dấu chỉ và phép lạ của Người, nhưng trên hết là qua cái chết và sự sống lại từ cõi chết của Người, và cuối cùng là qua việc sai Thần Chân Lý của Người xuống, đã làm trọn và hoàn hảo hóa Mặc Khải".7
Mọi người đều nhận thức được sự thúc đẩy rất lớn mà Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã đem lại cho việc phục hồi quan tâm đến lời của Chúa trong đời sống Hội Thánh, cho những suy tư thần học về Mặc Khải của Thiên Chúa và cho việc nghiên cứu Thánh Kinh. Trong bốn mươi năm qua, Huấn Quyền của Hội Thánh cũng đã phát hành rất nhiều công bố về những vấn đề này.8 Qua việc mừng Thượng Hội Đồng này, Hội Thánh, ý thức về cuộc hành trình tiếp tục của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cảm thấy được mời gọi để suy niệm về chủ đề Lời Chúa, để xét lại việc áp dụng các chỉ thị của Công Đồng, và để đương đầu với những thách thức mới mà thời đại hiện tại đặt ra trước các tín hữu Kitô giáo.
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa
4. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ mười hai, các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới quây quần chung quanh Lời Chúa và đặt một cách tượng trưng bản văn Thánh Kinh ở trung tâm của hội đồng, để nhấn mạnh một lần nữa điều mà chúng ta có nguy cơ coi thường trong cuộc sống thường nhật: một sự thật là Thiên Chúa nói [với chúng ta] và trả lời những thắc mắc của chúng ta.9 Chúng tôi cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Chúng tôi kể lại cho nhau tất cả những gì Chúa đang làm ở giữa Dân Chúa, và chúng tôi chia sẻ những hy vọng cùng những quan tâm của chúng tôi. Tất cả điều này làm cho chúng tôi nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể đào sâu sự liên hệ của chúng ta với Lời Chúa trong cái "chúng ta" của Hội Thánh, trong sự lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Do đó chúng tôi tỏ lòng biết ơn vì những chứng từ về cuộc sống của Hội Thánh trong các phần khác nhau của thế giới, được nói lên từ những đóng góp khác nhau trên sàn. Cũng thật cảm động khi nghe các đại biểu huynh đệ, những người chấp nhận lời mời của chúng tôi để tham gia vào các cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Tôi đặc biệt nghĩ đến bài suy niệm của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople, Đức Bartholomaios I, vì điều ấy mà các Nghị Phụ bày tỏ lòng biết ơn sâu xa.10 Hơn nữa, lần đầu tiên, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng mời một giáo sĩ Do thái để cung cấp cho chúng ta một chứng từ quý giá về Thánh Kinh Do Thái, cũng là một phần của Thánh Kinh của chúng ta.11
Bằng cách này chúng ta có thể nhìn nhận với niềm vui và lòng biết ơn rằng "trong Hội Thánh cũng có một Lễ Ngũ Tuần hôm nay - nói cách khác, Hội Thánh nói bằng nhiều ngôn ngữ, và không chỉ bề ngoài, theo nghĩa là tất cả các ngôn ngữ tuyệt vời của thế giới là đại diện trong ấy, nhưng sâu sắc hơn, vì trong Hội Thánh có những cách khác nhau để cảm nghiệm Thiên Chúa và thế gian, sự phong phú của các nền văn hóa, và chỉ bằng cách này, chúng ta có thể thấy sự bao la của những kinh nghiệm của con người và, kết cuộc là, sự bao la của Lời Chúa".12 Chúng tôi cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống liên tục; nhiều dân tộc khác nhau vẫn đang chờ đợi Lời Chúa được công bố bằng ngôn ngữ và trong nền văn hóa riêng của họ.
Làm sao mà tôi không thể không nhắc đến rằng trong Thượng Hội Đồng chúng tôi đã được đồng hành với chứng từ của Thánh Tông Đồ Phaolô! Thật là một điều được Thiên Chúa quan phòng là Thượng Hội Đồng Thường Lệ kỳ thứ mười hai đã xảy ra trong năm dành riêng để kính vị Tông Đồ Dân Ngoại vĩ đại đúng vào dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của ngài. Cuộc đời của Thánh Phaolô đã hoàn toàn đánh dấu bằng lòng nhiệt thành đối với việc rao truyền Lời Chúa. Làm sao mà chúng ta không thể động lòng vì những lời sống động của ngài về sứ vụ của mình như một nhà thuyết giảng Lời Chúa: "Tôi làm mọi sự cho Tin Mừng" (1 Cor 9:23), hoặc, như ngài viết trong Thư gửi tín hữu Rôma: "Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng, đó là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ những ai có đức tin" (1:16). Bất cứ khi nào chúng ta suy niệm Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Hội Thánh, chúng ta không thể không nghĩ đến Thánh Phaolô và cuộc đời của ngài đã dành cho việc truyền bá sứ điệp cứu độ trong Đức Kitô cho mọi dân tộc.
Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan như một hướng dẫn.
5. Với Tông Huấn này tôi muốn công việc của Thượng Hội Đồng có một ảnh hưởng thực sự trên đời sống của Hội Thánh: trên mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Thánh Kinh, trên việc giải thích Thánh Kinh trong phụng vụ và dạy giáo lý, và trong các nghiên cứu khoa học, để Thánh Kinh có thể không chỉ đơn thuần là một lời trong quá khứ, nhưng là một lời linh hoạt và hợp thời. Để hoàn thành điều này, tôi muốn trình bày và khai triển lao công của Thượng Hội Đồng bằng cách liên tục nhắc đến Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:1-18), là điều cho chúng ta biết nền tảng của cuộc đời chúng ta là: Ngôi Lời, Đấng từ nguyên thủy đã ở cùng Thiên Chúa, Đấng đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta (x. Ga 1:14). Đây là một văn bản mỹ lệ, một bản văn cung cấp một sự tổng hợp của toàn bộ đức tin Kitô giáo. Từ kinh nghiệm cá nhân đã từng gặp và đi theo Đức Kitô của mình, Thánh Gioan, người mà truyền thống xác định là "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Ga 13:23, 20:02, 21:07, 20), đã đi đến một điều chắc chắn sâu xa: "Chúa Giêsu là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhập thể, Người là Lời vĩnh cửu đã trở thành một người hay chết."13 Chớ gì Thánh Gioan là đấng "đã thấy và đã tin" (x. Ga 20:08) cũng giúp chúng ta dựa vào ngực Đức Kitô (x. Ga 13:25), nguồn mạch của máu và nước (x. Ga 19:34), là những biểu tượng của các bí tích của Hội Thánh. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả được linh hứng khác, nguyện xin cho chúng ta có thể để cho mình được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đến một khả năng yêu mến Lời Chúa mỗi ngày một hơn.
Chú thích
1 Cf. Propositio 1.
2 Cf. TWELFTH ORDINARY GENERAL ASSEMBLY OF THE SYNOD OF BISHOPS, Instrumentum Laboris, 27.
3 Cf. LEO XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893): ASS 26 (1893-94), 269-292; BENEDICT XV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920): AAS 12 (1920), 385-422; PIUS XII, Encyclical Letter Divino Afflante Spiritu (30 September 1943): AAS 35 (1943), 297-325.
4 Propositio 2.
5 Ibid.
6 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.
7 Ibid., 4
8 Noteworthy among various kinds of interventions are: PAUL VI, Apostolic Letter Summi Dei Verbum (4 November 1963): AAS 55 (1963), 979-995; Motu Proprio Sedula Cura (27 June 1971): AAS 63 (1971), 665-669; JOHN PAUL II, General Audience (1 May 1985): L’Osservatore Romano, 2-3 May 1985, p. 6; Address on the Interpretation of the Bible in the Church (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243; BENEDICT XVI, Address to the International Congress held on the Fortieth Anniversary of " Dei Verbum " (16 September 2005): AAS 97 (2005), 957; Angelus (6 November 2005): Insegnamenti I (2005), 759-760. Also worthy of mention are the interventions of the PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, De Sacra Scriptura et Christologia (1984): Enchiridion Vaticanum 9, Nos. 1208-1339; Unity and Diversity in the Church (11 April 1988): Enchiridion Vaticanum 11, Nos. 544-643; The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993): Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150; The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733- 1150; The Bible and Morality. Biblical Roots of Christian Conduct (11 May 2008): Vatican City, 2008.
9 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (22 December2008): AAS 101 (2009), 49.
10 Cf. Propositio 37.
11 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733-1150.
12 BENEDICT XVI, Address to the Roman Curia (22 December 2008): AAS 101 (2009), 50.
13 Cf. BENEDICT XVI, Angelus (4 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 13.
Phaolô Phạm Xuân Khôi dịch