Vấn Đề Đức Tin (theo Pascal)

Nhiều người cho rằng tư tưởng của Pascal hàm chứa điều mà tư tưởng đó nhắm tới : Một triết lý của Đức Tin. Nói khác đi, một triết học thực sự, nhưng hòan tòan được xây dựng để chứng minh sự không thể triết lý hay sự bất lực của triết lý (l’impossibilité de la philosophie) nếu người ta hiểu nó là một hệ thống tự nó là đủ (1).

Theo Pascal, Lòng Tin là vấn đề của con tim (fragment 278), là món quà của Thượng Đế ban cho con người (fragment 248), nhưng Lòng Tin cũng là động cơ của cuộc chiến đấu của con người .

Fragment 425 viết : " Con người không có Niềm Tin không thể biết sự thiện hảo, cũng chẳng biết sự công chính. "

"Mọi người đều tìm cách để được sung sướng. Điều này không có luật trừ, bất kể phương tiện khác nhau nào được dùng tới, họ đều nghiêng về mục đích đó. Điều khiến cho kẻ này đi đến chiến tranh mà kẻ khác thì không cũng chính là lòng muốn đó được theo đuổi bằng hai lối nhìn khác nhau. Ý chí luôn tìm mọi cách tiến đến đối tượng đó. Đó là động cơ của mọi hành động của mọi người. "

"Và tuy nhiên đã từ nhiều năm qua không bao giờ một người không Đức Tin có thể đi tới mục đích đó dù luôn nhắm tới. Mọi người đều kêu ca, ông hòang, bầy tôi, kẻ quí phái, già, trẻ, mạnh, yếu, khôn ngoan, dốt nát, thánh thiện, bệnh nhân, của mọi nước, của mọi thời, mọi tuổi, mọi hòan cảnh . "

" Một cuộc thử thách quá dài, quá liên tục và đồng nhất như vậy, phải chiến thắng sự bất lực của chúng ta để đi tới sự thiện bởi cố gắng của chúng ta, nhưng gương sáng dạy ta rất ít. Chưa bao giờ hòan tòan giống đến nỗi không có một vài khác biệt nhỏ nhoi và do đó chúng ta mong rằng sự chờ đợi sẻ không bị tuyệt vọng trong dịp này cũng như trong dịp khác, và như vậy hiện tại không bao giờ làm ta thỏa mãn, kinh nghiệm lừa gạt ta, và từ khốn cực này sang khốn cực khác dẫn ta đến sự chết như một cực điểm (comble) vĩnh viễn. "

"Vậy sự kêu ca về cái trống rỗng và sự bất lực đó là gì nếu không phải ngày xưa nơi con người đã có một hạnh phúc thực sự mà ngày nay chỉ còn lại nơi họ dấu chỉ và vết tích hòan tòan trống rỗng mà họ cố gắng lấp đầy bằng những gì vây quanh họ một cách vô ích, tìm kiếm nơi những sự vật vắng mặt sự cứu chữa mà họ không nhận được nơi những sự vật hiện diện, nhưng điều đó hòan tòan không thể được vì vực thẳm (gouffre) vô tận đó chỉ có thể lấp đầy bằng một đối tượng vô tận và bất biến, có nghĩa là bằng chính Thượng Đế. "

Lý trí ném chúng ta vào vô tận, và để duy trì sự bình an trước những chống đối xưa nay, cần phải chấp nhận cuộc chiến đấu. Lòng Tin là một chiến đấu và một tìm kiếm.

Nhưng vô tận đó không phải là không thể biết được, nó thức tỉnh, liên kết mọi tài năng của chúng ta, nó khêu gợi tất cả đi đến một công việc không bao giờ hòan thành, vì trong huyền bí của vô biên luôn luôn có sự tìm kiếm, tiến tới, và theo tư tưởng của Saint Léon, phải nắm lấy những ngừng lại (les arrest) là những thất bại và sự giải quyết những thất bại . (2)

Nếu một đôi khi những kẻ trở lại (les convertis), trong sự nhiệt tâm đầu tiên, cố gắng vứt bỏ những dàn xây (échafaudage), những chuần bị của Đức Tin, thì sau đó, khi lấy lại lịch sử đời sống, trở lại đời bình thường, như Saint Augustin trong " Les Confession", họ tự buộc mình vạch lại chuyển động vô cảm (mouvement insensible) liên tục, tự do nhưng bất khả kháng đối với kẻ đã đẩy nó qua bao nhiêu vòng .

Vậy ai là kẻ đã ngừng lại? Ai là kẻ đã thay đổi khi mắt họ đã mở ra? Sự tìm kiếm lúc đó còn được theo đuổi, nhưng bằng một cách khác. Như cái chết (la mort) chỉ phanh phui cho chúng ta từ sự chết (la mortalité) . Cũng vậy, sự khám phá không làm mòn sự tìm kiếm, nhưng chỉ giảm bớt những cay đắng và liều mình. Niềm vui tìm thấy không phải chỉ là sự nghỉ ngơi tiếp theo cơn mệt nhọc (nếu không sẽ chỉ còn là một khóai lạc), nhưng trước hết, nó phải là tình cảm mà những kẻ tìm kiếm tương lai sẽ hướng tới .(3)

Tác động của Lòng Tin là tối tăm, bởi vì nơi nó, một cá nhân (personne) nhắc nhở đến một cá nhân khác, và cá nhân này vẫn còn luôn luôn là tối tăm với suy luận củ tư tưởng. Tính cách của suy luận là hiểu rõ trong khi thiết lập những tương quan và xây dựng đối tượng của mình. Suy luận làm việc trong ánh sáng, có thể nó không hòan tòan trong sáng, vì dựa trên những hiển nhiên mà nó không thể phân tích và những nguyên tắc mà nó không thể xây dựng . (4)

Một cá nhân không thể đạt đến được bằng danh từ của một chuỗi tương quan trừu tượng.Chức vụ suy luận của trí khôn có thể sửa sọan, nhưng không thể hòan thành sự nắm giữ một hiện hữu cụ thể. Nó không thể thực hiện sự giải thích tòan khối mà một cá nhân giống như tôi đã được khám phá, và nó càng không thể xâm nhập vào bí ẩn của cá nhân tinh thần, độc nhất .

Hiện hữu và giá trị của cá nhân thóat khỏi trí khôn, là tối tăm đối với trí khôn. Cần nhớ rằng nhận thức (perception) đó không phải là sự thâm nhập ánh sáng vào bên trong. Đúng hơn, đó là một nắm giữ tòan thể một hiện hữu tinh thần, một lọai giao cảm (contact) và trùng hợp (coincidence) với hữu thể được khám phá.

Chính đó là tác động Đức Tin, và sau đó tác độn Tin tự đặt trên một bình diện tối tăm đối với lý trí thuần túy : tòan thể vũ trụ của cá nhân là một thế giới mà người ta chỉ gia nhập thực sự bằng tình yêu .

Nhưng chúng ta không đụng chạm tới chỗ tối tăm của lòng tin. Nó là tối tăm vì nó là sự mạc khải linh thiêng của một nhân vị linh thiêng qua một chứng cứ nhân lọai. Nhưng "lòng tin khác với chứng cớ, cái này (chứng cớ) thuộc về con người mà cái kia (lòng tin) là món quà của Thượng Đế " .

Chừng nào chứng cớ còn tồn tại, không thể thấy được Thượng Đế : những yếu tố nhân lọai của chứng cớ sẽ luôn luôn làm thành một tấm màn ngăn cách giữa chúng ta và Thượng Đế. Saint Bonaventura viết : " Đức Tin coi như bóng tối của chiêm niệm (con tem plation) đối diện với vĩnh cửu, tuy nhiên, một bóng tối mang nhiều ánh sáng hơn là sự tối tăm . " (5)

Lòng tin của chúng ta là sự tìm kiếm một Thượng Đế vắng mặt.

Saint Augustin không chỉ nói đến con mắt Đức Tin thấy được trong ánh sáng, nhưng còn nói đến " bàn tay của Đức Tin " nắm giữ " Người Nào Đó " trong đêm tối. (6)

Điều thiết yếu nhất trong Đức Tin, đó không phải là những chân lý rời rạc, nhưng là một cá nhân mà người ta hướng tới, mà qua những chân lý, sự chắc chắn sẽ được đặt trên chúng.

Trên bước đường dẫn tới niềm tin và duy trì niềm tin, điều thiết yếu là sự tìm kiếm cá nhân riêng tư, sự qui hướng cá nhân đến một sự thiện, sự thiện đó không là gì khác hơn một nhân vị khác, lòng muốn một chân lý vĩnh cửu không là gì khác hơn một Nhân Vị mà nơi Ngài rực chiếu ánh sáng và tình yêu . Nếu linh hồn giải thích được dần dần những dấu hiệu, hiểu dần dần những lời nói, quen dần dần với chân lý, chính là vì qua những dấu hiệu, những lời nói, những chân lý, linh hồn tìm kiếm và khám phá thấy một Nhân Vị kêu gọi nó và nó trả lời lại .

Tìm kiếm một nhận vị (hay cá nhân), đó là điều giải thích sự nắm giữ lòng tin ; gặp gỡ một nhân vị, đó là điều giải thích sự chắc chắn của lòng tin. (7)

Đức Tin là một yếu tố căn bản trên đó thần linh tác động, nếu lòng tin thực hiện sự gặp gỡ của hai nhân vị, vai trò của thần linh sẽ là đào sâu sự gặp gỡ đó và đào sâu sự kết hiệp đó trong khi làm cho lòng tin ngày càng làm chủ linh hồn, ngày càng sở hữu Thượng Đế, trong khi làm cho lòng tin thành một sức mạnh không ngừng trở nên một cái nhìn, một đụng chạm, một ước vọng đến Thượng Đế, theo ba con đường dẫn đến : trí thông minh, ý chí, và ân phúc. (8)

Chót đỉnh của niềm tin là tri thức thần bí (connaissance mystique), tri thức thần bí không là một tri thức mất hút trong sự bất định và tản mát dần hữu thể linh thiêng (l’être spirituel), nhưng trái lại là một tri thức ngày càng chìm trong thần bí vô tận của Nhân Vị Linh Thiêng và hợp nhất từ căn bản với nhân vị nhân lọai (la personne humaine).

Chính Thượng Đế vào linh hồn bằng sự kết hiệp và sự biến đổi (transformation) tình yêu, là Đấng tràn ngập linh hồn và thanh tẩy linh hồn bởi sức nóng và lửa thiêng của Ngài . (9)

Linh hồn càng tiến xa trong tri thức thần bí càng đi đến một độ sâu xa của " biến thể và tập trung thân mật nơi Thượng Đế " (10), có nghĩa là nhân vị tự hợp nhất và hòan thành nơi Thượng Đế. Ờ đây chắc chắn là lòng tin, phương tiện riêng của sự kết hiệp (l’union) trở nên " cá nhân " (personelle) ở mức độ nội tại (eminent)

Từ đó linh hồn thức dậy trong đêm tối, linh hồn và Thượng Đế gặp nhau. " La monté du Carmel " (11)mô tả sự gia nhập yên lặng và ẩn khuất trong sự chiêm niệm, linh hồn ở đó " như một người mở trừng mắt với lòng " ham muốn yêu đương" (12), với sự tìm kiếm Đấng mà nó yêu. Để làm cho linh hồn hiệp nhất với mình, Thượng Đế sẽ làm cho nó vượt qua không chỉ giai đọan của lòng tin nhưng cả giai đọan mà ý niệm của lòng tin xuất hiện nơi chính tín hữu, để đo lường thực tại và nghị lực của lòng tin .(13)

Đến một lúc mà chuyển động của linh hồn ngừng lại, đà tiến tinh thần tự vật chất hóa (se materialize), nó giữ lại trong lòng những ý tưởng mà Đức Tin dùng để nhập thể, và nó liều mình quên những thiếu sót căn bản của những yếu tố sáng tạo, và sự bất quân bình (improportion) với thực tại của Thượng Đế. Đó là một tiến bộ lớn lao, đã vượt qua vùng tư tưởng " xác thịt " và được ở trong tư tưởng " thiêng liêng ", nhưng không phải tất cả đã xong xuôi và Đức Tin đã là đầy đủ. Ý tưởng nhân lọai chỉ là phương tiện trí thức đặt dưới nhiều giới hạn không vượt qua được, là chướng ngại cho tiếng gọi Thương Đế giục tiến lên nữa.

Dấu hiệu chắc chắn nhất của chiêm niệm là " tri thức và chờ đợi yêu thương " nơi Thượng Đế : " linh hồn vui mừng thấy mình riêng với Thượng Đế, nhìn ngắm Ngài, với tình yêu, không quan tâm đến bất cứ điều gì khác nữa" (14).

Dần dần, một cách tối tăm, một tri thức " tổng quát " đi vào linh hồn, là trí thức và sự hiện diện của Thượng Đế (15). Đó là sức mạnh tinh thần, sức mạnh của trực giác và cảm thông. Suy luận trở nên trống rỗng, không hiểu được, trước một đối tượng tối tăm hơn bao giờ. Nhưng tinh thần cảm thông với Thượng Đế, tinh thần chỉ còn là một đà tiến bao la của sự chú ý yêu đương và thu nhận, vì chính trong say sưa mà Thượng Đế thông cảm, như kẻ có đôi mắt mở lớn nhìn ánh sáng một cách say sưa (16)

Sự cảm thông đó làm đơn giản và thanh tẩy linh hồn, làm cho linh hồn giống với Thượng Đế hơn. Sự giống nhau đó cho phép thực hiện sự kết hợp giữa linh hồn và Thượng Đế (17).

Tri thức thần bí là cái gì thuộc về cá nhân, và lòng tin hòan hảo sáng chói lôi cuốn sự hòan hảo của nhân vị. Cứu cánh của cuộc phiêu lưu đáng sợ và say mê đó đó thực ra đó chính là sự kết hiệp với Thượng Đế. Linh hồn chỉ có thể đi đến hòan thành chính mình khi nó thực hiện đầy đủ ý tượng đó, tiếng gọi đó, hình ảnh đó của Thượng Đế, là yếu tính của linh hồn. Chính lòng tin thực hiện sự hòan thành đó trong khi thực hiện sự kết hiệp, sự kết hiệp có thể thực hiện ở đời này.

Khi linh hồn biến đổi thành một lọai tương giao sống động thuần túy với Thượng Đế, nó đạt đến sự hòan hảo, nó thực sự trở nên nhân vị, vì nó đã trở thành hình ảnh hòan tòan của những tương giao tồn tại (subsistantes) là nhân vị linh thiêng. Nhân vị nhân lọai (la personne humaine) trở nên hòan tòan bởi sự cảm thông với nhân vị linh thiêng (la personne divine) bằng phương tiện lòng tin.

(Trích chương V, Tương quan giữa Con Người và Thượng Đế trong tư tưởng Pascal. Saigon 1969. Đinh Đồng Phương.)

Chú thích :

(1) Jeanne Russier. La foi selon Pascal. Dieu sensible au ceur . P.U.F 1949 . Tome II. Tr 430

(2) Jean Guitton. Difficultés de Croire. Présence, Plon 1948. Tr 199

(3) J. Guitton, sd . Tr 201

(4) J. Boutroux. Je crois en Toi- La rencontre avec le Dieu vivant. Les editions du Cerf. 1965, Tr 54.

(5) J. Boutroux. Sd. Tr 57 (note)

(6) J. Boutroux. Sd. Tr 58

(7) J. Boutroux. Sd . Tr 65

(8) J. Boutroux . Sd. Tr 85

(9) Hoornaert. La nuit et la Vive Flamme. Desclée. 1922, I, V, 5, Tr 162

(10) Nt. I, V, 3. Tr 155

(11) Cantique spirituel, bản dịch của LM Grégoire de St Joseph. Edition du Seuil . 1947

(12) Vive Flamme, 3,V,3, (Hoornaert. Tr 211)

(13) J.Boutroux, Sd . Tr 89

(14) Montée, II, 11. Tr 154

(15) Nt. II, 12, Tr 160

(16) Nt. II, 12, Tr 163-165

(17) Montée II, 14. Tr 176

Vài hàng về Pascal.

Blaise Pascal (1623-1662), một nhà khoa học và một triết gia, sinh tại Pháp, cùng thời với Descartes. Cuộc đời của ông dành nhiều cho những suy tư về tôn giáo. Ông dự định viết một cuốn sách hộ giáo, bênh vực giáo lý Công giáo. Những suy tư để chuẩn bị cho cuốn sách được ghi chép thành những mảnh (fragments), đánh số thứ tự. Ông dự định dành ra 10 năm làm việc để hòan thành cuốn sách. Tuy nhiên sức khỏe ông không được tốt nên ông qua đời ở tuổi 39, khi chưa kịp viết cuốn hô giáo. Về sau, những ghi chép của ông được xuất bản thành một cuồn sách có tên là Pensées (Tư tuởng). Mặc dù chỉ là những ghi chép rời rạc, nhưng cuốn Pensées đã có những ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội từ thế kỷ 17 đến nay. Tại Việt Nam, Linh mục Bửu Dưỡng OP vì đọc cuốn Pensées mà ngài đã đổi tâm tình từ một Phật tử có ác cảm sang cảm phục Công Giáo và đã xin tòng giáo, đi tu để trở thành Linh Mục.