Công Giáo Và Cuộc Cách Mạng Đòi Dân Chủ Ở Ðông Âu

LTG: Ngày nay, trong sự bùng nổ của các hệ thống thông tin toàn cầu, muốn kiểm chứng sự xác thực của những sự kiện lịch sử được ghi lại ở đây, không còn là một vấn đề khó khăn, cũng như không ai có thể che giấu được SỰ THẬT.

Ngày 27/1/1990, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm một lần nữa đã kêu gọi nhân dân thế giới từ bỏ các ý thức hệ, hay chủ nghĩa, và tôn trọng các quyền căn bản của con người. "Những cột trụ của mẫu mực nhân bản chân chính trong xã hội phải là: Tự do, công lý và các quyền căn bản." Ðức Thánh Cha (ĐTC) đã tuyên bố như trên, ở thủ đô Bissau thuộc nước Guinea-Bissau, trong vùng Sahel, nhân chuyến công du của ngài đến Phi Châu. Có lẽ nhân loại đã và đang nhận thức rằng lời kêu gọi của ÐTC là chính đáng. Một chủ nghĩa, tưởng như ngàn đời không thể thay đổi như chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng chỉ một sớm một chiều đã sụp đổ tan tành như bức tường Bá Linh (Berlin Wall) ở Đức.

Bảy mươi hai năm, sau khi những người cộng sản Bolshevik đoạt được chính quyền ở Nga để thành lập Liên Bang Soviet, 1917, (The Union of Soviet Socialist Republics – USSR. Các nước Tây phương thường vắn tắt gọi họ là Soviet Union, hay USSR trên những văn kiện. Trước 1975, miền Nam Việt Nam gọi nước này là Nga-sô; trong khi miền Bắc đã gọi họ là Liên-xô); hôm 1/12/89 ở điện Vatican, người cộng sản (vô thần) hàng đầu trên thế giới, Mikhail Gorbachev, đã tự xóa bỏ từ "cộng sản" trên con người của ông qua việc ân cần giới thiệu bà Raissa, vợ ông, với ÐTC Gioan Phaolô II, "Ðây là Ðức Thánh Cha..." Cuộc cách mạng đòi Dân Chủ tại Ðông Âu, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản, đã khởi đi từ một quốc gia bé nhỏ nhưng kiêu hùng, Ba Lan (Poland), cũng là quê hương của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị. Ba Lan, con bài domino đầu tiên của toàn cõi Ðông Âu.

CUỘC CÁCH MẠNG ĐÒI DÂN CHỦ KHỞI ÐI TỪ BA LAN

Ở Ba Lan, những cuộc tranh đấu bất bạo động, qua việc đình công bãi thị toàn diện, chống lại nhà cầm quyền cộng sản, đã lần lượt diễn ra vào những năm 1956, 68, 70, 76, và nhất là vào những năm 1980-81. Ðầu năm 1989, sau hơn 7 năm đàn áp bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu những nhà lãnh đạo của phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết (Solidarnosc, Solidarity), chủ tịch đảng cộng sản Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski, đã phải tuyên bố với ban chấp hành trung ương đảng là Ba Lan cần phải có những cuộc "thay đổi căn bản" để cứu vãn nền kinh tế đang sắp bị phá sản. Việc đầu tiên mà "nhà nước" phải làm là hoàn trả tư cách pháp nhân cho Công Ðoàn Ðoàn Kết và kêu gọi sự giúp đỡ của họ.

Sau nhiều tuần lễ hội thảo liên tiếp giữa các đại diện Công Ðoàn và nhà nước, nhà lãnh đạo Lech Walesa và các đại diện của Công Ðoàn đã tuyên bố rằng quốc gia Ba Lan đang cần sự giúp đỡ của Công Ðoàn. Họ kêu gọi các đoàn viên của Công Ðoàn tạm ngưng các cuộc đình công bãi thị, ngược lại nhà nước phải tôn trọng pháp quyền của Công Ðoàn, tu chính hiến pháp và tổ chức bầu cử tự do, một điều mà người dân Ba Lan chưa hề được hưởng kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến (1945).

Công Ðoàn Ðoàn Kết đã tự biến thành một đảng phái chính trị, một "đảng đối lập" đầu tiên trong thế giới cộng sản. Trong cuộc bầu cử tự do tháng 6, 1989, Công Ðoàn đã chiếm đại đa số ghế trong quốc hội. Qua tháng 8, ông Tadeusz Mazowiecki, nguyên chủ bút tờ tuần báo của Công Ðoàn, đã tuyên thệ tân thủ tướng Ba Lan. Một vị thủ tướng không cộng sản đầu tiên trong khối cộng sản quốc tế. Tháng 12, 1990, chính ông Lech Walesa đã trở thành vị tổng thống tiên khởi do toàn dân bầu lên ở nước Ba Lan Tự Do.

HUNG GIA LỢI (Hungary)

Budapest 1956

Năm 1956, quân đội của Liên Bang Soviet đã đưa xe tăng đàn áp và nghiền nát cuộc nổi dậy đòi tự do của nhân dân Hung Gia Lợi. Họ đã xử tử người đứng đầu cuộc nổi dậy, ông Imre Nagy. Sau đó, để vuốt ve dân chúng, chính quyền Soviet đã để cho Hung thử nghiệm một số kế hoạch kinh tế tương đối dễ dãi hơn so với những quốc gia Ðông Âu khác. Nhưng kinh tế cộng sản thì bao giờ cũng như nhau, ở đâu cũng thế, hết thất bại này đến thất bại khác, trong khi dân chúng phải chịu cảnh nghèo đói triền miên... Tháng 5, 1988, chủ tịch đảng CS Hung, Janos Kadar, bị cất chức. Ông Karoly Grosz, một người tương đối ôn hòa lên thay thế.

Tháng giêng, 1989, quốc hội Hung đã thông qua một nghị luật cho phép các đảng phái chính trị đối lập được tham gia cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào mùa xuân năm ấy. Ðảng CS Hung, trong sự cố gắng vớt vát những ghế trong quốc hội, đã tự đổi tên thành Ðảng Xã Hội Hung Gia Lợi, nhưng họ cũng chỉ đạt được khoảng 20% tổng số ghế.

Tháng ba, 1989, Hung Gia Lợi đã cùng ký kết một thỏa ước của Liên Hiệp Quốc về những người tị nạn, theo đó, họ sẽ không ép buộc những người dân tị nạn phải hồi hương. Hung đã phá bỏ hàng rào biên giới giữa họ và Áo Quốc (Austria) một quốc gia trong khối Tự Do ở Tây Âu. Bức màn sắt đã bị kéo xuống. Nhân cơ hội, những người dân Ðông Ðức đã tràn qua Hung, vượt biên qua Áo để vào tị nạn tại Tây Ðức.

ÐÔNG ÐỨC VÀ BỨC TƯỜNG VÔ NGHĨA

Hàng chục ngàn dân Ðông Ðức đã tràn qua Hung để tìm đường xin tị nạn tại Tây Ðức. Ðiều này đã gây căng thẳng giữa hai nước cộng sản "anh em." Ðông Ðức đòi Hung phải hoàn trả những người dân tị nạn; Hung từ chối và trong ba ngày, họ đã cho phép 15 ngàn người Ðông Ðức vượt biên tìm tự do. Ðông Ðức đóng cửa biên giới với Hung, dân Ðông Ðức lại tràn qua "cựu" Tiệp Khắc (Czechoslovakia) để đến xin tị nạn tại tòa đại sứ Tây Ðức ở Tiệp. Ðông Ðức đang mất dần những cán bộ, công dân ưu tuyển, những người mà họ nghĩ rằng sẽ xây dựng một thiên đàng cộng sản. Trong khi đó, những người dân Ðông Ðức này cho biết, họ xin tị nạn tại Tây Ðức không phải vì lý do kinh tế, nhưng vì TỰ DO.

Tháng mười, 1989, cuộc cách mạng đòi Dân Chủ, Tự Do ở Ðông Âu đã lan tràn đến Ðông Ðức. Bắt đầu bằng cuộc tuần hành cho tự do ở Leipzig. Thoạt tiên người ta đã tưởng rằng cuộc thảm sát đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn của Trung Quốc, sẽ tái diễn tại đây; vì hôm 9 tháng 10, chủ tịch đảng CS, Erich Honecker, đã ra lệnh cho công an dùng "tất cả những lực lượng có thể" để phá vỡ cuộc biểu tình. Nhưng ông Egon Krenz, chỉ huy ngành công an, đã khuyên dụ Honecker bỏ ý định đàn áp những người biểu tình. Các cuộc biểu tình lan rộng đến nhiều thành phố khác, có nơi nửa triệu người đã "xuống đường" cùng một lúc.

Trước đó mấy ngày, (hôm 7/10/89), cuộc viếng thăm của tổng bí thư đảng và nhà nước Soviet, Gorbachev, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đảng CS Ðông Ðức, đã góp phần rất nhiều trong việc tránh được một cuộc tắm máu ở quốc gia này. Gorbachev đã cảnh cáo Honecker rằng Soviet sẽ không yểm trợ nếu ông ta dùng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình. Ðồng thời Gorbachev còn khuyến khích Honecker tạo một "Perestroika" (đổi mới) cho riêng Ðông Ðức. Nhưng đã quá muộn cho Honecker, 11 ngày sau, ông ta bị buộc phải từ chức, và ông Egon Krenz, chỉ huy trưởng ngành công an, đã lên thay thế. Krenz đã đòi đảng CS Đông Ðức phải cải tổ sâu rộng và nhất là quyết định một việc có tích cách lịch sử: PHÁ ÐỔ BỨC TƯỜNG BÁ LINH. Bức tường đó đã do chính quyền CS Ðông Ðức xây năm 1961, chia đôi thành phố Bá Linh để ngăn cản làn sóng dân chúng chạy qua Tây Bá Linh tìm tự do. Ngày 3/12/89, toàn bộ ban chấp hành đảng CS Ðông Ðức và chính phủ phải từ chức vì áp lực của dân chúng. Một chính phủ lâm thời được thành lập để tổ chức cuộc bầu cử tự do vào tháng 5 năm 1990. Cũng như tại các nước Ðông Âu khác, quyền lực của đảng CS Ðông Ðức đã bị cáo chung.

NHỮNG QUỐC GIA KHÁC Ở ÐÔNG ÂU

Những con bài domonoes khác ở Ðông Âu đã lần lượt đổ xuống, từ Tiệp Khắc, Bulgaria, đến nước CS thân Tây Phương nhất là "cựu" Nam Tư (Yugoslavia) cũng đã phải cải cách để thích hợp với tình thế mới, tất cả đều là cách mạng không đổ máu, đều là "bất chiến tự nhiên thành." Duy chỉ có trường hợp đặc biệt ở Romania.

ROMANIA, CUỘC CÁCH MẠNG ÐẪM MÁU

Có người đã cho rằng cuộc cách mạng ở Ba Lan phải cần 10 năm mới thành công; ở Hung: 10 tháng; ở Ðông Ðức: 10 tuần; ở Tiệp khắc: 10 ngày; còn ở Romania: chỉ có 10 tiếng đồng hồ; nhưng đó là 10 tiếng đồng hồ đẫm máu nhất Ðông Âu. Tất cả chỉ vì một người: nhà độc tài Nicolae Ceausescu.

Ceausescu đã muốn lội ngược dòng thác lũ cách mạng đòi dân chủ ở Ðông Âu, ông ta đã đến thăm Trung Quốc, có lẽ để học hỏi cách đàn áp, bắn giết dân của mình; đến Iran đặt vòng hoa trước mộ của Khomeini, người đã lãnh đạo phe Hồi giáo cực đoan. Nhưng chỉ mấy ngày sau, Ceausescu ta đã bị chính dân chúng của ông ta bắt giữ và kết án tử hình. Sau đó, có người còn nói, với những tội trạng của ông đối với nhân dân Romanian, ông ta không xứng đáng được chôn cất trên đất nước Romania.

Ðêm thứ Năm, 29/12/89, Ceausescu ra lệnh cho quân đội xả súng tàn sát dân chúng biểu tình, quân đội từ chối, Ceausescu và vợ là Elena rút về tư dinh nổi tiếng của họ ở thủ đô Bucharest. Sáng hôm sau ông ta cùng bà vợ trốn ra phi trường với ý định chạy ra khỏi nước. Có lẽ họ muốn đến một trong những nơi có thể chứa chấp họ như Trung Quốc, Iran, hay Bắc Hàn (Triều Tiên). Nhưng Trời đã không dung kẻ trị dân theo đường lối bá đạo, Ceausescu cùng vợ đã bị nhóm quân nhân đứng về phía dân chúng bắt giữ.

Tuy nhiên, một số đơn vị quân đội thiện chiến còn trung thành với Ceausescu đã nổ súng vào dân chúng và các quân nhân cách mạng ở Bucharest cũng như ở nhiều thành phố khác, biến Romania thành quốc gia có nội chiến. Hàng ngàn người đã bị thiệt mạng. Cả Soviet lẫn Mỹ và Tây Âu đều không thể nhất thời trực tiếp can thiệp vào cuộc nội chiến này.

Vo chồng Ceausescu trước giờ bị hành quyết

Một quyết định táo bạo, nhưng vô cùng hiệu nghiệm, đã được nhóm quân nhân cách mạng thi hành: Đưa vợ chồng Ceausescu ra xử, rồi cấp tốc thi hành án tử hình cả hai. Cũng như những người lãnh đạo CS khác, luôn tự "thần thánh hóa", tự đưa mình lên cao một cách lố bịch rồi bắt mọi người phải tung hô, Ceausescu và bà vợ đã bắt cả nước Romania phải gọi họ là cha và mẹ. Cho đến lúc bị đẩy ra vách tường xử tử, bà Elena vẫn cố nói: "Chúng tôi là cha mẹ của các người mà?" Một loạt đạn oan nghiệt vang lên, họ ngã xuống, đó là câu trả lời duy nhất mà nhân dân Romanian đã dành cho hai nhà "lãnh đạo" độc tài, đã trị dân bằng những hành vi bá đạo, bằng bất công, lừa đảo, độc đoán, bạo lực, đàn áp, giết chóc, tù đày… Hình ảnh xác chết của hai vợ chồng ông Ceausescu đã được các hệ thống truyền hình nhanh chóng tải đi khắp thế giới, (thuở đó, chưa có hệ thống internet, mạng lưới toàn cầu). Như rắn không đầu, nhóm quân nhân còn trung thành với Ceausescu đã lần lượt buông súng, quay về với đồng bào của họ.

NĂM 1979, SỰ CHÂM NGÒI CÁCH MẠNG Ở BA LAN

Tháng tám, 1980, Công Ðoàn Ðoàn Kết ở Ba Lan được thành lập, mở đầu cho cuộc cách mạng 10 năm. Nhưng nguyên tố chính thúc đẩy sự thành hình của công đoàn này đã được tiêm nhiễm vào mạch máu của từng người dân Ba Lan từ tháng sáu, 1979.

Khoảng một năm sau khi đăng quang Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trở lại thăm viếng quê hương Ba Lan lần thứ nhất vào tháng 6, 1979. Tại quảng trường Chiến Thắng giữa thủ đô Warsaw, ÐTC đã thách đố quan niệm của những người Marxists về Kitô giáo, coi Kitô giáo như một hệ thống giá trị trừu tượng mà chỉ có chủ nghĩa Marxism mới có thể nhận thức cách cụ thể trong lịch sử. ÐTC nói rằng Kitô giáo không phải chỉ có một hệ thống giá trị, nhưng cùng một lúc cung cấp những phương tiện và tiêu chuẩn để những giá trị này được triển nở và sinh hoa trái trong lịch sử. Phương thức này liên hệ đến một người, chính Chúa Kitô, Ðấng là sự đo lường của sự thật của đời sống con người và lịch sử của các dân tộc. ÐTC thêm rằng người ta không thể bảo vệ những giá trị Kitô giáo đã đem đến cho các dân tộc, nếu cùng một lúc tấn công những căn bản của các gía trị ấy.

Không như cộng sản chủ nghĩa, chủ trương toàn cầu hóa con người bằng bạo lực, bằng những cuộc tắm máu liên tiếp, Kitô giáo có thể liên kết con người trong một vũ trụ quan đầy tình huynh đệ và thương yêu qua sức mạnh của sự liên kết toàn bộ quần chúng với một chủ trương tái dựng cơ cấu đạo đức của xã hội.

ĐGH Gioan Phaolô II thăm Ba Lan năm 1979

Ðiều này không có nghĩa giáo hội sẽ trực tiếp làm chính trị, nhưng giáo hội sẽ là một sự hiện diện truyền giáo, đưa đến một đức tin cụ thể, một đức tin sẽ xâm nhập tất cả mọi phương diện của xã hội và mưu tìm những giải đáp cụ thể cho những nhu cầu của nhân loại.

Cần phải có một sự thay đổi toàn diện trong thế giới cộng sản ở Ðông Âu và Liên Bang Soviet. Sự thay đổi này sẽ mở rộng một cánh đồng truyền giáo bao la và mới mẻ cho giáo hội Công Giáo hoàn vũ. Luồng gió mới này sẽ được khởi đi từ Ba Lan.

Phương thức hành động đã được đề ra trong thông điệp của ÐTC, việc thành lập Công Ðoàn Ðoàn Kết một năm sau đó chỉ là một thành quả đương nhiên, và 10 năm sau, cả nhân loại đã nhìn thấy một Âu Châu tự do, một Âu Châu đại kết mà Thế Giới Tự Do không bao giờ tưởng tượng được điều đó có thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Linh hồn của cuộc cách mạng toàn diện, đòi dân chủ ở Ðông Âu là một người thuộc chủng tộc Slav, người ấy tên là Karol Jozef Wojtyla, người đã lãnh đạo gần một tỷ dân Công Giáo trên toàn cầu (theo thống kê lúc bấy giờ), người đó chính là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị, là một Chân Phúc Giáo Hoàng trong hiện tại.

MIKHAIL GORBACHEV, NGƯỜI CỦA THẬP KỶ 80's

Khi cuộc cách mạng đòi dân chủ ở Ba Lan đang trong thời kỳ bị đàn áp và căng thẳng tột cùng, thì tại Soviet, năm 1985, một người "trẻ" đã được bầu vào chức vụ tối quan trọng của đại cường cộng sản này, chức tổng bí thư đảng cộng sản. Người trẻ đó mang tên Mikhail Sergeyevich Gorbachev, 54 tuổi.

Không như những lãnh tụ gìa nua trong qúa khứ, ngay từ khi nắm chức vụ quan trọng này, Gorbachev đã tỏ ra là một người đầy sinh lực và có nhiều sáng kiến. Ông đã đưa ra hai chủ trương Cởi Mở (Glasnost) và Ðổi Mới (Perestroika). Ðổi mới để guồng máy kinh tế của Liên Bang Soviet, và các guồng máy kinh tế trong thế giới cộng sản, có thể sản xuất cách hữu hiệu những sản phẩm mà người dân muốn tiêu thụ. Cởi mở để chấm dứt một guồng máy chính trị đặt căn bản trên sự lừa đảo, che mắt nhân dân, đồng thời tạo cơ hội bắt tay thân thiện với cộng đồng nhân loại trong Thế Giới Tự Do.

Nhân cơ hội này, những nước cộng sản "anh em" ở Ðông Âu đã bắt đầu có những cuộc thương thảo ngoại giao "riêng" với các nước Tây Phương, mà không sợ đàn anh Soviet trừng phạt. Thực ra, chính Gorbachev đã để cho họ có những cơ hội này. Tuy nhiên, trong năm đầu, sự cởi mở của Gorbachev đã chưa đủ để có thể chấp nhận ngay những hoạt động nghiệp đoàn của người công nhân Ba Lan mang tên Lech Walesa và phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết do ông lãnh đạo.

Năm 1987, Gorbachev đã xóa bỏ nỗi lo âu truyền thống của những người cộng sản Bolshevik: Mối đe dọa từ Thế Giới Tự Do. Ông đã viết rằng nền an ninh của Liên Bang Soviet không còn có thể được bảo đảm bằng những phương tiện quân sự nữa. Gorbachev đã bắt buộc phải nói lên sự thực này vì lúc đó sức mạnh quân sự của Mỹ và các quốc gia Tây Âu đã vượt xa Soviet và các nước đàn em ở Đông Âu; nhất là về võ khí, "nguyên tử" cũng như "không nguyên tử." Người ta có thể thấy rõ điều này qua sự so sánh các võ khí không nguyên tử mà quân đội Soviet đã dùng trong năm cuối cùng của cuộc chiến mười năm ở Afghanistan (1979-89), trước khi họ bị bắt buộc phải rút quân về nước; với võ khí của Mỹ và Đồng Minh trong "trận chiến vùng Vịnh" lần thứ nhất, năm 1991.

Hiện nay, vẫn còn những tranh luận về nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của Liên Bang Soviet, đồng thời kéo theo sự tan rã của khối CS quốc tế. Dựa trên những dữ kiện lịch sử, người viết bài này xin được trình bày một nguyên nhân, khá đơn giản: Về các võ khí nguyên tử, Soviet đã phạm một lỗi lầm sinh tử khiến họ không thể gượng dậy được nữa. Khởi đi từ khoảng giữa thập kỷ 1970’s khi khối CS quốc tế đạt được một vài "thắng lợi" nhất định, như ở Việt Nam, Miên, Lào và Angola (Phi Châu); Liên Bang Soviet, dưới sự lãnh đạo của Leonid Brezhnev, đã vội kết luận là phe Tư Bản đã muốn bỏ cuộc, khối Tự Do sẽ hoàn toàn bị sụp đổ, và họ quyết định chuẩn bị cuộc "tổng tấn công dứt điểm" vào Mỹ và Tây Âu. Liên tiếp trong khoảng 10 năm, họ đã liều lĩnh dùng một ngân sách khổng lồ cho quân sự, vượt cả mức nguy hiểm, khoảng 25% trên tổng sản lượng quốc gia (Gross National Product. GNP.) Trong khi từ xưa đến nay các chiến lược gia trên thế giới luôn đồng ý rằng ngân sách quốc phòng chiếm 6% của GNP vào thời bình, đã là quá nhiều. Soviet đã gấp rút phát triển quân đội và đặc biệt là gia tăng số lượng của kho võ khí chiến lược, các loại hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa (Intercontinental Ballistic Missiles. ICBMs), nhất là hai loại SS-18 và SS-19, tương đương với những hỏa tiễn Minuteman và Poseidon của Mỹ. Mỗi hỏa tiễn này, tùy theo sự xếp đặt, có thể chứa đến 10 đầu đạn nguyên tử loại nhỏ, nhắm vào 10 mục tiêu khác nhau; mỗi đầu đạn này tuy gọi là nhỏ nhưng nó vẫn có thể tiêu diệt một thành phố cỡ trung bình.

Lý thuyết hữu lý nhất để giải thích "chiến lược" của Soviet là nếu số lượng hỏa tiễn nguyên tử và số lượng sức tàn phá (Kiloton) của họ vượt xa số lượng của Mỹ, đến độ các hỏa tiễn của họ có thể "diệt gọn" Mỹ và Tây Âu ngay trong đợt tấn công đầu tiên; thì với sức mạnh kinh khủng đó và với tinh thần "cầu bại" của khối Tự Do, Soviet sẽ làm được nhiều điều. Thứ nhất, họ không cần phải tiêu diệt đối thủ, vì nếu họ tấn công, khối lượng phóng xạ khổng lồ từ các bom đạn nguyên tử tỏa ra trong bầu khí quyển, sẽ gây khốn khổ cho chính họ và cho tất cả phần nhân loại còn lại; hơn nữa Mỹ vẫn có thể phản công bằng sức mạnh nguyên tử của họ. Thứ hai, Soviet chỉ cần dùng sức mạnh của mình để gây áp lực, buộc các nước "thân Mỹ" phải đi vào quĩ đạo của họ. Thứ ba, như vậy Mỹ sẽ dần dần bị cô lập và cuối cùng thì chính họ cũng phải đầu hàng. Do đó, Soviet sẽ chiến thắng, trở thành "minh chủ" của cả thế giới mà không phải bắn một viên đạn nào.

Nhưng Soviet không bao giờ ngờ được rằng Mỹ đã bí mật tìm ra cách "chế ngự" lực lượng hỏa tiễn của họ. Vào những năm giữa thập kỷ 1980’s, chính phủ Mỹ, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Ronald Reagan (1981-89) đã công khai phát triển chương trình "Sáng kiến phòng vệ chiến lược" (Strategic Defense Initiative. SDI) hay còn được gọi là "Star Wars." "Sáng kiến" này nhắm đến việc thiết lập ba lá chắn: Lá chắn thứ nhất sẽ do các vệ tinh trang bị võ khí dùng tia Laser, để bắn hạ các hỏa tiễn của Soviet ngay khi chúng vừa rời khỏi dàn phóng. Lá chắn thứ hai sẽ từ các phi cơ chiến đấu (tiêm kích) và chuyên cơ (cải biến từ những chiếc phản lực khổng lồ Boeing 747), dùng cả tia Laser và hỏa tiễn, để diệt những đầu đạn đã lọt qua được lá chắn thứ nhất. Lá chắn thứ ba, do các hỏa tiễn từ dưới đất hoặc các tàu chiến bắn lên để diệt số đầu đạn còn lại, bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công. Đây là một chiến lược mới, khác hẳn với chiến lược cũ của Mỹ là "Bảo đảm cả hai bên cùng chết" (Mutual Assured Destruction. MAD), nếu họ bị tấn công bằng nguyên tử. Tuy nhiên, Tổng Thống Reagan vẫn trấn an dư luận rằng đây chỉ là một chương trình phòng vệ, không có chủ ý dùng để tấn công nước khác! Nhưng Soviet, cũng như mọi người, phải hiểu rằng nếu khối Tự Do đã phá được tất cả, hay phần lớn số hỏa tiễn của Soviet, thì kể như Soviet đã thua, vì họ sẽ không thể tồn tại trước cuộc phản công của khối Tự Do. (Phản công ở đây được hiểu là bấm nút phóng các hỏa tiễn của mình, sau khi những hỏa tiễn của đối phương đã được phóng đi và còn đang bay trên không, chưa tới mục tiêu. Thời gian bay của các hỏa tiễn, trung bình vào khoảng 30 phút.) Mặt khác, nếu Mỹ tấn công phủ đầu, rồi cùng lúc dùng "Star Wars" để ngăn chặn cuộc phản công của Soviet, thì họ có thể sẽ đạt thắng lợi. Nhưng Mỹ cũng không bao giờ muốn làm điều này vì những nguy hiểm của chất phóng xạ như đã nói ở trên. Tóm lại, "ván bài xả láng" trong một nỗ lực, liều lĩnh đến khó hiểu, kéo dài cả 10 năm trời của Soviet đã bị "vô hiệu hóa," không còn hù dọa được ai. Như kẻ thua bạc, trở thành trắng tay! Liên Bang Soviet đã không còn đủ sức, cả về kinh tế lẫn ý chí, để tiếp tục cuộc đua xa hơn!

Cuộc thi đua võ trang cũng như trận chiến tranh lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản, bắt đầu thừ sau đệ nhị thế chiến, khoảng 1947, đã đến hồi kết thúc, mà phe chiến thắng không phải là khối Cộng Sản. Quân sự đã thua, kinh tế lại kiệt quệ, nên tìm cách hòa giải với khối Tự Do là giải pháp duy nhất để có thể sống còn của Liên Bang Soviet. Dù vậy, người ta vẫn phải chờ đợi thêm hai năm nữa, đến năm 1989, Gorbachev mới nhận ra rằng sự đổi mới bên ngoài không đưa đất nước của ông đến đâu cả, nhưng cần phải có một cuộc đổi mới toàn diện, đổi mới tận gốc rễ hệ thống chính trị và nền kinh tế sắp bị phá sản. Ðiều đó có nghĩa, chủ nghĩa đã tạo nên sự phá sản đó, chủ nghĩa cộng sản (chủ trương độc đảng, cai trị độc tài, quyết định độc đoán), phải bị cáo chung.

Gorbachev đã khuyến cáo những chính phủ CS đàn em ở Ðông Âu rằng họ không còn được che chở bằng sức mạnh quân sự của Soviet nữa. Sức mạnh đó từ bao năm nay đã trở thành lề luật, trở nên "chính nghĩa" cho những việc làm của các chính phủ chư hầu này. Các nhà cầm quyền ở Ðông Âu sẽ phải tự tìm phương thức đổi mới xã hội với chính dân chúng của họ, nếu không, họ sẽ bị các tầng lớp nhân dân lật đổ. Ceausescu ở Romania đã không học được bài học này và đã bị chết thảm.

Ngay tại Soviet, trong khoảng thời gian đó, đại hội đồng quốc gia đã thảo luận gây cấn về sự độc tôn lãnh đạo của đảng cộng sản Soviet. Ða số các đại biểu đều mong ước một thể chế đa đảng và người dân có quyền trực tiếp bầu vị lãnh đạo quốc gia như ở các nước Tây Phương. Sau ba ngày tranh luận, hôm 7/2/90, đảng CS Soviet đã phải nhượng bộ và tu chính hiến pháp để các đảng phái chính trị khác có thể hoạt động và tham gia chính quyền. Sau hơn 72 năm, đảng CS của Liên Bang Soviet - USSR, cường quốc đàn anh của khối CS quốc tế, đã hoàn toàn không còn quyền lực ở quốc gia này.

MỘT CHỦ TRƯƠNG, HAI MỤC ÐÍCH

ÐTC Gioan Phaolô II và nhà lãnh đạo Soviet, Mikhail Gorbachev, đã có cùng một chủ trương: Tạo dựng một Âu Châu đại kết trong một trật tự mới. Trật tự đó không còn dựa trên ý thức hệ hay chủ thuyết nào. Tuy nhiên, mục đích về một Âu Châu đại kết của hai nhà lãnh đạo đã có điểm khác nhau.

Ngay từ khi đăng quang Giáo Hoàng, 1978, ÐTC Gioan Phaolô II đã cổ võ một cuộc "Phúc Âm hóa" lần thứ hai cho toàn cõi Âu Châu, khi nhân loại đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba của thời đại Kitô. Không ai có thể tin được rằng chỉ 10 năm sau, lời cổ võ đó đã hiện thực vì một Âu Châu hiệp nhất đã và đang thành hình.

Hai trận thế chiến khốc liệt nhất thế kỷ XX đã xảy ra từ Âu Châu và những người anh em Kitô đã tận tình tàn sát nhau. Là người đến từ Ba Lan, một trong những quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất trong các cuộc tàn sát đó, ÐTC gioan Phaolô II đã thấy cần có một sự thay đổi tận gốc rễ, vượt ra ngoài những ý thức hệ, mới có thể tái liên kết Châu Âu.

Trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới, thiên kỷ mới, với những đe dọa của các lực lượng đã bột phát trong hậu bán thế kỷ XX, đặc biệt là trong vùng Trung Ðông (Ngài muốn ám chỉ đến khối Hồi Giáo), một Âu Châu chia rẽ, một Âu Châu tương tranh sẽ chỉ làm mồi ngon cho các lực lượng mới đó mà thôi. Một Âu Châu liên kết, ít nhất là về phương diện kinh tế, sẽ có thể làm cho cuộc Phúc Âm hóa lần thứ hai, đưa lục địa này trở về với những lề lối đạo đức căn bản của Kinh Thánh thành hiện thực. Cộng thêm nỗ lực hiệp nhất của tất cả những anh em Kitô hữu: Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành, trên phần đất này, đã là chủ trương của vị lãnh đạo giáo hội Công Giáo toàn cầu.

Gorbachev có thể cùng có một cái nhìn về những mối đe dọa từ bên ngoài Âu Châu như ÐTC, nhưng mối quan tâm chính của ông đã dừng lại ở điểm: một khối kinh tế mới cần phải được thành hình ở Âu Châu. Khối kinh tế đó không phải chỉ là Thị Trường Chung Âu Châu, con đẻ của sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế Mỹ - Soviet trong quá khứ, nhưng bao gồm cả Soviet, Ðông và Tây Âu Châu. Ðại diện cho đại cường kinh tế mới này có thể sẽ là Ðức, Nga (Soviet) và Pháp. Khối kinh tế mới đó đã được các nước Tây Âu dự tính thành lập vào năm 1992.

Trước một khối kinh tế đại kết của Âu Châu, kinh tế Hoa Kỳ (Mỹ) sẽ không còn đứng hàng đầu nữa. Do đó Hoa Kỳ, cũng trong năm 1992, đã liên kết với Canada để tạo khối kinh tế Bắc Mỹ Châu, rồi dần dần kết hợp những quốc gia thuộc Tổ Chức Các Quốc Gia Mỹ Châu (Organization of American States - OAS), để cuối cùng tạo nên một khối kinh tế duy nhất cho toàn lục địa Bắc và Nam Mỹ Châu.

Trong viễn tượng kinh tế thế giới đó, có thể Nhật, Trung Quốc và các nước Á Châu khác sẽ phải tự tìm đến nhau mới có thể cạnh tranh với hai khối kinh tế đại cường này.

Giáo Hội Công Giáo và Liên Bang Nga (Russian Federation hay Russia, tên mới của Liên Bang Soviet) đang cùng song hành, cùng hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên một Âu Châu mới, trong một trật tự mới, tràn đầy hi vọng về một tương lai tươi sáng trong tình huynh đệ, hiệp nhất và an hòa của những người con Ðức Chúa Trời. Cái bắt tay thân mật giữa hai nhà lãnh đạo ở điện Vatican hôm 1/12/1989 đã nói lên tất cả.

Điều đáng nói thêm là các đảng cộng sản ở những quốc gia mới được "giải phóng" nói trên vẫn được tôn trọng và được hoàn toàn tự do hoạt động, cũng như tham gia sinh hoạt chính trị trong nước như bất cử một đảng phái nào khác. Nếu một ngày nào đó đảng của họ chiếm đa số ghế trong quốc hội, thì một thủ tướng đảng viên cộng sản vẫn là điều có thể xảy ra. Ngoài ra, những người đã làm việc cho chính phủ cũ, như các quân nhân, cảnh sát, nhân viên dân chính, vẫn tiếp tục công việc của họ trong chính phủ dân cử mới, theo khả năng đích thực của mỗi người. Những diễn biến kinh tế thế giới sau đó đã không hoàn toàn xảy ra như dự kiến, nhưng vẫn cần phải ghi lại các sự kiện nói trên như một minh chứng của sự thật, trong khúc quanh vô cùng quan trọng của lịch sử nhân loại.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng