Kitô Giáo Dưới Mắt Một Phật Tử

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Yêu MếnThiên Chúa

Chúng ta không tìm thấy từ ngữ "yêu" - tiếng Thái gọi là "rak" - trong ngôn ngữ tâm linh phật giáo cổ truyền. Trái lại, tiếng mà kitô hữu sử dụng nhiều nhất là tiếng "yêu". Phra Chao - Thiên Chúa - yêu thương kitô hữu, và kitô hữu yêu mến Phra Chao. Kitô hữu dùng "rak" trong cả hai trường hợp. Khi nói chuyện với kitô hữu, phật tử cũng dùng "rak" vì kitô hữu dùng tiếng ấy. Yêu, "rak" là một từ ngữ thật mơ hồ, không mấy thích hợp để diễn đạt cuộc sống tâm linh. Nó chan chứa tình cảm và làm hồi tưởng đến từ ngữ "tham luyến". Yêu và tham luyến thường trở thành đồng nghĩa. Mà mọi tham luyến đều bàng bạc vị ngã, Attà.

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, tiếng "yêu" chiếm một vị trí thật lớn lao. Phật tử có cảm tưởng rằng mỗi lần dùng tiếng "yêu", Kitô hữu đều chấp nhận khía cạnh "tham luyến, vị ngã" như là chuyện bình thường. Dĩ nhiên, không phải "tham luyến, vị ngã" ở mức độ thô lậu, nhưng ở mức độ tinh vi tiềm tàng. Có thể kitô hữu không nhận thấy điều này, song hành giả tu đức Phật giáo thấm nhuần lý tưởng vô ngã - Anattà - tận gốc rễ thường nhanh chóng phát giác ý nghĩa đó. Vã chăng tiếng "yêu" "rak" nhắc nhở tiếng "Ràga" dục vọng, đồng nghĩa với Lobha, một danh từ khêu gợi "ái tình" (Love trong Anh ngữ), một từ ngữ xuất hiện khắp đó đây.

Từ ngữ phật giáo thích hợp để diễn tả tương quan giữa chúng sinh gồm bốn tiếng, mỗi tiếng diễn đạt một thái độ đặc thù và liên tục tiệm tiến:

- Từ, Mettà: Từ tâm, một thái độ căn bản bất biến.

- Bi, Karunà: Lòng trắc ẩn đối với chúng sinh bật hạnh hơn mình.

- Hỷ, Mudità: Hoan hỉ cảm thông với chúng sinh phúc lộc hơn mình.

- Xả, Upekkhà: Tịch tịnh, tâm vô phân biệt. Chìm mình trong liên đới đại đồng của "vô lượng chúng sinh", chẳng phân biệt người hay ta.

Bốn thái độ ấy được gọi là "Tứ Phạm Trụ" hay "Tứ Vô Lượng", mở rộng ra vô cùng vô tận bao quát vô lượng chúng sinh trong thập phương thế giới. Phương pháp tu tập tâm linh để thực hiện từ vô lượng định - Phe Mettà - bắt đầu với cái dễ, người thân thích rồi lan dần đến kẻ quen biết, người xa lạ, người khả ố, kẻ thù.

Ðây là ngôn ngữ tâm linh về tương quan "giữa những chúng sinh đồng hành..." ngôn ngữ này không dùng được để diễn tả liên hệ giữa Ngã cá biệt với Tối Hậu Tuyệt Ðối, hoặc giữa Tối Hậu Tuyệt Ðối với Ngã cá biệt. Về tương quan giữa Tín Hữu với Thiên Chúa, các tôn giáo có đặc tính nhân hình hóa chuộng sử dụng ngôn ngữ hồn nhiên của mối tương quan đầy cảm tình giữa con người với nhau, ngôn ngữ của Ái Tình, mặc cho sau này sẽ dần dà tinh luyện tùy theo mức tiến trên đường tu đức. Kitô hữu Thái có thói quen ghép hai tiếng "Mettà-Karunà" (Từ-Bi) để nói lên lòng lân mẫn của Thiên Chúa.

 

Ðệ tử Phật thuyết giảng tình yêu kitô giáo cho phật tử

Mọi tôn giáo đều nói đến "ái tha". Riêng kitô hữu coi yêu thương tha nhân là cốt lõi, là đỉnh cao của tôn giáo họ và đề cập đến yêu thương tha nhân nhiều hơn phật tử chúng ta. Chúng ta nói đến ái tha dưới khía cạnh tương trợ, lợi tha - Prayòt - theo nghĩa phổ cập liên đới, lợi cho mọi chúng sinh, kể cả bản thân mình. Quả nhiên, chúng ta ưa chuộng từ ngữ với ý nghĩa "vô lượng".

Kitô hữu còn tiến xa đến việc đồng hóa yêu thương tha nhân với yêu mến Thiên Chúa, Phra Chao. Ðối với kitô hữu, tình yêu Phra Chao như một giây thừng do ba sợi xe lại: Phra Chao yêu thương chúng ta nên chúng ta yêu thương tha nhân như Phra Chao yêu thương chúng ta. Chúng ta hãy xem xét kỹ càng cách diễn đạt này vì nó vừa hữu ích cho chúng ta, vừa có lợi cho mối giao hảo giữa chúng ta với Kitô hữu.

"Phra Chao yêu thương chúng ta bao nhiêu thì chúng ta phải yêu thương tha nhân bấy nhiêu".

Cho dù chỉ giới hạn cái nhìn vào khía cạnh luân lý phổ thông, khía cạnh "chánh pháp chung", mà chưa đề cập đến khía cạnh tôn giáo, thì yêu thương tha nhân là một nguyên tắc trong "luân thường". Vì vắng bóng tình thương tối thiểu, cuộc chung sống con người sẽ đi đến sụp đổ, Ðiều này đặc biệt đúng với sinh vật có ý thức. Tuy nhiên, người ta cũng tìm thấy chứng tích quy luật này nơi cả những sinh vật hạ cấp. Thậm chí rong rêu trên mặt nước cũng có xu hướng tụ họp lại với nhau, xem như chúng thích hợp quần hơn phân tán. Còn sinh động vật thì đương nhiên tự tìm cách quây quần bên nhau. Thú vật đồng loại khi chết đói đến nơi mới xâu xé lẫn nhau. Cứ theo bản năng tự nhiên, chúng tìm cách hợp đàn với nhau. Thái độ thù nghịch chỉ xuất hiện vì những lý do bất thường.

Mọi tôn giáo đều có kế hoạch hòa bình cho nhân loại, và đưa ra những quy tắc xử thế trong chiều hướng này. Yêu thương tha nhân là cơ sở căn bản tối hảo cho nền hòa bình này. Chúng ta thử hình dung xem yêu thương tha nhân có khả năng giải quyết các vấn đề của nhân loại đến chừng mực nào. Ðâu có yêu thương tha nhân thì đó không còn sát nhân, ngược đãi, lừa đảo, oan trái, trộm cắp, gian lận, lường gạt, bóc lột, dâm đãng, tà hạnh, dụ dỗ, gian dối, dèm pha, vu oan, lăng nhục, khinh miệt, say sưa... Yêu thương tha nhân sẽ giúp họ thọ trì ngũ giới đến mức hoàn hảo.

Phật tử chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã cẩn trọng nghiêm trì Ngũ Giới không? Nếu không thì lý do hiển hiện là chúng ta yêu thương tha nhân chưa đủ. Khỏi tìm hiểu đâu xa, rõ ràng chúng ta thiếu yêu thương tha nhân. Chúng ta phải theo kịp các kitô hữu vì họ khẳng định rằng chỉ cần hành trì giới luật yêu thương tha nhân là đảm bảo chắc chắn đã hoàn tất mọi giới luật đề cập đến trước đây. Cho dầu chúng ta có chi tiết hóa Ngũ Giới thành hàng tá giới luật riêng biệt đi nữa thì chúng ta cũng sẽ chỉ đạt được kết quả tương tự thôi.

Chúng ta chớ nên coi nhẹ tình yêu thương tha nhân. Trái lại chúng ta cần đào sâu giới luật trọng đại này để đem thực hành và truyền đạt cho thế hệ nối tiếp, vì yêu thương tha nhân là bảo đảm một hạnh kiểm đứng đắn. Hãy nhìn kỹ địa phương, làng mạc chúng ta, nếu có yêu thương tha nhân thì bao điều đáng tiếc đã không xảy ra.

 

Ngôn ngữ đa tạp

Như đề cập trên, đối với kitô hữu, yêu thương tha nhân là giây thừng do ba sợi xe lại: yêu mến Phra Chao, Ðấng hằng muốn chúng ta yêu thương tha nhân như Ngài yêu thương chúng ta. Ðối với phật tử, thật là cả một vấn đề khi nghe kitô hữu mô tả Phra Chao như một ngôi vị - Puggala - cá biệt, đặc thù biết yêu thương hay không yêu thương, biết trừng trị hay tưởng thưởng. Chúng ta không quan niệm Phra Chao dưới hình thức ấy. Ðối với chúng ta, Phra Chao là Pháp của Nguyên Tánh hoặc là một trong những giới luật đặc biệt diễn đạt Pháp của Nguyên Tánh.

Ðối với chúng ta, từ ngữ Pháp của Nguyên Tánh mới diễn tả được ý nghĩa Tối Hậu được ám chỉ dưới danh từ Phra Chao theo nhãn quan nhân hình hóa. Tôi có thể nói, trong đường hướng tối hậu, chính Tánh Pháp, Dharma Nguyên Thủy Tối hậu là Phra Chao đích thực và đấng kết hợp rốt ráo mọi quyền năng linh thiêng mà các tôn giáo quy về Ngài như: Ngài là Nguyên Thủy, Ðấng quan phòng và ban pháp mọi ân huệ.

Làm sao chúng ta có thể nói được Tánh Pháp yêu thương chúng ta hay chúng ta yêu mến Tánh Pháp. Tánh Pháp không phải là một đấng nào như kitô hữu khẳng định về Phra Chao và cũng đã cư xử trong tinh thần ấy. Hãy thử xem chúng ta có dám chấp nhận quy ước ngôn ngữ, quy ước tâm thức làm giả định tạm thời - Sammuti - cho phép chúng ta coi Tánh Pháp như một "đấng", như một Phra Chao, như một Thiên Chúa yêu thương chúng ta và được chúng ta kính yêu chăng?

Chỉ đưa ra một giả thuyết như vậy thôi cũng đủ làm cho tôi bị chế diễu đủ điều rồi phải không? nào tôi có nhằm đề nghị những điều chướng tai gì đâu, mà chỉ cố giải thích mong quý vị hiểu rõ vấn đề.

Chúng ta hãy nhắm lợi ích thiết thực. Pháp của Nguyên Tánh là Pháp chi phối mọi khía cạnh cá biệt của vũ trụ vận hành tiến dần lên chứng quả tối hậu của vạn pháp. Chúng ta có thể đồng hóa Tánh Pháp với tình thương Phra Chao hướng dẫn vạn vật đến chứng quả rốt ráo chăng? Ðiều này đúng hay sai, xin để quý vị tùy nghi thẩm định.

Tánh Pháp này có thật và chắc chắn được hướng về chứng quả tối hậu. Ai từ chối không hòa đồng với đà vươn lên của Tánh thì coi như bị trầm luân; ai hòa nhịp với đà vươn lên này sẽ tồn tại và tiến tới mãi, và khía cạnh trước kia chưa được biết sẽ sáng tỏ dần. Phải chăng, theo cách trước kia diễn tả mang màu sắc nhân hình, chúng ta có thể xem đó như là "hảo ý", "từ tâm" của Tánh Pháp, như là "tình yêu thương" thần thánh của Phra Chao mà ý nghĩa tối hậu chính là đà vươn lên của Tánh Pháp?

Chúng tôi thiết tưởng cần hoán vị mọi ngôn ngữ nhân hình hoá để giải thích ngôn ngữ ấy theo ý nghĩa rốt ráo của Chân Lý Tối Hậu, của Dharma. Và chính trong việc hành trì Tánh Pháp mà các tôn giáo khác có thể tùy nghi nhìn thấy cách thức "chúng tôi yêu mến Phra Chao, đền đáp tình yêu của Ngài nhờ ngoan ngùy đáp lại tiếng gọi của Ngài", không khác gì cách thức các tôn giáo ấy quan niệm tình yêu này đối với tín hữu mình. Việc chúng tôi nghiêm trì Tánh Pháp, Giới Luật của tinh tấn phổ quát cũng là cách thức chúng tôi "lấy tình yêu đáp lại tình yêu" đúng như Phra Chao mong chờ.

Là phật tử, chúng tôi luôn luôn đắn đo trong việc dùng ngôn ngữ tình yêu. Hình thức văn tự của loại ngôn ngữ này thật quá xa lạ đối với cách thức chúng tôi quan niệm giai trật của Tối Hậu và Ðạo của Tối Hậu đối với chúng tôi. Các con đường minh triết luôn luôn ưu tiên dùng ngôn ngữ của ti thức, trong lúc những con đường của Bhakti, của niềm tin lại chọn ngôn ngữ của quan hệ yêu thương.

Nếu con người cùng lúc yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thì không thể dừng lại nơi ngã vị ngã. Nếu con người chỉ biết đến ngã thì không thể yêu thương được. Yêu thương đích thực đòi hỏi con người phải từ khước bản thân. Yêu thương và vị kỷ có thể tuyệt đối khai trừ lẫn nhau.

Chỉ có vô minh tuyệt đối theo ý nghĩa của Tối Hậu mới giải thích nổi sự kiện con người có thể tôn ngã cá biệt nhỏ bé của mình lên hàng tuyệt đối và tối hậu. Tất nhiên, vô minh ấy sẽ biến thành tham dục vị kỷ đối với những gì đi ngược lại điều thèm muốn. Hãy nhìn xem loài vật, sự phản ứng theo bản năng của chúng là một bài học thấm thía đối với chúng ta vì nó biểu lộ những khuynh hướng hư hỏng trong thâm tâm chúng ta. Chúng ta thấy ở loài vật luôn có sự tự nhiên lệ thuộc của cá thể đặc thù vào chính mình vì bản năng sinh tồn của cá thể, hay nhất là của tập đoàn.

Nếu chúng ta quyết tâm đừng để cho bản năng vị kỷ của cá thể đặc thù áp bức bản thân thì có thể nói được chúng ta thoát khỏi vòng vô minh thú tính bẩm sinh, và chúng ta tiến gần đến việc chế ngự được lòng tham luyến và sân hận, ở bình diện cá thể hay phe nhóm.

Ðó là con "đường tắt" của chúng tôi; Ðạo trực tiếp của Giải thoát nhân sinh, con đường trực tiếp của Tối Hậu, của Dharma. Các tôn giáo độc thần có thể gọi con đường ấy là "Ðạo tình yêu Phra Chao trong yêu thương tha nhân, là Ðạo Bác Ái". Như vậy Ðức Ái trong ý nghĩa phổ cập, có thể được coi như là sự viên mãn của tôn giáo, của mọi tôn giáo, trong tinh thần và trong chân lý, là sự hoàn mãn mọi Tánh Pháp, sự hoàn thành rốt ráo của Karma, Anattà, Dharma.