Đức Thánh Cha Nói Với Đại Học: Đức Tin Và Văn Hóa Là Hai Yếu Tố Liên Kết Không Thể Phân Ly

Kỷ niệm năm thứ 90 ngày thành lập Đại Học Công Giáo Thánh Tâm

ROME, Chúa Nhật 22 tháng 5, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhắc đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa đức tin và văn hóa trong các đại học, nếu không "nhân loại sẽ có khuynh hướng thoái lui và khép kín các khả năng sáng tạo." Đức Thánh Cha nhắc rằng đức tin đã luôn luôn là "muối men cho văn hóa và ánh sáng cho trí tuệ."

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tiếp kiến ngày 21 tháng 5, giới điều hành, giáo sư và sinh viên Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập.

Trong diễn từ, Đức Thánh Cha đã nhắc đến thời đại chúng ta như "một giai đoạn biến cải rộng lớn và nhanh chóng," có ảnh hưởng tới đời sống đại học: "nền văn hóa nhân loại dường như bị đánh động bởi một sự suy đồi tiệm tiến, trong khi chú trọng đến những môn học mệnh danh là 'sản xuất' trong lãnh vực kỹ thuật và kinh tế." Ngài đã giải thích như vậy. "Người ta nhận thấy có khuynh hướng thu hẹp chân trời nhân loại vào tầm mức của những gì có thể đo lường được, và loại trừ kiến thức hệ thống hóa và phê bình vấn đề căn bản của cảm xúc."

Đức Thánh Cha tiếp: "Văn hóa hiện đại có khuynh hướng loại bỏ tôn giáo ra ngoài các lãnh vực của sự duy lý: theo cách thức các khoa học thực nghiệm dành độc quyền trong lãnh vực của luận lý, dường như không còn chỗ cho những lý do của đức tin, chính vì thế mà chiều kích tôn giáo đã bị khép kín trong phạm vi của ý kiến và sự riêng tư. Trong bối cảnh này, chính những động lực và các đặc tính của đại học phải được xem xét lại toàn bộ."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc lại và nhấn mạnh rằng đức tin không đi ngược lại kiến thức khoa học, nhưng còn giúp bành trướng "chân trời tư tưởng của chúng ta." "Viễn cảnh Kitô giáo, cũng như ban giáo huấn của đại học, không chống lại kiến thức khoa học và những chinh phục về trí tuệ con người, nhưng trái lại, đức tin mở rộng chân trời tư tưởng cuả chúng ta, đức tin là con đường đưa tới sự thật toàn hảo, là hướng dẫn cho một sự phát triển chân chính."

Ngài giải thích: "Không có một sự hướng dẫn về chân lý, không có một thái độ nghiên cứu khiêm nhường và kiên trì, tất cả mọi văn hóa sẽ sụp đổ trong chủ nghĩa tương đối và thoái hóa trong sự phù du." "Bị khuất phục bởi sự kiểm xoát của chủ nghĩa giản dị hóa làm cho bị kiềm chế và bị phong tỏa, nền văn hóa có thể được cởi mở ra cho những giải thích thật sự được soi sáng bởi chân lý, do đó có thể theo đuổi một sự phục vụ chân chính cho đời sống."

Phục vụ con người, chính là tạo sự thật trong bác ái

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI,"đức tin và văn hóa là những giá trị cao cả được nối kết không thể phân ly." "Khi sự liên kết này bị đổ vỡ, nhân loại có khuynh hướng thoái lui và khép kín những khả năng sáng tạo." Chính vì thế cần có "trong đại học một sự mê say tuyệt đối về vấn đề tuyệt đối, là chính chân lý, và do đó mê say về kiến thức thần học."

Đức Thánh Cha đã nhắc lại tầm quan trọng là "kiến thức về đức tin soi sáng cho những nghiên cứu của con người, giải thích trong khi nhân bản hóa, kết hợp trong các dự án có lợi ích chung, ngăn chặn cách suy luận vòng tròn là dùng kiến thức làm công cụ, và dùng những khám phá khoa học làm phương tiện để tạo quyền lực và nô lệ hoá con người."

Đức Thánh Cha tiếp: "Chân trời thúc đẩy công trình của đại học có thể và phải là một đam mê chân chính cho con người." "Phục vụ con người, là tạo dựng chân lý trong bác ái, là yêu chuộng đời sống, là luôn luôn kính trọng đời sống, là khởi đầu với các hoàn cảnh khi đời sống yếu đuối nhất và không tự bảo vệ được." "Chính đây là bổn phận của chúng ta, nhất là trong các thời kỳ khủng hoảng: lịch sử của văn hóa chứng tỏ phẩm giá con người đã được thực sự công nhận trọn vẹn trong sánh sáng của đức tin Kitô giáo."

Đại học Công Giáo được mời gọi để làm "nơi chốn có mẫu mực ưu tú của sự cởi mở về kiến thức, có sự đam mê về chân lý, có sự chú tâm đến lịch sự nhân loại có tính cách của một linh đạo thật sự Kitô giáo."

Đức Thánh Cha Benedict XVI kết luận: "Tự đặt mình vào một thái độ khép kín hay thờ ơ trước viễn cảnh của đức tin có nghĩa là quên rằng đức tin đã hiện diện trong suốt lịch sử, và luôn luôn là muối men cho văn hóa và ánh sáng cho trí tuệ, là sự thúc đẩy cho việc phát triển mọi khả năng tích cực cho lợi ích chân chính của nhân loại."