Xã Hội Dân Sự

Bài có đăng tại http://nguyenhong8406.blogspot.com

Việt Nam chưa có Xã Hội Dân Sự

Xã Hội Dân Sự là một hình thức cộng đồng, nhưng tính chất hoạt động và nội dung, cũng như ý nghĩa của nó là gì thì không phải người dân Việt Nam nào cũng hiểu rõ. Nếu nhân dân còn chưa hiểu thế nào là một Xã Hội Dân Sự, mà ta lại tuyên bố Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam "đang lừng lững bước tới" như lời nhà báo Bùi Tín thì chỉ biểu tỏ được sự lạc quan ở mức mong chờ và hy vọng, nhưng chưa sát với thực tế.

Theo tìm hiểu của người viết bài này, Xã Hội Dân Sự hay Xã Hội Công Dân là một khái niệm khá trừu tượng về phạm vi và ranh giới. Ngay đối với các nhà triết học nổi tiếng thế giới như Arixtot, Hegel, Locke, Gramsci, Diamond vv.., cũng còn chưa thống nhất về quan điểm. Nhưng có lẽ để phù hợp với tình hình chung của quốc tế, và thực tế của Việt Nam hiện nay, các nhà nghiên cứu về chính trị xã hội cũng sẽ chấp nhận rằng: Xã Hội Dân Sự bao gồm những tổ chức, hội đoàn, hiệp hội "hình thành tự phát dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm xã hội, hay luật sư đoàn hoạt động độc lập", nó hoạt động trong lĩnh vực công, nhưng nằm ngoài phạm vi gia đình, nhà nước và khu vực kinh tế, thương mại thuần túy. Thế nhưng nếu có những hoạt động kinh tài nhằm trang trải cho những chi phí hoạt động của các hội đoàn, thì cũng nên xác định đây là một trong những hoạt động của Xã Hội Dân Sự.

Xã Hội Dân Sự là nơi các công dân cùng nhau theo đuổi sự phát triển chung của một phạm vi nào đó trong cộng đồng, họ sinh hoạt bình đẳng với nhau, cùng nhau thảo luận và bàn bạc để tìm ra cách thức tổ chức và phát triển cộng đồng, họ bày tỏ các mối quan tâm về tư tưởng tôn giáo, chính trị, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu nhằm bảo vệ các lợi ích chung. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ này góp phần thúc đẩy xã hội phát triển cân bằng về chính trị, văn hóa, tư tưởng, thắt chặt quan hệ giữa người với người…

Đặc biệt, vì là những tổ chức có nhiều người tham gia (số lượng thường không hạn chế) cho nên tiếng nói của các tổ chức, hội đoàn trong Xã Hội Dân Sự có sức mạnh tác động quan trọng về chính sách vận hành đất nước đối với nhà cầm quyền trong một quốc gia. Vậy Xã Hội Dân Sự chính là những tổ chức hoạt động theo tinh thần dân chủ, góp phần quan trọng để bổ khuyết cho dân chủ, và thực thi công lý.

Ở Việt Nam hiện nay đang có hàng trăm các hội đoàn, nhưng tất cả đều nằm trong sự quản lý của cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc, và bị giam lỏng trong "Nghị Định về tổ chức hoạt động và quản lý hội" (sắc lệnh102/SL/L004 ngày 20/5/1957, văn bản mới nhất số 45 ban hành tháng 10/2010 NĐ-CP). Các tổ chức như Công Đoàn, Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Hội Bảo Vệ Bà Mẹ Trẻ Em, Hội Nghề Cá vv.., vị trí chủ tịch hội đều là do các đảng viên cốt cán của ĐCSVN nắm giữ. Các hội đoàn vì vậy đều hoạt động theo sự chỉ đạo và sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền.

Tại điều 24, khoản 2 NĐ 45 nói trên ghi rõ: "Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó". Khoản 8: "Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật". Với xác nhận rành rành là: "Chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực", thì các hội đoàn đã chính thức buộc phải trở thành một phần của cơ cấu nhà nước. Đồng thời Nghị định 45 cũng quy định (một cách không giấu diếm) về chính sách của nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù, xin trích điều 35, khoản1: "Các hội này được cấp kinh phí hoạt động theo biên chế được giao; bảo đảm kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động, được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công; thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án". Như vậy các hội đoàn đặc thù được nhắc đến như là những đơn vị chính thức thuộc cơ cấu nhà nước.

Nếu theo tiêu chí của Xã Hội Dân Sự đúng nghĩa thì các tổ chức "chịu sự quản lý nhà nước" nói trên, đều không phải là các tổ chức thuộc Xã Hội Dân Sự, các tổ chức thuộc Xã Hội Dân Sự đều hoạt động độc lập.

Vậy hiện nay còn lại những tổ chức và loại hình tổ chức nào được tồn tại ở Việt Nam mà chúng ta có thể tạm cho là những tổ chức thuộc Xã Hội Dân Sự?

Phải chăng gọi nhóm một số các nhà khoa học thuộc viện IDS (trước đây), hoặc nhóm trí thức viết kiến nghị gửi chính phủ đề nghị dừng triển khai dự án Bauxite ở Tây Nguyên, hay một số luật sư đã có tinh thần lên tiếng bảo vệ lẽ phải và kiến nghị với chính phủ, với quốc hội việc này việc khác như các vị luật sư như Trần Lâm, Lê Trần Luật, Cù Huy Hà Vũ vv.., là nhóm thuộc Xã Hội Dân Sự?

Không, những tổ chức hay nhóm các cá nhân nói trên chưa phải là những đại diện thuộc về một Xã Hội Dân Sự. Đối với IDS thì không nên nhắc lại làm gì vì thực chất họ là một tổ chức gồm nhiều đảng viên ĐCSVN, họ vừa mới có "cử động" muốn trở thành tiếng nói phản biện độc lập thì đã bị triệt hạ bằng quyết đinh 97 của chính phủ. Với những nhà trí thức ký tên xin dừng (không phải là phản đối) dự án Bauxite thì chỉ là các cá nhân riêng lẻ, thậm chí phần lớn chưa từng trực tiếp gặp nhau, họ chỉ đồng tình với nhau trong (một) công việc chứ chưa thể gọi là một tổ chức hay thậm chí một nhóm cho đúng nghĩa.

Nhà báo Bùi Tín cho rằng nhóm thanh thiếu niên và một số anh chị em treo biểu ngữ "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" (HS -TS - VN) là thuộc về một tổ chức Xã Hội Dân Sự thì chưa chính xác. Các hoạt động đấu tranh nhằm phơi bày sự thật về quan hệ vương – hầu giữa Trung Quốc và Việt Nam nói trên (không chỉ có việc treo biểu ngữ), là hoạt động của Đảng Việt Tân – Một đảng phái chính trị đấu tranh, đối lập hoàn toàn với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam. Họ là một tổ chức chính trị dân sự, nhưng cũng không phải là một tổ chức thuộc Xã Hội Dân Sự. Vì một tổ chức nằm trong Xã Hội Dân Sự thì trên nguyên tắc, họ không được có hành động phản kháng nhằm xóa bỏ thể chế chính trị hiện hành, nó chỉ đóng vai trò phản biện xã hội, đấu tranh trong phạm vi xây dựng và trong khuôn khổ của pháp luật. Mà Đảng Việt Tân thì lại có chủ trương "tháo gỡ chế độ độc tài, canh tân đất nước".

Hiện nay ở Việt Nam chưa có Xã Hội Dân Sự. Có chăng chỉ là hàng trăm tổ chức, hội, hiệp hội bù nhìn trá hình, là tay sai, là cánh tay nối dài của nhà cầm quyền mà thôi. Nói "Xã Hội Dân Sự đang lừng lững bước tới" chỉ là một sự động viên, khích lệ…

Có người hy vọng vào các tổ chức tôn giáo sẽ làm thay nhiệm vụ lập nên một Xã Hội Dân Chủ, dù điều này quả là phiến diện. Nhưng nhà cầm quyền CSVN trong mấy chục năm qua, đã đào tạo và cài người của mình xâm nhập vào tất cả các tôn giáo lớn ở Việt Nam. Người ta không lạ gì với các linh mục quốc doanh, nhà sư quốc doanh, mục sư quốc doanh. Một vài nhà lãnh đạo các giáo hội có tư tưởng dân chủ tiến bộ, thì đã và đang bị công an cô lập gần như hoàn toàn với những hoạt động dân sự ngoài lĩnh vực tâm linh,,,

Vậy làm cách nào để có một Xã Hội Dân Sự?

Chỉ có hai cách: Một là, nhà cầm quyền phải thực sự trao quyền tự do thành lập hội cho người dân (không được phép kiểm soát, can thiệp vào một tổ chức, hội nhóm nào đó nếu chưa được tòa án phán quyết là họ vi phạm pháp luật). Chấp nhận sự đa nguyên của xã hội bằng cách mở cửa việc tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, phát thanh truyền hình… Điều này gần như không tưởng!

Cách thứ hai: Người dân Việt Nam phải tự lập ra những hội kín, thực ra là là một cách lập nên một Xã Hội Dân Sự ngầm. Khi những hội đó đủ mạnh thì bung ra hoạt động công khai, dùng uy lực của số đông để buộc nhà cầm quyền phải chấp nhận. Đây là một giải pháp tình thế để tránh bị đàn áp, vì nhà cầm quyền sẽ vin vào đủ mọi lý do để khống chế một Xã Hội Dân Sự tự do. Họ biết rằng: Xã Hội Dân Sự sẽ chính là thành phần đào mồ chôn thây Chủ Nghĩa Cộng Sản.

Xã Hội Dân Sự đúng nghĩa thực sự chỉ có khi đất nước hoàn toàn rũ bỏ được hệ thống chính trị Độc Tài Cộng Sản thối nát. Muốn làm được điều đó thì chỉ có cách đấu tranh, không còn con đường nào khác.

 

Lê Nguyên Hồng