Catholic: Công Giáo hay Thiên Chúa Giáo?

Vấn đề hai danh từ Công Giáo và Thiên Chúa Giáo đã được chúng tôi và một số nhà nghiên cứu trình bày nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn còn được tranh luận hàng ngày trên các diễn đàn. Đa số không cần biết nguồn gốc lịch sử hay ý nghĩa của hai danh từ này, họ cứ nói theo cảm tính (feeling) hay ác ý của mình. Vì thế, chúng tôi xin tóm lược lại vấn đề này một lần nữa.

Các nhà ngữ học khám phá ra cứ 7 chữ Việt có 5 chữ phát xuất từ tiếng Trung Hoa, đa số được phiên âm dưới dạng Hán – Việt, một số được dịch nghĩa. Các tên riêng cũng thường được phiên âm hay dịch nghĩa như thế, chẳng hạn Evangelical được dịch là Tin Lành, Orthodox là Chính Thống Giáo, Buddha được phiên âm là Phật-đà, Rousseau là Lư-thoa, Platon là Bá-lạp-đồ, Washington là Hoa Thịnh Đốn, Paris là Ba-lê, v.v.

1.- Danh từ "Thiên Chúa Giáo" hay "đạo Thiên Chúa".

Lục soát trong các cuốn tự điển cũng như niên giám bằng ngoại ngữ trên thế giới hiện nay chúng ta không thấy có tôn giáo nào có tên là "Thiên Chúa Giáo" hay "đạo Thiên Chúa", ngoại trừ ở Trung Hoa. Những người theo đạo Chúa Jesus Christ được gọi là Chrétien (Pháp), Christian (Anh) hay Ki-tô hữu (Việt Nam). Những danh từ này phát xuất từ tiếng Hy Lạp là Christos hay Khristos và tiếng Latin là Christus. Chữ Jesus được người Tàu phiên âm là Ye-su, còn người Việt phiên âm là Giêsu. Chữ Christ lúc đầu được người Việt phiên âm là Khirititô rồi Kirixitô và nay là Kitô. Chữ Christ nếu dịch thì có nghĩa là Đứng Cứu Thế. Như vậy Chúa Jesus Christ được phiên âm là Chúa Giêsu Kitô.

Như đã nói trên, tên Chúa Jesus được người Tàu phiên âm là Ye-su. Các dụ cấm đạo của nhà Nguyễn viết bằng chữ Hán cũng viết là Ye-su, nhưng khi được phiên âm ra chữ Nôm lại đọc là Da-tô hay Gia-tô. Trong một vài trường hợp, các dụ cấm đạo này còn gọi đạo của Chúa Jesus là đạo Hoa Lang, vì lầm tưởng đạo này của người Bồ Đào Nha! Các nhà truyền giáo Tây phương cũng như người Việt theo đạo Chúa Jesus không bao giờ chấp nhận lối phiên âm hay lối gọi này. Sách "Chân Đạo Yếu Lí" (1882) của Giám Mục Paul – François Puginier đã viết: "Bằng tiếng Da Tô kẻ ghét đạo quen dùng, thật là tiếng vô nghĩa trong nước Annam..." Dĩ nhiên, không thể dùng chữ Da-tô hay Gia-tô để phiên âm hay dịch chữ Catholic như một số người đã làm hay cố ý gán ghép với ác ý, vì hai chữ này là cách phiên âm chữ Jesus của các dụ cấm đạo, còn chữ Catholic hoàn toàn khác. Những người dùng danh từ Da-tô hay Gia-tô để chỉ đạo Công Giáo đều cố ý phỉ báng.

Ngày nay đạo của Chúa Jesus Christ được tiếng Anh gọi là Christianity, thường được Giáo Hội Công Giáo VN phiên âm là Kitô giáo, một số giáo phái Tin Lành VN phiên âm là Cơ-đốc giáo (Jidu jiao). Các danh từ này bao gồm tất cả các giáo phái theo đạo Chúa Jesus Christ như Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống, Công Giáo La Mã v.v.

Người Việt hay gọi đạo do Chúa Jesus Christ lập là "Thiên Chúa Giáo" hay "đạo Thiên Chúa". Chữ này cũng phát xuất từ Trung Hoa. Vào khoảng thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo Tây phương đến truyền giáo tại Trung Hoa đã nghĩ đến phải chọn một danh xưng phù hợp với văn hoá Trung Hoa. Họ thấy trong cổ văn Trung Hoa có câu: "Chí cao mạc nhược Thiên, chí tôn mạc nhược Chủ", có nghĩa là "Cao nhất không gì bằng Trời, đáng kính trọng nhất không gì bằng Chủ". Họ thấy hai chữ Thiên và Chủ của người Trung Hoa được ghép lại rất phù hợp với chữ "Đức Chúa Trời" (Deus, God) trong Thánh Kinh nên quyết định dùng chữ Thiên Chủ để chỉ Chúa Jesus Christ, với ý nghĩa Chúa Jesus là "Thiên địa chân chủ" tức "Chủ thật của trời đất".

Tuy nhiên, Thiên Chủ giáo (Tianzhu jiao) khi truyền qua Việt Nam vào thế kỷ XVI và XVII được gọi là Thiên Chúa Giáo, vì lúc đó đang giai đoạn Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn nằm quyền, vua chỉ có hư vị. Trong chữ Hán, chữ Chủ và chữ Chúa viết giống nhau và có cùng một nghĩa.

2.- Danh từ Công Giáo

Theo lịch sử, danh từ Giáo Hội Công Giáo (Catholic Church) được dùng đầu tiên trong thư của Thánh Ignatius thành Antioch gởi cho giáo dân Smyrnaeans (tức ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) vào khoảng năm 110. Trong thư có đoạn: "Where the Bishop is, there let the multitude of believers be; even as where Jesus is, there is the Catholic Church'' có nghĩa: "Ở đâu có Giám Mục ở đó có quần chúng tín hữu, ngay cả nơi nào có Chúa Jesus, ở đó có Giáo Hội Công Giáo" (Letter to the Smyrneans 8:2 [A.D. 110]).

Thánh Ignatius là vị giám mục thứ 3 của Kitô Giáo (98 – 117) và là môn đệ của Thánh John. Giám mục tiên khởi là Thánh Peter do chính Chúa Jesus lập, và giám mục thứ hai là Thánh Evosius.

Thật ra, từ đầu danh từ Giáo Hội Công Giáo đã được ghi trong Kinh tuyên xưng Đức Tin (Profession of Faith), thường được gọi là Kinh Tin Kính, do các môn đệ của Chúa Jesus đặt, có tên bằng tiếng Latin là Symbolum Apostolicum (Symbol or Creed of the Apostles), tức Kinh tuyên xưng Đức Tin của Các Tông Đồ. Ở đoạn tuyên xứng thứ 8 của kinh này ghi tôi tin Hội Thánh Công Giáo (Sanctam Ecclesiam Catholicam). Kinh tuyên xưng Đức Tin này được đọc khi chịu phép Rửa Tội.

Kinh tuyên xưng Đức Tin của Đại Công Đồng (Great Council) tại Nicaea từ ngày 20.5.325 được đọc trong các Thánh Lễ hàng ngày của Giáo Hội Công Giáo cũng dùng chữ "Ecclesiam Catholicam". Kinh tuyên xưng Đức Tin này nói lên Giáo Hội có 4 đặc tính là "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" (Et unam sanctam catholicam et apostolicam Ecclesiam).

Ngày nay, danh từ Giáo Hội Công Giáo (Ecclesia Catholica) được chính thức dùng trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II (Nostra Aetate, 2:3) và khi ký ban hành các văn kiện của Công Đồng này, Đức Giáo Hoàng Paul IV đã ghi: "Tôi, Phaolô, Giám Mục Giáo Hội Công Giáo" (I, Paul, Bishop of the Catholic Church) trước khi ký tên. Danh từ Giáo Hội Công Giáo cũng đã được ghi ở điều 11 của Bộ Giáo Luật.

Chữ ECCLESIA trong tiếng Latin, Church (viết hoa) trong tiếng Anh hay Église (viết hoa) trong tiếng Pháp, được các giáo sĩ Công Giáo Việt Nam dịch là Hội Thánh hay Giáo Hội.

Chữ CATHOLICA phát xuất từ tiếng Hy Lạp là Katholicos, có nghĩa là phổ quát hay chung cho mọi người (universal or concerning the whole). Lúc đầu, các nhà truyền giáo Tây phương không biết phải dịch chữ "Sanctam Ecclesiam Catholicam" ra tiếng Việt như thế nào, nên trong các Kinh tuyên xưng Đức Tin tiếng Việt lúc đầu đã được đọc là "Tôi tin có Sancta Ighêleja catholica", sau đó Kinh tuyên xưng Đức Tin này được dịch lại và chữ "Santam Ecclesiam Catholicam" được dịch là Tôi Tin có "Hội Thánh hằng có ở khắp thế này". Chữ "hằng có ở khắp thế này" cũng lột được ý nghĩa của chữ Catholica, có nghĩa là phổ quát, chung cho mọi người, nhưng không gọn gàng lắm, nên hàng giáo sĩ Việt Nam quyết địch dịch chữ Catholica là Công Giáo và chữ này được đưa vào bản dịch Kinh tuyên xưng Đức Tin của Đại Công Đồng Nicaea.

Tại sao Catholica được dịch là Công Giáo?

Bởi vì trong chữ Hán, chữ CÔNG có nghĩa là chung cho mọi người. Mở quyển tự điển Đào Duy Anh, tìm chữ CÔNG chúng ta thấy chữ này được giải nghĩa là "VIỆC CHUNG", "MỌI NGƯỜI", rất sát với chữ Katholicos gốc Hy Lạp. Các tự điển Hán Việt khác cũng giải nghĩa CÔNG là CHUNG. Dĩ nhiên, cũng như những chữ khác, chữ CÔNG còn có nhiều ý nghĩa khác như công là việc quan, công là bố chồng, công là con đực, v.v. (xem Hán Việt tự điển của Thiều Chửu). Các chữ này trong chữ Hán đều viết gióng nhau, nhưng ý nghĩa của mỗi trường hợp khác nhau.

Từ lâu, người Tàu cũng đã dùng chữ CÔNG để dịch chữ Catholica trong Kinh tuyên xưng Đức Tin và được các giáo sĩ Việt Nam phiên âm ra Hán –Việt như sau: "Thần tín hữu thánh nhi CÔNG IGHÊREGIA", nghĩa là "Tôi tin có một GIÁO HỘI thánh thiện mà là CÔNG GIÁO" (chữ Ighêregia là phiên âm từ chữ Ecclesia). Từ đó đến nay, có ai bên Tàu nghĩ rắng Giáo Hội Công Giáo là giáo hội của nhà nước đâu? Các nhà truyền giáo và giáo sĩ Việt Nam cũng đã dựa theo đó dịch chữ Catholicism là đạo Công Giáo, Catholic là người Công Giáo.

Tên của các tôn giáo thường hoặc lấy tên của người sáng lập ra tôn giáo đó như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, hoặc tên nơi phát sinh ra tôn giáo đó như Ấn giáo, Do Thái giáo hay Anh giáo, hoặc dịch nghĩa như Evangelical là Tin Lành, Orthodox là Chính Thống Giáo, Catholicism là Công giáo... Đó là chuyện bình thường.

Đọc các danh từ Phật giáo được phiên âm hay dịch từ tiếng Pali-Sanskrit, Tạng văn qua chữ Hán rồi từ chữ Hán qua chữ Việt, chúng ta thấy phức tạp hơn nhiều. Một vài thí dụ cụ thể: Chữ Công Án (gòng-àn. kòan): Trong chữ Hán, chữ Công này viết hoàn toàn giống chữ Công trong Công Giáo, và theo nguyên nghĩa, Công Án có nghĩa là một án công khai, quyết định phải trái trong quan phủ. Nhưng trong Thiền tông của Phật giáo, thuật ngữ này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt (Tự Điển Phật Học, Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách, Huế 1999). Có ai nói chữ Công Án trong Phật Giáo là bản án của nhà nước đâu? Một thí dụ khác: Chữ Cư Sĩ được lấy từ tiếng Sanskrit là grhapati và tiếng Pali là gahapati, phiên âm ra chữ Hán là kulapati, đã từng được phiên âm Hán Việt là Ca-la-việt (Tự Điển Phật Học, sđd), nhưng nay những người theo Phật giáo thường gọi kulapati là Cư Sĩ, chẳng ai có quyền bắt họ phải gọi kulapati là Ca-la-việt, không được gọi là Cư Sĩ.

Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa vẫn gọi đạo Công Giáo là Thiên Chủ Giáo (Tianzhu jiao) và các tự điển Anh – Hoa hay Pháp – Hoa vẫn dịch chữ Catholic Church (tiếng Anh) hay Église Catholique (tiếng Pháp) ra tiếng Hoa là Thiên Chủ Giáo. Nhiều người Việt cũng gọi đạo Công Giáo là Thiên Chúa Giáo, nhưng đó không phải là danh xưng chính thức.

Ngày 21.6.2011

Lữ Giang