Hồi Giáo có nằm trong kế hoạch Thiên Chúa không?

Nói gì thì nói, Hồi Giáo vẫn là một tôn giáo có số tín hữu đông ngang ngửa Công Giáo. Và số đông ấy càng ngày càng có khuynh hướng gia tăng chứ không suy giảm. Hiện tượng ấy mang lại thật nhiều ngạc nhiên, nếu không muốn nói là ngỡ ngàng, giữa những tin tức đầy tiêu cực về tôn giáo này trong suốt mấy thập niên qua, nhất là từ những ngày đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Không thiếu người còn quả quyết nó không phải là một tôn giáo. Ta thử xem một số nhân vật Công Giáo ở Trung Đông cảm nhận ra sao đối với hiện tượng Hồi Giáo, một hiện tượng không phải họ chỉ thấy mà là họ phải sống với trong suốt cuộc đời của họ.

Cũng là dịp thuận tiện, vì đầu tháng 7 này, hãng tin Zenit có phỏng vấn hai nhân vật có tiếng tại Trung Đông là linh mục Samir Khalil Samir, một thần học gia sinh tại Ai Cập và từng hoạt động tại Trung Đông hơn 20 năm qua. Ông là một học giả Dòng Tên, chuyên nghiên cứu về Hồi Giáo và hiện dạy thần học Công Giáo và Hồi Giáo học tại Đại Học Thánh Giuse ở Beirut, sáng lập viên viện nghiên cứu CEDRAC và là tác giả nhiều bài báo và cuốn sách giá trị về Hồi Giáo, trong đó có cuốn "111 Câu Hỏi Về Hồi Giáo". Người thứ hai là Đức Cha Samir Nassar, Tổng Giám Mục Damascus, nơi Thánh Phaolô bị quật ngã và trở thành đại tông đồ của Đức Kitô. Năm nay 60 tuổi, Đức Cha Nassar phục vụ Giáo Hội địa phương từ năm 2006. Đức Cha nói tới những khó khăn mà Giáo Hội Damascus nói riêng và Giáo Hội Trung Đông nói chung đang gặp phải, nhưng các Giáo Hội này cũng không thiếu lý do để hy vọng.

Hiểu biết chung

Nhân cơ hội có cuộc hội nghị của Qũy Oasis Quốc Tế tại Lebanon trong hai ngày 21 và 22 tháng 6 vừa qua, nhằm thăng tiến việc hiểu biết nhau giữa người Kitô hữu và người Hồi Giáo, Cha Samir đã dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn. Cha nhấn mạnh điểm này: việc sống chung giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo rất cần cho xã hội vì sự tra vấn hỗ tương của họ về đức tin của nhau là một kích thích và dẫn người ta tới việc hiểu biết nhau sâu sắc hơn.

Vấn đề giáo dục vì thế được chú tâm đặc biệt trong cuộc họp lần này. Theo cha, cả hai tôn giáo đều thấy việc chuyển giao niềm tin cho thế hệ mới và các thế hệ sắp tới là việc không luôn dễ dàng. Bởi thế, vấn đề cấp bách là tự hỏi: ta phải suy nghĩ lại niềm tin của chúng ta ra sao để phục vụ không những giới trẻ, mà còn cả các giáo xứ và đền thờ nữa để họ có thể nói về niềm tin ấy cho tín hữu của mình. Đó chính là điều hội nghị nhắm: học hỏi kinh nghiệm Kitô Giáo tại Lebanon, kinh nghiệm Hồi Giáo Sunni và kinh nghiệm Hồi Giáo Shiite tại đây. Hội nghị muốn so sánh, muốn nhận dạng dù đó chỉ là các khó khăn chung, và cùng nhau tìm cách giải đáp các khó khăn đó. Theo cha, đứng trước cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa trong niềm tin Kitô Giáo và Hồi Giáo, thì đó là mục tiêu chính.

Nhưng đối với thế giới Kitô Giáo và Hồi Giáo, việc giảm thiểu sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Đông đang gây ra những hậu quả như thế nào? Cha Samir cho hay: việc một số Giáo Hội tại Trung Đông biến mất dĩ nhiên là một mất mát lớn cho Kitô Giáo. Vì theo Đức Gioan Phaolô II, giống bất cứ con người nào, Giáo Hội sống bằng hai lá phổi: Đông và Tây. Các Giáo Hội Đông Phương phát sinh ngay tại đây, tại quê hương của Chúa Giêsu, tại các lãnh thổ Trung Đông, nơi Chúa Kitô từng sinh sống. Bây giờ, nếu cái kinh nghiệm này, nếu cái truyền thống của hai thiên niên kỷ này mất đi, thì sự mất mát này là mất mát cho toàn thể Giáo Hội, cho cả các Kitô hữu của Đông Phương cũng như cho các Kitô hữu của Tây Phương.

Tuy nhiên, tệ hơn thế, nếu các Kitô hữu lìa bỏ Trung Đông, hay nói cách khác, nếu người Hồi Giáo ở lại một mình, thì yếu tố kích thích nói trên không còn nữa, nghĩa là yếu tố đa dạng mà người Kitô hữu từng đóng góp xưa nay sẽ không còn nữa. Tính đa dạng về niềm tin chẳng hạn, vì người Hồi Giáo hay hỏi người Kitô Giáo: làm sao các anh có thể nói Thiên Chúa vừa là Duy Nhất vừa là Ba Ngôi? Điều ấy mâu thuẫn. Người Kitô hữu trả lời: làm sao các anh có thể nói Mohammed là tiên tri? Theo các anh, tiêu chuẩn làm tiên tri là thế nào? Mohammad có đủ tiêu chuẩn làm tiên tri như thế không? Và nói rằng Kinh Koran do Thiên Chúa là có ý nói gì? Các anh bảo nó do Mohammed truyền lại là nghĩa lý gì? Chúng tôi bảo Thánh Kinh là do Thiên Chúa nhưng qua trung gian các tác giả phàm nhân, trong khi người Hồi Giáo lại muốn loại bỏ tư cách trung gian của Mohammed.

Những câu hỏi đại loại như thế từ phía người Hồi Giáo và từ phía người Kitô Giáo chính là chất kích thích, không phải chỉ đối với nền văn minh mà cả cho xã hội dân sự nữa. Mất nó sẽ là mất mát lớn vì nguy cơ là người ta sẽ mưu toan lập ra một xã hội, một nhà nước đặt căn bản trên luật sharia nghĩa là trên một điều đã được thiết dựng trong thế kỷ thứ 7 tại vùng Bán Đảo Ả Rập, dù với người Hồi Giáo, họ cứ cho là luật đó có giá trị đối với mọi thời và mọi nền văn hóa. Đây là vấn nạn lớn của Hồi Giáo: làm thế nào để có thể tái suy nghĩ về Hồi Giáo trong xã hội ngày nay? Việc thiếu bóng Kitô Giáo có thể làm cho vấn nạn ấy thêm trầm trọng.

Một Hồi Giáo cởi mở

Liệu Hồi Giáo, vào một thời điểm nào đó, có "ngộ" được điều đó hay không? Theo cha Samir, đối với Tây Phương cũng như đối với Giáo Hội, "ngộ" đây có nghĩa là một đổi mới trong tâm trí về đức tin. Việc đổi mới này giúp ta được gợi hứng bởi văn hóa và những chỉ trích phê bình nó mang tới. "Ngộ" vì thế có nghĩa là dọi ánh sáng trọn vẹn vào các thực tại của thế giới đức tin. Nguy cơ của tín hữu là chỉ bắt đầu từ hiện tượng niềm tin, vốn chỉ là một hiện tượng phiến diện trong đời sống con người và đời sống xã hội. Theo cha Samir, nếu ta không giáp mặt với hiện tượng tôn giáo này bằng khoa học, bằng nhân quyền, bằng việc khai triển tâm lý học cũng như các khoa học nhân văn, bằng các nền văn hóa của thế giới, ta sẽ không có một Kitô giáo cởi mở hay, như trong trường hợp này, một Hồi Giáo cởi mở.

Cha cũng cho rằng, Hồi Giáo có khả năng "ngộ". Bằng chứng cụ thể là thế kỷ thứ 9 và thứ 10. Hồi đó, họ có được một giác ngộ lớn nhờ được gợi hứng bởi các Kitô hữu Syria, Palestine và Iraq là những người, sau khi thu thập được nền văn hóa Hy Lạp, đã truyền bá nó, dịch thuật nó, giải thích nó và do đó, đã tạo ra nhiều thế hệ tư tưởng gia Hồi Giáo biết áp dụng cùng một diễn trình trên vào Kinh Koran, vào các tín điều và truyền thống thánh của mình.

Hiện tượng trên, theo Cha Samir, đã tiếp diễn qua thế kỷ 11 rồi sau đó từ từ mất đi, vì lúc này xuất hiện một phe phản động trong Hồi Giáo đòi chỉ chú tâm tới tôn giáo mà thôi, loại bỏ hết triết học và cả khoa phê bình lịch sử về tôn giáo nữa. Nếu khuynh hướng này tiếp diễn, thì không bao giờ còn chuyện giác ngộ. Điều tiên quyết, theo cha Samir, là người Hồi Giáo phải nghiên cứu mọi khoa học và nhất trí nghiên cứu bản văn Kinh Koran như bất cứ bản văn nào khác trong nền văn học Ả Rập, bằng cùng các tiêu chuẩn như nhau.

Cha cho rằng mục tiêu chính là phải bắt đầu với một lịch sử phi bí nhiệm (demystified history). Cha hy vọng rằng trong tương lai, người Hồi Giáo sẽ tiến tới chỗ có thể đọc lại Kinh Koran theo lối phê phán và có tính tôn giáo thực sự này, một lối đọc bằng đức tin và văn hóa, đức tin và khoa học, đức tin và lý trí. Thiển nghĩ đó chính là điểm chủ yếu trong diễn văn Regensburg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Đức Bênêđíctô XVI, dù đối với nhiều người Hồi Giáo, và một số Kitô hữu Đông Phương đã bị Hồi Giáo hóa, đó là một diễn văn gây ngỡ ngàng.

Chỗ đứng trong kế hoạch cứu rỗi

Làm cách nào có thể lồng việc phát sinh và truyền bá Hồi Giáo vào trong kế hoạch cứu rỗi? Cha Samir cho rằng đây là một câu hỏi tế nhị nhưng có giá trị. Cha nghĩ nên hỏi như thế này: Với những điều người ta biết xưa nay, liệu Hồi Giáo có vị trí nào trong kế hoạch của Thiên Chúa chăng? Trong suốt lịch sử của mình, người Kitô hữu Đông Phương thường hay đặt câu hỏi như thế. Các nhà thần học Kitô Giáo người Ả Rập thường trả lời như sau: Thiên Chúa cho phép Hồi Giáo ra đời để trừng phạt người Kitô hữu về các bất trung của họ. Thực ra, muốn hiểu Hồi Giáo, ta phải trở lại với sự chia rẽ giữa các Kitô Hữu Đông Phương, một sự chia rẽ phần lớn do các động lực duy quốc gia và văn hóa, nấp đàng sau các công thức thần học thúc đẩy. Tình huống đó ngăn cản họ không rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trong vùng, một việc mà Hồi Giáo đã thực hiện một phần.

Vì quả Hồi Giáo có giúp tái khẳng định niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, kêu gọi người ta hoàn toàn tận hiến cho Người, thay đổi cuộc sống để chỉ thờ phượng Người. Đây quả là một phản ứng lành mạnh, tiếp nối truyền thống Thánh Kinh của cả Do Thái Giáo lẫn Kitô Giáo. Nhưng trên thực tế, để đạt tới điều ấy, Hồi Giáo đã loại bỏ bất cứ điều gì gây khó khăn cho nó, đặc biệt là: bản tính nhân loại và đồng thời thần linh của Chúa Kitô; Thiên Chúa duy nhất nhưng Ba Ngôi, Đấng đối thoại và yêu thương ta; và sự kiện Chúa Kitô vâng lời cho đến chết trên thánh giá, tự đổ mình ra vì yêu thương chúng ta, như lời Thánh Phaolô viết.

Do đó, Hồi Giáo là một tôn giáo thuận lý hóa, không phải với ý nghĩa phù hợp với Chúa Thánh Thần và tính thuận lý của Thiên Chúa, mà theo nghĩa đơn giản hóa bất cứ khía cạnh nào lý trí con người không thể hiểu. Bởi thế, Hồi Giáo tự cho mình là tôn giáo mạc khải thứ ba và cuối cùng… Đối với chúng ta, điều đó không đúng. Sau Chúa Kitô, Đấng được Kinh Koran nhìn nhận là Lời Thiên Chúa, không thể hiểu được việc Thiên Chúa lại có thể gửi một Lời khác là Kinh Koran.

Liệu Kinh Koran có nhất trí và được dùng để làm sáng tỏ Tin Mừng không? Cha Samir bảo: tại sao không? Vì cũng như các thánh, những người đã làm sáng tỏ Tin Mừng và con người của Chúa Giêsu. Có điều ở đây, quả là có mâu thuẫn. Cha cho rằng không thể nói: Thiên Chúa đã sai một tiên tri, tức Mohammed, với một mạc khải mới. Càng không thể nói về ông như là "niêm ấn các tiên tri", khatam al-nabiyyin, như Kinh Koran viết, nghĩa là ông hoàn tất, sửa chữa và dẫn mạc khải của Chúa Kitô tới chỗ hoàn tất.

Nếu thế thì đâu là chỗ đứng của Hồi Giáo trong kế hoạch của Thiên Chúa? Theo Cha Samir, đối với Kitô hữu, chúng ta cần trở lại với chính nền tảng của Hồi Giáo: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, là Thực Tại Tối Hậu, vốn là khẳng định nền tảng của Do Thái Giáo và Kitô Giáo, được Kinh Koran tiếp nhận trong câu 112 rất hay sau đây: "Đúng: Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất! Thiên Chúa là Đấng khôn dò!" v.v… Đây là một khẳng định mà cuộc sống hiện nay đang có nguy cơ khiến chúng ta quên khuấy. Hồi Giáo nhắc ta nhớ rằng nếu Chúa Kitô là tâm điểm đức tin Kitô Giáo, thì Người luôn luôn là như thế trong tương quan với Chúa Cha; nghĩa là luôn luôn hợp nhất, dù Kinh Koran không cố gắng tìm hiểu về Chúa Thánh Thần.

Người Kitô hữu hàng ngày được người Hồi Giáo hỏi về đức tin của họ, và điều đó làm họ phải không ngừng suy nghĩ lại về đức tin ấy từ cái nhìn của Hồi Giáo. Cha Samir cho hay: ngài cám ơn người Hồi Giáo về các phê phán của họ, bao lâu họ coi những phê phán đó như để suy tư chứ không hẳn để tranh cãi mâu thuẫn. Các câu hỏi do người Kitô hữu đặt cho người Hồi Giáo cũng nên theo tinh thần này.

Ơn gọi của người Kitô hữu Đông Phương là sống với người Hồi Giáo, dù thích hay không thích. Đây là một sứ mệnh! Khó khăn đấy, nhưng người Kitô Giáo và người Hồi Giáo phải sống chung với nhau. Chính vì thế, người Hồi Giáo phải bảo vệ sự hiện diện của người Kitô Giáo và người Kitô Giáo phải bảo vệ sự hiện diện của người Hồi Giáo. Thực vậy, không thể để từng bên tự bảo vệ mình, vì điều này sẽ dẫn tới kình chống, đối đầu.

Bởi thế, cha Samir hy vọng rằng Thượng Hội Đồng về Trung Đông, sẽ diễn ra từ ngày 10 tới ngày 24 tháng 10 tới, không những giúp người Kitô hữu Tây Phương cũng như Đông Phương mà còn giúp cả người Hồi Giáo biết suy nghĩ lại ý nghĩa kế hoạch Thiên Chúa mà họ phải tái khám phá trong tình bằng hữu: tại sao họ đã cùng có mặt tại mảnh đất Trung Đông này, mảnh đất của Chúa Giêsu, nhưng cũng là mảnh đất của Môsen và Mohammed? Mảnh đất này phải thực sự là "Đất Thánh".

Damascus của Thánh Phaolô và Damascus ngày nay

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Nơi Chúa Khóc" của Hệ Thống Truyền Thanh và Truyền Hình Công Giáo (CRTN), Đức Tổng Giám Mục Samir Nassar cho hay: dù Kitô Giáo tại Damascus có cội rễ từ trước thời Thánh Phaolô, nhưng ngày nay, cái cộng đồng nhỏ bé ấy đang phải cố tranh đấu để sống còn. Lý do vì Giáo Hội ấy là một thiểu số trên lãnh thổ Hồi Giáo, nhỏ bé đến độ các cá nhân Kitô hữu đang bị mất hút giữa các qui phạm văn hóa đa số. Nhưng ngài không bi quan.

Theo Đức TGM Nassar, Damascus và Syria là một xứ sở Kitô Giáo rất cổ xưa. Tại Syria, Giáo hội vốn có tới 33,000 nhà thờ. Syria vốn đa số theo Kitô Giáo và ngày nay người ta vẫn còn thấy nhiều địa danh Kitô Giáo nổi danh. Nhiều nhà thờ Kitô Giáo vẫn còn rất sinh động. Kitô hữu tại Syria không phải là khách trú. Họ là gốc rễ và sống song hành với người Hồi Giáo từ thế kỷ thứ 7. Tuy nhiên, Kitô Giáo có gốc rễ sâu xa ở Syria trước Hồi Giáo. Đúng thế, trước cả Thánh Phaolô, vì Thánh Phaolô được rửa tội và được nhìn thấy lại tại Damascus. Điều ấy có nghĩa Kitô Giáo đã hiện diện ở đó trước ngài.

Giải thích con số 33,000 nhà thờ, Đức TGM Nassar cho hay: tại Syria, có ba loại nhà thờ. Trước nhất có nhà thờ của phái độc tính (monophysite), chúng là các nhà thờ Chính Thống Syria và Chính Thống Armenia. Họ có một vị thượng phụ sống tại Damascus. Thứ hai là Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Đây là Giáo Hội lớn nhất tại Syria, rồi đến các nhà thờ Công Giáo và Thệ Phản. Trừ các nhà thờ Thệ Phản, tất cả các nhà thờ khác đều rất cổ xưa, có từ thời các Tông Đồ. Đức TGM Nasser thuộc Giáo Hội Maronite, do Thánh Maron thiết lập vào thế kỷ thứ 5. Thánh nhân là một đan sĩ thường sống đâu đó giữa Aleppo và Antioch. Giáo Hội Maronite có mặt tại Syria trong 1,000 năm đầu, sau đó di chuyển qua miền đồi núi Lebanon và từ đó tới khắp mọi nơi, kể cả Úc và Mỹ. Hơn một nửa số tín hữu của Giáo Hội sống bên ngoài Trung Đông.

Đức TGM Nasser cho biết thêm, về phương diện chính thức, có từ 8 tới 10 phần trăm dân số Syria là Kitô hữu. Có người nói là từ 4 tới 5 phần trăm. Dù sao, Kitô hữu vẫn là thiểu số. Vào khoảng 1 triệu người trong tổng số 21 triệu dân. Ngoài Kitô Giáo, Syria còn có Hồi Giáo Sunni, mà người ta vốn coi là Hồi Giáo chính thống; họ chiếm gần 80% dân số, và một loại Hồi Giáo khác gọi là Alawites [1], chiếm khoảng 10%. Số còn lại là Kitô hữu.

Về mối liên hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo tại Syria, Đức TGM Nasser cho biết: họ sống bên nhau từ 1,400 năm nay. Đôi lúc họ có vấn đề với nhau nhưng vẫn sống với nhau. Họ chia sẻ và sống cạnh nhau. Tại tòa giám mục Damascus, phòng ngủ của Đức TGM nằm ngay cạnh một đền thờ Hồi Giáo, nhờ thế ngài nghe rõ lời cầu nguyện của họ và họ cũng nghe rõ lời cầu nguyện của Kitô hữu. Thành thử người Kitô hữu và người Hồi Giáo chung sống trên căn bản hàng ngày.

Đức TGM Nasser cũng cho hay ngài thường xuyên tiếp xúc với các giáo sĩ và các đại diện khác của Hồi Giáo. Các vị Hồi Giáo tới dự Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Các vị Công Giáo tới thăm các vị Hồi Giáo dịp Lễ Ashura hay Ramadan hay Eid-ul-Fitr. Theo Đức TGM, họ thực sự như một gia đình. Sự khoan dung đối với người Kitô Giáo được duy trì tại Syria, trong khi tại các nước chung quanh như Iraq và nhiều nước khác, mối liên hệ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo hiện đang lâm vào ngõ bí. Lý do vì chính phủ Syria luôn luôn săn sóc các nhóm thiểu số. Họ không để vấn đề nổi lên giữa người Hồi Giáo và người Kitô hữu. Chính phủ đóng vai trò đáng kể trong phạm vi này. Và họ rất thành công.

Các thách đố

Tuy thế, Giáo Hội tại Syia đang gặp khá nhiều thách đố. Thách đố đầu tiên và chính yếu dĩ nhiên là thân phận thiểu số giữa một môi trường chủ yếu là Hồi Giáo. Người Hồi Giáo không cưỡng bức người Kitô Giáo trở lại nhưng khi một gia đình Kitô hữu, chẳng hạn, phải sống trong một chung cư với 12 gia đình Hồi Giáo, thì trẻ em Kitô Giáo tất nhiên chơi chung với trẻ em Hồi Giáo, đi học chung với chúng. Thế là dần dần, trẻ em Kitô Giáo học hỏi đức tin Hồi Giáo nhiều hơn là đức tin Kitô Giáo. Ngài bảo: "Chúng tôi mất đi sự hiện diện vì chúng tôi quá ít về con số và thiếu hẳn sự yểm trợ địa phương để có thể ở với nhau, củng cố đức tin, dạy con em chúng tôi và giữ chân con em chúng tôi trong các giáo xứ địa phương của mình".

Hậu quả, là dần dần, trẻ em Kitô Giáo biết Kinh Koran và Mohammed nhiều hơn Chúa Giêsu Kitô. Mỗi tuần, chúng chỉ được học một giờ giáo lý. Các vị hữu trách phải đem xe tới đón các em rồi đưa các em về. Đôi khi các em tới, đôi khi không, một giờ giáo lý đâu có thấm thía gì. Nên Đức TGM phải cố gắng tìm cách làm thế nào để duy trì Giáo Hội Kitô Giáo tiếp tục sinh động tại lãnh thổ của Thánh Kinh này.

Vấn đề khác là khi một thiếu nữ muốn kết hôn với một thanh niên Hồi Giáo, cô phải trở lại Hồi Giáo. Một thanh niên Kitô Giáo muốn cưới một thiếu nữ Hồi Giáo cũng vậy, chàng phải trở lại Hồi Giáo. Đây là một luật rất xưa, nhưng người Kitô hữu không thể nào thay đổi nó được. Không ai buộc thanh niên này cưới thiếu nữ Hồi Giáo kia, nhưng khi 95% thiếu nữ theo Hồi Giáo và chỉ có 5% thiếu nữ theo Kitô Giáo, thì đương nhiên có nhiều chọn lựa giữa nhóm chiếm 95% dân số hơn nhóm chỉ chiếm 5% dân số. "Bởi thế, khi chàng lấy vợ, chúng tôi mất người của mình cách đó".

Có bao giờ người Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo không? Nếu có thì thái độ của người Kitô hữu ra sao, vì đối với Hồi Giáo, trở lại như thế là phản bội, một tội đáng chết? Đức TGM Nasser cho rằng đó là chủ nghĩa cuồng tín. Tuy nhiên, cũng có người Hồi Giáo đến với Giáo Hội Kitô; họ cũng học giáo lý, tham dự các buổi tụ họp, nhưng không thể rửa tội cho họ. Họ có thể là Kitô hữu trong tâm hồn, nhưng không được tỏ ra bề ngoài. Một thứ Kitô hữu dấu mặt? Đúng thế, vì họ không thể biểu lộ ra bề ngoài. Tuy nhiên, người Kitô hữu mở rộng tâm hồn chào đón họ. Một số lớn dự lễ hàng ngày, theo các lớp Thánh Kinh và giáo lý. Họ sẵn sàng lui tới, nhưng bề ngoài phải tỏ ra là người Hồi Giáo.

Thái độ trong hoàn cảnh này ra sao? Đức TGM cho hay: ngài sẵn sàng tiếp đón họ nhưng không thể rửa tội cho họ. Làm khác thế sẽ gặp rắc rối với chính phủ. Đức TGM quả quyết: "Nhưng Giáo Hội của chúng tôi là một Giáo Hội hạnh phúc. Chúng tôi không đông nhưng chúng tôi là một Giáo Hội bé nhỏ nhưng rất tích cực và năng động và có được một sinh hoạt đại kết hết sức tốt đẹp. Chúng tôi làm việc với nhau; ở Damascus, chúng tôi có 9 giám mục, 5 vị là Chính Thống, 4 vị là Công Giáo, mỗi tháng chúng tôi gặp nhau một lần để chia sẻ công tác mục vụ, cầu nguyện với nhau và cùng nhau tổ chức việc mục vụ. Hết sức tốt đẹp. Tại nhà thờ, khi người ta tới tham dự Thánh Lễ do tôi cử hành, thì không phải chỉ có người Công Giáo, một số là Chính Thống Giáo, một số là tín hữu của các Giáo Hội Kitô khác. Giáo dân của tôi cũng dự lễ tại nhà thờ Chính Thống Giáo. Điều ấy biến chúng tôi thành gần như một gia đình.

Đức TGM Nasser nhân dịp này cũng nói đến một Trung Đông mà không có Syria. Theo ngài, hiện nay tại Trung Đông đang có chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan, chiến tranh tại Iraq, chiến tranh giữa Palestine và Do Thái và rồi chiến tranh tại Lebanon. Chỉ còn Syria là nước duy nhất có hòa bình trong khu vực. Chính vì thế, ai ai cũng muốn tới sống tại Syria vì là nơi duy nhất để sống bình an, để làm việc, cầu nguyện và học hành; nó là thành phố đại học. Cho nên nếu không có Syria, đa số người ta sẽ bỏ Trung Đông. Chắc chắn họ sẽ ra đi, sẽ di cư.

Tuy nhiên, Đức TGM cho rằng ngài phải hy vọng vì Giáo Hội ở đây vẫn là một Giáo Hội của hy vọng: "Chúng tôi không thể bi quan. Đó là niềm tin của chúng tôi dù có thể trở thành tử đạo; tôi đã thấy một số Kitô hữu Iraq, họ rất hạnh phúc bất chấp bách hại. Dù sao, Chúa Giêsu Kitô cũng đã là một người tị nạn, và là một người tử đạo. Người ban cho tôi sức mạnh trong đức tin của tôi ở đời này và điều này rất đẹp để chứng tỏ cho mọi người rõ ở lại đây quả quan trọng biết bao"

------

[1] Alawites là nhóm thiểu số tôn giáo khá nổi ở Syria. Họ tự cho họ là một giáo phái Hồi Giáo Shi-a.

Vũ Văn An