Lễ Hiện Xuống: ĐTC Biển Đức XVI Sẽ Tiếp 1.400 Người Digan Ở Vatican

Kỷ niệm sinh nhật Chân phước Ceferino

ROMA - ĐTC Biển Đức XVI sẽ tiếp khoảng 1.400 người Digan tại Vatican vào trưa ngày thứ bảy 11-6, theo Hội đồng Tòa thánh về mục vụ cho người Di dân và người Lưu động. 

Từ nhiều thập kỷ qua, các đại hội mục vụ do Hội đồng này tổ chức đã thu hút đến Vatican hàng ngàn người Digan. 

Chân phước đầu tiên người Digan

Người Digan từ các nhóm dân tộc khác nhau - Roma, Sinti, Manush... - và từ khắp châu Âu đến, sẽ mừng vào lễ Hiện Xuống, bằng một cuộc hành hương đến Roma, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của người Digan đầu tiên được nhìn nhận là vị tử đạo vì đức tin, chân phước Ceferino (Zephyrin) Gimenez Malla, Ngài là nạn nhân vào năm 1936 của cuộc bách hại được mở ra ở Tây Ban Nha dưới vỏ bọc của cuộc nội chiến. Ngài đã bị bắn chết do bảo vệ một linh mục, và từ chối tháo chuỗi tràng hạt của mình, điều mà một người bạn vô chính phủ khuyên Ngài làm khi muốn cứu Ngài.

Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh, sẽ tiếp đón ngày 11-6 các người tham dự, và Ngài sẽ thảo luận về sự tham gia ngày càng tăng của các du khách này giữa lòng Giáo hội, nơi họ có thể “tìm thấy sự hỗ trợ, trong sự tồn tại của họ thường được đánh dấu bởi sự bị gạt bên lề và không được tin tưởng".

Cuộc sống của các du khách này sẽ được kể rõ với ĐTC Biển Đức XVI bởi bốn người, trong đó có một phụ nữ trốn thoát khỏi các trại tập trung Đức Quốc xã.

Người Digan và các ĐTC

ĐTC Phaolô VI - đang đau vào ngày ấy - đã muốn gặp cộng đồng người Digan ngày 26-9-1965 ở Pomezia, gần Roma. ĐTC Gioan Phaolô II đã tiếp đón các người tham dự nhiều đại hội khác nhau tại Roma, và dịp Đại Năm Thánh năm 2000, Ngài đã xin lỗi về các tội lỗi do các thành viên Giáo hội Công giáo đã phạm với người Digan.

Hiện nay có khoảng 36 triệu người Digan trên toàn thế giới, trong đó có 18 triệu người ở Ấn Độ, nước gốc của họ, và 12-15 triệu người ở châu Âu, đặc biệt ở phía Đông Âu.

Chân phước Ceferino được phong chân phước bởi ĐTC Gioan Phaolô II ở Roma ngày 4-5-1997. Tiếp một nhóm người digan ở Pháp, ĐTC tuyên bố rằng "chân phước Ceferino là một người Digan đáng ngưỡng mộ bởi sự khôn ngoan và sự nghiêm túc của cuộc sống làm người và làm Kitô hữu của Ngài" và "một mẫu gương đẹp của lòng trung thành trong đức tin cho tất cả các Kitô hữu, đặc biệt là cho các bạn, những người Digan, người gần gũi với Ngài bằng quốc tịch và văn hóa".

Giáo dân và vị tử đạo

Ceferino (Zephyrin) Gimenez Malla, giáo dân và vị tử đạo (1861-1936), kết hôn lúc đầu theo phong tục người Digan. Nhưng vào năm 1874, Ngài xin nhận lãnh bí tích hôn nhân của Giáo Hội. Vì Ngài không có con, Zephyrin nhận một ngươi cháu gái của vợ làm con nuôi, và đối xử như là con gái ruột của mình.

"El Pele" là biệt danh của Ngài, là người buôn ngựa, và Ngài di chuyển từ hội chợ này sang hội chợ khác. Ngài tự nhận xét rằng thật là “khó làm một thương gia mà không có tội lỗi". Nhưng sự trung thực và sự khôn ngoan của Ngài cho phép Ngài được chọn, mặc dù Ngài không biết chữ, là một trong 10 cố vấn của thành phố Barbastro ở Aragon. Là người xây dựng hòa bình, Ngài thường làm trung gian hòa giải cho cho các đồng nghiệp của mình: Ngài được gọi là "thị trưởng của người Digan". Chính Đức Giám mục Florentin Asensio Barroso, đã không ngần ngại tham khảo ý kiến của Ngài.

Trở thành người Dòng Ba Phanxicô năm 1926, El Pele cũng là thành viên Hội Bác ái Vinh Sơn, và tự hiến đời mình cho các bệnh nhân và người nghèo nhất.

Cuối đời mình, Ngài đi lễ hàng ngày, tỏ ra siêng chầu Thánh thể ngày thứ năm hàng tuần, và mỗi tháng một lần, chầu Thánh Thể ban đêm nữa. Ngài dạy giáo lý cho trẻ em, và luôn đeo chuỗi tràng hạt bên mình.

Vào thời điểm bách hại tôn giáo, vốn xảy ra trước và đi kèm cuộc nội chiến, Ngài đã bị các dân quân bắt giữ, vì Ngài bảo vệ một linh mục trẻ. Bị cầm tù, Ngài từ chối cởi chuỗi tràng hạt của mình, vì nếu Ngài cởi chuỗi, Ngài sẽ được tự do. Và Ngài đã bị bắn, cùng ngày với Đức Giám mục của mình: cả hai vị được phong Chân phước cùng một ngày với nhau! Ngài qua đời sau khi hô to "Vạn tuế Chúa Kitô Vua". Thân xác Ngài bị ném vào huyệt tập thể, và không bao giờ được tìm thấy. (Zenit 7-6-2011)

Phạm Kim An